Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Lời khuyên người không chú ý đến lời mình nói

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA 

NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT



Thường hay xảy ra trường hợp ta nhận định sai lầm hiện thực và phát biểu thành ngôn từ nhưng thật ra thì không hề có ý nói dối. « Người Tây tạng » thường kể một câu chuyện như sau : Có một người trông thấy một con cá và nhiều người hỏi anh ta cá lớn hay nhỏ. Anh ta vừa trả lời vừa ra hiệu bằng hai tay cho biết là con cá thật to. Các người khác càng hỏi vặn anh ấy. « To nhưng mà to đến mức nào ? ». Lần này thì kích thước con cá nhỏ bớt đi một chút. « Thật không, nó bằng chừng nào ? » Sau cùng thì con cá chỉ còn bé tí tẹo. Ta có thể bảo rằng ban đầu người này không hề có ý nói dối mà chỉ không chú ý  đến những gì mình nói. Thật cũng lạ là có nhiều người rất thích phát biểu ba hoa theo cái lối đó. Người Tây tạng thì đã quen khi nghe lối kể chuyện như thế. Khi kể với nhau một chuyện gì, họ thường không đưa ra bằng chứng và người nghe cũng không tìm hiểu xem tin tức ấy xuất phát từ đâu, tại sao nó lại xảy ra như thế với người kể chuyện. Những ai có xu hướng phát biểu theo cái lối đó thì nên chú ý nhiều hơn nữa đến những gì mình đang nói.
Theo một quan điểm nào đó thì tốt hơn là nên nói ít và chỉ nên nói khi nào có điều gì quan trọng cần phát biểu. Ngôn ngữ là một nét cá biệt và tuyệt vời của loài người, tuy rằng các loài cá heo và cá voi hình như cũng có thể giao tiếp với nhau một cách khá phức tạp. Tuy nhiên khi phân tích cẩn thận ngôn ngữ thì ta mới thấy rằng nó rất hạn hẹp. Các khái niệm và ngôn từ mà ta đưa ra có tác dụng tách rời mọi sự vật một cách thật là giả tạo, trong khi đó các vật thể được biểu hiện bằng ngôn ngữ thì trên thực tế lại hàm chứa vô số những dạng thể khác nhau và các dạng thể ấy biến đổi không ngừng. Thực sự thì chúng chỉ là hậu quả phát sinh từ vô số nguyên nhân và điều kiện, không thể nào xác định cho hết được. Khi ta xác định một dạng thể nào đó của hiện thực thì ta liền loại bỏ trong trí tất cả những dạng thể khác để chỉ định vật thể đã được chọn lựa bằng một ngôn từ duy nhất.  Ngôn từ này chỉ áp dụng cho vật thể ấy với mục đích dành riêng để nhận diện được nó mà thôi. Sau đó, tùy theo bối cảnh khi nhìn vào vật thể này, ta sẽ phân biệt : cái này tốt, cái kia quá tệ và cứ tiếp tục như thế, nhưng trên thực tế thì không thể đem gán một đặc tính tự tại nào cho bất cứ một thứ gì. Kết quả sau cùng là cái nhìn về hiện thực của ta, nếu như khá lắm thì ít sai, mà thường thì hoàn toàn lầm lẫn. Dù cho ngôn từ có phong phú đến đâu đi nữa, khả năng của nó cũng còn rất giới hạn. Chỉ có những cảm nhận phi khái niệm mới có thể nhận biết bản chất đích thực của mọi vật thể mà thôi.
Vấn đề khó khăn của ngôn ngữ có thể thấy trong rất nhiều lãnh vực như chính trị chẳng hạn. Những người làm chính trị thường hình dung những chương trình rất đơn giản để giải quyết các vấn đề thật phức tạp, liên quan đến thật nhiều yếu tố. Họ cứ tưởng rằng có thể tìm được mọi giải pháp bằng những khái niệm hay những ngôn từ đơn giản như chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Kinh tế tự do, chủ nghĩa Thuế quan bảo hộ, v.v... Trong cái tổng số vô cùng lớn lao của các nguyên nhân và điều kiện đã tạo ra một tình thế nào đó, người làm chính trị chỉ tách ra được một hay hai nguyên nhân và điều kiện mà thôi, và họ không cần biết đến vô số những nguyên nhân và điều kiện khác. Vì thế họ không bao giờ tìm thấy những giải đáp đích thực được và cũng chính vì vậy mà mọi sự hiểu lầm đều có thể xảy ra. Theo ý tôi, đấy là nguồn gốc của mọi khó khăn trở ngại. Tiếc thay, chúng ta chẳng có phương pháp gì khác ngoài việc sử dụng những ngôn từ và khái niệm.

Vì thế tôi kết luận rằng rằng tốt hơn hết là chỉ nên dùng ngôn ngữ khi nào thật sự cần đến. Nếu nói nhiều nhưng không thật sự cần thiết thì cũng giống như bỏ mặc cho cỏ dại mọc hoang trong vườn. Có phải là càng ít cỏ dại thì càng tốt hơn không ? 

Không có nhận xét nào: