Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

CÔ BẢY HỘT ĐIỀU

Vương Hồng Sển

Ảnh minh họa trong sách của Paul Levy - nhiếp ảnh gia Michel Huet chụp 1951.
Ông D.V.G và C. đều là luật sư cùng chung một văn phòng. ngày thường, Cô Bảy là tình nhơn của D.V.G nên năng lui tới nơi văn phòng, không ngờ C. chíp để bụng vì nhan sắc của Cô Bảy là lộng lạc nhứt nhì trong hàng huê khôi đương thời là Cô Ba Trà, Cô Tư Nhị, Cô Sáu Hương (em công tử Bích Trà-Vinh), Cô Hai Thời, Cô Ba Pho, Cô Lucie Bandeau, Cô Ba Cù Là, và còn nữa, nếu tôi không kể được là đã quên tên chớ không phải vô tình.
Ông D.V.G ra làm chánh trị, tuy có Pháp tịch nhưng quyết chống chế độ thực dân Pháp. Gặp cảnh nghịch, ông tạm lánh sang Xiêm-La-Quốc, bên này Cô Bảy ở lại bơ vơ. Thừa dịp C. đến tỏ tình và hai người trở nên chồng vợ rất là tương đắc.
Kịp năm 1945 có cuộc đảo chánh, Pháp mất chánh quyền, Nhựt chiếm Sài Gòn, Tây rút lui. C. bị bắt trong khám lớn. C. có bịnh hút nặng, nên mấy ngày bị giam ở khám, á phiện hành khổ sở vô tả.
Một thời gian trôi qua, không biết là bao lâu, có một quan viên Nhựt đến xin Cô Bảy tiếp. Nhưng Cô Bảy một hai không khứng tiếp. Nó là hạng đa tình thêm quen thói bốc rời, nay một gái làng chơi như Cô Bảy mà dám từ chối phải nhìn nhận là có gan thật. Nhưng nó không lấy thế làm nhục, nó bị lằn sét ái tình nên không biết xấu hổ, quyết lăn vô làm tình với Cô Bảy cho được mới nghe. Nó đánh nước lỳ, hàng ngày vẫn lui tới nơi nhà . Nó cố nài nỉ. Thét rồi cô đưa điều kiện: - Chồng tôi là luật sư C. bị kẹt trong Khám Lớn, và có bịnh hút. Ông đem á phiện vô dùm.
Qủa nó kiếm chước đem vô được, nhưng cô Bảy trong lòng vẫn không yêu, và sẵn bà Song-Thu cậy một việc thuộc về quốc sự với Cô Bảy, nên cô lấy đó bàn với nó: -Tôi chưa thương. Ông rán một chuyện nữa.
- Chuyện gì?
- Ông rán đem giùm ông T. lên Sài-Gòn. Tôi muốn cứu ông T.
- Hiện ông T. đang ở đâu?
- Bị giam trong Khám Lớn Mỹ Tho.
- Như vậy là tôi làm không được vì Mỹ Tho ở ngoài phạm vi của tôi xem xét.
- Nếu ông không cứu được ông T. thì xin ông đừng tới đây nữa.
Phen nầy khó quá vì ngoài phạm vi quyền hành của một đổng lý văn phòng thay thế đổng lý văn phòng của chánh phủ Nam Kỳ thời Pháp thuộc (Directeur des Bureaux du Gouvernement de là Cochinchine). Và đó là chức vị của "nó", mà tôi không muốn nói ra nãy giờ. Nhưng không có việc gì mà không làm được đối với một kẻ đã lậm vì tình như "nó". Anh ta nghĩ ra một kế và giả chước xuống khám Mỹ Tho xem xét tình trạng những người bị bắt bị giam. Xuống đến nơi nó xét từ trường hợp và xét đến chiều gần tối nhưng chưa đến phiên ông T. Lúc ấy anh ta giả bộ thản nhiên ra lịnh còn lại bao nhiêu phạm nhơn chưa kịp xét phải giải hết lên Sài-Gòn đãi lịnh anh ta. Thế là nó đã cứu được ông T., nói cách khác, số ông T. chưa hết, chớ nếu ông T. mắc kẹt ở khám Mỹ Tho thì thế nào cũng chết với cái án "tội làm ở quận Cai Lậy" mà dân làm cách mạng ở đó vẫn chờ ngày nuốt sống. Cho hay muôn việc tại trời. Riêng tôi, tôi vẫn tin nơi thuyết số mạng.
Cứu được ông T. đem về Sài-Gòn, Cô Bảy hết phương từ chối và phải nhận "nó" làm tình nhơn. Lúc ấy trước nhà Cô Bảy "ngựa xe như nước", và nực cười thay cho hai chữ "Lợi-Danh" nó làm mờ mắt và làm mất phẩm giá xiết bao nhân vật ngày nay còn nhở nho7tre6n đất Sài-Gòn lúc ấy vẫn lòn cúi dưới trôn Cô Bảy để nhờ việc này việc nọ. Nhứt cử nhứt động là chạy lại níu áo níu lưng Cô Bảy! Ông chủ quận muốn đổi đi chỗ khác no hơn, hay muốn lên làm tỉnh trưởng, cứ đến dâng lễ cho Cô Bảy, cô nói với "nó" một tiếng là được ngay. Ông Huyện ông Phủ nào bị lỗi, cứ nói với Cô Bảy, cô che cho là bình an như ngồi dưới lọng. Ông nào muốn gì hễ khéo nói với cô là được, khen cho khăn yếm mà hơn cân quắc anh hùng!
Nhưng đến tháng 9 năm 1945, trái bom Hiroshima dội đến Sài-Gòn nói riêng đã làm sụp đổ cơ đồ của "nó". Lại một phen trở cờ. Lịch sử lật qua trang khác. Nhựt thua, đầu hàng. Đến phiên "nó" bị bắt và bị giam vô Khám Lớn. Luật sư Pháp, ông C. nghiễm nhiên được ra, phục hồi tự do và danh dự. Cô Bảy nói với luật sư xin cứu "nó".
- Nó là kẻ thù, C. nói, vừa của nước Pháp vừa của tôi, vì nó toan cướp thuộc địa, và lấy vợ tôi, tôi không thể cứu "nó". Tôi không hại nó là may!
Cô Bảy thẳng thắn nói:
- Tôi là gái giang hồ như anh đã biết. Tôi đã thí thân với nó để cứu anh, nay anh phải đừng kể chi tiết nhỏ mới phải mặt người rộng lượng. Anh ghen và không bằng lòng cứu "nó" thì anh chưa đáng là người của tôi chọn lựa. Xin cho tôi từ giã.
- Em cần suy nghĩ lại. Tôi có làm chúc ngôn sẵn, có đoạn nói "người nào sống sót hưởng hết gia tài của người vắn số. Anh nay đã già, Bảy sau hưởng trọn. Xin đừng thôi nhau vì tôi yêu Bảy nhiều.
- Tôi không màng ăn gia tài của anh. Tôi là gái làng chơi, tôi chỉ muốn lãng mạn, muốn sống theo ý tôi.
- Xin Bảy nghĩ lại cho kỹ, tôi không nỡ rời Bảy. Rời Bảy tôi khổ lắm.
- Tôi sẽ tìm cho anh một người vợ vừa xinh đẹp hơn tôi, vừa có học thức hơn tôi, tôi là một con dốt nát, còn người nầy nói tiếng Tây tiếng Anh đều trôi chảy, lại lịch sự hơn tôi nhiều.
Ấy rồi C. có vợ khác. Cô Bảy đi tu, khoác áo nâu sồng và hiện nay kinh kệ sớm chiều trong một am thanh trên Thủ Đức ít người biết.
Dương văn G. , C. đã mất. Nó tức Sato, biệt tích. Cô Bảy và bà kia vẫn còn. Nhưng màn đã hạ.
Trong chuyện vừa kể, ta thấy:
a/ Một luật sư Việt, không màng điạ vị cao sang, ra làm chánh trị để bị Pháp buộc tội phản quốc, vì ông có Pháp tịch. Sau ông giả bịnh vô nằm nhà thương Đồn Đất, và mặc dầu lính Tây canh gác rất kỹ, theo sát bên mình, nhưng ông trốn được theo ngõ đường Hai Bà Trưng (nay đã lấp), leo lên xe camion Nhựt, thay y phục võ quan Nhựt và sang lánh nạn bên Xiêm như đã nói. Đó là ông Dương văn Gia1o.
b/ Một ông Nhựt rất hào hoa, nói tiếng Pháp rất trôi chảy, ăn chơi như con bướm trong một mùa, từng làm mưa làm gió tại Miền nam một lúc, rồi biệt tích giang hồ, sống chết nay không biết. Đó là Sato.
c/ Một luật sư Pháp có lối sống đặc biệt rất Á Đông. Hai lần lấy vợ Việt. Ăn cơm Việt, điểm tâm sáng cũng theo Việt. Ông là một luật sư danh tiếng, có đạo đức, không để tiếng xấu lại đây. Ông hút á phiện. Ông có một bộ môn đồ gốm Thanh Hóa rất quý giá, ai khen ông vẫn cười mà rằng chưa sang chưa quí bằng "mỹ nhân quê ở Thanh Hóa" của ông. Tôi nhớ như ông sanh năm 1888, như ông từng nói với tôi. Hiện ông đã từ trần, thọ trên tám mươi ngài tuổi. Ông là một văn sĩ và đó là luật sư Pháp B. Couget.
d/ Phu nhơn của ông nay còn, vốn dòng thế phiệt, cha là chúa Thái trên xứ Thái trắng Thanh Hóa. Phu nhơn họ Hà.
e/ Nhưng đặc biệt nhứt là Cô Bảy. Sanh trong nhà hàn vi, thuở nhỏ ít học, sống lúc nhỏ bằng nghề bán phấn, thế là xấu, nhưng có một tâm hồn thanh cao ít ai có. Qủa là một hoa sen vô nhiễm mọc trong bùn. Tên cô là Cô Bảy Hột Điều.

Không có nhận xét nào: