Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

TẠI SAO NHIỀU THẤT BẠI DÙ CÓ KHẢ NĂNG TRÁNH ĐƯỢC VẪN CỨ XẢY RA?

Atul Gawande


Các nghiên cứu đã cho thấy, những bệnh nhân đau tim điều trị theo kỹ thuật nong mạch máu bằng bong bóng cần được tiến hành trong vòng 90 phút kể từ khi nhập viện. Bởi sau thời gian đó,khả năng cứu sống sẽ giảm đi đáng kể. Trên thực tế, điều này có nghĩa là trong vòng 90 phút, đội ngũ y tế phải hoàn tất mọi xét nghiệm cần thiết cho bất kỳ bệnh nhân đau tim nào được đưa vào phòng cấp cứu, tiến hành chẩn đoán chính xác và lên kế hoạch mổ, trao đổi với bệnh nhân và được họ đồng ý, đảm bảo không có vấn đề gì khác về sức khỏe hay dị ứng, chuẩn bị ê kíp mổ, di chuyển bệnh nhân và chuẩn bị phẫu thuật.
Đến đây, câu hỏi đặt ra là khả năng để các bước trên sẽ được thực hiện đầy đủ trong vòng 90 phút ở một bệnh viện bình thường là bao nhiêu phần trăm? Theo thống kê vào năm 2006 là dưới 50%.
Nhưng đây không phải là chuyện lạ. Những kiểu thất bại tương tự vẫn thường xuyên xảy ra trong ngành y tế. Các báo cáo cho thấy có ít nhất 30% bệnh nhân đột quỵ không được các bác sĩ chăm sóc một cách đầy đủ và phù hợp; tương tự, có 45% bệnh nhân hen suyễn và 60% bệnh nhân viêm phổi. Việc thực hiện đầy đủ và chính xác các bước là cực kỳ khó khăn, ngay cả khi bạn đã biết rõ những việc phải làm.
Tôi đã từng cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của những khó khăn và áp lực nặng nề trong lĩnh vực y tế. Và tôi nhận thấy đây không phải là áp lực tài chính, áp lực từ cấp trên, mối đe dọa từ các vụ kiện do tắc trách hay những tranh cãi với các công ty bảo hiểm, mặc dù tất cả những điều đó đều giữ vai trò nhất định. Nguyên nhân chính là do sự phu171c tạp của khoa học đang đè nặng lên đôi vai các nhân viên y tế và sự căng thẳng khi họ cố thực hiện tốt  những hứa hẹn của khoa học. Vấn đề này không chỉ là của riêng nước Mỹ, mà tôi còn nhận thấy nó hiện diện cả những nơi khác, từ Châu Âu đến Châu Á, ở các nước nghèo lẫn nước giàu. Hơn thế nữa, tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng thách thức ấy không chỉ có trong lãnh vực y tế.
Những lĩnh vực chúng ta đang nỗ lực nghiên cứu ngày càng có thêm phát minh, sáng kiến và đồng thời cũng trở nên phức tạp hơn. Chúng ta cũng gặp phải nhiều khó khăn hơn để đạt được một kết quả mong đợi. Bạn có thể kiểm chứng điều này qua những lỗi  mà các nhà chức trách gặp phải khi đối phó với bão lũ, lốc xoáy hay các thảm họa khác. Đó cũng chính là lý do tại sao sống lượng  các vụ thân chủ kiện lại luật sư của mình tăng đến 36% chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2007, mà nguyên nhân chỉ là những lỗi khá đơn giản như quên lịch hẹn, xử lý tình huống kém cỏi hay áp dụng sai luật. Ngoài ra, có thể kể thêm những ví dụ khác , chẳng hạn như lỗi trong các thiết kế phần mềm hay trong hệ thống ngân hàng yếu kém. Thực tế cho thấy, dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cũng nên am hiểu nhiều kiến thức liên quan.
Mỗi khi gặp phải tình huống như trên, chúng ta cảm thấy hoang mang lo lắng bởi sự thất bại vì thiếu hiểu biết có thể tha thứ được, hoặc trong trường hợp không tìm được giải pháp tối ưu thì chúng ta củng cảm thấy an lòng vì mọi người đã nỗ lực hết sức mình. Nhưng chúng ta sẽ cảm tah61y thực sự bức xúc nếu vễn còn giải pháp tốt hơn, mà vì một lý do nào đó, lại không được áp dụng. Bạn sẽ nghĩ gì khi biết có đến một nửa số bệnh nhân đau tim không được điều trị kịp thời? Bạn nghĩ gì nếu biết rằng hai phần ba số ca bệnh phải trả giá bằng cái chết chỉ vì các sai sót của nhân viên y tế?Hai triết gia Gorovitz và Mc Intyre đã có lý khi gọi những thất bại ấy bằng một cái tên nghe thật tàn nhẫn - KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG. Những người khác thì lại sử dụng nhưng từ như BẤT CẨN hay, thậm chí là NHẪN TÂM.
Tuy nhiên, đối với những người trực tiếp làm việc, những người chăm sóc bệnh nhân, thực thi luật pháp hay cứu hộ, tức là những người được đòi hỏi phải hành động nhanh - thì dường như phán xét này chưa phù hợp khi bỏ qua một thực tế rằng đây chính là những công việc rất khó khăn. Trong khi đó, do công việc đặc thù nên mỗi ngày chúng ta lại càng có thêm nhiều việc phải thực hiện, phải làm đúng và phải học hỏi liên tục. Chưa kể, khi bị rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, con người thường dễ gặp thất bại dù cho bản thân đã cố gắng hơn rất nhiều. Chình vì vậy mà trong hầu hết các ngành nghề, người ta vẫn thường khuyến khích trau dồi kinh nghiệm, thực hành và rèn luyện, thay vì trừng phạt khi có ai đó gặp phải thất bại.
Không có gì phải bàn cãi về tầm quan trọng của kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều đó chưa thể giúp một bác sĩ phẫu thuật có đủ khả năng điều trị bệnh nhân đang bị chấn thương - họ còn phải nắm vững kỹ thuật xử lý vết thương, hiểu rõ các biến chứng mà các vết thương gây ra, và còn phải biết các hướng tiếp cận khác nhau đối với mỗi chẩn đoán  và biện pháp điều trị, họ còn phải nắm bắt được tình trạng lâm sàng và diễn biến của các sự kiện liên quan. Muốn nâng cao trình độ chuyên môn, các bác sĩ phải luôn luôn rèn luyện để đạt đến độ thành thạo và thu thập thật nhiều kinh nghiệm. Và nếu bị thất bại vì bản thân thiếu kỹ năng thì điều đơn giản nhất là chúng ta cần học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa.
Nhưng điều tôi quan tâm nhất với những câu chuyện của John (xem: Một chuyện trong phòng mổ & Mộttrường hợp ngưng tim trên bàn mổ) nằm ở chỗ anh là một trong những bác sĩ giải phẫu được đào tạo bài bản nhất mà tôi từng biết, với hơn mười năm kinh nghiệm trên chiến trường. Và anh được xem là hình mẫu của một bác sĩ có đầy đủ kiến thức chũng như kinh nghiệm thực tế. Điều đó cho thấy năng lực cá nhân không phải là rào cản hàng đầu, dù trong lĩnh vực y tế hay bất kỳ ngành nghề nào khác. Việc đào tạo trong lĩnh vực nào cũng mất nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn. Trước khi trở thành bác sĩ, giáo viên, luật sư hay kỹ sư. . . chúng ta đã phải bỏ ra 60, 70 hay thậm chí 80 giờ mỗi tuần để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trên giảng đường. Chúng ta phải luôn tìm cách hoàn thiện bản thân để có thể tạo ra cho xã hội nhiều chuyên gia hơn. Nhưng rồi chúng ta vẫn gặp thất bại dù đã có vô số nhân tài.
Giờ đây, chúng ta đang ở trong những thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới, qua thời gian, nhân loại đã tích lũy được những bí quyết kỳ diệu và trao lại cho những ai làm việc chăm chỉ nhất, có năng lực nhất, được đào tạo bài bản nhất. Bằng cách này, họ đã đạt được một số thành tựu xuất sắc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường không làm chủ được những bí quyết ấy. Và nhiều thất bại mà chúng ta tin là có khả năng tránh được vẫn cứ xảy ra, đó là chưa nói đến những tai biến mà chúng ta phải đau lòng, thậm chí cảm thấy căm phẫn, từ lĩnh vực y tế cho đến tài chính, ngân hàng, từ kinh tế cho đến xã hội. Bởi một điều rõ ràng là KHỐI LƯỢNG và TÍNH PHỨC TẠP CỦA KIẾN THỨC  đã vượt quá khả năng củamỗi cá nhân nếu muốn sử dụng lợi ích của nó theo cách đúng đắn, an toàn và đáng tin cậy. Kiến thức đã giúp chúng ta nhưng đồng thời cũng là gánh nặng đối với chúng ta.
Vậy, mỗi người cần xây dựng một kế hoạch riêng nhằm vượt qua những thất bại trong công việc. Đây chính là kế hoạch được xây dựng trên cơ sở các kinh nghiệm cá nhân và tận dụng cả khối kiến thức của nhân loại để hoàn thiện những mặt còn thiếu xót mà chúng ta hay mắc phải. Kế hoạch này nghe có vẻ đơn giản đến mức buồn cười, và những ai đã dành nhiều thời gian để phát triển các kỹ năng và công nghệ cao có thể cho nó là điên rồ.
   Đó là DANH MỤC KIỂM TRA (Checklist)
Người ta thường hiểu sai về danh mục kiểm tra. Chúng không phải là những hướng dẫn chi tiết, cho dù là để xây một tòa nhà cao tầng hay đưa một chiếc máy bay thoát khỏi hiểm nguy - chúng là những công cụ đơn giản, ngắn gọn, nhằm nhắc nhở các chuyên gia thực hiện đầy đủ các bước phải làm quan trọng.
The Checklist Manifesto - tên bài do blog tự đặt


Không có nhận xét nào: