Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

CHĂM SÓC BÀN CHÂN

Ann Nguyen (facebook)

Ann Nguyen photo
Có khi nào bạn tự hỏi ta đã chăm sóc bàn chân mình một cách công bằng và chu đáo? Bàn chân đưa ta đi từ điểm này đến điểm khác cho hầu hết mọi sinh hoạt hằng ngày. Bàn chân là nơi chịu nhiều lực nén của cơ thể, bàn chân là nơi xa nhất mà trái tim cần đem máu đến, dẫn máu về. Ôi, bàn chân mới đáng thương làm sao, bạn nhỉ?!

Theo cơ thể học thì lòng bàn chân có rất nhiều điểm tận cùng của các đầu dây thần kinh nơi mà nếu bạn xoa bóp nhè nhẹ lên đó sẽ mang lại cho bạn một cảm giác dễ chịu và thư thái. Bên cạnh cái ưu thì cũng có cái khuyết , lòng bàn chân, gót chân, và đầu ngón chân là nơi có nhiều lớp da sừng, dày và ít máu nuôi. Bởi thế, bạn dễ có các vết chai ở nơi đây nếu như như cọ xác xảy ra và lập đi lập lại. Tránh cọ sát như đi một kiểu giày nhiều ngày hay mang giày chật sẽ làm sự xuất hiện các vết chai chậm hơn và mỏng hơn.

Da bàn chân cần một môi trường ẩm vừa phải để nuôi sống tế bào sừng cho nên bạn nên cho tí kem dưỡng da (skin lotion), vaseline, hay dầu lên mu bàn chân và lòng bàn chân sau khi tắm nước ấm hay ở vùng khí hậu lạnh. Điều nên tránh la không thoa những thứ này vào những kẻ ngón chân. Bạn sẽ thắc mắc “tại sao”! Vì da giữa các ngón chân mềm, không có lớp sừng và môi trường quá ẩm sẽ làm những con nấm sinh sôi nảy nở và rồi bạn sẽ bị nhiễm nấm giữa những kẻ chân.

Những đều trên càng được chú ý đặc biệt hơn nếu bạn có bệnh tiểu đường hay thần kinh ngoại biên vì chân bạn rất kém về việc cảm nhận. Bạn không có khả năng nhận biết đau, nóng, lạnh một cách nhanh nhẹn và chính xác. Thế nên, vật nhọn chạm vào không làm bạn đau, nước nóng hay vật nóng như máy heater, than cháy đỏ, hay vết cắt cũng không làm bạn thấy nóng cho đến khi chân bạn bị tổn thương và trở thành một vết loét. Nguy cơ nhiễm trùng và cưa chân sẽ rất cao. Ôi…bàn chân không thể giúp bạn đi từ điểm này sang điểm khác. Buồn thay! Thế nên đừng bao giờ đi chân trần hay ngâm chân trong nước nóng bạn nhé.

Một dịp nào đó thả đôi bàn chân của mình lên bãi cát mịn màng rồi bước đi những bước thong dong…và quay lại nhìn những vết chân trần trên cát. Bạn sẽ khám phá ra điều thú vị. Lực nén của bàn chân không đều nhau, vết hằn sâu trên cát có những  hình dáng khác nhau tuỳ theo phần cát bạn bước xuống mềm hay nén, tuỳ theo bước chân sãi dài hay ngắn và tuỳ theo bạn đi nhanh hay chậm. Xương bàn chân, cơ bàn chân, và các dây chằng quanh xương và cơ này rất mảnh mai và uyển chuyển. Bàn chân và lực tác dụng vào bàn chân sẽ theo đổi theo cách ta bước đi và loại giày dép ta mang. Giày cao gót và dáng thon nhọn làm phụ nữ có dáng hơn nhưng bạn nên lưu ý cho xương chân của mình về lâu về dài nhé. Các đấng mày râu thì ít khi để ý đến giày dép cho lắm vì thường chủ quan “chân cứng”. Lời khuyên của các chuyên gia bàn chân là bạn nên thay đổi giày dép mỗi ngày, không dùng  giày quá cao, quá chật, hay quá rộng.

Điều cuối cùng là nên đưa hai bàn chân lên cao bằng mực tim sau một ngày “ chúng nó” phải lặn lội cùng bạn từ đông sang tây. Điều này giúp hệ thống tĩnh mạch mang máu về tim giúp cho hệ tuần hoàn được cân đối.  bạn có thể kê cao bằng gối, bằng con thú nhồi bông, hay trên sofa trong lúc xem Tivi.

Chúc bạn có những giây phút thú vị  khám phá đôi bàn chân của mình! Hay hơn nữa hay cùng chăm sóc và khám phá bàn chân của nhau nếu bạn có bạn đời, bố mẹ già, hay con nhỏ. Hãy chia sẻ những gì bạn khám phá về đôi bàn chân nhé!

Ann Nguyen, RN, WCC
San Jose, 02/21/2014 

Không có nhận xét nào: