Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Bác sĩ trẻ gốc Việt được bổ nhiệm vào Ủy ban Cố Vấn Tổng thống Mỹ

Trà Mi (VOA)

BS Tùng và bệnh nhân

Người Việt đã có tiếng nói trong chính quyền Mỹ khi Tổng thống Barack Obama mới đây vừa bổ nhiệm một bác sĩ trẻ gốc Việt vào Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương. Gương thành công của Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, giáo sư y khoa của Đại học California-San Francisco là một niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt và đặc biệt là cho giới trẻ Việt Nam mà Trà Mi hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và các bạn trên Tạp chí Thanh Niên của đài VOA hôm nay.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng cùng gia đình sang Mỹ tị nạn chính trị từ năm 1975 và hiện định cư tại San Jose, bang California. Thành tích học tập của anh đã tỏa sáng ngay từ thời trung học với tấm bằng tốt nghiệp ưu hạng và học bổng toàn phần trong thời gian học cử nhân khoa triết tại trường đại học lừng danh Havard.
Ra đại học, anh rẽ sang ngành y với ước mong phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Mỹ gốc Á. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ từ trường đại học nổi tiếng Stanford, anh được mời về giảng dạy tại Đại học California-San Francisco từ năm 1997 tới nay, vừa dạy, vừa chăm sóc bệnh nhân, và miệt mài trong công tác nghiên cứu. Anh là Giám đốc Dự án Thăng tiến Sức khỏe cho cộng đồng người Việt tại Mỹ và đồng thời là thanh tra chính của Mạng lưới Đào tạo-Nghiên cứu-Nâng cao nhận thức về ưng thư thuộc đại học California-San Francisco, chuyên tiến hành các cuộc nghiên cứu để phòng bệnh cho người Mỹ gốc Á Châu. Các cuộc nghiên cứu của anh giúp tăng cường tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, và ung thư trực tràng, cũng như các căn bệnh do thuốc lá gây ra cho người gốc Á tại Mỹ đã mang về cho anh Giải thưởng từ Hội Ung thư Mỹ vào năm 2002.
Nếu như những thành tích ngoại hạng về khoa bảng đã mang lại cho anh các văn bằng từ các trường đại học danh tiếng của Mỹ thì những thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu y khoa và những đóng góp không ngừng nghỉ trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng đã khiến tên tuổi anh được giới chuyên môn chú ý và đánh giá cao và kết quả là ngày 7/10 vừa qua, anh được đích thân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm vào Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương.
Khi được hỏi về bí quyết của những thành công đáng nể này, bác sĩ Tùng nói đó là nhờ sự phấn đấu không ngừng:
“Mình cứ cố gắng thôi chứ không có gì đặc biệt hết. Mình kiên nhẫn, cố gắng học hành,cứ cố gắng tiếp tục. Thắng cũng tiếp tục mà thua cũng tiếp tục tại vì mình đi di cư, mình còn mạng sống là đủ rồi. Cho nên, bất cứ việc gì mình cứ cố gắng làm, không mất gì cả, bởi mình đã mất hết tất cả rồi. Cứ mỗi lần tôi gặp cơ hội là tôi làm, nhiều khi được nhiều khi không, nhưng tôi không lo bị thua, và cũng may là gia đình tôi có chú ý về vấn đề giáo dục.”
Cũng như bao người Việt khác sang xứ lạ quê người để an cư lập nghiệp, trên đường tiến thân đến thành công hôm nay, bác sĩ Tùng đã nếm trải không ít khó khăn kể cả phương diện vật chất lẫn tinh thần, từ những khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, những cảm giác trống vắng, vương vấn với một quê hương Việt Nam bỏ lại sau lưng, cho tới những vất vả trong đời sống mưu sinh hằng ngày. Vị bác sĩ trẻ giờ đây là thành viên Ban Cố vấn Tổng thống từng một thời đi phụ việc nhà để có thêm chút tiền đỡ gánh nặng cho ba mẹ.
Bác sĩ Tùng kể lại:
“Tôi đi làm từ hồi 15 tuổi, vừa đi học vừa đi làm suốt thời gian trung học và đại học. Tôi làm việc trong thư viện, đi bỏ sách, đi dọn dẹp nhà người ta. Tôi nghĩ muốn tiến thân thì lúc nào cũng phải có một chút lên, một chút xuống.”
Dù theo đuổi ngành y, một trong những ngành nghề đòi hỏi nhiều thời gian nhất, nhưng bác sĩ Tùng vẫn hướng tới cộng đồng. Không những chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, anh còn mong được phục vụ cho số đông người Mỹ gốc Việt nhiều hơn nữa, và anh đã đầu tư công sức và thời gian vào rất nhiều cuộc nghiên cứu giúp cải thiện sức khỏe cho người Việt tại Mỹ.
Bác sĩ Tùng tâm sự:
“Ra trường y khoa, quan trọng nhất đối với tôi là chú ý giúp đỡ cho cộng đồng bắt đầu bằng công việc bác sĩ để lo cho bệnh nhân. Sau đó, tôi nhận thấy làm bác sĩ không thôi chỉ có thể lo cho một số bệnh nhân, mà cộng đồng ngoài kia có rất nhiều người cần được giúp đỡ trong khi tài liệu về nghiên cứu y khoa cho cộng đồng người Việt ở Mỹ rất ít. Cho nên, tôi chú ý và bắt đầu làm nghiên cứu thêm.”
Bác sĩ Tùng cho biết anh cũng mong được tham gia vào các cuộc nghiên cứu về sức khỏe của người Việt trong nước và các chương trình y tế ở Việt Nam khi điều kiện cho phép.
Một lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang nghe chương trình với tư cách là một gương thành công đi trước, bác sĩ Tùng nói:
“Không bao giờ nói tôi không muốn làm việc này, hay tôi không làm được việc kia, hoặc tôi không thích làm việc nọ. Cơ hội nhiều khi mở ra cho mình những cánh cửa không biết trước được. Trong đời mình cần cơ hội mà nhiều khi cơ hội tới mà mình không biết, mình đóng cửa lại. Cơ hội nhiều khi có, nhiều khi không, nhưng vấn đề quan trọng là mình cứ tiếp tục làm những việc mình muốn làm.”
Vị bác sĩ trẻ người Việt trong Ban Cố vấn cho Tổng thống Mỹ cho rằng sự thành đạt của anh hôm nay 30% nhờ vào cơ hội và 70% là do tự lực phấn đấu cùng với ý chí kiên trì vượt khó vươn lên. Thành công của anh quả là một tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ noi theo.

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

KHÔNG MẤT HY VỌNG

Nhị Tường (nhituongsite.com)

Ánh nắng mai xuyên qua những bức rèm ố màu vàng, lờ mờ chỗ tối chỗ sáng làm cho căn phòng thêm ảm đạm. Căn phòng vẫn còn tối như hợp với tâm trạng của Huệ. Nếu còn nuớc mắt có lẽ cô đã lại thổn thức. Đêm hôm qua, cô đã khóc hết nuớc mắt đến khi ngủ thiếp đi. Bây giờ thì mắt cô đỏ hoe và sưng húp. Cô lừ đừ ngồi dậy, đi đi lại lại trong phòng, đến tủ áo, chọn lấy một bộ. Lặng lẽ cởi chiếc áo ngủ ra và mặc vào chiếc quần jean xanh nhạt với thun ngắn ngủn màu kem. Ký ức đêm hôm qua lại len vào óc cứ như một con dao vô hình cứa vào tim cô. Ngay lúc này, cô muốn lê bước về chiếc giường và lẩn tránh cái thế giới chứa quá nhiều sự đau đớn này. Cô đã bình tĩnh lại, bước về phòng tắm và bật công tắc điện. Ánh đèn sáng lên xua đi bóng tối, và cô dụi mắt vì chói. Cô mở vòi sen, nước chảy xối xả nhưng cô chẳng hề quan tâm đến điều đó. Cô quay lại tủ áo, nhìn mình trong gương, thoáng hãi hùng vì dáng vẻ của mình. Tóc tai rối bời, đôi mắt to sáng giờ đây sưng húp và đỏ. Cô đến gần tấm gương soi mặt treo trên tường và chải mái tóc, mái tóc ôm lấy khuôn mặt cô trông như khuôn mặt một thiên thần. Làn da đẹp và vẻ duyên dáng với  đôi mắt to buồn càng làm cho khuôn mặt của cô có nét gì đó rất quyến rũ. Cô vội vàng tô màu nâu lên đôi mắt và môi rồi đi xuống cầu thang. Lúc này mặt trời đã lên cao và ánh nắng thật chói chang. Cô lại nhìn vào gương lần nữa, túm lấy túi xách và bước ra đường.
Bên ngoài, trời mùa thu se se lạnh. Đó là mùa cô thích nhất, thế nhưng giờ đây cô thấy lòng dửng dưng. Thế giới của cô bây giờ đã trở nên ảm đạm vô cùng. Những ánh nắng rực rỡ ngày hè hay thảm lá vàng mùa thu đối với cô bây giờ cũng giống như những uớc mơ của cô, nó đã tan thành tro bụi.
Chiếc xe buýt đang dừng ngay nơi mọi người đang chen chúc nhau. Tiếng cười nói ơi ới như mọi khi gần như làm cô vui trở lại, thế nhưng có cái gì đó nặng nề trong cô đã làm cô không thể nào vui được. Cô bước lên xe và nhìn nhiều người đang ngồi cười nói vui vẻ ở đàng sau, cô thấy ghen ghét với họ, cô xoay đi và ngồi ngay phía trước. Thế rồi ký ức của những bất hạnh lại trào dâng trong cô...

***
Huệ lang thang trên phố với Ẩn và Trung trên chiếc Dream của Ẩn. Một ngày lang thang khắp phố phường đã trôi qua thật vui vẻ, giờ đây cô sắp tham dự buổi dạ tiệc. Là con trai tổng giám đốc nên Ẩn có một căn hộ riêng, một nơi thật hoàn hảo để chè chén. Mọi người tụm năm tụm ba. Một giọng nói cất lên: “Huệ ơi”. Cô quay lại thì thấy Hoàng đang đứng ở đó. Cô reo lên: “A, anh Hoàng!” nhưng trước khi cô kịp nói tiếp thì Ẩn đã vòng tay ngang người cô kéo cô đi. Cô liếc về phía sau thì thấy khuôn mặt Hoàng xịu xuống như bánh bao chiều. Cô muốn chạy ngược trở lại, để xin lỗi Hoàng, nhưng chẳng hiểu sao cô cứ để Ẩn lôi đi. Từ căn phòng khách nhỏ hẹp, mọi người kéo nhau vào nhà bếp. Có mấy chai rượu và vài chục két bia ở đó. Cô và Ẩn bị mọi người lấn chen té xuống một chiếc đi-văng . Ở đây đông đúc và ồn ào. Mọi người đều cầm ly trên tay và la hét chúc tụng nhau bằng đủ mọi cớ trên đời. Vị đắng của bia rượu làm cổ họng cô như bốc cháy, nhưng dù sao thì giờ đây cô cũng đã quen dần rồi. Cô bỗng nhớ không hiểu sao trước kia vị bia thường hăng nồng mũi cô và làm cô thấy nóng ruột.
***
Chếc xe bus bỗng dừng lại, xóc nảy lên lôi tuột cô về hiện tại. Cô đứng lên và bước xuống xe. Hoàng, người bạn từ thuở nhỏ, đang đứng đợi ở đó, tay giấu sau lưng toét miệng cười. Trong chiếc áo sơ mi màu trắng và chiếc quần tây sẫm màu bao giờ anh cũng có dáng vẻ của một người hiền lành. Cô lặng nhìn khuôn mặt dịu dàng của anh những muốn chạy ào vào vòng tay của anh. Cô biết anh sẽ là chiếc bè chở cô đi qua những cơn bão biển của cuộc đời. Anh sẽ không để cô gặp phải điều gì bất hạnh mặc dù cuộc đời đã và sẽ dành cho anh những điều nghiệt ngã nhất. Mồ côi cha mẹ thừ thuở nhỏ, thế nhưng anh đã tự kiếm sống và làm thuê bằng đủ mọi thứ nghề, để rồi có thể tiếp tục học nốt hai năm cuối đại học. Thế nhưng có điều gì đó níu cô lại. Cô không  muốn làm anh bị tổn thương. Cô bước đến bên cạnh anh và cầu mong cho đôi mắt của mình đừng để lộ ra những sợ hãi và nỗi buồn. Hoàng bước đến nắm chặt lấy tay cô và nhét vào một đóa hoa hồng bạch, gói cẩn thận trong giấy bóng mà nãy giờ anh giấu sau lưng. Cô nhìn sững đóa hoa và nhẹ nhàng đưa lên mũi. Hoàng không nói gì. Anh nắm tay cô và đưa cô vào trường. Họ ngồi với nhau trong thư viện cho đến khi chuông reo vào lớp. Anh kể về đội bóng của anh, về trận đấu ngày hôm qua. Dường như anh luôn có mọi điều để kể cho cô. Cô lắng nghe anh nhưng tâm hồn cô lại thả về bữa dạ tiệc đêm ấy.
***
Có người đưa ra một cái túi, ai đó thả xuống một cuốn giấy. Ẩn cúi người về phía trước đón lấy và cẩn thận quấn một điếu thuốc. Anh ta đưa điếu thuốc lên môi, châm lửa và kéo một hơi dài. Mẩu thuốc được chuyền hết từ người này đến người khác. Cô cũng được hít một hơi. Đầu cô ong ong và một đám mây mù che đôi mắt cô. Thế rồi cô cảm thấy như mình đang lạc vào một thế giới khác….Ký ức trở lại với cô sau những giây phút bồng bềnh trôi qua. Cô nhìn xung quanh mình. Trên những bức tường chẳng có gì ngoài những hình ảnh những cô người mẫu  ăn mặc hở hang. Trí óc cô đã tỉnh táo trở lại để cô nhận ra mình đang ở trong phòng ngủ của Ẩn. Cô liếc sang bên phải. Ẩn đang nằm đó đang ngủ say như một em bé. Cô nhìn xuống sàn nhà và bắt gặp một đống áo quần ném lộn xộn trong một góc. Cô thầm nghĩ sao mà trông chúng có vẻ quen quen. Một ánh sáng lóe lên phía sau lưng làm cô nhận ra đó là áo quần của cô. Cô trườn ra khỏi giường, tim cô thắt lại. Những ánh sáng xuyên qua những tấm rèm màu đỏ thẫm làm cho căn phòng có vẻ như là không có thực. Cô vấp phải đống áo quần của mình, cô mặc áo trong cái ánh sáng lặng lẽ đó. Áo quần của cô lẫn lộn mùi thuốc lá và bia rượu. Cô lần ra phòng khách. Hoàng và hai người bạn của anh ta đang nằm trên sàn nhà. Những két bia trống không đang nằm la liệt, mùi hôi của bia xộc vào mũi cô. Cô đi vào buồng tắm nhưng bên trong toàn mấy gã con trai và nồng mùi nước tiểu. Một cảm giác buồn nôn ập đến, cô chạy vào toilet và nôn thốc tháo. Cô cảm thấy dễ chịu hơn. Cô quay trở về phòng và thả người xuống chiếc ghế dài. Cô đơn trong sự im lặng kỳ lạ, cô bỗng nhớ lại tất cả những lần mẹ cô say rượu trở về nhà với vài người đàn ông lạ hoắc. Những lần như thế mẹ cô luôn la hét cô, gọi cô là đứa con gái hư, là đứa nghiện rượu. Cô ghét chính mình vì bây giờ cô giống y hệt mẹ cô.

***
“Huệ, Huệ” giọng của Hoàng trôi dạt vào trong ý nghĩ của cô. Cô giật mình quay lại và thấy đôi mắt thương yêu của Hoàng đang nhìn cô. Cô mỉm cười yếu ớt. “Em không nghe anh nói gì hết phải không?”  Anh hỏi.
Cô lắc đầu, cảm thấy trong người tệ hại hơn nhưng cố không để lộ ra.
“Em không sao chứ” Hoàng hỏi, giọng đầy vẻ quan tâm. “Lúc nãy em thế nào ấy. Hình như em cố giấu anh điều gì đó”
Cô muốn ngả người vào vòng tay anh mà khóc. Cô ước mong có thể kể cho anh nghe chuyện đau lòng của mình, nhưng một mãnh lực nào đó níu kéo cô lại. Trước khi cô có thể đưa ra một lời giải thích thì chuông reo, cắt ngang cuộc nói chuyện của họ. Cô vội vã chạy về lớp. Tâm trí cô lại không sao dứt khỏi cái hồi ức dai dẳng đó, cái quá khứ cay nghiệt kể từ cái hôm tiệc tùng đó.
***
Tuần trước, Trung  đến bên cạnh và thì thào vào tai cô “Có tin không hay về Ẩn đấy, đến nhà Ẩn ngay đi”. Cô đã tránh né những cuộc tiệc tùng một thời gian dài, thậm chí những ý tưởng về nó cũng làm cho cô khó chịu. Cô tự hứa rằng sẽ không bao giờ cô lại tự đưa mình vào trong một tình huống như lần ấy, thế nhưng cô vẫn đi theo Trung. Trung chở Huệ đi ngang qua những dãy phố dài. Trung chẳng nói gì về bữa tiệc hôm ấy mặc dù Huệ cố gặng hỏi. Khu nhà của Ẩn hiện ra trước mắt cô, cô ngập ngừng bước lên cầu thang, cố gắng xua đi cảm giác tởm lợm khi trước. Trung vội vã bước cạnh cô, không có thì giờ để ngần ngại. Cái mùi nồng hăng của bia và khói đã trùm lấy cô khi cô bước vào căn phòng đông người. Cô nhìn chung quanh, tìm kiếm một khuôn mặt quen thuộc, nhưng cũng không thấy ai, kể cả Ẩn, trong cái đám mờ mịt ấy. Cô đi thẳng xuống bếp, cũng không thấy một ai quen. Cô quay trở lại phòng khách và bắt gặp một mẩu đối thoại rợn người:
“Ê, mày nghe gì chưa? Cúc nhiễm AIDS rồi. Ẩn đang sợ quá chừng. Tao chưa bao giờ thấy ảnh trong tình trạng như thế này”
“Nè, đưa cái đó qua đây rồi mới tới phiên mày nghe chưa” gã con trai đang chỉ cái điếu thuốc đang được chuyền tay nhau
Cô khiếp hãi. Làm sao tụi nó có thể tỉnh bơ trước chuyện đó như thể  Cúc chỉ bị cảm cúm xoàng. Đó cũng là lúc cô nhận ra chuyện này đối với cô khủng khiếp như thế nào. Cô đã ngủ với Ẩn—hoặc ít nhất cô đã nghĩ như thế. Cô không thể nhớ nỗi. Ai đó đưa cho cô một cái ly và rót bia vào cho cô, thế mà cô buông cái ly xuống sàn. Mọi người hét lên nhưng cô chẳng màng.
Giác quan của cô chỉ cho cô biết Ẩn đang ở đâu, cô đi lần đến phòng ngủ của Ẩn. Ẩn đang ngồi trong căn phòng mờ tối. Vỏ chai lăn lóc dưới chân giường. “Ẩn, Huệ đây mà” cô nói khẽ khàng mà không nhận ra cả giọng nói của chính mình. Ẩn nhìn cô. Ẩn khuôn mặt của đứa trẻ mười tám nhưng chòm râu dê của gã 20. Nhìn Ẩn đang trốn trong phòng như thế này cô thấy sợ hãi. Ẩn là người luôn đón nhận những tin xấu một cách thoải mái và cóc cần, tựa như không có gì có thể chạm được anh ta. Đó không còn là khuôn mặt điển trai kiêu kỳ của một thanh niên 20 luôn làm cô mê mệt.
“Em cũng biết chuyện rồi phải không?” Giọng nói Ẩn nghe như vang từ nơi xa xăm nào đó. Cô ngồi xuống và nắm lấy tay Ẩn. Ẩn bỗng nhìn vào mắt cô và ghì chặt lấy cô.
“Anh xin lỗi Huệ, anh không bao giờ muốn làm hại đời em cả. Anh nói thật tình đó”. Có cái gì đó mềm yếu và ân hận bên trong những lời nói của Ẩn, của một gã con trai vẫn hay coi thường lũ con gái vây quanh.  Tuy nhiên, những lời nói này làm cho cô mủi lòng. Cô dựa vào Ẩn và khóc nức nở.  Ẩn ôm lấy cô và họ ngồi đó với nhau cùng kinh hoàng vì tuyệt vọng. Bên ngoài bữa tiệc cũng tàn như hai trái tim tuyệt vọng đang gắn vào nhau chia sẻ với nhau niềm bât hạnh.
***
Có ai đó đến sau lưng cô. Cô nhìn đồng hồ trên tường, bối rối và mất phương hướng. Mười một giờ rưỡi. Giờ nghỉ trưa. Cô chạy vội ra căng tin. Căng tin bỗng rộ lên một lượt mọi người cất tiếng chào cô. Cô thấy Hoàng đang vẫy cô ở đó. Anh đang ngồi ở chiếc bàn mọi khi với bạn bè chung quanh. Cô bước đến uể oải và thả cặp sách đánh thịch lên bàn. Lúc đó cô bỗng nhìn thấy Kim đang ngồi rất gần với Hoàng. “Huệ, sao em không ngồi xuống mà đứng ngây ra thế”. Hoàng hỏi khi anh bước đến và kéo cô ngồi xuống.
Cô ngồi gần Hoàng rồi thì thào vào tai anh: "Cô ấy làm gì ở đây thế?”. "Anh không biết, anh đâu có mời cô ta". Hoàng thì thào trở lại. "Em muốn ăn chút gì ở ngoài đường không?" Cô gật đầu và đứng dậy. Hoàng nắm tay cô và với tay lấy cặp của cô. Họ đi với nhau về phía quán nhỏ bên kia đường.
Hoàng mua cho  Huệ  hộp bánh. Họ ngồi bên nhau tại một chiếc bàn nhỏ.”Em không trả lời anh câu hỏi sáng nay. Em không muốn cho anh biết chuyện gì đã xảy ra sao? Chúng ta đâu có giữ bí mật với nhau chuyện gì đâu". Cô cảm thấy một sự giận hờn trong giọng nói của anh, nhưng cố tình tỏ ra không nhận thấy.
“Em không sao cả mà, thật mà” Cô cố nói dối, thậm chí biết Hoàng sẽ không tin điều đó.
"Dạo này em cứ nói dối luôn. Có phải Ẩn đã lây cho em tính xấu đó không?
Cô bỗng tức giận không nói gì thêm nữa. Đó là điều anh có thể đổ lỗi cho cô nhưng đem Ẩn vào chuyện này thì cô không muốn. Cô biết Kim luôn theo đuổi Hoàng, nhưng có bao giờ cô nói xấu về Kim. Cô bỗng đưa tay lên tát vào mặt Hoàng, nhanh đến nỗi cô không kịp biết mình đang làm gì.
Hoàng nhìn sững cô. Những ngón tay đỏ in hằn trên má anh.”
“Anh không được xía vào chuyện của tôi, hoặc là đừng can dự gì vào đời tôi.” Cô mệt lử sau khi thốt nên lời đó và bỏ chạy, bỏ lại cả cặp sách. Mọi người hầu hết là sinh viên trong quán đều nhìn theo cô. Chỉ khi cô nghĩ rằng cô đã bỏ chạy khá xa thì có ai đó nắm lấy cánh tay cô. Cô quay lại và đối diện với Hoàng. Mắt anh đầy vẻ ân hận. Anh kéo cô ra một góc và đợi đến khi mọi người hết chú ý. Anh nắm chặt lấy cô hơn khi cô toan tính bỏ chạy. “Ui da, Hoàng, anh làm em đau. Hãy đi đi mà!” Cô nhìn lên và thấy khuôn mặt dịu dàng của Hoàng. “Anh xin lỗi". Anh nói với giọng chán nản, nới lỏng tay ra nhưng vẫn giữ cô.“Tại sao bây giờ em hành động khác thường thế? Bỗng dưng em bắt đầu cáu kỉnh và xa lánh mọi người, mọi hành động cứ y như một đứa trẻ hư hỏng. Anh muốn biết những gì đang xảy ra, anh muốn giúp em". Hoàng nói với một quả quyết trên khuôn mặt làm cho cô nhận thấy rằng anh sẽ không để cho cô đi nếu anh không được trả lời. Cô quay đi, cảm thấy yếu đuối và sợ hãi. Cô biết cô sẽ không thể chịu nỗi nếu cứ giữ ấy bí mật này một mình.
Hoàng chạm vào vai cô."Huệ.." Cô bắt đầu nấc lên. Những giọt nước mắt giờ đây đã tuôn tràn không dứt. Cô đã để mặc cho câu chuyện của mình chảy ào ra khỏi bờ môi. Khuôn mặt của Hoàng rực lên hàng trăm thứ tình cảm xung đột. Cuối cùng cô ngã gục trong cánh tay của Hoàng, gục đầu trên vai Hoàng và khóc nức nở.  Trước sự ngạc nhiên của cô, anh đã không bỏ đi. Anh ôm lấy cô và an ủi cô bằng những lời lẽ dịu dàng nhằm xua đi bầu không khí im lặng. Sau vài phút, Hoàng hỏi: “Khi nào em đi lấy kết quả?” Cô cố nén sự đau khổ, quệt mắt : “Chiều nay” Hoàng im lặng một lúc rồi nói: "Anh không muốn em đi một mình. Hãy đợi anh sau khi hết tiết 2, anh sẽ cùng đi với em". Anh ghì cô lần nữa và hôn lên trán cô: “Nhớ là chờ anh ở trước trường nhé”
Cô gật đầu, không muốn để anh đi. Hoàng quay người đi nhưng cô đặt một tay lên vai anh kéo anh lại. Cô muốn thì thào vào tai anh: "Em yêu anh". Thế nhưng cô chỉ đứng im nhìn sững Hoàng.
***
Tuần trước, cô lặng lẽ đi đến bệnh viện. Sau nhiều đêm thức trắng cô quyết định phải biết rõ ràng số phận của cuộc đời mình. Cô bước dọc theo hành lang bệnh viện. Nhìn thấy những phụ nữ lớn tuổi ngồi chuyện trò vui vẻ chờ tới phiên họ, cô bỗng thấy an tâm. Căn phòng đợi trông sạch sẽ và nóng nực nhưng nó vẫn làm cô cảm thấy lạnh người. Một cô y tá hỏi cô: “Em đến xét nghiệm hả?”
“Dạ. Em đợi gặp BS Thành”
“Em tên là gì?”
“Nguyễn thị Hồng Huệ”
“Ở 160 Yersin phải không?
“Dạ.”
“Em đi dọc dãy phòng này, đến phòng xét nghiệm số 4 nằm ở bên trái.”
“Cảm ơn chị” Huệ nói và đi dọc theo dãy phòng. Một y tá khác hỏi tên và đưa cô vào gặp bác sĩ. Năm phút sau, bác sĩ Thành xuất hiện. Một y tá sát trùng trên cánh tay cô và lấy máu. Cô nhắm mắt lại cho đến khi cảm thấy kim đã được rút ra khỏi cánh tay.
“Bảy ngày sau đến lấy kết quả”. Bác sĩ Thành hẹn cô.
Bảy ngày trôi qua trong nỗi sợ hãi đã làm cho cô mất ăn mất ngủ. Huệ ước rằng cái giờ phút ấy sẽ không đến, nhưng dường như nó còn đến nhanh hơn. Chiều nay, Huệ đợi Hoàng trước cổng trường. “Không có vấn đề gì đâu” cô tự nhủ thầm. Bầu trời đã bắt đầu ấm mặc dù vẫn còn nhiều cơn gió thu se se. Giọng của Hoàng vang lên bên tai cô. “Em thấy trong người thế nào?”. "Em thấy sợ". Cô cảm thấy như trong người rã rời. Trí óc của cô trôi dạt tận đâu đâu. Chân cô trĩu nặng như có thể khuỵu xuống dưới sức nặng của cô
“Đi được chứ em?” Hoàng hỏi
“Em đã sẵn sàng rồi” Cô chậm rãi ngồi lên xe của Hoàng. Cảnh vật quen thuộc hai bên đường lướt nhanh qua mắt cô, cảnh vật trông ảm đạm như mọi thứ khác trong đời cô. Cô nhìn vào lưng Hoàng cảm thấy dào dạt trong lòng. Cô cảm thấy hạnh phúc khi nghe Hoàng đòi đi với cô. Khi nhận ra đã đến bệnh viện cô bỗng thấy sợ hãi vô cùng. Bất giác cô ôm chặt lấy Hoàng và cảm tay Hoàng nắm lấy tay cô. Cô bỗng thấy đau quặn trong ruột và muốn nhảy xuống xe bỏ chạy. Nhưng Hoàng đã ngừng xe lại nắm tay cô. Họ đi đến phòng xét nghiệm số 4. Bác sĩ Thành bước ra và chào cô.
“À, cô đến lấy kết quả xét nghiệm phải không?
Hoàng bước đến: “Xin lỗi bác sĩ, tôi là người nhà của Huệ.”
“Vâng, mời anh vào trong này”
Hoàng bước vào sau khi dặn Huệ ở lại đợi bên ngoài. Thời gian dường như bất tận trước khi họ trở lại. Hoàng là người đầu tiên trở lại trong phòng. Nỗi kinh hoàng xâm chiếm lấy cô khi cô thấy những giọt nước mắt lăn trên má anh. Anh chạy ào đến bên cô ghì lấy cô. Khi anh để cô ngồi xuống cô nhìn vào mắt anh.
“Em không bị nhiễm AIDS!”, anh thì thào trong khi cô khuỵu xuống trong vòng tay anh. Hoàng nhìn xuống cô, nhìn xuống khuôn mặt thiên thần của người con gái mà anh hằng yêu mến. Thiên thần của anh đã bị thương đôi cánh nhưng anh không bao giờ để nó rơi xuống. Anh thì thầm với Huệ: “Anh yêu em”. 

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Điều trị SuyTim Mất Bù cấp tính bằng Lợi Tiểu tác dụng trên Quai Henlé

Bác sĩ Nguyễn văn Đích

Lợi tiểu tác dụng trên quai Henlé mà tiêu biểu là furosemide đã được dùng từ nhiều năm để điều trị suy tim mất bù cấp tính tuy nhiên liều lượng và cách thực hiện tùy thuộc vào kinh nghiệm của thầy thuốc. Ở người bình thường tác dụng lợi tiểu bắt đầu với liều nhỏ 10 mg furosemide, tăng đến tối đa ở liều 40 mg truyền tĩnh mạch, vượt quá liều này không tăng tác dụng lợi tiểu mà lại tăng tác dụng phụ.
Theo một nghiên cứu, truyền tĩnh mạch liên tục làm cho bệnh nhân tiểu được nhiều hơn nhưng cũng chỉ thêm được 271 ml trong 24 giờ. Trong điều trị suy tim cấp ta chọn đường tĩnh mạch và liều cao vì sự phù nề của niêm mạc ruột và giảm tưới máu mô làm giảm sự hấp thu bằng đường tiêu hóa và giảm nồng độ thuốc ở thận. Nhiều người truyền tĩnh mạch để đạt hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên cần xem xét hậu quả của việc điều trị lợi tiểu tích cực vì lấy đi khỏi cơ thể một lượng dịch lớn làm giảm cung lượng tim lại giảm tưới máu mô, gây ra phản ứng của hệ thống rennin-angiotensin cũng như các rối loạn về điện giải và giảm chức năng thận.
Felker G.M. và csv báo cáo kết quả một nghiên cứu tiền cứu dựa trên 308 bệnh nhân điều trị bằng furosemide liều cao so với liều thấp và bằng cách tiêm tĩnh mạch mỗi 12 giờ so với truyền tĩnh mạch liên tục. Liều thấp là liều bệnh nhân uống trước khi nhập viện, liều cao bằng 2.5 lần liều uống. Kết quả chung cuộc của nghiên cứu là sự lượng giá của bệnh nhân về triệu chứng suy tim và sự thay đổi nồng độ creatinine trong huyết thanh sau 72 giờ so với nồng độ trước khi điều trị.
Nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa tiêm TM và truyền TM trong sự cải thiện triệu chứng suy tim cũng như trong sự thay đổi của nồng độ creatinine. Bệnh nhân được điều trị bằng liều cao có khuynh hướng giảm khó thở nhanh hơn và tiểu được nhiều hơn tuy có giảm chức năng thận nhẹ và thoáng qua, không có ý nghĩa về thống kê. Kết quả chung không khác nhau về thời gian điều trị và số bệnh nhân ra viện.
Các tác giả kết luận rằng trong điều trị suy tim mất bù bằng lợi tiểu tác dụng trên quai Henlé, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi dùng liều cao so với liều thấp và bằng cách tiêm hay truyền tĩnh mạch.
Qua nghiên cứu này ta nên điều trị suy tim mất bù cấp tính bằng furosemide tiêm tĩnh mạch thay vì truyền liên tục và có thể dùng liều cao gấp đôi liều uống trước nhập viện để giảm khó thở nhanh mà không giảm chức năng thận.

Tài liệu tham khảo- Felker G.M et al. Diuretic Strategies in Patients with Acute Decompensated Heart Failure. New Engl. J. Med. 2011, 364 (9): 797-805.

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

The Breathing Not Properly - Vai trò của BNP trong chẩn đoán khó thở

by Linh H. Vo on Sunday, March 25, 2012 at 9:50am 

BNP (B-type natriuretic peptide) hiện nay được dùng rất phổ biến trong chẩn đoán suy tim. Tuy nhiên, rât nhiều bạn sinh viên vẫn còn nhầm lẫn khi ứng dụng các giá trị BNP trong chẩn đoán suy tim. Bài viết này nhằm giúp cho các bạn sinh viên hiểu được:
1 Vì sao BNP được sử dụng ở các mức BNP  50pg/ml và 100 pg/ml trong  chẩn đoán suy tim sung huyết.
2. Ứng dụng độ đặc hiệu, độ nhạy, các giá trị tiên lượng trong việc diễn giải kết quả BNP trong lâm sàng.
Để cho dễ hiểu, chúng ta bắt đầu bằng ABCs về natriuretic peptides! A-type natriuretic peptide được phóng thích từ tâm nhĩ (Atrium), B-type natriuretic peptide được phóng thích từ tâm thất và C-type natriuretic peptide phóng thích từ lớp nội mạc mạch máu để đáp ứng với với sự gia tăng thể tích hoặc áp suất đổ đầy.
 Hình 1
 
B-type natriuretic peptide còn được gọi là brain natriuretic peptide và viết tắt là BNP. Trong suy tim sung huyết, sự gia tăng thể tích và áp suất đổ đầy tâm thất sẽ kích thích các tâm thất phóng thích BNP.
Hiện tại, người ta đã xác định được nhiều chỉ điểm (well-established markers) về hoạt động thần kinh thể dịch (neurohormonal activation) trong suy tim sung huyết. Tuy nhiên, lý do để BNP được quan tâm là vì nó có thể được đo lường một cách nhanh chóng, chính xác, phù hợp với yêu cầu chẩn đoán và điều trị cấp cứu.
II. Nghiên cứu The Breathing Not Properly 
Vai trò của BNP trong chẩn đoán suy tim sung huyết đã được quan tâm nghiên cứu trong một thời gian dài. Năm 2002, nghiên cứu The Breathing Not Properly ra đời, đánh dấu một giai đoạn mới trong việc ứng dụng BNP vào chẩn đoán và điều trị suy tim sung huyết.
Sau đây là abstract của nghiên cứu.

III. Những điểm cần lưu ý trong nghiên cứu 
1. Cách xác định chẩn đoán suy tim trong nghiên cứu
Để xác định chẩn đoán suy tim sung huyết, hai BS tim mạch tổng kết tất cả các hồ sơ bệnh án và phân loại một cách độc lập chẩn đoán thành 3 nhóm: (1) khó thở do suy tim sung huyết, (2) khó thở cấp do nguyên nhân không do tim (noncardiac causes) ở bệnh nhân có tiền sử rối loạn chức năng thất trái và (3) khó thở không có suy tim sung huyết.
Chẩn đoán suy tim sung huyết  dựa vào các tiêu chuẩn Framingham và National Health and Nutrition Examination Survey (NHANES). Hai BS này cũng dựa vào tất cả những dữ liệu khác của bệnh nhân trong quá trình nằm viện để xác định chẩn đoán suy tim sung huyết. Hai BS tim mạch cũng phải thống nhất với nhau về phân loại chức năng tim theo NYHA cho từng bệnh nhân. Tuy nhiên hai BS tim mạch này không được cho biết nồng độ BNP trong máu của các bệnh nhân mà họ khảo sát.
2. Những kết quả quan trọng
Nghiên cứu này khẳng định giá trị của BNP trong chẩn đoán suy tim sung huyết và cho thấy sự liên hệ giữa nồng độ BNP trong máu với mức độ nặng của suy tim sung huyết dựa theo phân loại NYHA.
Hình 2

Trong hình này, trục hoành mô tả nguyên nhân gây khó thở, trục tung mô tà nồng độ BNP trong huyết tương. Nồng đô BNP ở nhóm bệnh nhân có rồi loạn chức năng thất trái và suy tim cao hơn nhóm bệnh nhân không có suy tim sung huyết.
Hình 3

Trong hình này, trục hoành mô tả độ nặng suy tim theo phân loại NYHA. Nồng độ BNP tăng dần theo độ nặng của suy tim theo phân loại NYHA.
3. Độ nhạy và độ đặc hiệu của BNP trong chẩn đoán suy tim sung huyết
Chúng ta nhìn lại số liệu của nghiên cứu qua bảng sau đây
Hình 4

Nếu chúng ta cắt ngang ở mức BNP = 100 pg/ml, chúng ta sẽ có độ nhạy là 90% và đặc hiệu là 76%. Như vậy, mức BNP bằng 100 pg/ml rất nhạy để chúng ta nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị suy tim sung huyết nhưng không đủ đặc hiệu để kết luận khó thở là chỉ đơn thuần do suy tim sung huyết.
Ở mức BNP = 50 pg/ml, chúng ta có độ nhạy là 97% và giá trị tiên lượng âm là 96%. Các giá trị này đủ giúp chúng ta có thể loại trừ suy tim sung huyết.
4. Một số nhầm lẫn khi diễn đạt kết qủa nghiên cứu 
Trong nghiên cứu này, các tác giả phân biệt khó thở do tim không do tim (non cardiac). Khó thở không do tim bao gồm tất cả những nguyên nhân khó thở do phổi, màng phổi, thành ngực, thần kinh cơ.v.v.v. Tuy nhiên, một số BS đã hiểu nhầm khó thở không do tim có nghĩa là khó thở do phổi, từ đó đưa đến một hiểu nhầm thứ hai là dùng BNP để phân biệt khó thở do tim và khó thở do phổi.
Mặt khác, các tác giả đã thiết kế nghiên cứu dùng BNP để nhằm mục đích chẩn đoán hoặc loại trừ suy tim sung huyết ở bệnh nhân khó thở cấp chứ không phải để loại trừ những nguyên nhân khác của khó thở. Khi mức BNP
Ở mức BNP >= 100 pg/ml, chúng ta có thể nói rằng bệnh nhân này có thể bị suy tim sung huyết với độ nhạy khoảng (92%). Tuy nhiên, mức BNP >= 100 pg/ml không có nghĩa là bệnh nhân khó thở do suy tim sung huyết hoặc chỉ do suy tim sung huyết (vì độ đặc hiệu 76%, giá trị tiên đoán dương 79%). Với mức BNP >= 100 pg/ml, bệnh nhân có thể bị khó thở do nguyên nhân khác (noncardiac) hoặc bị khó thở do suy tim sung huyết  phối hợp với khó thở do nguyên nhân khác (noncardiac). Khi đó, về khía cạnh thực hành, chúng ta cần thực hiện tiếp tục những khảo sát chức năng tim chuyên biệt để chẩn đoán suy tim sung huyết  hoặc có thể thử điều trị suy tim sung huyết theo kinh nghiệm bằng thuốc lợi tiểu và nitrate.
Cũng cần nhắc lại một điều nữa là không phải BNP trên 100 pg/ml là khó thở do tim mà dưới 100 pg/ml là khó thở do phổi! Đây là một sự suy diễn rất sai lầm từ kết quả nghiên cứu trên.

Vì tính đặc hiệu chẩn đoán suy tim sung huyết của BNP ớ mức 100 pg/ml chỉ là 76% cũng như BNP có thể gia tăng trong tăng áp phổi, cho nên BNP nên được diễn giải kết quả kết hợp với bệnh cảnh lâm sàng.
Thí dụ: Một bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim và suy tim sung huyết với phân loại NYHA III. Bệnh nhân nhập viện vì khó thở trở nặng. Khám lâm sàng và các xét nghiệm xác định bệnh nhân bị viêm phổi với đông đặc một bên phổi trên hình chụp CT lồng ngực. BNP của bệnh nhân là 200 pg/ml. Chúng ta nhìn vào BNP 200 pg/ml rồi kết luận bệnh nhân này khó thở do suy tim thì đúng nhưng chưa đủ.  Thật sự, viêm phổi là yếu tố thúc đẩy làm tình trạng suy tim của bệnh nhân trở nên mất bù. Bệnh nhân này khó thở vừa do viêm phổi và suy tim mất bù.
Tóm tắt 
BNP có giá trị loại trừ suy tim sung huyết khi nó ở mức độ thấp (=< 50 pg/ml). Ở mức BNP >= 100 pg/ml, BNP rất nhạy để gợi ý chẩn đoán suy tim sung huyết, nhưng không đủ đặc hiệu để khẳng định chẩn đoán.
BNP là một phương tiện rất tiện lợi để “định tính” (chẩn đoán) và “định lượng” (xác định mức độ nặng) suy tim sung huyết. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rõ độ nhạy, độ đặc hiệu cũng như các giá trị tiên lượng của BNP trong chẩn đoán suy tim sung huyết. Kết quả BNP cần được phân tích trong một bệnh cảnh lâm sàng cụ thể. Chúng ta cũng không nên xem BNP là một công cụ để phân biệt khó thở do tim và khó thở do phổi.

Tài liệu tham khảo
1.  Felker GM, Petersen JW, Mark DB; Natriuretic peptides in the diagnosis and management of heart failure. CMAJ. 2006 Sep 12;175(6):611-7.
2. Hobbs FD, Davis RC, Roalfe AK, et al; Reliability of N-terminal pro-brain natriuretic peptide assay in diagnosis of heart failure: cohort study in representative and high risk community populations. BMJ. 2002 Jun 22;324(7352):1498.
3. Maisel AS, Krishnaswamy P, Nowak RM, et al. Rapid measurement of B-type natriuretic peptide in the emergency diagnosis of heart failure. N Engl J Med 2002;347:161-167.
4. Ray SG; Natriuretic peptides in heart valve disease. Heart. 2006 Sep;92(9):1194-7.
xem thêm: một trường hợp khó thở + tăng BNP

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Thư gởi các em sinh viên y khoa cuả một bác sĩ từ Canada

Thầy và trò trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1974


Friday, March 23, 2012

             Các em sinh viên y khoa than mến   

   Đọc những thư hỏi, cảm nhận  và  cảm tưởng của các em gởi đến diễn đàn do BS Nguyễn Anh Thy sáng lập và điều hành, tôi biết các em đang sôi nổi, nhiệt tình, nổ lực học tập để có thể tham gia vào đội ngũ trí thức được đánh giá cao nhất trong mọi xã hội và mọi quốc gia.
   Nhưng bên cạnh đó, các em chắc cũng hoang mang về tương lai của chính các em?
Tôi là bạn học cùng lớp Y khoa với BS Thy Anh đến mùa hè năm 1972,”mùa hè đỏ lửa”. Nói ra như vậy, chắc các em đã hình dung những hoang mang của thế hệ chúng tôi đã phải đối diện trước những thực tế khó khăn mà cha mẹ các em cũng đã trực diện…
   Ngày nay thì khác, các em không phải đối diện với những khó khăn như thế hệ chúng tôi phải đối diện.  Nhưng đã làm người thì chắc chắc ai cũng phải có những khó khăn phải vượt qua và không phải lúc nào cũng …chiến thắng!
Mà theo tôi:
 1/ Sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đới nầy là một chiến thắng: Khi xét đến sự … thụ tinh..
    …kể từ khi chúng ta chỉ còn là 1 hợp tử để trớ thành một bào thai là chúng ta chiến thắng một giai đoạn, đã phải chạy đua để được lọt vào chung kết, để lọt được vào cánh cửa cuộc đời ở võ noãn, chỉ mở ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mà các anh ,chị,em của chúng ta đã chạy đến trước, nhưng đã  bỏ mình,hy sinh thân xác sau khi đã vượt chặng đường dài trong “cuộc đua marathon”, nhưng đã đuối sức,  góp thân xác và vật chất để mở cánh cửa ấy va  chúng ta là những kẻ chạy đến sau dễ dàng lọt vào vòng trong, rồi lại phải tiếp tục chiến đấu để sinh tồn ở những gai đoạn sau đó cho đến khi chào đời…
  Rõ ràng là chúng ta chạy sau, chứ không phải là phần tử đàu tiên chạy đến đích, trong lần ấy.
Có phải không các em?
 2/ Khi được tuyển vào học tại các trường Đại học, là các em và gia đình các em đã chiến thắng nhiều cuộc chạy đua trước đó, trước hết do chính bản thân của các em đã thoát được những cám dỗ từ thế giới bên ngoài, chiến thắng được những cuộc tấn công từ thế giới vi sinh vật gây bệnh, môi trường độc hại từ nước cho đến không khí, và cám dỗ của môi trường xã hội lúc nào cũng hiện diện quanh chúng ta. Cả 2 mặt vật chất lẫn tinh thần!
   Ngày xưa, khi còn đi học, có nhiều bậc tiền bối đã nói:
 “ tụi trẻ ngày nay (ở thời điểm đó) sướng hơn tụi mình nhiều, được đi học, có cơm ăn áo mặc, vậy mà có nhiều đứa học không được, cứ ham chơi !,  so với tụi mình muốn đi học thì không có trường ,không có thầy, mà nếu có thì không có tiền đóng học phí !”.
   Câu than thở nầy vừa đúng nhưng cũng vừa sai.
Đúng ở chỗ, thế hệ của chúng tôi và thế hệ của các em đã có trường và có thầy, khác với các thế hệ trước đó.
Sai ở chỗ là học chưa hẳn đã là sướng? Cứ thử học là biết ngay! Vì nếu học mà cứ “đội sổ”, điểm dưới trung bình ,không lên lớp , không thi đậu thì sẽ bị “thi hành kỷ luật “  bởi cha mẹ ngay…
Va một chỗ sai nữa là có người   có tiền chưa chắc đã học được? Bằng chứng từ xưa đến nay còn sót lại trong những truyện cổ: công tử Bùi Kiệm và Trần Minh khố chuối,  Lục Vân Tiên  Kiều Nguyệt Nga…
Và gần đây có một người quen của tôi, hiện nay là đại gia tại VN mà tôi đã gặp,anh ấy  có nhiều đất đai và iền bạc đã tâm sự với tôi và 1 BS đang làm việc ở VN như thế này: “Giờ tôi có tiền rồi, nếu tôi có được chỉ một tấm bằng giá trị như của anh là tôi mãn nguyện lắm và sẵn sang đánh đổi bằng mọi giá, mà còn không được”
 3/ Người xưa có câu: “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”, nhưng tôi lại nghĩ: “mưu sự tại mình, thành sự tại . . . người khác”.
  Khi chúng ta đang tính chuyện gì, thì chung quanh chúng ta đang có sự thay đổi. Chúng ta tính toán chính xác nhưng những người cộng tác hay đang làm việc với chúng ta lại tính khác , không “ăn ý’ hoặc đồng lòng. Sẽ khó mà thành công, có khi tổn hại đến bản thân về thể xác hoặc tinh thần hoặc cả 2.
   Ví dụ:
   a/ Em đang nhận công tác đi gỡ mìn, trong đội của em có người gặp đâu gỡ đó, em có dám “bò” gỡ mìn gần anh ta không?
   b/ Đi biểu tình, em không phải lãnh tụ, mà lại đi đàng trước cầm cờ, chẳng nhìn đàng sau, đến khi quay lại thì chỉ còn em cầm cờ, lần sau em có muốn , , , “cầm cờ” nữa không?
  c/  Em dự tính làm giàu, có chút ít tiền, có người muốn em “đầu tư”, nhưng bản thân họ không có gì để chứng minh trong quá khứ họ có học hành về kinh tế, xác xuất thống kê,hoặc đã giàu có một cách chính đáng, em dám đưa tiền cho họ không? Các em có nghe hay biết chuyện “chơi hụi” không? Và biết có việc “hốt hụi dông luôn” không? Và chủ hụi “úp hụi “không? Nếu chưa thì nên tìm hiểu thêm sau nầy. Hiện tại các em còn đi học nên đâu có tiền để tiết kiệm hay đầu tư, có đúng không? Và các em có nhớ các câu chuyện về  ngũ đai gia: Huỳnh Là,Lâm Cẩu, Nguyễn Văn Mười Hai, Liên Khui Thìn, Minh Phụng không?
   Môt câu chuyện khác nhỏ hơn nhưng cũng là một  điển hình: Lúc  tôi còn nhỏ, trong dịp Tết, em út tôi thấy người lớn có “bóp” đựng tiền, nó muốn giống người lớn nên mua một cái bóp 10 đồng, còn lại 10 đồng. Chỉ 1 ngày sau mua bánh kẹo hết tiền, phải năn nỉ các anh để bán rẻ lại, tôi thấy tội nghiệp nên mua lại đúng 10 đồng! May là nó không bị dụ mua lầm giá. Nhưng cho dù nó bị mua lầm giá vì tình thương tôi cũng mua giùm nó. Nhưng với người lạ tôi đã không mua.
   Như vậy tính toán do mình,nhưng được hay không nhiều phần do người khác! Hay ít nhất cũng 50%.
  Khi chọn hay được chọn vào ngành Y, chắc chắn các em đã phải có những điều kiện:
   a/ Sức khoẻ để “trường kỳ kháng chiến”.
   b/ Không ngủ quên trên chiến thắng,  và quan trọng nhất là tránh “chưa chiến thắng đã ngủ quên”.
   c/ Phải có trí nhớ sắc bén và lâu dài.
   d/ Cẩn thận: Khi sắp ra trường , các thầy dã dặn dò: Phải cẩn thận và “double check” : bệnh nhân, bệnh án,lời khai bệnh, hình ảnh,kết quả xét nghiệm, tên,tuối bệnh nhân, phái tính .xác xuất bệnh, … và những quan sát , kết quả khám,  so sánh với những chẩn đoán phân biệt (different diagnosis) trước khi đưa ra kết luận về định bệnh của mình vì những sai sót do người khác làm, hoặc do máy móc, thiết bị hoặc sự cẩu thả của người khác mà mình là người lãnh trách nhiệm.( tôi đã gặp nhiều lần,và tránh được).
  d/ Chỉ nhận những việc đúng và vừa khả năng của mình! Không nên “chơi bạo để lấy tiếng” ngu”. Không “cương ẩu” và không “dợt le”.
e/ Trước khi có được “ tiền đồ sáng lạn”, mà tôi hay nói giỡn là tiền (money) và đồ (things), chứ không phải chữ tiền đồ theo nghĩa là tương lai. Phải tự hỏi liệu mình có xứng đáng được trả như vậy không? Tại sao người ta chọn mình để trả, mà không trả cho ai đó?
   Tôi đã thấy có kẻ ham tiền mà chết ! mê gái( họăc . . . trai) mà thân bại danh liệt! Chắc các em cũng đã thấy?
  Thật ra, trường đời và trường học rất khác nhau, vì nếu không khác nhau thì đi học ở trường làm gì? Đúng không các em?
  Nhưng ngoài đời có nhiều người thành công : vì họ đã học và chiến thắng  trên trường đời (nhiều thủ đoạn) và liệu có được tỷ lệ bao nhiêu%? Và last đựợc bao lâu?
   Ở  trường học, chúng ta học và làm những thí nghiệm” invitro” trên bình diện nhỏ. và rất “vô tư”.
   Ở trường đời, chúng ta làm thật ” in vivo” ở một thế giới rộng lớn hơn, nhiếu biến động và nguy hiểm hơn ở trường ,vì:
 Ở trường học, chúng ta có thầy bên cạnh được kiểm soát và được cố vấnvà giúp đỡ. Còn ngoài đời, chúng ta phải chiến đấu một mình với tất cả khó khăn trước mắt và lâu dài, và còn là “cột trụ’ của tiểu gia đình và trách nhiêm đối với :
  Quá khứ:  Cha mẹ, ông bà, tô tiên.
  Hiện tại: bản thân, vợ(chồng) và con.
 Tương lai: Những ngày thanh bình còn lại của bản thân, gia đình và nhữngngười thân yêu và vị trí xã hội, danh dự và uy tín…Để hưởng những thành quả đã đạt được.
Muốn thành đạt cần có một  quan niệm sống rõ ràng mà các triết gia và đạo giáo từ xưa đã được Lão Tử, Thích Ca, Khổng Tử đã đưa ra những học thuyết. Liên quan mạt thiết nhất với chính trị xã hội là của Khổng Tử:Lấy chữ chũ Tín đi đầu.
   Liệu tam cang:Quân, Sư, Phụ  và  ngũ thường của  Khổng Tử,: Nhân, Nghiã ,Lễ, Trí ,Tín có đúng và còn  áp dụng cho đến ngày nay không?
 Theo tôi, ngày nay không còn chế độ Phong kiến, nên tam cang không còn nữa. Nhưng ngũ thường vẫn còn đó. nếu chúng ta chia 2 qui luật nầy ra làm 2 phần:
  Tam cang dành để ứng xử của một người dân theo trật tự xã hội đối với :
  1/Vua (chứ không nói với đối với vợ của Vua,vì Vua có nhiều vợ quá, lại mâu thuẫn và tiêu diệt nhau hoài)
  2/ Thầy(chứ không nói với vợ của thầy, vì thầy cũng có thể có 5 thê,7 thiép)
  3/ Cha(chứ không nói với mẹ, vì cha cũng có thể và có quyền lấy nhiều vợ như thầy).
 để giai cấp thống trị dễ cai  trị xã hội và quản trị,quản lý  loài người.
 Còn ngũ thường đặt ra để loài người theo 5 nguyên tắc đó để có thể đánh giá  được người khác và để hy vọng công việc có thể thành công.
   Cả 2 “công thức” về KH Nhân Văn nói trên áp dụng cho  người có học cũng như không có học.
  Vậy ngày nay, 2 công thức nầy còn được áp dụng không?
 Theo tôi Tam cang đã không còn đất đứng,vì xã hội phong kiến đã  mất dần trên thế giới.nhưng ngũ thường thì còn.
 Đối với người Hán viết và đọc từ bên phải qua trái. Cho nên họ  đọc theo thứ tự: 1/Tín, 2/Trí 3/ Lễ,4/ Nghĩa 5/ Nhân. (Các em hãy đọc truyện Tam Quốc Chí sẽ thấy 3 anh em Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi gặp nhau, đánh nhau rôi kết nghĩa đào bàn làm anh em, phân ngôi thứ, khởi nghĩa, thắng trận, rôi trị vì xã hội có đúng theo trật tự nói trên không?). Họ theo thứ tự đó.
 Còn người Việt chúng ta, đọc và làm ngược lại, từ bên trái qua: 1/ Nhân  2/nghĩa ,3/ Lễ, 4/ Trí.5/Tín.
  Chúng ta thử xem: Trước khi  muốn ra ngoài xã hội hay trường đời để “giúp đời” hay để “cai trị” hoặc “bị trị”. Dưòng như không ai muốn bị trị. Chỉ muốn cai trị thôi(đâu có dễ,phải không các em?) còn muốn  giúp đời phải có tài năng,(và  đạo đức) chứ không thì nói ai nghe? Muốn có tài năng phải có trí. Mà muốn có trí phải học, muốn có học phải có thầy, muốn có thầy  thì thầy phải có chỗ ăn, chỗ ngủ, đọc sách và nghiên cứu, nghĩalà phải có tiền, muốn có tiền phải gầy dựng sự nghiệp, muốn có sự nghiệp phải có uy tín(mà ngày nay gọi là thương hiệu) muốn có uy tín thì phải thật thà và chứng minh thật thà thì khi muợn tiền phải trả, có nhận ân huệ thì phải trả. Mà ngay trong xã hội văn minh tiến bộ người ta đã không học Khổng tử, các nhà băng ở đây trước khi cho ai  mượn tiền, họ đều xét xem người đó có “good credit” không? Dù chỉ nợ một xu mà trả trể hoặc lường gạt thì cũng không có được good credit. Đó là nguyên tắc sống mà họ chọn lưa. NgườiViệt chúng ta nói phải có lòng nhân ái, nhân quyền, nhân... Nhưng không có tiền, không có tài, không có chữ tín… thì làm sao làm chuyện “nhân” được?
  Cuối cùng ai cũng muốn danh với lợi phải đi dôi, nhưng như vậy nhân loại sẽ được chia ra làm 4 loại:
 1/ không danh ,và không lợi
 2/ Có  danh và không lợi.
 3/ Có lợi  và không danh.
4/ Có danh và có lợi
 Từ đó, có 4 biểu hiện trong  cuộc sống của xã hội từ 2 chữ danh lợi: Phú qúy.
Phú có nghĩa là giàu, Quý có nghĩa là sang. Và cũng từ đó có 4 hạng người trong xã hội:
 1/ không  giàu , không  sang:  người không có học, không nhà, không có tiền, chỉ nhờ  được giúp đỡ của người khác.
 2/ Có sang, không giàu( vì xài sang quá, có đồng nào ‘xào” đồng đó,vung tiền qua cửa sổ, không tính toán, vô tư và ngây thơ vì nhận được của hồi môn, của thừa kế gia sản của tiền nhân họ, thuộc giới quý tộc cũ) nhưng thất bại và mất dần vị thế trong xã hội hoặc sống theo kiểu hiện sinh. Cứ mượn tiền xài sang , đến đâu hay đó theo quan niệm”  trời sinh voi thì sinh cỏ”, nhưng con voi  ăn cỏ được chứ người thì không ăn cỏ được!
3/ Có giàu mà không sang.(loại người cướp bóc, tham những, buôn gian, bán lận, lường gạt, tìm cơ hội lợi dụng, hoặc để trở thành chuột sa hủ nếp bằng tướng mạo và vỏ bề ngoài giả danh: đào mỏ , mua ghế, mua bằng cấp,mua quyền lực để sau đó có nhiều tiên, bán danh dự và nhân phẩm chỗ nầy, mang đến chỗ khác để dợt le,tẩy rửa quá khứ, nghèo bỗng trúng số, ăn những canh bạc, đánh độ….)
4/ Vừa giàu vừa sang : Sống bằng thực tài sau những  giai đoạn học tập thành công,  có học vị thật sự, có thành tích xuất sắc, có công trình nghiên cứu thực sự …giàu nhờ trí tuệ và có lợi cho nhân loại, từ đó có tiền và giàu có…Độc lâp suy nghĩ và không lệ thuộc ai, không lọi dụng ai và c4ng không dễ gì bị ai lợi dụng..
  Có phải các em đang phấn đấu để được đứng vào hạng thứ tư nầy không ? Vừa giàu vừa sang?  Tôi tin rằng mọi nổ lực của các em sẽ được đền bù xứng đáng,nhưng  tôi dã biết có người học xong nhưng không có việc làm, phải làm qua việc khác để sinh sống! Theo tôi nếu tạm thời thì giống như ghe thuyền tránh bão, còn nếu như lâu dài thì quả thật rất uổng công học. 
    Robinson hay An Tiêm  sau khi thoát chết  và làm chúa  hoang đảo cũng vẫn muốn trở về đất liền để được hạnh phúc bên người thân và thể hiện với đời sự kiên cường của họ! Và các em có nhớ câu: “Không có con đường trải hoa nào dẫn đến vinh quang” tương đương với một câu của tiếng Anh: “There is no gain without pain” hay vắn tắt: “No pain,No gain!” không?
   Bức thư nầy là lời tâm sự của tôi muốn chia xẻ với các em vì tôi nghĩ đất nước và con người nơi đâu cũng đã, đang và sẽ rất cần SV chúng ta, bất chấp hoà bình hay chiến tranh, nghèo hay giàu,sang hay hèn,mạ nh hay yếu, già  hay trẻ, trai hay gái..,
 Các em là những người ưu tú nhất của xã hội VN hiện nay, sẽ làm được những gì mà thế hệ chúng tôi chưa làm được hoặc đã không có cơ hội để giúp xã hội VN theo kịp đà văn minh nhân loại và sự thịnh vượng, ã mà VN đã mất nhiều cơ hội trong nhiều  thế kỷ qua.
  Cuối thư tôi chúc các em có được tinh thần minh mẫn và thân thể tráng kiện để thưc hiện được những giấc mộng lớn của đời mình. Và vinh quang chói lọi!
  Hẹn  gặp các em, nếu có dịp.
      Chào các em!
   BS Nguyễn Tăng Tri, Canada

xem thêm : Một người thầy đáng kính 
                      Phải chăng người giàu mới có khả năng chia sẻ?