Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

BẾN ĐÒ TRƯỜNG SÚNG Ở HUẾ

Van Phuc (facebook)

52 viên đạn cổ được tìm thấy bên bờ sông Lợi Nông

Địa danh Trường Súng nằm ở bờ Nam sông Hương, thuộc làng Phú Xuân ngày xưa, cạnh cửa sông An Cựu. Sở dĩ có tên như vậy là vì khu vực này từng là bãi tập súng của các vệ lính thuộc phủ Chúa và triều đình nhà Nguyễn.
Trước đây, khu vực này có một bến đò, ngày trước phục vụ binh lính đi về hằng ngày khi đến đây tập súng cùng một số khách bộ hành đi lại trong khu vực này. Từ khi có cầu Dã Viên và cầu Tràng Tiền, bến đò này không tồn tại nữa. Trường súng cũng di chuyển đi nơi khác. Khu vực này nay thuộc Phường Đúc, thành phố Huế.

Trước cửa Nhà Đồ, có một tuyến đò ngang nối Bến Me với bến đò Trường Súng ở bên kia sông. Gọi là Bến Me vì ngày xưa ở đó trồng nhiều cây me chua. Còn về địa danh Trường Súng thì chưa có sự nhất trí giữa các nhà nghiên cứu về ý nghĩa của nó.
Cụ Phan Văn Dật cho rằng ngày xưa đây là một công trường đúc súng.

Nhà ga Huế xưa
Nhưng linh mục L.Cadière thì lại viết rằng ngày trước, nơi đây nhà Nguyễn đã thiết lập các xạ trường để binh lính của triều đình qua tập bắn. Ông gọi đó là “Bac du Champ de tir, Đò Trường Súng”.

Sông An cựu ngày xưa ( đoạn này có tên là Phủ Cam)
Trước ngõ vào sân ga, có một bến đò ngang nối liền đôi bờ sông Hương, cũng gọi là bến Trường Súng. Nhà ga Huế ra đời trong bối cảnh rất đặc biệt, không ai nghĩ các vua Nguyễn bằng lòng cho triệt hạ ngôi miếu Lịch Đại Đế Vương để làm nhà ga. Tên ngôi miếu ấy giờ được đặt cho khu dân cư bên kia đường ray ( phố Lịch Đợi và đường Lịch Đợi), nơi nhiều người sinh sống dựa vào các dịch vụ của ngành đường sắt.

Tháng 4 năm 2012, khi xây dựng bờ kè dọc sông Lợi Nông đoạn gần cầu ga Huế người ta phát hiện có đến 52 viên đạn cổ được tìm thấy bên bờ sông đều được làm bằng gang dưới triều Nguyễn. Khu vực tìm thấy đạn là khu vực Trường Súng (nơi cất giữ súng đạn xưa của vua Nguyễn, hiện là đoạn kè sông Lợi Nông, gần cầu Ga Huế)
Việc xác định nguồn gốc số đạn được dựa trên những tiêu chí: nguồn gốc xuất xứ, độ tin cậy và công dụng. Qua đó, toàn bộ 52 viên đạn trên thuộc loại đạn của súng đại bác (kể cả súng thần công). Đạn có hình cầu với 3 kích cỡ: 160 - 165mm (14kg); 135mm (8 - 9 kg) và 45mm (3kg). Vì số đạn trên rất mới nên có nhiều khả năng thuộc về thời kỳ vua Nguyễn gần đây chứ không phải chúa Nguyễn.
Việc tiếp theo là so sánh đối chiếu kích cỡ viên đạn với kích cỡ của nòng súng để tìm ra loại đại bác nào. Vào thời vua Nguyễn (1802-1945), súng đại bác có 4 loại: Đại Luân Xa (súng đại bác có xe kéo); Oanh Sơn, Quá Sơn (bắn đạn vượt qua núi) và Thần Công (loại đại bác to nhất, dễ thấy ở 9 khẩu thần công mang tên Xuân - Hạ - Thu - Đông - Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ ở 2 bên trước mặt Ngọ Môn). Qua 3 kích cỡ đạn đo đạc được cho thấy số đạn này là đạn của 3 trong 4 loại súng đại bác trên.Trước đây ở Huế có Trường Súng nằm bên bờ sông Lợi Nông (một nhánh của sông Hương) để dễ vận chuyển súng đạn từ các xưởng đúc và kho chứa đến các nơi khác. Đạn trước khi đem đến đây được sản xuất ra từ Phường Đúc cách Trường Súng khoảng 1km. Từ sau năm 1885, thực dân Pháp đã huỷ bỏ các cơ xưởng sản xuất súng đạn của triều đình Huế. Một số đã bị thực dân Pháp tịch thu nên có hiện tượng nhiều người yêu nước đã tìm cách cất giữ như chôn xuống đất. Có thể khu vực đào được 52 viên đạn nói trên là một trong số đó
Dọc sông Hương Huế từ cầu Tràng Tiền lên có 4 trường :
- Trường Tiền: đúc tiền đồng tại vị trí cầu Trường Tiền hiện nay
- Trường Súng: vị trí ga Huế ngày nay, ở đó có bến đò Trường Súng
- Trường Than và Trường Đồng là Phường Đúc ngày nay.
Còn về trường bắn thì có Trường Bia, Trường bắn Thanh Phước (gần ngã ba Sình), Trường bắn Thai Dương (ở Thuận An) và Trường bắn Trấn Bình Đài (Mang Cá).

Tài liệu tham khảo

1. L.Cadìere. Phường Trường Súng, trích trong “Những người bạn Cố Đô Huế - B.A.V.H ( bulletin des amis du vieux Huế)”, tập XII năm 1925. Nhà xuất bản Thuận Hoá Huế. 2002.
2. Phan Thuận An. Những bến đò ngang trên sông Hương. Tạp chí Sông Hương số 3.( 10/1983)
3. Đại Dương. “52 viên đạn cổ là đạn đại bác trong kho súng của vua Nguyễn”.
Báo Dân Trí. số 30/04/2011."

Không có nhận xét nào: