Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

NHỮNG ÔNG THẦY RẮN QUÁI CHIÊU NGƯỜI MIÊN Ở TỈNH SỐC-TRĂNG XƯA*

Vương Hồng Sển


Huyện Cù Lao Dung - tỉnh Sóc Trăng (ảnh minh họa)
Có vị thần Neack-ta** khác thì chuyên việc cứu cấp người bịnh bị rắn độc cắn, v.v. Đối với vị Neack-ta nầy thì người đệ tử là ông thầy rắn phải giữ ba lơi thề độc, nếu giữ được thì nghề nghiệp sẽ còn hoài và còn hiệu nghiệm, bằng như phạm một trong ba điều kia thì đừng trông mong gì được "Tổ đãi". Ba lời thề ấy là:
1- Phải chịu nghèo suốt đời và không được lợi dụng nghề "cứu nhơn độ thế" nầy mà trục lợi làm giàu, người bị rắn cắn khi chữa lành tạ ơn món nào cũng không được nhận, dầu một đồng xu nhỏ cũng không được lấy.
2- Không được thừa dịp người bị ngặt nghèo mà dở trò dâm ô con bịnh.
3- Không được nhận lễ vệt khi có người đến rước bất kỳ dưới hình thức nào, và muốn cho Tổ mau nhập và trị có kết quả, thì người đi rước thầy phải chọc cho Tổ giận.
Điều thứ ba nầy là khó thực hành nhứt. Thuở nay, người có việc đi rước thầy, lẽ đáng phải nhỏ nhoi lễ phép mới phải, đàng nầy người Miên khi có việc đi rước thầy rắn thì phải dùng cách thô bạo bước vào cửa là lớn tiếng chửi cha mắng mẹ ông thầy, chọc tức ông thầy cho đến khi nào lão nộ khí xung thiên, thân thể run chuyển, cặp mắt đỏ như máu muốn trào ra, đó là Tổ đã nhập và như vậy đi trị mới là hiệu nghiệm. Xét ra có lẽ đây là nghề học lại của bọn phù thủy Ấn Độ Fakir, hoặc của môn phái "khất thực" tức là của các người tu hành xả thân thí mạng, không được có của và phải đi ăn xin cho đúng nghĩa hai chữ "khất thực". Bằng chứng sự thí mạng là họ lựa nghề rất nguy hiểm là đi bắt rắn trừ bớt để cứu nhơn độ thế, và chữa bịnh mà không được thu nhận lễ vật tiền bạc Tôi có chứng kiền một lần và đến nay cũng không hiểu vì sao cái tài của mấy ông thầy rắn nầy quả bí mật dẫu ngày nay khoa học đã tràn đồng mà vẫn cắt nghĩa chưa thông. Lần ấy tôi đi góp lúa ruộng tại cánh đồng Bưng Sa-Mo, thuộc làng Hòa-Tú tỉnh Sốc Trăng. Có anh "tằng -khạo" (cai xếp coi việc ruộng) cùng đi với tôi để coi việc biên chép và một đứa nhỏ độ mười lăm mười sáu tuổi để sai vặt. Anh tằng khạo nầy là một người Miên vạm vỡ, vừa trông nom các tá điền vừa là một bợm nhậu chiếng và một tay nấu thịt rừng thiện nghệ. Nghề riêng khác nữa khỏi nói đó là "thơ ký riêng và bí thư" của tôi, con gái nhà ai va cũng biết và va biết trước những gì tôi thèm muốn khi tuổi nầy bớt đi ba chục. Lúc ấy lúa chín nằm sát ruộng, có chỗ nước còn lấp xấp, và chung quanh một mầu vàng lườm mút tận chơn trời, lúa no hột chờ con gặt miệng hát ngâu ngao tay cắt lúa của một buổi thạnh thời nhà nhà no ấm ... Ba thầy trò đi đến một bờ mẫu cao cỏ mọc còn xanh và nước lé đé dưới chân bờ chỗ sâu chỗ cạn. Anh tằng khạo đi đến đó, bỗng dừng chơn lại, miệng cười duyên vừa nói vừa ra lịnh: "Thưa giượng Tư (vì tôi là em rể chủ điền), chỗ nầy tôi chắc có một hang rắn hổ, vậy giượng về trước đi, tui ở lại bắt nó đem về giượng nhậu chơi". Tôi thả lần về đến trại chưa kịp thay áo thì thấy tằng khạo lót tót về, tay xách hai con rắn đen mun, to bằng bắp tay tôi, quần quại thung thăng thấy mà lạnh mình, và cũng lạnh mình thật vì trên lưng tằng khạo anh đang cõng thằng em ban nãy, vì lấc cấc và ham quá nên thò tay vào hang quơ mò thế nào bị rắn hổ cắn đến sôi bọt cáp, nước bọt nhễu nhão đầy hai bên má trông rất thương tâm. Tằng khạo vô trại, lại gần bên bộ ván, hai tay không buông hai con rắn, lừa thế để cho thằng nhỏ nằm xuống, mê mê thiếp thiếp. Tôi thấy vậy, khiếp sợ quá, bụng thì trông bữa nhậu vĩ vèo thịt hai con rắn đen mun nầy chắc là bổ lắm, mà cũng nhát gan sợ mắc nhơn mạng, nên vừa giả bộ rầy trách anh cặp rằng tằng-khạo, vừa hối thúc vô xóm trong kiếm thầy điều trị. Nhưng tôi la tôi nói gì cũng mặc, anh tằng khạo ra sau nhốt rắn rồi trở ra mặt lạnh như đồng, hai tay vấn thuốc đốt hút phì phà tỉnh bơ, miệng nói nho nhỏ: "Giượng để đó cho tôi mà". Rồi trở vô lấy nồi lớn bắt nước làm rắn, y như không có việc gì xảy ra, ngoài nầy trên bộ ván thằng nhỏ nằm sôi đờm mặc kệ. Tôi càng thêm sợ và thêm tức, ý muốn lại vặn họng tên tằng khạo nầy mới đã giận ,vì có lý đâu em ruột mình bị rắn cắn sôi bọt mồm, mà mình nỡ để vậy đi thui rắn chặt nghe cộp cộp rồi bỏ thịt rắn lên chảo  xào nấu điềm nhiên như vậy được. Tiếng của cái "xạng" (vá để xào) khua vào chảo nghe teng teng càng làm cho tôi khó chịu. Lúc đó tôi mới biết tôi là thằng khiếp nhược. Nghe tiếng xạng khua tôi càng rõ cái mặt giả dối của tôi. Tôi đang sợ mắc nhơn mạng như vầy lại cũng sợ mất một bữa cơm thịnh soạn "thịt rắn để nguyên da nấu cà-ri", ăn lai rai nhậu ba-xi-đế. Tôi đang bấn loạn trí óc chưa biết phải làm sao, té ra ngoài mặt tằng-khạo làm tỉnh nhưng đã sai vợ là một chị mồm loa mép giải, đi tru6c thầy rắn trong xóm cùng về, hai người đang lom xom vô cửa trại. Vào đến bên trong, tên thầy chào sơ tôi rồi lại gần bộ ván liếc thằng nhỏ một liếc sơ sài đoạn trở ra cửa lấy ba xị đế giấu trong cây dù đem vô đặt lên bàn ... Tôi nóng ruột gạy đầu câu chuyện:
- Thầy làm ơn cứu nó giùm. Tôi thương nó lắm, sai gì được nấy. Nó mạnh thì ơn thầy tôi không dám quên.
Tôi nghe thầy trả lời một câu tiếng Miên tôi hiểu được là: "Bat luc mành ây tê" (Bẩm lục, không sao đâu). Thầy tôn tôi lên đến chức "lục". Rồi thầy bỏ tôi đứng đó với thằng nhỏ nằm trên ván, thầy xuống bếp trăm với tằng-khạo một dọc tiếng Miên, đại khái tiếng mất tiếng còn, tôi hiểu là: "Phải có ớt mới ngon. Nhà tao có cây ớt hiểm. Mầy nấu thịt rắn mà thiếu ớt, để tao về tao lấy đã". Tôi đứng trên nầy, nghe làm vậy nổi xung, bấy lâu có bao nhiêu tiếng Miên tôi xổ ra hết, tôi văng tục đòi bỏ buổi cơm, bỏ cả thảy công việc, xuống ghe về lập tức trên nhà, "chớ không ở chung một giây một phút với bọn sát nhơn ác đức như bọn bây". (Sự thật tôi lúc đó đói quá mất khôn và trong ý chỉ muốn rút dù êm để khỏi mắc nhơn mạng thằng nhỏ). Tôi vừa nói chưa dứt câu, bỗng thấy lão thầy rắn rùng mình, té ra nãy giờ va chờ câu xóc ấy. Thoạt tiên, va bước lại bên bộ ván, móc trong dây nịt da một cục thuốc mốc mốc đen đen, đưa cho vợ tằng-khạo dặn mài cục thuốc trong rượu trắng để trong nắp khạp, xong rồi va lấy rượu sệt-sệt ấy nhồi với một cây cỏ lạ lúc lụi đụi ấy tôi quên hỏi tên và cho đến nay cũng không nhớ rõ đó là cỏ gì, nhồi xong va cậy miệng thằng nhỏ, nhét thuốc vào đổ thêm một hớp rượu và ép thằng nhỏ nuốt.
Trong khi ấy lão thầy lấy một cây đèn sáp mới, mồi lửa cho cháy rồi lấy cây đèn có ngọn ấy quơ qua quơ lại trước mặt thằng nhỏ, vừa quơ vùa đọc lầm rầm một câu thần chú có ca có kệ nghe rất êm tai, đoạn lão thầy chụp chung rượu nốc sạch ngậm vào miệng và phun ngay mặt thằng nhỏ. Cây đèn sáp lão thầy chấn ngay giọt rượu phun vừa tắt nghe một cái "xèo", thì lạ quá thằng nhỏ lồm cồm ngồi dậy y như vừa ngủ một giấc say, rồi đó cả nhà rộn rịp dọn cháo mời tôi ăn, chủ tớ hỷ hả y như không có việc gì xảy ra ... Tôi vừa húp cháo, cháo húp tới đâu ngọt tới đó ngon lạ ngon lùng, trong bụng tôi suy nghĩ lung tung:
- Tại sao tôi là chủ điền có học thức , xuất thân trường Tây có bằng cấp của chánh phủ ban cho, thế mà dốt địa dư dốt địa lý, thua xa thằng tằng-khạo vô học, nó liếc sơ bờ mẫu cây cỏ mọc thế nào, rồi biết có rắn làm hang?
- Tại sao thần chú, rượu trắng và vài thứ cỏ quèn, thế mà cứu được một người bị rắn cắn đang sôi bọt mép? Có thần lực gì giúp mà tên bịnh chổi dậy ngồi húp cháo ngon lành và ăn thịt lại con vật thù đã toan cướp mạng mình bằng một chất nọc độc bí hiểm cho đến nay khoa học chưa khám phá cùng tận?
- Tại sao thầy rắn, nghèo và vị tha thì nghề còn hiệu nghiệm; bằng như sanh lòng tham, mưu cầu dục lợi thì vong mạng bị rắn cắn chết có ngày?
Trong bữa tiệc, anh thầy rắn có cắt nghĩa sơ rằng anh chần chờ hoãn đãi khi nãy là một kế dục binh chọc tôi giận, chửi rủa cho Tổ mau nhập. Anh còn móc họng dặn thằng nhỏ bị rắn cắn đừng cám ơn anh mà phải cám ơn tôi vì tôi chửi tiếng Miên giỏi quá chừng chừng . . .
Chú thích: *Trích : "Người Việt gốc Miên tỉnh Sốc-Trăng - Tín ngưỡng và bùa ngải". Tên bài viết do blog tự đặt.  **Neack-ta là vị thần bổn xứ của người Miên như ta có ông bổn cảnh thành hoàng nơi mỗi làng mỗi đình của ta

Không có nhận xét nào: