Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

NGỤ NGÔN PHỐ

QUANG ĐẶNG


Lớp trưởng chìa cho Dê một tấm ảnh đen trắng, nơi góc phải đã có vài chấm ố vàng. “Bà nhận ra ai không?” Dê thấy cay xè ở mắt: “Tui chưa lẫn mà ông” Không thể tin, gần bốn mươi năm, vết cứa ngày cũ tưởng nhẹ sao lại sâu hoắm trong tim. Muốn khóc, nhưng sợ thằng bạn cũ đã lên chức ông ngoại chọc quê. Thôi, ta sẽ khóc theo kiểu bác Trịnh vậy, “còn hai con mắt khóc người một con.”
Dê 15 tuổi, kẻ đáng ghét đứng thứ hai tính từ bên trái trong ảnh 16 tuổi. Ngày đó, ngoài Thạch Lam, Nguyên Sa, đầu óc Dê còn nhét thêm Tagore, Hugo nên hắn gọi Dê là “Bà cụ non”. mặt kênh thấy ghét! Nói theo ngôn ngữ teen bây giờ hắn sẽ bảo Dê là lemon question (chanh hỏi)
Với Dê, hắn tồ như gà cồ, cao lêu nghêu, chưa thấy người đã thấy tiếng, suốt ngày chọc phá thiên hạ. Nói chung gã chỉ là một thằng bạn chả ấn tượng gì.
Một đêm lửa trại, Dê xuất hiện với “Gọi tên bốn mùa”. Ngựa ô im lặng nghe Dê hát và từ giây phút ấy, đời hắn, đời Dê bắt đầu cột rắt rối vào nhau. Quen Dê hắn ít ba hoa hơn, thế giới của Dê là một bí mật đối với Ngựa ô. Dê dịu dàng nghiêm trang, mơ mộng, khác hẳn thế giới ồn ào mấy thằng bạn trời đánh của Ngưa ô.
Còn Dê thích Ngựa ô vì Ngựa ô hay chìu. Cắm trại khuya 11 giờ, thị xã tối thui, Dê than đói bụng thì chỉ một lát sau hắn xuất hiện với ổ bánh mì nóng giòn không biết tìm ở xó xỉnh nào.
Những ngày đông rét mướt, những chiều hạ hoa muồng nở vàng, hắn như mài mòn đủng quần trên bậc thềm trước cửa nhà Dê. Thị xã ngày ấy buồn hiu hắt, nhưng hai nhân vật trong truyện ngụ ngôn thì vui hết biết. Cả hai nói chuyện trên trời dưới đất, những câu chuyện không đầu không đuôi, đại loại như:
- Sao sân nhà Dê cây có hoa màu vàng giống hoa mai lại nở vào mùa hè?
Dê cũng tồ không kém:
- Ước gì Dê cao bằng Ngựa ô, nhớ cho Dê cái áo manteau màu đen Dê thích nha!
Hay lãng mạn hơn:
- Ngựa ô ơi! Sao TCS lại bảo “tim lăn trên đường mòn”?
- Ừa hén! Dê tưởng tượng nhen, lúc lăn nó sứt bên này một miếng, trầy bên kia một chút, chắc dzui lắm (bốn mươi năm sau hắn mới biết tim lăn dzui mà thảm).                        
Tháng 10 AL, thị xã lụt lớn, phố phường thành những dòng sông. Dê ngỡ không thấy hắn vài hôm, sáng ra mở cửa hắn đã cười toe toét trên ghe.
Tập I ngụ ngôn là những ngày thơ ấu, những kỷ niệm thân quen, tưởng đã ngủ yên ở nơi nào, bỗng trổi dậy lóng lánh  khi  Dê tròn 20.
Dê 20 tuổi lắm cái đuôi phía sau, Gấu đẹp trai, học giỏi, dân trường Tây, Dê ngây ngất trước luồng gió lạ, tưởng đã yêu Gấu. Nhưng sao nơi Gấu, Dê vẫn thấy thiếu một điều gì ….
Noel năm 78 trời rất lạnh, Dê mở phong bì của ai đó đút vào khe cửa, thư chỉ có bốn từ “Mãi mãi là Dê”. Nét chữ quen thuộc của Ngựa ô đã giải mã góc thiếu nơi Gấu. Dê chợt nhận ra, từ rất lâu tim mình đã ngập tràn tiếng lóc cóc, lóc cóc vó Ngựa ô.
Đi họp tận tỉnh xa, vừa ra khỏi ga đã thấy Ngựa ô.
- Sao biết Dê về mà ra đón? Hắn tủm tỉm: “lịch trình của cô giáo trong tim tại hạ”.
Họ xuôi theo con dốc về phố, chuông giáo đường ngân vang khi lần đầu tay hắn tìm thấy tay Dê.
Rồi như bao đôi lứa yêu nhau, họ cũng mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ, à quên, cái chuồng cùng những ngựa con. Ngựa ô gia trưởng: “một ngựa vằn thôi!”, Dê năn nỉ: “thêm một Ngựa bạch nữa nha!”, “ừ! Thì thêm”.
Tập II ngụ ngôn là những ngày đong đầy hạnh phúc.
Chiều cuối tuần hắn ra trường đón Dê. Trên chiếc xe đạp sườn ngang, Ngựa ô quỉ quái nhích cái đít ra phía sau cố tình để Dê ngã vào lưng hắn. Từ trường về nhà chỉ bảy, tám cây số nhưng hắn đạp xe với vận tốc của người đi bộ thành thử lần nào về đến nơi, thị xã cũng đã lên đèn.
25 tháng chạp hắn đạp xe ra giục “về ăn tết thôi cô giáo!”. Nhìn những tia nắng sót lại trên vạt cúc vàng, hắn hát nho nhỏ “Trời sắp tết hay lòng mình đang tết?”* Hắn biết hắn hát dở, không phải dở bình thường mà quá dở, nhưng đôi khi cũng phải châm chước cho hắn một tí, đang yêu mờ!      
Cái khoảng âm nhạc tạm tha thứ, riêng thơ Dê phải bịt cả hai tai:
- Ngựa ô! Ngâm bài khác đi! Suốt ngày cứ ông ổng “Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa- Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ…” Trời ạ! Bài nào nữa, hắn chỉ thuộc mỗi Tình già của Phan Khôi. Vì miệng hắn ăn mắm, ăn muối hay vì định mệnh? Tình yêu của họ y như đoạn kết bài thơ” Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau. Đôi mái đầu đều bạc…”.
Bạn bè chung nhóm đều nghĩ, chẳng có sức mạnh nào tách họ rời nhau, nhưng mọi việc đều không thể và có thể. Ngựa ô vụt mất dấu khỏi đời Dê, tiếng vó ngựa xa mãi, mất hút từ mùa hè năm 79. Dê đau đớn trong nhiều năm liền với câu hỏi VÌ SAO? VÌ SAO?
Những năm 80, việc liên lạc không dễ dàng như bây giờ. Mười năm sau khi đã ổn định nơi xứ lạ, Ngựa ô cho người về tìm Dê. Quê nhà chỉ gặp những cái lắc đầu vì Dê cũng bặt tăm từ dạo ấy.
Gia đình khánh kiệt, Dê lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác. Cô công chúa ngày xưa giờ khổ cực trăm bề. Đời cơm áo nhọc nhằn đến đỗi nhiều lúc Dê muốn quỵ xuống. Đôi khi trong mơ Dê thấy Ngựa ô đưa tay vẫy:” Dê mệt lắm phải không? Hãy tựa vai Ngựa ô, nhắm mắt ngủ đi”.
Có tiếng khóc của Ngựa vằn bên nôi, Dê lặng lẽ trở dậy đắp chăn cho con. Đêm khuya thanh vắng nhưng không thể phân biệt được tiếng khóc của con hay của mẹ. Tiếng Dê ru con, nghe cô đơn, quạnh quẽ:” Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…Em luống trông tin chàng, ôi! Gan vàng quặn đau í a…”* Ngựa ô không hề biết hắn đã để lại một phần con người hắn nơi quê nhà.
Tập III ngụ ngôn khép lại trong tức tưởi. Tuổi thơ, quê hương, tình yêu tất cả đã vỡ tan…
Hai mươi năm sau Ngựa ô về VN, tìm được chỗ ở của Dê và tỏ ý muốn gặp. Lớp trưởng ngăn “ Phút 89 chưa đủ sao ông còn muốn làm thêm hiệp phụ? Dê khổ như vậy là đủ rồi, hãy để cô ấy yên!”. Ngựa ô thừa biết, vì mãi rê theo bóng, đuổi bắt những điều viển vông, hắn đã vô tình đá thủng lưới nhà,
Cả nửa tháng sau đó, ngày nào hắn cũng đứng lặng nhìn Dê. Khuất sau cây cổ thụ Dê không nhìn thấy hắn, một, hai, ba, bốn, năm…chỉ một bước nữa thôi ta sẽ chạm vào nhau, hắn đau đớn: “cả đại dương Dê ơi!” Nhìn vẻ mặt thanh thản của Dê, hắn biết cánh cửa lòng Dê đã khép. Để mở cửa trái tim một người, hắn đã đánh mất cơ hội nói câu thần chú VỪNG ƠI! Trời đất ! Chỉ hai từ xin lỗi cũng không thể thốt ra. Hắn chỉ có thể  lắp bắp Mè- đậu đen- đậu xanh- đậu đỏ- đậu phộng…..
Năm ấy máy bay rời phi trường TSN, Sài Gòn nhạt nhòa trong mưa, có một siêu bão cấp 17, 18 đổ bộ vào lòng Ngựa ô.
Nơi xứ người ai cũng bảo hắn hạnh phúc. Nhưng sao tâm trí vẫn không phai em vai gầy ngày ấy. Thoáng thấy bóng mình trong kính chiếu hậu, mớ tóc bạc, những nếp nhăn, hắn nhếch mép: “Ngựa ô đã thành Ngựa già”. Quỹ thời gian không còn nhiều, đã đến lúc phải gặp Dê lần cuối. Hắn nhấc phone đặt vé ….
Cất tấm hình vào túi, lớp trưởng nhắc một lần nữa: “Bà nhớ đến đúng giờ, Ngựa ô dặn không sót một ai”. Dê cười như mếu: “ừ! Tui sẽ đến”. Trong tích tắc, nụ hôn đầu, vòng tay ôm đêm giao thừa ba mươi năm trước hiện rõ nhưng rồi cũng dần tan theo tiếng lọc cọc, lọc cọc của vó ngựa đường xa. Sao có thể gặp khi Ngựa ô đã có phần đời khác? Từ lâu, Dê đã an phận với niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: Ngựa vằn, một kỷ vật Dê đánh cắp từ Ngựa ô. Điều ấy nó to lớn gấp triệu lần tình yêu, nó mãi là của riêng Dê không ai biết, không ai hay.
Tập IV ngụ ngôn thôi không viết tiếp vì Dê không đến chỗ hẹn. Tất cả đã khép lại từ ngày vó ngựa lạc bước. Và tình yêu của họ chỉ còn là chuyện kể : Ngày xửa, ngày xưa ở một thành phố nọ (í quên! ở một khu rừng nọ), Có một chàng Ngựa ô yêu một nàng Dê nhỏ…
* Em đến thăm  anh đêm 30 - Nhạc Vũ Thành An
* Dạ cổ hoài lang – Nhạc  Cao Văn Lầu
nguồn :http://www.ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào: