Hoàng Xuân
bảo mẫu hành hạ trẻ con |
Lâu nay dường như có thói quen hễ phát hiện ra vụ vi phạm
pháp luật nào đình đám thì dư luận lại đồng loạt lên tiếng đòi xử thật nặng để
làm gương.
Từ hành xử thiếu ý thức như hôi bia, hôi hoa... đến những vụ
việc có liên quan thể chế, chính sách như chạy chức, chạy án, hối lộ, tham
nhũng. Mới đây nhất là các vụ xử hai bảo mẫu hành hạ trẻ con, Hồ Duy Trúc chặt
tay nạn nhân cướp xe và 5 công an đánh đến chết một nghi can.
Lòng nhân ái bị thách thức, nỗi lo sợ rủi ro có thể xảy ra với
bản thân khiến dư luận dậy sóng. Và thật khó khiến những trái tim đang bừng bừng
máu nóng dịu xuống để lắng nghe tiếng nói của lý trí. "Xử làm gương"
là một yêu cầu đi ngược mục đích của pháp luật.
Khoản 2 điều 3 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Mọi người
phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng,
tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.
Bình đẳng được hiểu nôm na là bị cáo phải được điều tra, xét
xử theo đúng hành vi phạm tội của mình đã được quy định trong luật. Một bị cáo
có khuôn mặt khả ái không vì thế mà được xử nhẹ hơn người xấu xí. Một bị cáo
bày tỏ trạng thái cảm xúc rất bản năng là cười mừng rỡ khi nhìn thấy người thân
không thể bị quy kết là "sát thủ máu lạnh" để đòi tăng nặng hình phạt.
Một người mẹ khóc quỵ giữa sân tòa khi con bị tuyên án tử hình cũng không thể
là lý do khiến pháp luật nương tay.
Bình đẳng tức là khi bước vào cửa phòng xử án, các vị thẩm
phán, hội thẩm, kiểm sát viên phải bỏ lại con người cá nhân của mình bên ngoài,
bỏ lại toàn bộ cảm xúc bình thường ai cũng có để trở thành những người thực hiện
pháp luật công bằng.
Điều này rất khó, cho nên đã có những biện pháp giúp các
quan tòa có thể "thoát xác" dễ dàng hơn. Ở nhiều nơi trên thế giới,
quan tòa khi ra xét xử phải mặc bộ áo chùng (thường là màu đen). Ở Anh, từ thế
kỷ 17 các thẩm phán và hội thẩm còn phải đội thêm bộ tóc giả màu trắng rắc phấn.
Những quy định đặc biệt về trang phục này, theo một số tài liệu nghiên cứu pháp
lý giải thích là để giống những nhà thông thái cổ xưa thường có mái đầu bạc trắng,
mong các quan tòa thừa kế được sự thông thái của họ. Đó là kiểu đồng phục đặc
biệt khiến quan tòa dễ nhập vai và tập trung vào công việc.
Khi xét xử, thẩm phán nhân danh nhà nước và pháp luật để bảo
vệ công lý chứ không nhân danh cá nhân mình. "Vì lẽ ấy, khi xét xử người
thẩm phán không được để cho tình cảm, ý nghĩ, lợi ích cá nhân chi phối, không
được quy phục bất cứ ý chí nào, quyền uy nào ngoài uy quyền pháp luật. Có thể
còn nhiều quan niệm khác, tuy nhiên, nguyên tắc “Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ
tuân theo pháp luật” từ lâu đã phổ biến trong tất cả các nền tư pháp của các
nhà nước. Nguyên tắc này đề cao vị trí thượng tôn của pháp luật; bảo đảm tính
khách quan, công bằng của các phán quyết, bởi pháp luật thể hiện ý chí chung,
không thiên vị người bị hại, cũng không xử nặng những kẻ tội đồ mà hành vi phạm
tội không đáng như vậy.
Tuy nhiên, tác động của truyền thông lên cảm xúc và nhận định
cá nhân rất lớn. Do vậy sự độc lập của người xét xử phải được bảo vệ bằng nhiều
hình thức. Ở Mỹ, khi bàn bạc để đưa ra phán quyết một vụ án, thì nếu đến tối mà
không đạt được quyết định thì các thành viên bồi thẩm đoàn được đưa về nhà với
những chỉ dẫn kiên quyết không được trao đổi vụ án với người khác hay đọc về vụ
án trên báo. Trong những vụ án cực kỳ quan trọng hoặc tai tiếng, bồi thẩm đoàn
có thể bị thẩm phán tách riêng ra, nghĩa là các thành viên của bồi thẩm đoàn sẽ
ở một khách sạn địa phương suốt đêm để tránh sự soi mói của công chúng.
Những yêu cầu khắt khe trên chỉ nhằm để bảo đảm cao nhất các trình tự tố tụng công khai, dân chủ, giúp tìm ra sự thật khách quan trong mỗi vụ án.
Những yêu cầu khắt khe trên chỉ nhằm để bảo đảm cao nhất các trình tự tố tụng công khai, dân chủ, giúp tìm ra sự thật khách quan trong mỗi vụ án.
Một bản án sai dẫn đến lao tù hoặc thậm chí tử hình một con
người sẽ không thể chuộc lại.
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, không thể tùy tiện
cho phép cảm xúc chi phối hành động thực hiện việc thực thi pháp luật. Nếu
chúng ta cứ quen với câu nói cửa miệng "xử thật nặng", "xử làm
gương", thì cũng có thể suy diễn cũng có những vụ xử nhẹ, xử dễ dãi... vì
những lý do ngoài công lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét