Tôi có hai người cha, một người giàu và một người nghèo – một
người cha ruột và một người cha nuôi (cha của Mike – bạn tôi). Cha ruột
tôi đã có bằng thạc sĩ, còn người cha nuôi thì chưa học hết lớp tám, nhưng cả
hai người đều thành công trong sự nghiệp và có ảnh hưởng đến người khác. Cả hai
đều khuyên bảo tôi rất nhiều điều, nhưng những lời khuyên đó không giống nhau.
Cả hai đều tin tưởng mãnh liệt vào sự học nhưng lại khuyên tôi học những khóa học
khác nhau. Nếu tôi chỉ có một người cha, tôi sẽ hoặc chấp nhận hoặc phản đối ý
kiến của ông. Có hai người cha dạy bảo, tôi thấy được những quan điểm trái ngược
nhau giữa một người giàu và một người nghèo. Và thay vì chỉ đơn giản chấp nhận
hay phản đối người này hay người kia, tôi đã cố suy nghĩ nhiều hơn, so sánh và
lựa chọn cho chính mình.
Cả hai người cha của tôi khi bắt đầu tạo dựng sự nghiệp đều
phải đấu tranh với chuyện tiền nong, nhưng cả hai có những quan điểm khác nhau
về vấn đề tiền bạc.
Ví dụ, cha ruột tôi thường nói: “Ham mê tiền bạc là nguồn
gốc của mọi điều xấu”. Còn cha nuôi của tôi lại bảo rằng: “Thiếu thốn
tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”.
Những sự khác nhau trong quan điểm của họ, nhất là khi đề cập
đến tiền bạc, khiến tôi trở nên tò mò và bắt đầu suy nghĩ… Vì có hai người cha
đầy ảnh hưởng, tôi đã học từ cả hai người. Tôi suy nghĩ về lời khuyên của mỗi
người, và nhờ vậy, tôi có được một hiểu biết sâu sắc về quyền lực và tác động của
suy nghĩ lên cuộc sống con người như thế nào.
Ví dụ, cha ruột tôi thường nói: “Tôi không mua nổi vật
đó.” Còn cha nuôi thì cấm tôi nói như vậy ông muốn tôi nói: “Làm thế
nào để mua được vật đó?” Một bên là câu khẳng định, còn bên kia là câu hỏi.
Một bên khiến bạn rũ bỏ trách nhiệm, còn bên kia buộc bạn phải suy nghĩ…
Hai người cha của tôi có những quan điểm cực kỳ khác biệt.
Chẳng hạn, một người bảo: “Phải học cho giỏi thì mới được làm việc ở những
công ty tốt.” Người kia bảo: “Học cho giỏi thì mới mua được những
công ty tốt” Một người tin rằng: “Ngôi nhà là số đầu tư nhiều nhất và
là tài sản lớn nhất của chúng ta.” Người kia lại nghĩ khác: “Ngôi nhà
cũng là một khoản tiền phải trả, và nếu ngôi nhà là khoản đầu tư lớn nhất của
con thì con gặp rắc rối rồi đây.”
Cả hai người cha đều trả tiền hóa đơn đúng thời hạn, nhưng một
người luôn trả đầu tiên còn người kia luôn trả sau cùng.
Một người vật lộn để tiết kiệm từng đồng một. Người kia chỉ làm một việc đơn giản
là đầu tư.
Một người dạy tôi cách viết một lá đơn xin việc thế nào cho ấn
tượng để có thể tìm được việc làm tốt. Người kia dạy tôi cách viết một dự án
kinh doanh tài chính như thế nào để có thể tạo ra công việc.
Được huấn luyện bởi hai người cha, tôi có thể quan sát tác động
của những suy nghĩ khác nhau lên cuộc sống con người. Tôi thấy người ta thật sự
định hình cuộc sống của họ qua suy nghĩ của chính họ.
Ví dụ, người cha nghèo của tôi luôn phàn nàn: “Tôi sẽ
không bao giờ giàu lên nổi” Và lời tiên đoán đó đã trở thành sự thật. Ngược
lại, người cha giàu của tôi luôn nói những câu đại loại như:“Tôi là một người
giàu, mà người giàu thì không làm những việc đó.” Ngay cả khi ông gặp thất
bại thảm hại sau một cuộc đầu tư lớn không thành, ông vẫn nghĩ mình là một người
giàu. ông nói: “Có khác biệt giữa nghèo nàn và phá sản. Phá sản chỉ là tạm
thời nhưng nghèo thì vinh tiễn.”
Những quyền lực của suy nghĩ không bao giờ có thể đo hay
đánh giá được, nhưng đó là một điều hiển nhiên mà tôi nhận thức được ngay từ
khi còn nhỏ. Tôi thấy rằng người cha nghèo không phải nghèo vì số tiền ông kiếm
được, mà vì những suy nghĩ và hành động của ông.
Dù cả hai người cha của tôi đều rất tôn trọng việc giáo dục
và học hỏi nhưng họ lại bất đồng về việc học cái gì là quan trọng. Một người muốn
tôi học hành chăm chỉ, có thứ hạng chuyên môn cao dể có công việc tốt, kiếm được
nhiều tiền. Người kia khuyến khích tôi học để trở nên giàu có, để hiểu tiền bạc
làm việc như thế nào và học cách bắt tiền bạc phải làm việc cho mình. Ông thường
nhắc đi nhắc lại: “Tôi không làm việc vì tiền. Tiền bạc phải làm việc vì
tôi”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét