Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

TẢN MẠN VỀ CHUYỆN CHĂM SÓC NGƯỜI GIÀ TRONG NURSING HOME Ở MỸ

AnhMy Tran (facebook)

Tác giả đang tự sửa hàng rào dù tuổi đã gần thất thập (ảnh từ facebook của tác giả).
Nursing home ở Mỹ là một thực tại cũng như các tiệm bán thức ăn, bán quần ào. So với đứa con hiều thảo và giàu có nhất Việt Nam, nursing home ở Mỹ còn phục vụ người già tốt hơn. Cụ thể: không đói, không khát, không nóng, không lạnh, mỗi ngày thay giặt quần áo, chăn mền một lần, mỗi sáng đánh răng súc miệng rửa mặt, mỗi tuần tắm mưa rào 2 lần có xát xà bông khắp người. Ai không tự ăn được thì có người bón từng thìa thức ăn vào miệng, bưng chén nước tận môi cho uống. Trung bình mỗi người thay bỉm 3 cái mỗi ngày. Thật ra nhiều người không ỉa đái ra bỉm, nhưng có người phải thay 6 - 7 lần một ngày.
Cái đau khổ của người trong Nursing home là tự họ. Đó là những người buồn chán, không chịu chấp nhận thực tế phũ phàng là họ đã già rồi, không thể sống mà không có người giúp. Họ cứ mơ ước ở nhà để con cháu phục vụ. Bạn thử nghĩ coi, con cháu phải đi làm, đi học, làm sao thay tã 3 lần, đút ăn 3 bữa, 3-4 ngày cho tắm, còn từng ngày thì lau bẳng khăn tắm ướt, thay quần áo chăn mền mỗi buổi sáng? Họ gần như mê sảng, luôn luôn rên rỉ "Home, home. I want to go home." Ngay nhà tôi, các con còn nhỏ, có thể tự tắm được, mà mỗi khi giục chúng đi tắm, chúng còn lười không đi nữa kia. Ở Nursing home, những phục vụ đó là bắt buộc, ghi thành văn bản, không thể bỏ qua được. Nursing Home cũng là một cửa tiệm, như trường học, nhà nước trả tiền, thì phải làm cho đáng đồng tiền. Làm không đủ thì bị kiện.

Nhiều người già không vào Nursing home, vì họ tự chăm sóc được cho mình. Họ đeo trên người một cái máy thông với tổng đài. Khi họ chết thì tổng đài biết ngay, trước khi hàng xóm không thấy người này ra vào nhà nữa. Trước kia khi chưa có mày này, thì người già chết bay mùi thối ra hàng xóm mới biết. Có người chết, không ai cho chó ăn, chúng đành phải gặm người chủ thân yêu của chúng.

Người già giàu có khi thấy mình không thể sống độc lập, thường ký giao kèo với một loại Nursing Home đặc biệt, gọi là Assíted of Living. Cái nhà dưỡng lão này nhận nhà của mình như quà biếu, và để đền ơn lại, nó nuôi mình cho đến chết. Nếu mình chóng chết thì nó lời nhiều. Ngược lại, mình sống lâu thì nó lời ít. Loại nhà dưỡng lão này đẹp đẽ hơn, sang trọng hơn. Ví dụ Piano mới và đắt tiền, còn nhà dưỡng lão thường thì Piano cũ. Nhà ăn rộng rãi, trần cao hơn. Mỗi người ở một buồng riêng, to rộng, còn nursing home thường thì buồng nhỏ hẹp hơn. Vân vân.

Mặt tiêu cực trong nghề cũng có. Đó là mỗi hộ lý phải chăm sóc 8-9 người già. Luật nhà nước không cho phép hộ lý được làm nhiều hơn, để đảm bào chất lượng phục vụ. May mắn thì những ngưòi này khoẻ mạnh, ít ỉa đái ra bỉm, và biết xúc thức ăn đút vào miệng. Không may, thì có đến 3 người ỉa đái ra bỉm, và phải đút bón mỗi bữa ăn. Vì thế, tổ trưởng là người chia việc phải biết từng người già mà chia họ vào những nhóm để chia cho hộ lý chăm sóc cho khỏi quá mệt, và công bằng với các hộ lý khác. Mỗi hôm mỗi hộ lý chăm sóc một nhóm khác, quay vòng luôn luôn. Khi hộ lý mệt mà việc quá nhiều, đúng giờ phải xong việc gì và phải làm việc gì, thì xảy ra làm ẩu, ví dụ chùi đít thay bỉm không kỹ, làm đau ngưòi già (có người nặng tạ rưỡi) phải 2 hộ lý mới vần thay quần áo, chăn mền, và bỉm được, hoặc thời gian tắm quá ngắn chẳng hạn. Dù sao, chuyện tiêu cực không thể đến mức vi phạm tiêu chuẩn của nhà nước. Ăn tiền của nhà nước chứ có phải ăn tiền của người già đâu mà có thể ẩu được. Không ít ngưòi làm hộ lý được một ngày, có người được vài ngày, thì bỏ việc. Trước khi bỏ tiền đi học lấy bằng, họ không ngờ là công việc nặng nhọc mà lương lại thấp đến thế. Xã hội có triệu phú Bill Gate thì cũng có Registerd Nurse Assistant (RNA) chứ.

Tôi đã từng làm hộ lý trong nhiều Nursing Home, tổng cộng thời gian gần 2 năm. Làm Hộ Lý phải qua kỳ thi sát hạch của nhà nước, và phải được cấp bằng Licence. Muốn được dự thi, phải có một Nursing Home đỡ đầu cho đi thi, và phải qua một khoá huấn luyện 3-6 tháng (phải trả tiền) bao nhiêu giờ lý thuyết và bao nhiêu giờ thực tập theo quy định của bang. Khi tôi đi làm, có một cô than phiền về bài văn cô ta đang học college. Tôi nói, ngày mai tôi sẽ đưa cho bài làm. Khi tôi đưa bài đã đánh máy in ra đúng 1 trang chẵn, cô ta đọc xong thì trợn mắt kinh ngạc, vì tôi là lính mới, mà hiểu biết về nghề Hộ Lý hơn cả cô ta đã từng làm nhiều năm. Cô ta có ngờ đâu tôi đã có bằng kỹ sư lập trình và đã có hơn 5 năm đi làm lính đánh thuê cho các công ty. Bà tổ trưởng của tôi mới có bằng 2 năm. Nghề Hộ lý muốn có bằng đại học, không thể cắp sách ngồi đại học, mà phải lâu năm trong nghề, rồi học lên 2 năm, rồi học lên 4 năm, cứ thế học lên. Nói một cách khác, nghề Hộ lý phải bò từ lính lên tuớng. Bù lại, lương trung cấp Hộ Lý gần bằng lương đại học Kỹ Sư, còn lương Đại học Hộ Lý thì gấp mấy lần kỹ sư mới ra trường. Chưa có thì giờ tìm hiểu Ph D ngành Hộ Lý thì học ở đâu, và ra sao.

Hộ lý trong các nhà thương thì nhàn hơn rất nhiều, vì họ không phải phục vù nhiều người đến thế. Vả lại, người trong nhà thương không phải ngưòi già, nên phục vụ cũng đỡ cực hơn. Muốn được chân hộ lý trong nhà thương thì phải có chân trong chứ không dễ.

2 nhận xét:

Mẹ Yêu Con nói...

Làm nghề hộ lý đòi hỏi sự nhẫn nại và tình thương yêu. Việc chăm sóc người già phải diễn ra như con cháu yêu thương chăm sóc họ, quan tâm đến họ từng chút một chứ không phải chỉ đi làm công ăn lương. Một trong những nghề mà mình rất khâm phục

WorldNews nói...

người già sức khỏe yếu đi cho nên phải có kế hoạch chăm sóc thật tốt
http://benhvienphuclam.com/2017/09/09/vien-duong-lao-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-hung-yen/