Thầy và trò trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1974 |
Friday, March 23, 2012
Các em sinh viên y khoa than mến
Đọc những thư hỏi, cảm nhận và cảm tưởng của các em gởi đến diễn đàn do BS Nguyễn Anh Thy sáng lập và điều hành, tôi biết các em đang sôi nổi, nhiệt tình, nổ lực học tập để có thể tham gia vào đội ngũ trí thức được đánh giá cao nhất trong mọi xã hội và mọi quốc gia.
Nhưng bên cạnh đó, các em chắc cũng hoang mang về tương lai của chính các em?
Tôi là bạn học cùng lớp Y khoa với BS Thy Anh đến mùa hè năm 1972,”mùa hè đỏ lửa”. Nói ra như vậy, chắc các em đã hình dung những hoang mang của thế hệ chúng tôi đã phải đối diện trước những thực tế khó khăn mà cha mẹ các em cũng đã trực diện…
Ngày nay thì khác, các em không phải đối diện với những khó khăn như thế hệ chúng tôi phải đối diện. Nhưng đã làm người thì chắc chắc ai cũng phải có những khó khăn phải vượt qua và không phải lúc nào cũng …chiến thắng!
Mà theo tôi:
1/ Sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đới nầy là một chiến thắng: Khi xét đến sự … thụ tinh..
…kể từ khi chúng ta chỉ còn là 1 hợp tử để trớ thành một bào thai là chúng ta chiến thắng một giai đoạn, đã phải chạy đua để được lọt vào chung kết, để lọt được vào cánh cửa cuộc đời ở võ noãn, chỉ mở ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mà các anh ,chị,em của chúng ta đã chạy đến trước, nhưng đã bỏ mình,hy sinh thân xác sau khi đã vượt chặng đường dài trong “cuộc đua marathon”, nhưng đã đuối sức, góp thân xác và vật chất để mở cánh cửa ấy va chúng ta là những kẻ chạy đến sau dễ dàng lọt vào vòng trong, rồi lại phải tiếp tục chiến đấu để sinh tồn ở những gai đoạn sau đó cho đến khi chào đời…
Rõ ràng là chúng ta chạy sau, chứ không phải là phần tử đàu tiên chạy đến đích, trong lần ấy.
Có phải không các em?
2/ Khi được tuyển vào học tại các trường Đại học, là các em và gia đình các em đã chiến thắng nhiều cuộc chạy đua trước đó, trước hết do chính bản thân của các em đã thoát được những cám dỗ từ thế giới bên ngoài, chiến thắng được những cuộc tấn công từ thế giới vi sinh vật gây bệnh, môi trường độc hại từ nước cho đến không khí, và cám dỗ của môi trường xã hội lúc nào cũng hiện diện quanh chúng ta. Cả 2 mặt vật chất lẫn tinh thần!
Ngày xưa, khi còn đi học, có nhiều bậc tiền bối đã nói:
“ tụi trẻ ngày nay (ở thời điểm đó) sướng hơn tụi mình nhiều, được đi học, có cơm ăn áo mặc, vậy mà có nhiều đứa học không được, cứ ham chơi !, so với tụi mình muốn đi học thì không có trường ,không có thầy, mà nếu có thì không có tiền đóng học phí !”.
Câu than thở nầy vừa đúng nhưng cũng vừa sai.
Đúng ở chỗ, thế hệ của chúng tôi và thế hệ của các em đã có trường và có thầy, khác với các thế hệ trước đó.
Sai ở chỗ là học chưa hẳn đã là sướng? Cứ thử học là biết ngay! Vì nếu học mà cứ “đội sổ”, điểm dưới trung bình ,không lên lớp , không thi đậu thì sẽ bị “thi hành kỷ luật “ bởi cha mẹ ngay…
Va một chỗ sai nữa là có người có tiền chưa chắc đã học được? Bằng chứng từ xưa đến nay còn sót lại trong những truyện cổ: công tử Bùi Kiệm và Trần Minh khố chuối, Lục Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga…
Và gần đây có một người quen của tôi, hiện nay là đại gia tại VN mà tôi đã gặp,anh ấy có nhiều đất đai và iền bạc đã tâm sự với tôi và 1 BS đang làm việc ở VN như thế này: “Giờ tôi có tiền rồi, nếu tôi có được chỉ một tấm bằng giá trị như của anh là tôi mãn nguyện lắm và sẵn sang đánh đổi bằng mọi giá, mà còn không được”
3/ Người xưa có câu: “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”, nhưng tôi lại nghĩ: “mưu sự tại mình, thành sự tại . . . người khác”.
Khi chúng ta đang tính chuyện gì, thì chung quanh chúng ta đang có sự thay đổi. Chúng ta tính toán chính xác nhưng những người cộng tác hay đang làm việc với chúng ta lại tính khác , không “ăn ý’ hoặc đồng lòng. Sẽ khó mà thành công, có khi tổn hại đến bản thân về thể xác hoặc tinh thần hoặc cả 2.
Ví dụ:
a/ Em đang nhận công tác đi gỡ mìn, trong đội của em có người gặp đâu gỡ đó, em có dám “bò” gỡ mìn gần anh ta không?
b/ Đi biểu tình, em không phải lãnh tụ, mà lại đi đàng trước cầm cờ, chẳng nhìn đàng sau, đến khi quay lại thì chỉ còn em cầm cờ, lần sau em có muốn , , , “cầm cờ” nữa không?
c/ Em dự tính làm giàu, có chút ít tiền, có người muốn em “đầu tư”, nhưng bản thân họ không có gì để chứng minh trong quá khứ họ có học hành về kinh tế, xác xuất thống kê,hoặc đã giàu có một cách chính đáng, em dám đưa tiền cho họ không? Các em có nghe hay biết chuyện “chơi hụi” không? Và biết có việc “hốt hụi dông luôn” không? Và chủ hụi “úp hụi “không? Nếu chưa thì nên tìm hiểu thêm sau nầy. Hiện tại các em còn đi học nên đâu có tiền để tiết kiệm hay đầu tư, có đúng không? Và các em có nhớ các câu chuyện về ngũ đai gia: Huỳnh Là,Lâm Cẩu, Nguyễn Văn Mười Hai, Liên Khui Thìn, Minh Phụng không?
Môt câu chuyện khác nhỏ hơn nhưng cũng là một điển hình: Lúc tôi còn nhỏ, trong dịp Tết, em út tôi thấy người lớn có “bóp” đựng tiền, nó muốn giống người lớn nên mua một cái bóp 10 đồng, còn lại 10 đồng. Chỉ 1 ngày sau mua bánh kẹo hết tiền, phải năn nỉ các anh để bán rẻ lại, tôi thấy tội nghiệp nên mua lại đúng 10 đồng! May là nó không bị dụ mua lầm giá. Nhưng cho dù nó bị mua lầm giá vì tình thương tôi cũng mua giùm nó. Nhưng với người lạ tôi đã không mua.
Như vậy tính toán do mình,nhưng được hay không nhiều phần do người khác! Hay ít nhất cũng 50%.
Khi chọn hay được chọn vào ngành Y, chắc chắn các em đã phải có những điều kiện:
a/ Sức khoẻ để “trường kỳ kháng chiến”.
b/ Không ngủ quên trên chiến thắng, và quan trọng nhất là tránh “chưa chiến thắng đã ngủ quên”.
c/ Phải có trí nhớ sắc bén và lâu dài.
d/ Cẩn thận: Khi sắp ra trường , các thầy dã dặn dò: Phải cẩn thận và “double check” : bệnh nhân, bệnh án,lời khai bệnh, hình ảnh,kết quả xét nghiệm, tên,tuối bệnh nhân, phái tính .xác xuất bệnh, … và những quan sát , kết quả khám, so sánh với những chẩn đoán phân biệt (different diagnosis) trước khi đưa ra kết luận về định bệnh của mình vì những sai sót do người khác làm, hoặc do máy móc, thiết bị hoặc sự cẩu thả của người khác mà mình là người lãnh trách nhiệm.( tôi đã gặp nhiều lần,và tránh được).
d/ Chỉ nhận những việc đúng và vừa khả năng của mình! Không nên “chơi bạo để lấy tiếng” ngu”. Không “cương ẩu” và không “dợt le”.
e/ Trước khi có được “ tiền đồ sáng lạn”, mà tôi hay nói giỡn là tiền (money) và đồ (things), chứ không phải chữ tiền đồ theo nghĩa là tương lai. Phải tự hỏi liệu mình có xứng đáng được trả như vậy không? Tại sao người ta chọn mình để trả, mà không trả cho ai đó?
Tôi đã thấy có kẻ ham tiền mà chết ! mê gái( họăc . . . trai) mà thân bại danh liệt! Chắc các em cũng đã thấy?
Thật ra, trường đời và trường học rất khác nhau, vì nếu không khác nhau thì đi học ở trường làm gì? Đúng không các em?
Nhưng ngoài đời có nhiều người thành công : vì họ đã học và chiến thắng trên trường đời (nhiều thủ đoạn) và liệu có được tỷ lệ bao nhiêu%? Và last đựợc bao lâu?
Ở trường học, chúng ta học và làm những thí nghiệm” invitro” trên bình diện nhỏ. và rất “vô tư”.
Ở trường đời, chúng ta làm thật ” in vivo” ở một thế giới rộng lớn hơn, nhiếu biến động và nguy hiểm hơn ở trường ,vì:
Ở trường học, chúng ta có thầy bên cạnh được kiểm soát và được cố vấnvà giúp đỡ. Còn ngoài đời, chúng ta phải chiến đấu một mình với tất cả khó khăn trước mắt và lâu dài, và còn là “cột trụ’ của tiểu gia đình và trách nhiêm đối với :
Quá khứ: Cha mẹ, ông bà, tô tiên.
Hiện tại: bản thân, vợ(chồng) và con.
Tương lai: Những ngày thanh bình còn lại của bản thân, gia đình và nhữngngười thân yêu và vị trí xã hội, danh dự và uy tín…Để hưởng những thành quả đã đạt được.
Muốn thành đạt cần có một quan niệm sống rõ ràng mà các triết gia và đạo giáo từ xưa đã được Lão Tử, Thích Ca, Khổng Tử đã đưa ra những học thuyết. Liên quan mạt thiết nhất với chính trị xã hội là của Khổng Tử:Lấy chữ chũ Tín đi đầu.
Liệu tam cang:Quân, Sư, Phụ và ngũ thường của Khổng Tử,: Nhân, Nghiã ,Lễ, Trí ,Tín có đúng và còn áp dụng cho đến ngày nay không?
Theo tôi, ngày nay không còn chế độ Phong kiến, nên tam cang không còn nữa. Nhưng ngũ thường vẫn còn đó. nếu chúng ta chia 2 qui luật nầy ra làm 2 phần:
Tam cang dành để ứng xử của một người dân theo trật tự xã hội đối với :
1/Vua (chứ không nói với đối với vợ của Vua,vì Vua có nhiều vợ quá, lại mâu thuẫn và tiêu diệt nhau hoài)
2/ Thầy(chứ không nói với vợ của thầy, vì thầy cũng có thể có 5 thê,7 thiép)
3/ Cha(chứ không nói với mẹ, vì cha cũng có thể và có quyền lấy nhiều vợ như thầy).
để giai cấp thống trị dễ cai trị xã hội và quản trị,quản lý loài người.
Còn ngũ thường đặt ra để loài người theo 5 nguyên tắc đó để có thể đánh giá được người khác và để hy vọng công việc có thể thành công.
Cả 2 “công thức” về KH Nhân Văn nói trên áp dụng cho người có học cũng như không có học.
Vậy ngày nay, 2 công thức nầy còn được áp dụng không?
Theo tôi Tam cang đã không còn đất đứng,vì xã hội phong kiến đã mất dần trên thế giới.nhưng ngũ thường thì còn.
Đối với người Hán viết và đọc từ bên phải qua trái. Cho nên họ đọc theo thứ tự: 1/Tín, 2/Trí 3/ Lễ,4/ Nghĩa 5/ Nhân. (Các em hãy đọc truyện Tam Quốc Chí sẽ thấy 3 anh em Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi gặp nhau, đánh nhau rôi kết nghĩa đào bàn làm anh em, phân ngôi thứ, khởi nghĩa, thắng trận, rôi trị vì xã hội có đúng theo trật tự nói trên không?). Họ theo thứ tự đó.
Còn người Việt chúng ta, đọc và làm ngược lại, từ bên trái qua: 1/ Nhân 2/nghĩa ,3/ Lễ, 4/ Trí.5/Tín.
Chúng ta thử xem: Trước khi muốn ra ngoài xã hội hay trường đời để “giúp đời” hay để “cai trị” hoặc “bị trị”. Dưòng như không ai muốn bị trị. Chỉ muốn cai trị thôi(đâu có dễ,phải không các em?) còn muốn giúp đời phải có tài năng,(và đạo đức) chứ không thì nói ai nghe? Muốn có tài năng phải có trí. Mà muốn có trí phải học, muốn có học phải có thầy, muốn có thầy thì thầy phải có chỗ ăn, chỗ ngủ, đọc sách và nghiên cứu, nghĩalà phải có tiền, muốn có tiền phải gầy dựng sự nghiệp, muốn có sự nghiệp phải có uy tín(mà ngày nay gọi là thương hiệu) muốn có uy tín thì phải thật thà và chứng minh thật thà thì khi muợn tiền phải trả, có nhận ân huệ thì phải trả. Mà ngay trong xã hội văn minh tiến bộ người ta đã không học Khổng tử, các nhà băng ở đây trước khi cho ai mượn tiền, họ đều xét xem người đó có “good credit” không? Dù chỉ nợ một xu mà trả trể hoặc lường gạt thì cũng không có được good credit. Đó là nguyên tắc sống mà họ chọn lưa. NgườiViệt chúng ta nói phải có lòng nhân ái, nhân quyền, nhân... Nhưng không có tiền, không có tài, không có chữ tín… thì làm sao làm chuyện “nhân” được?
Cuối cùng ai cũng muốn danh với lợi phải đi dôi, nhưng như vậy nhân loại sẽ được chia ra làm 4 loại:
1/ không danh ,và không lợi
2/ Có danh và không lợi.
3/ Có lợi và không danh.
4/ Có danh và có lợi
Từ đó, có 4 biểu hiện trong cuộc sống của xã hội từ 2 chữ danh lợi: Phú qúy.
Phú có nghĩa là giàu, Quý có nghĩa là sang. Và cũng từ đó có 4 hạng người trong xã hội:
1/ không giàu , không sang: người không có học, không nhà, không có tiền, chỉ nhờ được giúp đỡ của người khác.
2/ Có sang, không giàu( vì xài sang quá, có đồng nào ‘xào” đồng đó,vung tiền qua cửa sổ, không tính toán, vô tư và ngây thơ vì nhận được của hồi môn, của thừa kế gia sản của tiền nhân họ, thuộc giới quý tộc cũ) nhưng thất bại và mất dần vị thế trong xã hội hoặc sống theo kiểu hiện sinh. Cứ mượn tiền xài sang , đến đâu hay đó theo quan niệm” trời sinh voi thì sinh cỏ”, nhưng con voi ăn cỏ được chứ người thì không ăn cỏ được!
3/ Có giàu mà không sang.(loại người cướp bóc, tham những, buôn gian, bán lận, lường gạt, tìm cơ hội lợi dụng, hoặc để trở thành chuột sa hủ nếp bằng tướng mạo và vỏ bề ngoài giả danh: đào mỏ , mua ghế, mua bằng cấp,mua quyền lực để sau đó có nhiều tiên, bán danh dự và nhân phẩm chỗ nầy, mang đến chỗ khác để dợt le,tẩy rửa quá khứ, nghèo bỗng trúng số, ăn những canh bạc, đánh độ….)
4/ Vừa giàu vừa sang : Sống bằng thực tài sau những giai đoạn học tập thành công, có học vị thật sự, có thành tích xuất sắc, có công trình nghiên cứu thực sự …giàu nhờ trí tuệ và có lợi cho nhân loại, từ đó có tiền và giàu có…Độc lâp suy nghĩ và không lệ thuộc ai, không lọi dụng ai và c4ng không dễ gì bị ai lợi dụng..
Có phải các em đang phấn đấu để được đứng vào hạng thứ tư nầy không ? Vừa giàu vừa sang? Tôi tin rằng mọi nổ lực của các em sẽ được đền bù xứng đáng,nhưng tôi dã biết có người học xong nhưng không có việc làm, phải làm qua việc khác để sinh sống! Theo tôi nếu tạm thời thì giống như ghe thuyền tránh bão, còn nếu như lâu dài thì quả thật rất uổng công học.
Robinson hay An Tiêm sau khi thoát chết và làm chúa hoang đảo cũng vẫn muốn trở về đất liền để được hạnh phúc bên người thân và thể hiện với đời sự kiên cường của họ! Và các em có nhớ câu: “Không có con đường trải hoa nào dẫn đến vinh quang” tương đương với một câu của tiếng Anh: “There is no gain without pain” hay vắn tắt: “No pain,No gain!” không?
Bức thư nầy là lời tâm sự của tôi muốn chia xẻ với các em vì tôi nghĩ đất nước và con người nơi đâu cũng đã, đang và sẽ rất cần SV chúng ta, bất chấp hoà bình hay chiến tranh, nghèo hay giàu,sang hay hèn,mạ nh hay yếu, già hay trẻ, trai hay gái..,
Các em là những người ưu tú nhất của xã hội VN hiện nay, sẽ làm được những gì mà thế hệ chúng tôi chưa làm được hoặc đã không có cơ hội để giúp xã hội VN theo kịp đà văn minh nhân loại và sự thịnh vượng, ã mà VN đã mất nhiều cơ hội trong nhiều thế kỷ qua.
Cuối thư tôi chúc các em có được tinh thần minh mẫn và thân thể tráng kiện để thưc hiện được những giấc mộng lớn của đời mình. Và vinh quang chói lọi!
Hẹn gặp các em, nếu có dịp.
Chào các em!
BS Nguyễn Tăng Tri, Canada
xem thêm : Một người thầy đáng kính
Phải chăng người giàu mới có khả năng chia sẻ?
xem thêm : Một người thầy đáng kính
Phải chăng người giàu mới có khả năng chia sẻ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét