Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

NHỮNG BÀI HỌC VUI VUI TỪ CUỘC SỐNG


Bài học 1:
Anh chồng bước vào phòng tắm ngay sau khi vợ anh vừa tắm xong và có tiếng chuông cửa reo. Cô vợ vội vàng quấn khăn tắm quanh người và chạy ra mở cửa. Cửa mở và anh chàng hàng xóm Bob đang đứng đó. Cô chưa kịp nói lời nào thì Bob đã nhanh nhảu: “Tôi sẽ đưa cho cô 8 triệu nếu cô gỡ chiếc khăn tắm ra.” Sau khi suy nghĩ và đắn đo một hồi, cô vợ gỡ chiếc khăn tắm và đứng trước mặt Bob không mảnh vải che thân.
Sau vài giây, Bob đưa cô 8 triệu và ra về. Cô vợ quấn lại chiếc khăn quanh người và bước vào phòng tắm. Anh chồng hỏi: ” Ai thế em?” “Anh Bob ở nhà kế bên đó mà” cô vợ trả lời. “Àh” anh chồng nói tiếp “Thế Bob có đem trả anh 8 triệu anh ấy nợ anh không em?”.
Bài học rút ra từ câu truyện: Nếu bạn chia sẻ mọi thông tin quan trọng liên quan đến tiền bạc và những rủi ro với cổ đông, đồng nghiệp và người thân của bạn đúng lúc, bạn có thể sẽ tránh được những tổn thất nghiêm trọng.
Bài học 2:
 Một nhân viên bán hàng, một thư kí và một giám đốc cùng nhau ra ngoài ăn trưa. Họ bất ngờ phát hiện ra một chiếc đèn dầu cổ. Khi họ chà xát để lau chùi bụi bám lên chiếc đèn, thì bất ngờ Thần Đèn hiện ra. Thần Đèn nói: “Ta sẽ tặng các con mỗi người một điều ước. Ai trước nào?” “Con trước, con trước” cô thư kí lanh lẹ, “Con muốn được ở Bali lướt sóng mà không cần quan tâm, lo lắng đến bất cứ việc gì trên đời này!” Bùm.. Cô biến mất. “Con kế tiếp, con kế tiếp” anh nhân viên bán hàng nôn nóng, “Con muốn được nằm dài trên bờ biển Hawaii, có nhân viên mát xa riêng, uống thỏa thích cocktail cùng với người yêu của con.” Bùm.. Anh cũng biến mất. “Còn con?” Thần Đèn hỏi anh giám đốc, anh ước: “Con muốn 2 người đó quay lại phòng làm việc sau giờ nghỉ trưa.”
Bài học rút ra từ câu truyện: Luôn luôn để sếp của bạn phát biểu trước.
Bài học 3:
Một vị linh mục cho một bà sơ quá giang. Bà sơ bước vào xe và vô tình làm rách áo choàng do bất cẩn bị vướng vào cửa xe, để lộ ra phần chân trắng nõn nà. Vị linh mục gần như mất kiểm soát tay lái khi nhìn thấy cảnh đó. Sau khi chấn tĩnh lại, ông lén lút để tay mình lên đùi bà sơ. Bà sơ phản ứng lại: “Cha à, Cha nhớ đoạn Psalm 129 trong Kinh Thánh chứ?”. Nghe vậy, vị linh mục bèn rút tay lại. Một lát sau, vị linh mục lại để tay lên đùi bà sơ một lần nữa. Bà sơ một lần nữa nhắc nhở: “Cha à, xin Cha nhớ đoạn Psalm 129 trong Kinh Thánh.” Vị linh mục phân trần: “Xin lỗi sơ, thân xác thật là yếu đuối.” Về đến tu viện, bà sơ xuống xe. Khi về đến nhà thờ, vị linh mục vội vã lật Kinh Thánh tìm câu Psalm 129. Nó có nội dung như sau: “Đi tới và tìm kiếm, tiến sâu hơn, con sẽ tìm thấy vinh quang.”
Bài học rút ra từ câu truyện: Nếu bạn không giỏi và thông thạo công việc mình làm, bạn có thể đánh mất một cơ hội tốt.
Bài học 4:
 Một con quạ đang đậu trên một cành cây và chẳng thèm làm gì nguyên ngày. Con thỏ thấy thế bèn hỏi: “Mình có thể ngồi một chỗ và không làm gì như bạn được không nhỉ?” Con quạ trả lời: “Được chứ, sao lại không.” Thế là con thỏ ngồi bên dưới cái cây con quạ đậu và nằm ngủ. Một lát sau, con cáo vồ tới con thỏ và ăn thịt nó.
Bài học rút ra từ câu truyện: Để ngồi chơi hưởng lợi, bạn phải “ngồi” trên một vị trí rất cao.
Bài học 5:
Một con gà tây tán gẫu với con bò: “Mình rất thích leo lên được ngọn của cái cây kia.” gà tây thở dài, “Nhưng không đủ sức.” Con bò góp ý: “Vậy thử “nhấm nháp” chất thải của mình xem sao? Chúng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng!” Gà tây gặm một miếng phân bò và đúng thật là nó cung cấp cho chú nhiều chất dinh dưỡng đủ để leo lên nhánh thấp nhất của cái cây đó. Ngày kế tiếp, sau khi thưởng thức thêm phân bò, gà tây leo lên được nhánh thứ hai. Cuối cùng sau bốn đêm leo trèo, gà tây đã chễm chệ ngồi trên ngọn cây cao nhất. Nhưng chưa tận hưởng được niềm vui chiến thắng bao lâu, gà tây đã bị bắn chết bởi người nông dân khi ông phát hiện ra nó.
Bài học rút ra từ câu truyện: Những chuyện nhảm nhí, vô nghĩa (Bullshit) có thể đưa bạn lên đỉnh cao, nhưng nó sẽ không giữ bạn ở vị trí đó.
Bại học 6:
Chú chim nhỏ đang bay về miền Nam tránh rét. Trời quá lạnh đến nỗi chú lạnh cóng và rơi xuống khu đất của một nông trại. Khi chú chim đang nằm thoi thóp, một con bò đi ngang qua và vô tình thải phân của mình lên chú chim. Khi nằm trong đống phân bò, chú bắt đầu nhận ra phân bò thiệt là ấm! Chú chim nằm đó, ấm áp đầy hạnh phúc trong đống phân bò, và chú bắt đầu cất tiếng ca vì vui mừng. Một con mèo đi ngang nghe tiếng chim hót liền chạy tới thám thính. Đi theo âm thanh của tiếng hót, nó phát hiện ra chú chim trong đống phân bò. Nó kéo chú chim ra khỏi đống phân và ăn thịt.
Bài học rút ra từ câu truyện:
1. Không phải tất cả những ai ném phân vào bạn đều là kẻ thù của bạn
2. Không phải tất cả những ai kéo bạn ra khỏi đống phân đều là bạn của bạn.
3. Và khi bạn đang ở sâu trong đống phân, điều hay nhất nên làm là khép miệng mình lại!

Lời khuyên người không tôn giáo

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA 

NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT


Số người không tôn giáo rất đông. Đó là quyền của họ mà không ai có thể ép buộc họ phải thay đổi. Điều quan trọng là cuộc đời họ cần có một ý nghĩa nào đó, tức là từ trong thâm tâm, họ phải được sung sướng... Cứ đi tìm hạnh phúc nhưng không được làm hại kẻ khác. Nếu như sự toại nguyện của họ lại phát xuất ? đến ? từ những khổ đau của kẻ khác thì sớm muộn chính họ cũng sẽ gánh chịu khổ đau.
Đời sống con người kéo dài tối đa khoảng một trăm năm và nếu so sánh với những kỷ nguyên địa chất thì thật là quá ngắn. Nếu trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy mà ta làm những việc độc ác thì cuộc đời ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc nhưng không ai được phép phá hoại hạnh phúc của người khác. Mục đích sự hiện hữu của con người là không được làm cho bất cứ ai đau khổ. Dù cho ta đạt đến tột đỉnh của giàu sang và hiểu biết nhưng nếu không có lòng từ bi và không biết kính trọng người khác thì sự hiện hữu của ta cũng chẳng xứng đáng là sự hiện hữu của con người. Cứ vui sống trong hạnh phúc và tránh tối đa không làm thiệt hại cho người khác, đấy là những gì mà con người có quyền và đây cũng là điều đáng mang ra để áp dụng cho mình. 
Phần đông chúng ta cho rằng hạnh phúc tùy thuộc vào sự chiếm hữu của cải vật chất. Tuy nhiên thật hết sức rõ ràng là của cải vật chất không hội đủ điều kiện để mang lại hạnh phúc. Chỉ cần nhìn chung quanh là ta cũng sẽ thấy ngay điều này. Nhiều người có đầy đủ tiện nghi nhưng thường xuyên phải uống thuốc an thần, hoặc rơi vào cảnh rượu chè say sưa cốt để làm nhẹ bớt âu lo. Ngược lại là những người không có gì cả nhưng lại hạnh phúc, thư giãn, khoẻ mạnh và sống lâu.
Tôi xin nhắc thêm một lần nữa rằng điều quan trọng hơn hết không phải là sự thoả mãn thô thiển và nhất thời của các cơ quan giác cảm mà chính là sự thoả mãn trong tâm thức. Vì thế muốn trở thành một người tốt thì phải giúp đỡ kẻ khác,  kềm bớt tham vọng và hài lòng với số phận của mình, và đây là những điều không nhất thiết chỉ dành riêng cho những người có tôn giáo. Tôi nói ra những điều đó không phải để làm vui lòng một vị Trời hay để bảo đảm sẽ được tái sinh trong những điều kiện tốt đẹp. Tôi chỉ ngụ ý rằng nếu những ai muốn tìm thấy sự an bình trong nội tâm thì không thể nào không nghĩ đến những điều vừa nói trên đây.
Tiến bộ kinh tế và kỹ thuật càng gia tăng lại càng làm cho chúng ta ràng buộc vào nhau nhiều hơn, tức là bị lệ thuộc giữa người này với người kia nhiều hơn. Tất cả những gì ta làm đều tạo ra ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới này và những ảnh hưởng ấy sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra mà thôi. Tình trạng chung của thế giới lại phản hồi và ảnh hưởng đến hạnh phúc hay khổ đau của từng cá nhân. Không như trong quá khứ, ngày nay khi phóng nhìn vào mọi sự vật thì tầm nhìn của ta cũng cần phải mở rộng và vượt lên trên những quan điểm hẹp hòi.  Ta không thể chỉ nhìn thấy một yếu tố duy nhất hay một nguyên nhân duy nhất là đủ mà phải quán xét mọi sự trên thật nhiều khía cạnh.
Tôi không có ý nói rằng ta phải chối bỏ hạnh phúc của mình và hy sinh tất cả cho hạnh phúc của người khác. Tôi chỉ muốn nói là cả hai không thể tách rời nhau. Nếu như ta cảm thấy liên hệ đến sự an bình và hạnh phúc của tất cả mọi người trên địa cầu này thì hãy tập nhìn mọi sự một cách bao quát hơn và ý thức được tầm quan trọng ở thái độ của mỗi cá nhân.
Có khoảng sáu tỉ người trên địa cầu. Trong số sáu tỉ người ấy thì một phần lớn chỉ quan tâm đến những tiện nghi vật chất mà chẳng hề chú tâm gì đến tôn giáo hay đời sống tâm linh. Những người không-tôn-giáo chiếm phần lớn nhân loại, vì thế dĩ nhiên là cách suy nghĩ và hành vi của họ giữ một vai trò then chốt trong sự tiến hóa của thế giới này. Dù sao thì cũng đáng mừng vì sự kiện biết cư xử như một con người không cần phải dựa vào một tôn giáo nào cả mà chỉ cần là một con người !
Ngay cả súc vật cũng thế, những con thú biết sống hợp đoàn sẽ thu hút các con thú khác. Những con thú hung dữ sẽ làm cho các con thú khác bỏ chạy. Hãy nhìn những con chó hung hăng cũng sẽ thấy, những con chó khác dù to lớn hơn cũng tránh xa.
Điều đó cũng đáng để so sánh với cách cư xử của con người. Những ai tự chủ được mình, có những ý tưởng nhân ái và ngôn từ nhã nhặn thì nhất định sẽ có nhiều bạn hữu hơn. Người khác sẽ cảm thấy an lành bên cạnh họ và ngay cả súc vật cũng muốn đến gần họ. Bất cứ trong hoàn cảnh nào họ cũng tạo ra được một bầu không khí êm ái mà kẻ khác không muốn rời xa. 
Ngược lại, khi ta có những ý tưởng bấn loạn không kiểm soát được, ngôn từ khiêu khích và hành vi hung hăng, thì nhất định kẻ khác sẽ lánh xa và họ sẽ cảm thấy khó chịu khi bị bắt buộc phải tiếp xúc với ta. Họ sẽ không quan tâm đến những gì ta muốn nói, có thể ta chưa kịp cất lời thì họ đã tìm cách ngoảnh mặt đi nơi khác. Họ không thể nào tìm thấy hạnh phúc hay vui đùa bên cạnh ta được. Cuộc sống của ta sẽ trở nên khó khăn hơn, có đúng thế không ?
Dù rằng chúng ta quá đông đúc trên địa cầu này nhưng mỗi người trong chúng ta chỉ biết nghĩ đến riêng mình mà thôi. Ta lệ thuộc vào kẻ khác để có thức ăn, có áo mặc, có một chỗ đứng trong xã hội, để trở thành nổi tiếng, nhưng dù thế ta lại xem những người liên hệ mật thiết với ta là kẻ thù. Có phải là hết sức phi lý không ?
Tuy nhiên, chỉ cần quan tâm đến kẻ khác bằng hành vi và ý nghĩ trong đầu thì ta sẽ tìm thấy hạnh phúc và an vui ngay trong cuộc sống này, đấy là tôi chưa kể đến những kiếp sống trong tương lai. Khi gặp phải khó khăn thì ta sẽ có người bên cạnh để tâm sự và giúp đỡ, chưa kể trường hợp mà kẻ thù của ta có thể sẽ trở thành bạn ta nữa.

Khi chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và xem người khác là thù địch thì ta còn sẽ phải  đương đầu với những khó khăn hết sức phi lý mà chính ta là người chịu trách nhiệm. Trong thế giới tân tiến ngày nay, nếu như sự sống bắt buộc phải cạnh tranh thì ta vẫn có thể làm tốt hơn người khác nhưng không cần phải đè bẹp họ. 

NƯỚC MẮT


MẠNH HÙNG 



Ba vốn chỉ huy quân đội, tính cương nghị. Ba dạy: Con trai không được khóc, khóc là yếu mềm . 
Đi học bị bạn đánh, không đủ sức chống lại, một vết bầm ở mắt. Chạy vội về nhà, thấy ba đứng trước cửa, tôi thinh lặng, cúi đầu bỏ đi. 
Ngày nhập ngũ, mẹ khóc rất nhiều, còn ba thì không. Tôi nhìn ba, nhìn mẹ, rồi ra đi, không khóc. 
Chiều nay bên quan tài mẹ, ba đứng lặng yên, cúi đầu, rồi đưa tay rút khăn mùi xoa. Ba khóc. Tôi nhìn ba, nhìn quan tài mẹ, mắt cay xè. 


Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Lời khuyên người hay chỉ trích kẻ khác

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA 
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
PORTLAND, OREGON -- May 09, 2013 -- Children give flowers to the Dalai Lama during "His Holiness the Dalai Lama Environmental Summit" at the University of Portland Chiles Center. Motoya Nakamura/The Oregonian 
Nói chung, nếu có ai chỉ trích hay dù có phỉ báng tôi đi nữa thì tôi xin họ cứ tiếp tục, nếu chủ đích của họ tốt. Nếu thấy ai phạm lỗi lầm mà ta cứ lập đi lập lại với họ là tất cả đều tốt đẹp thì những lời nói của ta chẳng có một ý nghĩa gì cả và cũng không giúp ích cho họ được điều gì. Nếu nói với họ rằng những gì họ làm không gây ra tệ hại nhưng khi họ vừa quay lưng đi chỗ khác thì ta lại nói xấu họ, như thế cũng không tốt chút nào. Hãy nói những điều ta nghĩ trước mặt họ. Hãy làm sáng tỏ những gì cần thiết. Hãy phân biệt giữa cái đúng và cái sai. Nếu còn điều gì nghi ngờ thì cứ lên tiếng. Dù cho lời nói có phần nặng nề đi nữa thì cũng cứ nói thẳng ra. Khi mọi sự trở nên trong sáng thì ta cũng sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn và những chuyện bới lông tìm vết cũng sẽ chấm dứt. Nếu ta chỉ biết dùng những lời đường mật thì sự đồn đại và dối trá vẫn tồn tại và phát sinh. Riêng với cá nhân tôi thì tôi vẫn thích những câu nói thẳng thắn.
Một hôm có một người nói với tôi rằng : « Theo Mao Trạch Đông thì phải dám nghĩ, dám nói và dám làm ». Thật đúng là như thế, đối với công việc làm và sự quản lý thì ta phải biết suy nghĩ. Ta phải có can đảm để nói lên những gì ta suy nghĩ và thực hiện những gì ta đã nói. Nếu mọi người bất động thì làm sao có thể tiến bộ được và đồng thời ta cũng chẳng sửa  đổi được bất cứ một lỗi lầm nào cả. Tuy vậy cũng cần phải tự hỏi xem những gì ta nói và ta làm có ích lợi hay không. Dù đấy là một hảo ý tốt đẹp nhất trên đời này đi nữa, nhưng nếu lời ta nói làm tổn thương đến người khác và chẳng mang lại sự tốt lành nào cho họ thì cách phát biểu quá hung hăng và thẳng thắn của ta cũng sẽ không đem đến thành công. Trường hợp này có lẽ phải cần đến những lời nói dối thật chân tình !
Đối với Phật giáo Nam tông, bảy hành vi tiêu cực thuộc vào thân xác và ngôn từ – như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, phỉ báng, nói những lời hung hãn, và những lời vô trách nhiệm – đều bị cấm đoán. Đối với Phật giáo Bắc tông, tuy là một hành vi hết sức tiêu cực như sát sinh chẳng hạn, lại vẫn có thể chấp nhận được nếu hành vi ấy mang lại sự an lành cho người khác và riêng ta thì không được vướng mắc một chút tham vọng cá nhân nào cả.

Dù sao đi nữa, trên bình diện tổng quát, tôi vẫn nghĩ rằng dù ta có nói lên sự thật bằng những lời nặng nề đi nữa thì cũng vẫn có thể mang lại lợi ích. Tuy nhiên ta phải tránh chỉ trích và nhục mạ người khác bằng bất cứ cách nào, hoặc bằng những ý đồ hung ác hay bằng cách nhìn mọi sự việc một cách tiêu cực. Nếu không thì ta sẽ làm cho người khác khổ đau, riêng ta thì không khỏi cảm thấy mất an vui và đồng thời lại còn tạo ra một bầu không khí ngột ngạt khó thở. 

THOMAS FULLER

D. A. Treffert

Bác sĩ Benjamin Rush là một nhà tâm thần học, được coi là cha đẻ của ngành tâm thần học ở Mỹ. Ông bị trường hợp của Thomas Fuller cuốn hút và ông đã đọc một lá thư dài kể về Fuller trước Hiệp hội giải phóng nô lệ Pennylvania năm 1789. Fuller là một người có khả năng tính nhanh kỳ lạ nhưng "chậm phát triển trí tuệ và hầu như không hiểu nổi bất cứ điều gì phức tạp hơn việc đếm, cả về lý thuyết lẫn thực hành".
Fuller sinh ở Châu Phi năm 1710 và năm 14 tuổi được đưa sang Virginia làm nô lệ. Ở vào thời điểm đó, hoàn cảnh đó, tất nhiên không thể biết được IQ của người này là bao nhiêu và cũng không có đánh giá nào của giới chuyên môn cho biết trí năng của ông ở mức nào, nhưng những thông tin có được cho thấy ông bị khuyết tật trí tuệ nặng. Tất nhiên ông không được đi học.
Khả năng tính nhanh của Fuller được phát hiện từ khi ông còn bé, khi mà học đếm đến 100 ông đã ngồi đếm số lông đuôi của một con bò (2872 chiếc). Sau đó ông đếm số hạt trong một giạ lúa mì và số hạt trong một giạ hạt lanh. Từ đó trở đi ông có thể tính chính xác các phép tính phức tạp mà hầu hết đều có liên quan đến công việc trên cánh đồng và trong trang trại nơi ông sống. Ông có thể thực hiện phép nhân các số có 9 chữ số và rất nhiều các phép tính khác một cách dễ dàng.
Năm 1788 có người đưa ra cho Fuller ba câu hỏi . Một là: "Có bao nhiêu giây trong một năm rưỡi?". Hai phút sau khi câu hỏi được đưa ra Fuller trả lời rằng có 47.304.000 giây. Câu hỏi thứ hai là :"Một người sống 70 năm, 17 ngày và 12 tiếng, vậy ông ta đã sống bao nhiêu giây?". Sau 90 giây, Fuller trả lời 2.210.500.800. Khi người đưa ra câu hỏi bảo với Fuller rằng ông tính sai, Fuller đáp: "Masa, anh quên không tính năm nhuận rồi". Người hỏi tính lại, cộng thêm số giây của năm nhuận vào kết quả của mình và phải công nhận Fuller đã trả lời đúng.
Câu hỏi thứ ba được đưa ra là: "Gỉa sử một nông dân có 6 con lợn nái và trong năm đầu, mỗi con lợn nái đẻ được 6 con lợn cái, mỗi con lợn nái đều đẻ theo đúng tỷ lệ đó, thì sau 8 năm, người nông dân này có bao nhiêu lợn nái?". Câu trả lời đúng được đưa ra sau 10 phút: 34.588.806 con.
Fuller qua đời vào năm 1790 ở tuổi tám mươi, và trong đời mình, ông chưa bao giờ biết đọc biết viết mặc dù ông có khả
 năng làm tính phi thường

Chợt biết đau

Ann Nguyen

Hơn 20 năm tiếp cận với bệnh nhân ở khoa cấp cứu chị đã từng cầm kim luồn tĩnh mạch, truyền dịch, lấy máu không biết là bao nhiêu bệnh nhân. Trong trách nhiệm chị chỉ biết trút hết sự cố gắng cho kết quả điều trị. Cũng không ít những trường hơp khó tìm mạch hay mạch dễ vỡ mà chị phải làm đi làm lại nhiều lần. Cũng không ít lần bệnh nhân than đau hay người nhà xót xa nhìn những mũi kim luồn qua da ứa máu tím bầm. Xin lỗi, giải thích hay động viên bệnh nhân là những cách chị có thể làm cho bệnh nhân.
Mẹ bệnh, chị xin nghĩ phép về quê chăm mẹ.  Nhìn cô điều dưỡng cầm kim tìm mạch trên tay mẹ chị chợt nghe đau theo từng thao tác của cô. Mẹ không còn phản xạ đau trên khuôn mặt nhưng chị nghe tim mình thắt lại khi cô điều dưỡng phải tìm một vị trí thứ hai để luồn kim. Chỉ có lúc này chị mới thấu hiểu nỗi đau của bệnh nhân mình sau hơn 20 năm cầm kim luồn tĩnh mạch.


O’Connor , March 29 2014 

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Lời khuyên người không chú ý đến lời mình nói

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA 

NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT



Thường hay xảy ra trường hợp ta nhận định sai lầm hiện thực và phát biểu thành ngôn từ nhưng thật ra thì không hề có ý nói dối. « Người Tây tạng » thường kể một câu chuyện như sau : Có một người trông thấy một con cá và nhiều người hỏi anh ta cá lớn hay nhỏ. Anh ta vừa trả lời vừa ra hiệu bằng hai tay cho biết là con cá thật to. Các người khác càng hỏi vặn anh ấy. « To nhưng mà to đến mức nào ? ». Lần này thì kích thước con cá nhỏ bớt đi một chút. « Thật không, nó bằng chừng nào ? » Sau cùng thì con cá chỉ còn bé tí tẹo. Ta có thể bảo rằng ban đầu người này không hề có ý nói dối mà chỉ không chú ý  đến những gì mình nói. Thật cũng lạ là có nhiều người rất thích phát biểu ba hoa theo cái lối đó. Người Tây tạng thì đã quen khi nghe lối kể chuyện như thế. Khi kể với nhau một chuyện gì, họ thường không đưa ra bằng chứng và người nghe cũng không tìm hiểu xem tin tức ấy xuất phát từ đâu, tại sao nó lại xảy ra như thế với người kể chuyện. Những ai có xu hướng phát biểu theo cái lối đó thì nên chú ý nhiều hơn nữa đến những gì mình đang nói.
Theo một quan điểm nào đó thì tốt hơn là nên nói ít và chỉ nên nói khi nào có điều gì quan trọng cần phát biểu. Ngôn ngữ là một nét cá biệt và tuyệt vời của loài người, tuy rằng các loài cá heo và cá voi hình như cũng có thể giao tiếp với nhau một cách khá phức tạp. Tuy nhiên khi phân tích cẩn thận ngôn ngữ thì ta mới thấy rằng nó rất hạn hẹp. Các khái niệm và ngôn từ mà ta đưa ra có tác dụng tách rời mọi sự vật một cách thật là giả tạo, trong khi đó các vật thể được biểu hiện bằng ngôn ngữ thì trên thực tế lại hàm chứa vô số những dạng thể khác nhau và các dạng thể ấy biến đổi không ngừng. Thực sự thì chúng chỉ là hậu quả phát sinh từ vô số nguyên nhân và điều kiện, không thể nào xác định cho hết được. Khi ta xác định một dạng thể nào đó của hiện thực thì ta liền loại bỏ trong trí tất cả những dạng thể khác để chỉ định vật thể đã được chọn lựa bằng một ngôn từ duy nhất.  Ngôn từ này chỉ áp dụng cho vật thể ấy với mục đích dành riêng để nhận diện được nó mà thôi. Sau đó, tùy theo bối cảnh khi nhìn vào vật thể này, ta sẽ phân biệt : cái này tốt, cái kia quá tệ và cứ tiếp tục như thế, nhưng trên thực tế thì không thể đem gán một đặc tính tự tại nào cho bất cứ một thứ gì. Kết quả sau cùng là cái nhìn về hiện thực của ta, nếu như khá lắm thì ít sai, mà thường thì hoàn toàn lầm lẫn. Dù cho ngôn từ có phong phú đến đâu đi nữa, khả năng của nó cũng còn rất giới hạn. Chỉ có những cảm nhận phi khái niệm mới có thể nhận biết bản chất đích thực của mọi vật thể mà thôi.
Vấn đề khó khăn của ngôn ngữ có thể thấy trong rất nhiều lãnh vực như chính trị chẳng hạn. Những người làm chính trị thường hình dung những chương trình rất đơn giản để giải quyết các vấn đề thật phức tạp, liên quan đến thật nhiều yếu tố. Họ cứ tưởng rằng có thể tìm được mọi giải pháp bằng những khái niệm hay những ngôn từ đơn giản như chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Kinh tế tự do, chủ nghĩa Thuế quan bảo hộ, v.v... Trong cái tổng số vô cùng lớn lao của các nguyên nhân và điều kiện đã tạo ra một tình thế nào đó, người làm chính trị chỉ tách ra được một hay hai nguyên nhân và điều kiện mà thôi, và họ không cần biết đến vô số những nguyên nhân và điều kiện khác. Vì thế họ không bao giờ tìm thấy những giải đáp đích thực được và cũng chính vì vậy mà mọi sự hiểu lầm đều có thể xảy ra. Theo ý tôi, đấy là nguồn gốc của mọi khó khăn trở ngại. Tiếc thay, chúng ta chẳng có phương pháp gì khác ngoài việc sử dụng những ngôn từ và khái niệm.

Vì thế tôi kết luận rằng rằng tốt hơn hết là chỉ nên dùng ngôn ngữ khi nào thật sự cần đến. Nếu nói nhiều nhưng không thật sự cần thiết thì cũng giống như bỏ mặc cho cỏ dại mọc hoang trong vườn. Có phải là càng ít cỏ dại thì càng tốt hơn không ? 

CHỊ EM

NGUYỄN THỊ MINH HẢI

Bố mẹ đi làm cả ngày, nhà chỉ có hai chị em nên phải phân công nhau làm việc nhà. Chị nấu cơm thì em nấu cám heo, chị lau nhà thì em giặt đồ, chị làm cái này thì em phải làm cái kia, vậy mà vẫn so đo, tỵ nạnh nhau. 
Năm nay chị lên tỉnh học, thương em bận rộn việc học việc nhà, mong có dịp về nhà giúp em. 
Em ở nhà nhớ chị, mong chị về nấu món chị thích ăn nhất. 


Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Những bài học về lòng biết ơn

Sue Bender

Một người đàn bà vô gia cư (ảnh minh họa)
Chắc hẳn các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi tôi nói rằng tôi đã hiểu về lòng biết ơn từ một con gà tây bị nổ tung.
Richard chồng tôi và tôi - cả hai chúng tôi đã vào độ tuổi sáu mươi và không thực tế về chuyện tiền nong cho lắm - quyết định đã tới lúc phải lập di chúc. Chúng tôi đi gập luật sư và tiến hành thủ tục soạn thảo di chúc dành cho hai cậu con trai của mình.
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả gia đình đang sum họp trong ngày lễ tạ ơn và con gà tây bị nổ tung? - viên luật sư hỏi - Nếu cả bốn người trong gia đình cùng chết vào lúc đó thì ai sẽ là người mà quý vị muốn cho thừa kế tài sản của mình?
Vấn đề luật sư đặt ra khiến việc trao quyền thừa kế trở thanh chuyện khủng khiếp. Đây là một cơ hội để suy nghĩ lại về những con người trong cuộc đời chúng ta, một cơ hội để biết ơn và bày tỏ lòng biết ơn.
Vào thời gian đó tôi đang viết cuốn sách thứ hai của mình, cuốn"Mọi ngày đều thiêng liêng". Tôi muốn tìm ra điều gì là thiêng liêng trong cuộc sống thường ngày, xem xét theo cách nhìn nhận mới để xem thứ gì luôn có sẵn mà mình không thể nhận ra. Thứ gì quá quen thuộc khiến tôi không còn thấy biết ơn nữa? Khi bắt đầu tìm kiếm, tôi tìm được những người "thầy" ở khắp mọi nơi.
Vài tháng sau, tôi lại học được một bài học khác về lòng biết ơn từ một người vô gia cư.
Sáng sáng tôi thấy bà trong quán cà phê mà tôi ưa thích. Bà ta lúc nào cũng có vẻ gọn gàng, luôn ngồi đúng chiếc bàn đó và đọc một cái gì đó, tôi thường tự hỏi liệu bà ta có phải là một người vô gia cư hay không. Một hôm, bà ta bước tới chỗ tôi và hỏi liệu có thể mượn tôi cây bút không.
- Cả hai chúng ta đều thích quán cà phê này - tôi lên tiếng - Sao chị lại chọn nó?
- Tôi thích ánh sáng mặt trời, nó thật dễ chịu - Bà ta nói.
Tôi được biết bà ấy sống trong một ngôi nhà tạm dành cho những người vô gia cư và phải rời khỏi đó lúc 7 giờ sáng. Bà ta nói thích quán cà phê này vì ở đây bà được đối xữ như những khách hàng.
- Việc đó chứng minh mình tồn tại. Đôi lúc tôi cũng không có tiền, họ tặng tôi một tách cà phê - Bà nói tiếp - Tôi mơ tới một ngày khi đã hết khốn đốn, tôi có thể tới đây và nói :" Đây là những gì tôi nợ" rồi đặt 500 đô la lên khay đựng tiền boa và nói :Xin cảm ơn.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

KHOẢNG CÁCH


HOA HUYỀN 


Lúc còn đi bộ nó thường cho tiền người ăn xin ngồi lết bên lề đường. Rồi nó có xe đạp, việc dừng lại để cho tiền dường như là chuyện kỳ kỳ. Nó vờ bận rộn, đạp xe nhanh hơn khi đi ngang qua ông nhưng lòng áy náy. Bây giờ chạy xe Dream, mắt phải tập trung nhìn về phía trước hơn, nó không còn nhìn ông nữa, cảm giác bị cắn rứt cũng không còn. Thỉnh thoảng thấy ông, nó nhủ: Thôi, để người đi bộ cho . . .



NHỮNG BÀI HỌC VUI VUI TỪ CUỘC SỐNG . .


1. Chàng yêu nàng từ thuở nàng mười lăm mười sáu tuổi. Cả hai lén lút đi lại, quan hệ, quậy gia đình, trốn nhà đi, dọa chết nếu không được chấp nhận. Nếu quan hệ ấy kéo dài một năm, được gọi là phạm pháp, dụ dỗ trẻ vị thành niên, có nguy cơ ra tòa thụ án. Nếu mối tình ấy kéo dài ba năm, được gọi là yêu trộm, tình yêu oan trái. Nếu mối tình kéo dài sáu bảy năm, sẽ được gọi là tình yêu đích thực, vượt núi trèo đèo qua bao khó khăn để yêu nhau. 
Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm được trong… bao lâu!

2. Một nàng cave, nếu ngủ với thợ thuyền hoặc lao động ngoại tỉnh, thì bị gọi là đối tượng xã hội. Nếu ngủ với đại gia lừng lẫy, thì được gọi là chân dài. Nếu ngủ với một ngôi sao sân cỏ hoặc màn bạc, sẽ được đàng hoàng lên báo kể chuyện “nghề nghiệp” và trưng ảnh hở da thịt giữa công chúng, không ai có ý định bắt nàng. 
Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm điều đó với ai!

3. Phòng tắm công cộng bỗng dưng bị chập điện gây hỏa hoạn lớn, vô số chị em chạy túa ra đường mà không kịp mặc gì. Những nàng thông minh là người không lấy tay che thân thể, mà lấy tay che… mặt. 
Kết luận: Hãy quan tâm tới mấu chốt của mọi vấn đề.

4. Một nàng chạy tới đồn cảnh sát tố cáo: “Tôi đã cẩn thận để tiền trong áo lót, thế mà thằng cha đẹp trai đứng cạnh tôi ở trên xe bus đông đúc đã móc lấy mất tiền của tôi!”. Cảnh sát ngạc nhiên: “Tại sao nó có thể móc tiền được ở một vị trí “nhạy cảm” như thế, mà cô không phát hiện ra?”
Cô nàng thút thít: “Ai ngờ được là nó chỉ muốn moi tiền?”
Kết luận: Một nhà kinh doanh tài ba là người moi được tiền của khách hàng trong lúc đang khiến khách hàng sung sướng ngất ngây.

5. Nhân viên vệ sinh của công ty rất buồn phiền vì các quý ông thường lơ đãng khi vào nhà vệ sinh. Để giải quyết những vũng nước vàng khè dưới nền toilette, công ty dán lên tường, phía trên bệ xí nam một tờ giấy: “Không tiểu tới bô chứng tỏ bạn bị ngắn, tiểu ra ngoài bô chứng tỏ bạn bị… ủ rũ!”. Ngay từ ngày hôm sau, toilette nam sạch bóng và không còn quý ông nào lơ đãng nữa. 
Kết luận: Hãy chứng minh cho khách hàng thấy vấn đề một cách cụ thể, ấn tượng.

6. Bố mẹ nàng mở cuộc thi tuyển con rể. Chàng A nói, tài khoản có một triệu đô. Chàng B khoe, có biệt thự hai triệu đô. Bố mẹ nàng có vẻ ưng lắm. Chàng C nói, cháu chả có gì cả, thưa các bác. Cháu chỉ có mỗi một đứa con, hiện đang nằm trong bụng của con gái các bác! Kết luận: Muốn cạnh tranh với đối thủ, cần có tay trong!

st từ internet

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

LỜI CỦA QUẠ

Ann Nguyen
O’Connor Hospital
San Jose, March 21, 2014
Mến tặng FB friends của thầy Thy Anh, đặc biệt tặng anh Dean Nguyễn (người thích nghiên cứu các loài chim) và chị Ha Trac Thi Xuan (người thích dân ca nhạc lý).



Cây vàng mây trắng
            sương trong nắng
Ai nở nhuộm em
một sắc tuyền
Tha hương, viễn xứ...
            chừ khác họ
Cầm bằng một lẽ…
            ….quả người dưng! 



Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời

Toai Cong Nguyen st (facebook)


Con quỳ lạy Chúa trên trời 
Sao cho con thoát được người con yêu
Con đang thiếu nợ rất nhiều
Nàng còn đòi hỏi đủ điều, Chúa ơi !
Con cày hai job hụt hơi
Người con yêu dấu đua đòi chơi xe
Biểu gì con cũng phải nghe
Nếu con cãi lại, tua te cuộc đời.
Trước đây con tưởng tuyệt vời
Chúa cho con được gặp người con yêu
Giờ đây thân xác tiêu điều
Ðời con phải chịu quá nhiều đắng cay
Thân con chẳng khác trâu cày
Nợ nần con trả đời này chưa xong
Con giờ như cá lòng tong
Sụt ba chục ký ốm nhong rã rời
Thế mà đâu hết nợ đời
Nấu cơm, rửa chén , trả bài …Tù ti!
Người đâu gặp gỡ làm chi
Ðể cho khổ thế còn gì tuổi Xuân ?
Chúa ơi ! Con khổ vô ngần
Chúa mà không giúp là thân con tàn
Con đang thiếu nợ trăm ngàn
Nhìn đồ nàng sắm hai hàng lệ rơi
Con quỳ lạy Chúa trên trời
Giúp cho con thoát được người con yêu.

VÔ TÂM


NGUYỄN NGUYỄN LƯU HUỲNH 



Ngày còn nhỏ, tôi thường được dì - dượng kề về chuyện tình của họ. Một tình yêu thật đẹp được tô điểm bằng những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà lúc ấy cả hai người đều thích. 
Hôm vào nhà sách, thấy tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, tôi mua ngay gởi tặng dì - dượng. 
Người bạn gái đi cùng bỗng hỏi: “Ba mẹ anh thích gì? Sao anh không mua tặng họ?” 
Tôi chợt giật mình. Tôi có vô tâm lắm không khi mà tôi cũng chẳng biết được ba mẹ tôi thích điều gì nhất ... 



Lời khuyên người không yêu quý bản thân mình

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT

Oán ghét bản thân mình là một thái độ cực kỳ tiêu cực. Nếu chịu khó đào sâu một chút phía sau bề mặt bên ngoài, ta sẽ thấy rằng sự oán ghét đó chỉ là hậu quả của việc đánh giá quá cao về chính bản thân mình. Ta muốn mình là một người giỏi nhất với bất cứ giá nào, và nếu như hình ảnh của ta thiếu đi một chút chi tiết nhỏ nhặt thì ta sẽ không sao chịu nổi. Đấy chẳng qua là một biến dạng của sự tự kiêu.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nghe nói đến sự oán ghét cái tôi của mình. Tôi tự hỏi làm thế nào lại có thể oán ghét chính cái tôi của mình được chứ ?. Tất cả mọi sinh linh kể cả súc vật đều yêu quý cái tôi của mình. Suy nghĩ kỹ thì tôi mới hiểu rằng đấy chỉ là một hình thức yêu quý quá sức cái tôi của mình mà thôi.
Có một điều thật chắc chắn là nếu không đủ sức để khoan dung với chính ta thì ta sẽ không thể nào khoan dung với người khác được. Nếu muốn tỏ lộ với kẻ khác tình thương, sự trìu mến, lòng mong ước người khác được hạnh phúc và đừng đau khổ, thì trước hết ta phải cảm nhận được những tình cảm ấy đối với mình. Khi hiểu được rằng người khác cũng có những ước vọng như ta thì tình thương và lòng từ bi mới có thể đến với ta được. Khi ta oán ghét chính mình thì ta sẽ không thể nào yêu thương người khác được. Và nếu như ta không tìm cách thay đổi thái độ thì chắc chắn là ta sẽ có rất ít may mắn để tìm thấy an bình và hân hoan trong nội tâm. Ta sẽ làm hỏng cuộc đời mình và điều này quả thật là dại dột vô cùng. Đúng ra tôi không được nên nói như thế, nhưng sự thật lại là như thế.

Muốn cứu chữa sự oán ghét cái tôi thì hãy ý thức rằng ta đang mang một hình ảnh sai lầm về ta và nên trau dồi sự tự tin đúng đắn và lành mạnh, đấy là niềm tự tin xuất phát từ những phẩm tính căn bản của con người. Hãy giữ lấy sự khiêm tốn và hướng vào người khác nhiều hơn. 

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

CU LÌ


NGUYỄN HỶ 



Cu lì năm nay lên hai. Nó đang nói bập bẹ một vài tiếng. Tính nó ngang bướng và hay khóc khi gây lộn với chị. Mồi lần như thế, mẹ nó quát: 
“Im đi, nhịn nhau không được hả!”. 
Hôm nọ, bố mẹ Cu Lì cãi nhau. Mẹ nó khóc sụt sùi. Cu lì hét lên với giọng ngọng nghịu: 
Im... i, nhịn nhau... ông... ước ha? . 



Cuộc Sống Giống Ly Cà Phê


Chuyện thứ 1:
"Đừng nên hâm nóng lại café. Bởi nếu hâm nóng, café sẽ mất hết mùi vị và gây đắng. Uống không ngon và có mùi khét." 
Cuộc sống cũng vậy, "hâm nóng lại" là suy nghĩ quá nhiều về "đã qua", đang sống hôm nay mà luôn trông ngóng về quá khứ. Họ nuối tiếc, họ nhìn mãi về một mối tình đã xa... mà quên mất, việc đó chỉ mang lại buồn chán, khó chịu, đớn đau cho chính họ. Quá khứ là những thứ qua rồi, đừng khơi lại, hãy sống với thực tại...
Chuyện thứ 2:
"Hãy bảo đảm café bạn uống luôn tươi mới. Hãy thưởng thức ngụm café đầu tiên với cảm giác sảng khoái, tuyệt vời... Hãy uống ngay khi pha xong, chỉ giữ ấm café vài phút trước khi hương vị của nó trở thành khó chịu".
Tại sao không bắt đầu lại mọi thứ trong hôm nay khi thực tại là cơ hội của sự đổi mới? Không nên lãng phí thời... Thay đổi mình, thay đổi khẩu vị, thay đổi một ly café và thưởng thức một mùi vị mới. Điều đó cũng nên lắm chứ khi mà mùi vị cũ - đã trở nên nhạt nhẽo đi nhiều rồi... 
Chuyện thứ 3:
"Hãy rang café đúng cách. Nếu xay quá nhuyễn café sẽ trở nên quá đắng. Nếu xay quá thô café sẽ chỉ là nước loãng..." 
Trong tình yêu, luôn đòi hỏi sự quan tâm, săn sóc. Nhưng quan tâm quá mức đôi khi không đem lại một kết quả như ý mà còn làm hư hỏng tình yêu. Ngược lại, thiếu vắng sự săn sóc, hay vì quá vô tâm, hời hợt thì tình cảm nên khô khan, nhạt nhẽo, mất dần vị ngọt, sớm muộn cũng trở thành nước loãng mà thôi.
Chuyện thứ 4:
"Đừng cố sử dụng lại bã café – vì nó chỉ còn là vị đắng và sẽ có mùi khét." 
Nên dứt khoát, đừng cố gắng vớt vát những thứ đã không còn thuộc về mình, đừng sử dụng lại bã café, cũng như không nên tìm gặp lại người yêu cũ. Điều đó mới có thể tạo nên một hương vị café thực sự mới, cũng là một điều cốt yếu để tạo dựng một hạnh phúc.
Thứ 5: Café có đường!
Cuộc sống cũng giống như 1 ly café. Bạn ngồi bên cửa sổ, nhấc tách café... nhấp 1 ngụm... chợt nhận ra, ly cafe chưa có đường. Rồi bởi vì ngại đứng dậy, lấy đường, bạn ngồi đó và uống ly café đắng. Khi ly café đã cạn, bạn mới phát hiện ra rằng đường đã không tan ra và dính ở đáy ly...
Chúng ta mất quá nhiều thời gian để băn khoăn cuộc đời sao lại quá ảm đạm, nhạt nhẽo, rồi tốn nhiều thời gian đi tìm kiếm sự ngọt ngào, trong khi ta chỉ cần khuấy lên. Chính tôi, chính bạn sẽ làm cho cuộc sống của mình đầy hương vị nếu ta không chờ đợi. Hãy tận hưởng ly café của cuộc sống!
Lời kết:
Để có được một ly café ngon ... hãy để một sáng đẹp trời, đón người mình yêu mến. Nhẹ nhàng ăn sáng, nhẹ nhàng thưởng thức một ly café đậm đà, tươi mới, không mùi khét, không vị đắng, không loãng nhạt, và nhớ khuấy đường, người phục vụ đã để ở đáy ly !
Từ từ uống, từ từ tìm thưởng thức và từ từ tìm hiểu một Triết Lý Café...
BS Nguyễn Qúy Khoáng sưu tầm  


Con vẹt xanh


Lưu Tư Kinh, là con trai duy nhất của bà mẹ quả phụ nghèo sống ở miền quê thưa người, xa lắc. Anh quyết chí lên thành phố mưu cầu tiến thân để sống tốt và giúp được mẹ già nơi quê nhà. Công việc và những lo toan chẳng bao giờ dứt… Lòng đầy nhớ thương, nhưng chẳng về mà thăm mẹ cho được, dù tháng nào anh cũng dành tiền gửi đều đặn về cho bà… Nhưng có lần trong thư mẹ anh gửi: Con trai ơi… đã quên mẹ rồi sao… Anh đọc thư mà nước mắt lã chã.
Rồi anh cũng đã tạm thu xếp mọi việc về quê thăm mẹ. Lòng tràn ngập hân hoan… Mẹ con lâu ngày gặp lại mừng mừng tủi tủi khôn xiết. Sờ nắn bờ vai con, người mẹ rưng rưng: Con ơi, mẹ nhớ con lắm…! Anh ôm lấy người mẹ dường như héo mòn đi qua năm tháng mà nhòa lệ: Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm…! Lần này con về mang cho mẹ Con Vẹt Xanh mua đắt tiền lắm, con đã nuôi dạy nó lâu… Khi con đi xa nó sẽ ở nhà bầu bạn với mẹ cho đỡ cô quạnh và mẹ cũng thấy con bên cạnh hàng ngày. Mẹ nghe chỉ bảo: Con tốn tiền đến vậy thật không thỏa đáng. Mẹ chỉ muốn thấy con hàng ngày… Anh bảo: Mẹ hãy kiên tâm, đến khi con tích lũy đủ tiền sẽ đón mẹ đi cùng.
Ở nhà được vài ngày, Lưu Tư Kinh chia tay mẹ lên đường trở lại thành phố, lại lao vào làm ăn, phấn đấu. Mẹ già ở nhà một bóng. Con Vẹt Xanh bên cạnh bà, thỉnh thoảng nó lại cất tiếng: Mẹ ơi, con Lưu Tư Kinh đây, con nhớ mẹ lắm… Mẹ ơi, mẹ vất vả quá, nghỉ tay một chút đi mẹ… Mẹ ơi mẹ khỏe mạnh nhé… Bà cảm thấy vui vẻ và ấm lòng hơn rất nhiều. Bà thương quý Con Vẹt Xanh vô cùng, tắm rửa, chăm sóc cho nó, trò chuyện hàng ngày như với con trai mình vậy.
Một năm, bà bị trọng bệnh, sau thời gian ngắn đã qua đời. Hàng xóm đã làm đám cho bà và tìm cách báo cho anh biết. Hẫng hụt, đau khổ, Lưu Tư Kinh dứt bỏ mọi công việc, ngay lập tức lên tàu xe trở về… Căn nhà trống không, vẫn còn mùi hương khói. Lọ tro của mẹ được đặt trên bàn hướng chính giữa. Anh nức nở thương xót mẹ và ân hận vô cùng đã không về chăm sóc và đưa được mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Mệt mỏi và suy sụp, anh ôm tấm ảnh mẹ vào lòng thiếp đi lúc nào không biết. Anh mơ thấy mẹ hiền đang ngôi khâu vá bên anh, mỉm cười, quạt cho anh ngủ, thoang thoảng bên tai anh tiếng nói: Con ơi, mẹ nhớ con lắm… Anh sung sướng muốn nhào vào ôm lấy mẹ! Choàng tỉnh, không có ai xung quanh cả, nhưng tiếng nói : Con ơi, con có khỏe không… Mẹ nhớ con lắm… vẫn từ như rất gần đây đấy vọng đến… Anh đi nhẹ gần đến ban công sát vườn. Tiếng nói phát ra từ đó. Dưới ánh nắng hoàng hôn cuối cùng chiếu qua kẽ lá. Anh nhận ra Con Vẹt Xanh đang đậu trên cành cây! Anh đỡ nó lên tay, nó lại hót : Con ơi, con khỏe không? Mẹ nhớ con lắm… Con Vẹt đã gầy và tả tơi đi quá nhiều. Lưu Tư Kinh ôm con Vẹt vào ngực mình nức nở: Mẹ ơi, con thương nhớ mẹ vô cùng…
Ôi! Mẹ anh trước khi qua đời đã mở lồng thả Vẹt Xanh ra. Nhưng nó đã sống bầu bạn bên cạnh bà bao ngày, dường như thấu được tình cảm của Bà mà không bay đi, vẫn ở lại căn nhà nghèo trống trải này như đợi Lưu Tư Kinh trở về mà nhắn nhủ lời yêu thương của Bà với anh ấy…



Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

HẠT CÁT

TRẦN THANH HẢI 



Hạt cát được gió nâng lên và đưa đi khắp nơi. Từ trên cao, nó ngạo nghễ nhìn vạn vật. Tia nắng xuyên qua nó và phản chiếu rạng rỡ. “Nhờ mình nắng mới lung linh thế”, cát nghĩ. Đêm về, gió ngủ, hạt cát rơi xuống một công trường. Ê ẩm, xây xát khi bị nhồi trộn cùng vôi, vữa, sỏi, đá..., nó thiếp đi. 
Sáng ra, nó thấy mình đang kết chặt với muôn triệu bạn bè, những hạt cát khác - trên một thân cầu. Chợt hiểu rõ mình, hạt cát vươn vai, mỉm cười đón nắng, gió vừa lên ...



MÙA ĐÔNG KỶ NIỆM

Thơ của những người con An Giang xa quê


Thương tặng Ann Dễ Thương

Gió phương Bắc từng cơn tê nổi nhớ 
Đèn quê xưa hiu quạnh rọi qua tim
Nắng trốn biệt nhiều ngày không trở lại
Chân trời xa một màu xám êm đềm
Chung lưng gánh Mùa Đông chôn kỷ niệm
Nhưng Quê Hương xa lắc dễ gì quên ... 
Phuong Truc Nguyen st (facebook)





Nơi chia biệt chỉ hai mùa mưa nắng.
 Đông nơi này nghe trắng nỗi xa quê.
Tim rung nhịp nối hai miền tri ngộ.
Thương hai quê chung gánh một cuộc tình.
Ann Nguyen (facebook)

Đẩy lùi cảm xúc

Madisyn Taylor


Ta không tránh khỏi việc phải trải qua những lúc khó chịu, phiền muộn trong cuộc sống. Phản ứng đầu tiên của ta thường là xua đuổi chúng. Ta tự nhủ: “Mình không muốn nghĩ về việc này ngay bây giờ. Mình sẽ nghĩ về nó sau” rồi chôn vùi, phủ nhận cảm xúc ấy và bắt đầu quan tâm việc khác.   
Những cảm xúc đa dạng mà ta trải nghiệm không tốt cũng không xấu. Chúng chỉ đơn giản là một phần cuộc sống của ta. Ta quyết định không đối mặt với những đau khổ, giận dữ, hay những xúc cảm dữ dội khác để rồi vùi sâu chúng trong lòng ta. Ở đó, những cảm xúc tiêu cực sẽ mãi âm ỉ vì không được giải quyết, không được thể hiện. Chúng sẽ vẫn luôn ngầm tác động đến cách ta nhìn nhận cuộc sống. Thay vì xua đuổi cảm giác đau đớn, ta hãy trải nghiệm những cảm xúc ấy và sau đó tiếp tục hành trình sống.
Ta hãy thể hiện, trải nghiệm một cách an toàn những cảm xúc cũ mà ta từng gạt bỏ. Điều ấy sẽ góp phần làm phong phú kinh nghiệm sống của ta. Có thể bạn cho rằng dành thời gian để gặm nhắm vết thương cũ mà mình từng né tránh là điều ngớ ngẩn. Nhưng hãy cứ tin đây là một trải nghiệm rất có lợi.
Hãy chọn thời điểm bạn ở một mình và tìm một nơi an toàn. Điều quan trọng là bạn thấy an tâm, thoải mái khi ở nơi ấy. Hãy hồi tưởng tình huống tạo nên cảm xúc mà bạn đang gắng xua đuổi. Bạn nên sống lại trải nghiệm ấy bằng cách đọc nhật ký hay hồi tưởng quá khứ.
Một khi đã sống lại cảm xúc lâu nay bạn chối bỏ, bạn hãy cứ để bản thân trải nghiệm nó, cố gắng đừng phán xét bản thân. Nếu cần, cứ khóc, cứ bày tỏ lòng mình… Tuyệt đối đừng ngăn dòng cảm xúc. Hãy thẳng thắn đón nhận bất kỳ suy nghĩ nào trong thời điểm ấy. Khi đã giải tỏa cảm xúc chôn tận đáy lòng, bạn sẽ thấy mình thoát khỏi trải nghiệm đau buồn gắn liền với cảm xúc đó.
 Khi ta trực tiếp giải quyết những cảm xúc chất chứa trong lòng, cảm xúc ấy sẽ qua đi thay vì cứ mãi bị dồn nén, trở thành rào cản tâm lý, thậm chí gây bệnh cho ta. Thừa nhận thay vì xua đuổi cảm xúc luôn giúp bạn khỏe mạnh, giữ mối liên hệ tốt với cảm xúc bản thân.