Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ ÁP LỰC TRONG LĨNH VỰC Y TẾ NGÀY NAY

Atul Gawande*

Một trung tâm y tế cộng đồng ở quảng trường Kenmore tại Boston đã liên kết với bệnh viện tôi đang làm việc. Từ "trung tâm y tế" nghe có vẻ nhỏ bé, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Trung tâm có tên là Harvard Vanguard, được thành lập từ 1969 với mục tiêu cung cấp đủ các loại dịch vụ điều trị ngoại trú cho bất kỳ bệnh nhân nào có nhu cầu. Những người thành lập trung tâm đã cố gắng làm việc theo tôn chỉ đó, tuy vậy, việc thực hiện lại không đơn giản. Trước những tiến bộ không ngừng của y học và nhu cầu của xã hội, Harvard Vanguard đã xây thêm 20 cơ sở  và tuyển thêm 600 bác sĩ, 1000 chuyên viên ý tế để đãm nhiện 59 lĩnh vực chuyên môn, trong đó có nhiều lĩnh vực chỉ mới được thành lập sau này.
Khối lượng công việc đồ sộ khiến chúng tôi phải phân công nhiệm vụ theo từng mảng chuyên môn để xử lý. Nhưng chúng tôi vẫn luôn bị quá tải. Lấy ví dụ từ một ca trực của tôi ở phòng phẫu thuật tổng quát. Đầu tiên, khoa sản yêu cầu tôi đến khám cho một phụ nữ 25 tuổi đang bị đau bụng dữ dội vùng hố chậu phải, có kèm dấu hiệu sốt và buồn nôn. Đây là triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa , nhưng cô ta lại df9ang mang thai và việc chụp CT kiểm tra sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi. Rồi một bác sĩ chuyên về ung thư phụ khoa gọi tôi đến phòng mổ. Có một bệnh nhân vừa mới cắt bỏ khối u buồng trứng nhưng bác sĩ phát hiện khối u này là di căn từ ung thư tuyến tụy, và họ muốn tôi kiểm tra tuyến tụy của bệnh nhân để quyết định xem có nên làm sinh thiết hay không. Một bác sĩ ở bệnh viện gần đó gọi điện thoại yêu cầu chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân ung thư và chuyển vào khu săn sóc đặc biệt vì khối u đã phát triển làm nghẽn thận, ruột và gây xuất huyết ồ ạt. Ca bệnh tiếp theo là một người đàn ông 61 tuổi bị viêm ruột kết mà bệnh tình lại ngày một xấu đi dù đã dùng kháng sinh ba ngày liền. Mặc dù trước đó, bác sĩ đã từ chối phẫu thuật cho ông vì ông đang mắc bệnh viêm phổi nặng, nhưng với tình hình này thì có lẽ phẫu thuật là biện pháp duy nhất. Lại thêm một trường hợp khác, một ông bệnh nhân tiểu đường 52 tuổi, bệnh động mạch vành, huyết áp cao, suy thận mạn tính, béo phì, đột quỵ và giờ đây lại bị thoát vị bẹn. Tiếp đến là ca bệnh của một phụ nữ trẻ bị áp xe trực tràng và cần phải được mổ ngay.
Các bạn thấy không, chỉ trong một ca trực mà tôi có đến sáu bệnh nhân với những thể loại bệnh không giống nhau và kèm theo đó còn 26 chẩn đoán khác nữa. Khi đương đầu với các tình huống phức tạp như vậy, bất kỳ ai cũng sẽ tin rằng chẳng một công việc nào phức tạp hơn thế. Nhưng không p[hải chỉ mình tôi mà hầu như ai trong ngành này cũng vậy cả. Tôi đã hỏi những người làm ở bộ phận lưu trữ hồ sơ bệnh án tại Harvard Vanguard xem trung bình một năm, mỗi bác sĩ phải xử lý bao nhiêu loại bệnh tật khác nhau. Và câu trả lời khiến tôi thật sự kinh ngạc: khoảng 250. Đó là chưa kể bệnh nhân còn gập thêm khoảng 900 vấn đề sức khỏe khác cũng cần phải quan tâm. Và trung bình mỗi bác sĩ kê toa khoảng 300 loại thuốc, yêu cầu hơn 100 loại xét nghiệm khác nhau, đồng thời thực hiện khoảng 40 quy trình khám chữa bệnh , từ tiêm ngừa cho đến phẫu thuật chỉnh hình.
Trên thực tế, các số liệu ghi lại công việc hàng ngày tại bệnh viện cũng chưa thể thống kê hết mọi căn bệnh. Một trong những chẩn đoán mà các bác sĩ thường ghi chú là "Bệnh Khác". Khi bạn quá bận rộn, còn bệnh nhân thì đang sốt ruột chờ đến lượt khám, bạn có thể không đủ thời gian để nhập dữ liệu để có được kết quả chẩn đoán chính xác. Nhưng ngay cả lúc bạn có thời gian thì đôi khi bạn cũng vẫn không tìm thấy dữ liệu nào trong hệ thống máy tính liên quan đến căn bệnh mà bệnh nhân của bạn đang mắc phải.
Trong những năm gần đây, phần mềm lưu trữ tại các bệnh viện ở Mỹ đã không thể ghi lại tất cả các loại bệnh được phát hiện và phân loại. Có lần tôi khám cho một bệnh nhân bị u thần kinh ganglioneuroblastoma (loại u hiếm gặp ở tuyến thượng thận) và một người khác mắc bệnh di truyền (hội chứng Li-Fraumeni) khiến cho tất cả các bộ phận trong cơ thể đều hình thành u ác tính. Cả hai loại bệnh này đều không cò trong phần mềm lưu trữ. Và lúc ấy tôi chỉ biết ghi chú là "Bệnh Khác". Hầu như mỗi tuần, các nhà khoa học lại cập nhật những phát hiện mới về bệnh di truyền, các kiểu biến chứng của bệnh ung thư và cách thức chẩn đoán, chưa kể đến nhiều phương pháp điều trị mới. Những dẫn chứng trên cho thấy tính chất công việc của ngành y ngày càng phức tạp, đến mức máy tính cũng không theo kịp.
Tuy nhiên, không chỉ có khối lượng và quy mô kiến thức khiến cho y học trở nên phức tạp, mà ngay cả việc áp dụng chúng vào thực tế cũng khá rắc rối. Thực tế cho thấy nhiệm vụ của các nhân viên y tế tại bệnh viện là vô cùng khó khăn. Công việc tại những khoa như săn sóc đặc biệt là mộ ví dụ điển hình.
Thuật ngữ "săn sóc đặc biệt" nghe có vẻ khó hiểu. Nhiều chuyên gia trong ngành thích sử dụng cụm từ "cấp cứu", nhưng cách gọi đó vẫn chưa chính xác. Thuật ngữ "hỗ trợ sự sống" nghe gần gũi hơn nhưng lại không mấy liên quan đến lĩnh vực y tế. Trong cuộc sống hàng ngày, con người có thể gặp phải những mối nguy hiểm đáng sợ như tai nạn, bỏng, đứt động mạch chủ, vỡ ruột kết, đau tim dồn dập, bệnh truyền nhiễm hoành hành ... Nếu ngày trước, những ai mắc những bệnh này đều không qua khỏi thì giờ đây, việc cứu sống họ đã dễ dàng hơn. Đó là nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của những trang thiết bị y tế hiện đại ở các khu săn sóc đặc biệt. Điển hình là sự phát triển các công nghệ tiên tiến như máy thở hay ống mở khí quản khi bị suy hô hấp, máy thông động mạch chủ bằng phương pháp bơm bong bóng khi tim ngừng đập, máy thẩm tách máu trong trường hợp thận ngưng hoạt động ... Nếu bạn hôn mê và không thể ăn, bác sĩ sẽ dùng một ống thông bằng silicon để đưa thực phẩm được pha chế theo công thức vào thẳng dạ dày hay ruột của bạn. Và nếu ruột của bạn cũng bị tổn thương nặng, các loại dung dịch a xít amin, a xít béo và đường glucose sẽ được truyền thẳng vào mạch máu.
Số liệu báo cáo cho thấy chỉ trong một ngày trên toàn nước Mỹ đã có đến 90.000 người được đưa vào các khu săn sóc đặc biệt (ICU - Intensive Care Unit). Trong một năm, con số này ước tính lên đến năm triệu và phần lớn trong chúng ta cũng đã hoặc sẽ một lần ở trong đó. Hàng loạt thành quả của y học hiện đại phụ thuộc vào hệ thống dịch vụ mà các khu ICU cung cấp, chẳng hạn như chăm sóc trẻ sinh non; chăm sóc nạn nhân bị thương, đột quỵ và đau tim; chăm sóc bệnh nhân phẫu thuật não, tim, phổi hay các mạch máu chính. Năm mươi năm trước có rất ít các khu ICU, nhưng giờ đây, bất cứ khi nào ghé thăm bệnh viện nơi tôi làm việc, bạn sẽ nhận ra rằng luôn có khoảng 155 trong tổng số 700 bệnh nhân của bệnh viện đang được điều trị tại khu săn sóc đặc biệt. Tính trung bình, mỗi bệnh nhân ở đó 4 ngày và khả năng sống sót khoảng 86%. Nếu bạn đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, nhưng được tiếp nhận vào khoa ICU và sau đó được các nhân viên y tế gắn máy thở vào người với đủ các thứ ống xung quanh, thì bạn có thể hy vọng. Nhưng đó cũng là những ngày mà cuộc sống của bạn mong manh nhất.

* Chú thích: tác giả Atul Gawande là bác sĩ phẫu thuật nội
tiết và tổng quát ở Boston. Ông còn là cộng tác viên của tờ The New Yorker và là giảng viên trường y thuộc đại học Harvard, ngoài ra, ông còn điều hành chương trình "Phẫu thuật an toàn" của tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2006 ông đoạt giải thưởng MacArthur Fellowship, một trong những giải thưởng cao quý nhất trong các ngành khoa học, xã hội, nhân văn, nghệ thuật.
Nguồn: The Checklist Manifesto - tên bài do blog tự đặt

Không có nhận xét nào: