Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

THAO THỨC

Rain march
Mấy hôm nay ông trời hù nó hay sao không biết, mặc áo giáp đen kịt, dẫn theo những quân đoàn mây đen tối sầm mà chả nhỏ xuống hột nước nào, làm nó chạy ton ton vào vào ra ra hốt quần áo, y như chạy thể dục í. Thả vội đống quần áo lên giường, nó giật thót "chết cha, mấy bữa ni không có vào web của lớp xem thời sự, chả biết điểm chác đã có chưa, lo quá , rớt Nội Chợ Rẫy nữa là thôi rồi Lượm ơi". Vừa nghêu ngao "Bản tình cuối " nó vừa mò mẫm gõ gõ " yh...vn...". Ố ồ, có điểm Nội rồi nè, trống ngực tưng tưng, tay còn run nữa chứ, quái quỷ thật, lại còn nghẽn mạng. Đây rồiiiiiii. Oái, con số 6 mờ mờ in bằng mực đen, nó căng mắt nhìn thật kỹ. Hix hix, điểm của mình đây á, đậu rồi! Chưa kịp mừng, nghĩ lại nó lại tức nó cành hông, mình mà không quên cái khí máu động mạch thì ăn con 7 rồi, ối giời cao đất dày ơi, thực tập Nội những 5 chỉ, vậy là đi đời 5 điểm rồi RM nhé. Nó ngẩn tò te nhớ lại cái ngày không xưa cho lắm ấy, cái ngày khốn khổ vác bộ mặt của kẻ thiếu ngủ đi thi, ngày thi cuối cùng của năm con Hổ.
   Đêm trước hôm thi, nó trằn trọc, hai tay thay phiên nhau gác trán, 2h30' "2 cửa sổ tâm hồn" của nó vẫn mở thao láo, lạ thật, ban ngày có ngủ ngáy chi mô mà bi dừ nằm nghe chuột kêu rứa hè. Nó nhớ lại lời của mấy tiền bối Y6 cũng đợt vừa rồi, có 2 anh chị Y6 nào đó đêm trước thi Nội bị mất ngủ, kéo nhau ra hành lang ký túc xá tâm sự ( hình như anh chị này là một cặp thì phải ), thức trắng suốt đêm, sáng hôm thi đầu óc trống rỗng, chả làm ăn được gì, rớt trọn cặp. Nó rùng mình, gì chứ nó học hành bấy lâu, tối nay mất ngủ mai đầu óc cũng trống rỗng, lạng quạng ẵm trọn "vé thực tập Nội đợt hai" cũng nên.
Nó đem bài ra học, chả ăn thua gì, đầu óc năng trịch, nhét không có vô. Nghĩ vẩn vẩn vơ vơ, nó ngủ hồi nào không hay, chỉ biết khi đồng hồ báo thức hú nhặng lên mấy hồi nó mới lồm cồm bò dậy, 2 ngón tay dò hai mí mắt, "tách " ra, miệng ú ớ "ủa, sáng nay mình thi mà". Hơ hơ, sao đi thi đi thố gì mà chả có tí hào hứng gì thế nhỉ, đầu óc cứ u mê, oa, tiên lượng xấu rồi. Phóng "con ngựa sắt" tới gần cổng bệnh viện rồi mà nó vẫn còn mơ mộng "phải chi được ngủ tiếp thì hay biết mấy". 
   Đúng là thi, đủ loại tâm trạng, nhưng chủ yếu nhất vẫn là hồi hộp, bồn chồn và lo lắng. Cô bạn tổ trưởng của nó vô nhà vệ sinh "gửi tâm hồn cho đất" chắc phải chục lần. 
   Nó nheo nheo mắt chọc :
 -  Tui nghe:" Hương amoniac thoang thoảng đâu đây" hi hi! ( phỏng theo câu thơ " Hương nhài thoang thoảng đâu đây, nhà ai mận chín trái cây trĩu cành mà nó thuộc lòng từ hồi lớp hai trong một bài thơ lục bát về Sa Pa mà nó rất thích).
   Cô bạn đỏ mặt:
  - Bà học chắc rồi hả, thấy bình tĩnh nghê.
  - Hôm nay tui đến đây cổ vũ mọi người là chính, tui mất ngủ, chả làm ăn được gì đâu, hi hi.  
   Nó mơ màng, cứ vô thi, thi hết mình, về ăn Tết cho ngon, nghĩ vậy chứ nó thấy sao mà "lưu luyến" bộ môn này thế, hi hi.
Giọng nói quen thuộc của thầy Bảo vang lên từ xa, nó lẩm bẩm chà chà, con người của công việc, anh trai của đám sinh viên nhí nhố đây rồi, chưa thấy người đã nghe tiếng. Sinh viên được tự chọn chọn chỗ ngồi, miễn là không phóng vệ tinh viện trợ cho nhau là được. Nó băng băng tới bên cửa sổ, xí ngay một chỗ, gió thổi nhè nhẹ, đúng là lầu 8, thoáng đãng hẳn, ánh nắng vàng nhạt hắt nhẹ làm má nó âm ấm, "kệ đi, có chút nắng cho tỉnh táo con mắt, biết đâu lại thông thoáng luôn được cái đầu, còn được bổ sung vitamin D nữa, bớt còi xương,hi hi". Nhưng nó đã nhầm, đọc tới tờ đề thứ hai hay ba gì đó mà đầu nó vẫn tắc tị, bí ơi là bí, nhìn cái gì cũng thấy quen quen mà hễ đặt bút vào lại thấy lạ lẫm. Quái chiêu nhất là ECG, nhìn vào cứ như " ta đã gặp mi hồi nào rồi thì phải . . .", rõ khổ.Căm ghét cái đứa nào của nhóm trước đã phát biểu linh tinh gì mà đề không có tính phân loại, nên bây giờ đề mới khó thế này.
   Loay hoay một hồi, nó vẫn không biết có nên "đặt cuốc", í quên "đặt bút" làm hay không, nó bần thần, mình mà chấm thi cái bài như vậy thì sao nhỉ, tệ thật. Nó thả bút, liếc hờ hững xung quanh, ái chà, tên nào cũng say sưa "múa bút". Nó lại cầm bút lên, thả xuống, cầm lên, thả xuống.
Cuối cùng nó bậm môi, tê tái, không làm nữa, mình sẽ học lại, thi lại. Dừng lại đi thôi.

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

PHẢI SỐNG ĐÚNG NHƯ THÁNH KINH DẬY . . .


Adam & Eva
Có lần, một ông Mỹ già đến gõ cửa nhà tôi để giảng đạo, Ông nầy theo đạo Jehova Wittness. Đạo nầy tuyệt đối tin ở Kinh Thánh.
Thành ngữ đầu môi của họ là: “Đúng như Thánh Kinh.” Muốn chứng minh một việc gì, họ cứ dở Kinh Thánh ra là hết cãi.
Giảng đạo cho tôi nghe nhiều lần, tình cảm giữa tôi và ông mỗi ngày mỗi thân mật hơn và xem nhau như bạn. Ông tuy đã già lụ khụ nhưng máu tếu đầy mình.
Thời kỳ ông George Bush còn làm Tổng Thống, lần nào giảng đạo xong, từ giã ra về, ông đều dặn tôi:
“Mỗi đêm cầu nguyện, nhớ cầu nguyện cho Tổng Thống Bush nhé Van.”
Biết ông là đảng viên đảng Cộng Hoà nên tôi gật đầu. Đến lúc ông Bush bị ông Clinton đá nhào, mỗi lần giảng đạo xong ông lại dặn:
“Mỗi đêm nhớ cầu nguyện cho bà Hillary Clinton nhé Van.”
Lần nầy tôi ngạc nhiên, hỏi lại ông ta:
“Ông là đảng viên đảng Cộng Hoà, ông kêu tôi cầu nguyện cho Tổng Thống Bush thì còn nghe được. Nay ông lại kêu tôi cầu nguyện cho vợ của một Tổng Thống đảng Dân Chủ là sao?”.

Ông ta lắc đầu nhìn tôi ra vẻ thất vọng:
“Chuyện như vậy mà mầy cũng không hiểu. Lúc ông Bush làm Tổng Thống thì Dan Quayle làm Phó Tổng Thống, chữ potato số ít đổi ra số nhiều, đứa con nít lớp một còn đánh vần đúng, thế mà ông Phó Tổng Thống làm tài khôn sửa lại trật lấc. Nếu mầy không cầu nguyện cho ông Bush, lỡ ổng chết thì Dan Quayle làm sao điều hành được nước Mỹ. Còn bây giờ ông Clinton làm Tổng Thống, chuyện nhỏ, chuyện to gì ông ta cũng hỏi ý kiến vợ, lỡ bà vợ chết rồi ông ta sẽ hỏi ai đây?”.

Con người có nhiều máu tếu như vậy nhưng khi ở bên cạnh vợ lại ngoan ngoãn như con mèo con, không dám cười lớn tiếng. Có một lần tôi cắc cớ đem câu 22, 23,24 trong chương 5 của sách Ê-phê-sô, đã được trích dẫn ở trên, ra đọc. Đọc xong tôi hỏi:
“Trong gia đình ông, ai là bót?”
Nghe tôi hỏi, mặt ông bạn già đang vui chợt thoáng buồn.
Ông trả lời:
“Tao nghĩ không cần hỏi, chắc mầy cũng biết. Thì vợ tao chứ ai.”.

“Như vậy cách sống của các ông đúng hay Kinh Thánh đúng?”.

Ông bạn già trả lời một cách buồn rầu:

“Kinh Thánh thì đúng trăm phần trăm rồi. Tại cách sống của mình sai”.

Tôi lên lớp:

“Biết sai thì phải sửa”.

“Sửa bằng cách nào?”.

Tôi trả lời:
“Làm một công cuộc cách mạng giải phóng đàn ông.”.

Ông bạn già lắc đầu nguầy nguậy:

“Khó còn hơn lên Thiên Đàng mày ạ nhưng đàn ông Mỹ chúng tao sợ vợ, đâu phải do lỗi của chúng tao”.

Tôi ngạc nhiên, hỏi:

“Vậy lỗi của ai?”.

“Của ông Adam mầy ạ. Thế giới ngày xưa mới chỉ có hai người, thế mà ổng đã sợ bả rồi. Chỉ có trái cây “biết điều thiện và điều ác”, Chúa đã cảnh cáo là không nên ăn mà bả cũng bẻ ăn. Ăn rồi bắt Adam cùng ăn. Ổng sợ quá cũng đớp theo. Việc ấy đã gây ra bao nhiêu điều rắc rối đến đời con cháu. Phải chi lúc bà Eve vừa thò tay định bẻ trái cấm, Adam nện cho bả vài thoi thì giờ nầy chúng mình đâu có khổ.”.

Ông bạn già thở dài, nói tiếp:

“Mầy thấy tao siêng đi giảng đạo vì ra ngoài vui hơn. Ở nhà bả cằn nhằn hoài, nhức đầu quá. Đi ra, đi vào nhìn mặt bả riết rồi tao muốn đau”.

Tôi hỏi:

“Thế sao không nện cho bả vài thoi để bả hết cằn nhằn?”

“Mầy đừng có xúi dại. Thời đại của ông Adam, cóc có cảnh sát mà ổng cũng đâu dám nện bả. Còn trên nước Mỹ nầy mà đánh vợ thì cảnh sát nó còng tay cho”.

Bị tôi quần cho một chập, ông bạn già nổi nóng, hỏi:

“Thế trong gia đình mầy, ai là bót?”.

Tôi vỗ ngực một cách hùng dũng, đáp:

“Thì ta đây chớ ai”.

Ông bạn già phục lăn, nói:

“Tao cũng biết đàn bà Việt Nam rất ngoan, hiền và giỏi chiều chồng.”

Vừa nói tới đây, ông bạn Mỹ già lẩm cẩm của tôi bỗng khựng lại rồi đập tay xuống bàn, cười rộ, nói:

“Ha. . .ha. . . mầy là thằng xạo! Mầy đâu có vợ. Tài cán như mầy làm gì kiếm được một bà vợ mà sợ ha ha. . .”.

Nói xong ông bạn già phú lĩnh.

Đàn ông Mỹ sợ vợ đã quen nên ít khổ. Tránh sư tử chẳng xấu mặt nào. Còn đàn ông Việt Nam, một thời từng là vua, là bót trong gia đình, chưa quen một cổ đôi ba tròng. Ở sở sợ xếp, về nhà sợ vợ. Mới chỉ hai mươi năm lưu vong, mặt mày tên nào, tên nấy đâm ra ngơ ngác.

Tôi có một thằng bạn cũng chẳng thân tình cho lắm.

Chuyện thật trăm phần trăm. Mẹ người bạn muốn nó bảo lãnh sang Mỹ, lệnh bà không cho nên nó cóc dám lãnh bà già sang.

Một hôm, tôi đến chơi, thằng bạn ra mở cửa mà hai bàn tay còn ướt mèm. Tôi hỏi:

“Mầy đang làm gì vậy?”.

“Rửa chén.”

“Còn vợ mầy đâu?”.

Nó đưa một ngón tay lên miệng suỵt lia lịa:

“Nói nho nhỏ, bả đang ngủ.”.

“Ý, mẹ ơi! Mười một giờ trưa rồi mà còn ngủ?”.

“Tại đêm rồi, bả thức gần đến sáng, xem phim Xóm Vắng. Tiên sư thằng Tằng Hắng (Tần Hán) nó phá gia cang tao.”.

Tôi bật cười, nói:

“Thì để bả dậy, bả rửa. Mầy cày đến hai gióp, về nhà còn phải rửa chén?”.

Thằng bạn cười như mếu:

“Bả không rửa thì mình phải rửa. Mẹ kiếp! Lỡ mua cái nhà, bây giờ phải cày trả nợ. Không lo cày, mất nhà thì cũng có thể mất vợ như chơi.”.

Mặt thằng bạn chảy dài ra, buồn hiu hắt như lúc Lưu Bị thua Tào Tháo, khiến tôi cũng mủi lòng. Nhìn cặp mắt đỏ hoe của thằng bạn, không phải vì muốn khóc mà vì thiếu ngủ, tôi thấy cần phải rút lui để nó nghỉ ngơi.

Qua cuộc biển dâu, điạ vị thằng đàn ông cũng đổi thay theo vận nước. Như một triết gia, tôi cho tay vào túi quần, mặt ngẩng nhìn trời, cất tiếng ngâm nga:
Đau đớn thay phận đàn ông

Lời rằng phận bạc, lời chung ấy mà.


sưu tầm từ internet

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

TRÌNH BỆNH ÁN : MỘT TRƯỜNG HỢP NÔN ÓI + TIÊU CHẢY + TIỂU ÍT (phần 1)

bác sĩ  Thy Anh
BỆNH ÁN
Ông K. nhập viện sau 3 ngày bị nôn ói, tiêu chảy.
Tình trạng lúc nhập viện: Nhịp tim 110/ph, huyết áp đo khi nằm 110/80 mmHg , khi đứng 88/60 mmHg. Tĩnh mạch cổ xẹp khi nằm đầu ngang và chỉ thấy rõ khi đưa đầu giường bệnh nhân xuống thấp, khoảng 1 cm dưới nhĩ phải (giá trị âm). Môi lưỡi khô, cân nặng lúc vào viện 72 kg, bệnh nhân cho biết lúc bình thường cân nặng 75 kg.
Benh nhân ghi nhận chỉ đi tiểu 2 lần trong 24 giờ vừa qua, tổng lượng nước tiểu khoảng 200 ml. Khám bụng không thấy cầu bàng quang. Xét nghiệm lúc vào viện creatinin 540 Mmol/L , urea 34 mmol/L, Kali 6.5 mmol/L, khí máu động mạch cho kết quả toan chuyển hóa với pH 7.10, HCO3 12 mmol/L, PCO2 25 mmHg, PO2 110mmHg, Hb 110g/L bạch cầu máu 9.6 x 10 9/L.
Tiền căn bệnh nhân bị thoái khớp, tăng huyết áp và thỉnh thoảng bị đau ngực khi gắng sức. Các thuốc đang sử dụng: bendrofluazide 5mg/ ngày, ramipril 5mg/ ngày, atenolol 50mg/ ngày, diclofenac SR 75mg X 2/ ngày, omeprazole 20mg/ ngày.
 
CÂU HỎI 1
Câu nào dưới đây là câu đúng?
a/ với các thông tin đã cho, ta có thể loại trừ ngay một trường hợp suy thận cấp do viêm cầu thận tiến triển nhanh
b/ tắc nghẽn hệ niệu là khả năng đúng nhất gây ra tiểu ít cho bệnh nhân
c/ có khả năng bệnh nhân bị hoại tử ống thận cấp
d/ nên đặt thông tiểu lưu để đo lượng nước tiểu
e/ nguyên nhân chính gây suy thận cấp trên bệnh nhân là do giảm tưới máu thận

CÂU ĐÚNG
C và E

GIẢI THÍCH
Đây là một trường hợp suy thận cấp điển hình. Bệnh nhân đã có các biểu hiện rất rõ của một tình trạng giảm thể tích dẫn đến giảm tưới máu thận. Các thuốc hạ huyết áp bệnh nhân đang sử dụng càng làm giảm khả năng duy trì tưới máu 2 thận. Tiền căn tăng huyết áp và điều trị lâu dài với các thuốc hạ áp sẽ làm giảm đáng kể khả năng tự điều chỉnh của thận trong nhiệm vụ bảo đảm tưới máu đủ cho hai thận khi gập phải một tình trạng giảm áp lực tưới máu toàn thân (ví dụ do giảm thể tích). Nếu tình trạng giảm tưới máu thận tiếp diễn mà không được cải thiện kịp thời, chắc chắn sẽ xảy ra hoại tử các ống thận.
Ta không thể loại trừ chắc chắn một trường hợp viêm cầu thận tiến triển nhanh ở đây vì chưa có kết quả xét nghiệm nước tiểu. Nếu không tìm thấy hồng cầu biến dạng hoặc trụ hồng cầu trong nước tiểu, chẩn đoán viêm cầu thận có thể được loại trừ.
Bệnh nhân không có cầu bàng quang nên ít có khả năng suy thận do tắn nghẽn nhưng vẫn chưa loại trừ được hoàn toàn, nên siêu âm bụng kiểm tra.
Bệnh sử của bệnh nhân phù hợp với khả năng tiểu ít do giảm tưới máu thận vì bị mất nước (tụt huyết áp tư thế, môi lưỡi khô), và cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể sẽ giúp tái hấp thu nước và muối ở thận để khôi phục thể tích tuần hoàn: Hoạt hóa hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAA), arginine vasopressin (ADH) và hoạt tính thần kinh giao cảm là những cơ chế chính giúp tái hấp thu nước và muối dẫn hệ quả sẽ làm giảm thể tích nước tiểu.
Vì bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo nên không cần đặc ống thông tiểu. Ống thông tiểu không giúp cải thiện tiên lượng trong trường hợp này, hơn nữa, lại dễ gây nhiễm trùng tiểu và hẹp niệu quản về sau.
Suy thận cấp được định nghĩa là một trường hợp tăng creatinine náu cấp tính (từng ngày) và tiếp diễn, tăng # 44.2Mmol/L/ngày ( nếu creatinine trước đó <221 Mmol/L) hoặc tăng hơn 20% (nếu creatinine trước đó > 221Mmol/L) theo Lameire, Van Biesen & Vanholder 2006.
Muốn tìm nguyên nhân cuả suy thận cấp, ta sử dụng quy tắc số 3: (1)-trước thận, (2)-tại thận và (3)-sau thận
Suy thận trước thận do giảm tưới máu thận vì giảm thể tích tuần hoàn xảy ra khi bị mất nước, bị giảm cung lượng tim, bị giảm huyết áp do thuốc . . . đây là nguyên nhân thường gập nhất của suy thận cấp (>75%)
Suy thận cấp sau thận do tắc nghẽn hệ niệu, có thể tắc nghẽn ngay từ các ống thận trong hội chứng ly giải tế bào khối u hoặc do tăng nồng độ uric acid kết tủa ở ống thận. Có thể tắc nghẽn bên trong niệu quản do sỏi, do u hoặc niệu quản bị chèn ép từ bên ngoài do u, do xơ hóa sau phúc mạc. Cũng có thể do tắc nghẽn cổ bàng quang vì phì đại tiền liệt tuyến, vì u ác tính vùng chậu xâm lấn.
Tìm nguyên nhân gây suy thận tại thận ta cũng có quy tắc số 3: có 3 nhóm cơ chế gây tổn thương chủ mô thận
1/ tổn thương thiếu máu cục bộ: do giảm tưới máu kéo dài, do tổn thương vì các gốc tự do khi tái tưới máu.
2/ miễn dịch: do viêm cầu thận cấp, viêm thận kẽ cấp
3/ độc chất: do thuốc gây độc trực tiếp trên tế bào biểu mô ống thận.

CÂU HỎI 2
Phân tích nước tiểu bệnh nhân không thấy hồng cầu, bạch cầu và protein. Siêu âm bụng không thấy thận chướng nước. Câu nào dưới đây là câu đúng?
a/ diclofenac không có vai trò gì gây suy thận trên bệnh nhân này
b/ atenolol có thể dùng an toàn trong suy thận vì bài tiết qua gan
c/ omeprazole hoàn toàn không gây tổn thương thận
d/ cần sinh thiết thận ngay cho bệnh nhân
e/ Cần khôi phục thể tích ngay cho bệnh nhân với dung dịch natri đẵng trương.

CÂU ĐÚNG
E

 
GIẢI THÍCH
Kết quả phân tích nước tiểu cho thấy ít có khả năng suy thận cấp do cơ chế miễn dịch tuy vẫn chưa loại được hoàn toàn. Siêu âm thận bình thường giúp loại trừ khả năng suy thận sau thận do tắc nghẽn. Thuốc kháng viêm nonsteroid bệnh nhân đang dùng (diclofenac) chắc chắn có tác động rất xấu đến chức năng thận. Trong điều kiện bình thường với chức năng thận bình thường, prostaglandin tại thận có vai trò rất ít hoặc không đáng kể trong việc duy trì tưới máu thận. Nhưng khi bị stress, các yếu tố gây co mạch (hệ RAA, ADH, các catecholamine giao cảm) được kích hoạt rất mạnh nên cần có prostaglandin để cân bằng các tác dụng co mạch. Các thuốc kháng viêm nonsteroid có tác dụng ức chế prostaglandin (ức chế men cyclo oxygenase) sẽ làm co mạch nặng hơn, hệ quả làm giảm tưới máu thận nhiều hơn nữa.
Bình thường, khi bị mất nước do ói mửa tiêu chảy, thận sẽ tăng tái hấp thu nước và natri giúp khôi phục thể tích trong lòng mạch. Thuốc ức chế men chuyển (ACE I- Angiotensin-Converting Enzyme Inhibitor) như ramipril kết hợp với thuốc lợi tiểu trên bệnh nhân này đã ức chế khả năng tái hấp thu đó, góp phần làm giảm thêm thể tích tuần hoàn cuả bệnh nhân.
Atenolol là một thuốc beta-bloker được bài tiết qua thận. Do đó, phải giảm liều lượng hoặc ngưng sử dụng khi suy thận cấp và tốt hơn hết, ta nên chuyển sang một beta-bloker loại khác.
Omeprazole có thể gây suy thận cấp vì cơ chế viêm thận kẽ cấp. Hiện nay, các thuốc ức chế bơm proton này chính là nguyên nhân thường gập nhất của viêm thận kẽ cấp do thuốc (Roger 2006). Nhưng đây có lẽ không phải là nguyên nhân suy thận cấp của ông K. vì viêm thận kẽ thường làm suy giảm chứ năng thận chậm, bệnh nhân thường không bị tiểu ít mà trái lại, có thể đa niệu. Phân tích cặn lắng nước tiểu (nhuộm Wright) sẽ phải thấy nhiều bạch cầu eosinophil.
Với bệnh sử và các xét nghiệm đã có, chẩn đoán phù hợp nhất lúc này chính là một suy thận cấp trước thận bị chính các thuốc cuả bệnh nhân đang sử dụng làm cho tệ hơn.
Vì không có bằng chứng để nghi ngờ một viêm cầu thận nên không cần sinh thiết thận.
Xử trí ban đầu hợp lý nhất là bồi hoàn ngay thể tích cho bệnh nhânđể khôi phục huyết áp, từ đó sẽ cải thiện được tưới máu thận. Phần lớn trường hợp, khi thể tích và huyết áp đã hồi phục với dung dịch NaCl 0.9% thì tình trạng toan chuyển hoá cũng cải thiện do mô đã được tưới máu và cung cấp đủ oxy. Kali máu cũng được cải thiện sau đó và không cần biện pháp riêng lẻ nào để làm hạ kali. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi sát kali máu để điều trị kịp thời.
Ghi nhớ:
Để đánh giá một tình trạng mất nước hoặc giảm thể tích, ta cần đo huyết áp khi nằm và huyết áp khi đứng hoặc ngồi thòng chân xuống giường để tìm dấu hạ áp tư thế. Áp lực tĩnh mạch cổ là yếu tố rất hay để ước lượng thể tíchtrong lòng mạch, mặc dù đánh giá áp lực tĩnh mạch cảnh ngoài không chính xác bằng tĩnh mạch cảnh trong nhưng vì tĩnh mạch cảnh ngoài lại dễ thấy hơn nên khi cấp cứu, củng chấp nhận được.
Khi nằm đầu cao 30
đường ngang góc Louis xương ức sẽ cách nhĩ (P) 5 cm. Tĩnh mạch cảnh ngoài nổi trên đường này bao nhiêu cm, nếu cộng them 5 cm sẽ cho ta ước chừng trị số áp lực tĩnh mạch trung tâm cuả bệnh nhân. Khi giảm thể tích trong lòng mạch, tĩnh mạch cổ sẽ không cao đến đường ngang góc Louis mà thường bị xẹp ngay cả khi bệnh nhân nằm đầu ngang.
Giảm cân nặng cũng giúp ước lượng có tình trạng mất nước. bệnh nhân này mất 3 kg chứng tỏ đã mất khoảng 3 lít dịch.
Không bao giờ quên tìm các thuốc góp phần làm giảm them chức năng thận trên các bệnh nhân suy thận cấp vì đây là các yếu tố có thể điều chỉnh được, khi được ngừng sử dụng, sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Internet Cartoons



Thư gửi những người bạn VTT thân mến cuả tôi

Trần Công Lý 
Trường chúng mình trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nay không còn yên tĩnh như những ngày xưa ấy


Các bạn xưa thân mến

Tôi nhận được yêu cầu của bác Thy Anh nhờ viết một bài về ngôi trường yêu dấu Võ Trường Toản (VTT) mà chúng mình  đã trải qua 7 năm đèn sách, từ niên học 1963 đến 1970. Thú thật  tôi chẳng biết viết gì đây khi mà ngày xưa,  môn Văn tôi cũng không khá gì cho lắm vì bản thân tôi theo học ban B , ban Toán (!)
Thôi thì  tôi xin viết về những người bạn xưa thân mến của ngôi trường thân yêu ấy,  mà không phân biệt lớp nào, chỉ viết chung cho tất cả các người bạn cùng niên học.
Ngày chúng mình mới vào, Trường chỉ gói gọn có 6 lớp đệ Thất (lớp 6 ngày nay), mỗi lớp sỉ số tối đa là 50 học sinh,  rồi qua 7 năm đèn sách, tất cả chúng mình đều gần như quen nhau cả.
Rồi ra Trường, mỗi người mỗi ngành mỗi ngã, người thì đi du học, người thì vào lính, người thì vào được trường Đại học yêu thích . . . và xa nhau kể từ đó, các bạn bè mới của môi trường mới . . .
40 năm rời xa mái trường yêu dấu . . .
Mới ngày nào mà  bây giờ đã gần 40 năm rời xa mái trường yêu dấu, chúng mình mới có cơ hội gặp lại nhau nhờ  những tiến bộ khoa học cuả thong tin liên lạc học được từ  các người bạn trẻ : nào email, nào blog . . .
Tuổi càng lớn chúng mình  càng nghiệm ra rằng hình như mọi người đều có khuynh hướng tìm về dĩ vãng bởi vì nó trong trắng, đẹp đẽ và thơ mộng lạ thường, mà chính cái thời học sinh trung học ấy lại mang  nhiều kỷ niệm đẹp nhất, phải không các bạn? Anh em bạn hữu mỗi ngày đều mở email và gởi cho nhau thật nhiều thứ, từ các mẩu truyện tiếu lâm, thư thăm hỏi sức khỏe, công việc, gia đình khi có  người đã làm “sui”, kẻ đã có cháu, tìm những bài viết hay hay gửi cho bè bạn tu tâm dưỡng tánh . . . gửi thông tin về các cánh chim lạc đàn mới quay về tổ, hay vì 1 bạn hữu đã bất chợt xa lìa nhân thế, thế là diễn đàn rộn lên, mọi kỷ niệm xưa cũ được nhắc tới, có vui có buồn thật thú vị và vô cùng cảm động. Gập lại nhau, dù chỉ là qua thế giới ảo nhưng điều đó cũng giúp chúng mình quên đi bao nổi lo toan đời thường, khi  mà vẫn còn phải nặng mang mỗi ngày làm việc oằn vai suốt 40 năm, tóc nay đã bạc, răng cái còn cái mất, mặt đầy nếp nhăn, đồi mồi.
Mỗi ngày chúng mình  không mở email theo dõi được tin tức từ bè bạn thì thật là một điều thiếu sót.
Tôi đã khóc khi phải chịu 1 ca phẩu thuật tim (mổ bắt cầu mạch vành . . . 4 cầu) vào đầu năm nay. Khi biết tin tôi phải phẩu thuật mới cứu được mạng sống, mỗi ngày tôi đã nhận không dưới 10 mail hỏi thăm, động viên, khuyến khích, chia xẻ.
Có những bạn bè mình không còn nhớ mặt, đang ở nước ngòai cũng như trong nước đã đi xin lễ nhà Thờ cầu xin Đức Mẹ ban phép lành cho ca mỗ của mình, có bạn bên Phật giáo cứ hỏi bao giờ tới ngày mỗ cho biết để anh em cùng đọc cho mình 1 thời Kinh Cầu an, có người đi gửi tiền cúng Chùa để hồi hướng công đức cho mình tai qua nạn khỏi, rồi từ bên kia đại dương gọi điện về bảo mình “cố gắng”, có những mái đầu bạc đội mưa đến Viện Tim thăm hỏi và chúc lành . . . nhiều và nhiều lắm kể cả trước và sau ca mỗ. Khi đọc những bức email ngập tràn tình người, tình bạn, tình thân, mình đã khóc vì cảm động . Thãt vậy, tôi vẫn còn giữ được những người bạn thật tốt từ mái trường Võ Trường Toản than yêu ngày xưa ấy.

Chúc tất cả các bạn VTT xưa cuả tôi những điều tốt lành nhất
Đối với chúng mình, đây là con đường đẹp nhất . . .



Bạn đã bao nhiêu lần chui qua hang rào để vào chơi trong sở thú ngày xưa ? Nay thì đâu còn chui được nưã phải không?

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

CHÂM “CHÍCH” NGÔN

Thy Anh
Những câu khẩu hiệu, những câu CHÂM “CHÍCH” NGÔN . . . kỳ cục đang bắt đầu xuất hiện trên đường phố ở Việt Nam.

Họ muốn khẳng định cái gì nhỉ?


Sao không thay thế bằng những câu nói có văn hoá hơn? Như anh chàng người Ấn và chiếc vespa này mà tôi tình cờ chụp được trên đường phố (XEM THÊM ...)

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

TAJ MAHAL - GIỌT LỆ TUYỆT ĐẸP CỦA MỘT TÌNH YÊU

Thy Anh
Ảnh trong bài được chụp bằng máy canon 350D  ống kính 28-105 , chụp phong cảnh kiến trúc f 11 , chân dung f 5.6
 thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ đã ví Taj Mahal như " một giọt lệ đọng trên gò má của thời gian"

Taj Mahal, một trong 8 kỳ quan của thế giới, là một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Agra, miền Bắc Ấn Độ, mà theo tổng thống Mỹ Bill Clinton, thì đây có lẽ là kiến trúc đẹp nhất trên thế giới và mọi người phải được đến tham quan ít nhất một lần trong đời.
Tôi đã đến Taj Mahal hai lần (!) và nếu có cơ hội đến nữa, tôi cũng sẽ không từ chối.
Sau hơn 5 giờ đi xe hơi từ New Delhi đến Agra, chúng tôi phải nghỉ một đêm tại khách sạn cho lại sức vì hứa hẹn hôm sau sẽ phải đi bộ tham quan rất nhiều. 

từ bình minh đến hoàng hôn, Taj Mahal sẽ có các màu sắc khác nhau dưới ánh mặt trời
Agra là một thành phố không hiện đại như Mumbai, nhà cửa cũ kỹ, đường xá cũng không lớn. Cuộc sống ở đây khá yên tĩnh, các du khách có thể gập trên đường phố các sadhu (du sĩ) râu ria xồm xoàm lang thang đi khất thực và khá nhiều các loại xe hai bánh, xe lôi đạp, xe ngựa thô sơ còn chạy đầy đường.
một sadhu lang thang
Chúng tôi đến Taj Mahal đã 9 giờ sáng, lúc này không phải là giờ tham quan tốt nhất trong ngày, nhưng vừa bước qua cổng kiểm soát, tất cả cac du khách đã phải trầm trồ trước vẻ đẹp của lăng mộ màu trắng toát hiện ra trước mắt. Từ xa, Taj Mahal  trông như một món đồ quý giá xinh xắn có thể đặt vừa vặn trong lòng bàn tay, thật vậy, nhiều du khách đã chụp được một tấm ảnh như vậy ở cổng vào.
Không cần phải là một người am tường về nghệ thuật kiến trúc, ai ai cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của Taj Mahal vì sự hoàn mỹ ở đây gần như tuyệt đối.
Băng qua một khu vườn rộng mênh mộng, với những hàng cây được trồng một cách có tính toán, bao quanh bởi những kiến trúc phụ như nhà nghỉ, đền cầu nguyện bằng đá sa thạch đỏ, chạm trổ rất tinh vi. Chúng tôi đi dọc theo một hồ nước hình chữ nhật thật dài, được thiết kế chạy thẵng từ cổng chính đến lăng mộ, khi đến đủ gần, chúng tôi mới thấy hết vẻ vĩ đại của lăng mộ Taj Mahal và các du khách cảm thấy mình trở nên cực kỳ nhỏ bé trước biểu tượng tình yêu quá lớn của nhà vua Shah Jahan đối với hoàng hậu Mumtaz Mahal.
xe ngựa thô sơ trên đường phố Agra
Taj Mahal là một lăng mộ thật sự vĩ đại, có một không hai. Taj Mahal được nhà vua Shah Jahan cho xây dựng vào năm 1632  để chứng tỏ tình yêu của mình dành cho hoàng hậu Mumtaz Mahal (chết năm 1631, sau khi sanh hạ cho nhà vua người con thứ 14).  Nhà vua muốn đây phải là lăng mộ đẹp nhất trên trái đất theo thỉnh cầu trước khi chết của người vợ yêu quý nên đã giao cho kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế giới Hồi giáo đương thời, kiến trúc sư Ustad 'Isa, xây dựng.
Công việc xây dựng bắt đầu từ năm 1632 và kết thúc  vào năm 1653, trong thời đại cực thịnh của các hoàng đế Hồi giáo cuả Ấn Độ (các Mughal) ở kinh đô Agra.
Khoảng  20.000 công nhân và thợ thủ công đã mất 22 năm để xây dựng cho lăng mộ và mất thêm 5 năm nữa cho khu vườn. Việc chuyên chở trong xây dựng đã sử dụng khoảng 1000 con voi. Chi phí xây dựng khoảng 32 triệu rupees (1 triệu đô la).
Phức hợp kiến trúc toàn bộ gồm 5 thành phần, cổng chính, khu vườn, đền cầu nguyện, nhà nghỉ và lăng mộ Taj Mahal.

khu vườn, đền cầu nguyện, nhà nghỉ


Phong cách kiến trúc của Taj Mahal mang đặc trưng của thời kỳ các Mughal ( kết hợp kiến trúc Persian, Hồi giáo và Ấn Độ).
Vật liệu xây dựng gồm sa thạch đỏ, cẩm thạch trắng và khoảng 28 loại đá quý, trong đó, lăng mộ chính toàn bằng đá cẩm thạch trắng. Nhiều loại đá quý của lăng mộ đã bị người Anh lấy đi trong cuộc nổi dậy của Ấn Độ năm 1857.
Tùy thời gian trong ngày, từ bình minh đến hoàng hôn, Taj Mahal sẽ có các màu sắc khác nhau dưới ánh mặt trời. Đặc biệt các đêm trăng tròn, toàn bộ khối đá cẩm thạch sẽ sáng rực lên với một vẻ đẹp huyền bí không sao kể xiết.

Bề mặt của các kiến trúc được trang trí bằng các hình khảm và điêu khắc dưới dạng hình học trừu tượng, hoặc với các ký tự A rập và các loại hoa lá tuyệt đẹp.
Lăng mộ đứng trên một nền hình vuông (186 feet x 186 feet), bĩ chặt bớt 4 góc trở thành một hình bát giác không đều, nhưng toàn bộ kiến trúc vẫn đối xứng. Mái vòm chính có đường kính 58 feet và cao 213 feet, Bốn goc của lặng mộ có 4 tháp nhỏ kiểu Hồi giáo cao 162.5 feet.
Bề mặt của các kiến trúc được trang trí bằng các hình khảm và điêu khắc dưới dạng hình học trừu tượng, hoặc với các ký tự A rập và các loại hoa lá tuyệt đẹp.

Phong cách kiến trúc của Taj Mahal mang đặc trưng của thời kỳ các Mughal
Bên trong lăng, chính giữa lối vào, được đặt mộ của hoàng hậu Mumtaz Mahal và bên cạnh là mộ của nhà vua ( do người con đưa vào sau này, nên đã làm mất đi tính chất đối xứng ban đầu của kiến trúc).
Cũng có nhiều tin đồn chưa rõ thực hư rằng  nhà vua Shah Jahan dự định cho xây một lăng mộ bằng đá cẩm thạch đen cho riêng mình ở bên kia dòng sông Jamuna và sẽ nối sang Taj Mahal bằng một cây cầu. Nhưng có lẽ vì việc xây dựng Taj Mahal quá tốn kém nên nhà vua đã bị người con trai bắt giam tại pháo đài Agra. Hàng ngày, từ nơi bị giam cầm, nhà vua ngồi nhìn về Taj Mahal để nhớ thương hoàng hậu Mumtaz Mahal mãi cho đến khi qua đời.

vật liệu xây dựng các kiến trúc phụ thường bằng sa thạch đỏ

Ngày nay, Taj Mahal được xem là một kỳ quan của thế giới, một báu vật của Ấn Độ, một biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu.
Đại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ đã ví Taj Mahal như " một giọt lệ đọng trên gò má của thời gian".
Thật vậy, Taj Mahal chính là một biểu tượng vĩ đại của nỗi đau trong tình yêu, cuả nỗi đau khi phải xa rời mãi mãi người ta yêu quý nhất. (xem thêm ...)


nhà cửa cũ kỹ kiểu Hồi giáo trong những con phố nhỏ ở Agra

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

GIÁC NGỘ LÀ GÌ ? phần (2)

Bác sĩ Phạm Doãn Luyện


II. Giác ngộ theo giáo pháp của Đức Phật Gautama
Đối với Đạo Phật, một cách khái quát, giác ngộ là khi:
-          Tâm đạt được trạng thái định tĩnh, an lạc, thanh thản và vô sự vì đã tự do khỏi cái trói buộc của tham sân si,
-          vượt thoát khỏi tất cả những đau khổ vốn có của đời sống vì chấm dứt được quá trình sinh tử luân hồi.

