Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Tìm hiểu về tự tử ở Mỹ


1/. Vì sao các vụ tự tử ở Mỹ lại thường xảy ra vào mùa Xuân?
Tính trung bình cứ mỗi ngày có 105 người Mỹ tự tử. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những vụ tự tử này xảy ra vào mùa Xuân khi thời tiết trở nên ấm áp và ánh mặt trời chiếu rọi.
Thông thường, mọi người cho rằng mùa Đông là thời điểm thích hợp để tự sát do các triệu chứng trầm cảm được thời tiết lạnh lẽo và tăm tối làm cho trầm trọng hơn. Một quan điểm khác lại cho rằng các vụ tự tử hay diễn ra vào các dịp lễ, khi những người có tâm trạng bất ổn cảm thấy bị tách khỏi sự vui vẻ của những người khác.
Trên thực tế, các nghiên cứu từ cuối những năm 80 đã chỉ ra rằng các vụ tự tử xảy ra nhiều nhất vào mùa Xuân và ít nhất vào mùa đông. Một nghiên cứu năm 1995 đã phân tích tỉ lệ tự tử tại 28 nước và phát hiện ra tại 25 nước ở Bắc bán cầu, các vụ tự tử diễn ra thường xuyên vào tháng 5 và giảm xuống vào tháng 2.
Các phát hiện tương tự cũng thu được ở Nam bán cầu, cụ thể là tại Nam Phi, cao điểm của các vụ tự tử là trong mùa Xuân phương nam, tháng 9 và tháng 10, theo một nghiên cứu tâm lý năm 1997.
Lý do tự tử liên quan đến các mùa vẫn chưa được làm rõ, nhưng đã có một vài gợi ý. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thời tiết hoặc những thay đổi trong quan hệ xã hội gây ra xu hướng tự tử, những người khác lại cho rằng con người dễ bị kích động hơn vào mùa Xuân.
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC), năm 2010 ở Mỹ xảy ra 38.364 vụ tự tử. Con số này khiến tự tử đứng thứ 10 trong danh sách các nguyên nhân khiến con người thiệt mạng ở mọi độ tuổi, và là nguyên nhân đứng thứ ba gây ra cái chết của những người trong độ tuổi 15-24.
Phụ nữ thường có suy nghĩ tự tử nhiều hơn đàn ông, nhưng 79% các vụ tự tử xảy ra ở Mỹ là của nam giới. Điều này có thể lý giải vì nam giới thường chọn những cách tự tử hiệu quả hơn. Theo CDC, khoảng 56% các vụ nam giới tự sát dùng súng. Trong khi đó, cách mà phụ nữ thường lựa chọn để tự sát là uống thuốc độc, chiếm khoảng 37%.
Dự đoán khả năng tự sát của một người là một vấn đề rất đau đầu. Hiểu được tại sao mùa Xuân lại là mùa nhiều người tự sát có thể giải thích được động cơ của họ, nhưng kể cả câu hỏi này cũng rất khó trả lời.
Khi công bố thời gian cao điểm tự sát được đưa ra lần đầu cuối những năm 80, các nhà tâm lý học đã bắt đầu tìm kiếm nguyên nhân. Một giả thuyết cho rằng sự ấm áp của mùa Xuân và mùa Hè khiến năng lượng của con người dồi dào, khiến xu hướng bạo lực tăng lên.
Một giả thuyết khác lại cho rằng sự căng thẳng của đời sống xã hội trong mùa Xuân và mùa Hè là lý do nhiều người tự tử.
Nhiều nhà nghiên cứu vẫn tin rằng thời tiết có thể làm gia tăng các vụ tự tử trong mùa Xuân. Theo giáo sư-bác sỹ Adam Kaplin, khoa tâm lý và thần kinh học bệnh viện John Hopkins (Baltimore), có khả năng những người bị trầm cảm không có đủ năng lượng để thực hiện kế hoạch tự sát trong mùa đông.
“Có thể dù mùa Xuân đã đến nhưng tâm trạng của họ vẫn rất xấu, và họ có đã có đủ năng lượng để tiến hành tự sát.”
Lý giải xã hội cho rằng những người dễ bị tổn thương do hành vi tự sát phải đối mặt với nhiều thử thách hơn khi thời tiết ấm áp và các tương tác xã hội tăng lên. Cũng có thể những người có tâm trạng bất ổn cảm thấy bị bỏ rơi trong các mối quan hệ xã hội. Sự cô độc của mùa đông đã rời xa tất cả mọi người, trừ họ.
Ủng họ các giả thuyết mang tính xã hội này, cuộc điều tra năm 1995 trên toàn cầu phát hiện ra rằng sự liên quan giữa các mùa và việc tự sát mạnh mẽ hơn ở những nước nông nghiệp so với các nước công nghiệp.
Các nước nông nghiệp thường phụ thuộc vào thời tiết, trong khi các nước công nghiệp ít bị ảnh hưởng hơn do chủ yếu hoạt động trong nhà. Trong những thời điểm khác, các vụ tự sát ở các nước công nghiệp cũng có dấu hiệu tăng, cụ thể vào mùa thu khi bắt đầu học kỷ mới.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích dữ liệu các vụ tự sát trong hơn 50 năm từ hệ thống pháp luật Australia và không phát hiện được bằng chứng nào về sự ảnh hưởng của mùa lên các vụ tự tử trong tù.
“Một trong những đặc điểm cốt lõi của các nhà tù là sự hạn chế giao tiếp và tương tác xã hội. Sự cô lập về xã hội này hoàn toàn độc lập với ảnh hưởng của thay đổi các mùa,” các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu năm 2004.
Các áp lực xã hội không phải là lời giải duy nhất có khả năng cho sự đột biến các vụ tự tử vào mùa Xuân. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các hoạt động vật lý có thể là nguyên nhân giải thích.
Sự trầm cảm, các ý muốn và hành vi tự sát từ lâu đã được gắn với sự kích động, một phản ứng thường xuyên của cơ thể khi gặp căng thẳng. Sự kích động được đánh dấu bằng hệ miễn dịch hoạt động mạnh và các mạch máu giãn nở, và được cho là có liên quan tới các triệu chứng từ bệnh hen tới bệnh tim.
Mối liên hệ giữa sự kích động và trầm cảm đã được công bố trong các nghiên cứu trên chuột đến trên người. Những con chuột được tiêm chất tăng cường sự kích động không quan tâm đến việc chải lông, giao tiếp với những con chuột khác hay tìm đồ ăn. Những người được tiêm chất tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch có xu hướng bị kích động như một tác dụng phụ.
Theo giáo sư Kaplin, 25% bệnh nhân được điều trị kiểu này bị trầm cảm trong vòng vài tuần. Những bệnh nhân bị xơ cứng đa màng tế bào- một rối loạn tự miễn dịch do quá kích động có tỉ lệ trầm cảm cao nhất.
Bên cạnh mối liên hệ với sự kích động, các hoạt động tự sát còn được liên hệ với mức độ ô nhiễm không khí, theo một nghiên cứu năm 2010 tại phòng cấp cứu những người tự sát ở Vancouver, Canada.
Phát hiện này khiến các nhà khoa học rất hứng thú, dẫu chưa có bằng chứng nào chứng minh. Thực tế cũng có rất nhiều các yếu tố khác có thể có liên quan tới tỉ lệ tự sát tùy theo những khác biệt về khu vực địa lý và văn hóa.
2/. Các siêu biệt kích tự tử.
Giới chức quân sự Mỹ cảnh báo các vụ tự tử trong quân đội, bao gồm cả lực lượng Hải quân SEAL ưu tú và siêu biệt kích Rangers đã lên đến mức báo động, xác lập kỷ lục mới đáng lo ngại.
Đô đốc William McRaven
Theo Chuẩn Đô đốc William McRaven, người đứng đầu Bộ tư lệnh hoạt động đặc biệt, số binh sĩ Mỹ tự tử trong vòng hai năm qua đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Tampa, bang Florida hôm 17-4, ông McRaven nói: “Năm nay tôi sợ rằng quân đội Mỹ sẽ phá vỡ kỷ lục các vụ tự tử trước đó. Những người lính của chúng tôi phải trải qua hơn 12 năm chiến đấu gian khổ và bản thân họ đã thay đổi rất nhiều so với lúc chuẩn bị bước vào cuộc chiến”.
Vị Đô đốc cho biết thêm có thể mất một năm hoặc nhiều hơn để đánh giá ảnh hưởng của những cuộc chiến tới các đơn vị đặc biệt, chẳng hạn như trận đột kích của biệt đội SEAL nhằm tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden vào năm 2011.
Tuy nhiên, ông Mc Raven không cung cấp số liệu cụ thể các trường hợp tự tử, trong đó tỉ lệ binh sĩ chết vì xung đột thấp hơn các trường hợp ngoại lệ khác. Hồi năm 2012, khoảng 350 lính Mỹ tự sát mà không liên quan đến các nhiệm vụ chiến đấu. Đến năm 2013, tình hình có vẻ được cải thiện hơn khi chỉ có 284 vụ tự tử trong lúc các lực lượng quân đội thực hiện một số hoạt động đặc biệt.
Bộ tư lệnh của Đô đốc McRaven có trụ sở đặt tại căn cứ không quân MacDill ở Tampa làm công việc chuyên giám sát những đơn vị biệt kích tinh nhuệ trải dài trên 84 quốc gia. Theo một tài liệu do Lầu Năm Góc công bố, lực lượng hoạt động đặc biệt bao gồm quân đội, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến hiện chiếm khoảng 59.000 người.
Kim Ruocco, Giám đốc chương trình ngăn ngừa tự tử và hỗ trợ người sống sót của quân đội Mỹ cho rằng nhiều người không dám tiết lộ triệu chứng bất ổn về tâm lý vì lo sợ họ sẽ phải kết thúc sự nghiệp của mình. Ngoài ra, quy mô các lực lượng vũ trang Mỹ đang ngày càng bị thu hẹp gây thêm áp lực lên những người lính, khi họ có ý thức cộng đồng và bản sắc gắn liền với nghĩa vụ quân sự phải thực hiện.
     Xem thêm:  
Suicide - Facts at a Glance
U.S. special forces struggle with record suicides: admiral

Không có nhận xét nào: