Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

BẠN & THÙ

Tim O'Brien (The Things They Carried)*

An unjust peace is better than a just war

THÙ

Một buổi sáng cuối tháng bảy, trong khi chúng tôi đang tuần tra gần bãi đáp Gator, Lee Strunk và Dave Jensen đánh nhau một trận. Nguyên do là một chuyện cũng khá ngu ngốc - một con dao xếp bị mất - nhưng dù chỉ có vậy, cuộc ẩu vẫn thật kịch liệt. Mãi một chập, hai bên vẫn bất phân thắng bại, Nhưng Dave Jensen to con và khỏe hơn nhiều, nên rốt cuộc hắn vòng tay siết cỗ Strunk, dúi đầu nó xuống và đấm liên hồi vào mũi. Hắn đánh dữ dội. Và không chịu dừng. Mũi của Strunk bật ra một tiếng gẫy nghe sắc nhọn như tiếng pháo, nhưng dù vậy, Jensen vẫn cứ dộng vào nó, dộng hoài dộng mãi, những cú đấm lia lịa như trời giáng chẳng trật một cú nào. Phải ba thằng bọn tôi mới lôi được hắn ra. Khi chuyện đã xong, người ta phải cho Stunk lên trực thăng bay về căn cứ, ở đó, người ta chăm sóc cái mũi của hắn và hai ngày sau, hắn quay lại với bọn tôi, mũi đeo nẹp kim loại và băng cả một đống gạc.
Gía như ở hoàn cảnh nào khác, mọi chuyện ắt đã dừng ở đó. Nhưng đây là Việt Nam, ai ai cũng mang súng, nên Dave Jensen bắt đầu lo. Chuyện ấy chủ yếu nằm trong đầu hắn. Chẳng có ai dọa hắn cũng chẳng có ai thề sẽ trả thù, chỉ là một sự im lặng căng thẳng giữa hai thằng khiến cho Jensen phải đặc biệt cảnh giác. Mỗi khi đi tuần tra, hắc cẩn thận canh chừng xem Lee Strunk đang ở đâu. Hắn đào công sự ở mãi đầu bên kia vòng rào ngoài. Hắn che chắn kỹ sau lưng. Hắn tránh những tình huống khiến chỉ có hai thằng ở cạnh nhau. Cuối cùng, sau khi cứ như vậy được một tuần, sự căng thẳng bắt đầu sinh rắc rối. Jensen không sao thư giãn được. "Cứ như là phải đánh một lúc hai cuộc chiến", hắn nói. Chẳng còn chỗ nào thấy an toàn, kẻ thù ở bất cứ đâu. Chẳng có tiền tuyến hay hậu phương. Ban đêm, hắn khó mà ngủ ngon, cứ lo ngay ngáy, lúc nào cũng đề phòng, nghe tiếng động lạ trong bóng tối, mường tượng ra một trái lựu đạn đang lăn vào công sự của hắn hay một mũi dao cọ nhồn nhột vào tai hắn. Sự khác biệt giữa kẻ tốt và kẻ xấu biến mất đối với hắn. Ngay cả những lúc tương đối an toàn, khi chúng tôi có thể thoải mái xả hơi, Jensen cứ ngồi tựa lưng vào một bức tường đá, súng gác ngang đầu gối, quan sát Lee Strunk bằng cặp mắt lơ láo, bồn chồn. Đén cái nước hắn mất hết tự chủ. Một cái gì đó ắt cũng phải gẫy. Một chiều nọ, hắn bắt đầu nã súng lên trời, hét to tên Strunk, vưà bắn vừa hét, cứ như thế, không ngừng cho đến khi vãi hết sạch cả băng đạn. Chẳng ai đủ cả gan đến gần hắn. Jensen bắt đầu nạp lại đạn, nhưng rồi đột nhiên hắn ngồi phịch xuống lấy hai tay ôm đầukhông nhúc nhích. Mãi đến hai ba tiếng đồng hồ, hắn cứ ngồi đó.
Nhưng đó cũng chưa phải là phần kỳ quái nhất.
Bởi vì đến khuya hôm ấy, hắn mượn một khẩu súng lục, cầm chỗ nòng súng, và dùng khẩu súng như cái búa để tự đập bể mũi hắn.
Sau đó, hắn băng ngang qua vòng rào đến chỗ công sự của Lee Strunk. Hắn cho thằng kia thấy hắn đã làm gì đoạn hỏi có phải như thế thì chuyện giữa hai thằng đã sòng phẳng hay không.
Strunk gật đầu nói, chắc rồi, giờ thì sòng phẳng.
Nhưng sáng ra, Strunk cứ cười mãi không thôi. "Cái thằng điên", hắn nói, " Chính là tao ăn cắp con dao khỉ gió của nó chứ ai".

BẠN

Dave Jensen và Lee Strunk không trở thành bạn ngay nhưng rồi chúng cũng học được cách tin tưởng lẫn nhau. Suốt một tháng sau đó, hai thằng thường cặp kè với nhau những khi đi phục kích. Hai thằng yểm trợ cho nhau khi đi tuần, dùng chung công sự và thay phiên nhau gác đêm. Cuối tháng tám, hai thằng giao ước với nhau rằng nếu một trong hai đứa bị thương đến mức tàn phế - phải ngồi xe lăn - thì thăng kia sẽ tự tìm cách nào đó kết liễu dùm luôn cho xong đời. Theo như tôi thấy thì hai đứa khá nghiêm túc. Tụi nó ghi hẳn ra giấy, ký tên rồi nhờ vài thằng làm chứng.
Thế rồi vào tháng Mười, Lee Strunk giẫm phải một trái đạn cối. Trái đạn tiện phăng chân hắn lên tới đầu gối. Hắn cố tiến thêm được nửa bước trông thật tức cười, giống như nhảy lò cò, rồi xiêu về một bên và sụm xuống. "Ôi mẹ nó . . ." hắn nói. Hắn cứ nói đi nói lại, "Mẹ nó, ôi mẹ nó" một hồi, làm như hắn vừa vấp ngón chân vào một cái gì. Rồi hắn phát hoảng. Hắn cố đứng dậy chạy, nhưng chẳng còn gì đễ mà chạy nữa. Hắn ngã uỵch xuống. Mẩu chân phải còn lại của hắn vẫn đang giật giật. Có những mẩu xương, và máu phụt ra từng đợt như nước phụt ra từ vòi nước. Hắn có vẻ hoang mang. Hắn với tay làm như muốn xoa bóp cái chân đã mất, rồi hắn ngất đi. Thế rồi Rat Kiley liền thắt ga rô cầm máu , tiêm moóc phin và truyền huyết tương cho hắn.
Chẳng ai còn làm được gì hơn là chờ trực thăng tới. Sau khi chúng tôi thông báo địa điểm hạ cánh xong, Dave Jensen đến gần, quỳ xuống cạnh Strunk. Mẩu chân cụt giờ đã thôi giật. Đã có một lúc chúng tôi không rõ liệu Strunk còn sống hay không, nhưng rồi hắn mở mắt nhìn lên Dave Jensen, "Ôi lạy chúa", hắn nói, rồi rên rỉ, đoạn nhìn đi chỗ khác mà nói, "Lạy chúa, đừng giết tao mày ơi,"
"Thư giản đi", Jensen nói.
Lee Strunk có vẻ bị choáng và rối trí. Hắn nằm im một giây rồi ra dấu về phía cái chân. "Thật ra không quá tệ đâu. Không ghê gớm đâu mà. Nè, thiệt tình người ta có thể khâu lại mà, thiệt mà ..."
"Đúng, tao cá là người ta sẽ làm được",
"Mày cũng nghĩ thế hả?"
"Chắc mà".
Strunk cau mày nhìn lên trời. Hắn lả đi rồi tỉnh lại và nói, "Đừng giết tao."
"Tao không giết đâu"' Jensen nói.
"Tao nói thật đó".
"Chắc chắn mà."
"Nhưng mày phải hứa kìa, thề đi, thề là mày sẽ không giết tao đi."
Jensen gật đầu nói:"Tao thề." rồi lát sau chúng tôi mang Strunk lên trực thăng tải thương, Jensen đưa tay chạm vào cái chân lành."Đi nào," hắn nói.
Sau đó chúng tôi nghe nói Strunk cũng chết đâu đó ở phía bên kia Chu Lai. Chuyện đó dường như giúp Dave Jensen cất đi được một gánh nặng không lồ.

Ghi chú (*) tác giả Tim O'Brien (sinh 01/10/1946) là nhà văn Mỹ nổi tiếng hiện sống tại Texas. Ông từng được trao giải Sách quốc gia của Hoa Kỳ cho tác phẩm Going after Cacciato. Tập truyện ngắn "The things they carried" là một câu chuyện chân thực về những người lính và cho đến nay vẫn được xem là một trong những tác phẩm văn chương hay nhất về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT BÁC SĨ GIỎI


Trong một buổi học về cơ thể học, vị giáo sư dạy cho sinh viên với xác người thật. Tất cả sinh viên đứng quanh bàn mổ. Xác người nằm trên bàn mổ được phủ bởi một tấm chăn lớn màu trắng.
Vị giáo sư bắt đầu giảng: “ Để trở thành một bác sĩ giỏi, có 2 điều kiện cần phải có  mà các bạn phải luôn luôn ghi nhớ. Thứ nhất là  “ĐỪNG BAO GIỜ CẢM THẤY KINH TỞM XÁC CHẾT”.
Rồi vị giáo sư giở tấm chăn ra và chầm chậm chọc sâu ngón tay vào trong hậu môn của xác chết, ngoáy ngoáy ngón tay rồi mút ngón tay ngay trước mặt các sinh viên.
Vị giáo sư bảo sinh viên “Nào hãy làm đi, nhanh lên!”
Tất cả các sinh viên đều cảm thấy quá ghê tởm trước bài học kinh dị ấy, nhưng tất cả đều quyết làm theo, chỉ vì muốn làm hài lòng vị giáo sư.
Sau khi mọi sinh viên đã làm xong, vị giáo sư trợn mắt nhìn các sinh viên và quát :
“Này, điều cần thiết thứ hai để trở thành bác sĩ giỏi, đó là “PHẢI CÓ ÓC QUAN SÁT ”.
Nếu tinh ý trong việc thầy làm vừa qua, các bạn sẽ thấy rằng tôi chọc ngón tay giữa vào hậu môn của xác chết, nhưng tôi lại mút trên ngón tay trỏ!!!”

Bùi Công Trường sưu tầm và chuyển ngữ

TRÌNH BỆNH ÁN : Một Trường hợp Lupus Ban Đỏ, Viêm Màng Tim và Viêm Cầu Thận Cấp

Bác sĩ Nguyễn văn Đích

Trường hợp bệnh lý
 
Bà L.T.B. 42 tuổi có tiền căn đau khớp, thường đau khớp cổ tay, khớp gần của các ngón tay, vai hoặc đầu gối, không đối xứng, điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid. Từ một tuần bà cảm thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu, ho khan, buồn nôn, khó thở tăng dần khiến phải nằm đầu cao, chân phù nhẹ.
 
Thăm khám:
Bệnh nhân nằm đầu cao 45 độ, mạch 102/p, áp huyết 123/76, nhiệt độ 38 độ C thở 20/p, không có mạch nghịch, có sang thương đỏ ở hai gò má, niêm mạc bình thường, tim đều, phổi trong, gan 1-2 cm dưới bẹ sườn phải, đau, tĩnh mạch cổ nổi, chân phù nhẹ, cổ tay phải và các khớp ngón tay đau, không biến dạng.
 
Xét nghiệm:
nước tiểu hồng cầu 40/thị trường, bạch cầu 6-10, nhiều trụ hạt, tế bào lát tầng, đạm niệu 250mg/24 giờ; máu: bạch cầu 4.6 ngàn/mcl, hồng cầu 3.2 triệu, huyết sắc tố 9.0 g/dl, hematocrit 27%, tốc độ máu lắng 134mm, kháng thể chống nhân (ANA) 1/164, RF 5 iu/ml, CRP âm, ASO âm, đường huyết 84mg/dl, Na 137mEq/l K 4.2 Cl 112, Bicarbonate 18 BUN 16, creatinin 1.0, protein 6.4 albumin 3.3 globulin 3.1 bilirubin 0.5, AST 13 ALT 9, calcium 7.7; điện tâm đồ nhịp xoang đều điện thế thấp, X quang ngực tim lớn hình bầu tròn phổi trong, siêu âm xác nhận có dịch trong bao tim lượng trung bình, sinh thiết thận cho thấy viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa cấp tính, khảo sát dưới kính hiển vi điện tử phù hợp với viêm cầu thận do lupus ban đỏ.
Bệnh nhân được điều trị bằng methylprednisolone tiêm TM 1000mg mỗi ngày trong 3 ngày, tiếp tục với medrol 12mg uống hai lần mỗi ngày cùng với cyclophosphamide 1000mg TM mỗi tháng. Tình trạng thuyên giảm rõ rệt, không còn khó thở, gan không sờ thấy, hết sưng phù, bóng tim nhỏ lại, ra viện sau một tuần tiếp tục điều trị ngoại trú với medrol 12 mg hai lần mỗi ngày với liều giảm dần, cytoxan 1000mg TM mỗi tháng trong 6 tháng sau đó mỗi 3 tháng trong 6 lần, theo dõi công thức máu mỗi 2 tuần, phân tích nước tiểu, chức năng thận mỗi tháng. Bệnh nhân cũng được cho uống omeprazol 40mg/ngày, calcium 1200mg/ngày, risedronate 35mg/ tuần, vì phản ứng lao tố dương nên được điều trị bằng INH 300mg/ngày trong 9 tháng. Bệnh nhân cũng có cao áp huyết và tăng cholesterol nên thêm ức chế men chuyển và statin. Sau 6 tháng phân tích nước tiểu bình thường, đạm niệu 150mg/24 giờ, độ lọc quản cầu của creatinin 87ml/p. Sau 8 năm bệnh nhân không có triệu chứng, chức năng thận bình thường.
 

Bàn luận
 
Nhân trường hợp này ta điểm qua một số vấn đề:

1). Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn thường xảy ra ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ với mức độ nặng nhẹ khác nhau, gây triệu chứng ở rất nhiều bộ phận, diễn tiến thay đổi bất ngờ với những đợt cấp có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến đời sống.

2). Chẩn đoán chủ yếu là lâm sàng dựa vào các tiêu chuẩn của hội Tê thấp Hoa kỳ, kết hợp với chẩn đoán huyết thanh và sinh thiết. Sinh thiết thận có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và dự hậu. Chẩn đoán huyết thanh dựa vào các kháng thể chống nhân, phản ứng có thể dương tính nhiều năm trước khi có triệu chứng lâm sàng tuy nhiên huyết thanh dương tính đơn độc không cho phép làm chẩn đoán. Kháng thể chống nhân (KT kháng nhân -antinuclear antibodies) dương nồng độ trên 1/164 trong hầu hết các tường hợp, kháng thể chống dsDNA (anti-double-stranded DNA) và kháng thể Smith (Sm antibodies) có độ chuyên biệt cao. Nồng độ bổ thể thấp (CH50, C3 và C4 và C1q) trong lupus ban đỏ tiến triển. Tốc độ máu lắng và CRP thường tăng. Các dấu sinh học không luôn luôn liên hệ và không luôn luôn báo trước sự tiến triển của bệnh.

3). Điều trị tùy thuộc vào triệu chứng của từng cá nhân. Các trường hợp nhẹ với triệu chứng ở cơ bắp hoặc khớp chỉ cần điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid và/hoặc hydroxychoroquine (trong trường hợp này cần theo dõi khám mắt mỗi 6 tháng). Các trường hợp nặng hơn hay trong những đợt cấp có thể phải dùng steroid. Các trường hợp nguy kịch đe dọa tính mạng hoặc có thể gây tổn thương cho tạng phủ cần điều trị tích cực bằng steroid tiêm TM và kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian.

4). Dự hậu. Diễn tiến thay đổi từ những trường hợp lành tính cho đến những trường hợp tiến triển nhanh gây tổn thương tạng phủ và tử vong. Bệnh nhân có thể bị tái phát nhiều lần. Tỉ lệ sống còn tăng từ 40% trong những năm 1950 lên đến 90% sau năm 1980 và tiếp tục tăng sang thế kỷ 21, vì chẩn đoán nhậy bén hơn, điều trị sớm hơn, bao gồm cả những trường hợp nhẹ và điều trị hữu hiệu những trường hợp nặng. Tử vong thường xảy ra trong những năm đầu do biến chứng ở hệ thần kinh trung ương, thận và tim mạch hay do nhiễm trùng, do biến chứng của điều trị, ung thư phổi và u lymphô không Hogkin.
Vì lupus ban đỏ diễn tiến bất ngờ nên để cho sự điều trị có hiệu quả cần có sự hợp tác tốt giữa bệnh nhân và bác sĩ để theo dõi các xét nghiệm, giảm triệu chứng, ngừa và điều trị tích cực các đợt cấp, giảm các biến chứng liên hệ đến việc dùng thuốc, tăng cường sự tuân thủ điều trị và phối hợp với các bác sĩ chuyên môn.

5). Bệnh nhân này bị viêm màng tim, và viêm cầu thận. Viêm màng tim hay xảy ra, gây triệu chứng do tràn dịch nên dễ nhận biết, thường không gây chèn ép cơ tim (tamponade) và đáp ứng tốt với điều trị chống viêm. Tổn thương ở thận nhiều khi không có triệu chứng nên cần làm sinh thiết để phát hiện. Lupus ban đỏ gây tổn thương thận với nhiều mức độ khác nhau từ tổn thương tối thiểu, khu trú đến lan tỏa, gây sang thương ở một phần hay toàn phần của cầu thận. Bệnh nhân này bị viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa toàn phần cấp tính (acute diffuse global proliferative glomerulonephritis), được xếp vào lọai lV-G (A) theo bảng xếp loại của hội Thận và Cơ Thể Bệnh Thận Quốc tế tức là có sang thương toàn phần ở trên 50% tổng số cầu thận kèm theo tăng sinh tế bào tức là có phản ứng viêm đang tiến triển. Các dạng viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa có thể đe dọa đòi sống vì nếu không được điều trị sớm và tích cực thường tiến triển gây suy thận mãn khiến phải tùy thuộc vào thận nhân tạo.
Trong các trường hợp nặng đe dọa đời sống hoặc có thể gây tổn thương hủy hoại tặng phủ như trong viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa toàn phần cần điều trị ức chế miễn dịch. Sự điều trị gồm hai giai đoạn, giai đoạn tích cực ngắn hạn và giai đoạn duy trì dài hạn. Trong giai đoạn tích cực, dùng methylprednisolone 1000 mg tiêm TM mỗi ngày trong 3 ngày liên tiếp, tiếp tục bằng prednisone 0.5-1mg/kg hoặc tương tự uống mỗi ngày.
Có bằng chứng cho thấy rằng khả năng sống còn cao khi bệnh nhân được điều trị tiếp tục với liều cao 40-60mg/ngày trong 4-6 tháng.
Ý kiến gần đây khuyên nên dùng liều cao trong thời gian ngắn hơn, từ 4-6 tuần, sau đó giảm dần khi diễn tiến thuận lợi để duy trì với liều từ 5-10 mg/ngày. Nhiều bệnh nhân cần điều trị duy trì trong nhiều năm. Cần kết hợp với các chất úc chế miễn dịch như cyclophosphamide hoặc mycophelolate mofetil. Bệnh nhân này đã được dùng cyclophosphamide theo nghiên cứu của Viện Sức Khỏe Quốc gia (INH) với liều cao kéo dài: 1000mg TM mỗi tháng trong 6 tháng tiếp tục với 1000mg TM mỗi 3 tháng trong 18 tháng. Vì cyclophospamide có nhiều tác dụng độc hại nên ý kiến gần đây khuyên nên dùng liều thấp hơn 500-750mg/m2 TM mỗi tháng trong 3-6 tháng sau đó tiếp tục bằng azathioprine hoặc mycophenolate. Nói chung có thể ngưng cyclophosphamide khi có bằng chứng tỏ ra rằng bệnh nhân đang phục hồi; khả năng tái phát giảm nếu tiếp tục duy trì bằng azathioprine hoặc mycophenolate.
Đồng thời bệnh nhân cần được theo dõi biến chứng như hạ bạch cầu, phòng ngừa nhiễm trùng, phòng ngừa lõang xương và điều trị các yếu tố không mễn dịch như điều trị tốt cao áp huyết, giảm tiểu đạm bằng thuốc ức chế men chuyển, hạ cholesterol bằng statin vì suy thận cũng được coi là một yếu tố nguy cơ tim mạch mặt khác statin cũng có tác dụng thuận lợi trong suy thận.
Trường hợp này minh họa cho lợi ích của sự chẩn đoán sớm, điều trị tích cực và đúng phương pháp, theo dõi định kỳ một cách nghiêm chỉnh.

XEM THÊM: MỘT TRƯỜNG HỢP SỤT CÂN + ĐAU KHỚP

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

CON GÁI TÔI ĐÃ DẠY TÔI


    Trẻ con luôn dạy chúng ta điều gì đó mỗi ngày. Từ khi làm mẹ, tôi đã học được sự mong đợi này. Nhiều khi, những nhận xét của con gái tôi đã làm cho tôi vô cùng sửng sốt. 
    Khi Marissa được 6 tháng, dường như bé luôn ngước lên. Khi ngước lên theo, tôi chợt nhận ra sự lôi cuốn của những chiếc lá lao xao trên cành và cũng hoảng sợ như bé khi nhìn thấy cái đuôi thật to của chiếc máy bay phản lực. Được tám tháng, bé luôn nhìn xuống. Tôi chợt nhận ra mỗi hòn đá trên vỉa hè đều khác nhau về kiểu dáng thiết kế cũng như những âm thanh khi gõ bước lên trên; và sắc màu của những lá cỏ rất khác nhau dù chúng đều cùng một màu xanh lá.
    Khi con bé 11 tháng và bắt đầu biết nói: "Ái chà!" Bé phát ra âm thanh tuyệt vời này cho bất cứ điều gì mới mẻ và diệu kỳ, ví dụ như khi nhìn thấy những đồ chơi sắp xếp trong phòng bác sĩ khoa nhi cũng như nhìn thấy những đám mây đen tụ lại trên bầu trời trước một cơn bão. Con bé thì thào "Ái cha" cho những điều thật sự làm nó ấn tượng như khi những cơn gió vuốt ve khuôn mặt phơi phới của nó hoặc  những con thiên nga kêu trên bầu trời. Thế rồi cũng có một tiếng "Ái cha" cuối cùng, miệng bé há to nhưng không phát ra âm thanh và cố kìm nén lại trước những điều gì sợ hãi, chẳng hạn như trước cảnh mặt trời lặn sau một ngày rực rỡ ở Minnesota và những chùm pháo bông trên bầu trời mùa hè. 
    Con gái tôi còn dạy cho tôi nhiều cách để nói lời yêu thương: "Con thương mẹ". Bé nói điều này rất rõ ràng khi mới 14 tháng. Khi chúng tôi đang nựng nịu nhau, bé ấp mặt vào vai tôi, miệng hít hà đầy mãn nguyện, và nói: "Sướng quá". Vào một ngày khác lúc khoảng 2 tuổi, nó chỉ một tấm hình xinh đẹp trên bìa tạp chí và nói: "Mẹ nè!". Gần đây nhất khi nó vừa 3 tuổi, lẫm chẫm đi vào nhà bếp trong khi tôi đang dọn dẹp sau bữa tối và nói: "Mẹ, con phụ mẹ nha!". Ngay mới đây, nó đã đặt hai tay nhỏ nhắn lên tay tôi và nói: "Mẹ, mẹ chơi với con đi, chúng mình là bạn ." 
    Vào những lúc như thế, tôi chỉ còn có thể nói: "Ái chà!"

Nhị Tường dịch từ internet

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

MÚA

Bài đăng nhân kỷ niệm ngày 30 th 4 năm 1975


Tác giả Tim O'Brien (The Things They Carried)*
     Không có nhạc. Hầu như toàn bộ xóm đã bị đốt trụi, kể cả nhà con bé, giờ chỉ còn là khói, thế nhưng nó vẫn múa, mắt khép hờ, chân đất. Nó khoảng mười bốn tuổi, tóc nó đen, da nó nâu. "Sao nó lại múa nhỉ?" Azar hỏi. Chúng tôi lùng sục đống đỗ nát nhưng chả tìm được gì mấy. Rat Kiley bắt được một con gà để nấu bữa tối. Thiếu úy Cross đánh điện cho mấy chiếc máy bay bảo chúng đi đi. Con be múa ch3 yếu trên đầu ngón chân. Nó tiến những bước ngắn tí trên mặt đất trước nhà nó, thỉnh thoảng xoay cah65m một vòng, thình thoảng lại tự cười một mình. "Sao nó lại múa?" Azar nói, và Henry Dobbins bào tại sao cũng chẳng quan trong, múa là múa thế thôi. Rồi sau đó chúng tôi tìm thấy gia đình con bé ở trong nhà. Họ đều đã chết, bị thiêu cháy. Gia đình con bé không đông người, một đứa bé sơ sinh, một bà lão. một người phụ nữ khó đoán tuổi. Khi chúng tôi lôi được họ ra, con bé vẫn múa. Nó áp lòng bàn tay lên hai tai, chắc phải có ý gì đó, rồi nó múa theo chiều ngang một chặp, sau đó lùi từ trước rasau. Nó làm một động tác duyên dáng bằng cặp hông."Chà, thật là tao không hiểu" Azar nói. Khói từ mấy căn nhà lụp xụp bốc lên nghe như mùi rơm. Khói đùn thành từng cụm ngang qua khoảng đất giữa làng, không còn dầy đặc nũa, đôi khi chỉ gợn nhẹ giống như sương. Có cả heo chết nữa. Con bé nhón chân xoay một vòng chậm rồi múa ngang qua làn khói. Mặt nó mơ màng, lặng lẽ và điềm tĩnh.Lát sau, khi chúng tôi đã rời khỏi làng, nó vẫn còn đang múa. "Có lẽ là một nghi thức kỳ quặc gì đó, "Azar nói, nhưng Henry Dobbins ngoái lại bảo, không, đó chỉ là nó thích múa thôi.
     Đêm hôm đó, sau khi chúng tôi hành quân ra khỏi ngôi làng đang bốc khói, Azar giở trỏ giểu việc con bé múa. Hắn làm những động tác nhảy và xoay người một cách hài hước. Hắn cũng áp lòng bàn tay lên hai tai rồi múa theo chiều ngang một chặp, đoạn lùi từ trước ra sau và đánh hông một cách gợi tình. Nhưng Henry Dobbins, kẻ luôn đi đứng nhẹ nhàng dù tầm vóc cao to, túm ngay lấy Azar từ phía sau, nhấc bổng hắn lên rồi mang hắn tới một cái giếng sâu, và hỏi hắn có muốn bị ném xuống đó không.
     Azar bảo không.
    "Tốt," Henry Dobbins nói, vậy thì mày phải làm sao cho đúng đắn."

Ghi chú (*) tác giả Tim O'Brien (sinh 01/10/1946) là nhà văn Mỹ nổi tiếng hiện sống tại Texas. Ông từng được trao giải Sách quốc gia của Hoa Kỳ. Tập truyện ngắn "The things they carried" là một câu chuyện chân thực về những người lính và cho đến nay vẫn được xem là một trong những tác phẩm văn chương hay nhất về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

LỜI KHUYÊN NHỮNG KẺ GÂY RA CHIẾN TRANH



Trong bất cứ một xả hội nào cũng có những kẻ hung ác gây ra vô số những khó khăn, vì thế cần có những phương tiện hữu hiệu để ngăn chặn không cho họ tác hại. Khi không còn cách nào khác hơn, thì lúc ấy mới sử dụng đến biện pháp quân sự.
Theo tôi, quân đội không được dùng để quảng bá cho một chủ thuyết hay xâm lăng một quốc gia khác mà đơn giản chỉ đễ ngăn chặn sự khuấy động của những kẻ phá hoại sự an vui của nhân loại và gieo rắc hỗn loạn, và chỉ nên đem ra sử dụng trong các trường hợp tối cần thiết mà thôi. Mục tiêu duy nhất của chiến tranh có thể chấp nhận được là để mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, và mục đích đó không thể hướng vào bất cứ một quyền lợi riêng tư nào cả.

Chẳng có cuộc chiến tranh nào là thực sự tốt đẹp ...
Chiến tranh là điều bất đắc dĩ. Lịch sử đã chứng minh cho thấy bạo lực sẽ dẫn đến bạo lực và không mấy khi giải quyết được chuyện gì cả. Hung bạo chỉ mang đến vô số khổ đau mà thôi. Ngay cả trường hợp bạo lực được xem như là một giải pháp thích nghi và hợp lý để chấm dứt một cuộc xung đột nào đó thì người ta cũng không dám quả quyết là đang dập tắt một ngọn lữa hay lại làm bùng lên một nhúm than hồng.
Ngày nay, chiến tranh đã trở thành vô tri giác và vô nhân đạo. Khí giới tân tiến có thể giết hại hàng ngàn người mà không hề gây nguy hiểm gì đến ta cả và ta cũng không nhìn thấy được khổ đau do chính ta gây ra. Những người ra lệnh tàn sát thì lại thường ở xa chiến trường hàng nghìn cây số. Những kẻ vô tội, cả đàn bà lẫn trẻ em, tất cả đều muốn sống nhưng họ lại chính là những nạn nhân phải chịu chết hay bị tật nguyền. Gần như con người chẳng bao giờ biết hối tiếc qua các cuộc chiến tranh trong quá khứ. Trong các cuộc chiến ấy thì vị lãnh chúa cầm đầu đứng ra phía  trước đoàn quân và nếu vị lãnh chúa bị giết thì thông thường có nghĩa là mọi thù nghịch cũng chấm dứt theo. Ít ra cũng nên giới hạn chiến tranh trong khuôn khổ những cuộc xô xát trực tiếp giữa con người. (*)
Từ lúc được trang bị vũ khí thì con người cũng muốn sử dụng những thứ vũ khí ấy. Quan điểm của tôi là không nên thành lập quân đội quốc gia. Thế giới này nên giải trừ vũ khí mà chỉ nên duy trì một đạo quân quốc tế để can thiệp trong trường hợp hòa bình bị đe dọa tại một nơi nào trên thế giới mà thôi.
Tất cả mọi người đều nhắc đến hòa bình nhưng không thể nào có hòa bình bên ngoài khi ta còn cưu mang giận dữ và hận thù trong lòng. Người ta cũng không thể nào dung hòa giưã ước muốn hòa bình và chạy đua vũ trang. Vũ khí hạt nhân vẫn được xem như một thứ vũ khí dùng để ngăn chặn răn đe, nhưng theo tôi đấy không phải là một giải pháp khôn ngoan và hiệu quả lâu dài.
Một số quốc gia đã chi tiêu những món tiền không lồ để phát triển vũ khí. Biết bao nhiêu tiền của sinh lực nhân tài đã bị phung phí, tuy nhiên nguy cơ bị lạc hướng ngày càng dễ xảy ra, làm cho mọi người phải sống trong lo sợ.
Dập tắt chiến tranh là trọng trách của tất cả mọi ngườitrong chúng ta. Dĩ nhiên là người ta có thể chỉ đích danh kẻ gây ra một cuộc chiến, nhưng lại không thể khẳng định một cách chắc chắn là hắn từ chỗ nào dưới đất chui lên hay là hắn tự ý hành động một mình. Nhất định là phải có sự tham gia chủa các phần tử khác trong xã hội mà trong đó có cả ta, vì vậy, mọi người ai cũng phải mang một phần trách nhiệm. Nếu muốn mang lại hòa bình cho thế giới này thì ta phải biết tạo hòa bình trong lòng ta trước đã.
Hòa bình trên thế giới chỉ có thể thực hiện được bằng sự an bình trong tâm thức, và sự an bình trong tâm thức thì chỉ có thể đạt được bằng cách ý thức rằng tất cả mọi con người đều là những thành phần trong một gia đình duy nhất, dù cho tín ngưỡng, ý thức hệ, thể chế chính trị và kinh tế có đa dạng đi chăng nữa. Những thứ đó thật ra chỉ là chi tiết, so với những gì mang chúng ta lại gần nhau hơn. Điều quan trong là tất cả chúng ta là những con người, cùng sống chung trên một hành tinh nhỏ bé này. Muốn sống còn, phải chăng chúng ta cần sự hợp tác chung giữa người này với người khác và giữa các quốc gia với nhau.
Ghi chú: (*) Ngày nay, chiến tranh có thể không còn là những trận xô xát bằng gậy gộc hay bằng những vũ khí thô sơ nữa, mà có thể là một cuộc chiến không cần nhìn thất kẻ địch, chỉ cần bấm nút. Hàng ngàn vệ tinh canh chừng sinh hạot của con người trên mặt đất và sẵn sàng hướng dẫn những tên lửa hạt nhân phóng xuống mục tiêu. Ngay cả chiến tranh cũng không còn giữ được bản chất nhân bản sơ đẳng nhất.
          Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma (Những lời khuyên tâm huyết)

GIÂY PHÚT THỬ THÁCH


Đó là một trong những cuộc đấu tranh lớn nhất của học sinh, sinh viên ở Boston. Hàng ngàn sinh viên đã xuống đại lộ Commonwealth để phản đối cuộc chiến phi nghĩa ở Đông Nam Á. Số lượng học sinh sinh viên tăng lên nhanh chóng. Họ chiếm đóng các đường phố với những bức tranh cổ động lớn được giăng lên với các dòng chữ: "Hãy chấm dứt chiến tranh", "Hãy cút khỏi Đông Dương", " Hãy dùng tình thương thay bạo lực" . . .
          Tôi tốt nghiệp trường Đại học Thần học Boston - nơi mà Martin Luther King  Jr đã học - vào năm 1969, năm của những phong trào đấu tranh. Khi phong trào đấu tranh đòi quyền công dân và phong trào phản chiến kết hợp với nhau thì rất khó có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra. Thái độ của tôi đối với cuộc chiến tranh ở Đông Dương là hết sức rõ ràng. Khi còn nhỏ, tôi sống ở nước Anh cùng với đại gia đình. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về thế chiến thứ nhất và hậu quả của nó. Tôi được nghe kể về cách đào hầm, tránh bom cũng như các loại khí độc. Tôi còn được nghe những câu chuyện cảm động về sự sống, cái chết và những cuộc hội ngộ bất ngờ. Chính vì thế, trong tâm trí tôi, chiến tranh là một việc làm vô lý và đầy đau thương. Thế nhưng, mặc dù phản đối chiến tranh, tôi lại không tin vào chủ nghĩa hòa bình, khi mà nó không thể giải quyết được những bất đồng đang diễn ra trên thế giới vào lúc đó. Vì thế, khi chiến tranh ở Đông Dương nổ ra, tôi đứng ngoài mọi cuộc biểu tình.
          Khi đó, Boston là thành phố có số lượng học sinh, sinh viên phản chiến đông nhất thế giới, và tôi thật sự lo sợ khi chứng kiến những gì đang diễn ra trên đại lộ Commonwealth. Cảnh sát có mặt khắp nơi. Họ đi bộ, cưỡi ngựa hoặc chạy xe máy trấn áp những người biểu tình. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những chiếc xe quân đội càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Số lượng người tham gia vào phong trào đấu tranh này vượt xa sự tưởng tượng của tôi, Một lãnh đạo cấp cao của phong trào sinh viên có bài diễn thuyết quan trong về hòa bình. Tuy nhiên, khi nhận thấy nguy hiểm đang rình rập xung qung, anh ta đã đề nghị đám đông rút lui có trật tự. Anh ta cho rằng việc dùng bạo lực trong một cuộc biểu tình phản chiến như vậy sẽ mang lại những điều tiếng không hay cho những người đấu tranh. Đám đông bắt đầu giải tán.
          Thế nhưng, một cuộc đụng độ với cảnh sát và các lực lượng vũ trang đã xảy ra trong lúc giải tán. Vài sinh viên chấp nhận chịu đòn để giải thoát cho những người khác. Tôi nhìn thấy một nữ sinh viên khoảng 20 tuổi đang chạy vội vào một góc phố, theo sau cô là một người đàn ông cầm gậy tuần tra hùng hổ đuổi theo. Tôi chạy đến với ý định tóm lấy cây gậy nhưng không kịp. Rồi tôi nghe thấy một tiến gthét vang lên, và cô gái quỵ xuống. Tôi giằng lấy cây gậy, giận đến nỗi chỉ muốn giết chết gã đàn ông ấy ngay tức khắc. Thế nhưng, ngay lúc đó, ngay trong những giây phút đầy thử thách đó, tôi đã nghe thấy một tiếng nói vang lên trong lòng mình: "bảo vệ lẽ phải là việc nên làm, nhưng điều đó không có nghĩa là mình được quyền hành động nông nổi". Tôi tiến về phía người đàn ông đó và từ bỏ ý định giết hắn.
          Lúc đó tôi chợt thấy mình trong một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, đồng thời tôi hiểu được những vấn đề mà trước đó mình luôn cảm thấy hoài nghi. Chúng tôi, những người phản chiến sẽ không thể lên tiếng ủng hộ chủ nghĩa hòa bình bằng những hành động bạo lực. Trong nhiều năm sau đó, tôi tự hào là mình đã biết tự chủ tốt hơn những người khác. Số người biện minh cho chiến tranh và bạo lực chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng sẽ ra sao nếu tôi giết chết người đàn ông đó? Chắc chắn tôi sẽ phải trả giá cho hành động của mình. Và điều quan trọng là sau hành động đó, tôi sẽ chẳng khác gì những con ngtười mà trước nay tôi đã từng khing bỉ.
          Từ việc nhận thức về chính bản thân và thấu hiểu được những gì đang diễn ra trong lòng mình, tôi hiểu được những người xung quanh. Trong suốt thời gian ở Boston, tôi không những đã hiểu được nguồn gốc của chiến tranh mà còn cả nguồn gốc của hòa bình.
(Life Lessons for Loving The Way You Live - Jennifer Read Hawthorne)

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Linh’s method: Tính nhanh tốc độ truyền NaCl 3% trong điều trị hạ natri máu

by Linh H. Vo on Sunday, April 22, 2012 at 6:15pm(facebook)

BS Lĩnh và các con (ảnh copy từ facebook cuả BS Lĩnh)

Kính tặng Thầy Thi Anh, nhớ lại những ngày mới vào nội trú

Thông thường,trong điều trị hạ natri máu mạn tính, chúng ta muốn nâng Na huyết tương khoảng 0.5 mmol/L/giờ. 
Nói cách khác, chúng ta muốn nâng Na huyết tương lên khoảng 10 mmol/L trong 20 giờ.
Lượng Na cần dùng  = 10( mmol) x P (cân nặng, kg) x  0.6 = 6 x P (mmol)       (lưu ý: x 0.5 cho phụ nữ)
Dung dịch 3% NaCl chứa 513 mmol Na trong mỗi lít hay 0.513 mmol/ml (milimeter)
Thể tích 3% NaCl cần truyền trong 20 giờ = lượng Na cần dùng/nồng độ dung dịch 3% NaCl = 6 x P / 0.513 
Thể tích 3% NaCl cần truyền trong 1 giờ = 6 x P/ 0.513 x 20 = 0.58 x P ≍  0.6 x P (ml/giờ)
Nếu chúng ta truyền 3% NaCl với tốc độ 0.6 x P ml/giờ thì theo lý thuyết, chúng ta có thể nâng Na huyết tương với tốc độ 0.5 mmol/L/giờ.

Linh’s method:   with P = body weight in kg
                           3% NaCl at( 0.6 x P) ml/h  to raise plasma Na by 0.5 mmol/L/h
                           (0.5 x P for women)
Thí dụ : Bệnh nhân nam 70 kg, có Na huyết tương là 110 mmol/L. Mục tiêu là nâng Na huyết tương lên 120 mmol/L trong 20 giờ (0.5 mmol/L/giờ)

Cách tính kinh điển:
Na cần dùng = 0.6 x 70 x 10 = 420 mmol trong 20 giờ
Thể tích 3% NaCl cần dùng trong 20 giờ = 420/0.513 ≍  819 ml
 Hay tốc độ truyền 3% NaCl =  819/20 ≍  41 ml/giờ

Cách tính nhanh theo Linh‘s method:
Tốc độ truyền 3% NaCl = 0.6 x P = 0.6 x 70 = 42 (ml/giờ) (gần đúng với cách tính kinh điển).
Nếu chúng ta đo ion đồ mỗi 2 giờ thì dù truyền 3% NaCl với tốc độ 41 ml/giờ hay 42 ml/giờ cũng không tạo khác biệt gây nguy hiểm nào cả.

Các ứng dụng khác:
  • Nếu chúng ta muốn nâng Na huyết tương nhanh hơn, thí dụ 1 mmol/L/giờ thì chúng ta tăng gấp đôi  tốc độ truyền 42 ml/giờ x 2 = 82 ml/giờ
  • Nếu chúng ta muốn nâng Na huyết tương chậm hơn (ở bệnh nhân xơ gan, có dùng thiazide), thí dụ 0.25 mmol/L/giờ,  thì chúng ta giảm một nửa tốc độ dịch truyền 42 ml/giờ  2 = 21 ml/ giờ
  • Trong trường hợp bệnh nhân có Na huyết tương 110 mmol/L, kèm theo co giật. Chúng ta muốn nâng Na huyết tương đến mức 115 mmol/L một cách khẩn cấp (tăng thêm 5 mmol/L nữa), thì chúng ta  tính thể tích 3% NaCl dùng để nâng Na huyết tương 0.5 mmol/L/giờ trong 10 giờ. Sau đó truyền thể tích này một lần (IV bolus) cho bệnh nhân.Ở ví dụ này: 42 ml/giờ x 10 giờ = 420 ml. Như vậy, chúng ta truyền khoảng 420 ml dung dịch 3% NaCl để nâng khẩn cấp Na huyết tương thêm 5 mmol/L (từ 110 mmol/L lên 115 mmol/L) ở người đàn ông 70 kg có triệu chứng co giật do hạ na tri máu.
     So sánh với cách tính kinh điển:
     Lượng Na cần dùng = 0.6 x 70 (kg) x 5 (mmoL) = 210 mmol/L
     Dung dịch 3 % NaCl chứa 0.513 mmol Na/ml. Vậy thể tích cần dùng là 210/0.513 ≍ 410 ml (xấp xỉ thể tích theo cách tính nhanh.)

Tóm tắt
Linh’s method là một phương pháp tính nhanh tốc độc bù NaCl 3% dựa trên công thức bù Na kinh điển.  Phương pháp này giúp cho bác sĩ lâm sàng có thể tính nhẩm một cách nhanh chóng tốc độ bù NaCl 3% mà không cần dùng đến máy tính cá nhân. Sự khác biệt giữa 2 phương pháp này là không đáng kể về mặt lâm sàng. Hơn nữa, dù dùng phương pháp nào, bệnh nhân cũng cần được theo dõi nồng độ natri huyết tương mỗi 2-4 giờ để tránh những tai biến do điều chỉnh hạ natri máu quá nhanh.