Giác Ngộ trong giáo pháp thực sự của Đức Phật do nổ lực hoàn toàn tự thân. Sự giác ngộ này không nương nhờ tha lực hay sự ban phúc của một vị thày, vượt thoát các cõi trời, không tồn tại như một Đại Ngã mà hoàn toàn “Vô Ngã”. Chỉ riêng Đạo Phật nguyên thủy mới có các pháp thiền quán (Vipassana) như Quán hơi thở và Tứ Niệm Xứ. Chỉ riêng Đạo Phật mới có bốn mức độ giác ngộ (còn gọi là bốn tầng thánh trí) [10]. Bốn mức độ giác ngộ trong Đạo Phật đều có tiêu chuẩn để nhận biết cũng như  các bậc thiền định cũng có các tiêu chuẩn để hành giả xác nhận được mình đang ở bậc thiền nào. Các bậc thiền định hay thiền quán của Đạo Phật nguyên thủy đều được mô tả rõ ràng, đồng thời cũng có những chuẩn mực, tiêu mốc để xác định và còn ghi lại trong các bộ Nikaya. Ví dụ: Sơ thiền là trạng thái định với năm thiền-chi (tầm, tứ, hỉ, lạc, định nhất tâm). Các giáo phái giả mạo Đạo Phật không bao giờ biết đến những chuẩn mốc này. Có giáo phái khi ngồi thiền thấy ánh sáng bèn cho mình đã đạt tới bản thể của thế giới, đã chứng ngộ Phật tánh. Có người khi ngồi thiền thấy các hình ảnh của chư thiên, thấy rồng phượng bay lộn trong phòng bèn vui mừng cho rằng mình đã đắc thiền! Nếu hỏi đó là thiền gì? Định gì? Cấp độ gì? thì chắc chắn không thể trả lời!
Bởi vì nội dung giác ngộ có khác nhau nên phương cách tu tập và thực hành phải khác nhau. Một tu sĩ bà La Môn giữ  phạm hạnh tuyệt đối để thực hành thiền định (samadhi), nếu thành công (đắc định) người tu sĩ này sẽ đạt đến cõi trời tương ứng của mức độ định mà mình tu tập được. Đối với Ấn giáo Bà La Môn, cõi trời cao nhất là giác ngộ cao nhất. Đức Phật cũng từng chứng đắc đầy đủ tám định của Bà La Môn nhưng Ngài không thấy cõi trời tối cao là giác Ngộ tối thượng. Không thỏa mãn với các tầng trời và bằng sự tự tin mãnh liệt đã khiến ngài thực hành một phương pháp riêng và đã tạo nên một kì tích tại cội Bồ Đề. Kinh điển có ghi lại diễn tiến tâm thức của Đức Phật dưới cội Bồ Đề trong khi Ngài thực hiện giác ngộ. “Chánh pháp” của Đạo Phật là tất cả những gì Đức Phật đã thực hành 49 ngày dưới cội Bồ Đề tại Bodhgaya. Bởi vì giác ngộ là đỉnh điểm cuối cùng cho một quá trình tu chứng, là trải nghiệm duy nhất và riêng biệt trong tâm của người tu chứng, cho nên không dễ dàng gì để nói hay mô tả về trạng thái này. Tuy nhiên dù sao ta vẫn có thể hình dung gián tiếp “trạng thái giác ngộ” qua con đường tu tập dẫn đến giác ngộ.  Ta sẽ thấy giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy là kết quả của một quá trình tu tập rất khoa học để nhận biết tâm, để phát triển các loại trí và cuối cùng nhận ra Níp bàn như một đối tượng đặc biệt của tâm. Hoàn toàn không có tính thần bí trong sự  giác ngộ, không có sự ban phúc từ thượng đế hay một vị thày nào cho người tu tập Các giáo phái thuộc hệ tư tưởng Bà La Môn hoặc các giáo phái bí mật như Sanmat cho rằng Thầy có thể truyền tâm, khai ngộ (initiate) cho đệ tử (cẩn thận chữ "khai ngộ" ở đây không phải là giác ngộ hoàn toàn). Điều này đúng, vì tâm của tất cả các chúng sanh đều nằm trong một thể thống nhất (continuum) cho nên có những mối liên hệ nhất định với nhau. Tuy nhiên "initiation" chỉ là những tương tác thuận lợi (trong tam giới) để cố giúp sự tương đồng tâm đệ tử với tâm người thày. Initiation không thể thay thế cho nổ lực tu tập tự thân của người đệ tử. Hai nữa, initiation là kĩ thuật trong sự tu tập thiền định của các giáo phái Bà la Môn, tức những định đưa đến giác ngộ các cõi trời (thiên đàng) trong tam giới. Điều này khác hẳn với việc tu tập thiền quán (Vipassana), mà Đạo Phật nhằm mục đích là  một giác ngộ vượt thoát sự tái sinh trong tất cả các cõi trời trong tam giới. Sự tu tập của từng cá nhân có tiến bộ hay không còn tùy thuộc vào nghiệp người đó tốt hay xấu. Lịch sử Đạo Phật còn biết rõ Anan vốn là thị giả, người thân cận nhất, đồng thời cũng là người anh em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, nhưng mãi tận đến sau khi Đức Phật nhập diệt ngài mới chứng quả A La Hán. Rõ ràng Đức Phật không thể gánh nghiệp cho Anan hoặc cho bất cứ ai, cũng như không thể gia trì cho Anan hoặc cho bất cứ ai sớm chứng đắc đạo quả được. Điều này quả không làm phấn khởi cho sự mong ước của đa số Phật Tử, nhưng thực sự Giáo Pháp nguyên thủy là như vậy! Chân lý là như vậy!
Ai cũng muốn sự tu tập của mình được nhanh chóng, ai cũng muốn tìm được con đường tắt, nhưng cũng nên hiểu rõ tính gian khó của việc tu tập qua lịch sử của Đạo Phật còn để lại. Cái nào cũng có cái giá của nó! Chẳng thể nào một người bất ngờ, tự nhiên hay “hốt nhiên” mà đại ngộ được! Nhưng Thiền Tông Trung Quốc lại tin rằng chỉ với hình ảnh chiếc lá rụng hoặc âm thanh một giọt nước rơi v.v... hoặc đại loại như vậy, cũng có thể là hoàn cảnh hay điều kiện cho một người...hốt nhiên mà đạt được Giác Ngộ!
Đạo Phật thời Đức Phật còn tại thế đã mô tả một đạo lộ Giới-Định-Tuệ rõ ràng cho sự tu tập. Dùng chữ “Đạo lộ” là ý muốn nói đến một chương trình tu tập theo thứ tự (step by step) để người tu biết cách rèn luyện để chuyển biến một tâm thức phàm phu đến các tầng bậc chứng ngộ (bốn đạo quả) và cuối cùng giác ngộ Níp-bàn.
III. Nibbana (Níp bàn)
Đối với Đạo Phật nguyên thủy, để trả lời câu hỏi “Giác Ngộ là gì?”, ta có thể tìm một phần câu trả lời trong kinh điển qua cách mô tả Níp-bàn (Nibbana) [11]. Trong kinh Milindapanha (Mi Lin Đa vấn đạo), đức vua Milinda hỏi về sự chứng ngộ Níp-bàn:
- “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Niết Bàn không là quá khứ, không là hiện tại, không là vị lai, không phải là được sanh lên, không phải là không được sanh lên, không phải là sẽ được làm cho sanh lên.’ Thưa ngài Nāgasena, ở đây người nào đó thực hành đúng đắn và chứng ngộ Niết Bàn, thì người ấy chứng ngộ cái (Niết Bàn) đã được sanh lên, hay là làm cho (Niết Bàn) sanh lên rồi chứng ngộ?”
Trưởng lão Nagasena đã trả lời:
- “Tâu đại vương, người nào đó thực hành đúng đắn thì chứng ngộ Niết Bàn, người ấy chứng ngộ không phải cái (Niết Bàn) đã được sanh lên, không phải là làm cho (Niết Bàn) sanh lên rồi chứng ngộ. Tâu đại vương, tuy nhiên có cảnh giới Niết Bàn ấy, người ấy thực hành đúng đắn và chứng ngộ cái ấy.”[12]
Thực sự với đầu óc phàm phu chúng ta không thể hình dung Níp-bàn là thế nào. Đây là lãnh vực trải nghiệm riêng của các bậc thánh. Vâng, đây mới đúng thật là phạm trù không thể giải bày, bất khả ngôn thuyết. Tuy nhiên, quy trình để đi đến giác ngộ để trải nghiệm Níp-bàn thì hoàn toàn có thể mô tả được! Trong Vi diệu pháp (abhidhamma), Phân tích đạo (patisambhidamagga), rải rác trong các bộ Nikaya, có những phần mô tả về Đạo Lộ đến Níp Bàn cũng như lộ trình tâm khi giác ngộ. Chính sự mô tả quy trình của tâm khi Giác Ngộ còn lưu giữ trong kinh điển là những tài liệu quý giá nhất giúp ta thấu hiểu Giác Ngộ là gì?
IV. Lộ Trình Tâm khi giác ngộ
Vi Diệu Pháp (abhidhamma), một bộ luận được Theravada xếp vào Chánh tạng, đã phân tích chi tiết tâm thức của con người thành các tâm (citta) và các lộ trình tâm (citta vithi). Đối với một người bình thường, lộ trình tâm vận hành theo một kiểu nhất định. Khi một người đạt giác ngộ, lộ trình tâm lại vận hành theo một kiểu khác:
1. Lộ trình tâm trong “ý thức bình thường” của tất cả mọi người (phàm phu)
Bắt đầu và theo thứ tự như sau:
- Tâm “Hộ kiếp rúng động” (một sát na)
- Tâm “Hộ kiếp dứt dòng” (một sát na)
- Tâm “Ý môn hướng” (một sát na)
- Tâm “Đổng Tốc” (7 sát na)
- Tâm “Thập Di” (2 sát na)
Cuối cùng, ý thức rơi trở vào dòng Hộ kiếp còn gọi Tâm Hữu phần (life continuum). Nếu kể cả tâm Hộ kiếp, thì một lộ trình tâm của ý thức của một người bình thường trong đời sống hàng ngày gồm có 13 tâm.
Khác với cách giải thích mù mờ, thần bí và huyễn hoặc về sự giác ngộ của tất cả các tôn giáo thần khải cũng như Bà la môn, Sanmat v.v…và kể cả các Đạo Phật gọi là “phát triển”, giác ngộ trong Đạo Phật nguyên thủy là một hiện tượng minh bạch. Với sự hổ trợ của năng lực Thiền định, người thực hành Tuệ quán (Vipassana) có thể nhận biết rõ ràng từng tâm (citta) và các lộ trình tâm (citta vithi) của mình, trong lúc chưa giác ngộ cũng như trong lúc giác ngộ. Đây không phải chỉ là một lý thuyết trên kinh điển. Trong hiện tại, đang có các vị sư thực hiện thành công pháp tuệ quán này. Khi giác ngộ, người tu tự nhận biết sự giác ngộ của mình bằng một lộ trình tâm giác ngộ với 11 tâm như sau:
2. Lộ trình tâm của người  “Giác Ngộ”
Với kí hiệu cụ thể như sau:
- Đối với người có trí tuệ chậm lụt (Mandapanna)
Na – Da – Ma – Pa – U – Nu – Go – Magga – Phala – Phala – Bh –
- Hoặc đối với  người có trí tuệ nhạy bén (Tikkhapana)
Na – Da – Ma – U – Nu – Go – Magga – Phala – Phala – Phala – Bh -
Giải thích các kí hiệu :
Na = bhavaṅga-calana – hữu phần (hộ kiếp) rúng động, – vibrating life-continuum
Da = bhavaṅgu-paccheda – hữu phần (hộ kiếp) dứt dòng – arrested life-continuum
Ma = manodvārāvajjana – ý môn hướng tâm -door adverting consciousness
Pa = parikamma – chuẩn bị của Đạo (magga) – preparation of the Path (magga)
U = upacāra – cận hành của Đạo (magga) – proximity of the Path (magga)
Nu = anuloma – thuận thứ cho cái đi trước và cái theo sau – conformity to what preceeds and to what follows
Go = gotrabhu – chuyển tộc – change-of-lineage
Magga = sotāpattimagga – Đạo Nhập Lưu – the Path of stream-entry
Phala = sotāpatti-phala – Quả Nhập Lưu – the Fruition of stream-entry
Bh = bhavaṅga – hữu phần (hộ kiếp) – life-continuum
Chỉ trừ một số người, mà Pháp Học chưa được nắm vững, thì có thể không nhận biết được các tâm trong tiến trình giác ngộ (nhập lưu). Một người thuần thục về Pháp học, với tuệ quán đúng cách, sẽ nhận biết rõ các tâm trong tiến trình giác ngộ, thấy được sát-na của tâm chuyển tộc, ngay lúc chuyển phàm thành thánh.
Kể từ khi Đức Phật đại giác ngộ và tuyên thuyết giáo pháp của Ngài cho tới ngày nay, chưa có một tôn giáo hay tông phái nào có khả năng mô tả "lộ trình tâm" của một người khi giác ngộ. Qua sự mô tả chi tiết lộ trình tâm giác ngộ, Đạo Phật có cái nhìn về sự giác ngộ rất rõ ràng, rất minh bạch và rất chuẩn mực so với sự mơ hồ đầy thần bí trong sự giác ngộ của tất cả mọi tôn giáo khác.
Một điều phải khẳng định ở đây là để có một lộ trình tâm giác ngộ, phải có một sự tu tập bài bản theo một đạo lộ nhất định. Đây là một một con đường duy nhất, một phương pháp duy nhất, một chánh pháp rất quí giá gọi là pháp bảo.
V. Đạo lộ đưa đến giác ngộ của Đạo Phật Theravada
Theravada là một phái của Đạo Phật xưa cổ nhất duy nhất còn tồn tại ngày hôm nay với Kinh và Luận khá đầy đủ. Phương cách tu tập của Theravada dựa trên bộ luận Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) của ngài Buddhaghosa. Có nhiều trường phái thực hiện Thanh Tịnh Đạo. Có những phái chỉ thực hành các pháp quán riêng biệt của Tứ Niệm Xứ. Đến thời ngài Mahasi, pháp thực hành Thanh Tịnh Đạo đã hoàn chỉnh hơn. Nhưng mãi tận đến khoảng 20 năm trở lại đây, trường thiền Pa Auk mới tực sự thực hiện hoàn chỉnh đạo lộ tu tập đúng theo Thanh Tịnh Đạo. Tóm tắt đạo lộ như sau:
-          Hành giả trước tiên thanh lọc thân tâm bằng giới (sila),
-          Sau đó thực hành thiền định (samadhi) để hỗ trợ giới và hỗ trợ tuệ quán (vipassana) sau này. Thiền Định trong bộ luận Thanh Tịnh Đạo gọi là Jhana
-          Sự giác ngộ được thực hành tuần tự qua 16 tầng thiền tuệ từ thấp lên cao. Thiền tuệ là phương pháp quan sát thế giới (vật chất và tinh thần) bằng cách quan sát thân tâm của chính hành giả. Bằng năng lực của Định, hành giả thấy rõ từng tâm phát khởi, thấy rõ quá trình tâm duyên hợp phát sinh rồi hủy diệt. Sự biết và thấy rõ các tâm phát sinh ra các trí.
Qua mười một tầng tuệ đầu tiên hành giả sẽ bắt đầu trực nhận Níp bàn:
“…Sau khi chứng đắc các tuệ này, hành giả vẫn tiếp tục công việc thấy sự trôi qua và diệt mất của mỗi hành khi chúng khởi lên, với ước muốn thoát khỏi chúng, hành giả sẽ thấy ra rằng cuối cùng tất cả các hành đều diệt. Tâm hành giả trực tiếp biết và thấy Niết-bàn – đó là ý thức trọn vẹn về (vô vi) Niết-bàn kể như đối tượng.
Khi tâm thấy Niết-bàn, hành giả kinh qua năm tuệ còn lại cùng với sự khởi lên của tiến trình tâm đạo (maggavīthi). Năm tuệ đó là:
12. Tuệ Thuận Thứ (Anulama ñāṇa)
13. Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhù ñāṇa)
14. Tuệ Đạo (Magga ñāṇa)
15. Tuệ Quả (Phala ñāṇa)
16. Tuệ Phản Khán (Paccavekkhana ñāṇa)
Như vậy hành giả đã đạt đến chánh trí về Tứ Thánh Đế và đã tự mình chứng ngộ Niết-bàn. Với sự chứng ngộ này, tâm hành giả đã được tịnh hóa và thoát khỏi mọi tà kiến. Nếu hành giả cứ tiếp tục theo cách này, có thể hành giả sẽ đạt đến A-la-hán Thánh quả và nhập Vô Dư Niết-bàn…” [13]
Đạo lộ tu tập Theravada hoàn chỉnh được tìm lại căn cứ theo các bộ Nikaya, theo Vi diệu pháp, theo Phân tích đạo, theo Thanh Tịnh đạo luận (Visudhimagga). Ngay vào lúc giác ngộ, người giác ngộ sẽ trực tiếp nhìn thấy lộ trình tâm giác ngộ của chính mình. Khi đã “hữu duyên” biết đến những thông tin này, những ai tha thiết với sự truy tìm giác ngộ sẽ phải bật khóc khi biết đến tính minh bạch và tầm vóc vĩ đại của giáo pháp mà Đức Phật đã giảng dạy.
Đạo Phật của  Đức Phật Gautam được giảng dạy công khai, không dấu diếm, không bí truyền [14]. Tính thần bí và bí truyền cũng như tính luôn đề cao vai trò của minh sư, giáo chủ hay của tha lực là một đặc diểm của Ấn giáo. Sự truyền tâm (initiation) chỉ là một kĩ thuật hổ trợ loại giác ngộ trong tam giới. Kĩ thuật truyền tâm không có tác dụng gì trong Giác Ngộ Tối Thượng của Đạo Phật Phật (ý nói Đạo Phật chính thống và nguyên thủy). Nguyên lý trong sự giác ngộ của Đạo Phật là sự phát tiển các Tuệ (wisdom) tức sự hiểu biết hướng đến giải thoát. Tuệ giác ngộ không phải là phạm trù mơ hồ hay thần bí. Tuệ để thực hiện giác ngộ có thể liệt kê, đếm và mô tả được [15]. Mười sáu tuệ trong sự thực hành Vipassana là những tuệ căn bản nhất. Chỉ có đầy đủ tuệ giác ngộ mới có được lộ trình tâm giác ngộ.
VI. Vài vấn đề trong cách thực hiện giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy
Đạo Phật phân phái và tan rã sau kì kết tập lần thứ ba tức 250 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Một bộ phái là Theravada đi về đảo Sri Lanka và được bảo tồn tại nơi này. Theravada là bộ phái duy nhất còn tồn tại sau cuộc bể dâu. Những gì Theravada đã làm hơn 2000 năm để bảo tồn Đạo Phật là vô cùng to lớn mà mọi Phật tử phải trân trọng và nhớ ơn. Tuy nhiên, trên phương diện lịch sử, Theravada cũng chỉ là một bộ phái gần nguyên thủy nhất mà thôi. Theravada chưa hẳn là một đạo Phật thực sự nguyên thủy, tức Đạo Phật được thuyết giảng lúc Đức Phật còn tại thế và lúc chưa bị phân phái. Mặc dù cách tu tập theo Thanh Tịnh Đạo đã được thực hiện thành công, những vẫn còn có khả năng tồn tại một đạo lộ “nguyên thủy” hơn. Vấn đề còn tranh cãi hiện nay là ở cách thực hành Thiền Định và phương pháp thiền quán để thực hiện Tam minh.
1. Có một số chủ trương không thực hành các "định Jhana" (được mô tả trong các bộ luận) mà nhấn mạnh đến sự thực hành bốn "thánh chánh định" (theo mô tả trong các bài kinh).
2. Sau khi đắc bốn Thánh Chánh Định, việc thực hiện giác ngộ không cần phải qua phương pháp thiền quán của trường phái phân tích (Thanh Tịnh Đạo - Theravada). Giác ngộ bốn quả thánh có thể thực hiện bằng một qui trình khác. Qui trình này hiện còn trong giai đoạn chưa được phổ biến.
Hiện nay vẫn còn có những nổ lực để đi tìm và phục hồi đạo lộ tu tập nguyên thủy mà chính Đức Phật đã giảng dạy. Nổ lực phục hồi Đạo Phật nguyên thủy sẽ dựa vào sự phân tích và “giải mã” trên các bộ Kinh (Sutta) nhiều hơn việc dựa vào các bộ Luận (Sastra). Mong rằng trong một ngày sớm nhất, nổ lực này sẽ thành công. Khi đó chúng ta có thể nhìn thấy Chánh Pháp thực sự nguyên thủy với phương cách tu tập thù thắng hơn, hiệu quả hơn. Nghĩa là giống như trong thời Đức Phật tại thế, ngài đã giảng dạy và giúp cho hàng ngàn người đạt giác ngộ nhanh chóng và dễ dàng.
Lời cuối
Trên con đường tu tập tâm linh, ta nhất thiết phải hình dung về cái đích đến của mình. Nghĩa là, phải xác định loại giác ngộ nào mà mình muốn nhắm đến. Tức phải tìm câu trả lời thật chính xác cho câu hỏi “Giác Ngộ là gì?”. Như trên đã trình bày, có rất nhiều loại giác ngộ do các minh sư, guru, giáo chủ đã từng thuyết giảng qua nhiều thời đại. Tu tập loại giác ngộ nào, đó sự lựa chọn của riêng của từng mỗi cá nhân. Đối với những ai ngưỡng mộ giáo pháp của Đức Phật, tất yếu phải nhận biết loại “giác ngộ” rất đặc thù của Đạo Phật. Giác Ngộ trong Đạo Phật không hề có tính thần bí mơ hồ. Đó là một trạng thái tâm đã được mô tả rõ ràng, minh bạch. Người giác ngộ sẽ sống trong hiện kiếp này với trạng thái định tĩnh, thanh thản, an lạc, vô sự; sẽ không còn có sự tái sanh để chịu lại khổ đau.
BS. Phạm Doãn
(Bài đã được viết lại ngày 11/08/2011)
Chú thích:
[1] Với một số người, chữ  “enlightenment” có thể làm liên tưởng đến phong trào triết học gọi là thời kì khai sáng ở giữa thế kỉ 19. Chữ “awakening” cũng vậy, từ lâu chữ này đã mang một ý nghĩa phục sinh, phục hưng, phục dựng cho các phong trào tôn giáo hay văn hóa của phương Tây
[2] Vedanta là một trường phái triết học Ấn Độ dựa trên Upanisad.
[3] Đạo của ngài Thanh Hải (một nhánh của Sanmat) dùng chữ "truyền tâm ấn". Xem phả hệ dòng Sanmat của ngài Thanh Hải tại link này: http://santmat.livingcosmos.org/surat-shabd-yoga/ssy-navtree.html
[4] Trích từ tác phẩm "Osho Tự Truyện", chuyển ngữ: Minh Nguyệt, tác giả: OSHO
[5] Tăng Chi bộ kinh, chương nói về hào quang ( AN. 11.139)
[6] Trích từ Biết và Thấy, tác giả Pa Auk Sayadaw
[8] Thiền Luận, quyển thượng, luận hai, đoạn: Thiền và Ngộ
[12] Milindapañhā - Milinda Vấn Đạo (2011), câu hỏi về sự chứng ngộ Niết-bàn
[13] Biết và Thấy (Knowing and Seeing), đoạn: Biết và thấy niết bàn, tác giả: Pa-Auk Tawya Sayadaw (U Acinna), Tỳ khưu Pháp Thông dịch.
[14] “…Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư  còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). (Kinh Đại Bát Niết bàn, đoạn 25)
[15] Để hiểu rõ hơn về Tuệ Giác Ngộ của Đạo Phật nguyên thủy, quý vị có thể đọc thêm phân tích chi tiết trong bài: Tuệ và Giác Ngộ