Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

THÀNH CỔ BIÊN HOÀ ( THÀNH CỰU - THÀNH KÈN ) Đường Phan Châu Trinh – Phường Quang Vinh –Thành Phố Biên Hòa

BS Nguyễn Văn Phúc
- Lịch sử:
Theo tác giả Lương Văn Lựu viết trong Biên Hòa sử lược, thì "Thành được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) tại địa hạt thôn Bàn Lân (thôn Tân Lân) huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũng với tên gọi là "Thành Cựu" do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào". Thành được xây theo hình cánh cung, đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837). Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong và đổi tên thành Thành Biên Hòa. Về sau, quân Pháp tu bổ và thu gọn lại còn bằng 1 phần 8. Trước 1940, hai bên cửa thành, có chôn 2 khẩu đại bác, miệng chìa về phía diện tiền như biểu dương uy vũ, nhưng đến khi quân đội Nhật lật Pháp quyền đến chiếm đóng, đã đào gỡ dời đi mất. Các hào ở phía Đông, được quân dân xin lấp lại và xây cất phố xá bên cạnh vách đá, nay trở thành khu thương mại rất thượng vịnh.
Cổ thành Biên Hòa là một công trình phòng thủ quân sự của triều Nguyễn ở vùng đất Biên Hòa. Hệ thống bố phòng ở Biên Hòa lúc bấy giờ còn có các trạm, lũy, tấn, đồn thủ tại các nơi xung yếu. (Cũng cần nói thêm: tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ gồm phủ Phước Long và 4 huyện: Phước Chánh, Phước An, Bình An, Long Thành. Đối chiếu với địa giới hiện nay thì nó bao gồm các tỉnh hiện nay như: Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và một phần đất của các quận, huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận). Ngoài chức năng của một trung tâm các hoạt động nhiều mặt của xã hội đương thời, cổ thành Biên Hòa đóng góp rất quan trọng trong việc bố phòng, trấn an vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Thành Biên Hòa là điểm chỉ huy của các cuộc trấn áp đối với sự nổi dậy phá hoại của các tộc người miền núi không tuân phục triều Nguyễn, triều Nguyễn gọi chung là man sách.
Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ 14 - 15, thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất với tên gọi "Thành Cựu". Thời nhà Nguyễn, thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi thành Biên Hòa. Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ, Thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn.
Tháng 12/1861, Thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vị thành còn 1/8 so với trước và gọi là thành "Xăng đá", phiên âm từ tiếng Pháp Soldat - nghĩa là "Thành Lính". Hào phía đông được lấp đất lại xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương... trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương còn gọi là Thành Kèn. Sau khi Thành Biên Hòa bị chiếm đóng, ngoài việc cho thu hẹp diện tích, thực dân Pháp còn xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình bên trong thành như: Các khu nhà biệt thự với một tòa phía tây bắc và một tòa phía đông nam
Những ngôi nhà này được xây dựng với 3 tầng có sàn gạch, mái ngói, vòm cuốn, hệ thống cửa thông gió cho cả tòa nhà, trong đó đáng chú ý là sàn gạch được chia nhỏ bằng các thanh thép hình to dày, sau đó ghép gạch lại với nhau bằng chất kết dính là vữa và vôi. Theo đánh giá của các chuyên gia, Thành Kèn là công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử và khoa học.

Các công trình kiến trúc và những dấu tích còn lại là những tư liệu quý giá về kỹ thuật xây dựng vào thời kỳ đầu chế độ đô hộ thực dân. Trong đó, khá rõ nét là công trình phòng thủ quân sự và công trình nhà làm việc, nhà ở kiểu Pháp; các đoạn tường thành, móng thành và các vị trí chiến đấu. Tại đây cũng thấy ảnh hưởng của “tính bản địa” qua việc sử dụng các vật liệu tại chỗ như gỗ, đá tổ ong, bên cạnh các vật liệu thuần châu Âu như gạch chỉ, thép hình.

Những nghiên cứu về Thành Kèn cho thấy, nhiều kỹ thuật xây cổ vẫn còn giá trị cho các nhà nghiên cứu về công nghệ xây dựng ngày nay như: Các sàn gạch bằng vữa vôi, kết cấu giàn mái bằng thép - gỗ, cấu tạo thông gió trong ngôi nhà, cách thức lợp mái hiện đại nhưng lại xuất hiện hơn một thế kỷ trước và kỹ thuật chống sét cũng như hệ thống kỹ thuật cuốn vòm bằng gạch…
...Và nguy cơ thành đống đổ nát
Thế nhưng, điều xót xa cho công trình di tích có ý nghĩa cả về mặt lịch sử và khoa học này là hiện đang bị xâm chiếm và xuống cấp nghiêm trọng.
Các bức tường hầu như đã bị nứt và bong tróc, nhiều chỗ bị ẩm mốc. Rễ cây cổ thụ đã ăn xuyên qua tường làm nứt mạch xây và vữa trát. Hiện di tích Thành Kèn chỉ còn lại các hạng mục như nhà cổ 3 tầng, nhà cổ 2 tầng và các đoạn tường thành và móng thành. Tuy nhiên, các công trình này đều bị rễ cây ăn vào làm xuyên tường, nhiều đoạn bị bong tróc nghiêm trọng. Sàn gạch của tòa nhà trong thành đã bị han rỉ làm bong các lớp vữa trát, khiến khối gạch nằm giữa tụt khỏi khuôn, làm thủng sàn.

Ngoài ra giàn mái cũng như các cửa trên mái lấy gió, ống khói hầu như đã hư hỏng nặng. Riêng hệ thống phòng thủ nhiều đoạn tường thành cũ đã bị sập đổ. Khuôn viên của khu di tích Thành Kèn đang bị người dân chiếm dụng để trông giữ xe, tập kết vật liệu xây dựng. Hệ thống phòng thủ trong thành hiện cũng đã bị sập đổ.
Theo khảo sát của Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai, trước đây, Thành Kèn còn có hệ thống cống ngầm phía dưới, nhưng hiện công trình này có thể đã bị vùi lấp. Có người còn cho rằng thành còn có cả hệ thống hầm ngầm và địa đạo nối liền với các khối nhà cổ...
Để cứu lấy di tích lịch sử Thành Kèn, pho sử quý giá này, theo các chuyên gia, chính quyền địa phương cần nhanh chóng lập dự án phục hồi các hạng mục trên, thực hiện ngay các công đoạn trùng tu, tôn tạo di tích trước khi công trình này chỉ còn là... đống đổ nát.
-         Kiến trúc
Theo một số tư liệu, chúng ta biết rằng, cổ thành Biên Hòa được bắt đầu xây đắp bằng đất vào tháng 6 năm 1834 với ”4 mặt thành đều dài 70 trượng, cao 4 thước 3 tấc, dày 1 trượng, mở 4 cửa. Đào hào rộng 2 trượng, sâu sáu thước”. Quan Khâm sai Đoàn Văn Phú chịu trách nhiệm trong việc trù tính việc làm. Vua Minh Mạng đồng ý cho việc chọn lấy 1.000 dân trong hạt đứng ra xây đắp, số dân làm thành được hậu cấp cho tiền gạo.
Từ sau ”sự kiện khởi binh“ Lê Văn Khôi, 3 năm sau, vua Minh Mạng thấy việc xây thành Biên Hòa “là công trình trọng đại”, chuẩn cho  xây thành Biên Hòa và sai phái trách nhiệm cho nhiều vị tướng quân.
Đợt  xây dựng này được tiến hành vào tháng Giêng năm 1838 có quy mô lớn bằng đá ong với:”chu vi dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng 5 thước, hào đào rộng 3 trượng, cửa thành có  4 cửa”. Vua Minh Mạng sai phát 4.000 binh dân làm việc và phái Vệ úy Vệ tả bảo nhị là Nguyễn Văn Gia, Thự phó Vệ úy Tiền doanh Long Võ là Phan Văn Lăng, Vệ úy Tả thủy Gia Định là Lê Văn Tự, Vệ úy Bình Thuận là Tôn Thất Mậu trông coi việc thực hiện.
Ngoài ra còn có một số tư  liệu khác cũng nhắc đến thành Biên Hòa với một số chi tiết khác như: có dựng 1 kỳ đài, mỗi cửa ra vào đều có bắc cầu đá ngang qua hào để làm lối ra vào, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước, tường thành dày trượng.
Nếu lấy theo chuẩn thước đo “quan mộc xích“, thước này dài 0m424 thời Lê nhưng vẫn được dùng trong thời vua Minh Mạng thì các thông số về thành cổ Biên Hòa được quy đổi 1 trượng bằng 4m 24,1 thước bằng 0m424 thì chu vi 338m (khoảng 1.433,12m), tường cao 8 thước 5 tấc (khoảng 3,604m), dày 1 trượng (khoảng 4,24m), hào rộng 4 trượng (khoảng 16,96 m), sâu 6 thước (khoảng 2,544 m).
-  Những phát hiện mới về thành cổ Biên Hòa
Khảo sát khảo cổ nhằm nghiên cứu, cung cấp các dữ liệu góp phần xác định phạm vi dấu tích của Thành Biên Hòa xưa với những di sản văn hóa còn tiềm ẩn trong lòng đất, qua đó đề ra những giải pháp cụ thể về bảo vệ và phát huy giá trị của di tích này. Trong tháng 2-2012, Đoàn thăm dò khảo cổ đã mở 14 hố thám sát (10 hố trong khu vực dự án Sonpart và 4 hố trong nội Thành). Tất cả các hố thám sát phải đạt độ sâu ±2m (độ sâu địa tầng đảm bảo phát giác đầy đủ tầng văn hóa nguyên thủy nhất ở Biên Hòa nếu có; bởi theo kinh nghiệm điền dã hàng chục năm ở Đồng Nai, các trầm tích xưa nhất hiện biết ở Biên Hòa và vùng ven chỉ phát lộ ở độ sâu trung bình từ 50-160cm; ví như Bình Đa = 140-160cm, Gò Me = 50-60cm, Cái Vạn = 50-60cm, Gò Dưa = 80-90cm, Bưng Bạc = 90-100cm, Cầu Sắt = 70-75cm, Đồi Mít = 120-140cm…).
Lớp văn hóa ghi nhận được ở đây có độ dày từ 0,9m tới 1,4m, hiện vật đa số thu được là đồ gốm, sành dân dụng và một số hiện vật khác như mảnh ngói, vòng đồng… Các nền móng kiến trúc được phát lộ có liên quan trực tiếp tới di tích Thành Biên Hòa giai đoạn Pháp sử dụng như móng gạch đá ong, gạch vồ, gạch thẻ, đá, đường ống nước bằng sắt... Bước đầu nghiên cứu khảo cổ học Thành Biên Hòa đã khám phá được ba khối nguồn liệu liên quan trực tiếp đến đời sống cư dân cổ chính “trên mảnh đất này”, dàn trải trong khung niên biểu khá lớn từ thời kỳ truyền thống văn hóa Óc Eo ở Biên Hòa và Đông Nam bộ hiện hữu thịnh đạt nhất (thế kỷ VI-VII AD) cho đến các thời kỳ hậu Óc Eo, Trung và Cận đại. Đợt thăm dò khảo cổ học Thành Biên Hòa đã đạt được yêu cầu khoa học quan trọng nhất đó là thu thập toàn bộ dữ liệu khảo cổ học quan trọng liên hệ đến di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc quân sự này.
Khối di tồn vật thể thứ nhất ở đây chính là các dấu vết cư trú thời Cổ sử thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo với những mảnh ngói móc mang hình Phật, các mảnh hỏa lò “kiểu cà ràng” và các sưu tập gốm mịn trắng cùng các loại hình gốm dân dụng tiêu biểu của thời này mà bước đầu theo nhận đoán của chúng tôi thuộc thời phát triển của truyền thống văn hóa Óc Eo (từ thế kỷ VI-VII AD trở đi) trên đất Biên Hòa xưa. Phát hiện này đã củng cố thêm về sự hiện diện của các chứng tích vốn có ở chính Thành cổ Biên Hòa và vùng ven từ nhiều năm trước.
 Khối di tồn vật thể thứ hai chính là các sưu tập mảnh thuộc đồ sành các loại; chủ yếu là đồ gia dụng từ nhiều nguồn lò Việt vùng Biên Hòa và cả ở miền Nam Trung bộ (Việt Nam), có cả gốm Gò Sành và gốm Champa, có cả gốm Khmer…; cùng các sưu tập lớn hơn của nhiều đồ gốm tráng men từ đồ dân dụng đến đồ kiểu, chủ yếu gốm hoa lam các lò gốm tỉnh ở miền Nam Trung Quốc (khối lượng mảnh lớn tới vài ngàn đồ sứ cần nhiều thời gian chỉnh lý và đối sánh hơn). Những tư liệu khảo cổ học này chứng thực quá trình tụ cư sinh sống của làng xưa Tân Lân thời Trung và Cận đại hiển nhiên cũng từ trước khi định cả cương vực này thành tỉnh.
Khối di tồn vật thể thứ ba được ghi nhận liên quan trực tiếp đến các đường móng nhà bằng đá ong, các sàn bê tông và căn hầm dưới lô cốt của Thành cổ Biên Hòa xuất lộ trong các hố đào ở nội thành hiện tại. Những nhận thức chân xác hơn về tuổi của các móng kiến trúc này và công năng căn hầm dưới lô cốt Thành Biên Hòa cần kiểm chứng thêm ở các chương trình tôn tạo di tích. Trước mắt, toàn bộ hiện vật ở các phân lớp địa tầng trên cùng di tích Thành Biên Hòa và vùng ven có thể liên quan đến công trình phòng thủ này (gạch kiến trúc bằng đá ong, gạch đinh nung đặc, nguyên liệu ngói lợp, gốm - sành - sứ cận, hiện đại, các vật dụng sinh hoạt các thời như đồ sứ trắng cao cấp châu Âu, vỏ chai rượu Tây, các đồ quân dụng sản xuất từ Pháp và Mỹ, đầu đạn các loại…)
Di tích “làng cổ Tân Lân dưới chân Thành Biên Hòa” vừa được khám phá, đào thám sát hệ thống lớn theo các trầm tích cư trú dày đặc và liên tục nhiều thế kỷ chính là “Di chỉ khảo cổ học Lịch sử” có khả năng cung ứng cho chúng ta nhiều tài liệu “phục sử” quý báu ở chính Biên Hòa nói riêng và cả Nam bộ nói chung. Bởi vì, “Khảo cổ học lịch sử phải lấy việc khôi phục toàn diện đời sống của cư dân trên các miền đất nước trong lịch sử làm mục tiêu. Đặc biệt, phải chú trọng những mặt mà nguồn sử liệu viết không thể giúp chúng ta được… Không thể chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các đình chùa đền tháp trên mặt đất hay dưới đất, cần khai quật phân tích các loại hình mộ khác nhau mà chúng ta đều biết rằng thế giới người chết phản ánh thế giới người sống. Nhưng quan trọng hơn - mà điều này từ trước chúng ta chưa làm được - là phải khai quật các di chỉ cư trú thời kỳ lịch sử. Chỉ có khai quật các di chỉ cư trú chúng ta mới nhận thức được một cách toàn diện đời sống dân cư qua các thời kỳ lịch sử” (Hà Văn Tấn, 1991).

-         Trận đánh Biên Hoà năm 1861
Pháp chiếm thành Sài Gòn ngày 17/02/1859 và hai năm sau ( ngày 24/02/1861), thành Kỳ Hoà ( Chí Hoà) cũng bị thất thủ. Quân Pháp lo an ninh, lập trại đồn binh và mở rộng khu vực kiểm soát.
Từ sài gòn, quân ta phải rút lui lần, trước tầm truy kích của địch quân với một hoả lực hùng mạnh. Kinh lược đại thần Nguyễn Tri Phương, Thống đốc quân vụ Tôn Thất Cáp, Tham Tán Phạm Thế Hiển rút về Thôn Tân Tạo, phủ Tân Bình. Quân Pháp vẫn đuổi đánh, quan quân ta lại phải chạy thẳng về Biên Hoà. Phạm Thế Hiển về đến đâyđược mấy hôm thì chết.
Biên Hoà là trung tâm kháng chiến chống Pháp, từ trước do Tôn Thất Hợp điều khiển. Cùng lúc, các thứ thần tỉnh Gia Định, như Tuần Vũ Đỗ Quang, Bố Chánh Đặng Công Nhượng, Án Sát Phạm Ý cũng bị truy tầm ráo riết, phải do sông ngòi đồng bải, lần theo thượng đạo Tây Ninh. Trọng pháo của Pháp đánh đến Trảng Bàng. Pháp thuyền La Dragonne theo đuổi đến Tây Ninh. Từ đây, đoàn quan quân ta lại phải tìm đường trốn sang Biên Hoà để hợp với  Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Cáp. Lúc này người dân Biên Hòa đã xây đắt những hộc đá và dị vật xưống đáy sông Đồng Nai nhằm ngăn chặn tiến quân cửa  hải quân Pháp.
Kinh lược Nguyễn Tri Phương bị thương phải lui về Phan Rí điều trị. Ngảy ra đi người dân Biên Hòa tiển đưa vị võ quan mà dân ai cũng mến phục, hẹn ngày trở lại đánh Pháp.
Vua Tự Đức phong cử Thượng Thư Bộ lại Nguyễn Bá Nghi chấp quyền khâm sai đại thần, Tôn Thất Đính làm đô đốc, điều động 4.000 binh sĩ vào Biên Hoà tiếp viện, để chống cự với Pháp. Đến nơi, Nguyễn Bá Nghi liền lập hội đồng nghị tội những kẻ chiến bại. Hội đồng đề nghị giải chức Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Cáp và truyền giam hậu các thuộc quan, tỉnh thần.Vua xét công cho hưởng trường hợp giảm khinh, giáng Nguyễn Tri  Phương xuống Tham Tri, Tôn Thất Cáp, Viên Ngoại  và các liên thuộc cũng được ân giảm theo.
Đến phiên  Nguyễn Bá Nghi, phải ở trong tình thế các tiền nhiêm.
Liệu thế đương cự không kham, từ Biên Hoà, Nguyễn Bá Nghi gởi thư nghị hoà với Charner, giao Tri Phủ Khá  mang xuống đồn Pháp. Cuộc hội kiến mở trên tàu Primauguet.
Pháp đòi 12 khoản, trong có 2 việc chuyển nhượng thành Gia Định, 2 tỉnh Định Tường, Thủ Dầu Một và bồi thường 4 triệu bạc là nặng nhất. Riêng giới sĩ phu, nghĩa dũng xứ Biên Hùng đều phẩn uất. Ở khắp nơi, nhiều người nổi lên chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp.
Nguyễn Bá Nghi phúc trình hội nghị về Kinh lấy lý: nếu Pháp đánh, đòi thêm đất, bấy giờ công chẳng được, thủ không xong, mà hoà cũng không được vẹn.
Nhà vua không chấp thuận, châu phê khuyến cáo Nguyễn Bá Nghi phải làm thế nào để tỏ “gió to nhưng vỏ cứng”.
Tháng 6/ 1861, Nguyễn Bá Nghi nhận thấy mình ở trong hoàn cảnh khó khăn, tiến thóai lưỡng nan, nên cùng với Tân Dương Trần Đình Túc dâng sớ lần nữa, tấu trình tình hình Biên Hoà rất nguy cấp, mà hoà cũng không xong, thì chỉ còn cách cầu ngoại viện.
Vua quở Nguyễn Bá Nghi trốn trách nhiệm, có tinh thần cầu an, bạc nhược, trong đó có câu : “ Bọn ngươi đều vô dụng, đừng ngó mặt ta nữa !”
Trong khi đó Pháp nghĩ đến việc mở rộng phạm vi  kiểm soát về mặt Bắc, để bảo vệ Tổng Hành Dinh.
Hai mục tiêu chính mà chúng nhắm thẳng vào, là thành Gia Định ở bên cạnh và tỉnh Biên Hoà rộng lớn, nơi tập trung quân chủ lực của triều đình Huế, đặt dưới sự thống lãnh của khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi. Chính từ hướng này, quân ta thường phát xuất những cuộc tấn công đồn trại tiền tuyến  của Pháp.
Biên Hoà có sông ngòi chằng chịt, bàu vũ mênh mông, có đồng chồi rừng rậm, rất thuận cho chiến dịch di kích.
Bên Tả, có xứ Đá Hàng ( Bến Gỗ Phước Tân) núi non hiểm trở, có thể che chở quân đội tiến lui. Và bên Hữu, có đường liên lạc với phủ  Phước Tuy ( Duyên Hải Vũng Tàu) để vận tải lương thực hoặc lấy quân tiếp viện từ Khổng Tước Nguyên ( Gò Công, Trau Trảu ) chuyển sang. Để đề phòng án ngữ, ta đã thiết lập cơ cấu chiến lược và đóng quân rải rác khắp nơi.
   + Suối sâu ( Thâm tuyền ) Làng Giao (đồn điền ông Quế) Long Khánh
   + An Thạnh và Bình Thuận ( Đồng Môn ) do phó đề đốc Lê Quang Tiến trấn giữ
   + Cửa biển Cần Giờ và Phước Thắng.
Thỉnh thoảng để chứng tỏ  sự hiện diện, Pháp mở những cuộc hành quân lẻ tẻ đến các đồn luỹ ta, nhưng đều bị đẩy lui.
Số đông Việt quân thiện chiến, lui lần về đặt căn cứ  trọng yếu tại Phước Tuy
Dân Biên Hùng lên đường kháng chiến, để lại một bên tình nghĩa ái ân:
“ Giặc Tây đánh tới Cần Giờ
Biểu đừng thương nhớ, đợi chờ uổng  công”
Ngày 12/12/1861 Pháp đưa 4 đạo quân:
+ Đoàn chiến thuyền Renommee, Ondine, Alarme, tiến lên phá các đồn luỹ ở hai bên mé sông Đồng Nai và các chướng ngại đặt ở lòng sông.
Pháo binh và bộ binh Tây Ban Nha do thiếu tá Comle hướng dẫn đến Đôn Lộc ( Tân Phú ).
Trung Tá Domenech Diego chỉ huy đại đội Thuỷ quân lục chiến Tây Ban Nha và kỵ binh, cùng hai khẩu súng 4 nòng, từ mặt Thủ Đức tiến lên.
Trung tướng Lebris điều động 2 đại đội Thuỷ Quân Lục Chiến, sẵn sàng ở bờ sông, sát mặt thành.
Bốn đơn vị này được đặt dưới sự tổng chỉ huy của chủ tỉnh Renommee.
Riêng đô đốc thuỷ sư Page chỉ huy đoàn tàu từ sông sài gòn ra Nhà Bè, ngược sông Đồng Nai lên phía Đồng bảng (Tân Ba)
Với giản Tề trận chiến như trên để thị uy, áp đảo tinh thần ta, Đô Đốc Bonard gởi một tối hậu thư đặt điều kiện đầu hàng, hạn kì cho khâm sai Nguyễn Bá Nghi và tuần phủ lãnh bố chánh Nguyễn Đức Hoan, nhưng quan quân ta giữ thái độ im lặng không phúc đáp.
Sáng 16/12/1861 nước lớn, chiến hạm Pháp  lần sát vào bờ. Trung tá Domenech Diego bất thình lình cho khai hoả, nhả đại bác vào thành, để yểm trợ cho Thuỷ Quân Lục Chiến đổ bộ.
Thành bị công hãm quá ồ ạt , Tuần Phủ Nguyễn Đức Hoan và Án sát Lê Khắc Cần chống đỡ không nổi, vì hoả lực mạnh của địch, nên phải bỏ thành kéo tàn quân rút về Hồ Nhỉ ( Phước Long – Nhơn Trạch )
Ngày 17/12/1861 Pháp tràn vào thành tịch thu của ta :
+48 khẩu đại bác
 +18 giang thuyền
Trong trận này, quân ta chết rất nhiều. Chính Nguyễn Bá Nghi cũng đã cho lui  bộ chỉ huy về đặt tại Long Kiên và Long Lập ( Phước Tuy )
Biên Hoà thất thủ, lòng dân ly tán. Các gia đình đùm đề khăn gói dắt vợ  cõng con lánh nạn trong hoàn cảnh loạn lạc:
“ Bến Nghé : bạc tiền tan bọt nước,
Đồng Nai: tranh ngói nhuốm màu mây !”
(“ CHẠY GIẶC” của Nguyễn Đình Chiểu)
Domenech Diego được tạm giao trấn giữ thành Biên Hoà .
Nhận tin cấp báo  Việt quân đại bại , vua Tự Đức phong tuần phủ Đỗ Quang thay thế Nguyễn Đức Hoan, để tiếp tục điều khiển kháng chiến, còn lãnh nhiệm khuyến mộ các nơi ứng nghĩa, để chống Pháp với điều kiện :
+ Chiếm được phủ huyện nào, thì triều đình cho làm quan cai trị Phủ, huyện ấy.
+Thu hồi được thành nào, thì cho tập tước thành ấy.
Binh sĩ có công thì được phẫm hàm.
Được chiêu mộ với mấy điều lợi này, nhân dân hưởng ứng rất đông trong cuộc kháng Pháp. Mặc dầu thành đã chiếm, Triều đình vẫn lo khôi phục
Nguyễn Tri Phương trước bị giáng cấp nay được Trương Đăng Quế đề tấu, vua nghị phê cho phục nhiệm Binh Bộ Thượng Thư Sung Đổng Nhung quân sự, nắm lấy binh quyền, để tái chiếm Biên Hoà.
Tôn Thất Cáp được phục tước Binh Bộ Thị Lang Sung Phụ tế
Còn Nguyễn Công Nhàn, Hàm Quản Cơ Sung Thương biện.
Trái lại, vì chủ trương cầu hoà, khâm sai Nguyễn Bá Nghi bị giáng cấp tham tri phụ tế Bình Thuận
Sau Nguyễn Đức Hoan bỏ phận sự  tại Hồ Nhỉ để chạy về Thắng Hải ( Phước Tuy ), nên bị triều đình cách chúc cho hồi nguyên tịch.
Quân lực Pháp ngày càng được tăng cường , quân ta yếu kém hơn, ngày càng phải rát lần trong rừng sâu để kháng chiến, nhưng cũng không giành lại được chủ quyền với Pháp đã mở khu kiểm soát như vết dầu loang, trước sự giúp đỡ  của một vài tên Việt Gian và một số ít dân thích hưởng lạc cầu an.
Những nhà ái quốc, những nhà có tâm  huyết là số đông, nhưng thiếu phương tiện, vũ khí, chiến cụ, dù có áp dụng chiến thuật du kích cũng không đem lại kiến hiệu nhiều. Những nhóm kháng chiến tan rã dần, những nhà lãnh tụ chỉ còn mang một hoài bão to lớn, chờ thời cơ để làm lại lịch sử.
Trong khi đó, Domenech Diego được chính thức bổ nhiệm tham biện chánh phủ tỉnh Biên Hoà vào ngày 22/02/1681.
Pháp xây cất đồn trại vững vàng. Bonard cử một tư lệnh và 2 thanh tra hành chánh để tiếp tục cuộc bình định và đặt nền cai trị.
Từ Sài Gòn đến Biên Hoà, Pháp đặt hệ thống viễn thông để trao đổi tin tức. Ở Bà rịa, Pháp cho xây ngọn hải đăng và giữ thông tin với Biên Hòa đến Sài Gòn. Từ đó, Pháp đặt lên lãnh thổ Biên Hoà một nền hành chánh thực dân, tròng vào đầu cổ nhân dân Biên Hùng, một ách thống trị của chánh quốc với thuộc địa.
Trong thôn dã, tình hình tuy lắng dịu dưới nếp sống bình thường qua sinh hoạt của giới nông dân nam nữ, trên đồng ruộng, trong vườn rẫy:
“Đắng: khổ qua, chua là chanh giấy.
Dầu ngọt thế mấy, cũng tiếng cam sành
Giặc lang sa đánh tới châu thành
Dầu ai ngăn qua đón lại
Dạ cũng không đành bỏ em.”
Của nhóm máy thành  Biên:
“ Chừng nào xe sắt bung vành,
Tàu Tây lủng đáy, anh mới đành xa em”
Của nhóm công nhân Sài Thành:
“Đèn nhà lầu hết dầu đèn tắt,
Lửa nhà  Máy hết sắt thành than
“Em hat” ơi ! lấy chồng lựa chỗ cao
Lấy chi anh đứng hầu bàn Tây ăn”
Đó chỉ là mất nước hồ thu giả tạo, dưới đáy, vẫn tiềm tàng một tinh thần chống Pháp, một tiềm năng quật khởi, một sức mạnh ngấm ngầm để vùng dậy, đứng lên, một ngày kia, của người dân Biên Hùng  ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lương Văn Lựu. Biên Hoà Sử Lược Toàn Biên. Tập 1. 1972
2. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện. Viện Sử Học Việt Nam. Nhà xuất bản Thuận Hoá, 2005
3. Quốc sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam Nhất Thống Chí. Phần Tỉnh Biên Hòa . Lục Tỉnh Nam Kỳ.
4.Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành Thống Chí. Tu Trai Nguyễn Tảo dịch thuật. 1972
5. Nguyễn Khắc Ngữ. Những Cuộc Hành Quân của Pháp ở Nam Kỳ. Trích trong : « Kỷ niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam kỳ ».
6. Trần Huy Liệu. Lịch sử  80 năm kháng chiến chống Pháp. Ban nghiên cứu văn sử địa xuất bản.
7. Phạm Văn Sơn. Việt Sử Toàn Thư. «  Pháp ra mặt trận chiếm Việt Nam ». Phần 4, Chương 2.Trang 438.
8 .Nhóm Nhân Văn Trẻ. Hỏi Đáp Lịch Sử Việt Nam. Tập 4. Nhà xuất bản trẻ. 2007
9. Phát hiện mới về Thành cổ Biên Hòa. Báo Sài Gòn Giải Phóng online. Thứ tư 28.03.2012.
10. Xót xa Thành Cổ Biên Hòa . Báo Pháp Luật Việt Nam. 16.08.2010.













BỬU PHONG CỔ TỰ

BS Nguyện Văn Phúc

 Sách  Đại Nam Nhất Thống Chí  ghi : “Chùa Bửu Phong ở trên núi Bứu Phong , về thôn Bình Định Điện , huyện Phước Chánh.Nhà chùa bông hoa cảnh trí thanh nhã.Sau chùa, có cây mai lâu năm, lá dày, cội già, nhánh tỏa lưa thưa.Đến tháng chạp nở hoa, bẻ nhánh cắm vào bình nước để chơi được trong tuần nhựt, nhưng không đem trồng nơi khác được “.
Theo sách Thiền Sư Việt Nam của Hòa Thượng Thích Thanh Từ : “Thiền Tông truyền vào miền Nam Việt Nam hầu hết các sư đều thuộc về tông Lâm Tế, do các Tổ miền Trung truyền vào. Song gần đây Tông Lâm Tế đã đồng hòa với Tịnh Độ, chỉ trên dòng phái còn thuộc phái thiền , nhưng pháp tu hoàn toàn Tĩnh Độ. Đo đó chúng ta khó bề phân định vị sư là Thiền Sư. Về tông Tào Động chúng tôi chỉ thấy chùa Bứu Phong trên núi Bứu Phong Biên Hòa thờ bài vị các Tổ Khai sơn có để nối dòng Tào Động “ .
Ngôi chùa trước kia là một am tranh do Hòa thượng Bửu Phong dựng năm 1616
Sau năm 1679, một số người dân Trung Quốc theo Trần Thượng Xuyên của nhà Minh chống Thanh đưa vào tị nạn , ngôi chùa được cất lại bằng gạch ngói và thỉnh Đại Sư  Hoàng Long đường thượng hiệu Trí Thành, pháp danh Pháp Thông, đến trù trì và tôn là tổ khai sơn.
Năm 1829 sau đời Nguyễn Hữu Cảnh , một nhóm phật tử đứng ra phất trương và xây lại gôi chùa theo lối kiến trúc  cổ  của người Hoa.Thếm, tam cấp, chân nền ngôi chùa được cẩn bằng những phiến đá dài .Bốn cột trụ cũng được chạn rồng , khắc chữ , do tham trưởng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm phiến cúng.Cột trong toàn gỗ núi.đặc biệt diện liền, hướng về phương Đông, được trang trí một cách rất tinh vi, đắp gắn bằng miểng kiều( sứ) nhiều màu. Biển chùa , hình tượng trên mái thượng theo lối Trung Hoa.
Năm 1899, Hòa thượng Pháp Truyền tự Chơn Ý tiếp tục tu sửa giảng đường, nhà Tổ.Ngôi chùa được mở rộng thêm  nhiều gian .Liêu phòng ni phái , tín nữ bên Bắc riêng biệt với dưỡng tăng ở phía Nam, và sửa sang theo nét hiện đại .Hòa thượng Pháp Truyền là bậc chân tu phật học , tài đức song toàn cảm hóa được nhiều thập phương Phật Tử qui sùng đạo mạch Hưng Long.Thiền môn đạt thịnh .Do đó, chùa Bửu Phong được trùng tu rất trang nghiêm, mĩ lệ.Với uy danh và đức độ của Tổ Chơn Ý,truyền đình Huế đã thỉnh Tổ đi thuyết giảng cho Hoàng Tộc và khắp mọi nơi.
Năm 1927 Chánh điện được xây đúc lại
Năm 1946  Pháp đến chiếm chùa và đòi hỏa thiêu, nhờ sư Huệ Quang biết Pháp ngữ , khéo biện bạch, kết xã giao, nên giữ lại được ngôi bửu tự để phụng thờ Đức Phật.
Năm 1963 Yết ma Thiện Giáo cho xây đài Quan Thế âm trước chùa.
Năm 1964 Hòa thượng Tăng Thống Huệ Thành cho xây đài Tam Thế Phật và điện Linh Sơn Thánh Mẫu
Từ năm 1974 đến nay, Ni sư Huệ Hương không ngừng tu sửa, trang trí lại ngôi chùa: xây cất lại nhà cầu ( nơi hành lễ ), làm lại cửa ra vào phía nam chùa, xây Bảo tháp tôn trí xá lợi Phật.Ngoài ra , còn cho tarng trí, sơn thếp lại toàn bộ các bức hoành phi, câu đối, bao lam, hương án, tượng thờ và kiến tạo các nhóm tượng diễn tả cuộc đời đức Phật từ lúc đản sinh cho đến khi nhập Niết bàn.
Chùa Bửu Phong nằm bên bờ tả ngạn sông Đồng Nai, trên đỉnh núi Bình Điện ( Bứu Phong ) trong khu di tích danh thắng Bửu Long, cách ngã tư Cầu Mới ( Tp. Biên Hòa) khoảng 2 km trên lộ 24 đi vườn bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu ). Từ xa, du khách đã nhận thấy giữa vùng đồng bằng nhô lên một ngọn núi lừng lững ( cao hơn so với mặt nước biển 1.000m ).Tảng sáng, sương như dải lụa trắng ngần quấn một vòng quanh lưng chừng núi. Mặt trời ló dạng, phần trên sương tan bớt, cảnh vật mờ mờ hiện ra. Sau tán lá rừng, nhạt nhòa làn sương mỏng là đài Tam Thế Phật màu trắng tinh khiết sừng sững uy nghiêm và một góc mái chùa nhô ra vươn lên bầu trời xanh thẫm khiến mọi người liên tưởng đến đây là một bức tranh thủy mạc.
Qua cổng tam quan bề thế ở sát lộ 24, bước lên từng bậc đá men theo sườn núi, du khách theo một con đường khá đẹp đi dần lên núi. Vừa đặt chân lên đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật độc đáo ẩn hiện sau những tảng đá,tàn cây cổ thụ đó là : đài Tam Thế Phật và các nhóm tượng minh hạo sự tích đức Phật ( Tượng Phật đản sinh, Thích Ca xuất gia, Thích Ca thành đạo, Thích Ca chuyển pháp luân, Thích Ca nhập Niết bàn ), tượng Thích Ca ngồi kiết già trên tòa sen dưới gốc cây cổ  thụ, hai bên có voi và khỉ dâng quả
Từ tên đỉnh núi, du khách ph1ong tầm mắt ra xung quang sẽ thấy cả một vùng quê bao la : những thảm lúa chín vàng, ruộng rau xanh ngát bên dòng sông Đồng Nai như dải lụa mềm mại, uốn lượn ôm ấp những xóm làng quyện bóng khói lồng. Càng lên cao du khách càng được tận hưởng khung cảnh trời mây thoáng đãng, không khí trong lành,gió đưa thoang thoảng mùi hương , cỏ hoa. Giữa trưa nắng gắt , nhưng mọi người có cảm giác như đang được tắm mình trong tiết thu mát mẻ
Bửu Phong cổ tự tọa lạc trên đỉnh núi Bình Điện , nhìn giống như một yên ngựa  khá bằng phẳng, kiếm trúc theo kiểu chữa tam ( ) giống hầu hết các chùa xưa ở miền nam hay các chùa đời Trần ở miền Bắc .Chùa gồm : chánh điện , giảng đường và nhà hậu Tổ tiếp nối nhau. Ngoài ra, hai bên ( tả, hữu )chùa còn có liêu phòng Ni phái và Tăng đường. Chùa được xây dựng bằng gạch  thẻ, vôi hợp chất, mái lớp ngói vảy cá, nền lót gạch bông . Bộ chung vì kèo làm bằng gỗ núi rất tốt. Mặt tiền chùa nhìn về phía Bắc, trước chùa có tượng Bồ tát Quan Thế Âm, sau chùa là dòng Đại giang, bên trái có đá Thanh Long, bên phải có hang Bạch Hổ..
Mặt tiền chùa được trang trí rất hấp dẫn khách tham quan bởi các bức phù điêu trạm trổ ghép sành công phu, tinh vi mang tính nghệ thuất cao theo phong cách triều Nguyễn  .Các đề tài : cuốn thư , Lân ngậm trái châu, ông Nhựt , bà Nguyệt , rồng chầu mặt trời, nhóm tứ linh, hoa văn đồng tiền, chữ vạn, mây, dây hoa lá cách điệu….biểu thị cho quyền uy và sức mạnh , sự nhàn, thịnh vượng …là ước mơ ngàn đời của người dân Việt Nam . Đặc biệt là lở hai cột chính giữa mặt tiền có cặp đối nói lên ý nghĩa tên chùa :
“ Bửu nhạc dịu dàng như Thứu Lĩnh
Phong sơn đẹp đẽ tựa Kỳ Viên “
Tất cả các mảng trang trí này làm bằng chất liệu ô dước,xi măng, bề mặt ghép mảnh sàng sứ nhiều màu óng ánh, tạo cho mặt tiền ngôi chùa vừa rực rỡ, trang nghiêm lại cổ k1inh chinh phục lòng người.
Chánh điện được chia làm ba gian thoáng rộng, trên hai tầng ( bốn cột) xi măng có đường kính 350 cm đắp nổi rồng ẩn mình trong mây, sơn son thiếp vàng nhìn rất oai nghiêm , tạo vẻ linh thiêng cho cho chốn Thiền Môn. Gian chính giữa thờ Tam Thế Phật . Tả hữu thờ Thập diên Diêm Cương . Các tượng Phật ở đây được tạc rất sinh động . Đặc biệt pho tượng Phật Di Đà tọa giữa chánh điện  được tạc bằng gỗ mít có niên đại Minh Mạng 9 ( 1829 ). Tiếp nối với chánh điện là giảng đường và nơi thờ Tổ. Ở đây, các tấm liễn, hoành phi , bao lam được nghệ nhân dân gian chạm khắc rất công phu , tinh vi thể hiện nhiều đề tài phong phú, được treo trên bốn hàng cột gỗ tròn đường 350 cm và sà ngang tạo khung cảnh nơi đây rực rỡ , huyền bí. Bức Chuẩn Đề 18 tây tọa ở giảng đường cũng là pho tượng cổ đã được các nhà khảo cổ học cho là  một vị thần của Chân Lạp và giới Phật tử xưa đã đặt cho chùa một tên riêng mới : “ Chùa Phật 18 tây “. Nơi thờ Tổ, sự hiện diện của pho tượng Tổ sư Đạt Ma cùng với hơn chục bài vị của các sư trù trì đã tịch sơn son thép vàng bài trí trang trọng trên các bàn hương án, là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu và mỹ thuật. Chùa có xã lợi Phật và còn lưu giữ nhiều bình hoa, chén, đĩa, bát nhang cổ đời Thanh và một số tượng Phật nhỏ bằng đồng

Núi Bửu Phong
Ngọn núi nổi danh nhờ hai gọp đá Long Đầu Thạch , Hổ Đầu Thạch và ngôi chùa Bứu Phong Cổ Tự , hợp thành một thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí có chép :”Bứu Phong ở phía Nam huyện Phước Chánh 3 dặm, phía tây dòm xuống sông lớn, làm hậu vệ cho núi Long Ẩn.
Trên có chùa Bửu Long , khói mây man mác. Cây cối um tùm, là thắng cảnh thứ nhứt trong tỉnh hạt. Khi xưa , có sư tăng hiệu Bửu Phong hòa thượng lập chùa trên núi, nên gọi là núi Bửu Phong “
Bửu thạch Long đầu, cổ cảnh linh Quy tại
Phong sơn Hổ cứ, vạn đại chiếu Phụng tồn
Tạm dịch :       Núi đá Rồng chầu, cổ cảnh Rùa linh vẫn hiện
Non cao Cọp tựa, ngàn đời Phụng múa còn đây
Đến đời nhà Nguyễn trung hưng, thôn sở tại mang hiệu danh là Bình định điện. Ngọn núi được thôn dân gọi tắt là núi Bình Điện
Ngày nay đường vào chân núi được mở ra một khao3ng đậu xe. Hàng quán giải khát chỗ gửi xe. Bắt đầu leo dốc có 99 bậc đá , thềm xi măng dẫn đến cổng chùa.

Đài Tam Thế Phật
Đại hòa thượng Tăng Thống Huệ Thành dựng từ năm kỷ dậu ( 1969 ) trên khu đất cao trên bề mặt.
Một vuông nền rộng lót gạch bông hai màu trắng đỏ, do 9 cấp bực nưng bước để lên đài, thường rợp mát bên tàng cây lớn, cội mộc từ trong kẹt, và rễ tủa ôm vòng tảng đá to
Ba tượng Phật lớn ngồi ngự uy nghiêm trên bụt cao:
Đức Thích Ca trên tòa sen ở giữa, hướng về phương Bắc, với gương nét mặt trầm từ bi
Bên Đông, Đức Di Lạc vui tươi , tay mặt cằm xâu chuỗi bồ đề , như sẵn sàng khoan thứ lỗi lầm của nhân loại.
Bên Tây , Đức A DI Đà , trầm ngâm lo nghĩ việc cứu khổ chúng sinh.
Nơi cảnh Phật đài là đỉnh cao thoáng mát . Nhìn về phía Nam đường tỉnh lộ chạy từ hướng Biên Hoà lên , rồi vòng theo con sông Đồng Nai. Xa xa là ngọn núi Châu Thới dáng hình xanh lơ trên nền trời trắng đục.
Phía Đông Nam là những ngôi nhà cao tầng thành phố Biên Hòa .

Hàm Cọp ( Hổ đầu Thạch )
Sau đài Phật , chiễm chệ Hàm Cọp , do hai khối đá lớn chồng lên nhau, ở xa trông giống như đầu con Cọp đang há miệng .

Hàm Rồng ( Long Đầu Thạch )
Sừng sững khối đá khổng lồ , vênh lên như một mái hiên trở ngược nàm chồng lên một khối đá bằng mặt , nhỏ hơn.Hai tảng đá to này ghép thành Hàm Rồng, xưa được người Chân Lạp tôn thờ làm Thần Sơn Thạch. Đứng vào trong miệng Rồng , bạn có cảm giác lo âu vì tảng đá quá cheo leo mà chân đế rất mong manh ở dưới gốc. Xưa có một cội cây đa mọc vươn lên, rễ ôm chầm lấy tảng đá hàm trên , như cố níu không cho nó sụp. Rải rác có những gọp đá cao to hình thù như voi , gọp đá thấp nhỏ như hình rùa, hình cá. Đứng trên gọp đá cao về phía Đông sẽ thấy sân bay Biên Hòa rộng lớn với những đường băng. 

Giếng Gia Long
Nằm trong ngôi cổ tự , trong thời kì vua Gia long lẩn trốn quân Tây Sơn  tại vị trí khuôn viên chùa , Ngài cho đào một giếng nước để nuôi quân. Ngày nay, giếng nước vẫn còn.

Tài Liệu Tham Khảo :
1. Lương Văn Lựu .Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên . tập I, II . 1972, 1973
2. Hội Phật Giáo Việt Nam. Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai. Những Ngôi Chùa Đồng Nai. Tập I. Nhà xuất bản văn hóa thông tin . 2002.
3. Thích Thanh Từ.Thiền Sư Việt Nam .Tu viện Chơn Không.
4. Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam Nhất Thống Chí.Nhà xuất bản Thuận Hóa
5. Trịnh văn Đức. Gia Định Thành Thống Chí. Dịch giả Tu trai Nguyễn Tạo
6. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận. Nhà xuất bản Lá Bối.
7.Phan Khoang. Việt sử Xứ Đàng Trong . Nhà xuất bản Khai Trí
8. Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục. Nhà xuất bản Giáo Dục