Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Sức mạnh của nội tâm

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII

Cách chúng ta ứng xử trước một hoàn cảnh nhất định có thể chuyển hóa cái nhìn của chúng ta đối với hoàn cảnh ấy cũng như đối với cả thế giới

'Biết trân trọng và tri ân' là chìa khóa duy trì sự cân bằng trong cuộc sống. Khi con người ta may mắn có được thành công, ta không nên để cho sự thành công hay sự kiêu mạn xâm chiếm tri giác của mình, mà ngược lại hãy biết trân trọng và tận hưởng những điều ích lợi từ sự thành công ấy. Tương tự như vậy, khi gặp thất bại, hãy đừng để cảm giác buồn đau chi phối tri giác của mình, mà cũng lại phải biết trân quý những trải nghiệm và bài học rút ra được từ những thử thách ấy. Hãy nên tự nhủ rằng vì vạn sự vô thường nên những điều tồi tệ rồi cũng sẽ chuyển hóa trở thành tốt đẹp nếu chúng ta ứng xử tích cực trước mỗi khó khăn. Lý do chính khiến mọi người bị những thăng trầm chi phối là bởi vì chúng ta thiếu trí tuệ biết trân trọng và tri ân cuộc sống. Không có trí tuệ hiểu biết, chúng ta không thể biết trân quý và tri ân.
Tôi không cho rằng thế giới này là một nơi xấu xa tồi tệ mặc dù vào những thời điểm khó khăn nhất định nhiều người có thể không đồng tình với ý kiến này. Sở dĩ tại sao tôi lại tin như vậy vì cách thức chúng ta ứng xử trước một hoàn cảnh có thể chuyển hóa cái nhìn của ta đối với hoàn cảnh ấy cũng như đối với cả thế giới này. Chẳng hạn như khi nền kinh tế ở trong giai đoạn phát triển thịnh vượng, chúng ta nên biết trân trọng niềm hạnh phúc mà mình đang được tận hưởng nhờ thặng dư tài chính. Điều căn bản mà chúng ta cần phải hiểu rằng niềm hạnh phúc đích thực đến từ việc chúng ta biết sẻ chia niềm vui, và nếu có thể là biết sẻ chia những gì mình có, và mang hạnh phúc đến với mọi người. Như thế, bằng cách khai triển nguyên nhân của hạnh phúc và trân trọng niềm hạnh phúc ấy, chính là chúng ta đang đầu tư vào hạnh phúc để càng thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc nảy nở hơn. Ngược lại, nếu chúng ta không biết học cách tri ân thì điều đó lại trở thành cần phần nghèo nàn nhất trong cuộc đời và hạnh phúc mà con người ta có được từ sự thành đạt thế gian sẽ hoàn toàn bị uổng phí. Tôi tin tưởng rằng sự đầu tư cho một tương lai tốt đẹp hơn có thể được thực hiện một cách giản đơn thông qua trí tuệ biết trân trọng và tri ân.
Một điều tối quan trọng là mọi người cần biết học cách trân trọng và tri ân; nếu không họ sẽ vẫn mãi khổ đau và tự gây áp lực và căng thẳng cho chính bản thân mình. Stress hay sự căng thẳng là hệ quả của sự thiếu linh hoạt và không biết chấp nhận thực tại. Nói cách khác, stress gây ra bởi bám chấp và tham cầu mạnh mẽ. Khi hy vọng và mong cầu có mặt, thì đồng thời sẽ xuất hiện sự sợ hãi cái điều mình mong cầu ấy sẽ không trở thành hiện thực hoặc sẽ hiện khởi cảm giác bất an khiến cho con người ta lo sợ sẽ đánh mất những gì họ đang có, nghĩa là bất kỳ những gì họ mong đợi có thể sẽ không xảy ra như mong muốn. Vì thế stress không chỉ là tác nhân khởi đầu mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn. Cũng có thể nói rằng do không biết trân trọng và tri ân, chúng ta không vững vàng trong cuộc sống và do đó chỉ toàn đánh cược với hạnh phúc của mình và cố gắng với trò chơi may rủi. Biết trân trọng và tri ân sẽ mang lại sự hài lòng biết đủ và nhờ vậy là niềm hạnh phúc. Rốt cuộc thì tất cả chúng ta đang sống trên thế giới này đều mưu cầu hạnh phúc, chẳng phải vậy sao?
Mọi việc chúng ta làm đều tạo quả, và tôi tin rằng con người ta không nên hành động tùy tiện hay thiển cận chỉ nhắm tới những kết quả tạm thời chóng vánh mà thiếu đi trí tuệ hiểu biết nền tảng căn bản là biết trân trọng và tri ân; điều đó sẽ dẫn tới rất nhiều vấn đề rắc rối trong cuộc sống. Chẳng hạn như nếu chúng ta biết tri ân mẹ trái đất của mình, biết trân trọng chính chúng ta, tất cả mọi người và vạn vật, chúng ta sẽ không khi nào muốn hủy diệt phá hoại trái đất, làm hại bản thân mình, mọi người và vạn vật, mà ngược lại chúng ta sẽ trân quý bản thân, thế giới và mọi sinh linh trên trái đất này.
Không có gì là không thể, vậy tại sao chúng ta không dồn tâm sức vào việc chuyển hóa những tiêu cực thành tích cực? Khi chúng ta có thể học được cách trân trọng và sống với yêu thương, thì món quà tặng sẽ che chở bảo vệ ta khỏi những thất bại và chắc chắn thành công và hạnh phúc sẽ đến với ta ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ điều gì mình làm. Cho dù thế giới này có sụp đổ hay không cũng không phải là vấn đề vì sức mạnh nội tâm được tích lũy dồi dào nhờ trí tuệ hiểu biết cảm thông và trân trọng tri ân sẽ nâng đỡ chúng ta bình an vô sự, không mảy may thương tổn trước những thăng trầm thịnh suy trong cuộc đời.

Nước Mỹ và cơn khủng hoảng bệnh tâm thần

Trịnh Thanh Thủy


Hình ảnh người bệnh tâm thần
"Người đàn ông, mắt láo liên, miệng nói liên tục. Từng tràng chữ, câu, dính chập vào nhau xô đẩy tuôn ra. Ông nghi ngờ mọi người và chửi tất cả. Nhân viên chính phủ, cảnh sát, tổng thống, thượng hạ viện, dân biểu, nghị sĩ, dường như họ đang xếp hàng trước mặt cho ông chửi. Thân thể lắc lư như một quả lắc, lưỡi ông đảo liên thanh, tựa một nhân viên của cửa hàng bán đấu giá..."
Đấy là một trong những người được định bệnh tâm thần mà tôi có cơ hội gặp họ hàng ngày. Họ phần lớn nghèo, không nhà, đủ mọi lứa tuổi, sắc tộc nhưng họ có chung một điểm là sức khoẻ tâm thần của họ yếu kém. Hoạt động não bộ họ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm…
Họ là cô thiếu nữ da trắng tuổi mới hai mươi, hành nghề mãi dâm, bị cha ghẻ hãm hiếp từ bé, cha mẹ đều nghiện ngập. Cô mang bệnh Tự Kỷ (Autism), Trầm Cảm (Depression), lại vướng vòng nghiện hút. Là anh thanh niên VN hãy còn hai tám, nghiện sì ke mười mấy năm, homeless, tối ngủ ở hiên sau một cửa tiệm bán bàn ghế. Khuya, vào các tiệm ăn Tàu, VN xin cơm thừa. Anh mang bệnh Trầm Cảm và Tâm Thần Phân Liệt ( Schizophrenia). Hoặc người đàn ông da màu tuổi khoảng bốn mươi, người đầy hình xâm, vừa ra tù không lâu. Ông nghiện rượu, mắc bệnh tâm thần Lưỡng Cực (Bipolar) từ bé, lúc Hưng Cảm, lúc Trầm Cảm. Trong tù mang thêm chứng Căng Thẳng tâm thần (Anxiety Disorder), không ai muốn mướn ông làm việc. Gần hơn nữa là người phụ nữ Á Đông tuổi gần sáu chục, bị con cái bỏ vào nhà thương điên, trốn ra, lúc nào cũng lẩm bẩm "Tay tôi có hàng vạn con giun bò, đau lắm, ngứa lắm. Lũ con khốn nạn, chúng bỏ tôi vào nhà thương điên".
Tình trạng sức khỏe tâm thần trên nước Mỹ
Có vài nghiên cứu cho thấy người di dân gốc Á mắc bệnh Trầm Cảm rất nhiều, nhất là phụ nữ lớn tuổi, tỷ lệ cao hơn phụ nữ da trắng gấp 10 lần. Có lẽ áp lực đời sống khó khăn, kinh tế suy thoái, tài chánh thiếu kém, lo lắng, buồn khổ, đa cảm, sức khoẻ sa sút, những thảm kịch gia đình, mất người yêu, người thân, xảy ra đánh gục người phụ nữ Á Đông vốn giàu nghị lực chịu đựng. Thường thì người di dân gốc Á, khi bị bệnh tâm thần ít tìm cách chạy chữa vì mắc cở, dấu diếm, trở ngại ngôn ngữ hay không có tiền trị liệu và đợi khi bệnh thật nặng mới đưa vào bệnh viện thì quá trễ. 
Để dịnh nghĩa một người khoẻ mạnh, chúng ta phải nói đến một người có đầy đủ sức mạnh cả thể chất lẫn cảm xúc, tinh thần. Bởi vì mỗi khi nguồn năng lực tâm, sinh lý người đó được vận dụng cùng một lúc, họ có thể giải quyết các vấn đề nan giải một cách thần kỳ. Tuy nhiên đời sống tinh thần càng phức tạp, môi trường chung quanh, gia đình, xã hội, càng biến động, khả năng đối đầu kém, dễ đưa não bộ con người đến mức rối loạn. Những nguyên nhân gây nên bệnh tâm thần rất phức tạp, có thể vì bẩm sinh, di truyền, vì chấn thương do tai nạn, tuổi tác, nhân cách, giới tính hay các nguyên nhân tâm sinh lý khác nhau. 
Sau những cơn suy thoái kinh tế và cơn khủng hoảng tài chánh năm 2007-2012, quả bóng địa ốc nổ tung, nhiều người Mỹ rơi vào cảnh mất nhà, mất việc, gia đình xào xáo ly tán. Con số bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tăng vọt nhất là bệnh Trầm Cảm. Trong những năm gần đây, song song với dân số người già tăng cao, nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cũng tăng theo. Con số 20% những người trên 55 tuổi mắc bệnh tâm thần không phải nhỏ và thần kinh của 2/3 các cụ già sống trong các viện dưỡng lão đều có vấn đề. Tuy nhiên chỉ có 3% trong số bọn họ được các chuyên gia tâm lý chữa trị đàng hoàng. Đặc biệt là những người già mắc bệnh Lú Lẫn  (Alzheimer), Sa Sút Trí Tuệ  (Dementia), cần phải được các bác sĩ tâm thần điều trị. Người quen tôi cũng bị mắc hai chứng này mà tìm các bác sĩ tâm thần nói tiếng Việt ở vùng Little SaiGon, rất khó khăn. Hầu như bác sĩ nào cũng có quá nhiều bệnh nhân, họ từ chối gặp bệnh nhân mới, chỉ trị liệu cho các bệnh nhân cũ. Không những thế, theo một nghiên cứu của tờ Emergency Medicine, một bệnh nhân tâm thần tìm bác sĩ tâm lý trong vùng Downtown Boston, gọi 64 văn phòng bác sĩ, chỉ lấy được 8 cái hẹn, trong đó chỉ có 4 cái sớm nhất trong vòng 2 tuần. 
Có bước vào thế giới của người mắc bệnh tâm thần mới biết, con số người mắc bệnh ở Mỹ không phải nhỏ. Pamela S. Hyde, administrator for the government's Substance Abuse and Mental Health Services Administration  (SAMHSA) đã đưa ra viễn ảnh không hay của vấn đề chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong một buổi điều trần. Bà nói "Trong số 45 triệu người Mỹ trưởng thành mắc bệnh tâm thần, chỉ có 38.5 % được trị liệu, còn trẻ em, trong 5 chỉ có 1 em được chữa trị. Mặc dù nhiều người lớn và trẻ em có dấu hiệu mắc bệnh, nhưng họ thường chỉ được chữa trị khi bệnh quá nặng". Bà cho rằng nếu họ được chữa trị sớm hơn, bao nhiêu người khỏi bệnh. 
Cuộc thảm sát đẫm máu bằng súng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut, làm 28 người thiệt mạng, đã đánh thức toàn nước Mỹ. Người ta bắt đầu nhận ra Hoa Kỳ đang rơi vào một cơn khủng hoảng bệnh tâm thần. Kẻ sát nhân, Adam Laza, 20 tuổi, tự sát sau khi giết người, trước đó là một con bệnh tâm thần, không được trị liệu đúng mức. Theo những tâm lý gia chuyên môn nhận xét, nếu thanh niên này được các chuyên gia chữa trị kịp thời, bi kịch này sẽ không xảy ra. 
Việc chữa trị bệnh tâm thần
Hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần của Hoa Kỳ là một kỹ nghệ đã tiêu tốn hàng nhiều tỷ đô la thế mà vẫn không đủ cung ứng dịch vụ cho những người cần nó. Theo tờ báo The Journal Health Affair năm 2011, Hoa Kỳ đã chi 113 tỷ đô trong việc điều trị bệnh tâm thần. Con số này chỉ vào khoảng 5.6% số tiền tiêu cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ y tế toàn quốc. Nó cũng là con số tương đương ở các nước tiên tiến như Úc và Ý, theo tổ chức Sức Khoẻ Thế Giới (World Health Organization) . Phần lớn chi phí trả cho thuốc men và trị liệu ngoại khoa. 
Đụng tới vấn đề chăm sóc sức khoẻ tâm thần khó khăn hơn tất cả các loại chăm sóc y tế khác. The Bureau of Labor Statistics ước lượng trong năm 2010 nước Mỹ có khoảng 156,300 cố vấn về sức khoẻ tâm thần. Đụng vào bác sĩ tâm thần còn tệ hơn các bác sĩ loại khác vì có tới 89.3 triệu người Mỹ sống trong những khu vực thiếu bác sĩ tâm thần, trong khi có 55.3 triệu người sống trong vùng thiếu bác sĩ gia đình và chỉ có 44.6 triệu người sống trong khu vực thiếu nha sĩ. 
Chăm sóc sức khoẻ tâm thần rất đắt đỏ. Theo một nghiên cứu căn cứ vào những dịch vụ cung cấp từ năm 2005 tới 2009 thì 20% trong số 15.7 triệu người Mỹ nhận chăm sóc dịch vụ tâm thần vẫn là người chi trả chính cho các dịch vụ. Phần lớn những người tìm chữa trị ngoại khoa phải trả thêm từ $100 đến $5000 Đô. Trong năm 2005, Người Mỹ đóng thuế đã chi trả cho 13% chi phí các dịch vụ y tế sức khoẻ toàn quốc so với 11% trả cho dịch vụ sức khoẻ tâm thần. 
Hơn thế nữa, thái độ đối với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần làm cho việc chăm sóc bị trở ngại lớn. Một nghiên cứu năm 2007 của tờ báo The Journal Psychiatric Services cho biết có 303 bệnh nhân tâm thần mắc bệnh muốn đi gặp bác sĩ nhưng cuối cùng không đi. Khi được hỏi tại sao, câu trả lời rất thông thường cho 66% là, họ nghĩ rằng vấn đề tự nó sẽ tốt hơn thôi. 71% "Tôi muốn tự mình giải quyết lấy". 47%, trở ngại chính là không có tiền để trị vì nó quá đắt.
Vấn đề cắt giảm ngân quỹ y tế ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần rất nhiều. Theo một báo cáo của National Aliance Mental Health vào năm 2011, chính phủ đã cắt 1.6 tỉ đô từ năm 2009 đến năm 2012. Hệ thống chăm sóc y tế trong tương lai sẽ phải đối đầu với thế hệ "baby boomer" (thế hệ nhiều trẻ con nhất gồm những người sinh từ năm 1946 tới 1964) có thể tạo ra cơn khủng hoảng chăm sóc sức khoẻ tâm thần năm 2030. Đó là năm mà nhân số các cụ cao niên ở Mỹ sẽ tăng gấp đôi song song với nhu cầu khẩn thiết cho tâm thần sẽ thiếu một cách khủng khiếp. Trong khi sự chăm sóc sức khoẻ tâm thần là một chuỗi những dịch vụ y tế đòi hỏi tiền bạc, công sức và thời gian. Chữa trị một bệnh nhân tâm thần không những  cần thuốc men, còn cần bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý trị liệu (therapist), những người thụ lý hồ sơ (case manager), nhân viên xã hội (social worker) và nhân viên tư  vấn phục hồi chức năng (vocational rehabilitation counselor) trong suốt quá trình điều trị cho dứt một căn bệnh. Vì thế giới chủ nhân và bảo hiểm sức khoẻ thường từ chối phần bảo hiểm sức khoẻ tâm thần.
Thế hệ người Mỹ ngày nay phải đương đầu với bao khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, khủng bố, bạo lực, súng ống, kéo theo phạm pháp và tù tội. Con số bệnh nhân tâm thần trong tù giờ cao hơn con số trong bệnh viện phải cần được lưu tâm. Hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần từ lâu đã bị nứt gãy. Thử thách phải đương đầu không phải là sửa chữa, chấn chỉnh mà chính là xây dựng cái mới với những phương pháp khám phá con bịnh từ sớm, định bịnh, chữa và ngừa bịnh. Làm được điều ấy đòi hỏi những kế hoạch cải tổ y tế quan trọng từng bước một, may ra mới mong đạt được hiệu quả thành công.
Tài liệu tham khảo
Minority Women's Health 
http://womenshealth.gov/minority-health/
Seven facts about America’s mental health-care system
http://www.washingtonpost.com/blogs/wonkblog/wp/2012/12/17/seven-facts-about-americas-mental-health-care-system/

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Hoài niệm Hội An

Nguyễn Tường Bách



Tôi náo nức trở lại Hội An, thành phố cổ.
Bốn mươi năm trước, tôi đã đến đây. Ấn tượng ngày xưa của một cậu bé tiểu học vốn mau mờ nhạt trước sự thay đổi nhanh chóng của tuổi thiếu niên. Do đó, Hội An chỉ đọng lại trong tôi với chiếc Chùa Cầu. Đối với tôi Chùa Cầu thật lạ, chùa nào mà nằm ngay giữa phố, lại bắc qua sông, chùa phải xa chợ! Bốn mươi năm trước, đến Chùa Cầu Hội An tôi đứng tần ngần trước tượng thần khỉ ở đầu cầu, có ai vừa thắp một nén hương. Ngày đó tôi đã biết Hội An là một thành phố cổ, ngày xưa nơi đây tấp nập những thuyền bè nước ngoài. Nhưng ai đã dựng xây Chùa Cầu và nhất là tại sao chùa nằm ngay giữa phố, hồi đó tôi tự hỏi.
Bốn mươi năm qua là một thời gian kỳ lạ của lịch sử, trên thế giới và trong lòng đất nước. Nếu hai mươi năm đầu còn mang nặng dấu vết của thù hận, chiến tranh và ý thức hệ thì hai mươi năm sau, như nhờ một phép lạ, mọi tranh chấp và mọi chiến tranh nóng lạnh hầu như chấm dứt. Hòa bình trở lại tại Việt Nam. Tại phương Tây, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đánh dấu một khúc ngoặt của sự tranh chấp Đông-Tây và mở ra một kỷ nguyên mới của sự toàn cầu hóa. Hai mươi năm qua cũng đánh dấu một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử con người, đó là sự di dân với qui mô lớn từ nước này qua nước khác, từ lục địa nay qua lục địa khác. Hàng trăm ngàn người đi từ Đông âu qua Đức, từ Bắc Phi qua Pháp, từ Việt Nam qua Mỹ, từ Pakistan qua Anh, từ Tây Tạng qua ấn Độ... Phương tiện giao thông và khả năng thông tin hiện đại đã làm trái đất trở nên nhỏ bé. Ngày nay, việc con người lên đường đi định cư tại một nước khác dĩ nhiên cũng có chút phiêu lưu mạo hiểm nhưng không khác gì lắm nếu so với trăm năm trước dân quê bỏ lũy tre xanh lại đằng sau. Họ lên đường tìm cuộc sống một nơi xa lạ, đó là những người được mệnh danh là "kiều dân".
Kiều dân không phải chỉ trong thế kỷ hai mươi mới có. Tôi khám phá ra một cách thú vị và muộn màng rằng, từ thế kỷ thứ 16, Hội An là nơi kiều dân Nhật Bản và Trung Quốc đã sống. Khoảng năm 1560, người Nhật đã đến đây giao thương, có người ở lại lâu dài. Tại Trung Quốc, khi nhà Thanh thắng lợi, con cháu nhà Minh cũng bỏ xứ ra đi và lưu lạc đến tận Hội An, xem nơi đây là quê hương mới của mình. Thì ra dân Việt không chỉ sản sinh kiều dân Việt Nam sống nhiều nơi trên thế giới, chúng ta cũng đã cưu mang kiều dân nước khác từ nhiều thế kỷ trước. Cách đây vài trăm năm những con người lưu lạc đó đã chân ướt chân ráo qua đây, mang theo thuyền gỗ, súng đồng, sản phẩm cao cấp như tơ lụa và đồ sứ để buôn bán làm ăn, nhất là mang cả một vốn liếng văn hóa và kiến trúc.
Câu hỏi ngày xưa xem ra đã có câu trả lời. Chùa Cầu có lẽ do thương nhân người Nhật xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17, khi họ xem Hội An là một trong những nơi dừng chân ít ỏi, là nơi họ sinh cơ lập nghiệp và hội nhập với người bản xứ. Chẳng thế mà Chùa Cầu có tên là Cầu Nhật Bản. Cũng vì thế mà ngày ấy người Nhật sẵn sàng bỏ tiền ra trùng tu Chùa Cầu khi kiến trúc này xuống cấp. Người Việt thuyết minh kể một cách hãnh diện rằng năm ngoái năm kia, một đoàn nhà sư Nhật đã đến Hội An để thăm mộ tổ tiên và "trấn huyệt" cho cả xứ Nhật vì khe của nhánh sông Thu Bồn tại Chùa Cầu nằm ngay trên lưng một con thủy quái khống lồ. Con vật này có tên tiếng Nhật là Mamazu, đầu nằm ở Nhật, đuôi ở Ấn Độ. Nhờ các nhà sư trấn huyệt mà thủy quái bớt vẫy đuôi, nước Nhật năm đó bớt bị động đất. Đáng phục thay các nhà sư già, họ không quản đường xa khó nhọc, họ làm tất cả vì tiền nhân và xã tắc của họ.
Cách Chùa Cầu vài trăm mét, khách có thể tham quan vài ngôi chùa của các bang hội người Hoa. Trong chừa họ thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần năm xưa đã phù hộ cho họ vượt biển an toàn. Chùa được bảo quản vô cùng chu đáo, tượng nữ thần hiện trên đầu sóng hết sức uy nghi. Bà con trong bang hội phần lớn nay đã xa xứ làm ăn, người giữ chùa cho biết. Họ đi xa, Hội An đâu phải chỗ làm ăn, người ra nước ngoài, người về cố hương. Người giữ chùa kể, nét mặt không giấu được nỗi buồn của người ở lại đơn chiếc. Nhưng người đi xa hãnh diện và biết ơn tổ tiên, họ gửi tiền về để chăm sóc giữ gìn nơi thờ tự trang nghiêm sạch sẽ. 

Chùa Cầu
Nhắc lại người Nhật, người Hoa của vài trăm năm trước, tôi bỗng nhớ đến thân phận của những người được gọi là Việt kiều hiện nay đang lưu lạc trên toàn thế giới. Những vấn đề đặt ra cho kiều dân ngày xưa hẳn không khác ngày nay. Chắc những người Nhật người Hoa đó cũng trăn trở lắm điều, cũng thực hiện một cách khó khăn phương châm "vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa hội nhập với người bản xứ". Nhiều người trong số họ đã kết hôn với người Việt, con cháu thế hệ thứ hai thứ ba của họ hẳn cũng chỉ còn nói được tiếng Việt và bị cha mẹ la rầy. Họ cũng ngóng trông quê hương của mình, là "giọt máu rơi" của tổ quốc họ. Rồi cũng đến ngày, họ cũng có cái đau xót bỏ thân nơi xứ lạ quê người. Nhưng họ không bao giờ ngờ, vài trăm năm sau, sẽ có một đoàn nhà sư già sẽ đến cầu siêu cho mình và hàng đoàn con cháu sẽ đến viếng lăng mộ của mình.
Tôi vào lại Chùa Cầu, tìm đâu là nơi thờ cúng mà ngày xưa, do tôi ham đứng xem tượng thần khỉ, thần chó, không chịu vào lễ bái. Án thờ trưng hình vị Bắc Đế Trấn Vũ, xung quanh đầy bụi bặm. Ảnh thờ cong queo khô rốc, lạnh tanh. Thấy cán bộ hăng hái bán vé tham quan, tôi hỏi tại sao không ai lau bàn quét bụi trên án thờ và không nghe tiếng trả lời. Chỉ cách chùa người Hoa mấy trăm mét mà sự chu đáo hai nơi khác nhau một trời một vực. Trên bàn cạnh án thờ, người bày bán một xấp "tranh lụa", vẽ vời cẩu thả. Sau án thờ là chỗ sinh hoạt của cán bộ phụ trách tham quan, một bàn cờ tướng còn đánh dở. Bụi bặm này làm tôi nhớ đến các nơi thờ tự trong lăng tẩm xứ Huế, ở đâu cũng đóng bụi như nhau. Con cháu Nguyễn tộc ở đâu cả? Trên án thờ Chùa Cầu, không hề cháy một nén hương thơm, phải chăng tại vì vị Bắc Đế Trấn Vũ là người Hoa hay do ta đã mất thói quen thờ cúng?
Tôi đứng lại trước tượng thần khỉ thần chó. Bây giờ tôi mới biết hai vị này cũng là linh vật, đứng nơi đây để "yểm" thủy quái Mamazu. Tôi thắp một nén hương để nhớ công ơn hai vị và cũng để nhớ ngày xưa, chiêm nghiệm về thời gian và những điều dâu bể. Ôi, bốn mươi năm trôi qua. Bây giờ tôi cũng là kiều dân, sống nhờ trong một nước khác. Dưới chân cầu hầu như không có nước chảy. Trên thế gian bao nhiêu điều đã diễn ra. Nhiều điều trọng đại đã thay trời đổi đất, đã mở một kỷ nguyên mới cho đất nước, đã đổi đời cho một số lớn người. Nhưng cũng có một số người khác, vì hoàn cảnh riêng, phải di tản ra nước ngoài làm kiều dân, như những người Nhật năm xưa đã xây dựng ngôi Chùa Cầu này, hỡi thần thức hai vị.
Kiều dân người Việt ngày nay sống khắp thế giới, con số có thể lên đến ba triệu người. Họ có để lại dấu vết văn hóa gì trong các nước sở tại hay không, điều đó thời gian sẽ trả lời. Còn tôi thì tôi không mấy tin tưởng. Dù có rất nhiều bằng cớ về sự thành công của người Việt Nam ở nước ngoài, tôi vẫn thấy đau đáu điều gì về kiều dân người Việt. Họ dứt khoát không phải là những người đầy tự tin và có nhiều ảnh hưởng như người Nhật, người Hoa ngày trước tại Hội An.
Trên đường phố xuôi ngược ở nước ngoài, nếu cứ thấy người châu Á tóc đen, mặt mày khắc khổ, ánh mắt đăm chiêu, tò mò đi lại gần nghe thử tiếng nói thì ta thấy, y như rằng, đó là người Việt Nam. Họ là những con người làm đủ thứ nghề, nhưng vốn ít, sống nội tâm, không tin nhau, thiếu đoàn kết và nhất là sớm thỏa mãn với chính mình. Lịch sử gần nửa thế kỷ qua của dân tộc dường như dạy cho họ một bài học, tồn sinh được qua ngày là may mắn lắm rồi, tất cả mọi sự khác là xa xỉ. Kinh nghiệm lớn nhất của họ dường như là, đừng hợp tác với ai, đừng làm điều gì lớn lao, chỉ chuốc lấy thất bại thôi. Họ không hề có tâm lý mở đường như kiều dân nước ngoài xưa kia ở Hội An mà ngược lại, một phần trong số họ nghĩ mình là những người cùng đường. Làm sao đòi họ làm một điều gì để đời, vượt thời gian?
Điều chắc chắn là họ nhớ quê hương và biết đâu là "chốn để về" của mình. Nhưng họ đã lỡ quen nghi ngại nhau nên sẽ không có những công trình văn hóa đồ sộ, những bang hội lớn lao, những qui mô hợp tác tầm cỡ. Họ quen chôn những điều ấp ủ đó ở trong lòng. Vài mươi năm nữa, con cháu họ chắc sẽ không còn ai chịu quét tước đền chùa, hoài niệm nhắc nhở lịch sử di dân của cha ông hồi xưa và biết nhớ ơn các thánh thần đã một thời phù hộ. Nếu họ có về thăm nước, thấy bàn thờ phủ đầy bụi bặm, họ sẽ thấy một hình ảnh dường như quen thuộc, chẳng có gì đáng trách. Và người thuyết minh vẫn kể một cách hãnh diện, có một đoàn nhà sư người Nhật...

6.1996

ĐÚNG LÚC

Chris Mikalson


Sau khi chiếc xe bán tải của con rể tôi tấp vào rồi dừng lại trước cửa nhà tôi, tiếng mở cửa lẫn tiếng đóng cửa rầm rập, tiếng tuyết vỡ kêu lạo xạo, và tiếp theo là tiếng đập cửa thình thình. Tôi vừa mở cửa thì hai đứa cháu ngoại chen nhau lao vào nhà, đồng thanh hét vang:
- Con chào bà ngoại.
Brad, bảy tuổi, ôm lấy tôi, hôn tôi chùn chụt rồi nói:
- Bà ngoại ơi, con yêu bà ngoại lắm. Con rất thích khi tối nay được ở đây với bà ngoại.
Chà, thằng nhỏ làm ruột gan tôi nở ra từng khúc vì tình cảm của nó.
Shondie, bốn tuổi, đẩy chúng tôi ra, miệng nó ong óng:
- Ông ngoại đâurồi?
Con nhỏ hộc tốc leo lên cầu thang, cố bước thật nhanh trong khả năng của đôi chân bé xíu. Nhào vào hai cánh tay giang rộng của ông ngoại. Shondie huyên thuyên kể lể khoe khoang đủ thứ chuyện, trong đó có cả chuyện con búp bên mới mua của nó.
Tôi nhìn cảnh tượng đo tự hỏi, có bao giờ nó biểu lộ tình yêu của nó với mình theo cách này không? Tôi mong một mối quan hệ đặc biệt với nó, như đang có với Brad. Nó yêu ông ngoại nó, điều đó thật tuyệt, nhưng cũng làm tôi thấy hơi tự ái và ganh tị.
Khi tôi tâm sự điều đó với chồng, ông ấy nói:
- Bà đừng có ngớ ngẩn như thế chứ. Rồi nó cũng thay đổi thôi. Cái gì củng phải có thời điểm của nó.
Sau khi nghe kể chuyện, chơi game và chơi xây nhà đã đời, thằng Brad hỏi xem chúng có thể coi bộ phim mà chúng mang theo được không. Brad vỗ vỗ lên sàn nhà mát lạnh nói với tôi:
- Bà ngoại ơi, nằm xuống đây với con.
Tôi mỉm cười nằm áp cái bụng xuống nền gạch bên cạnh nó. Cảm giác lân lâng của tình yêu len lỏi khắp người tôi như một khúc nhạc ngọt ngào.
Tôi đập đập lên sàn nhà hỏi Shondie:
- Shondie, con có thích nằm đây không?
Con bé chu mỏ:
- Không ... con sẽ ngồi với ông ngoại.
Nó loay hoay leo lên đùi chồng tôi khiến ông ấy phải bỏ cuốn tạp chí đang đọc xuống bàn.
Tôi thở dài. Tôi cảm thấy ngốc nghếch khi bị từ chối.
Brad nói huyên thuyên không ngớt, cố giải th1ich về đám Pokemon và chúng liên quan với nhau ra sao. Nhưng trước khi bộ phi chấm dứt, nó đã cảm thấy hết hứng thú, nghĩ ra một trò chơi mới. Miện nó hét to:
- Tới giờ chọc lét rồi!
Brad nhảy lên lưng tôi, chọc lét vào hai bên sườn của tôi:
- Bà ngoại không thích bị chọc lét, phải không bà ngoại.
- Thì con cũng vậy thôi.
Tôi xoay người giữ chặt tay nó và bắt đầu chọc lét nó.
Brad rú lên:
- Không, không, đừng mà. Con sẽ trả thù bà ngoại cho mà coi.
Để thoát được khỏi hai cánh tay tôi, nó chọc vào gan bàn chân tôi. Tôi đè nó xuống và hôn chụt chụt vào hai má nó:
- Con là chàng trai mà bà yêu nhất. Con là chàng trai của bà.
Brad ngộp thở cố vùng vẫy:
- Ối bà ơi, thả con ra, con chết ngộp mất thôi.
Rồi nó lồm cồm đứng lên co giò chạy mất.
Tôi vẫn còn nằm trên sàn cười hinh hích thì Shondie tụt xuống khỏi chân ông ngoại, thả người xuống tấm thảm bên cạnh tôi. Nó nói:
- Bà ngoại ơi, tới giờ chọc lét rồi!
Tôi bật cười thích thú và bắt đầu chọc lét Shondie. Nó cười khúc khích, vặn vẹo thân mình , kêu to:
- Bà ngoại nói đi, bà ngoại nói câu mà bà mới nói với anh Brad đi.
- Con là chàng trai mà bà yêu nhất.
Nó sửa lưng tôi ngay:
- Không phải, con là con gái cơ mà.
Hai cánh tay nó quàng lấy cổ tôi và nó hôn tôi. Cổ họng tôi đột nhiên nghẹn lại, tôi nói:
- Con là cô gái mà bà yêu nhất.
Shondie rời khỏi tôi, leo trở lại lên đầu gối của ông ngoại. Áp má vào ngực ông ngoại, nó thỏ thẻ:
- Ông ngoại, con cũng là cô gái mà ông ngoại thích nhất phải không?
Chồng tôi cười ha hả:
- Phải, đúng rồi, và con cũng là cô gái mà bà thích nhất.
Ông ấy càng cười to hơn, nháy mắt với tôi trong khi tôi vội chùi những giọt nước mắt đang làm nhòe cả hai con mắt.