Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

VẼ NGƯỜI VẼ MẶT KHÓ VẼ LÒNG ...

Thiền sư Nguyện Thuyền là một họa sĩ tải năng, nhưng thật kỳ lạ, trước khi vẽ tranh cho ai ông đều đòi được trả tiền trước, nếu không quyết sẽ không động bút. Vì tác phong ấy nên có rất nhiều lời đàm tiếu sau lưng thiền sư.
Một hôm, có một nữ sĩ nhờ thiền sư vẽ cho cô ta một bức tranh, thiền sư nói:
- Cô nương trả thù lao cho ta bao nhiêu?
Vị nữ sĩ đáp:
- Ngài đòi bao nhiêu tôi trả bấy nhiều, nhưng ngài phải đến nhà tôi múa bút trước mặt mọi người.
Thiền sư Nguyện Thuyền đồng ý theo cô về nhà. Thì ra cô đang mở tiệc đãi khách trong nhà. Thiền sư cầm bút vẽ tranh cho cô ta, vẽ xong, nhận thù lao định đi, nhưng vị nữ sĩ kia liền nói với quan khách giữa bàn tiệc:
- Vị họa gia này chỉ biết có tiền thôi, tranh ông ta vẽ tuy rất đẹp nhưng tâm địa như vậy là bẩn thỉu, vàng bạc đã làm nhơ hết cái thiện cái mỹ, một tác phẩm xuất phát từ tâm hồn như vậy không thể treo ở phòng khách, chỉ có thể dùng trang trí cho cái quần của tôi thôi...
Vị nữ sĩ nói xong liền cởi chiếc quần mình đang mặc ra, muốn thiền sư vẽ tranh lên mặt sau của chiếc quần. Thiền sư Nguyện Thuyền lại hỏi:
- Cô nương sẽ trả cho ta bao nhiêu tiền?
Vị nữ sĩ đáp:
- Ông đòi bao nhiêu tôi cũng đưa.
Thiền sư Nguyệt Thuyền liền đưa ra một cái giá rất đắt, sau đó vẽ theo yêu cầu của nữ sĩ. Vẽ xong liền ra về.
Rất nhiều người thắc mắc, vì sao một thiền sư mà cứ phải có tiền mới được, bị làm nhục như thế sao thiền sư vẫn chịu đựng được?
Mãi về sau, mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra, ở điạ phương của thiền sư Nguyện Thuyền thường xuyên gập nạn mất mùa, người giàu lại không chịu mở lòng bố thí cho dân nghèo, cho nên thiền sư xây một nhà kho dự trữ lương thực cứu tế. Ngoài ra, chính sư phụ của thiền sư Nguyện Thuyền khi còn sống cũng muốn xây dựng một ngôi thiền viện, nhưng chẳng may ý nguyện chưa thành thì đã qua đời. Thiền sư Nguyện Thuyền nguyện sẽ hoàn thành ý nguyện của sư phụ.
Sau khi hoàn thành các ý nguyện, thiền sư Nguyện Thuyền liền vứt bỏ hết bút vẽ, vào núi ở ẩn, không bao giờ vẽ tranh nữa. Thiền sư chỉ nói một câu rằng: "Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, vẽ người vẽ mặt khó vẽ lòng".

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

BÁT NƯỚC


Có một người giàu và một người nghèo cùng tranh luận thế nào là hạnh phúc.
Người nghèo nói:
- Hạnh phúc chính là hiện tại.
Người giàu nhìn người nghèo ăn bận quần áo cũ rách, ở trong chòi tranh lụp xụp, nói giọng khinh miệt:
- Vậy mà ngươi có thể gọi là hạnh phúc? Hạnh phúc của ta là tòa nhà trăm gian lộng lẫy nguy nga, là nô bộc cả ngàn người!
Cuộc đời biến đổi vô thường, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi tòa nhà trăm gian của người giàu, rồi tất cả nô bộc đều bỏ đi, người giàu chỉ trong một đêm biến thành kẻ ăn mày.
Người ăn mày lang thang xin ăn giữa trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, đi ngang qua chòi tranh của người nghèo, muốn xin nước uống. Người nghèo bưng ra một bát nước trong, hỏi:
- Thế bây giờ ông cho rằng cái gì là hạnh phúc?
Người ăn mày đáp:
- Hạnh phúc chính là bát nước ở trong tay ông lúc này đây...

Những cái chết bất ngờ

Thy Anh

"Bác sĩ N. chết được tháng nay rồi, bác sĩ hay chưa?" Bà bệnh nhân báo tin ngay khi vừa vào khám – N. ra đi thật bất ngờ nên chẳng hay biết gì, cả tháng nay vẫn giới thiệu bao nhiêu bệnh nhân bệnh khớp cho N.
Khoảng 40 tuổi, N. là một bác sĩ vui tính, bình dân, dáng người vững chãi, phòng mạch và phẫu thuật xương khớp đắt như tôm tươi. Đùng một cái, đang khám bệnh, N. kêu mệt, đi nằm rồi hôn mê luôn, hai tuần sau, chết tại BVCR. Cái chết bất ngờ của N. làm nhớ lại mấy trường hợp ra đi đột ngột của những người quen trong ngành. Cách đây gần 20 năm, bác sĩ chuyên khoa tim mạch B.Y, mới có 50, đang họp, đột ngột gục xuống bàn: xuất huyết não, vài ngày sau chết. Mấy năm trước, anh bạn cùng lớp, bác sĩ B.V.N, chuyên khoa ngoại, cũng mới hơn 50, dạy học tận tâm, mổ cũng giỏi, đang làm việc, đột ngột hôn mê, xuất huyết não, mãi một năm sau mới chết. Rồi đến bác sĩ T. chuyên khoa nội, vừa về hưu, đang đứng tham luận trong hội nghị, tự nhiên đớ lưỡi ấp úng rồi trợn mắt, gục ngay giữa hội nghị, xuất huyết não, vài ngày sau chết… Nếu kể cả những người không quen nữa, chắc còn nhiều. Ai cũng biết làm người thì phải chết, chỉ không biết được vào lúc nào thôi, nhưng ra đi sớm và đột ngột quá cũng thấy thế nào ấy...
Nhiều người cho rằng bác sĩ chữa cho người ta thì giỏi, còn chính mình thì cứ hay ỷ y, không chịu chăm sóc sức khỏe bản thân, đến khi biết bệnh thì đã quá muộn, hết thuốc chữa.


Bí Quyết Giữ Chồng

Hình như dạo này chồng không còn yêu tôi như hồi mới cưới nữa. Anh ấy hay về muộn, ít mua hoa, ít mua quà, đêm ngủ cũng ít khi quay sang ôm và hôn lên má vợ dịu dàng. Tại anh chán tôi? Hay tại những lo lắng của cuộc sống thường ngày khiến anh trở nên như vậy? Tôi cũng không biết nữa, và tôi đem những băn khoăn của mình tâm sự với chị hàng xóm, chị ấy nghe xong thì tủm tỉm cười, giọng đầy từng trải:
- Chồng chị cũng vậy đấy! Nhưng là trước đây thôi, chứ giờ thì lại ngon rồi! Mình là đàn bà, phải biết giữ chồng, phải biết cách làm cho chồng yêu mình chứ! Nếu mình không làm được việc đó thì sẽ có đứa khác nó làm đấy!
- Nói vậy tức là chị có bí quyết hả? Chỉ cho em với!
Chị hàng xóm không nói gì, chỉ lật đật mở cánh tủ, lấy ra một tờ báo, loạt soạt lật trang…
- Bí quyết đây! Em hãy làm theo hướng dẫn trong bài viết này. Đây là 4 cách giúp hâm nóng tình cảm vợ chồng. Chị đã thử và thành công.
Tôi cảm ơn rối rít rồi vồ lấy tờ báo đọc nghiến ngấu. Đúng là thứ tôi đang cần tìm thật rồi, phải áp dụng ngay thôi. Xem nào, cách thứ nhất: “Thay vì nấu cơm cho chồng như mọi ngày, hãy tạo sự bất ngờ bằng cách rủ chồng đi ăn nhà hàng. Điều đó sẽ khiến chồng bạn có cảm giác như được trở về cái thời hai người mới hẹn hò, tán tỉnh. Và chắc chắn anh ấy sẽ thích mê bởi cái cảm giác tuyệt vời ấy”.
Vậy là tôi dẹp hết mấy việc chợ búa, bếp núc sang một bên, hì hục lục tủ quần áo, chọn một chiếc váy trắng tinh khôi, rồi ngồi vào bàn trang điểm kẻ mắt, tô môi, hồi hộp mong chờ.
Nghe tiếng lạch cạch mở khóa, biết là chồng về, tôi chạy vụt ra cửa đợi sẵn. Chồng vừa đẩy cửa, thò mặt vào thì đã thấy tôi, trong chiếc váy tinh khôi, đứng dang rộng hai cánh tay, lộng lẫy, yêu kiều. Nhìn tôi lúc ấy giống hệt như nàng Rose khi đứng trên mũi tàu Titanic. Còn mặt chồng tôi thì hốt hoảng, sợ hãi, như mặt của cậu Vàng trong truyện Lão Hạc lúc bị bọn mua chó siết cái thòng lọng vào cổ và lôi đi.
- Cái quái gì thế này? Hết cả hồn! Rảnh sao không dọn cơm ra sẵn đi, còn bày trò dọa ma?!
- Hôm nay em không nấu cơm, mình đi ăn tiệm nhé?
- Tiền đâu? Tiền đâu mà đi ăn tiệm? Tiền nhà tháng này còn chưa đóng. Cuối tuần về quê bốc mộ rồi xây mộ mới cho ông nội cũng phải góp vài trăm, chưa biết xoay đâu ra đây này. Chưa nấu cơm mà còn đứng đấy à? Ra đầu ngõ mua mấy gói mì tôm về ăn tạm đi, định để chồng chết đói sao? Mà khoan, thay cái váy ra đã, mặc cái đó, người ta tưởng con điên, không ai bán cho đâu!
Vậy là cách 1 đã thất bại rồi. Nhưng không sao, vẫn còn 3 cách nữa cơ mà. Để xem, cách 2 là gì nào: “Theo thời gian, chuyện chăn gối sẽ trở nên nhạt dần, thay vì tắt đèn và hì hụi làm trong bóng đêm, sao bạn không thử cùng chồng làm chuyện đó dưới ánh nến lung linh nhỉ? Sẽ rất tuyệt đấy! Chắc chắn vợ chồng bạn sẽ có những phút giây thăng hoa tột đỉnh”.
Cách này đúng là tiện hơn. Nến thì hôm rằm tháng bảy cúng cô hồn vẫn còn thừa cả chục cây, khỏi phải mua, khỏi tốn tiền, và vì thế, chồng tôi hẳn sẽ chẳng có lí do mà cằn nhằn.
Vì còn giận chuyện lúc tối, nên khi đi ngủ, chồng không thèm ôm tôi mà nằm úp mặt vào tường, quay lưng lại phía tôi. Nhưng có lẽ tại ăn mì tôm nóng ruột, nên anh ấy cứ trằn trọc, trở mình liên tục. Tôi thì đang rất sốt ruột muốn tiến hành cách thứ 2, nên từ từ xích gần lại, nhẹ nhàng vòng tay ôm qua ngực chồng, đầu rúc vào nách chồng nũng nịu làm lành:
- Sao lúc tối anh mắng em ghê thế? Em chỉ muốn thay đổi tí cho nó có không khí thôi mà!
- Anh biết là em muốn thay đổi không khí, nhưng đợt này nhà mình đang bí! Thôi, đợi khi nào có tiền, anh đưa em đi ăn tiệm, nhé? – Chồng vuốt tóc tôi, giọng dịu dàng.
- Ừ! Ăn tiệm thì để sau cũng được, nhưng bây giờ, anh phải đền cho em!
- Đền gì?
- Không nói! Hì hì!
Tôi cười rồi luồn tay vào áo chồng mơn mê, khua khoắng. Chồng tôi có thể ngu ngơ trong làm ăn, ngờ nghệch trong giao tiếp, thế nhưng cái khoản này thì chồng tôi nhanh lắm. Lập tức anh vòng tay ôm ghì lấy tôi, quăng ngửa tôi xuống, rồi hăm hở leo lên. Tôi, dẫu mắt đã nhắm nghiền, người đã rạo rực, râm ran, nhưng vẫn gắng hết sức đẩy mạnh chồng ra, lồm cồm bò khỏi giường…
- Sao thế em? – Giọng chồng tôi ngỡ ngàng.
- Đợi tí! Em thắp nến!
Tôi mở ngăn kéo, lấy ra cái túi nến. Thế nhưng cái bật lửa thì tìm mãi không thấy đâu.
- Hồi nãy anh lấy bật lửa ở đây hút thuốc hả? Sao không để lại chỗ cũ?
- Hết ga, anh vứt vào thùng rác rồi!
- Bực thật! Đợi tí, em sang nhà hàng xóm mượn.
Sau một hồi kì kịch, cuối cùng tôi cũng đã thắp nến xong. Nhìn những ngọn nến xếp thành hình trái tim đang phập phồng tỏa thứ ánh sáng dìu dịu, lung linh, tôi thấy hân hoan vô cùng. Rồi tôi nhảy tót lên giường, lả lơi hôn đánh chụt vào má chồng. Thế nhưng, chồng tôi chả ý kiến gì, vẫn nằm quay lưng ra, úp mặt vào tường…
- Này! Ngủ đấy à? Dậy đi! Em thắp nến xong rồi!
Mặc cho tôi lay gọi, chồng vẫn ngáy o o, ngủ khò khò như một con bò. Vậy là cách hai lại không thành công.
Sáng hôm sau, trong lúc chồng đang đánh răng rửa mặt, tôi lại lôi tờ báo đó ra và nghiên cứu cách thứ 3. Cách thứ 3 dạy rằng: “Đôi khi, những bất ngờ nho nhỏ lại khiến chồng bạn phải lâng lâng, mỉm cười, đê mê, âm ỉ. Hãy vòng tay bất ngờ ôm chồng từ sau lưng lúc chồng đang đánh răng, hoặc hôn một cái vu vơ lên má chồng khi chồng đang sửa ống nước, chỉ cần thế thôi, anh ấy sẽ ngây ngất cả ngày”.
Hay! Cách này đơn giản mà hiệu quả lại cao. Cũng vừa đúng lúc chồng đang đánh răng, phải tiến hành ngay mới được. Vậy là tôi đẩy cửa nhà tắm, nhè nhẹ bước vào. Chồng tôi đã đánh răng xong rồi, đang ngồi ị trên bồn cầu. Không sao, vẫn tiến hành được, vì cái quan trọng là yếu tố bất ngờ thôi, chứ còn đánh răng hay ngồi ị cũng có khác gì nhau đâu. Tôi giả bộ đi vòng ra phía sau bồn cầu, cầm cái cây bàn chải cọ đi cọ lại, vờ như đang vệ sinh cái bệ xí, rồi bất ngờ tôi ôm choàng lấy vai chồng, thơm lên má chồng một cái thật tình tứ. Tưởng là thơm xong, chồng sẽ mỉm cười, ôm tôi vào lòng, ngập tràn hạnh phúc, nhưng không, mặt chồng tôi nhăn mặt lại với vẻ rất khó chịu và đau đớn. Bực mình và thất vọng quá, tôi gào lên giận dỗi:
- Anh vừa phải thôi chứ! Được vợ hôn mà cái mặt anh nhăn lại như bị chó dại cắn thế à?
- Không phải thế! Anh đang bị táo bón. Có mỗi cái cục thập thò mà rặn suốt nãy đến giờ nó không chịu ra. Rát quá!
Cách thứ 3 cũng lại thất bại. Tôi bắt đầu thấy không tin vào mấy cái bí quyết này rồi. Nhưng thôi, còn cách cuối cùng, áp dụng nốt xem sao. Biết đâu cách 4 này lại thành công rực rỡ? Và tôi lại với lấy tờ báo, đăm chiêu nghiên cứu. Cách 4 viết rằng: “Bạn đừng nghĩ đã là vợ chồng rồi thì không cần phải nói với nhau những lời ngọt ngào, tình cảm. Càng là vợ chồng thì lại càng cần những lời âu yếm đó. Hãy nhắn cho chồng một tin nhắn thật lãng mạn, chan chứa yêu thương, chắc chắn tim anh ấy sẽ run lên vì hạnh phúc”.
Tưởng gì, cách này còn dễ hơn cả mấy cách trước. Tôi vồ lấy điện thoại, ngón tay lướt trên phím nhoay nhoáy: “Anh yêu à! Cho dù một ngày nào đó biển có cạn khô, núi có mòn, non có lở, những áng mây trên trời ngừng bay, những con suối trong rừng ngừng chảy, thì em vẫn mãi yêu anh, yêu anh hơn tất thảy, thì mỗi lần được bên anh, được anh vỗ về, ôm siết trong vòng tay là mỗi lần trời đất cuồng quay, là mỗi lần tim em run rẩy và toàn thân em tan chảy. Em có một ước ao, em có một khát khao, là suốt đời này mình mãi mãi bên nhau”.
Xong! Tôi đọc lại tin nhắn mình vừa soạn, gật gù với vẻ hài lòng, rồi gửi cho chồng. Tuy không được ở bên để tận mắt chứng kiến xem cái tin nhắn này sẽ khiến chồng tôi ngất ngây và hạnh phúc đến chừng nào, nhưng tôi tin chắc rằng cả ngày hôm nay, chồng tôi sẽ lâng lâng như ở trên mây, rồi ngóng chờ từng phút, từng giây để được về nhà, được ở bên tôi, được yêu tôi. Quả đúng vậy thật, chỉ khoảng 30 phút sau, đã thấy chồng tôi về nhà, mặt hằm hằm:
- Tin nhắn này là thế nào? Cô nhắn cho thằng nào hả? Bình thường nhắn cho chồng thì cộc lốc, cụt ngủn, vậy mà nhắn cho giai thì ngọt ngào, lả lơi thế! Nếu cô không gửi nhầm sang số của tôi thì không biết đến bao giờ tôi mới nhận ra bộ mặt thật của cô? Đồ lẳng lơ!
- Ơ! Không! Em nhắn cho anh mà! Anh đừng…
- Này thì đừng này! Bốp! Bốp!
Không để cho tôi nói hết câu, chồng tôi lao đến tát vào mặt tôi tới tấp. Anh ấy tát nhiều và nhanh đến nỗi chẳng để cho tôi khoảng trống nào mà mở mồm ra giải thích. Tất nhiên, cuối cùng, sau khi tôi đưa cái tờ báo với 4 bí quyết quý báu ấy ra thì chồng tôi cũng phải tin. Nhưng lúc anh tin cũng là lúc mồm tôi đã sưng vều, tím bầm, rươm rướm máu, hai cái răng lung lay khiến tôi không ăn được cơm mà phải húp cháo. Thấy tôi như thế, chị hàng xóm sốt sắng hỏi thăm:
- Mồm miệng sao vậy? Lại còn ăn cháo nữa?
- Dạ! Em bị ngã thôi, không sao đâu ạ!
- Ừ, mà này, chị mang cho em mượn tờ báo này, nó có bài hướng dẫn 10 cách giúp hâm nóng tình cảm vợ chồng, hay và hiệu quả hơn 4 cách trước nhiều đấy. Em thử áp dụng xem.
- Dạ thôi! 4 cách là đủ rồi ạ! Em húp cháo thế này là được rồi, chứ 10 cách chắc phải vào viện truyền nước, tốn kém lắm!

Nguồn: Võ tòng đánh mèo

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

MUA TRÍ TUỆ

Có một anh nọ, vào trong thành tìm gặp một hòa thượng hỏi:
- Ngài có thể bán trí tuệ của ngài cho tôi không?
Hòa thượng đáp:
- Trí tuệ của ta rất quý, một câu nói đáng giá ngàn lạng bạc.
Anh nọ nói:
- Chỉ cần mua được trí tuệ, bao nhiêu tôi cũng trả.
Hòa thượng bảo:
- Khi gặp khó khăn không nên vội vàng xử lý, phải bước tới ba bước rồi bước lui ba bước, tới lui ba lần như vậy thì người sẽ có được trí tuệ.
"Trí tuệ" đơn giản như vậy sao? Anh nọ nghe xong bán tín bán nghi sợ bị hòa thượng lừa tiền. Hòa thượng biết rõ suy nghĩ của anh nọ, bèn nói:
- Ngươi hãy về đi, nếu cảm thấy trí tuệ của ta không đáng ngần ấy tiền thì ngươi không cần đến đây nữa, nếu cảm thấy đáng giá thì chuyện tiền bạc sẽ nói sau.
Tối, anh ta về nhà, trong bóng đêm phát hiện vợ mình đang ngủ với một người lạ trên giường. Lập tức anh ta nổi giận, vớ ngay lấy một con dao định giết chết người kia, nhưng sực nhớ lại "trí tuệ" ban sáng mới mua được, thế là anh ta bước tới ba bước, lui ba bước, tới lui ba lần như vậy. Đang bước, bỗng người đang ngủ với vợ anh ta giật mình tỉnh dậy, lên tiếng hỏi:
- Đệ. Đệ ... đêm hôm khuya khoắt còn lò mò làm gì vậy?

Anh nọ nhận ngay ra giọng nói của chị mình, sợ hãi, nghĩ bụng: "Nếu không phải là mua được trí tuệ ban sáng thì mình đã giết lầm chị mình rồi..."

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Cuộc sống thật sự rất mong manh

Trong cuộc sống đôi khi con người ta đã bỏ qua rất nhiều điều, họ tưởng rằng mình rất sâu sắc, nhưng sự thật là họ lại rất nông cạn. Tại sao???
Con người luôn luôn rất kỳ lạ, họ thích nhìn vào những thứ mình chưa có, cả về vật chất lẫn tinh thần, để rồi cứ đau khổ và tự ti, đôi khi là ngưỡng cửa của tham vọng, nhưng lại quên rằng mình đang có được những điều mà nhiều người khác vẫn hoài ao ước.
Họ có gì? Tôi xin dành những lời này cho ai còn cha, còn mẹ. Bạn có một gia đình, thứ mà bạn nghĩ là tầm thường và dĩ nhiên nhưng hiển nhiên nó là một sự may mắn thật to lớn. Bạn có một nơi dừng chân ấm lòng để quay về sau những cơn giông tố của cuộc đời, trong khi có những đứa trẻ côi cút không nơi nương tựa trên cõi đời bao la này.
Tôi dành lời này cho tất cả mọi người, dù bạn có thích hay không thích gia đình của mình, nhưng bạn biết không: cha, mẹ bạn thật sự rất yêu thương bạn, hãy tin vào điều đó, bởi, họ đã sinh bạn ra trên đời này, là bạn đã rút xương của mẹ để làm xương của mình, rút thịt của mẹ để tạo thịt cho mình, nhưng điều họ làm là gì, mẹ vẫn yêu bạn, vẫn đưa bạn đến với ánh sáng diệu kỳ của nhân gian, và nếu họ ghét bạn, tôi nói thật, họ đã không sanh bạn ra từ lâu lắm rồi đấy!
Hãy thử một lần nhắm mắt lại và tưởng tượng ra rằng: Bạn đang đứng trong ngôi nhà của mình, mọi thứ vẫn như vậy, vẫn hằng in dấu vết của tuổi thơ, hãy để cho thước phim của những ký ức đẹp đẽ chạy qua trong não mình, tiếp đến là những khi bạn phạm lỗi, cha mẹ la mắng bạn, bạn đã mắng vào mặt họ, dữ dội nhất có thể, sau đó, một mùi hương quen thuộc từ bếp nấu của mẹ bay lên, bạn vội xuống nhà ăn và giật mình khi chợt nhận ra rằng họ đã già đi nhiều so với trước, cuộc sống khắc nghiệt đã làm họ trở nên già cỗi, bạn nhớ đến ngày bạn sinh ra, mẹ đã nâng niu bạn trên tay như một báu vật và hồi hộp xem xem con của mình có lành lặn hay không có thiếu thốn thứ gì hay không, còn ba thì đứng bên cạnh đưa tay ra định bế bạn lên nhưng rồi ông lại thôi vì sợ rằng đôi bàn tay thô tráp của mình sẽ làm cho bạn bị đau đớn.
Nếu như bạn đang ngồi trước màn hình máy tính để đọc bài blog này thì chắc hẳn bạn cũng phải thuộc một gia đình trung lưu, nhỉ? Bạn than vãn về những bữa cơm bạn ăn, về đồ bạn dùng, về áo bạn mặc? Trong khi, đó là một điềm mơ ước quá xa xỉ của những đứa trẻ nghèo khó khác, những con người phải vứt bỏ những cái tôi trong lòng rồi lê lết khắp hang cùng, ngỏ hẻm để ăn xin, đưa tay ra và đành phải ăn lấy cơm thừa, canh cặn của kẻ khác, bạn nên nhớ, có hơn 25.000 người trên thế giới chết vì đói mỗi ngày, nghĩa là, cứ trung bình thì khoảng 3 giây lại có một người chết đói.
Có những đứa trẻ mà hằng đêm khi ngủ, chúng không mong muốn rằng ngày mai, mình sẽ tỉnh giấc, tỉnh lại ư: không phải, dẫu có thức giấc, thì cái chúng đối mặt có khác gì một cơn ác mộng? Cái cơ ác mộng đó là gì? Là những tủi nhục, hờn ghen mà người đời đã ném váo chúng, những đứa trẻ vô tội!!!!…
Bạn được đi học, được đánh vần những con chữ, được làm những bài toán nên làm sao bạn có thể biết được nỗi đau của những con người mù chữ, họ muốn học, nhưng rồi lại không biết là phải học bằng cách nào, họ nhảy cẫng lên mỗi khi phát hiện một tờ giấy nào đó, để rồi lại chột dạ, khi nhớ ra rằng mình không biết đọc, họ lạc lõng, mù loà và bất lực, đó, là một nỗi đớn buồn rất sâu, rất đau, sẽ làm sao đây khi sống trên cuộc sống hiện đại này mà không biết làm toán? Sẽ có khác gì một người vừa mù, vừa câm lại vừa điếc? Vừa bức bối, vừa mệt mỏi lại vừa khó khăn nữa!
Bạn nói mình học kém, bạn nghĩ mình lười biếng, bạn tự ti,….? Xin lỗi nha, nhưng mà bạn lầm to rồi đó! Bạn nghĩ mình được sinh ra là một điều hiển nhiên? Không đâu, để được sinh ra, bạn đã phải vượt qua hơn 200.000.000 cá thể và bơi một đoạn đường dài tương đương chiều dài từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Có những người đã bỏ cuộc từ đầu, nhưng còn bạn?
Bạn là một trong số 100 cá thể duy nhất bơi được đến trứng, họ là những người rất kiên cường, lại mạnh mẽ, và đoàn kết nữa, nhưng sao chỉ có mỗi mình bạn được ra đời? Vì bạn là người được chọn, họ chọn bạn bởi vì họ tin rằng bạn là cá thể xuất sắc nhất, họ tin rằng bạn sẽ là người làm tốt hơn tất cả, bạn sinh ra là để thành công!
Hãy sống luôn phần của hơn 100 người họ, hãy tận hưởng cuộc sống này, hãy nhớ rằng: Bạn vẫn còn một người anh em khác nữa, và ở trong mỗi lớp học vẫn còn một người học sinh khác, cũng như trong mỗi đất nước vẫn còn một người công dân khác! 

Hãy sống cho hết mình, bạn ạ! Vì cuộc sống này thật sự rất mong manh …

Tự ngẫm


Chàng trai được mẹ nhờ chở ra chợ mua thức ăn cho cả nhà. Chàng ngồi ngoài cổng chờ, lấy điện thoại ra chơi game. Mẹ vừa xuất hiện, chàng gào lên: “Mẹ ngủ trong đấy hay sao mà lâu thế. Mua có vài thứ mà hết đến cả nửa tiếng đồng hồ”.
Thế nhưng, đúng hôm Sài Gòn nắng chang chang, chàng phi xe như bay từ nhà ở quận nhất đến làng ĐH Thủ Đức cách gần 20 km để đón người yêu, đưa nàng đi mua sắm vài món đồ chuẩn bị cho năm học mới. Khi nàng quan tâm “Anh có mệt không”, dù mồ hôi đầm đìa chàng vẫn hào hứng “Anh khỏe như voi ấy!”.
Đã bao giờ bạn trải qua tình huống như thế trong đời? Đã bao giờ bạn sẵn sàng ăn nhậu thâu đêm với bạn bè, 5 ngày một tiệc lớn, 3 ngày một tiệc nhỏ nhưng lại không thể sắp xếp nổi một ngày trong tháng về ăn cơm cùng cha mẹ? Đã bao giờ bạn mua cho người yêu hết thứ này đến thứ khác tốn cả triệu đồng, sẵn sàng tặng nàng cả chiếc dây chuyền vàng nhưng không bao giờ nghĩ tới món quà mua tặng cha mẹ?
Nếu phương Tây có ngày của Mẹ, ngày của Cha, thì Việt Nam có lễ Vu Lan để nhắc nhở con cái nhớ về công ơn sinh thành của cha mẹ. Trong xã hội hiện nay, khi con người ngày càng bận rộn, càng ít quan tâm tới gia đình, yếu tố vật chất càng được đề cao thì chữ Hiếu càng trở nên cần thiết bởi sống hiếu thảo với cha mẹ giúp chúng ta dễ dàng tìm thấy tình ngườihơn. Để sống hiếu thảo với cha mẹ, theo phó giáo sư Sơn, chúng ta không cần phải làm những gì quá cao xa, vĩ đại, cũng không cần đợi đến lễ Vu Lan mới báo hiếu, mà hãy làm từ những việc rất nhỏ. Trước hết, bạn hãy thử tự vấn bản thân mình:
– Bạn có thường nói chuyện với cha mẹ mình mỗi tuần vài lần?
– Bao nhiêu lâu bạn chưa chở mẹ đi chợ hay đi siêu thị?
– Bao nhiêu lâu rồi bạn chưa nấu cơm cho cha mẹ?
– Món quà gần đây nhất bạn tặng cho cha mẹ là gì?
– Bạn có bao giờ tự hỏi cha mẹ cần nhiều nhất ở bạn điều gì?
Nếu lúc nào giận dỗi, nếu lúc nào cảm thấy mặc cảm vì cha mẹ, đừng vội hành động, đừng vội kết luận, hãy trả lời các câu hỏi đây:
– Ai có thể nuôi ta một bữa cơm/ 10 ngày cơm/ 1 năm/ 20 năm/ 40 năm?
– Đâu là nơi ta có thể có được một giấc ngủ bình yên: 1 đêm/ 10 đêm/ 1 năm/ 10 năm/ 50 năm?
– Khi ta thất bại, đau khổ chán chường, mệt mỏi, đâu là chốn bình yên ta có thể trở về?
– Sau tất cả những lỗi lầm, đâu là nơi vẫn đón nhận và tha thứ cho ta?
Trả lời tất cả câu hỏi trên, ta sẽ thấy được tấm lòng vĩ đại của cha mẹ. Để hiểu được cha mẹ, chúng ta hãy tự tìm hiểu thay vì chờ cha mẹ nói ra.
Cuộc sống vốn phức tạp và đầy biến động, mải lao theo những việc quan trọng, cấp thiết hơn nên niềm riêng về cha mẹ tạm thời gác lại. Điều này cũng dễ dàng cảm thông nhưng trớ trêu thay là không có cái gì chờ đợi chúng ta cả. Rồi chuyện sẽ đến đã đến và chúng ta không kịp trở tay, chỉ còn ôm niềm ân hận là chưa làm được nhiều cho cha mẹ thì người đã đi rồi. Đừng để mọi thứ trở nên quá muộn các bạn nhé!

Sưu tầm

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

NGƯỜI HỌC TRÒ ĐẠP XÍCH LÔ

Lê Khánh Mai


Kết thúc đợt công tác ở Hà Nội, tôi trở về trên chuyến tàu Thống Nhất, đến ga Nha Trang lúc 12 giờ đêm. Chị phát thanh viên đón chào hành khách bằng cái giọng trầm khàn vọng vào đêm sâu làm cho cả con tàu bừng tỉnh giấc. Niềm háo hức của người đi xa, về với nơi thân thuộc gắn bó khiến bước chân tôi nhanh nhẹn lạ thường. Nhoáng một cái tôi đã ở ngoài phố. Thật yên tĩnh: vườn hoa với những chiếc ghế đá trầm ngâm; con đường thoáng đãng, mải miết chạy dài về phía biển. Tôi gọi xích lô để được về thật nhanh với ngôi nhà ấm cúng, nơi có những đứa con kháu khỉnh, mà những ngày xa lòng tôi nôn nao nhớ. Một người đạp chiếc xích lô tiến lại. Dưới ánh điện nhập nhoà, tôi thấy đó là một thanh niên dáng dong dỏng, mặc chiếc áo sẫm màu vá nhiều miếng to, chiếc mũ lá rộng vành sụp xuống mặt. Cậu ta còn quá trẻ - tôi  đoán vậy
- Về phố Cửu Long bao nhiêu em?
Tôi hỏi giá, vì nghe nói giá xe ban đêm gấp đôi ban ngày, vả lại túi tôi đã cạn sau chuyến đi dài.
- Dạ mười ngàn .
Chàng trai đáp một cách từ tốn và rất nhỏ. Tôi nghĩ, không phải đi bộ quãng đường hai cây số, mà chỉ mất chừng ấy tiền thì không nên đắn đo. Nhưng tôi có quyền mặc cả cơ mà:
- Năm ngàn nhé!
- Dạ.
Tiếng “dạ” có vẻ nhỏ hơn. Tôi lên xe, thầm nghĩ chàng trai này dễ chịu thật, loại người chăm chỉ đây, chắc hoàn cảnh khó khăn nên mới phải làm lụng đêm hôm vất vả thế này.
Thành phố ngủ say. Không có tiếng động nào ngoài tiếng xích xe nhịp đều đều theo đôi chân mải miết của chàng trai. Những vòm cây, những mái nhà tôi đã bao lần đi qua, dừng lại, ngắm nhìn, vậy mà trong đêm, tất cả trở nên lạ lẫm. Tất cả đột ngột hiện ra rồi lặng lẽ lùi vào vắng vẻ.
Tôi yêu sự yên tĩnh này bằng một cảm xúc mới mẻ như lần đầu tiên tôi nhận ra cái thơ mộng của phố xá lúc đêm khuya. Tôi hít sâu vào lồng ngực, hưởng lấy chút không khí trong lành ẩm ướt hơi sương. Chưa kịp nghĩ ngợi gì thì xe đã dừng lại trước cảnh cổng sắt sơn xanh ẩn giữa bờ hoa giấy. Tôi trả tiền, chàng trai không nhận, chỉ vội vã quay xe, rồi nói, vẫn cái giọng rất nhỏ:
- Cô về nghỉ ạ, em đi.
Bây giờ tôi mới ngẩn nhìn chàng trai:
- Phương!
Tôi thốt lên ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhận ra cậu học trò lớp 12A mà tôi đang chủ nhiệm. Không nói được gì thêm, tôi đứng trân trân giữa đường nhìn theo bóng Phương lẫn vào phố vắng. Một cảm giác xấu hổ làm tôi đau nhói. Tôi trách mình sao vô tình đến thế? Sao tôi không nhận ra Phương. Phải vì em mặc chiếc áo vá nhiều miếng to? Tôi lại còn mặc cả tiền bạc nữa chứ. Điều này có vẻ mâu thuẫn với những những gì hay ho mà tôi say sưa rao giảng trên lớp. Những ý nghĩ xót xa dày vò khiến tôi đứng ngoài phố một lúc lâu mới gọi người nhà mở cửa. Đêm ấy tôi trằn trọc cho đến khi đài phát thanh thành phố truyền đi bản nhạc quen thuộc đầu tiên trong ngày.
                                                                        * * *

Tôi đến lớp với tâm trạng buồn khó tả. Câu chuyện hôm qua giúp tôi hiểu rằng không thể đánh giá học sinh một cách hời hợt, nông cạn. Năm mươi học sinh ngồi đây là năm mươi thế giới bí ẩn. Tâm hồn các em như cầu vồng bảy sắc mà ta bất chợt nhìn thấy nhờ những tia sáng mặt trời.
Phương vẫn ngồi kia, góc cuối lớp, nét mặt không gì đổi khác, mà sao bây giờ tôi mới nhìn kỹ, cái mũi cao thẳng trên khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt luôn ngời lên ánh nhìn thông minh và ngay thật. Bao giờ Phương cũng chỉnh tề với mái tóc gọn gàng, áo sơ mi tém trong chiếc quần xanh ngay ngắn. Cái dáng cao và nước da trắng làm nên vẻ thư sinh, khiến tôi không nhận ra em trong “vai” chàng trai đạp xích lô đêm qua.
Tôi nhớ lại những cuộc họp hội đồng giáo dục, nhiều ý kiến phản ánh tình hình học sinh. Để tiếp tục cắp sách đến trường đối với các em không đơn giản chút nào. Có em phải bán trứng luộc trên tàu, bán hành rong ngoài bờ biển, gánh nước thuê, đạp xích lô… Tôi cho rằng đó là những thực tế không tránh khỏi của miền Nam sau giải phóng, nhưng lại đinh ninh rằng lớp tôi không có những trường hợp như vậy, bởi vì ánh mắt các em bình thản, vô tư lắm. Hoá ra lâu nay tôi toàn nhận xét học sinh theo cảm tính. Tôi có biết đâu, đằng sau tiếng cười hồn nhiên của các em là một cuộc sống đầy vất vả, lo toan.
Tôi không thể làm ngơ trước một học trò như Phương được. Tôi phải tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của em, ý nghĩ đó thúc bách tôi mạnh mẽ. Giờ nghỉ, tôi gọi Phương ra hành lang.
- Hôm qua cô có lỗi là không nhận ra em. Cám ơn em đã đưa cô về nhà, nhưng tại sao em lại có vẻ tránh cô thế nhỉ?
- Thưa cô, Em thực sự không muốn cô phải bận lòng nhiều vì chúng em…
- Sao em phải đạp xích lô ban đêm?
- Dạ, em thuê chiếc xích lô này. Chủ xe đi ban ngày, ban đêm họ nghỉ, cho thuê.
- Đêm nào cũng vậy, còn thời gian nào mà nghỉ ngơi?
- Thường lệ cứ 7 giờ tối, em đi các phố đón khách, sau đó lên ga chờ khách xuống tàu. Em về nhà lúc 2 giờ sáng ngủ đến 5 giờ dậy, đi học.
- Ngủ ít vậy mà cô  không thấy em ngủ gật?
- Dạ, em quen rồi.
- Cô còn mắc nợ em đấy, chủ nhật cô đến nhà thăm em được chứ?
Phương “dạ” một tiếng rồi đi vào lớp, hoà trong đám học sinh đang gõ bàn hát ầm ĩ. Tôi nghĩ, em không thể sống vô tư.
                                                                        * * *

Phương ở trong hẻm một khu phố lao động. Căn nhà chật chội, với những đồ vật sơ sài sắp đặt không được hợp lý lắm. Tất cả muốn nói rằng cái “hậu phương” của em chẳng có gì là vững chắc. Phương kéo ghế, mời tôi ngồi, cử chỉ chững chạc, lễ độ và tự nhiên, không có sự khúm núm mà tôi thường gặp ở một số học sinh. Vừa rót nước ra những chiếc ly thủy tinh, em vừa kể:
“Bố em là lính, mất tích trước 1975. Mẹ em cũng mới mất cách đây hai năm. Bệnh hen suyễn đã hành hạ bà suốt cuộc đời. Cho đến giờ em vẫn không thể nào quên hình ảnh mẹ khô gầy, hố mắt trũng sâu, đêm đêm không ngủ được, mẹ phải dựa lưng vào vách, há miệng ra thở những hơi thở khò khè, nặng nhọc. Căn bệnh hiểm nghèo, nên mọi sự chữa chạy đều vô hiệu. Mỗi lần lên cơn khó thở, mẹ co rúm người, vật vã khổ sở. Mẹ bảo chỉ mong chết. Em ước mình là bác sĩ để cứu mẹ. Mẹ mất, cuộc sống chúng em càng khó khăn. Hai đứa em nhỏ cũng đang tuổi ăn học. Mấy lần em tính bỏ học, đi làm kiếm tiền nuôi các em, nhưng xa lớp, xa các bạn, nhớ quá, không chịu nổi. Mới lại em ước mơ trở thành bác sĩ nên  phải cố gắng cô ạ…”
Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Phương học giỏi. Mỗi sự vươn lên để chiến thắng hoàn cảnh, đều có một động lực bên trong. Từ đó, mỗi khi giảng bài, tôi thường nhìn vào mắt em, ở đó niềm hy vọng đang cháy lên và tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
                                                                        * * *

Bẵng đi một thời gian dài, dễ đến bảy, tám năm, tôi đã là bà giáo thâm niên trong nghề. Bao nhiêu lớp học sinh đi qua cuộc đời, bao nhiêu gương mặt lưu lại trong tâm trí, có những điều bị xoá nhoà, lãng quên, có những niềm vui, nỗi buồn khắc sâu thành kỷ niệm. Tôi bắt đầu ngấm mệt, bắt đầu cảm nhận những bất cập và cả nỗi buồn của nghề dạy học.
Một buổi sáng, sau khi dạy xong bốn tiết văn, tôi bước ra khỏi lớp bỗng thấy đầu choáng váng mắt nhoà đi, cổ họng đau cứng như có vật gì to lắm chẹn lại, ngực tức tựa hồ ai đem đặt vào đó một tảng đá. Tôi ho rũ và khạc ra một cục máu đỏ bầm to bằng đầu ngón tay. Không tin ở mắt mình, tôi nhìn kỹ lại, thì đúng là một cục máu. Tôi bàng hoàng kinh sợ, nghĩ đó là dấu hiệu của bệnh “lao” và rùng mình nhớ đến những đồng nghiệp của tôi đã chết vì lao phổi. Hai mươi năm cầm phấn, viết và nói, tôi đã hít không biết bao nhiêu vi trùng. Những hạt bụi trắng, li ti mà những người làm thơ, làm nhạc đã tha thiết ngợi ca. Tuổi trẻ vốn tin vào những gì đẹp đẽ. Tôi cũng một thời thi vị hoá bụi phấn. Cứ để  mặc cho phấn nhuộm trắng bàn tay như một bông hoa huệ; Cứ để phấn bám đầy quần áo, rắc mịn màng lên tóc, bay vào mũi, vào miệng, đó mới thật sự yêu nghề, xả thân vì đạo. Cứ gào lên mà giảng, chẳng hề băn khoăn về hai lá phổi. Mấy lần thấy đau cuống họng, ngậm vài viên ômai ngòn ngọt, dìu dịu lại nói rất say sưa. Có lúc mệt lử tự dặn mình đừng hăng quá, phí sức, nói nhỏ lại, ít đi, chậm rãi hơn, nhưng gặp chỗ tâm đắc, hứng lên, lại thao thao bất tuyệt. Chợt nhớ mình quá đà thì cổ họng đã sưng tấy lên rồi.
Lần này không thể xem thường, tôi phải đến bệnh viện. Phòng khám khá đông. Tôi lấy cuốn sách “Giáo dục con người chân chính” của Xu-khôm-lin-xki ra đọc, chờ đến phiên mình.
- Chào cô ạ - Một người mặc áo bơ - lu trắng, mang kính cận, nhìn tôi, cười:
- Thưa cô, cô khám bệnh ạ, cô có nhận ra em không?
Trong giây lát, những gương mặt học trò lần lượt hiện lên trong trí nhớ.
- A, Phương! – Tôi khẽ reo lên - Thế ra bây giờ em không tránh cô như dạo trước nữa.
- Dạ. Sau khi tốt nghiệp đại học Y khoa, em về làm việc bệnh viện này. Thưa cô, mời cô vào phòng khám.
Hôm ấy, chính Phương đã khám bệnh cho tôi, đôi mắt em nheo lại, đăm chiêu dõi theo từng nhịp thở của tôi qua chiếc ống nghe. Sự bình tĩnh và thành thạo của Phương làm cho tôi hoàn toàn tin cậy. Tôi đâu còn là cô giáo của em như ngày nào trang nghiêm trên bục giảng. Tôi là bệnh nhân, còn em là thầy thuốc. Phương đưa tôi đến phòng khám tai mũi họng, khoa X quang chụp phổi. Cử chỉ của Phương khẩn trương, dứt khoát, tôi chỉ biết phục tùng như một cái máy. Sau đó, tôi đến ghế đá vườn hoa giữa bệnh viện ngồi chờ kết quả xét nghiệm. Một chiếc lá xanh non khẽ chạm vào tay tôi như một cử chỉ dịu dàng. Chẳng có cơn gió nào giật đi chiếc lá như trong truyện của O. Henry. Vây quanh tôi là muôn nghìn con mắt lá, tràn trề hy vọng. Ngồi ở vườn hoa tôi có thể nhìn toàn cảnh bệnh viện. Một chiếc cáng đưa một bệnh nhân vừa chết xuống Nhà vĩnh biệt, những tiếng khóc dữ dội đi theo. Một anh thanh niên ngồi ở ghế đá bên cạnh nở một nụ cười sung sướng khi có người đến báo tin vợ anh vừa sinh con trai đầu lòng. Ở đây sự sống và cái chết diễn ra trong khoảnh khắc. Nếu có khi nào ta đứng trong khoảnh khắc ấy sẽ cảm nhận sâu sắc hơn hạnh phúc và khổ đau. Những người thầy thuốc là những chiến sĩ gan góc, họ đang chiến đấu âm thầm, giành lại sự sống, niềm hạnh phúc cho con người, mà sao bây giờ tôi mới thấm thía điều này. Phải chăng, chỉ lúc nào ta là bệnh nhân, bị nỗi đau thể xác dày vò, ta mới suy nghĩ về công lao của người thầy thuốc?
Chị bạn tôi là bác sĩ phàn nàn rằng “nghề Y khổ sở lắm. Mổ bụng người, cắt cả khúc ruột thừa, mà tiền bồi dưỡng không bằng tiền trả cho anh thợ ngồi ở đầu đường vá cái ruột xe”. Ồ, thế thì nghề dạy học của tôi có hơn gì? Tiền bồi dưỡng cho một giờ dạy học ngoài tiêu chuẩn, gọi là giờ phụ trội, chỉ mua được một quả chanh. những chuyện như thế thật vô cùng, làm sao có thể ghi hết bằng vài trang truyện? Có điều là tôi, chị và tất cả mọi người vẫn sống, vẫn làm việc. Chúng ta là những trí thức không thể lạc quan theo kiểu A-Q nhưng chắc chắn còn có một sức mạnh vô hình nào quyết định sự sống của ta. Bát cơm, manh áo, chẳng đơn giản chút nào, nó làm ta chóng mặt. Nhưng đáng sợ hơn khi trái tim ngủ yên, bộ óc ngủ yên…
Có những lúc tôi tưởng mình sắp ngã xuống giữa bục gíảng cao và vững chãi như cái điểm tựa kia. Nhưng rồi lòng tự trọng đã buộc tôi phải đứng lên với một tư thế đàng hoàng. Mỗi giờ dạy thất bại khiến tôi đau đớn hơn cả nỗi đau thể xác. Mỗi một giờ dạy thành công thì niềm hạnh phúc ùa đến ngập tràn, như được hồi sinh. có khác gì niềm vui của người thầy thuốc giành lại sự sống cho người bệnh từ tay thần chết…
Có lẽ tôi sẽ còn nghĩ ngợi miên man nếu Phương chưa trở lại. Em cầm trong tay tấm phim to bằng trang giấy học sinh. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một phần cơ thể của mình trên hình ảnh, hồi hộp, lo âu. Chỉ một lời nói của Phương lúc này là quyết định phần đời còn lại của tôi. Nếu tôi bị lao phổi có nghĩa là tôi phải vĩnh viễn rời xa bục giảng.
Phương giơ tấm phim lên, chỉ vào từng vùng sáng tối giải thích:
- Thưa cô, kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng sức khỏe của cô hiện thời không đáng lo ngại. Không có dấu hiệu bệnh nguy hiểm. Cô chỉ bị yếu phổi. Hiện tượng ho ra máu là do viêm họng, xung huyết. Cô cần được nghỉ ngơi ít ngày và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn, nếu thấy trong người còn mệt cô trở lại đây.
Tôi run run đón lấy tấm phim từ tay Phương, khẽ nói “cám ơn em” mà nỗi xúc động như muốn vỡ òa.
Phương tiễn tôi ra cổng bệnh viện. Quãng đường ngắn không cho phép cô trò nhắc nhiều về kỷ niệm, nhưng hình ảnh cậu học trò mặc chiếc áo vá nhiều miếng to, đạp xích lô và căn nhà chật chội trong hẻm hiển hiện trong tâm trí tôi. Sực nhớ điều gì tôi hỏi:
- Hai em của Phương thế nào?
- Dạ, tốt nghiệp đại học hết cả rồi cô ạ. Một đứa Bách khoa, một đứa kinh tế.
- Ôi trời ! Giỏi quá. Làm thế nào mà nuôi nhau ăn học?
- Dạ, cũng tự lao động kiếm sống thôi ạ. Chật vật, gian nan lắm, nhưng rồi cũng qua.
- Em làm cô bất ngờ quá đấy Phương ạ. Sự thành đạt của các em là bài học làm người.  
- Em vẫn nhớ, khi giảng bài, cô thường nói: Hạnh phúc chỉ có thể đạt được bằng nghị lực vươn lên không ngừng.
Tôi tin Phương thành thật, vì em nói điều đó sau những trải nghiệm của chính cuộc đời mình
Chia tay Phương, tôi ra khỏi bệnh viện trong trạng thái nhẹ nhõm như chưa từng đau ốm. Phần vì Phương đã cho tôi biết tôi không bị lao phổi, nhưng lý do quan trọng hơn khiến tôi trở nên khỏe khoắn là vì tôi vừa được chứng kiến “thành quả” của mình. Người thầy giáo thường mang tâm sự buồn vì nghề dạy học vất vả, âm thầm nhưng chẳng bao giờ được nhìn thấy “sản phẩm”. Thì đây, sản phẩm của nghề dạy học là những con người, những thầy thuốc, kỹ sư, nghệ sĩ, nhà kinh tế, nhà lãnh đạo…

Tôi sung sướng nhận ra, với tôi, không có chỗ đừng nào tốt đẹp hơn chỗ đứng trên bục giảng.
www.ninhhoatoday

TƯ VẤN DINH DƯỠNG

THY ANH

Điều trị bệnh tiểu đường típ 2 (loại thường gặp nhất), ăn uống tiết chế, tập thể dục là quan trọng nhất , thứ đến mới là thuốc.  Ấy thế mà ở phòng khám cứ bị nghe bệnh nhân than hoài, nào là "Bác sĩ làm ơn chỉ cho tui ăn uống sao cho dễ hiểu, đi phòng khám kia, nói tui chẳng hiểu gì hết trơn" - hoặc " Bà bác sĩ đó hổng nói nhiều, chỉ biểu kiêng chất đường còn muốn ăn gì thì ăn" - hoặc "Ổng đưa tui coi cái hình gì như cái bánh có mấy khía, gờ lu xít, pờ rô tít ... có mấy mầu gì đó, rồi hỏi tui học lớp mấy, tui nói học tới cấp 3 dưới xã, ổng biểu học rồi sao lại quên? chữ thầy trả thầy hết rồi à?" 
Có lần, tình cờ nghe được một bác sĩ đang "tư vấn dinh dưỡng" cho một bà cụ bệnh nhân mặc áo bà ba, mang giỏ đệm rặc kiểu miền Tây: "bà có biết một ngày bà chỉ được ăn bao nhiêu ca lo không? bà có biết miếng đu đủ cỡ này là mấy ca lo không? miếng dưa hấu cỡ nầy là bao nhiêu ca lo không? chén cơm như vầy là ...". Nghe tới đây sợ quá, chạy luôn, không dám nghe nữa.

Gió Đông



Gió bấc ùa về Đông chớm sang
Cỏ cây buồn thiu, lá rụng vàng
Mong manh áo vải, em xuôi ngược
Chợ sớm người thưa đã vội vàng
Bac Si Quai Di
Người thưa chợ sớm, những vội vàng
Tiếng thưa câu dạ, chuyến đò ngang
Sinh lão bệnh tử, tay em chạm
Lá vàng thay áo. Đông chớm sang
Ann Nguyen

Sức mạnh của lời nói

Su Na Phương


Trên đời này, có một thứ mà sức mạnh của nó không thua kém gì một loại máy móc tối tân, một quả bom hiện đại hay một cục nam châm khổng lồ, đó chính là lời nói ♫. Con người ta sinh ra, rồi lớn lên, ai cũng sẽ qua tuổi tập nói, sẽ qua cái tuổi “ nghĩ gì nói nấy” để đến với cái tuổi “nói thì phải nghĩ và nghĩ rồi mới nói”, họ sẽ đủ để nhận ra rằng, sức mạnh của lời nói thực sự ghê gớm, hơn cả những gì họ đang nghĩ. Lời nói có khi là kẹo ngọt dịu dàng, có khi là hoa hồng chứa gai nhọn nhưng nó cũng có thể là con dao sắc gây cho người khác bị tổn thương... Lời nói có thể đưa một con người lên tận đỉnh của vinh quang, của sự sung sướng, có thể giúp cho họ thêm sức mạnh, niềm tin, hạnh phúc, giúp cho một người trong cơn tuyệt vọng trở thành người vững tâm, có thể giúp cho một đứa trẻ trưởng thành, một bệnh nhân thấy trong lòng ấm áp, quên đi nỗi sợ hãi – đau đớn của bệnh tật...  Ngược lại, lời nói cũng có thể khiến cho người ta từ tuyệt vọng trở nên suy sụp hoàn toàn, làm tổn thương nặng nề, hay thậm chí, nó mang đến cái chết cho một người nào đó... Có khi ta lỡ lời, nhưng có những khi ta trở nên “độc ác”, ta muốn người nào đó thật đau khổ với điều mà ta đang nói nhưng ta không hề nghĩ tới hậu quả sau đó còn khủng khiếp hơn rất nhiều.
Đọc qua những bài báo, những cái chết có khi chỉ do một lời nói, một sự nghi oan không bằng chứng cũng đủ để tạo nên hồi chuông cảnh báo... Những bạn trẻ ở tuổi dậy thì, còn thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý hay những người luôn phải chịu tiếng dư luận, mà bây giờ gọi là “ném đá”. Liệu ta có phải người trong cuộc? Liệu ta có phải là người hiểu rõ mọi chuyện? Đôi khi không! Nói cũng chỉ để nói, để thỏa mãn nhu cầu nói của mình mà không để ý tới cảm giác của người khác. Chỉ mong tới một ngày nào đó, bạn đặt mình vào vị trí của người kia, và hiểu cảm giác của họ khi họ phải chịu tổn thương, đau đớn do lời nói gây ra, bạn mới có thể biết rằng bạn sợ hãi, đau khổ cùng cực biết bao.
Hãy suy nghĩ trước khi nói, nói chậm, chắc một chút còn hơn nhanh nhảu mà hỏng chuyện. Hãy chấm dứt những cơn giận vô lý, sự nóng giận cũng sẽ làm cho lời nói sai lệch đi, không thể kềm chế được... Lời nói không phải là dao nhưng cũng có thể người khác tổn thương nặng nề, nó cũng không phải là liều thuốc tiên nhưng có thể giúp người khác thoát ra khỏi sự tuyệt vọng, bệnh tật và mang lại hạnh phúc cho cuộc đời này .

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

KINH NGHIỆM CỦA LẠC ĐÀ


Có một con lạc đà già từng nhiều lần băng qua sa mạc mà nhiều người xem là "vùng đất chết", khi trở về lần cuối cùng thì đã bước vào tuổi xế chiều. Con ngựa và con lừa đến xin lạc đà già kinh nghiệm. Lạc đà nói:
- Chẳng có gì cả, cứ nhìn đúng mục tiêu, cộng thêm tính nhẫn nại, từng bước tiến lên phía trước, thì sẽ đạt được mục đích.
Con ngựa và con lừa ngạc nhiên:
- Chỉ chừng đó thôi sao? Không có kinh nghiệm gì nữa sao?
Con lạc đà già từ tốn đáp:
- Chỉ thế thôi, không còn gì khác.
Con ngựa nói:
Ta cứ tưởng lão sẽ nói ra những đạo lý lớn lao, ai ngờ chỉ có vài câu là xong, thật khiến ta quá thất vọng.
Con lừa cũng nói:
- Ừ chẳng hay chút nào ...