Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Ray rứt hương quê

Hoàng Phố


đất khách hoàng hôn buổi đông tàn,
nơi này lặng lẽ đón xuân sang,
rứt ray nỗi nhớ hương đồng nội,
trở mình nghe tiếng gió thênh thang ....

Sau cơn đau thập tử nhất sinh, ông Tư được đưa vào đây. Trong cơn đau, ông chỉ nghe loáng thoáng những tiếng nói lao xao, hốt hoảng, tiếng còi hú của xe cứu thương rồi sau đó ông không còn biết gì thêm nữa. Con ông cho biết ông bị bể ruột dư, và may mắn được mổ xong, nhưng vì vi trùng đã lan ra bên ngoài, nên họ phải đưa ông vào khu cách ly vì sợ lây lan với những người bệnh khác. Các con ông và người thân khi vào thăm cùng những y tá chăm sóc cho ông, ngoài việc mang bao tay, họ còn phải mặc một loại áo giấy đặc biệt của nhà thương và đeo khẩu trang như những người… hành tinh khác, làm cho ông buồn bực lắm. Căn phòng không có cửa sổ, nên khái niệm về thời gian của ông dường như biến mất. Ông chỉ biết ông đã ở đây hơn một tuần rồi, nhưng kết quả quang tuyến khi mổ ruột dư cho thấy, cơ thể ông còn có… vấn đề khác cần phải được điều trị, các bác sĩ vẫn còn đang theo dõi tình trạng sức khỏe của ông, nên chưa cho ông xuất viện.
Sáng nay sau bữa điểm tâm, ông được ra khỏi khu cách ly và chuyển về khu tim mạch. Căn phòng có hai giường và ông được đưa vào phía bên trong, nơi có khung kính lớn thay cho cửa sổ. Ông trầm ngâm nhìn ra bên ngoài, bầu trời hôm nay nhiều nắng làm ông cảm thấy phấn chấn hơn, sau bao nhiêu ngày chỉ thấy ánh sáng của bóng đèn điện cả ngày lẫn đêm. Ông nhớ hình như đã gần cuối tháng chạp ta rồi thì phải, vì mấy hôm trước khi ngã bệnh, bà Tư đã chuẩn bị làm dưa món, đãi nếp và một ít mứt gừng mặc dù biết rằng các con và cháu ông không thích bánh tét, bánh chưng. Nhưng tết mình mà không có những món ăn thuần túy này, thì còn gì là tết nữa... ông đã từng nói với các con ông như vậy. Mấy mươi năm sống ở xứ người, các con ông không còn tha thiết đến phong tục của Việt Nam, nhưng khi ông được sang định cư ở Hoa Kỳ, ông cảm thấy có trách nhiệm phải dạy cho đám cháu của ông, những đứa cháu chưa một lần bước chân về nơi ông bà và cha mẹ chúng nó sinh ra, hiểu được sự quan trọng của tết nguyên đán và những tập tục đã theo ông cả một đời. Hai năm đầu tiên ông cũng vất vả lắm mới tụ họp tất cả các con về để chung vui bữa cơm tất niên. Ông tìm được niềm vui mới khi nghe các cháu ngọng nghịu, nắc nẻ, trong những câu chúc tết đã học được khi nhận những bao lì xì đỏ trong ngày mùng một tết.
Ông lại miên man tính nhẩm ngày tháng trong trí nhớ, không biết đã đến ngày hai ba tháng chạp chưa? Mấy đứa con ông có chở bà Tư đi chợ mua những thứ cần thiết để đưa ông Táo về chầu trời chưa? Còn mấy bộ lư hương, không biết năm nay thằng Chín có về kịp để giúp ông đánh bóng lại như năm ngoái không? Còn nữa và còn bao nhiêu thứ nữa chờ ông về sửa soạn chuẩn bị cho ba ngày tết, mà ông thì nằm ở đây, chịu trận, không thể làm gì hơn được nên bất giác, ông cất tiếng thở dài.
