Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Mẹ và con

Nhị Tường

Mẹ và Con - tranh cuả họa sĩ Lê thị Lựu

- Thưa mẹ con mới về.
- Trời ơi, con gái, sao con lại cột hai vạt áo dài như đai võ sĩ thế kia.
- Hi hi, cho gọn gàng mà mẹ, con ngồi tà áo cứ quét dưới đất dơ lắm.
- Ai biểu con theo mô đen may cái tà áo dài sát gót làm chi, mà sao ba hột nút trên cổ mở tung ra như vậy? Sao con ăn mặc không giống ai, không ra con gái chút nào cả.
- Trời nóng quá mà mẹ, mẹ không biết đâu, trong lớp con đứa nào cũng mở nút cổ ra cả. Con ghét mặc áo dài ghê.
- Cái thời của mẹ, mặc áo dài không phải như con bây giờ…
- Dạ, con biết mẹ sẽ nói gì rồi, áo dài không hở hai bên hông, phải mặc áo lá bên trong, không phải vải mỏng như bây giờ.. vv. Mẹ ơi, mẹ cổ lổ sĩ quá đi. Mẹ ơi, có cơm chưa, con đói quá rồi mẹ ơi, hôm nay có sinh hoạt lớp, cô giáo bắt cả lớp ở lại trễ… 

* * *

- Mẹ ơi, tối nay con đi ngủ sớm, mai con có giờ thể dục, nếu con có ngủ nướng, mẹ cố gắng kéo con dậy nhé, đừng để con bị trễ.
- Ừ, con ngủ sớm đi, mai mẹ đánh thức con dậy.
….
- Mẹ ơi, con không ngủ được, chắc tại tối nay con ăn kem nhiều quá. Con muốn đọc một chút. Mẹ có cuốn sách gì hay không, cho con xem với.
- Con đọc cuốn Hoàng Tử Bé đi, đọc cuốn này con sẽ có giấc mơ đẹp.
- Mẹ ơi, con đã mười sáu tuổi rồi đọc truyện cổ tích chi nữa mẹ
- Chuyện cổ tích dành cho người lớn đó con, mẹ thích cuốn này vì cụ Bùi Giáng dịch hay. Đây là cuốn sách gối đầu giường của mẹ ngày mẹ bằng tuổi con
- Bùi Giáng là ai hả mẹ? Truyện gì mà mới nhìn vào con thấy chán phèo rồi, toàn là độc thoại. A, cái hình hoàng tử bé này coi được đó. Bọn con thích con trai có mái tóc như thế này nè, nhuộm vàng, xịt keo, bết lại với nhau và dựng đứng lên, như ngọn lửa… Giống nam diễn viên Hàn Quốc Li… trong phim Chuyện tình vượt thời gian đó mẹ.  

* * *

- Mẹ ơi, sao mẹ cứ thích nghe hoài bản nhạc này.
- Sonate ánh trăng của Beethoven đó con. Ánh trăng của mối tình giữa người nghệ sỹ thiên tài bị điếc và cô gái mù xinh đẹp. Bằng âm nhạc, cô gái mù đã cảm nhận được ánh trăng và tình yêu của chàng…
- Sao con nghe nhạc này con thấy mỏi mệt, tức ngực quá, con thích nhạc techno để vung tay lắc chân cho thoải mái. “Nếu thích em rồi thì anh hãy nói ngố ai nì, anh yêu em sao lại không nói ra hỡi chàng, đã thích em rồi thì anh hãy nói ngồ ai ni, lòng này đã ngóng trông từ lâu”
- Con hát cái gì nghe chướng tai thế? Ai mà con gái lại đi hát những câu lẳng lơ như thế không ra làm sao cả, không được đâu con. Ngày xưa các cô con gái nhà lành mà hát bài Mộng Chiều Xuân có câu “gió chiều thầm vương bao nhớ nhung, người yêu thoáng qua trong giấc mộng…” là bị người ta chỉ trích đó con ạ.
- Mẹ ơi, thời phong kiến qua lâu rồi mà mẹ. 

* * *

- Bộ sưu tập tem hả con?
- Không mẹ à, hình diễn viên Hàn Quốc đó mẹ, con có ghi chú cả chiều cao, cân nặng, sở thích của các diễn viên nữa nè mẹ. Mẹ xem nè, Jang Dong Gun, thần tượng của con nè. Bọn con gái lớp con mỗi đứa lựa cho mình một người. Con thích lối cầu hôn của anh ta trong phim Lối sống sai lầm, thuê cả một nhà hàng, một con thuyền và nấu cho người mình yêu món ăn thật ngon…
- Ngày xưa, mẹ chỉ sưu tầm danh nhân, thần tượng của mẹ là Albert Einstein.
- Albert Einstein là ai vậy mẹ?
- Là cha đẻ của thuyết tương đối, hình như có hình của ông trong sách Vật Lý, con mở ra thì thấy.
- Thuyết tương đối nó như thế nào hả mẹ.
- À, đại khái là “khi để bàn tay bạn trên lò lửa một phút, ta tưởng như lâu một giờ. Khi ngồi gần cô gái đẹp một giờ ta tưởng chỉ mới một phút. Ðó là sự tương đối.
- Nghe cũng thú vị, nhưng mà trông ổng xấu xí quá, con chỉ thích sưu tầm những chân dung đẹp trai thôi 

* * *

- Mẹ ơi, món nem nướng này mẹ làm ngon tuyệt, nhất là nước tương. Mẹ chỉ cho con cách làm đi
- Ừ, cách làm nước tương này là bí quyết bà ngoại dạy cho mẹ đó con. Bây giờ người ta dùng bột mì cho sệt, nhưng ngày xưa thì dùng cốm vắt. Loại nếp cô với đường đóng lại thành bánh người ta thường làm để bán trong ngày tết đó. Thời nay không ai ăn loại bánh quê mùa này nên nó cũng tuyệt chủng dần dần. Mẹ phải mua loại bông nếp nổ dành cúng cô hồn về để chế biến. Nước tương bây giờ làm không được ngon như trước kia đâu. Nhiều thứ bánh ngon được chế biến tân tiến hiện nay, không còn ai làm những thứ bánh như ngày xưa để bán nữa cả.
- Tiếc quá hả mẹ. Nếu có cốm vắt, chắc là món nem nướng này sẽ còn ngon lắm.
- Lần đầu tiên, mẹ thấy con tiếc cho cái ngày xưa của mẹ đó con gái.
- Ứ.. ư, mẹ nói con chỉ có tâm hồn ăn uống thôi hở…

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

CHA & CON

Bùi Công Trường (sưu tầm & chuyển ngữ)


Một cụ già 80 tuổi đang ngồi trên ghế trường kỷ trong nhà với người con trai 45 tuổi có trình độ học vấn cao. Thình lình, một con quạ đậu trên cửa sổ nhà họ.
Người cha hỏi con trai:
- Đây là con gì vậy?
Người con trả lời:
- Đó là con quạ.
Vài phút sau, người cha hỏi con lần thứ hai:
- Đây là con gì vậy?
Người con đáp:
- Cha ơi, con vừa mới nói với cha “Đó là con quạ.”
Một chốc sau, người cha lại hỏi con lần thứ ba:
- Đây là con gì vậy?
Lần này, sự biểu hiện bực tức được cảm nhận trong giọng điệu của người con cự cãi với cha:
- Đó là con quạ, con quạ.
Một chốc sau, người cha lại hỏi con lần thứ tư:
- Đây là con gì vậy?
Lần này, người con hét vào mặt cha:
- Tại sao ông cứ hỏi đi hỏi lại tôi cùng một câu, dù tôi đã bảo ông nhiều lần ‘ĐÓ LÀ CON QUẠ’. Bộ ông không thể hiều được câu này sao?
Một chốc sau, người cha đi vào phòng và quay trở lại với một quyển nhật ký cũ mèm mà ông đã cất giữ từ khi đứa con trai mới được sinh ra. Giở ra một trang, ông bào người con đọc trang ấy. Người con đọc đến chỗ những dòng chữ được ghi lại trong quyển nhật ký như sau :
“Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi của tôi đang ngồi cùng với tôi trên ghế trường kỷ, lúc ấy có một con quạ đang đậu trên cửa sổ. Con trai tôi đã hỏi tôi đến 23 lần “Đó là con gì?” và tôi đã trả lời nó tất cả 23 lần “Đó là con quạ”. Tôi đã ôm chặt nó một cách âu yếm mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi lập đi lập lại đến 23 lần. Tôi không cảm thấy bực tức chút nào mà còn trào dâng niềm yêu thương đứa con trai thơ dại”.
Trong khi đứa con thơ hỏi 23 lần “Đây là con gì?”, người cha chẳng hề cảm thấy bực bội khi trả lời cùng một câu hỏi đến 23 lần, và rồi đến hôm nay, người cha hỏi con mình cùng một câu hỏi chỉ có 4 lần, người con đã cảm thấy bực tức và nổi giận. Vậy thì….. khi cha mẹ bạn đến tuổi già nua, đừng cự tuyệt cha mẹ một cách thô bạo và xem cha mẹ như một gánh nặng, mà hãy nói chuyện với cha mẹ bằng những ngôn từ đầy ân tình, dịu ngọt, tôn kính, khiêm cung, và tử tế. Bạn hãy ân cần chu đáo với cha mẹ bạn. Kể từ hôm nay, bạn hãy dõng dạc hô to điều này: “ Tôi mong sao cha mẹ tôi hạnh phúc mãi mãi. Cha mẹ đã từng chăm nuôi tôi từ khi tôi còn là đứa trẻ, cha mẹ đã luôn luôn thể hiện một tình yêu quên mình dành cho tôi. Cha mẹ đã trèo đèo vượt suối mà chẳng  ngại bão giông và nóng bức để hôm nay giúp cho tôi được nên người trong xã hội.
Hãy cầu Chúa Trời: “Con nguyện sẽ phụng sự cha mẹ già của con một cách tốt nhất. Cho dù cha mẹ có đối xử với con thế nào đi nữa, con sẽ nói với cha mẹ yêu kính của con bằng những ngôn từ thật tốt lành và tử tế.

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Đạo đức nghề nghiệp


Bác sĩ vội vã vào bệnh viện sau khi nhận một cuộc gọi khẩn cấp. Ông đồng ý tức khắc, thay quần áo và đến thẳng khoa phẫu thuật. Ông nhìn thấy cha của đứa bé đang đi qua đi lại nơi tiền sảnh, đợi bác sĩ. Vừa thấy ông, người cha lớn tiếng:
- Tại sao ông không tức tốc chạy đến hả? Ông không biết là tính mạng của con trai tôi đang gặp nguy hiểm sao? Bộ ông không có tinh thần trách nhiệm à?”
Bác sĩ mĩm cười, đáp:
- Tôi xin lỗi, tôi đã không có mặt ở bệnh viện và không đến được thật nhanh như mong muốn sau khi nhận được cuộc gọi….Và bây giờ, tôi mong là ông hãy bình tĩnh để tôi có thể tiến hành công việc của tôi”.
Người cha giận dữ:
- Bình tĩnh ư ? Giá như giờ đây con trai ông đang ở trong phòng này, liệu ông có còn bình tĩnh được không? Nếu như bây giờ con trai ông chết, ông sẽ làm gì đây?”
Bác sĩ lại mĩm cười, đáp:
- Tôi sẽ nói điều mà Job* đã nói trong Kinh Thánh: “Phúc thay hồng ân Chúa, chúng ta đến từ cát bụi và sẽ trở về cát bụi.” Các bác sĩ không thể nào làm cho cuộc sống kéo dài. Hãy bắt đầu cầu nguyện cho con ông, chúng ta sẽ cố gắng hết sức trông nhờ ơn Chúa”.
Người cha lầm bầm:
- Khuyên người ta mà mình chẳng bận tâm gì thì dễ quá. 
Sau cuộc giải phẫu mất vài giờ, bác sĩ vui vẻ trở ra:
- Tạ ơn Chúa, con trai ông được cứu sống rồi .
Và không chờ người cha đáp lời, vị bác sĩ vừa tiếp tục rảo bước, vừa căn dặn:
- Nếu có thắc mắc gì, ông cứ hỏi cô y tá.
Vài phút sau khi bác sĩ bỏ đi, người cha gặp cô y tá và buông lời chê trách:
- Sao ông ta cao ngạo thế? Ông ta không thể nán lại vài phút để tôi hỏi thăm tình trạng con tôi ra sao à?
Nước mắt đầm đìa trên mặt, cô y tá trả lời:
“Con trai ông ấy mới chết ngày hôm qua trong một tai nạn giao thông. Ông đang dự đám tang thì chúng tôi gọi ông về để giải phẫu cho con trai ông. Rồi vì đã cứu sống được con trai ông, ông ấy phải rời khỏi đây ngay để hoàn tất cho xong lễ tang con trai mình”.
BÀI HỌC LUÂN LÝ: Đừng bao giờ vội phê phán ai… bởi vì bạn không bao giờ biết rõ cuộc sống của họ ra sao và họ đang gánh chịu những gì. Xin đừng quên chia sẻ lòng nhân ái cao đẹp này.
*Job: Người chịu đựng nhiều thống khổ nhưng vẫn không mất đức  tin nơi Chúa.

Bùi Công Trường (sưu tầm & chuyển ngữ)

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

ANSEL ADAMS 400 PHOTOGRAPHS

Thy Anh

Ansel Adams 400 photographs chính là một bộ sưu tập thu gọn hầu như toàn bộ các sáng tác quan trọng của một nhiếp ảnh gia bậc thầy trong thế kỷ hai mươi.


ANSEL ADAMS, BẬC THẦY NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT NƯỚC MỸ THẾ KỶ HAI MƯƠI

Ansel Adams
            Theo tôi, nhiếp ảnh gia Ansel Adams chính là một bậc thầy cuả thể loại ảnh phong cảnh của thế kỷ XX. Trước năm 1975, tôi đã biết đến ông qua một số bài viết trên các tạp chí nhiếp ảnh nước ngoài. Năm ngoái, thật may mắn, vào một dịp lang thang trong hiệu sách Kinokuniya ở Kuala Lumpur, tôi mua được một quyển sách ảnh tuyệt đẹp của ông với giá giảm chỉ còn một nửa, quyển "Ansel Adams 400 photographs" của Andrea G. Stillman.
            Sinh ra và lớn lên ở San francisco, Ansel Adams tự học chơi đàn piano ở tuổi 12 và mơ ước trở thành một nhạc sĩ . Thậm chí ông còn bỏ cả học để dành toàn bộ thời gian cho âm nhạc. Tuy nhiên, vào năm 19 tuỗi, ông lần đầu tiên được đến công viên quốc gia Yosemite và bị mê hoặc ngay bởi sự hùng vĩ và vẽ đẹp của Sierra Nevada. Khi trở về nhà, ông nài nỉ cha mẹ mua cho mình một chiếc máy ảnh để ông có thể lưu giữ lại tất cả các phong cảnh đẹp lộng lẫy ông thầy được ngoài thiên nhiên. Sau khi Adams có được một chiếc máy ảnh, ông chuyển thời gian qua chụp ảnh và giảm thời gian chơi piano.
            Cùng với chiếc máy ảnh Kodak No.1 Brownie, Adams đi bộ đường dài, leo núi, cắm trại, và đã chụp được hàng trăm bức ảnh về công viên quốc gia. Ông gia nhập câu lạc bộ Sierra và trở thành thủ môn của đội Leconte Memorial Lodge ở đó suốt 4 mùa hè. Câu lạc bộ thường xuất bản các bản tin định kỳ, nên đến năm 1924 Adams đã nhận ra một cơ hội để biến thú vui chụp ảnh của mình thành một nghề thực sự.
Mùa hè sau sinh nhật lần thứ 22, ông đã ở lì trong phòng tối và tạo ra những kiệt tác đầu tiên của mình. Sự cống hiến của ông cho nghệ thuật nhiếp ảnh đã được đền đáp và đó là cơ sở cho một bước ngoặt lớn của cuộc đời sự nghiệp của ông. Câu lạc bộ Sierra đã đồng ý đăng một số bức ảnh của ông trong bản tin câu lạc bộ vào mùa thu năm đó. Ngay lập tức, những bức ảnh đó nhận được nhiều khen ngơi vì tính tương phản nổi bật và vì chiều sâu đầy mê hoặc của chúng. Từ đó, Adams đã tìm ra tiếng gọi của cuộc đời mình. Ông đã trở thành cộng tác viên thường xuyên cho bản tin câu lạc bộ cho đến năm 1928. Khi đo ông đã tích lũy đủ số tác phẩm để mở một cuộc triển lãm riêng cho mình tại trụ sở của câu lạc bộ Sierra ở San Francisco. Chương trình thu hút được sự quan tâm của quần chúng cả nước và truyền cảm hứng cho ông cống hiến hết phần đời còn lại cho nhiếp ảnh và bảo tồn thiên nhiên.

ANSEL ADAMS 400 PHOTOGRAPHS

            Trong Ansel Adams 400 photographs, Andrea G. Stillman biên tập các tác phẩm của Ansel theo trình tự thời gian từ năm 1920 đến năm 1968, nhiều tác phẩm hầu như chưa từng được công bố. Bạn có thể tìm thấy trong sách những tác phẩm quan trọng nhất của ông, những tác phẩm đã trở thành những sáng tác kiểu mẫu và kinh điển của nghệ thuật nhiếp ảnh Mỹ trong thế kỷ hai mươi. Ansel Adams 400 photographs đã trình bày rất rõ ràng toàn bộ sự phát triển về phong cách và khuynh hướng sáng tác của Ansel trong từng thời kỳ, qua đó, bạn sẽ dễ dàng hiểu được tại sao ông đã trở thành nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất và cũng được yêu quý nhật tại Mỹ. Sau đây mời các bạn xem tóm tắt các chương chính trong sách:

1916 -1930 - Yosemite & the high Sierra
            Các tác phẩm đầu tay ông chụp ở công viên quốc gia Yosemite bằng chiếc máy ãnh đầu tiên của mình, trong một kỳ nghỉ với gia đình, các tác phẩm này được cha ông dán cẩn thận trong một album chú thích bằng viết màu trắng. Cuối chương này là những tác phẩm có chất lượng hơn, được ông chụp ở Canada vào năm 1928.


1931 - 1940 - Group F/64 & Alfred Stieglitz
            Các sáng tác của ông trong  giai đoạn này chịu ảnh hưởng của các đồng nghiệp trong Group F/64 và của  Alfred Stieglitz, nhiếp ảnh gia nổi tiếng đồng thời là giám đốc của nhiều phòng triển lãm nghệ thuật đương đại. Ông bắt đầu chụp ảnh những vật đời thường theo kiểu tả chân. Ông gọi những sáng tác kiểu này là "the microscopic revelations of the lens". Các tác phẩm thời kỳ này được in bằng giấy ảnh láng, in thật sắc nét, đúng kiểu ảnh chụp, khác hẳn một số sáng tác vào những năng 1920, in trên giấy vẽ, trông như tranh vẽ bằng than.
Bố cục ảnh của ông trong thời kỳ này cũng thay đổi. Bố cục không còn lẫn lộn như trước mà luôn nêu bật chủ đề mô tả, dù là ảnh tĩnh vật, ảnh kiến trúc hay ảnh phong cảnh. Đặc biệt, ông thích hạ đường chân trời xuống rất thấp và tả rất kỹ những đám mây.

leaves frost stump october morning 1931
leaves mills college 1931
boards and thistles 1932
MtLydellandMtMcClureYosemite 1936
Jeffery Pine Sentinel Dome Yosemite 1940

1940 - 1949 - National parks & monuments
            Giai đoạn này ông tập trung chụp ảnh công viên quốc gia California và vùng Tây Nam 

Moonrise, Hernandez, New Mexico1941
The Tetons and the Snake River (Wyoming, 1942)
Mt williamson sierrs nevada 1944
white branches mono lake california 1947
grass in rain 1948

1950 - 1959 - Conservation - publication & commission
            Ông chụp ảnh theo ủy nhiệm, viết sách viết báo về kỹ thuật chụp ảnh. Ông cũng tổ chức nhiều cuộc triển lãm và tiếp tục công việc bảo tồn thiên nhiên với câu lạc bộ Sierra

clearing storm sonoma county california 1951
Siesta Lake Yosemite National Park, California 1958
Road after rain North california, 1959

1960 - 1968 - Carmen
            Càng ngày ông càng ít đi sáng tác, chỉ tập trung in các ảnh đã chụp. Khác với các nhiếp ảnh gia đương thời thường rửa ảnh qua các phòng lab chuyên nghiệp, Ansel Adams luôn luôn tự tay tráng rọi các sáng tác của mình. Từ năm 1974 đến 1984, hầu như mỗi buổi sáng ông đều cặm cụi làm việc trong phòng tối để cho ra các tác phẩm theo đơn đặt hàng của cá nhân hoặc của các phòng triển lãm. Sáng tác quan trọng cuối cùng của ông có lẽ là bức ảnh phong cảnh  El Capitan, winter, sunrise (trang 411)

Aspens, Northern New Mexico, 1958
Stream, Sea, Clouds, Rodeo Lagoon, California, 1962
oak tre sunset city 1962
El Capitan Winter Sunrise Yosemite National Park 1968

Nếu là người thích chụp ảnh, bạn nên có một quyển Ansel Adams 400 photographs trong tủ sách của mình để bất cứ lúc nào cũng có thể tham khảo, nghiền ngẫm rút kinh nghiệm cho sáng tác. Thật vậy, Ansel Adams 400 photographs chính là một bộ sưu tập thu gọn hầu như toàn bộ các sáng tác quan trọng của một nhiếp ảnh gia bậc thầy trong thế kỷ hai mươi.



Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

NHỮNG MẪU CHUYỆN VUI VỀ BÁC SĨ (DOCTOR JOKES)

1-    Mổ ai ?
 
Y tá: Tại sao hôn nay bác sĩ buồn?
Bs: Bệnh nhân mà tôi mổ chiều nay đã chết rồi.
Yt: Bác sĩ à, chiều nay ông đâu có mổ bệnh nhân. Ông mổ khám nghiệm tử thi mà.
Bs: Vậy thì cái gã mà tui mổ khám nghiệm tử thi sáng nay là ai vậy?
Nurse: Why are you sad today doctor?
Doctor: The patient I operated today afternoon died.
Nurse: Doctor, you didnt operate the patient today afternoon. You did a post mortem.
Doctor: Then who was the guy on whom I did a post mortem today morning?
 
2- Sự khác nhau giữa bác sĩ và luật sư ?
 
Bác sĩ và luật sư khác nhau chỗ nào?
Ở chỗ luật sư mà sai lầm, kết quả là sẽ có ai đó bị treo lơ lửng bên trên 1,8 m
Ở chỗ bác sĩ mà sai lầm, kết quả là sẽ có ai đó bị chôn chặt bên dưới 1,8 m
What is the difference between Doctors and Lawyers?
Because of mistakes Lawyers make, someone might end up hanging 6 feet above.
Because of the mistakes Doctors make, someone might end up buried 6 feet below.
 
3-Tin xấu và tin xấu hơn
 
Bác sĩ: Tôi báo cho ông tin xấu và tin xấu hơn đây
Bệnh nhân: Tin gì vậy bác sĩ?
Bs: Kết quả xét nghiệm cho thấy ông chỉ còn sống được 24 giờ nữa thôi.
Bn: Ối trời!
Bs: Tin xấu hơn là tôi đã cố báo tin này cho ông ngày hôm qua nhưng điện thoại di động của tôi bị mất sóng.
Doctor: I have some bad news and worse news.
Patient: What is it doc?
Doctor: The lab test results show that you have only 24 hours to live.
Patient: Oh my God!
Doctor: The worse news is that I was tried telling this to you yesterday but your cell phone was unreachable.
 
4- Khác nhau giữa táo và tỏi ?
 
Một quả táo mỗi ngày sẽ làm cho bác sĩ lánh xa.
Một củ tỏi mỗi ngày sẽ làm cho…mọi người xa lánh.
An apple a day keeps the doctor away.
A garlic a day.... keeps everyone away! 

Bùi Công Trường sưu tầm & chuyển ngữ

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

HỔ QUYỀN - HUẾ

Thy Anh & Sáo Sành

Bé gái bán vòng lưu niệm trước Hổ Quyền
Nhiều người đến Huế du lịch chỉ biết đi thăm đại nội và các lăng tẩm. Thực ra, Huế còn rất nhiều di tích đáng xem khác của của vương triều nhà Nguyễn để lại .
Hổ Quyền là một di tích như vậy, độc đáo nhưng lại ít người biết đến.
Vừa chạy xe gắn máy doc theo bờ Nam sông Hương, vừa hỏi thăm đường, chúng tôi đến Hổ Quyền lúc trời đã xế chiều, đường cũng dễ đi. Một bé gái bán vòng lưu niệm chạy đến, tay ôm một cái rổ nhỏ đựng những chiếc vòng đeo tay bằng gỗ rẻ tiền. Bé đen nhẻm, mở to cặp mắt đen láy đứng nhìn chúng tôi, rụt rè chẳng dám mời chào những du khách mới đến. Khi chúng tôi bắt chuyện hỏi thăm về Hổ Quyền, bé trở nên mạnh dạn hơn và ra vẻ thông thạo, hướng dẫn cho chúng tôi biết Hổ Quyền trước kia là gì, đâu là cửa cho hổ, đâu là cưã cho voi vào ... y như một tour guide.
Sáo Sành trên lối đi lên khán đài cuả nhà vua
 Hổ là cọp, Quyền là cái cũi nhốt súc vật. Hổ Quyền xây theo lối lộ thiên, trông như một cái giếng bằng vôi và gạch, đường kính khoảng 50 mét, chu vi 158 mét, cao khoảng 6 mét và gồm 2 tầng. Tầng trên là khán đài, bề rộng 2 mét, riêng chỗ vua ngồi được xây trên cái bệ cao, phía trước và 2 bên có tay vịn  nhưng nay đã đổ nát. Lúc vua ngồi xem, bên mặt bỏ sáo, lại có chỗ dành cho các quan trong triều.
Tầng dưới, mặt trước có cửa chính, phía sau trổ 5 cửa ăn thông với các chuồng cọp và voi.
Trận đấu giữa cọp và voi diễn ra lần cuối cùng vào năm 1904 (Thành Thái thứ 16), rồi từ đó về sau Hổ Quyền bị bỏ phế cho cây cỏ hoang tàn.
Lối vào cho cọp (nhỏ) và cho quân lính (lớn) và một góc trong Hổ Quyền
 Năm 1748, Poivre đã được mục kích một trận đấu giữa cọp và voi tại Thuận Hóa và Crawford năm 1822 đã tham dự một trận đấu tương tự ở Sài Gòn. Sau đây là một đoạn Poivre miêu tả một trận đấu giữa voi và cọp ở cồn Gĩa Viên:
"Ngày 5 tháng giêng (1750), Chúa cho tổ chức một trận đấu giữa voi và cọp. Người ta chở cọp trong những cái cũi đến một cái cồn nằm giữ con sông lớn của Huế, ngay trước mặt một trong những cung điện của Chúa. Người ta cho lội qua sông 40 con voi đứng để chờ chiến đấu và sắp thành hàng chật cả một phía cồn. Cọp đứng đối diện với voi. Lính tay cầm mác lào đứng dọc theo chiều dài của cồn, khoảng chừng 600 bộ. Cồn chỉ  để trống một mặt. Chúa ngữ đến ngã này, có 12 chiếc thuyền cùng các quan theo hầu. Thuyền của Chúa khác các thuyền kia một cái lọng đỏ mà mộ người lính hầu cầm che cho Chúa. Chúa dùng 2 thanh tre gỏ vào nhau liên hồi ra lệnh cho trận đấu. Nghe lệnh, quân lính tháo cũi cho cọp ra. Con vật đáng thương này đau đớn vô cùng vì bị nhốt đã lâu trong một cái cũi chật hẹp, lại còn bị cắt vuốt, may miệng ... khi ra ngoài thì đã quá suy kiệt, lại còn thêm một sợi dây vững chắc cột cọp vào một cái trụ. Một con voi bước ra khỏi hàng, chậm chạp tiến đến gần cọp. Nó cuốn tròn vòi lại vì sợ cọp chụp vào chỗ ấy da mỏng, đoạn dùng ngà sóc vào con cọp không thể kháng cự, tung lên khá cao, rồi cứ đùa mãi cái trò ấy đến khi cọp chết hẳn. Thế rồi quân lính dùng củi thu cháy râu cọp đễ không một ai có thể lấy làm thuốc độc. Dân bản xứ cho rằng những sợi râu này là cực kỳ nguy hiễm.
Trận đấu cọp và voi như thế đó, một quan cảnh thật buồn chán, nhưng Chúa và các quan vẫn kiên tâm ngồi xem cho đến khi voi giết được cọp. Chúa làm cho cuộc đấu quá chênh lệch bằng cách tước "khí giới" của cọp. Chúa sợ voi chết vì giá voi rất đắt mà voi lại là lực lượng chính của nhà nước".
Lối vào cho voi
 Michel Đức Chaineau cũng miêu tả một trận đấu voi - cọp nhưng trên dải đất từ chợ Đông Ba đến Phú Văn Lâu. Lần này thì khác, cọp đã làm cho voi và người phải khiếp sợ một phen. Đức Chaineau viết:
"Dưới triều Gia Long, đi trên tàu của cha tôi, tôi đã được dự một trận đấu voi cọp mà kết quả gây nên một kết cục bi thảm cho một ông nài và nhiểu người lính ở đấu trường. Con cọp mà người ta mang ra đấu lần này là một con đã bị đánh bấy vì hại rất nhiều người, cho nên việc hành hình nó càng long trọng chừng nào càng hay chừng nấy. Trong ngày hôm đó, dân chúng đến xem khá đông. Con cọp có hình vóc khác thường và hình như nó chẳng sợ gì cả. Khi ra khỏi cũi, nó nhẩy rất mạnh cố tìm cách bứt dây, đến khi thấy không kết quả, nó tìm cách ẩn núp và nhẫn nhục trong chốc lát. Khi ấy, một con voi bị một người nài và một người línhcầm mác lào thúc bước đến lùm cây mà con cọp đang núp. Nhanh như chớp, cọp phóng lên đầu con voi, lấy bàn chân cứng như sắt tát vào màng tang của người nài khiến ông ta choáng váng lăn cù xuống đất. Tai hại hơn nữa là con voi lúc này không người điều khiển đã bước lui chạy trốn, đạp lên mình người nài. Tiến kêu la khủng khiếp vang lên tứ phía, quân lính khiêng thi thể của người nài đi chuẩn bị cuộc đấu khác. Một con voi thứ hai được chỉ định ra đấu với cọp. Lần này người ta cẩn thận cho những người lính đứng trên một cái bành đặt trên lưng voi, tay cầm mác lào chĩa xuống dưới, rồi thúc voi đi đến gần cọp, không quá xa để voi có thể dùng ngà tung cọp lên nhưng cũng không quá gần để cọp có thể nhảy chồm lên lưng voi như trước. Vừa tiến gần địch thủ, cọp đã nỗi cơn thịnh nộ, chạy vụt đến dùng mưu chước và sức lực hơn là tìm cách để tự vệ. Khi cảm thấy bị sợi thừng giữ lại, nó hùng hổ vẫy vùng và tận lực giật đứt được sợi dây. Những người đi xem đều kinh khiếp, mạnh ai nấy chạy giày xéo lên nhau. Còn cọp thì bỏ rơi voi, kiếm cách chạy về rừng núi. Tuy vẫn vướng sợi dây nhưng nó cố thoát ra ngoài. Nó chạy quanh đấu trường nhưng ở đâu cũng có lính cầm gươm, mác lào chặn lại. Nó đâm liều đem hết can đảm vượt qua được hàng lính đứng phía trước làm một vài người bị thương. Bỗng viên quan chỉ huy la lớn:"Nếu chúng bây không bắt được nó thì ta chém đầu cả bọn". Nghe hăm dọa như thế, quân lính đều đổ xô vào, vồ lấy cọp để bắt sống. Lần đầu cọp thoát, lần thứ hai cọp cũng thoát và mỗi lần như thế lại thêm người bị thương tích. Sau cùng, viên quan cũng ra lệnh giết chết cọp. Lần này cả một rừng giáo mác chĩa vào đâm chết cọp. Người ta kéo xác nó vào gần một cái bụi và cho một đàn voi đến, luân phiên nhau tung cọp lên cao và sau cùng, một con voi đã dùng chân để chà đạp".
Quân Cờ Đỏ tại Sơn Tây săn hổ năm 1937

Từ ngày lập Hỗ Quyền, voi cọp không mấy khi đấu ở ngoài, trừ dưới triều Đồng Khánh.
Nhiều người dự cuộc đấu cọp-voi dưới triều Thành Thái (1904) đã thuật lại rằng phần nhiều voi nhát gan, trông thấy cọp không chịu đánh, thường tìm cách tránh đi chỗ khác. Sau cùng, một con voi cái bước ra có vẻ hiên ngang. đi qua đi lại trước mặt con cọp không chút sợ sệt. Vua Thành Thái ngồi xem liền khen"Con này can đãm lắm!" , Nhưng bỗng chốc cọp đánh phóc nhẩy lên trán voi, voi hất mạnh cho rớt xuống. Cọp lại nhẩy lên bấu vào chỗ cũ, voi tức giận rống lên một tiếng vụt chạy đến đẩy mạnh cọp vào thành Hổ Quyền, dùng sức lấy đầu vừa húc vừa ép. Khi voi ngẩng đầu ra, cọp liền té xuống, voi lấy chân chà chết. Cuộc chiến đấu xảy ra ngắn ngủi, và từ đó về sau, mãi mãi không diễn ra trận đấu nào nữa.
(Bài viết có tham khảo tài liệu của Bửu Kế - Nguyễn Triều Cố Sự, huyền thoại về danh lam xứ Huế)