Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

CON CAO CHỪNG NÀO RÔI?

Lưu Dung

Họ hàng gọi điện thoại, hỏi con gái nhỏ cao chừng nào rồi. Tôi ngẩn người ra, nói: "Tôi cũng không biết nữa! Rời New York đã ba tháng, con lớn nhanh chừng nào tôi cũng chẳng rõ."
Gác điện thoại, chợt một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm trong lòng. Không hẳn vì nỗi nhớ con gái, mà vì ký ức từ hồi mới đến New York.
Bác đầu bếp trong quán ăn Tàu đến, mang tặng đầy một bàn thức ăn, bác cúi chào rồi miễn cưỡng ngồi xuống.
"Xin lỗi, lẽ ra phải gặp anh từ trước mới phải, chỉ vì tôi nằm bệnh viện chưa ra được" tay phải bác vặn vẹo tay trái."Từ hồi lên thuyền tới nay ..."
Bảy năm trời làm món chiên, chảo rất nặng, cổ tay rất tệ ...
Ngoái sang nhìn thấy tấm ảnh con tôi trên bàn, bác bảo: "Lúc rời nhà, con tôi cũng lớn chừng đó. Mấy hôm trước, tôi gửi quần áo cho con, vợ viết thư bào quần áo quá bé, lại còn trách đến con cao bao nhiêu mà cũng không biết. Con đã cao bằng tôi, vợ tôi gửi trả đồ lại ..."
Bác cúi đầu thở dài: "Ở bên này, ông chủ nghiêm khắc lắm, chẳng biết bao giờ mới được về thăm nhà ..."
Ba tháng so với bẩy năm trời thì có là gì?
Bỗng tôi nhớ lại câu chuyện 13 năm trước, nỗi buồn càng xâm chiếm trong lòng ...

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

ĐÙA CHÚT CHƠI: MÌNH TA TA CỨ VIỆC SƯỚNG ...

Lưu Dung *


Người ta cứ hay nói dân Mỹ hiểu ý nghĩa thật sự của tự do, lúc nào cũng sợ ảnh hưởng tới sự tự do của người khác. Nhưng tôi thấy, tự do của người Mỹ cũng lắm chuyện, nhiều khi còn hơi "thần kinh" !
Có lần tôi chạy dọc hành lang, mấy ông Mỹ đột nhiên mở cửa nhớn nhác hỏi:" Chuyện gì vậy?" Tôi đáp: "Không có chuyện gì, chỉ vì tôi xuất thân là phóng viên nên quen chạy vậy thôi" Bạn biết họ nói gì không? Họ bảo: "Xin ông lần sau đừng chạy như thế nữa, chúng tôi cứ tưởng cháy nhà, sợ lắm!" Nghe cứ như chuyện cười!
Có lần được tham dự một đám tang, thân quyến không ai khóc, cứ như dự đám tang người nào ... Hóa ra họ nén đau thương, nuốt nước mắt vào lòng để người khác khỏi cảm thấy khó xử phải chịu gánh nặng tâm lý với mình. Thật nực cười, chúng ta chẳng hay nói nuốt nước mắt vào trong dễ bị ung thư sao? Không khóc lăn khóc lộn, không khóc váng trời thì người chết làm sao vẻ vang được? Mà nếu không nhỏ được nước mắt thì cũng phải nhờ mấy người khóc thuê cho phải đạo!
Có lần, một ông người Mỹ đến chơi nhà tôi, đúng dịp mẹ tôi đang bị dị ứng phấn hoa nên ho rất nặng. Mỗi lần mẹ tôi ho, ông người Mỹ lại tỏ vẻ ái ngại hỏi: "Cụ nhà có ổn không?". Sau đó, khi vợ tôi ở phòng bên vươn vai kêu răng rắc sảng khoái thì ông ấy lại hỏi như bị bệnh thần kinh: "Có chuyện gì vậy?"
Tới Mỹ mười năm rồi tôi mới hiểu: dân Mỹ được giáo dục từ nhỏ, chỉ cần có ai hắt xì hơi, nhất định họ sẽ nói: "Bless you!" Còn người bị hắt xì sẽ nói: "Sorry!", để xin lỗi vì mình thất lễ vì đã khiến người khác lo ngại, quan tâm ... Ở Trung quốc, chỉ cần không bị bệnh truyền nhiễm còn hắt xì hay vươn vai răng rắc cũng chẳng ai quan tâm. Nhưng ở Âu Mỹ, người ta sẽ hỏi han, chả biết là quan tâm thật hay ... vờ?
Tự do kiểu người Mỹ, nói có vẻ hay ho, đặt cơ sở trên sự quan tâm đến người khác; còn tự do kiểu Trung Quốc lại đặt nền tảng trên sự thoải mái cho chính bản thân. Nói có vẻ khó nghe, dân Mỹ cứ nhỏ nhặt như thế sao sánh bằng cái sự "thênh thang", cái kiểu "mình ta ta cứ việc sướng" của chúng ta!
* tác giả Lư Dung người Đài Loan định cư tại Mỹ

LẤY VỢ TRẺ SỐNG LÂU?

Lưu Dung


Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu của Mỹ, không biết có ăn phải gan hùm hay không mà dám đưa ra một kết quả thống kê: ĐÀN ÔNG LẤY VỢ TRẺ SẼ SỐNG THỌ HƠN.
Tất nhiên nghiên cứu đã gặp làn sóng phản đối, đặc biệt từ các hội phụ nữ:
- Đó là chủ nghĩa "sô vanh" nam giới!
- Đàn ông muốn bỏ người vợ tào khang để lấy gái trẻ sẽ lợi dụng thống kê này!
- Chồng tôi cả đời không đọc báo, bỗng dương dương đắc ý cho tôi đọc tin này, vậy là có ý đồ gì?
Vấn đề là nghiên cứu trên không phải là không nghiêm túc, các kết luận đều dựa trên những con số cụ thể, Vì vậy xuất hiện cách giải thích khác:
- Vì chỉ có các ông khỏe mạnh đặc biệt mới "dám" lấy vợ trẻ, chẳng phải vì lấy vợ trẻ mà khỏe ra. Nghiên cứu đã lẫn lộn giữa "nhân" và "quả".
- Cũng như các giáo sư thường xuyên tiếp xúc với sinh viên nên lây phong cách ứng xử trẻ trung, chồng lấy vợ trẻ cũng như vậy.
Cũng có người lại đưa ra dẫn chứng khác:
- Thật nực cười, thử hỏi nhóm nghiên cứu xem các cụ nuôi chó thì có thọ hơn không? Bởi nuôi chó thì ngày nào cũng phải dắt chó đi dạo nên được dịp vận động hít thở không khí trong lành. Tốt hơn hẳn những người chỉ nằm nhà xem TV, tích tụ cholesterol. Lúc đó chẳng lẽ lại bảo cụ nào nuôi chó sẽ sống lâu hơn?
Tóm lại là sau khi công bố kết quả nghiên cứu thì tranh cãi nỗi lên như ong. Nhiều vị học trò của tôi ở tuổi trung niên cũng bàn luận mãi. Chỉ cần ông nào lộ ra chút thích thú  là bị các bà xúm vào đấu tố. Ngay như tôi làm giáo sư mà củng chẳng dám đụng đến chuyện họa sĩ này có "thiếp", họa sĩ kia có "bồ", sợ làm các bà nỗi giận.
Gần đây, qua chuyến thăm mấy họa sĩ lớn, tôi cảm nhận được vài điều.
Mùa thu năm ngoái, tôi đến nhà một danh họa, không may ông đi vắng. Bà vợ đặc biệt giới thiệu với tôi những tác phẩm đắt giá của chồng, trong đó có một bức rất nhỏ mà giá hơn chục nghìn đô. Tuy nhiên, nhà vị danh họa này rất chật chội, phòng đã không nhiều mà phòng nào trông cũng như nhà trọ, chỗ này một đống, chỗ kia một đống. Ngay như phòng vẽ, bàn trong phòng không những bé mà còn vương vãi đầy mẩu thuốc lá. Bụi bậm thì không sao tả xiết, tôi vừa bước vào đã hắt hơi năm sáu cái, vì bệnh hen nên tôi phải chạy vội ra ngoài.
Tiếp đó, tôi đến nhà một họa sĩ nổi tiếng khác,đón tôi là bà vợ trẻ hơn đến ba mươi tuổi của ông. Vào nhà, tôi thấy bà vợ chạy tới chạy lui lau dọn nhà cửa; đồ điện trong nhà rất hiện đại. Mọi việc đóng khung, bọc tranh, thương lượng giá cả, tổ chức triển lãm, quảng cáo ... đều do bà đảm nhiệm. Nhà cửa họa sĩ này sáng sủa, bước vào thấy phấn chấn tinh thần, khác hẳn với danh họa trên, nói có vẻ khó nghe , bước vào nhà danh họa ở trên còn có cảm giác xúi quẩy.
Vị danh họa trên đã qua đời không lâu, thương tiếc tài năng của ông, tôi không khỏi không suy nghĩ.
Nếu bà vợ ông mà được như cô vợ trẻ của họa sĩ kia, biết tạo mội trường sống trong lành với lối sống tích cực, biết đâu ông chẳng sống thọ thêm? Thậm chí nếu vợ vị danh họa đó biết quảng cáo tài năng của chồng thì thành tựu của ông còn cao hơn nữa. Ông họa sĩ sau lớn tuổi hơn ông trước nhiều nhưng nhở bà vợ trẻ khéo léo chèo kéo, đã chẳng đi khắp nơi sáng tác sao?
Nếu đúng vậy thì không nên quan tâm đến chuyện vợ già vợ trẻ mà nên cùng vợ mình thảo luận:
- Liêu chúng có cần sống một lối sống trẻ trung hơn không? Liệu có phải chúng ta cứ cho mình là già thì phải sống khép kín? Nếu như không tự mình làm được thì liệu có nên nhờ người tới dọn dẹp dùm nhà cửa không?
Làm cho mội trường sống dễ chịu thoải mái hơn, dù tốn thêm ít tiền cũng đáng chứ.
Còn các lão ông có vợ trẻ cũng đừng vội đắc y, bởi nếu cứ ỷ ta đây có vợ trẻ mà lười biếng , chây ỳ thì cũng sớm … chầu trời!


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Những gánh hàng rong

Shuken Shiva (face book)


Những ngày xưa, lúc tôi còn bé thơ, đất nước tôi lúc đó chỉ mới mở cửa, nghèo lắm. Kẻ có kiến thức thì còn làm công sở, chứ người ít chữ thì chỉ biết chạy lo từng đồng. Đó là những cái lưng còng và vai vẹo một bên dưới những gánh hàng rong. - Từ thành phố đến nông thôn, đâu đâu cũng có bóng dáng người mẹ, người chị bán rong. Những ngày đói kém đó, hàng rong chỉ là hai cái thúng để 2 cái mâm lên, xỏ lên một cái gánh trên vai. Cứ thế từng bước chân đi qua từng góc phố, chẳng bỏ sót một ngôi nhà hay ngỏ cụt nào, bước chân nhỏ nhắn của người phụ nữ cứ to ra và bè bè trên đôi dép mũ, vẽ nên hình hài đất nước tôi. Khi thì bánh đúc xanh xanh, có tàu hủ ngạt ngào hương đậu, bánh cốm bánh đa nhuộm nắng vàng, có cả những con thú đủ màu bằng bột gạo,.. và dường như tất cả mọi thứ của đất nước này đều từng nằm trên gánh hàng rong. -Mẹ bán hàng rong vì một đàn con nhỏ, chị bán hàng rong vì em cắp sách tới trường. Từng chút một, Mẹ đi một bước, con học một chữ. Phải chăng mẹ đang bán đi sức của mẹ cho con đi xa, đi đến một thế giới mà ta vẫn gọi là đổi mới, có xe cộ, nhà hàng, khách sạn, kfc, lote,... Thật tình ta chẳng biết các mẹ các chị có thích gánh hằng rong của chính mình hay không, nhưng chắc chắn rằng họ muốn con em mình chẳng bao giờ phải gánh hàng rong. Một thế hệ hi sinh cho một thế hệ tỏa sáng, giống như chính mẹ gánh con trên đôi vai gầy, bước chậm chạp vào một thế giới khác. Trong cái buổi giao thời ấy, những người từ quá khứ trở nên lỡ nhịp, chính họ bất lực với hoàn cảnh của mình, và họ nuôi hi vọng vào thế hệ mai sau. Cứ thế một thế hệ đã gánh một thế hệ vào tương lai. -Đâu đó trên phố ngày nay, ta vẫn thấy hàng rong. Phải chăng đó là những con đò cuối cùng còn đang cố gắng để đến được nơi mơ ước. Hàng rong bây giờ đã có loa, nên tiếng ồ ồ phát thanh thay cho tiếng rao khàn giọng ngày xưa. Tôi nhớ nhất là tiếng rao của cô bán bún: nghe không hiểu gì, cứ giống như ụ má ơi, nhưng nghe là nhận ra liền. Rồi từng vòng xe đạp, xe máy thay cho đôi chân gầy gò. Những cái xe tự chế mang thêm nhiều đồ hơn, ước mơ cũng to hơn. Khi họ đi qua từng tòa nhà cao tầng, từng cửa hàng cao cấp, những nam thanh nữ tú của thời công nghệ iphone galaxy tab, họ lại càng thêm nhanh bước: " đất nước ơi đợi tôi với". Quả thật nếu không mau tới bờ, liệu đất nước có dừng lại đợi họ? -Hôm trước nghe chính phủ muốn cấm hàng rong vì mỹ quan đô thị, ừ thì chính phủ không sai, đó là điều tất yếu sẽ diễn ra. Nhưng liệu những người mẹ, người chị có kịp tìm cho mình một nghề khác để tiếp tục nuôi giấc mơ. XIn đừng bỏ rơi những giấc mơ còn chưa kịp sống. Và rồi một mai khi bạn bè quốc tế đến Việt Nam, tôi sẽ có gì để cho họ xem ngoài những khu du lịch sang trọng, những khối xi măng cao tầng và những cửu hàng fastfood của chính họ. Tôi hi vọng sẽ có một viện bảo tàng còn 1 gánh hàng rong, để tôi sẽ nói với những vị khách: đó là thứ mang chúng tôi đến đây với cái bạn. -Gánh hàng rong của tôi ơi, chúng ta cũng sắp tới bờ rồi.

Chiếc ví

WildBILL

Khi bước về nhà trong một ngày lạnh giá, tôi vấp phải một cái ví ai đó đánh rơi trên đường. Tôi nhặt lên và nhìn vào bên trong để tìm xem tung tích chủ nhân để điện thoại cho họ. Nhưng trong chiếc ví chỉ vỏn vẹn 3 đô la và một lá thư nhàu nhò như thể đã cũ nhiều năm.
Bao thư đã bị mở và điều duy nhất dễ dàng đọc được đó là địa chỉ người gởi.(?) Tôi bắt đầu mở lá thư và hy vọng tìm thấy chút đầu mối. Thế rồi tôi thấy dòng ngày tháng… 1924. Lá thư đã được viết cách đây gần 60 năm
Lá thư được viết bằng một nét chữ phụ nữ rất đẹp trên nền giấy màu xanh nhạt với một cành hoa nhỏ bên góc trái.Có một dòng chữ: “John thân yêu” đề cập đến một người con trai có tên là Michael. Lá thư nói rằng người viết sẽ không bao giờ gặp lại anh ta nữa vì bị mẹ cấm đoán, nên đã viết lá thư này để nói rằng cô vẫn luôn yêu anh. Lá thư ký tên  người viết là Hannah.
Đó là một lá thư đẹp, nhưng không ai có thể biết được chủ nhân của nó là ai ngoại trừ nhân vật tên là Michael. Có lẽ tôi hỏi phòng dịch vụ thông tin, họ có thể cho tôi số phone dựa vào địa chỉ bên ngoài bao thư. Sau một thời gian cố gắng giải thích, họ đã giúp đỡ tôi liên lạc được với một người sống ở địa chỉ trên bao thư.
Tôi hỏi người phụ nữ ở đầu dây bên kia có biết ai tên là Hannah không, bà nói gấp gáp: “Ồ, chúng tôi mua căn nhà này từ một gia đình có một cô con gái tên là Hannah. Nhưng cách đây đã 30 năm rồi”.
“Vậy  bà có biết bây giờ họ ở đâu không ạ? Tôi hỏi.
“Tôi nhớ là Hannah đã phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão cách đây nhiều năm. Nếu anh gặp họ, có thể họ sẽ chỉ cho cô biết cô con gái hiện đang ở đâu.” Người phụ nữ trả lời và cho tôi tên của viện dưỡng lão. Khi tôi gọi điện thoại đến người ta cho tôi biết bà mẹ đã qua đời các đây vài năm nhưng họ vẫn có số điện thoại của nơi cô con gái đang sống, tôi cảm ơn họ và gọi tiếp. Một giọng nữ trả lời cho tôi biết là Hannah hiện đang sống trong một viện dưỡng lão.
Toàn bộ những điều này quá ngốc nghếch, tôi tự nhủ. Tại sao tôi lại gắng công tìm kiếm chủ nhân của một chiếc ví chỉ có 3 đô la và một lá thư cũ gần 60 năm?
Tuy nhiên, tôi đã gọi đến viện dưỡng lão và một người đàn ông đã trả lời điện thoại cho tôi: “Vâng, Hannah hiện đang sống với chúng tôi".
Mặc dù lúc đó đã 10 giờ đêm, nhưng tôi vẫn hỏi xem mình có thể đến gặp Hannah không. “Được ạ", anh ta đáp với vẻ lưỡng lự, “nếu anh muốn tận dụng cơ hội, bà ấy đang ở đây xem ti vi”. Tôi cảm ơn anh ta và lái xe đến nơi. Cô y tá và viên bảo vệ chào tôi nơi cổng. Chúng tôi lên tầng 3 của tòa nhà rộng lớn. Trong phòng lớn, cô y tá giới thiệu tôi với Hannah. Bà có nụ cười dịu dàng ấm áp, đôi mắt có những nếp nhăn và tóc đã bạc. Tôi nói với bà việc tìm thấy chiếc ví và đưa cho bà bức thư. Ngay sau khi bà nhìn thấy phong thư màu xanh với cành hoa nhỏ bên trái. Bà hít một hơi và nói: “Cậu biết không, lá thư này là mối liên lạc sau cùng giữa tôi và Michael." . Bà nhìn ra xa trong giây lát trong một suy nghĩ sâu xa và nói nhẹ nhàng. “Tôi yêu anh ta lắm, nhưng thời đó tôi chỉ mới 16 tuổi và mẹ tôi cảm thấy tôi còn quá trẻ. Ồ, anh ấy rất đẹp trai, giống như diễn viên Sean Connery vậy”  
Vâng. Bà tiếp tục. “Michael Goldstein là một người kỳ diệu. Nếu cậu tìm thấy anh ấy thì nói ràng tôi luôn nghĩ đến anh ấy. Và, bà ngập ngừng trong giây lát, gần như cắn môi, “Hãy nói với anh ta là tôi vẫn yêu anh ấy. Cô biết không. Bà mỉm cười mắt ngấn lệ " Tôi đã không bao giờ thành thân. Tôi nghĩ không ai có thể sánh được với  Michael..." Tôi cảm ơn Hannah và chào tạm biệt. Khi xuống thang máy đến tầng 1, viên bảo vệ hỏi tôi” “Bà già ấy có giúp gì được anh không?" Tôi nói với anh ta là bà đã cho tôi một đầu mối. “Ít nhất tôi đã có một cái tên. Nhưng tôi đã quên mất và lại mất cả ngày để tìm chủ nhân của chiếc ví này”
Tôi lấy chiếc ví ra xem lại, nó đơn giản bằng da màu nâu và trang trí bằng viền thêu màu đỏ. Khi người bảo vệ nhìn thấy, anh ta nói: "Này, đợi chút, đó là chiếc ví của ông Goldstein. Tôi biết nó vì có đuờng viền sáng màu đỏ. Ông ta luôn mất ví. Tôi phải tìm trong nhà này đến lần thứ ba rồi".
Ông Goldstein là ai vậy?" Tôi hỏi mà tay tôi bắt đầu run
Ông ấy là một trong những người kỳ cựu trên tầng 8. Chắc chắn là chiếc ví của ông  Mike Goldstein. Ắt hẳn ông ấy đánh rơi trong lúc đi dạo.
Tôi cảm ơn người bảo vệ và chạy ngược lại phía phòng y tá. Tôi kể với cô y tá về những điều người bảo vệ nói. Chúng tôi lên thang máy. Tôi cầu mong cho ông Goldstein hãy còn thức.
Trên tầng 8, cô y tá  nói “Ông ấy vẫn còn ở trong đại sảnh. Ông ấy thích đọc sách ban đêm, đó là một ông già đáng mến."
Chúng tôi đến căn phòng duy nhất còn sáng đèn và có một người đàn ông đang đọc sách. Cô y tá đến trước mặt ông và hỏi có phải ông bị mất chiếc ví. Ông Goldstein ngước lên ngạc nhiên, thọc tay vào túi và nói: Ồ, mất rồi !"
“Có người tìm thấy và chúng tôi muốn hỏi có phải là của ông không? Tôi đưa cho ông Goldstein chiếc ví và ngay khi ông nhìn thấy nó ông mỉm cười nhẹ nhõm: “Vâng, đúng là nó. Chắc nó mới rơi mất hồi chiều. Tôi muốn tặng cậu món quà”
“Dạ không, cảm ơn ông” Tôi nói “Nhưng cháu muốn nói với ông là cháu đã đọc lá thư với hy vọng tìm thấy chủ nhân chiếc ví”
Nụ cười bỗng dưng biến mất trên khuôn mặt ông: “Cậu đã đọc lá thư đó sao?”
"Không chỉ đọc, cháu nghĩ cháu còn biết Hannah ở đâu nữa kia.”
Ông bỗng nhợt nhạt. “Hannah? Cậu biết cô ấy ở đâu hả? Cô ấy thế nào? Cô ấy có còn xinh đẹp như mọi khi không? Làm ơn nói cho tôi biết đi”. Ông nài nỉ.
“Bà ấy vẫn khỏe và … đẹp như lúc ông gặp bà”. Tôi đáp khẽ.
Ông già mỉm cười với một vẻ như đã biết trước câu trả lời và hỏi: “Cậu có thể cho tôi biết cô ấy ở đâu không, tôi muốn gọi cho cô ấy ngay ngày mai”. Ông nắm lấy tay tôi và nói: “Cậu biết không, tôi đã quá yêu cô ấy đến nỗi khi nhận lá thư đó, đời tôi cuối cùng đã kết thúc. Tôi không bao giờ lập gia đình. Tôi biết tôi luôn yêu cô ấy”
“Ông Goldstein”, tôi nói “Đi với cháu”
Chúng tôi vào thang máy xuống tầng 3. Lối đi vào sảnh đường đã tối hơn và giờ chỉ còn một  hai ngọn đèn thắp sáng hành lang dẫn đến nơi Hannah đang ngồi một mình xem truyền hình. Cô y tá đến trước mặt bà
“Hannah," cô khẽ nói và chỉ vào  Michael, đang cùng tôi đứng đợi trước cửa. "Bà có biết vị này không”
Bà sửa lại cặp kính, nhìn trong giây lát, nhưng không nói một lời. Michael nói khẽ như thì thào: “Hannah, Michael đây mà. Em có nhớ anh không?”
Bà thở gấp gáp: "Michael! Em không thể tin được. Michael! Đúng là anh Michael của em rồi!"
Ông bước chậm chạp về phía bà và họ ôm chầm lấy nhau. Cô y tá và tôi lặng lẽ rời đi, nước mắt chảy tràn trên mặt chúng tôi. 
“Hãy xem” Tôi nói. “Hãy xem ông trời đặt để kìa, bắt phong trần thì phải phong trần, cho thanh cao thì được thanh cao”
Khoảng ba tuần sau đó, tại sở làm tôi nhận được cú điện thoại từ nhà dưỡng lão: “Cậu có thể bỏ chút thì giờ đến tham dự lễ cưới không? Michael và  Hannah sẽ kết hôn”.
Đó là một đám cưới tuyệt đẹp với tất cả mọi người ở viện dưỡng lão đều phục sức thật đẹp để tham dự lễ cưới. Hannah mặc một chiếc váy len màu sáng và trông rất duyên dáng. Michael trong bộ y phục màu xanh sẫm cao lớn. Họ xem tôi như một người tốt nhất trên đời. Nhà dưỡng lão dành cho họ một căn phòng riêng và nếu bạn muốn thấy một cô dâu  76 tuổi và chú rể 79 tuổi trong vai đôi uyên ương tuổi cập kê, hãy đến thăm họ.
Thật là một kết thúc có hậu của một mối tình kéo dài gần 60 năm.
Nhị Tường dịch (nhituongsite.com)