Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Ngô Phan Lưu* và tờ lịch gỡ mỗi ngày


Nhà tôi treo một “lốc” lịch to nơi phòng khách, mỗi sáng thức dậy, tôi gỡ một tờ quăng đi… Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu có, coi đấy như lời dạy dỗ đầu ngày của các bậc tiền bối ! Không biết ai sao, riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm !
Ví như, sáng thứ 2 tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: “Tôi có ý kiến này muốn tặng bạn: Ðó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh”. Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ… và thấy có lý, hay lắm. Quá hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc kết một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người! Và, ngày hôm đó tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không nổi! Xin cảm ơn ông hay bà Turenne người nước nào tôi không rõ, đã cho tôi một chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân! Tôi không muốn coi tiếp câu danh ngôn của ngày kế tiếp… Ừ, cứ giữ bí mật để đó, vội gì!
Ðến sáng ngày thứ 3, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch, gặp câu nói của Swift: “Nổi giận là tự gánh giùm lỗi của người khác!”. Chí lý ! Dại gì mà nổi giận cơ chứ! Quả nhiên, câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó gặp nhiều việc bực mình, mà tôi đâu có thèm giận! Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cảm ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!…
Rạng đông ngày thứ 4, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu: “Phải khóc con người lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết”. Chết rồi có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Ừnhỉ! Lạ thật! Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn, yêu đời hơn! Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!
Sang ngày thứ 5, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ Ba Tư: “Lưỡi dài thu ngắn đời sống”. Ôi, quá chất lượng! Dân Ba Tư kinh nghiệm quá dày dặn! Nói lắm chỉ được cái “nguy to”, chỉ được cái “rước họa vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái“vạ mồm”!
Ðến ngày thứ 6, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam: “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!”. Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thực hiện quả làthiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài được! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chờ thời gian nữa hẵng hay!
Sáng ngày thứ 7, lại ló câu của Cervantes: “Ăn to thì di chúc nhỏ”. Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Ðó là câu của G. Herbert: “Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo”. Trời đất ! Lại cũng quá đúng! Những lúc bưng ly bia, cốc rượu chỗ đông người, trong ống tay áo tôi thường rớt ra thằng điên, thậm chí đôi lúc rớt ra hai thằng ! Say quá, có khi rớt tới ba thằng!

Ôi chao! Riêng về phần danh ngôn, tờ lịch vậy mà hay! Một lần nữa xin cảm ơn, cảm ơn…tờ lịch gỡ mỗi ngày! Việc gì phải đi thư viện đọc sách hao thời gian, cứ lịch đấy mà học mãn đời không hết…

*****************************************************
“Tờ lịch gỡ mỗi ngày” là tập sách mới nhất của nhà văn Ngô Phan Lưu. Theo như cách đề trong sách thì đây là tập tạp văn - một loại “thương hiệu” chung cho những bài viết dài chừng vài trang.
Có thể đó là cảm nhận, ghi chép, phóng sự, bút ký, hồi ức, truyện ngắn... Tập tạp văn dày hơn 200 trang, gồm 65 bài là 65 câu chuyện nhỏ dưới góc nhìn đầy chiêm nghiệm và triết lý sống của nhà văn Ngô Phan Lưu.
Ngô Phan Lưu vừa là bút danh vừa là tên thật. Bạn văn bốn phương vẫn thường gọi đùa là anh nhà văn 3 họ, bởi sự kết nối giữa các chữ Ngô, Phan và Lưu. Cách gọi này khiến cho những người mới gặp cảm giác ấn tượng và rất dễ nhớ đến anh, âu đó cũng là chút “duyên” của định phận. Ngô Phan Lưu sinh năm 1943, quê quán Phú Yên. Anh từng đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần Báo Văn Nghệ, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau tập thơ đầu tiên“Bếp lửa chiều đông” (1997), anh gần như chuyển hẳn sang văn xuôi với lần lượt 5 tập truyện ngắn và tản văn ra mắt bạn đọc gần xa. Kể ra, Ngô Phan Lưu cũng là một hiện tượng lạ trong giới cầm bút.
Nói lạ, vì anh “gá nghĩa” với văn chương rất muộn, khi đã là lão nông đúng nghĩa, bước kề đến tuổi 60. Thế nhưng anh lại đi, thậm chí là “chạy” rất nhanh vào lòng bạn đọc bằng những sáng tác đầy tài năng của mình. Báo chí từng “tôn” anh là “lão nông viết văn”. Nhưng thật ra anh là một lão nông tri thức, vì anh vốn là sinh viên ban Triết của Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Do vậy, chất triết lý trong các tác phẩm của anh luôn luôn bàng bạc, ẩn hiện đâu đó trong những câu chữ. Đến Phú Yên, tôi nghe “truyền tụng” câu này: “Nhất rắn cắn, nhì truyện ngắn Ngô Phan Lưu”. Rắn cắn thì đau, nhiều truyện ngắn của Ngô Phan Lưu thâm trầm, sâu sắc và cũng... đau đến như vậy!

Không có nhận xét nào: