Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

TRÌNH BỆNH ÁN: MỘT TRƯỜNG HỢP RỐI LOẠN TRI GIÁC + HẠ NATRI MÁU - kỳ cuối


BS Thy Anh

CÁC BẠN ĐỌC NÊN XEM LẠI  KỲ 1KỲ 2 KỲ 3

BỆNH ÁN (tiếp theo)
Bệnh nhân được cho nhập viện, khám thấy môi lưỡi khô, véo da (+), tĩnh mạch cổ không nổi ở tư thế nằm ngang, tri giác không cải thiện. Huyết áp nằm 130/80 mmHg nhịp tim 100/ph, huyết áp ngồi thòng chân xuống giường 112/70 mmHg nhịp tim 115/ph. Kết quả xét nghiệm nước tiểu:
Na+    25 mmol/l
Cl-     69 mmol/l
K+     45 mmol/l
ALTT  420 mosm/kg
thể tích 1.6 lít
Xét nghiệm máu kiểm tra lần 2 không thay đổi.

CÂU HỎI 9
Nhận định nào sau đây đúng?
a/ Tập luyện thể dục quá sức có thể gây hạ natri đến tử vong
b/ Phần lơn các nguyên nhân hạ natri có thể chẩn đoán ngay từ bệnh sử của bệnh nhân.
c/ Nếu hạ natri mạn và không triệu chứng, có thể điều chỉnh tăng natri chỉ bằng biện pháp nhịn nước.
d/ Nếu hạ natri cấp, có triệu chứng hôn mê, co giật, có thể điều chỉnh natri tăng # 1 - 2 mmol/L/giờ trong 3 - 4 giờ đầu
e/ Có thể sử dụng thuốc kháng thụ thể vasopressin V2 trong điều trị các trường hợp SIADH

BIỆN LUẬN
          Tập luyện thể dục quá sức có thể gây hạ natri máu dẫn đến tử vong đã được báo cáo trên các vận động viên chạy marathon. Đây có thể là một dạng SIADH. Trước kia, người ta cho rằng hạ natri máu trong trường hợp này là do uống nước quá nhiều trong khi vận động viên đã bị mất nhiều chất điện giải và giảm thể tích ngoại bào do mất mồ hôi kéo dài. Tuy nhiên, các bệnh nhân này lại có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán SIADH và nồng độ ADH tăng không phù hợp cũng được phát hiện trên các bệnh nhân bị hạ natri máu nặng.

          CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN:
          Phần lớn các nguyên nhân hạ natri cấp và mạn có thể chẩn đoán dễ dàng bằng cách hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Ngày nay, các máy đo natri dùng electrode nên không cần phân biệt vấn đề hạ natri máu giả. Các trường hợp khó chẩn đoán, đòi hỏi nhiều xét nghiệm, thường là các trường hợp hạ natri máu mạn.
Để định hướng chẩn đoán, nên đánh giá kỹ tình trạng thể tích ngoại bào của bệnh nhân: bệnh nhân bị phù? (do dư thể tích ngoại bào, dư nước nhiều hơn dư natri), bệnh nhân có dấu mất nước như véo da (+), tĩnh mạch cổ xẹp, dấu hạ huyết áp tư thế? (do giảm thể tích ngoại bào, mất natri nhiều hơn mất nước) hoặc tình trạng thể tích bình thường (đẳng thể tích, tồng lượng natri bình thường nhưng dư nước do ADH). Các xét nghiệm thường làm thêm trong chẩn đoán hạ natri gồm: ALTT huyết tương, ALTT và natri nước tiểu, đường huyết, urea , creatinin máu, cortisol/ máu, TSH, FT4.
          Có thể sử dụng lưu đồ chẩn đoán hạ natri dưới đây (hình 1)
          Hình (1)

          ĐIỀU TRỊ HẠ NATRI MÁU:
          Điều trị các trường hợp hạ natri máu thật (giảm ALTT huyết tương, hạ natri nhược trương) cần phải cân nhắc giữa (1) nguy cơ tổn thương thần kinh không hồi phục do hạ natri và (2) biến chứng hủy myelin do điều trị. Điều trị sẽ căn cứ chủ yếu vào các biểu hiện thần kinh có hay không, đặc biệt là các triệu chứng nặng như co giật, lơ mơ hoặc hôn mê.

          HẠ NATRI MÁU KHÔNG TRIỆU CHỨNG:
          Hầu hết các trường hợp hạ natri máu thật đều có đi kèm rối loạn bài tiết nước, do đó, các bệnh nhân hạ natri máu không triệu chứng dù cấp hoặc mạn, ngoài việc điều trị nguyên nhân, ta phải ưu tiên  tiết chế nước để làm tăng natri máu. Ngoại lệ, các trường hợp hạ natri máu + giảm thể tích tuần hoàn vẫn cần phải khôi phục thể tích bằng dung dịch NaCl đẳng trương hoặc các trường hợp hạ natri máu nặng (Na < 110), bệnh nhân sẽ có nguy cơ xuất hiện các biểu hiện thần kinh năng, do đó, cho dù chưa có triệu chứng, vẫn nên điều chỉnh natri máu cho các bệnh nhân này bằng dung dịch NaCl ưu trương 3% nhưng với tốc độ thận trọng # 0.5 mmol/l/giờ và không quá 8 mmol/l mỗi ngày, phải ngưng NaCl 3% ngay khi natri máu vào khoảng 120 - 125 mmol/l.
          Các bệnh nhân hạ natri máu nhược trương mạn tính không triệu chứng, sau khi nhịn uống một lượng lớn nước hoặc sau khi đã được bồi hoàn thể tích, vẫn có thể bị biến chứng hủy myelin thân não nếu tăng natri máu quá nhanh. Do đó, tốc độ điều chỉnh natri trên các bệnh nhân này không được quá 0.5 mmol/l/giờ và không cho natri máu tăng > 8 mmol/l/ngày. Lưu ý, tiết chế nước vẫn có thể làm tăng natri nhanh hơn giới hạn an toàn nêu trên. Nếu natri máu tăng quá nhanh, có thể cho bệnh nhân sử dụng dung dịch nhược trương hoặc desmopressin.
          Các bệnh nhân hạ natri máu không triệu chứng có kèm phù hoặc hạ natri máu do SIADH sẽ ít bị biến chứng do điều trị vì vẫn còn bị giảm khả năng bài tiết nước. Hạn chế nước nhập (<800ml/ngày) là nền tảng điều trị lâu dài trên các bệnh nhân này, mục tiêu sao cho lượng nước xuất > nhập. Y lệnh hạn chế nước phù hợp có thể ước tính bằng cách đo natri máu, đo natri và kali trong một mẫu nước tiểu ngẫu nhiên, sau đó tính tỷ lệ (Na niệu + K niệu)/ Na máu. Nếu tỷ lệ > 1, nên hạn chế tối đa nước tự do, nếu tỷ lệ 0.5 - 1, nên hạn chế nước tự do < hoặc = 500 ml/ngày, nếu tỷ lệ < 0.5, nên hạn chế nước tự do ở mức < hoặc = 1000ml/ngày
          Trên các bệnh nhân suy tim nặng, tối ưu hóa điều trị rối loạn huyết động cho bệnh nhân bằng cách kết hợp nhiều biện pháp, kể cả các thuốc ức chế men chuyển, sẽ giúp bệnh nhân bài tiết lượng nước dư và làm tăng natri máu vừa phải. Các thuốc lợi tiểu quai (chống chỉ định các thiazide) ức chế khả năng cô đặc nước tiểu, giúp bài tiết nhiều nước hơn các chất điện giải, có thể góp phần làm tăng natri máu, giúp bệnh nhân không cần hạn chế nước quá nhiều.
          Trên các bệnh nhân SIADH không bị phù, nên dùng lợi tiểu quai kết hợp với chế độ ăn nhiều muối (ăn mặn hoặc dùng thêm viên muối) để làm tăng khả năng bài tiết nước. Nếu biện pháp này thất bại, có thể cho bệnh nhân demeclocycline, liều khởi đầu 600 mg mỗi ngày, chia làm 2 - 3 lần để gây đái tháo nhạt do thận, tác dụng bắt đầu xuất hiện sau 3 đến 6 ngày, nên uống thuốc sau bữa ăn 1 - 2 giờ. Vì thuốc này có độc tính trên thận, cần theo dõi kỹ chức năng thận cho bệnh nhân, đặc biệt trên các bệnh nhân xơ gan. Nếu bệnh nhân không uống đủ nước, thuốc này lại có thể gây tăng natri máu. Hiện nay, các thuốc đối kháng thụ thể vasopressin V2 dạng uống (tolvaptan, lixivaptan, stavaptan) mang lại nhiều hứa hẹn trong điều trị hạ natri máu mạn do SIADH nhưng vẫn chưa được phép sử dụng trên lâm sàng.
          Các bệnh nhân hạ natri máu không nhược trương (ví dụ tăng đường huyết) cần được tập trung điều trị bệnh căn bản như điều chỉnh đường huyết bằng insulin. Lưu ý bồi hoàn nước, natri và kali đầy đủ cho các bệnh nhân này. Các bệnh nhân hạ natri do suy thận, nếu suy thận nhẹ, có thể dùng furosemide, nếu nặng, lọc máu là điều trị tốt nhất.

          HẠ NATRI MÁU CÓ TRIỆU CHỨNG
          Các bệnh nhân hạ natri máu có triệu chứng, nếu nước tiểu còn cô đặc (ALTT > 200mosm/kgH2O) và có thể tích ngoại bào bình thường hoặc tăng, cần truyền tĩnh mạch dd muối ưu trương  theo công thức (1) hoặc (2) để điều chỉnh natri máu nhanh một cách có kiểm soát. Để tránh quá tải thể tích do truyền dịch tĩnh mạch,  có thê kết hợp furosemide khi truyền dịch cho bệnh nhân. Furosemide gây lợi tiểu với nước tiểu tương tự dd muối nhược trương (0,45%) nên sẽ giúp làm tăng natri máu nhanh hơn, đồng thời, bệnh nhân vẫn tiếp tục mất nước qua da và hơi thở nên phải theo dõi natri máu cẩn thận hơn. Lưu ý, bệnh nhân vẫn phải tiết chế nước tự do trong thời gian điều trị. 
          Nếu hạ natri do các nguyên nhân bệnh nội tiết như suy giáp hoặc suy thượng thận, cần cho thêm hormon thay thế sau khi đã lấy máu xét nghiệm kiểm tra chẩn đoán.
          Phần lớn các bệnh nhân hạ natri có triệu chứng với giảm thể tích tuần hoàn sẽ cải thiện ngoạn mục bằng dd natri đẳng trương truyền tĩnh mạch.
          Các bệnh nhân bị co giật cần được cho ngay thuốc chống động kinh và hô hấp hỗ trợ đầy đủ.
          Các bệnh nhân hạ natri máu có triệu chứng nhưng nước tiểu loãng (ALTT<200mosm/kgH2O), nếu triệu chứng không nặng, thường chỉ cần tiết chế nước và theo dõi chặt chẽ.  Nếu xuất hiện triệu chứng nặng, cần truyền dd natri ưu trương ngay. Bù natri theo các công thức (1) hoặc (2), hoặc theo công thức truyền thống (3).
          Tốc độ điều chỉnh natri máu không nên quá nhanh để tránh nguy cơ biến chứng hủy myelin do thẩm thấu nhưng cũng không quá chậm nếu bệnh nhân có triệu chứng bị phù não nặng. Người ta nhận thấy chỉ cần tăng natri máu thêm # 5% củng có thể bớt phù não. Ngay cả trường hợp các cơn co giật do hạ natri cũng có thể được kiểm soát ngay nếu làm tăng natri máu thêm khoảng 3 đến 7 mmol/L Phần lớn các trường hợp biến chứng hủy myelin do thẩm thấu xảy ra trên các bệnh nhân được điều chỉnh natri máu nhanh > 12 mmol/L/ 24 giờ, một số trường hợp chỉ tăng 9 đến 10 mmol/L/ 24 giờ hoặc 19 mmol/L/48 giơ. Do đó, tốc độ điều chỉnh không nên vượt quá 12 mmol/L/24 giờ ( 0.5 mmol/L/giờ) hoặc tốt nhất không quá 8 mmol/L/24giờ. Tuy vậy, nếu bệnh nhân có triệu chứng nặng vì natri máu quá thấp hoặc vì hạ natri cấp tính, tốc độ điều chỉnh trong 3 hoặc 4 giờ đầu tiên có thể nhanh hơn, điều chỉnh Na+ tăng khoảng 1 hoặc 2 mmol/L/giờ để tránh tổn thương phù não do nhược trương. Nhưng sau đó, ta phải gỉam tốc độ điều chỉnh ngay khi triệu chứng thần kinh của bệnh nhân bắt đầu cải thiện hoặc ngay khi natri máu bệnh nhân đã đạt 125 - 130 mmol/L (có thể thấp hơn, ví dụ 120 mmol/L, nếu natri máu ban đầu cuả bệnh nhân # 100 mmol/L). Tiếp theo, bắt đầu kế hoạch điều trị dài hạn cho bệnh nhân.