- Hôm nay bác có khoẻ không? 
Tiếng nói của cô y tá đưa ông trở về thực tại. Ông giật mình quay lại, nhìn cô rồi trả lời:
- Khoẻ, tui khỏe, cám ơn cô. Cô khoẻ không? Cô là người Dziệt Nam?
Cô y tá nhỏ nhắn tươi cười trả lời:
- Cám ơn bác, dạ cháu là người Việt Nam. Bác đưa tay cho cháu đo huyết áp cho bác nha… Xong rồi… Bác ngậm vào ống này cho cháu lấy thân nhiệt nha…
Cô dịu dàng, huyên thuyên hỏi thăm về gia cảnh của ông trong khi làm việc, nên ông Tư vui hẳn lên. Ông trút bỏ hết những khó chịu trong những ngày qua, khi ông đã được chăm sóc bởi những y tá người Mỹ, người Trung Hoa, hay người Phi luật Tân. Ngoài mỗi một chữ “đau” hay “đau không?” là những danh từ duy nhất họ học được khi muốn nói chuyện với ông, còn ông thì muốn cho họ biết những cảm giác của mình,  mà không thể nào diễn tả được cho hết ý. Ông cứ nói liên tu đôi khi bằng cả tay nữa, mà họ chỉ đáp lại bằng những câu mà ông học được như...   “you good, good…” hay “… Okay, okay... “. Ngôn ngữ bất đồng, có lần nổi xung, ông xổ một tràng dài, nhưng họ chỉ lắc đầu, cười cười rồi không nói gì thêm nữa. Cứ hai hay bốn giờ đồng hồ thì họ lại vào cho ông uống thuốc. Có việc gì cần, họ phải đợi khi gặp các con ông. Có ngày chúng nó đi làm về muộn ông phải chờ đến chiều hay có hôm đến tối.
Cô y tá chào ông rồi đi sang phòng bệnh nhân khác. Ông Tư lại một mình lang thang với những ý nghĩ của riêng mình. Những tàng cây ngoài kia đong đưa theo những cơn gió mùa đông lại nhắc cho ông nhớ, hình như đông chí sắp về và khí hậu chắc sẽ lạnh hơn. Không biết mấy chậu phong lan của ông ở ngoài sân, có đứa nào nhớ mang vào bên hiên để tránh sương lạnh hay không?  Thời gian cứ chầm chậm trôi đi mà trong lòng ông cứ như lửa đốt. Ông muốn tháo tất cả những giây nhợ chằng chịt trên cánh tay để thoát ra ngoài. Ông phải đi về nhà chuẩn bị cho tết âm lịch, lau bụi trên bàn thờ ông bà, nhắc mấy đứa con chở ông đi mua mấy bó huệ về cắm trên bàn phật. Ông sẽ nói với bà Tư phải sửa soạn phong bì lì xì đầy đủ cho tất cả mấy đứa cháu, vì năm ngoái bà bỏ thiếu môt cái. Ông sẽ gọi và nhắc thằng Tám là nhớ về trước ngày giao thừa vì nó hứa năm nay sẽ về Cali ăn tết với gia đình. Bà Tư sẽ nấu cho cả nhà những món ăn đặc trưng của ngày tết, không khí gia đình sẽ ấm áp hơn  thay cho những tháng ngày trống rỗng, buồn tẻ chỉ có hai ông bà trong căn hộ vắng. Hình ảnh rộn ràng náo nhiệt cứ như đang nhảy múa trước mắt, thôi thúc ông đứng dậy đi ra.
Chưa đi được hai bước, tiếng chuông báo động trong phòng ông bỗng vang lên, rồi có tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch trên hành lang bệnh viện. Trong tích tắc, hai cô y tá người Mỹ đã có mặt trong phòng. Họ nói xì xào gì đó rồi đưa ông trở vào giường, nhưng ông Tư nhất định ghì chân đứng lại và nói...  “Tui muốn đi dzề nhà, các cô cho tui dzề... “.  Một cô thấy vậy liền bấm cái nút bên giường của ông rồi lại nói ì xèo gì đó, một phút sau, cô y tá Việt Nam trở lại. Cô hỏi :
- Bác trở lại giường nằm nghỉ đi, bác cho cháu biết bác có chuyện gì không? Bác không nên ra khỏi giường vì họ đang theo dõi tình trạng tim mạch của bác. Mỗi lần bác tự động bước xuống khi không có chỉ thị của bác sĩ hay y tá trực, thì chuông báo động sẽ kêu lên.
- Tui bịnh gì mà cứ giữ tui ởđây lâu dzị? Tui muốn đi dzề nhà.
- Theo luật của nhà thương, chỉ có bác sĩ mới có thể cho bác biết bệnh trạng của bác thôi. Vậy bác ráng nghỉ ngơi rồi chiều nay bác sĩ sẽ gặp bác nha.
- Tui đâu có nói được gì dzới cái bà Ấn Độ đó đâu. Tui cứ nghe “bả” nói  “...  good ... good”  rôì viết cái gì trên tập giấy đó rồi đi mất.
- Để cháu nói lại với bác sĩ. Bây giờ thì bác nghe lời cháu vào giường nằm nghỉ nha. Bác nghỉ khoẻ thì mới mau đi về được chứ.
- Nhưng tui muốn cô cho tui uống thuốc, tui không muốn mấy bà người Mỹ kia.
- Dạ được, chiều nay cháu sẽ trở lại thăm bác.
Cô y tá dỗ dành ông một hồi nữa, ông mới chịu nằm yên tuy trong lòng vẫn còn hậm hực. Ông nhìn cái đèn báo động gắn ở cuối thành giường rồi lầm bầm trong miệng “... Ở quê tao, là mày đi chơi trong ba mươi giây, đồ báo hại…” 
Căn phòng bây giờ chỉ còn lại mình ông, mọi người đã bỏ đi sau khi kiểm soát lại mấy cái ống đang gắn trên người ông, cái túi nước biển đang móc trên cái giá có bánh xe đẩy, cùng với những thứ giây nhợ linh tinh khác mà ông đã cố gỡ ra. Ông Tư hết nhìn cái kim đồng hồ trên tường đang thản nhiên quay tí tách, rồi lại nhìn ra bên ngoài. Sau khung cửa kính, nắng vẫn còn đầy trên bầu trời nhưng sao tâm hồn ông bây giờ hiu quạnh quá. Ông lại nghĩ đến những đứa con và cháu còn lại ở Việt Nam. Một cảnh hai quê, nên ông phải ăn tết ở hai nơi, nhưng không phải năm nào cũng vậy. Từ khi sang đây, ông chỉ được trở lại Việt Nam có hai lần. Năm nay ông đã hứa, ông sẽ về để ăn tết… muộn với chúng. Ông mường tượng đến những tiếng cười rộn rã của đám cháu khi đón ông ở phi trường, nhớ những câu chào hỏi của bà con chòm xóm khi ông về đến nhà. Nhớ cái mộc mạc bình dị của người dân hiền hoà đã một đời ăn sâu vào con người ông. Ông lại nhớ đến những cái tết ngày xưa trong ký ức. Nhớ đêm ba mươi với cái lò bánh tét nấu bằng lửa than hừng hực cháy ở ngoài sân, giữa cái lạnh của mùa đông. Giao thừa đến, đứa con dâu chuẩn bị trà nước cho ông cúng rước ông bà, nén nhang thơm nghi ngút đưa lời khấn nguyện của ông đến mười phương chư phật, gia hộ cho gia đình ông một năm mới với nhiều bình an, các con ông thành đạt trong công việc, và các cháu ông học hành tấn tới. Nhớ những cánh đồng mạ xanh um và nhất là hàng mai vàng trước ngõ khi đi xông đất ngày mùng một, rồi sáng mùng hai ông lên chùa uống trà với thầy trụ trì, lạy phật, chúc tết đầu năm, sau đó ông đi thăm bà con, láng giềng gần xa... Tháng giêng là tháng ăn chơi… mà, nên bao nhiêu công việc đồng áng đều gác lại. Ông đi dự những buổi lễ hội ở đình, tiếng trống và tiếng xập xình của đoàn múa lân như vang lên rõ ràng trong trí nhớ.
Tiếng động của chiếc xe đẩy lại đưa ông về thực tại. Cô y tá người Phi Luật Tân mỉm cười dọn dẹp cái bàn nhỏ và để khay thức ăn lên. Cô đẩy chiếc bàn ngang giường và đỡ ông ngôì dậy để bắt đầu cho buổi ăn trưa rồi đi sang phòng khác.  Nhìn những thức ăn bốc khói nhưng nhạt nhẽo trên khay, sáng, trưa, tối một ngày ba bửa đều đặn hơn mười ngày qua làm ông ngao ngán. Ông thèm một chén cháo trắng với kho muối quẹt mà bà Tư đã lén nấu cho ông, nhưng chỉ được một vài lần rồi thôi. Thằng con ông nói ông không được ăn nhiều muối, vì bác sĩ đang theo dõi huyết áp của ông.  Nó còn bảo  "... ba tập ăn đồ Mỹ cho quen, chứ cháo trắng với muối làm sao đủ chất dinh dưỡng mà khỏe được..." Ông hững hờ, chậm rãi ăn từng miếng nhỏ để bao tử khỏi ồn ào cho có lệ, rồi vói lấy ly nước táo cho đở nhạt miệng. Thuận tay, ông đẩy cái bàn sang một bên, sơ ý không biết thế nào ông… rớt xuống giường, ngồi bệt luôn dưới đất. Tiếng chuông báo động lại vang lên, mọi người lại chạy vào. Họ dìu ông lên giường, xì xào nói chuyện, rồi đo nhiệt độ, rồi huyết áp lung tung… vẫn những thủ tục được lập đi lập lại, và những cuộc đối thoại đơn phương. 
Một lát sau, thằng con ông bước vào, lại xí xô, xí xào gì nữa đây với cô y tá. Ông chán nản ngồi yên chờ đợi. Khi cô vừa đi ra khỏi phòng, ông hỏi ngay:
- Nó nói cái gì vậy?
- Nhịp tim và huyết áp của ba lên xuống bất thường, nên bác sĩ phải cho ba uống thêm thuốc mới.
- Vậy khi nào tao mới về nhà được?
- Con không biết, khi nào nhịp tim và huyết áp của ba ổn định, chứ nếu không ba lại bị ngất đi như hôm trước nữa ba có nhớ không?
Ông Tư chợt nhớ ra có một lần ông vừa đứng lên để họ thay áo cho ông, thì ông ngã qụy rồi không biết trời trăng gì nữa. Hơn tám mươi năm qua, ông chỉ bệnh sơ sài, uống vài ba ấm thuốc nam, hay cùng lắm xông một đôi lần là khỏe. Từ ngày sang đây, hình như ông bệnh... hơi nhiều. Ông đi bác sĩ thường xuyên hơn, và tủ thuốc hình như mỗi ngày cứ nhiều thêm. Mỗi ngày ông uống gần hai chục viên thuốc đủ màu, đủ loại. Thuốc được các con ông chia ra đều đặn, dặn kỷ nhiều lần vì sợ ông quên, nhưng càng uống ông thấy hình như chẳng khá gì hơn.
Thời gian cứ lạnh lùng trôi đi, ngày lại qua ngày. Ông Tư hết chờ, rồi đợi ngày xuất viện. Hôm qua Bà Tư vào thăm ông như thường lệ và cho ông biết đã hai mươi tám tháng chạp ta rồi. Bà dặn ông ráng... xin bác sĩ về nhà để ăn tết cho vui. Ông gật gù cho bà yên tâm mà trong lòng không có chút gì hy vọng, khi nhìn lại đám giây nhợ vẫn còn giăng đầy trên thân thể và cánh tay ông, chúng như những sợi dây vô hình trói ông trên giường bệnh. Ông cười cười, nói nói cho bà vui, nhưng khi bà về rồi ông trở nên lặng lẽ, một mình với cái tâm trạng ngổn ngang không lối thoát.
Mấy năm ở xứ người, ông không tìm lại được sự thanh thản như khi ở quê nhà. Niềm vui đoàn tụ với tất cả các con, sau nhiều năm trong những ngày tháng đầu tiên đến Hoa Kỳ nhạt phai mau, nhường chỗ cho nỗi nhớ nhà cùng sự lạc lõng, mà ông đã cố gắng dấu kín trong lòng. Ông tôn trọng sở thích và thói quen của các con, cháu nên dọn ra riêng. Căn chung cư hai phòng ngũ thoải mái cho hai người, với một khoảng vườn sau bé tí đủ cho ông trồng giàn mướp hương, hai cây ớt đỏ và mấy bụi quế, cũng chỉ vơi được một phần nào sự quạnh quẽ nơi đây. Ông mong cho đến cuối tuần khi các con ông về thăm hay chở ông bà đi chợ, để ông có cơ hội bước ra khỏi cái căn nhà thầm lặng, được  nghe lại những ngôn ngữ thân quen mua bán ở những ngôi chợ Việt Nam.
Chiều buông xuống dần, thành phố bước vào đêm sớm hơn trong mùa đông. Những giây đèn màu từ hôm giáng sinh chưa được gỡ xuống, vẫn còn lấp lánh. Bà Tư và các con ông đã ra về vì giờ thăm đã hết. Hành lang bệnh viện chỉ còn lại những câu đối thoại nhỏ to và bước chân của những người làm việc. Hơn mười giờ đêm, y tá đổi ca trực, Bích Uyên - cô y tá Việt Nam - trở lại thăm ông và nói:
- Bác ơi, ngày mai cháu nghỉ phép để sửa soạn ăn tết mình. Vậy nhân dịp này, cháu chúc bác mau bình phục để vui xuân với bác gái và các anh chị nha.
- Cám ơn cô nhiều, dzị tui cũng chúc cho cô một năm mới được mọi sự như ý. Cho tui gởi lời thăm hết thảy gia đình cô được nhiều sức khỏe.
- Cám ơn bác. Bác yên tâm dưỡng bệnh đừng lo lắng hay suy nghĩ gì hết, mọi việc sẽ tốt đẹp mà. Cháu chào bác.
- Cám ơn cô. Chào cô.
Bích Uyên tươi cười vẫy tay chào ông, ông cũng nở nụ cười đáp lại, nhưng cô không hề biết, cô đã nhắc cho ông nhớ những điều ông đang muốn quên. Cô không biết nỗi nhớ nhà càng ngày sâu đậm hơn trong lòng ông. Niềm cô đơn của những người già sống trên đất Mỹ như ông, càng ngày càng rộng lớn hơn, sự chán nản trong cuộc sống đầy đủ vật chất này, càng làm cho ông nhớ ray rứt cái hương quê đồng nội ngọt ngào in sâu trong tâm khảm ông, nhưng hình như không một ai - và ngay cả đám con của ông - cũng không hề hiểu được. Ông Tư vói tay tắt đèn, nằm yên lặng cố dỗ giấc ngũ nhưng không sao chợp mắt được. Ông lại lẩm nhẩm tính, ... tối mai là giao thừa rồi..., lò than hồng bập bùng của nồi bánh tét lại hiện ra rõ ràng trong tâm thức của ông. Ông chợt nghe hình như có tiếng chuông chùa đầu làng đâu đó rộn rã ngân vang...
Cali, cuối đông 2012
nguồn: http://www.ninhhoatoday.net

Không có nhận xét nào: