Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

TUỔI NỔI LOẠN

Lưu Dung

Mùa xuân năm nay, ba được mời tới một trường cấp ba ở Đài Bắc để diễn thuyết. Chưa đăng đàn, giáo viên đã dọa : "Đừng đánh giá học sinh cao quá, học trò cấp 3 ngày nay không như ngày trước, chúng luôn tự cho mình là hay ho, chẳng coi ai ra gì. Đáng sợ nhất là chúng không phân biệt tốt xấu, ví dụ trong cuộc thi hát giữa các lớp, ai hát hay thì chúng huýt sáo, ai hát không ra gì thì chúng lại vỗ tay nhiệt liệt ..."
Ba lên bục diễn thuyết, quả nhiên hội trường thật ồn ào, khi thầy hiệu trưởng đứng ra giới thiệu, ba chỉ nghe được lõm bõm. Đến khi ba diễn thuyết, tuy hội trường đã yên tĩnh hơn nhiều nhưng  vẫn còn âm thanh lao xao như tổ ong. Có điều lạ là khi ba nói một câu chuyện hài hước thì lập tức cả hội trường ồ lên; khi hỏi một câu bất chợt, thì ngay cả học sinh ngồi hàng cuối cũng trả lời chính xác.
Việc đó làm ba không hiểu nổi: lẽ nào các cậu học trò mười sáu mười bảy lại có bản lĩnh "phân thân" vừ tán gẫu mà vẫn nghe được diễn thuyết?
Ngay sau đó, ba đã tìm được câu trả lời.
Có mấy học sinh nghe ba diễn thuyết, viết thư xin được gặp ở phòng vẽ của ba.
"Chú có biết là bọn cháu nghe chú nói khó khăn thế nào không?" - Một học sinh nói - "Bọn cháu vừa phải nói chuyện vừa phải tập trung căng tai để "bắt" được từng chữ của chú!"
"Vậy sao các cháu không giữ yên lặng hay nhắc nhở các bạn đang tán gẫu? Ba hỏi.
"Sao làm vậy được? chẳng lẽ cháu để bị coi thường, để bị mắng là "chết nhát" sao? Vì thế, ai cũng muốn yên tĩnh để nghe nói chuyện như lại cứ cố ra vẻ bất cần!"
Ba không trách họ, bởi từ họ, ba thấy lại chính mình hồi học cấp ba.
Ba đã từng oán nhà trường tiết kiệm điện, không cho bật đèn trong giờ học nên cố ý chờ khi thanh tra học đường tới thì phát động cả mấy lớp cùng thắp nến, làm trò "trêu chọc" chống đối.
Thời đó, nhà trương cho học sinh nguyên một phòng để làm báo trường, đó là vương quốc của học trò. Trên cửa phòng có dán chữ: Thành Công (tên của trường) có người tài xuất chúng, các kiểu tài hoa suốt ba năm". Trong phòng, ngoài bàn ghế, còn có cả chăn. Thỉnh thoảng có cậu trốn học, chui vào đó ngủ, được bạn khen là can đảm rồi cũng tự cho mình là anh hùng.
Thậm chí có cậu còn cố ý chui vào đó hút thuốc lá. Khi tổ trưởng giáo dục vào, vì ngại mắng mỏ nên chỉ nói "Có mùi gì lạ quá". Cậu học trò hút thuốc còn đắc ý vỗ vai tổ trưởng: "Thì chúng em đi con đường của tổ trưởng ngày xưa mà!"
Có điều không thể tha thứ là một số học sinh tung ra tin đồn kiểu: thầy giáo này đánh học trò như két!", thầy kia đồng tính luyến ái", "giáo viên chủ nhiệm ăn tiền của học sinh" ... Tin đồn thế là cứ loang ra, miệng đời sóng bể, tuy chẳng có gì chứng thực nhưng người kể ai cũng chắc như đinh đóng cột, người nghe thì nghiến răng trợn mắt.
Có ai dám cả gan một mình đứng lên, như ba đã kể, nhắc người kế bên đừng nói chuyện?
Đương đầu với quyền uy, thật đáng mặt anh hùng. Bất kể thế nào thì lòng dũng cảm đương đầu đó cũng đáng khen. Có đúng như thế không nhỉ?
Vấn đề là, tất cả mọi người, kể cả ba , sao không nghĩ đến việc lội "ngược dòng nước" , cất lên tiếng nói của chính mình - như Tư Mã thiên biện hộ cho Lý Lăng, như Hàn Dũ can gián rước cốt Phật, dù phải chiu thiến, chịu biếm chức - mới là anh hùng hơn? Hành động đó còn cô độc và cao thượng hơn, quả cảm hơn, mạnh mẽ hơn! Nó không thèm hùa theo bầy đàn mà chỉ nói lên tiến nói của lương tri và chính nghĩa.
Kỳ thực, không chỉ có học trò mười sáu mười bảy mới có những hành vi kiểu "anh hùng mù quáng", mà ngay cả sinh viên đại học cũng vậy.
Còn nhớ trong một khóa trước kia, trong lớp ba có cậu sinh viên không những thường xuyên đến lớp muộn  về sớm mà con hay phản đối thầy. Ba biết cậu ta chỉ lấy le với đám con gái nên cũng chẳng để ý. Đến một hôm, mấy cô sinh viên không chịu nổi, nói thẳng: "Ông có muốn học không? Nếu không thì biến đi!"
Cậu sinh viên quậy phá đó đầu tiên sững người, sau đó ôm sách vở đi thẳng. Ai cũng nghĩ cậu ta sẽ không học nữa.
Nhưng cậu ta vẫn đi học, khi mọi người lục tục đến lớp thì cậu ta đã ngồi ở một góc. Từ đó, cậu ta đã trở thành người hoàn toàn khác. Cuối giờ học, cậu ta còn giúp ba thu dọn giáo cụ nữa ch.ứ.
Học kì kết thúc, cậu ta được điễm A. Cậu ta thật sự đáng được điểm đó, vì ngay hồi còn quậy phá, lần nào kiểm ttra cậu ta cũng làm bài tốt. Giống như mấy cậu học trò Đài Bắc kia, một mặt thể hiện trò nổi loạn, một mặt vẫn ra sức học hành.
Ba đâm ra mến cậu sinh viên ấy. Bây giờ gặp cậu ta trong trường, ba vẫn hay trò chuyện. Ba hiểu tâm lý nổi loạn của học sinh sinh viên, qua khỏi thời kỳ nổi loạn là lại dùng cái sức mạnh nổi loạn ấy cho việc học hành và sự nghiệp, sau này lại thành công.
Quan trọng nhất là  "biết xấu hổ cũng là dũng cảm" Dám sửa sai trước mọi người, nếu không là người dũng cảm thì sao dám làm vậy?
Con của ba, chẳng phải con cũng có tính nổi loạn sao? Chẳng có gì là xấu! Nhưng con phải biết: Trong tình huống nào thì nên dũng cảm!

Không có nhận xét nào: