HT. Thích Thiện Siêu
Tất cả mọi sự vật trong thế gian này đều phải biến chuyển
không ngừng: chúng luôn luôn sanh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không.
Thế giới không một vật nào tồn tại vĩnh viễn và có thể đứng yên một chỗ; tất cả
đều vô thường, không những vô thường trong từng năm, tháng, ngày, giờ mà còn vô
thường trong từng sát-na sanh diệt. … Người đời khi đã phát nguyện quy y Tam Bảo
là họ đã an trú trong ngôi nhà Như Lai, vì đó là ngôi nhà an vui vĩnh viễn nhất.
Chánh pháp Như Lai là hào quang chân lý, giúp cho chúng sanh phân định được đâu
là tính chất mê muội, luân hồi và đâu là giác ngộ, giải thoát.
Chánh pháp Như Lai còn soi sáng cho chúng sanh phá tan màn
vô minh điên đảo để dứt trừ mọi sai lầm đau khổ. Cho nên trong kinh Pháp Cú có
dạy: “Vì sợ hãi bất an mà đến quy y thần núi, quy y thần cây, quy y miếu thờ thổ
thần nhưng đó chẳng phải là chỗ nương dựa yên ổn, là chỗ quy y tối thượng. Ai
quy y như thế khổ não vẫn còn nguyên. Trái lại quy y Phật, quy y Pháp, quy y
Tăng, phát trí tuệ chân chính, hiểu thấu bốn lẽ mầu: biết khổ, biết khổ nhân,
biết khổ diệt và biết tám chi Thánh đạo diệt trừ khổ não; đó là chỗ quy y an ổn,
là chỗ quy y tối thượng. Ai quy y như vậy, giải thoát hết đau khổ”. Vì không nhận
chân đúng lời Phật dạy, nên chúng sanh sống trong cảnh vọng tưởng mà khởi tà kiến:
vô thường chấp là thường, vô ngã chấp là ngã, không thanh tịnh chấp là thanh tịnh,
khổ đau chấp là an lạc, nên bị luân hồi và đau khổ triền miên. Tất cả mọi sự vật
trong thế gian này đều phải biến chuyển không ngừng: chúng luôn luôn sanh, trụ,
dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không. Thế giới không một vật nào tồn tại vĩnh
viễn và có thể đứng yên một chỗ; tất cả đều vô thường, không những vô thường
trong từng năm, tháng, ngày, giờ mà còn vô thường trong từng sát-na sanh diệt.
Đối với con người cũng vậy, hôm nay tóc còn đen nhánh, ngày mai soi gương lại
đã thấy bạc đầu. Hôm nay làn da còn tươi láng, ngày mai đã thấy nếp nhăn nheo.
Vũ trụ, sơn hà, đại địa, dù rất to lớn khiến chúng ta tưởng lầm nó là kiên cố, nhưng
thật ra nó cũng chịu sự biến hoại vô thường không kém. Hòn núi kia khi chúng ta
chưa sanh nó đã có, đến khi chúng ta nhắm mắt nó vẫn còn. Chúng ta tưởng hòn
núi đó là thường; cho đến của cải vật chất, nhà cửa chúng ta cũng tưởng lầm như
thế. Vì tưởng lầm nên chúng ta quay cuồng trong vòng điên đảo, đem cái tâm
tham, sân, si để giành giựt lấy những gì chúng ta cho là quý, là thường, là
chân thật, nên mới gây ra biết bao đau khổ xấu xa, thậm chí đôi lúc còn giành
giựt nhau từng đồng bạc, từng chút địa vị, từng lời ăn tiếng nói, từng bước đi,
từng cử chỉ… Đến như cái thân của chúng ta do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp
thành, do năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cấu tạo nên, từ khi cha mẹ sinh
ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, không biết bao nhiêu lần biến chuyển đổi thay
cho đến các tế bào trong cơ thể chúng ta cũng thay đổi trong từng giờ, từng khắc
mà chúng ta không hay, không biết. Thân thể của mọi người đều vô thường như thế
– Đôi lúc chúng ta cũng biết như thế, nhưng chính chúng ta vẫn cứ mong thân của
chúng ta tồn tại mãi mãi, tại vì lòng tham, chấp ngã, nên chúng ta thấy “ta” là
quý hơn tất cả mọi người, chỉ có “ta” mới đáng được trọng vọng, khen ngợi, còn
người khác thì không nên trọng vọng, khen ngợi. Chính là vì lòng chấp ngã, ích
kỷ, ganh ttham lam của chúng ta mà ra. Vả lại trong ta có những lúc tham, lúc
giận, lúc si, nhưng cũng có những lúc từ bi, hỷ xả, tâm muốn bố thí giúp ích mọi
người. Vậy nếu nói lúc tham là ta và lúc giận, lúc si, lúc bố thí, lúc từ bi, hỷ
xả cũng là ta; thế thì, chính trong một bản thân ta hóa ra có không biết bao
nhiêu cái ta. Thử hỏi trong những cái ta đó cái nào đích thực là ta? Khi ta
tham lam thì cái tham đó thật là ta; khi ta giận, cái giận đó thật là ta, hay
khi ta kiêu mạn, tật đố cái kiêu mạn, tật đố đó là ta? Nếu nói tham là ta thì
ta sẽ là con người tham mãi không bao giờ thay đổi được! Nếu nói kiêu mạn, tật
đố là ta, thì kiêu mạn tật đố không bao giờ thay đổi được! Nhưng không, dù có
kiêu mạn, tật đố nhưng khi biết tu hành, phá trừ kiêu mạn, sống một cách khiêm
tốn, thì có thể thay đổi được. Dù tham lam nhưng nếu hiểu được đạo lý thì cũng
có thể chuyển đổi được lòng tham lam ra lòng bố thí. Rõ ràng, tâm của chúng ta
luôn luôn thay đổi, thân thể của chúng ta cũng thay đổi không ngừng, không có
lúc nào thật là ta cả. Ngay trong giờ phút ta tự nghĩ ta đây là ta, thì lời nói
ta đó cũng đã sai đi rồi. Bởi vì trong lúc ta nói ta đây, thì chính ảnh tượng
mà ta tưởng là ta đó cũng đổi khác đi rồi. Tâm hồn ta giờ này không còn như giờ
phút trước. Cho nên, vừa mới mở miệng nhắc đến cái ta thì cái ta đó đã bay đi mất.
Thế mà vì không hiểu, cho nên cứ đinh ninh rằng: “Ta đây, ta quý hơn tất cả, muốn
được tất cả mọi người tôn trọng, khen ngợi, và tuyệt đối không ai được chê ta hết.
Nhưng ngược lại ta cũng không muốn tôn trọng và khen ngợi ai cả”. Cái ta nó làm
cho con người điên đảo, hẹp hòi như vậy đó. Cho nên, chúng sanh đau khổ là vì
vô ngã mà chấp là ngã, không ta mà chấp thật là ta. Ai biết nhìn kỹ thân thể của
mình, qua pháp môn “Bất tịnh quán” như đức Phật đã dạy thì sẽ thấy toàn thân chất
chứa những đồ bất tịnh, nếu bỏ lớp da ngoài thì ai cũng dơ bẩn như ai. Cái bất
tịnh ấy đã có từ trong bào thai, và khi lọt lòng mẹ cũng đã bất tịnh rồi. Dù được
trang điểm bao nhiêu cũng chỉ là cái thân bất tịnh, cho đến khi nhắm mắt tắt thở,
nó cũng là bất tịnh. Đối với cái thân bất tịnh này rõ ràng như vậy mà chúng ta
không nhận thấy; ngược lại còn chấp cái thân này là tịnh, nên nâng niu, chiều
chuộng, trau chuốt nó quá đáng. Vì mù quáng đối với thân vô thường, lại cho là
thường nên con người luôn luôn đau khổ vì nó. Ngày xưa có nàng Liên Hoa Sắc,
khi nghe đức Phật dạy về đạo lý vô thường, rằng thân thể bất tịnh, chúng sanh bất
tịnh, hữu tình bất tịnh, thì cô ta liền phát tâm muốn đi tu. Nhưng trên bước đường
đi tu ngang qua một dòng sông, cô xuống sông rửa mặt, nhìn thấy bóng mình dưới
nước có gương mặt quá đẹp, cô nghĩ thầm: “Mình đẹp như thế này mà đi tu thì uổng
quá!” Cô bèn quay trở lại. Bạn bè gặp cô trở về bèn hỏi: “Tại sao trước kia chị
phát tâm dõng mãnh, muốn đến đức Phật để cầu xin xuất gia, tu hành, bây giờ chị
lại thối chí trở lui là thế nào?” Cô ta trả lời rằng: “Ôi! Tôi đẹp quá như thế
này mà đi tu làm gì cho uổng!” Họ hỏi: “Vậy chị đẹp như thế nào?” Cô ta trả lời:
“Tôi soi mặt dưới nước thấy cái bóng của tôi phản chiếu dưới đó, hết sức là đẹp”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng: Cái đẹp của cô ta chỉ là cái đẹp phản
chiếu lại lòng tham đắm xác thân chứ đối với người khác chưa chắc đã đẹp, và
đôi với loài cá dưới nước khi thấy bóng cô ta thì phải chạy trốn xa. Cô ta thấy
cái bóng mình dưới nước cho là đẹp, vì nghĩ lầm cái thân là đẹp, không ngờ nó
đang xấu, đang hủy hoại từ từ mà cô ta không biết không hay!
Nguồn: http://thienvienhoalam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét