Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Ý nghĩa mEq/L và mmol/L trong lâm sàng.

by Linh H. Vo on Monday, March 12, 2012 at 1:08pm(facebook)

Chien Ha: “Nhưng cho em hỏi dùng mEq/L có ý nghĩa gì đối với lâm sàng không ạ? So với mmol/L có gì hơn không ạ?”

Linh H. Vo: Cám ơn Chien Ha. Đây là một câu hỏi hay, được chờ đợi các bạn sinh viên nêu lên sau khi đọc xong Phần 1.

Chúng ta luôn quan tâm đến một một vấn đề lý thuyết sẽ có ý nghĩa như thế nào khi nó được ứng dụng vào lâm sàng, ứng dụng vào cơ thể sống của người bệnh.
Đối với những ion có hóa trị 1 như Na+, K+ thì số đo của các ion này là như nhau nếu tính theo mmol và mEq, dù ý nghĩa của chúng khác khác nhau. Thí dụ chúng ta nói bệnh nhân này cần được bù 200 mmol Na+ hay 200 mEq Na+ cũng không có gì “khác” nhau lắm.
Khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến kết hợp ion thì người ta dùng mEq. Thí dụ anion gap = Na+ – (Cl- + HCO3-)  được tính theo mEq/L, dù tính theo số mmol/L thì chúng ta cũng có con số như nhau.
Để thấy rõ hơn sự khác nhau giữa mEq/L và mmol/L, chúng  ta nhìn vào thí dụ  sau đây.



Đây là bảng mô tả các nồng độ điện giải bình thường trong huyết tương tính theo mEq/L và mmol/L. Nồng độ tính theo mEq/L của các anion là 149.9 bằng với nồng độ tính theo mEq/L của các cation là 149.9 vì trong cơ thể luôn có sự trung hòa về điện.
Tuy nhiên nồng độ tính theo mmol/L của các anion chỉ là 135.5 mmol/L so với 148.1 mmol/L của các cation.
Trong cơ thể có sự trung hòa về điện nên tổng số mEq của các cation phải bằng với tổng  số mEq của các anion, cho dù tổng số mmol của các cation có thể khác với tổng số mmol của các anion.
Bảng này minh họa rõ hơn nguyên tắc ion kết hợp với nhau theo mEq với mEq, không phải theo mmol với mmol hay mg với mg mà chúng ta đã đề cập trong Phần 1.

Một số thí dụ khác
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng đo nồng độ các chất theo đơn vị mEq/L. Chúng ta nhìn vào các thí dụ sau đây.
Trường hợp calcium: Tổng nồng độ calcium trong máu khoảng 10mg/L. Theo công thức chuyển đổi, chúng ta có
mEq của Ca++ = [(10 x 10)/40] x 2 = 5 mEq/L 
Do có khoảng 50-55% Ca++ huyết tương gắng với albumin và một phần nhỏ với citrate, nên nồng độ Ca++ ion hóa (ionized) có hoạt tính về mặt sinh lý  trong huyết tương chỉ khoảng 2.0 – 2.5 mEq/L
Trường hợp phosphate cũng rất thú vị. Trong cơ thể, phosphate tồn tại với các dạng có hóa trị khác nhau:
  • H2PO4 có hóa trị -1
  • HPO4 có hóa trị - 2
  • PO 4 có hóa trị -3
Vì 80% phosphate ngoại bào là HPO4 (hóa trị -2) và 20% là H2PO4 (hóa trị -1) nên hóa trị ước lượng của phosphate trong dịch ngoài bào là – 1.8
Nếu nồng độ phosphorus huyết tương là 3.5 mg/L (phosphate trong máu được do dưới dạng phosphorus vô cơ), khi đó:
mEq/L của phosphate = [(3.5 x 10)/31] x 1.8 = 2 mEq/L
Tương tự đối với trường hợp protein. Protein là những anion đa hóa trị với hóa trị trung bình ước lượng-15. Nếu nồng độ protein huyết tương là 0.9 mmol/L thì chúng ta có
mEq/L của protein = 0.9 x 15 = 14 mEq/L
Tóm lại, trong khi mEq nhấn mạnh tính trung hòa về điện của sự kết hợp ion thì mmol (hay mol) là một khái niệm vô cùng quan trọng để từ đó tính áp suất thẩm thấu của một dung dịch.  Sự liên quan giữa mol và đơn vị áp xuất thẩm thấu osmol sẽ được đề cập trong Phần 2 của loạt bài này.