          CÁC CÔNG THỨC BÙ NATRI
           
           công thức bù natri (1)
dự tính kết quả natri máu của bệnh nhân sau khi được truyền tĩnh mạch 1 lít dd natri
Na+ máu dự đoán tăng thêm = (Na+ dịch truyền - Na+ máu) / (tổng lượng H2O cơ thể + 1)
          công thức bù natri (2)
dự tính kết quả natri máu của bệnh nhân sau khi được truyền tĩnh mạch 1 lít dd natri + kali
Na+ máu dự đoán tăng thêm = [(Na+ dịch truyền) + (K+ dịch truyền) - (Na+ máu)] / (tổng lượng H2O cơ thể + 1)  

công thức truyền thống (3)
Dự tính lượng natri cần bù để làm tăng natri máu bệnh nhân đến một trị số mong muốn.
Natri cần bù  = tổng lượng H2O cơ thể (Na+ máu mong muốn - Na+ máu bệnh nhân)
           
lưu ý: các công thức trên chỉ là các tính toán ước chừng, căn cứ trên các chỉ số xét nghiệm của bệnh nhân được lấy tại một thời điểm, trong khi đó, các rối loạn nước điện giải và các cơ chế đáp ứng sinh lý của bệnh nhân vẫn tiếp diễn không ngừng. Do đó, kết quả dự đoán không bao giờ giống hoàn toàn với tính toán, ta phải theo dõi natri máu và triệu chứng lâm sàng chặt chẽ trong suốt thời gian điều trị.

CÂU ĐÚNG
A, B, C, D và E

CÂU HỎI 10
Xử trí nào phù hợp với trường hợp của bà X.
a/ ngưng thuốc lợi tiểu
b/ truyền tĩnh mạch dung dịch NaCl 0.9%
c/ truyền tĩnh mạch dung dịch NaCl 3%
d/ Bù thêm kali trong dịch truyền NaCl
e/ Kiểm tra natri máu 12 giờ một lần sau khi bắt đầu điều trị

BIỆN LUẬN
Chẩn đoán phù hợp nhất với trường hợp của bà X. : Hạ natri mạn tính có triệu chứng + Gỉam thể tích, nguyên nhân do thuốc lợi tiểu thiazide. Vì vậy, trong điều trị, ta phải ngưng ngay thuốc lợi tiểu đang sử dụng.
Bệnh nhân bị giảm thể tích, hạ natri kèm hạ kali, ta sẽ bù natri bằng dd natri đẳng trương 0.9% kèm thêm kali, theo công thứ (2).
Dự tính kết quả natri máu sau khi được truyền tĩnh mạch 1 lít dd natri + kali:
Na+ máu dự đoán tăng thêm = [(Na+ dịch truyền) + (K+ dịch truyền) - (Na+ máu)] / (tổng lượng H2O cơ thể + 1)
1 lít dd natri 0.9% có 154 mmol Na+
K+ thêm vào 1 lít natri 0.9% : 30 mmol
1 lít huyết tương bệnh nhân hiện có 111 mmol Na+
tổng lượng H2O cơ thể = 0.45 x P kg cân nặng = 0.45 x 60 kg = 27 lít ((vì bệnh nhân này lớn tuổi, ta nhân P kg với 0.45 thay vì 0.50))
Na+ máu dự đoán tăng thêm sau khi truyền 1 lít dd natri 0.9% có pha kali :
(154 + 30  - 111)/(27+ 1) = 2.6 mmol/L
Một khi thể tích đã được bồi hoàn, các cơ chế gây tăng tiết ADH liên quan đến thể tích sẽ không còn nữa, nước tự do sẽ được bài tiết khiến natri máu sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó, ta sẽ truyền tĩnh mạch dung dịch trên với tốc độ 1 lít trong 2 giờ, sau đó kiểm tra natri máu và kali máu. Nếu natri máu tăng thêm 5% (# 5 mmol/L), có thể tiếp tục truyền dịch đẵng trương nhưng với một tốc độ chậm hơn và nên cho bệnh nhân uống thêm nước có pha kali để làm chậm tốc độ bù natri lại. Cũng có thể dùng dd natri 0.45% (Na+ 77mmol/L) bù trong các giờ tiếp theo với tốc độ 100 ml/ giờ và kiểm tra sinh hiệu, natri máu, mỗi 4 giờ.
Tốc độ điều chỉnh natri máu cho bà X. không được vượt quá 12 mmol/L/24 giờ (<0.5 mmol/L/giờ), tốt nhất không nên tăng quá 8 mmol/L/24giờ

CÂU ĐÚNG
A,B và D

CÂU HỎI 11
Nếu bà X. không có dấu mất nước, không bị hạ áp tư the, kali máu = 4.5 mmol/l và không có tiền sử dùng lợi tiểu, xử trí nào sau đây là phù hợp
a/ nhịn nước
b/ truyền tĩnh mạch dung dịch NaCl 3%
c/ truyền tĩnh mạch dung dịch NaCl 0.9%
d/ tốc độ điều chỉnh natri tăng # 0.5 mmol/L/giờ và không quá 10 - 12 mmol/L sau 24 giờ
e/ nếu bà X. hôn mê, co giật do hạ natri, có thể tăng tốc độ điều chỉnh natri # 1 - 2 mmol/L/giờ trong 3 giờ đầu điều trị

BIỆN LUẬN
Nếu bà X. không có dấu mất nước, không bị hạ áp tư the, kali máu = 4.5 mmol/l và không có tiền sử dùng lợi tiểu, chẩn đoán phù hợp nhất : Hạ natri mạn tính có triệu chứng, có thể do SIADH.

Bệnh nhân cần được tiết chế nuớc, sao cho lượng nước nhập < lượng nước xuất.

Vì bà đã có biểu hiện thần kinh và không bị giảm thể tích, ta cần truyền dd natri ưu trương để điều chỉnh natri máu.

Không nên truyền dd Natri 0.9% cho các bệnh nhân SIADH vì sẽ làm nặng thêm tình trạng hạ natri. Gỉai thích như sau, với một chế độ ăn bình thường, ta cần bài tiết # 600 mosm các chất thẩm thấu qua nước tiểu mỗi ngày.Thận người bình thường có thể làm loãng nước tiểu tối đa khi không có ADH, giảm ALTT nước tiểu còn # 50 mosm/L, thể tích nước tiểu bài tiết có thể đến 12 lít/ ngày (600/50 = 12). Bệnh nhân SIADH không thể làm loãng nước tiểu như vậy vì lúc nào cũng dư thừa ADH, ví dụ, ALTT nước tiểu của bà X = 420, vậy muốn bài tiết được 1 lít dd NaCl 0.9% (có 154 x 2 = 308 mosm) thể tích nước tiểu cần thiết sẽ là 308/420 = 0.733 lít. Nếu bà X được truyền tĩnh mạch 1 lít dd NaCl 0.9%, bà sẽ bị ứ đọng trong cơ thể 0,267 lít nước (1 - 0.733 = 0.267). Lượng nước tự do ứ đọng này sẽ làm hạ thêm natri máu của bệnh nhân.
hình 2 - ARGUS Infusion Pump

Lưu ý: Để bảo đảm truyền tĩnh mạch dd natri ưu trương thật chính xác, nên sử dụng máy đếm giọt hoặc bơm tiêm tự động. (hình 2)
Ta có thể sử dụng công thức bù natri (1) hoặc công thức bù natri truyền thống (3)

Sử dụng công thức bù natri (1) :
dự tính kết quả natri máu sau khi được truyền tĩnh mạch 1 lít dd natri 3%
Na+ máu dự đoán tăng thêm = (Na+ dịch truyền - Na+ máu) / (tổng lượng H2O cơ thể + 1)
1 lít dd natri 3 % có 513 mmol Na+ ( # 2 mml  dd sẽ có 1 mmol Na+)
1 lít huyết tương bệnh nhân hiện có 111 mmol Na+
tổng lượng H2O cơ thể = 0.45 x P kg cân nặng = 0.45 x 60 kg = 27 lít
Na+ máu dự đoán tăng thêm sau khi truyền 1 lít dd natri 3% :
(513 - 111)/(27+ 1) # 14mmol/L
Trong 24 giớ, không được điều chỉnh natri máu tăng quá 12 mmol/L, do đó, thể tích dd natri ưu trương truyền trong 24 giờ:
12 mmol / 14 mmol = 0.85 L = 850 ml
Mỗi giờ Thể tích dd natri 3% cần truyền cho bệnh nhân :
850 ml / 24 giờ = 35.4 ml/ giờ

Nếu bà X. hôn mê, co giật do hạ natri, có thể tăng tốc độ điều chỉnh natri # 1 - 2 mmol/L/giờ trong 3 - 4 giờ đầu
Na+ dự đoán tăng thêm trong 4 giờ đầu:
1 mmol/L X 4 giờ = 4 mmol/L
Thể tích dd natri 3% cần truyền trong 4 giờ đầu
4 mmol / 14 mmol = 0.285 L = 285 ml
Trong 4 giờ đầu, mỗi giờ Thể tích dd natri 3% cần truyền cho bệnh nhân :
285 ml / 4 = 71 ml/ giờ

Ta cũng có thể dùng công thức bù natri truyền thống (3):
Natri cần bù = tổng lượng H2O cơ thể X (Na+ máu mong muốn - Na+ máu bệnh nhân)
Vì không được điều chỉnh natri máu tăng quá 12 mmol/L/24 giờ, nên (Na+ máu mong muốn - Na+ máu bệnh nhân) = 12 mmol/L
Natri cần bù trong 24 giờ
27 L (12 mmol) = 324 mmol
2 ml dd natri 3% có 1 mmol Na+, vậy thể tích dd natri ưu trương cần truyền trong 24 giờ :
2 ml X 324 mmol = 648 ml
Mỗi giờ Thể tích dd natri 3% cần truyền cho bệnh nhân:
648 ml / 24 = 27 ml

Nếu bà X. hôn mê, co giật do hạ natri, có thể tăng tốc độ điều chỉnh natri # 1 - 2 mmol/L/giờ trong 3 - 4 giờ đầu
Na+ dự đoán tăng thêm trong 4 giờ đầu :
1 mmol/L X 4 giờ = 4 mmol/L
Thể tích dd natri 3% cần truyền trong 4 giờ đầu
Natri cần bù  = tổng lượng H2O cơ thể (Na+ máu mong muốn - Na+ máu bệnh nhân)
(Na+ máu mong muốn - Na+ máu bệnh nhân) = 4 mmol/L
Natri cần bù trong 4 giờ :
27 L (4 mmol) = 108 mmol
2 ml dd natri 3% có 1 mmol Na+, Thể tích dd natri 3% cần truyền trong 4 giờ đầu
2 ml X 108 mmol = 216 ml
Trong 4 giờ đầu, mỗi giờ Thể tích dd natri 3% cần truyền cho bệnh nhân :
216 / 4 = 54 ml

CÂU ĐÚNG
A,B,D và E

Không có nhận xét nào: