Đức Hoàng
Joaquim Barbosa |
Mỗi tuần, bạn lại đọc một câu chuyện thương tâm trên báo
chí. Rồi bạn nhận ra một khoảng trống rất lớn cần một anh hùng xuất hiện mà
chưa thấy đâu.
Trong những lễ hội Carnival huyền thoại, giữa một rừng những
mặt nạ hóa trang đầy tính trào phúng, mấy năm nay, người ta đeo thêm một chiếc
mặt nạ đầy “tinh thần chính luận”: mặt nạ của thẩm phán Tòa tối cao Brazil,
Joaquim Barbosa, mặt nạ anh hùng.
Joaquim Barbosa đã vượt qua xuất thân nghèo khó để vào năm
2003, trở thành thẩm phán da màu đầu tiên của Tòa tối cao Brazil. Nhưng tư cách
của một anh hùng chỉ đến khi Barbosa phụ trách một đại án tham nhũng, mà năm
2012, ông tuyên án 10 năm với cựu Chánh văn phòng của Tổng thống Lula da Silva.
Đó là quan chức cao cấp nhất từng bị tuyên án trong lịch sử tư pháp nước này.
Năm ngoái, gần 3 vạn chiếc mặt nạ của Joaquim Barbosa đã được
bán ra trong vòng một tuần trước lễ Carnival.
Khi đọc về Barbosa, tôi trao đổi với một tiến sĩ khảo cổ về
những chiếc mặt nạ ở Carnival và hỏi ông rằng, trong lịch sử nước ta đã có một
“vị công tố” nào trở thành anh hùng của đám đông hay chưa. Ông trả lời chua
chát: chỉ có anh Hề chèo, can thiệp đủ thứ chuyện mà không bị trảm, còn quan ngự
sử thì không nhớ có ông nào nổi tiếng.
Anh Hề chèo lên án thói hư tật xấu của xã hội, của nhà cầm
quyền. Anh Hề chèo là thẩm phán nửa mùa. Thế nghĩa là công lý của đất nước
Brazil xa xôi kia, đã từ ngoài đời thật đi vào nghệ thuật. Còn ở nước ta, hình
tượng nghệ thuật có trước, ước mong có trước, mà vẫn chưa thể đi ngược trở lại
vào nhân gian.
Những anh hùng công lý không chỉ tồn tại trong điện ảnh. Họ
tồn tại cả ngoài đời. Và điều mà họ tạo ra, dường như cũng đầy chất điện ảnh: họ
trực tiếp thực thi công lý một phần, rồi trở thành một biểu tượng và truyền cho
đám đông niềm tin vào công lý, để mỗi con người bình thường đều trở thành một động
lực của công lý. Như Harvey Dent và Batman trong phim Hiệp sĩ bóng đêm.
Chúng ta cũng đã có anh hùng, hay là thần tượng, trong nhiều
lĩnh vực. Chúng ta có anh hùng trong nghiên cứu khoa học - giáo sư Ngô Bảo
Châu. Chúng ta có một thần tượng trong công nghệ, người mới được xếp vào danh
sách những lập trình viên ảnh hưởng nhất thế giới - Nguyễn Hà Đông. Chúng ta có
nhiều anh hùng trong kinh tế, đơn cử như bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương), cựu
giám đốc Nông trường Hậu Giang.
Đó là những người thực sự đã thổi vào đám đông những cảm hứng
và niềm tin để họ vươn lên.
Nhưng chúng ta chưa hề có một anh hùng công lý ở tầm vóc ấy.
Mặc dù hẳn nhiều độc giả sẽ đồng ý rằng điều khiến họ buồn
lòng nhất khi giở trang báo, không phải là việc Việt Nam thiếu nhà toán học hay
nhà lập trình giỏi, mà là những câu chuyện về công lý.
Anh hùng công lý có vẻ như rất khó được tạo ra, một hình mẫu
có thể thổi niềm tin về công lý cho đám đông có vẻ rất khó được tạo ra, khi mà
cái “sườn” cơ bản là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn đầy vướng mắc,
con đường để anh Hề chèo bước ra khỏi chiếu đầy những bụi cây gai bị trồng nhầm
và cả mảnh thủy tinh người ta vô tình hay hữu ý đập ra.
Trong lúc chờ đợi, chúng ta vẫn chỉ có những Hề chèo. Anh
ngày càng xuất hiện nhiều và phê phán nhiều lên, sau mỗi câu chuyện đau lòng.
Đôi lúc, chính bạn, những độc giả của tôi cũng phê phán miệng như anh. Đôi lúc,
tôi cũng tự hỏi rằng mình làm như thế này có phải là giống anh Hề chèo không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét