ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Đối với những người hay bi quan yếm
thế và lúc nào cũng ray rứt trong lòng thì tôi rất muốn nói với họ rằng:
«Các bạn thật ngu ngốc vô cùng !» Một lần tại Hoa kỳ tôi gặp một người phụ nữ
lúc nào cũng thấy mình đau khổ vô ngần nhưng không biết vì lý do gì. Tôi nói
với bà ấy : « Đừng dày vò mình như thế ! Bà còn trẻ, còn biết bao nhiêu năm
tháng trước mặt, đâu có lý do gì để đay nghiến trong lòng ! ». Bà ấy trách lại
tôi tại sao lại xen vào chuyện người khác như vậy. Tôi trả lời là câu nói ấy
chẳng ích lợi gì cả. Tôi bèn nắm lấy tay bà và vỗ nhẹ một cách thật thân ái và
bà ta đổi hẳn thái độ.
Đối với những người như thế thì ta
chỉ có thể giúp họ bằng tình thương và sự trìu mến. Tuy nhiên đây không phải là
thứ tình thương hời hợt bề ngoài hay những ngôn từ rỗng tuếch, mà phải là một
thứ gì đó phát xuất từ đáy lòng mình. Khi tranh luận với nhau thì người ta
thường dựa vào lý trí, nhưng khi thật sự muốn bộc lộ tình thương hay sự dịu
dàng thì không nên dựa vào lý trí mà phải phát xuất thẳng từ con tim. Sau cùng
thì người phụ nữ ấy đã thay đổi hẳn. Bà ta tươi cười một cách thật hồn nhiên.
Nếu bạn là một người yếm thế thì hãy
nghĩ rằng bạn cũng là một thành phần của xã hội, và con người thì trong tận
cùng của lòng mình luôn luôn biểu lộ tình người một cách tự nhiên. Bạn luôn có
thể tìm thấy một người nào đó để gửi gấm những ước vọng của mình, một người nào
đó thật xứng đáng để làm một tấm gương soi chung. Cứ ray rứt mãi trong lòng như
thế thì nào có ích lợi gì.
Hãy hướng những suy tư của mình vào
một khía cạnh tích cực hơn. Quả là một điều hết sức sai lầm khi cho rằng thế
giới này thật tồi tệ. Thực sự ta phải công nhận là có những kẻ hung ác, nhưng
điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều hung ác vì vẫn có rất nhiều
người cao thượng và bao dung.
Những người cảm nhận thế giới như
vừa kể trên đây sẽ không còn tin tưởng vào ai nữa và cảm thấy rất cô đơn. Nỗi
cô đơn đến từ trong lòng, chẳng qua cũng vì họ không đủ sức nghĩ đến kẻ khác.
Khi không đủ sức nghĩ đến kẻ khác thì ta sẽ xét đoán mọi người dựa vào chính
bản thân mình và rồi ta sẽ có cảm tưởng rằng kẻ khác nghĩ về ta cũng như ta nghĩ
về họ. Trong trường hợp như thế, nếu những xúc cảm cô đơn có tràn ngập lòng ta
thì cũng không nên ngạc nhiên. Tôi nhớ đến một câu chuyện thật của tôi. Câu
chuyện ấy cho thấy những lợi ích của cách cư xử tích cực. Một hôm có một người
đàn ông đến Dharamsala (1) và người này liên hệ mật thiết với cộng sản Trung
quốc. Ông ấy trạc ngoài bảy mươi. Chúng tôi gặp nhau trong gian phòng mà hiện
chúng ta đang ngồi đây.
Nhiều người trong phòng họp đã được
thông báo trước là vị này sắp đến. Tất cả đều gán sẵn cho vị ấy cái nhãn « cộng
sản Trung quốc » và trong trí mọi người đều mang những định kiến không tốt. Về
phần mình thì ông ấy cũng tự nhận rất khâm phục Trung quốc và gợi ý cho biết
ông ta cũng thuộc vào thành phần đảng viên cầm quyền. Kết cuộc khi hai bên gặp
nhau thì dường như có một bầu không khí thật ngột ngạt bao trùm gian phòng.
Riêng cá nhân tôi thì không có gì
chống đối ông ta cả. Tôi nghĩ rằng ông ta cũng là một con người như bất cứ một
con người nào khác và ông ta đã tin vào lời của những người Trung quốc chẳng
qua chỉ vì không nắm được đầy đủ thông tin thế thôi. Hoàn cảnh Tây tạng thật
hết sức bi thảm nhưng tôi cũng không thể nào nói khác đi để làm vui lòng ông
ấy. Tôi trình bày với ông ta những sự kiện đúng như thế.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, ông ta nói
với tôi với một giọng rất khiêu khích nhưng tôi vẫn xem ông ấy như một con
người và nói với ông ấy về xứ Tây tạng một cách rất thân thiện. Sang hôm sau,
thái độ của ông ta đã hoàn toàn đổi hẳn.
Lúc mới họp, sự đối nghịch đã đặt
ông ta vào một tư thế không được thoải mái cho lắm. Nếu đồng thời tôi lại tỏ ra
mất bình tĩnh thì mỗi người sẽ rút về tư thế của mình. Tôi sẽ không còn chú ý
gì nữa đến những luận chứng của ông ta đưa ra, và ông ta cũng sẽ không quan tâm
gì đến những lời tôi nói. Tôi xem ông ấy cũng là một con người và tự nhủ rằng
mọi người cũng như nhau, chỉ vì không nắm được thông tin đầy đủ mà sinh ra như
thế. Tôi đã cư xử với ông ta một cách hết sức chân tình và rồi dần
dần đã giúp ông ấy tự mở rộng được lòng mình.
Có những người chỉ nhìn thấy khía
cạnh tiêu cực của mọi sự việc. Thật hết sức lạ lùng ! Trong cộng đồng người Tây
tạng tị nạn chẳng hạn, tất cả đều là những người lưu vong chịu cùng một hoàn
cảnh, nhưng một số thì rất thỏa nguyện, chỉ thích kể chuyện khôi hài, gợi lên
những niềm hy vọng, trái lại một số khác thì không hề nhìn thấy bất cứ điều gì
tốt đẹp cả. Họ chỉ tuyệt nhiên nêu lên những chuyện không hay và luôn luôn ray
rứt trong lòng.
Kinh sách nhà Phật có nói rằng thế
giới này có thể hiện ra với ta như một người bạn hay một kẻ thù, có thể mang
nặng khuyết điểm hoặc chứa đầy phẩm tính và tất cả là do nơi tâm thức của mình
mà thôi. Nói một cách tổng quát, không có gì hoàn toàn thuận lợi hay hoàn toàn
bất lợi. Tất cả những gì mà ta cần dùng – thực phẩm, quần áo, nhà cửa – và tất cả
mọi người đang sống chung với ta – gia đình, bạn hữu, người trên, kẻ dưới,
thầy, trò, v.v... – tất cả đều có nhiều phẩm tính nhưng đồng thời cũng mang
nhiều khiếm khuyết. Nó là như thế mà thôi ! Nếu muốn đánh giá thực tại một cách
đúng đắn, phải chấp nhận cả những gì tốt lẫn xấu, đúng như thế không thêm
bớt gì cả.
Có một quan điểm cho rằng có thể một
ngày nào đó ta cũng sẽ nhìn thấy mọi sự với một tinh thần tích cực hơn. Kể cả
khổ đau rồi cũng sẽ được xem là lợi ích. Tôi không muốn mang tín ngưỡng vào
trong trường hợp này. Tôi chỉ đơn giản nêu lên là những người từng trải, đã
vượt qua nhiều thử thách, thì thông thường họ không ta thán gì khi gặp phải
những phiền toái nhỏ nhặt. Những khó khăn mà họ từng gánh chịu đã hun đúc tánh
khí của họ, giúp cho họ có một tầm nhìn bao quát hơn, một tâm thức vững chắc
hơn, gần với hiện thực hơn, kể cả đã mang đến cho họ những khả năng giúp nhìn
thấy mọi sự đúng với bản chất của chúng. Những người sống trong yên ấm và chưa
hề gặp một khó khăn nào thì sẽ dễ bị tách rời khỏi hiện thực. Gặp phải một điều
phiền nhiễu nhỏ nhặt là họ « lấp đầy cả xứ sở này bằng những lời ta thán ». Tôi
thường thấy những cảnh như thế và cũng hấp thụ được nhiều kinh nghiệm đối với
chính tôi.
Tôi mất quê hương và đã phải trải
qua một phần lớn cuộc đời mình trong cảnh lưu vong. Dân tôi bị hành hạ, tàn
sát, chùa chiền bị san bằng, văn hoá bị chà đạp, xứ sở bị phá phách, tài nguyên
bị vơ vét. Trước những chuyện như thế thì chẳng có gì là vui cả. Tuy thế, khi
sống ở những nơi khác, tiếp xúc với những dân tộc khác, những tôn giáo khác,
những nền văn hoá khác và khoa học khác, tôi đã thâu thập được nhiều hiểu biết
hơn. Tôi đã tìm thấy những hình thức tự do và những cách nhìn về thế giới này
mà trước đây tôi không hề biết.
Trong cộng đồng những người Tây tạng
lưu vong và trong số những người gánh chịu nhiều khổ đau nhất thì người ta lại
tìm thấy nhiều người vui vẻ nhất và với nội tâm vững chắc nhất. Có những người
sau hai mươi năm tù tội trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất đã nói với tôi
rằng những gì mà họ từng chịu đựng đã đem đến những năm tháng đẹp nhất trong
đời họ trên quan điểm tinh thần. Một vị sư trong tu viện của tôi bị tra tấn rất
tàn nhẫn suốt nhiều năm với mục đích bắt phải hoàn tục. Khi vị này trốn thoát
qua Ấn độ, tôi có hỏi vị ấy có sợ hay không. Vị này trả lời một cách rất thành
thật rằng cái sợ duy nhất trong những lúc bị hành hạ là cái sợ không còn giữ
được lòng từ bi để yêu thương những người cai ngục đã tra tấn mình. Những ai đã
từng sống ở Pháp, Đức, Anh và các nơi khác trong thời kỳ Thế chiến Thứ hai và
tiếp theo sau đó là giai đoạn thiếu thốn, sẽ không còn bị những thứ phiền nhiễu
nhỏ nhặt làm cho họ điêu đứng. Họ sống an phận vì đã từng trải qua những gì tệ
hại hơn nhiều. Ngược lại, những người không hề biết cuộc chiến ấy thì sống thật
hạnh phúc như trong một ngôi trường mầm non, sẵn sàng rên rỉ và có thể ngã quỵ
khi phải đương đầu với khó khăn. Hạnh phúc ngay trước mặt nhưng họ nào có thấy
đâu !
Trong số những người thuộc thế hệ
mới, một số đã không thỏa mãn với những tiến bộ vật chất mà đã tìm thấy đời
sống tinh thần. Điều ấy đối với tôi là những gì thật tích cực.
Dầu sao đi nữa, chúng ta hãy ý thức
rằng thế giới này bao gồm cả những điều tốt lẫn xấu, và những gì mà ta
gọi là hiện thực thì phần lớn chẳng qua cũng chỉ là những sáng tạo của tâm thức
mà thôi.
Ghi chú :
1- Là một thị trấn nhỏ thuộc
tận cùng miền bắc Ấn độ, nơi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hiện lưu ngụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét