Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

LÁ THƯ BUỒN CỦA MỘT SV Y KHOA

Một lá thư thật buồn cho thấy thế nào là lẽ vô thường và sụ bình an trong cuộc sống.

Chào bác. 
Lời đầu thư cháu chúc bác có thật nhiều sức khỏe.Cháu là 1 độc giả hay ghé thăm blog vuisongmoingay của bác, cháu rất thích blog và những câu chuyện mà bác chia sẻ lên blog.Hiện tại cháu đang gặp 1 chuyện rất buồn, mong bác chia sẻ cho cháu những kinh nghiệm quý báu trong ngành y cũng như trong cuộc sống để cháu vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cháu năm nay 22 tuổi,hiện đang là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Y ... Cũng như bao bạn sinh viên khác, cháu cũng có ước mơ hoài bão riêng của mình.Mọi thứ cứ vậy êm đềm trôi qua cho đến 1 ngày cách đây 10 tháng, cháu bị tai nạn xe máy gãy xương cánh tay. Đen đủi thế nào mà cháu lại bị nhổ hết rễ thần kinh ở đám rối cánh tay từ C5-D1. Vậy là mọi thứ coi như là đã khép lại với cháu. Cháu cũng đã xem nhiều tài liệu về bệnh này, bác sĩ ở BV mổ cho cháu nói chỉ phục hồi được dây tk trên vai, dây cơ bì, dây giữa và dây tk nách tức là phục hồi được khoảng 25% năng so với tay lành. Cháu còn nhớ mãi vị bs mổ cho cháu nói rằng nếu sau này tốt thì cầm được bát cơm. Cứ nghĩ đến câu này là cháu lại ứ hết nước mắt, học 6 năm ra trường,bát cơm bưng còn khó nói gì đến việc khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân.
Hiện tại cháu đang rất hoang mang và mất hết niềm tin và cuộc sống, cháu mong bác cho cháu biết với tình trạng bệnh này,liệu cháu có thể làm bác sĩ được nữa không, cháu yêu nghề y từ nhỏ và coi đó là 1 phần của cuộc sống.Mong bác sớm hồi âm để cháu vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 Cháu xin cảm ơn!

Mời các bạn đọc lại loạt bài về lẽ vô thường và sự bình an trong cuộc sống.

Đành phải nói dối ...


Bác Già buồn tình lái xe ghé vào cầu Golden Gate ngắm đảo Alcatraz.
Đang lang thang thả hồn đi bộ trên thành cầu, bác đánh rơi chùm chìa khóa xuống biển, tủi thân bác đứng khóc.
Bỗng đâu thượng đế hiện ra, hỏi : tại sao con khóc?
Sau khi nghe xong câu chuyện, Thượng Đế nhảy xuống biển, đem lên chìa khóa xe Mercedes.
- Đây có phải chìa khóa xe của con không?
- Dạ thưa không phải. Ngài lại lặn xuống một hơi nữa, trồi lên đưa cho xem chìa khóa Lexus.
- Đây có phải chìa khoá của con không?
- Dạ thưa không phải. Lần thứ ba, thượng đế đem lên chùm chìa khóa xe Camry.
- Chùm này của con phải chưa?
- Dạ thưa ngài, đúng là của con.
Thượng Đế hài lòng với tính chất phác của bác Già, thưởng cho bác cả 2 chiếc xe kia làm quà.

Bác Già về nhà vui vẻ, kể cho vợ nghe. Ngày hôm sau, bác dẫn vợ ra chỉ cho nàng nơi thượng đế hiển linh.
Xui xẻo sao vợ bác lúc chồm người ra nhìn sóng trượt chân té xuống biển.
Bác Già vừa định khóc toáng lên, thì thượng đế lại hiện ra, hỏi : tại sao con khóc?
- Vợ con bị té chìm xuống biển rồi.
Thượng Đế vội vàng nhảy xuống. Một hồi sau, trồi lên Marilyn Monroe
- Đây phải vợ con không? Bác Già mừng rỡ nhận ngay. Thượng Đế nổi giận, hét lên.
- Mày dám qua mặt ông à ?!$#%? Bác Già vội vàng thưa:
- Cho con bày tỏ đôi lời trước khi ngài phạt con.
"Nếu con nói Marilyn không phải là vợ con, ngài sẽ đem Ý Lan lên thử thách lòng con.
Rồi sau một lần nữa, đem vợ con lên, sau khi con nói thật, ngài sẽ thưởng cho con cả 3 người đàn bà để con hầu hạ.
Thân con còm cõi thế này thì làm sao con sống? ....
Vì thế con đành phải nói dối ngài...thưa ngài,thông cảm!"

Tâm Tín hay Tâm Tưởng

Ni Sư Trí Hải thuật  (Truyện có thật)

Vào khoảng năm 1978, chùa chúng tôi xảy ra một biến cố làm cho tất cả mọi người có thêm kinh nghiệm rùng rợn về tái sinh và nghiệp báo. Nếu biến cố này xảy ra trước 75 thì chắc chắn những tờ nhật báo tha hồ khai thác để làm tiền thiên hạ, và chùa chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít vì cái cảnh dập dìu tài tử giai nhân đua nhau tới chùa tìm hiểu sự vụ hòng kiểm chứng những lời tường thuật của báo chí. Nhưng vì sự cố đã xảy ra vào một thời rất căng cho các chùa chiền, thêm nữa chùa chúng tôi ở nơi thật hẻo lánh trên núi thì còn ai biết được một sự cố hi hữu đã xảy đến.
Đương sự hiện nay là một ni cô đã ngoài ba mươi, tốt nghiệp đại học và đang ở Sàigòn để theo cao học. Một hôm về thăm chốn tổ - chùa Trúc Lâm nằm trên đường đi lăng Khải Định - chúng tôi gặp nhau và nhân lúc cao hứng y đã kể lại chuyện đời của y cho tôi nghe.
Tâm Tưởng - pháp danh cô bé lúc mới vào chùa - trước kia vào khoảng 1978, là một nữ sinh viên đại học Sư phạm Huế sắp ra trường. Cả gia đình y không ai biết đạo Phật là cái gì cả. Y đang lưu trú trong cư xá của đại học vì nhà ở tận dưới quê xa. Một hôm y về thăm nhà, ở lại trong căn phòng nhỏ, thức đêm ôn bài cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Giữa khuya, thình lình có một con rắn lớn bò qua cửa sổ vào phòng. Y hét lên, đánh thức cả nhà. Cha y đang ngủ nhỏm dậy, cầm cây then cửa phóng về hướng con rắn và lập tức đập nó chết. Không lâu sau đó, ông tự nhiên bỏ ăn bỏ uống, nằm dài suốt ngày này qua tháng khác, thân hình mỗi lúc một tiều tụy. Chở đi bệnh viện thì bác sĩ không khám phá ra được bệnh gì, đành về nhà nằm tiếp. Cô gái trở lại đại học xá, đang học thi thì bỗng được tin cha chết. Cô chạy như bay về nhà, vào lúc giữa trưa đứng bóng. Cô chạy ngay giữa đường xe hơi nhưng kỳ lạ thay, không bị một chướng ngại gì suốt cả quãng đường dài gần 20 cây số. Người cha đã được khâm liệm bỏ vào quan tài, khằn kín mít chỉ chờ cô về để đưa ma vì phải làm theo giờ giấc mà ông thầy coi lịch số đã định.
Cô gái hùng hổ từ ngoài chạy vào nhà, gạt tất cả mọi người ra mà đâm bổ vào nơi đặt quan tài cha. Đến nơi, cô dùng hai tay trần bứt tất cả giây nịt quan tài, mở tung cái nắp hòm, moi vứt ra mọi vật dụng tẩm liệm rườm rà phủ trên xác chết cho đến khi lộ gương mặt thây ma. Rồi cô dùng 10 ngón tay cào cấu gương mặt ấy cho rách nát xong chạy ra giữa đường cười ha hả la lên: "Ta đã trả được mối thù! Ta đã trả được cả hai mối thù!"
Mọi người quá bất ngờ không kịp phản ứng vì cứ ngỡ cô gái thương cha muốn tới gần quan tài để khóc lóc cho hả. Đến khi cô làm mọi sự nói trên một cách chớp nhoáng, họ không kịp trở tay và vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh phi thường của cô gái đang bị quỷ nhập. Nhiều người đàn ông lực lưỡng xông vào can ngăn nhưng đều bị gạt cho té nhào. Sau đó hồn ma ứng vào miệng cô để đọc lên một bài thơ dài, theo đó người ta được biết câu chuyện đại khái như sau:
Nguyên kiếp trước cô là một người đàn ông có vợ; người đàn ông này ngoại tình và lại còn về giết vợ. Người vợ chết trong tâm trạng uất hận nên đã tái sinh làm con rắn, còn người đàn ông (có lẽ do nghiệp ngoại tình) tái sinh làm cô gái trong đời hiện tại. (Thảo nào gương mặt cô bé do ấn tượng tiền kiếp vừa qua, không mang vẻ nữ tính cho lắm). Con rắn bò vào nhà toan mổ cô gái để trả mối thù xưa, thì lại bị cha cô đánh chết. Thần thức của người đàn bà bị tình phụ kiếp trước - tức của con rắn bị giết kiếp này - đã nhập vào cô con gái, bắt cô phải cào nát mặt cha cô.
Khi tỉnh dậy nghe thuật lại những gì mình đã làm, cô gái vô cùng đau khổ. Gia đình cô cũng từ đấy càng ngày càng sa sút. Hồn ma báo oán không những nhập vào cô gái làm cô khi tỉnh khi say mà còn khiến tất cả các thành viên trong gia đình cũng trở nên dở dở ương ương từ ngày cha cô chết. Đôi khi vào những ngày "thất thất trai tuần" của người cha, vị thầy đang tụng kinh phải rởn ốc vì tiếng cười rùng rợn của tất cả mọi người trong gia đình đang quỳ sau lưng.
Cô gái bỏ học, về nhà thức suốt ba đêm thắp hương giữa trời cầu khẩn vị nào có phép thần thông (cô chưa hề biết Phật) xin hãy giải mối oan khiên nghiệp chướng cho cô. Lời cầu nguyện của cô đã cảm đến một vị thiền sư trong cõi vô sắc. Vị ấy nhập vào xác cô gái bắt người anh phải đưa cô lên chùa Trúc Lâm xin Hòa thượng thế phát quy y. Trong nhà không ai biết đến chùa và Hòa thượng, nhưng cô gái cương quyết bảo người anh cứ theo cô là được. Nói xong cô gái lôi người anh chạy như bay giữa đường trường gần 20 cây số lên tới chùa Trúc Lâm.
Tới nơi trong khi người anh sụp lạy Hòa thượng trụ trì như tế sao, xin Hòa thượng cứu cho em gái, thì cô gái cứ đứng sừng sững ngang nhiên nhìn Hòa thượng mà mỉm cười. Hòa thượng quắc mắt nhìn cô gái, quát lên: - "Quỳ xuống".
Hồn ma trong xác cô vẫn không quy phục, cứ nhìn chằm chặp vào Hòa thượng mà cười ngạo nghễ. Khi Hòa thượng rút con roi bằng gỗ dâu sắp giáng lên người cô gái và quát lần thứ hai "quỳ xuống" thì cô gái mới từ từ quỳ xuống, nhưng vẫn nhìn Hòa thượng mà mỉm cười nói: - "Vì muốn độ cho nữ này mà tôi phải quỳ trước sư đệ".
Theo những gì xác cô gái nói, thì đấy là một thiền sư (mang một cái tên bằng tiếng Phạn) đã viên tịch 200 năm, hiện trú cõi vô sắc, vì cảm lời cầu khẩn của cô gái nên muốn giúp cô ta đi tu để giải thoát oan nghiệp nhiều đời giữa cô và con rắn. Theo vị thiền sư thì giữa đôi bên đã có oan nghiệp từ 500 năm chứ không phải mới đời trước và đời này. Thiền sư yêu cầu Hòa thượng độ cho cô gái xuất gia. Hòa thượng bèn gửi cô gái qua chùa ni bên cạnh cho sư trưởng tôi dạy bảo. Khi tỉnh cô gái sinh hoạt rất bình thường và tuyệt nhiên không nhớ được điều gì đã xảy ra trong khi vị thiền sư mượn xác cô để nói chuyện với Hòa thượng. Cũng do áp lực vô hình của vị thiền sư, cô lên trường đại học Sư phạm nhiều lần xin nghỉ học để xuất gia, nhưng nhà trường không chấp thuận. Cuối cùng một chuyện kỳ lạ xảy đến làm cho bạn bè và nhà trường phải chấp thuận cho cô nghỉ học vì lý do bệnh thần kinh. Mỗi lần bước vào cổng trường là cô tự nhiên bị câm không thể nói một tiếng nào cho đến khi ra khỏi cổng. Nhiều lần như vậy trước sự chứng kiến của những nhân viên trong trường, nên họ phải làm chứng cho cô được nghỉ học vì bệnh điên. Trở về chùa, cô gái hành điệu như tất cả những người tập sự xuất gia khác, nhưng thỉnh thoảng cô lại bị oan hồn con rắn (mà cũng là bạn đời trong kiếp trước) nhập vào xác để quấy nhiễu, trách móc về chuyện không lo tu hành, có tư tưởng xấu, muốn bỏ về nhà. Mỗi lần như vậy xác cô gái lại bị một trận đòn nhừ tử của sư trưởng tôi. Một hôm sau khi bị đòn, cô gái khóc lóc đến quỳ trước sư trưởng mà bạch:
- Bạch sư trưởng, sư trưởng đánh con oan ức lắm. Y có ý nghĩ thối lui về nhà không muốn tu, nên con mới phá y. Con chỉ muốn cho y tu hành để giải oan nghiệp giữa con và y mà thôi.
Sư trưởng tôi bảo hồn ma:
- Bây giờ ta quy y cho ngươi. Hãy theo Phật, đừng theo nó nữa, ngươi chịu không?
- Dạ, dạ, thế thì tốt lắm, bạch sư  trưởng. (Hồn ma có vẻ mừng rỡ, mượn xác cô gái để bày tỏ sự cám ơn). Xin sư trưởng quy y cho con luôn.
Sư trưởng tôi làm phép thọ tam quy y cho cả cô gái lẫn hồn ma đang mượn xác cô. Hồn ma được pháp danh Tâm Tín, còn cô gái pháp danh là Tâm Tưởng. Từ đấy cô gái được yên ổn tu hành không bị quấy nhiễu.
Bẵng đi một dạo khá lâu, bỗng một đêm kia, sau giờ "chỉ tịnh" (khoảng 9 giờ tối, giờ mà tất cả tu sĩ trong chùa đều leo lên bồ đoàn để tọa thiền niệm Phật trước khi nằm xuống ngủ), cô gái xồng xộc chạy vào "liêu" của sư trưởng trong khi người đang nhập thiền. Người quát hỏi:
- Ai đó? Tâm Tín hay Tâm Tưởng?
Cô gái trả lời ngay : - "Dạ con là Tâm Tín".
Cô bé thị giả đang hầu quạt cho sư trưởng (vì lúc đó vào mùa an cư khí trời khá nóng nực) nghe mà ớn lạnh toàn thân, cả mình rởn ốc. Sư trưởng bình tĩnh dạy:
- Ta đã bảo ngươi hãy để yên cho nó tu, sao cứ theo nó hoài? Người còn muốn theo nó tới bao giờ nữa? Có phải như vậy là cả ngươi lẫn nó cùng khổ cả không?
Hồn ma tỏ lộ sự vui vẻ, nói qua xác cô gái:
- Dạ, dạ bạch sư trưởng, con không theo nó nữa! Con chỉ muốn đến báo cho sư trưởng một tin mừng là con đã tìm được chốn đầu thai. Xin cảm tạ sư trưởng!
Nói xong cô gái chạy về chỗ ở dành cho chúng điệu, và từ đấy hồn ma không bao giờ trở lại.
Nghe xong chuyện ni cô kể (khi kể chuyện này thì cô gái đã là một tỷ kheo ni trong đạo) tôi củng cố được vài kinh nghiệm bổ ích cho việc tu hành. Trước hết là tính cách giả dối tạm thời của giới tính như nam hoặc nữ và của sinh vật như người hay súc sinh. Khi bị vô minh làm mờ ám thì người nam si mê người nữ và ngược lại, mà không ý thức được rằng hai yếu tố nam, nữ không có gì là chắc thực cố định. Mỗi người qua quá trình luân chuyển, ai cũng đã vô số lần khi mang thân người nam, khi khoác lốt người nữa, cho nên hai thứ mặc cảm tự tôn (khi mang thân nam nhi) và tự ti (khi khoác hình hài nữ nhân) đều vô lối; lại nữa bản chất mỗi người đều có đủ cả hai yếu tố nam nữ không ai thiếu ai. Chính cái cảm giác thiếu thốn tưởng tượng ấy đã đẻ ra vô số vấn đề xã hội và tâm lý.
Thứ hai, chẳng những nam nữ là huyễn hóa mà người và súc sinh cũng thay nhau như bỡn. Ta không thể quyết chắc mình sẽ được mãi mãi làm người. Nếu vô tình nổi một niệm sân si trước khi chết là ta có thể thác sinh làm rắn rết như chơi. Tỉ như người đàn bà bị phụ tình đời trước, vì chết trong cơn tức tối mà đã tái sinh làm thân rắn trong đời này, bất kể oan hay ưng. Vậy thì điều cốt yếu là đừng nên thù hiềm bất cứ ai, vì sẽ rất hiểm cho chính bản thân mình.
Nên trong kinh Di Giáo đức Phật có dạy: "Nếu ai cắt xẻ thân thể ngươi ra từng mảng từng đoạn, cũng đừng vì thế mà ôm lòng giận dữ." Lạy Phật! Mong sao cho tất cả mọi người đều ý thức được hạnh phúc hiếm có mình đang hưởng (là được tái sinh làm thân người) để lo tu học theo chánh pháp, không bỏ lỡ dịp may hiếm có này.
Trích nội san Tuệ Uyển, số 4, tháng 07/95

H Ỏ A D Â N

Trương Tiếp Trương

Tôi sinh ra ở gần ga xe lửa. Mặc dù chỉ sống có vài năm rồi cha mẹ dọn đi, tiếng còi tàu chừng như đã ăn vô tiềm thức.
Quê nội tôi ở Bình Định. Khoảng cách giữa hai quê là 200km, vào thời mới thống nhất là cả một cuộc hành trình. Thời đó xe đò, tôi nhớ là xe Renault còn chạy bằng than đá. Bình than to khủng đeo ở đuôi xe, lâu lâu lại ị xuống mặt đường một hai cục đỏ đỏ hồng hồng. Xe lửa thì chạy hơi nước, cái nồi súp-de to thấy ớn. Nói chung hồi đó mình còn nhỏ nên thấy cái gì cũng vĩ đại cả.
Chỉ có 200km mà xe lửa, hồi đó gọi là tàu chợ chạy mất cả ngày. Có khi bị trật đường ray còn lâu hơn thế. Có cả một đội quân chuyên sống bám ngành hỏa xa. Bán hàng rong nè, buôn chuyến nè, đi cọp nữa. Tôi nhớ tụi bán trà đá còn nấu nước ở chỗ nối toa. Nói là trà đá chớ thiệt ra là lá rừng, nghe mùi hăng hắc. Trên tàu lúc nào cũng ồn ào nên bán hàng phải có giọng rao thiệt to và vang. Muốn vang thì phải láy. Thành ra thuốc lá được rao thành “Thuốc lá lá… đây!” Có cha bán tạp hóa ôm cái khay trước ngực rao như vầy, “Ráy tai đây! Ráy cái lỗ tai mà sướng luôn cái lỗ mũi đây!”
Mỗi khi tàu vào ga, mọi người phải né xa mấy cái cửa sổ tại vì người ta tuôn hàng lên xuống. Ôi thôi! Bao muối này, bao gạo này, bao than này, củi bó nữa! Không tuôn lên được thì máng vào hai bên hông tàu. Nghĩ lại mới thấy tội nghiệp cho con tàu làm sao. Nhưng chưa hết, nó còn phải cưu mang một lũ nhóc đi cọp trên mui. Mỗi khi chui hầm, cái lũ ấy nằm bẹp dí, dán mình vào trần xe như thằn lằn. Hồi nhỏ thấy thế thì ghen tị lắm. Sao mà tụi nó anh hùng thế không biết.
Đi tàu hồi hộp nhất là lúc qua đèo Cả. Chui sáu cái hầm và qua nhiều truông. Đó là những hẻm núi mà biển ăn sâu vào, khiến con tàu phải đi chênh vênh trên bờ vực. Ông kỹ sư nào thiết kế đường tàu hẳn phải có tính trẻ con. Thời nay con nít đi công viên chơi xe roller-coaster lộn mèo cũng rùng rợn thiệt, nhưng mà nó không được thật.
Đồng bằng Tuy Hòa và con sông Đà Rằng to bự là một điểm nhấn khác. Ở cửa sông này thời đó còn nhiều con vít, tức là một loại rùa biển. Trứng vít luộc đem lên tàu bán, ăn thú hơn trứng gà nhiều. Rồi tàu rời đồng bằng phì nhiêu và đánh một vòng cung về hướng Tây, né vùng đèo dốc Cù Mông. Đi qua quãng La Hai, Vân Canh mới biết thế nào là buôn Thượng, người ở trên heo gà ở dưới. Sao mà hồn nhiên thế. Sau cùng tàu dừng lại ở ga Diêu Trì. Cha con tôi tất tả rời ga. Lại phải đón xe đò đi thị trấn Đập Đá, rồi từ đó lên xe ngựa về làng. Đó là hai cuộc hành trình hành xác nữa. Nhưng đối với một đứa con nít mới lớn, được đi đây đi đó là sung sướng lắm.
Mà thật ra cho tới bây giờ, được đi đó đi đây vẫn cứ là hạnh phúc.
nguồn : http://www.ninhhoatoday.net