Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

PHƯỜNG ĐÚC Ở HUẾ

Van Phuc  (facebook)
 
Phường Phường Đúc gồm có 5 ấp: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiến, các ấp nằm liên tiếp nhau một cách chặt chẽ, chỉ cách nhau bởi những con đường xóm thẳng chạy từ con đường lớn xuống bờ sông. Ở đây cầu nhỏ một nhịp bắc ngang con suối nhỏ, chúng ta có ấp Kinh Nhơn, giáp ngay liền đó là ấp Bổn Bộ. Người ta đã cho tôi nhiều ý nghĩa đối với những cái tên này.
Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, khi những người Bắc Hà vào chiếm cứ Huế và các tỉnh xung quanh, trong đó đã có những người ở miền Bắc, ở Đông Kinh, vào lập nghiệp ở vùng này, có thể họ là những người thợ đúc, có thể họ là những ông quan có trách nhiệm coi sóc việc đúc súng đại bác và vùng đất mà họ gọi là Kinh Nhơn tức là “ những người ở Kinh Đô” nghĩa là Hà Nội mà đối với tất cả những người Bắc Hà, là một kinh đô thực sự của toàn sứ An Nam.
Về vùng này được gọi là Bổn Bộ thì gồm có những người nguyên quán chính tại xứ Huế, và họ có ghi tên trong những sổ bộ của làng hoặc của chính quyền, vì cái tên Bổn Bộ, theo chữ Hán được dùng có nghĩa là “ những người thực sự có tên của họ ghi trong sổ hộ tịch, ngược lại, trong trường hợp này, những người ở Bắc Hà những “ Kinh Nhơn”, là những người láng giềng của họ. Nhưng người ta đã cho tôi một cách giải thích khác, đặt căn bản trên một chữ Hán khác cũng có thể đọc là chữ Bộ. Lúc đó người ta có thể hiểu Bổn Bộ là “ những người thực sự thuộc về Bộ”, và chữ này để chỉ các ông quan có nhiệm vụ quản đốc về xưởng đúc được xây dựng cạnh đó. Nhưng, cùng với sự giải thích thứ nhất, cả hai chữ Kinh Nhơn và Bổn Bộ, đều có thể liên quan đến xưởng đúc súng đại bác mà chúng ta sẽ thấy.
Thực vậy, tiếp giáp ngay với bên trên phía thượng nguồn của thôn Bản Bộ, thì chúng ta có thôn Trường Đồng đối diện với nhà thờ họ đạo Thợ đúc hiện nay. Tôi đã từng giải thích về từ ngữ này: tức là nó chỉ vùng mà ở đó những người thợ đúc đồng cho nhà nước, lập xưởng đúc của quốc gia, cũng như thành ngữ Trường Tiền, nó chỉ những nơi khác ở đó có lập “ xưởng đúc tiền”. Ý nghĩa chỉ “ nơi chứa, kho đồng” có thể kết hợp với ý nghĩa mà chúng ta vừa thấy, nhưng không chắc lắm. Hẳn là luôn luôn phải có ở đó một kho đồng, chắc chắn là với một lượng đồng nào đó cho xưởng đúc súng, nhưng những kho đồng thực sự để chứa đồng của nhà nước thì phải được xây cất trong Kinh Thành.
Xưởng đúc thuộc chính quyền nhà nước này đã có từ lâu lắm, và chính là Sãi Vương vị chúa thứ hai ở Huế, theo Sử Biên Niên đã nói, là người đã cho xây dựng nên xưởng đúc ở đây. “ Năm Tân Tỵ , chúa Sãi năm thứ 18…tháng 8. Người ta thành lập” Nội bác tượng tư” tức là văn phòng nội xưởng coi lính thợ đúc súng đại bác, cũng như lập ra tả đội và hữu đội lính thợ đúc súng đại bác. Sự tuyển mộ lính thợ được thực hiện trong số dân làng Phan Xá và làng Hoàng Giang ( hai làng ở huyện Phong Lộc là nơi người ta đã đúc súng đại bác rất giỏi). Nội bác tượng tư gồm có: một Thủ Hợp, một Tư Quan và 38 người thợ. Hai tả đội và hữu đội thợ đúc súng lớn gồm có 12 Tư Quan và 48 người thợ.
Cửu Vị thần công
Để đúc thành những khẩu đại bác lớn, cần 15 khối thiết ( sắt), 10 thỏi thép, 3 ligatures và năm phần mười than, cho mỗi khẩu súng.
Để đúc những khẩu súng điểu thương, thì người ta dùng 30 khối sắt, 30 thỏi ( livres) thép và 10 ligatures than cho 10 khẩu.
Theo những tỷ lệ ấy thì các khẩu đại bác được đúc dưới thời Sãi Vương, không phải là quá thô nặng, bởi vì so với khối lượng và trọng lượng thì mỗi khẩu đại bác chỉ bằng năm khẩu điểu thương. Nhưng những khẩu súng điểu thương mà chúng tôi nói ở đây có thể là những súng bắn đá thô kệch, hay những súng điểu thương phòng thành mà người ta vẫn còn thấy rải rác một vài mẫu hiếm có.
Có một người Bồ Đào Nha lại đã đến phục vụ ở triều đình Nam Hà vào năm 1655- 1660 như thế nào. Ông Poivre một nhà buôn là người đã sống và đã nghiên cứu tỉ mỉ pháo binh trong phủ chúa, mà người ta phải đợi năm hoặc sáu giờ trong một ngày để có thể có được buổi bệ kiến Võ Vương, vậy mà ông Poivre đã nói với chúng ta rằng “ Niên đại để đúc những súng đại bác ấy là từ 1650 cho đến năm 1660” ( Id, tạp chí Viễn Đông t.3 tr.90), và trong một đoạn khác ông nói” những khẩu súng đúc sau cùng này đều đẹp lộng lẫy, người ta thấy chúng là hình ảnh khí giới của Bồ Đào Nha gọi là Jean d`Acrus d`Acunha, và năm mà thời gian đó ông ta đúc ra những tác phẩm đẹp ấy là năm 1661” Nếu lời nói trong đoạn thứ nhất là đúng thì phải có trước niên đại của Jen de la Croix đến Huế có đến vài ba năm, và phải đặt niên đại đó trước cả năm 1650. Và cũng vậy, Poivre đã cho niên đại các thợ đúc đồng Bồ Đào Nha đến phục vụ trong triều các chúa Nguyễn lên xa hơn nữa. “ Khẩu súng lớn đẹp ấy là tác phẩm của các người thợ Bồ Đào Nha. Trong thời gian nước này đã đặt cơ quan ở Macao…thì tất cả mọi năm, họ đều có phái đến đây nhiều tàu buôn với nhiều người có tài năng của mọi loại nghề, mà nhất là nghề thợ đúc. Một vài trong số các chiếc tàu ấy đã bị đắm trên bờ biển xứ Nam Hà. Những người sống sót được đã tự nguyện phục vụ cho vị Quốc Chúa đang trị vì lúc đó, và vị Quốc Chúa đã ra lệnh cho họ đúc những khẩu đại thần công mà hiện nay chúng ta đang thấy. Và đây là lý chứng mạnh nhất: “ Ông Jean d`Ancunha đã bị chìm trong một chiếc tàu cảu Macao ở bờ biển Nam Hà. Những người bạn đồng hành không may của ông, trong số đó có ông Camoéns lừng danh, đều rút về chi nhánh ở Cao Mên. Riêng đối với ông thì ông ở lại Nam Hà, ông nhờ kỹ thuật của ông và ông đã đúc tất cả mọi khẩu đại bác ấy ( Poivre, ibid tr.90)
Poivre là biểu lộ một sai lầm khi ông bảo Jean de la Croix như là người bạn đồng hành với Camoens ( 1524- 1579). Và ngay câu chuyện chìm tàu này cũng khó lòng chấp nhận, khó cho rằng Jean de la Croix phải ở Huế, như chúng ta đã thấy điều này, với tất cả gia đình ông: vợ, com, nàng dâu, tất cả đều người Bồ Đào Nha, hoặc ít ra nữa cũng lai Bồ Đào Nha.
Một chi tiết khác đã cho ta nhiều lí thú hơn: “ Hiện nay ông J. de la Croix được thờ phượng như là vị tổ sáng tạo ra nghề đúc đồng, và hằng năm, những vị võ quan có phẩm trật lớn nhất bắt buộc phải đến làm lễ kỵ trên lăng mộ ông ở Huế”. Rất lâu trước khi biết được văn bản của Poivre, tôi đã nghĩ rằng người ta có thể tìm được, theo chiều hướng này, một vài sự chân thực về nhân cách của Jean de la Croix, tôi đã hỏi và cho dò hỏi nhiều thông tin có liên hệ đến vị tiên sư này, nghãi là “ vị tổ” của những người thợ đúc. Sự điều tra tìm hiểu của tôi không cho một kết quả nào. Có ai biết đâu vị Hoả Bác chi Thần, mà chúng ta đã gặp miếu thờ trên đường chúng ta đi, lại không phải là Jean de la Croix. Nếu ông Poivre đã nói đúng điều này, thì điều đó có thể hoàn toàn phụ hợp với phong tục tín ngưỡng của những phường thợ thủ công An Nam.
Câu chuyện về Hoả Bác chi Thần, vẫn còn phải tìm kiếm, phương chi lại còn có ngôi mộ của Jean de la Croix, vì người thợ đúc những khẩu đại bác chắc chắn đã mất tại Huế và đã được chôn cất tại đó.
Một thông tin khác do ông Poivre cung cấp đã dẫn ta đến những sự kiện do sử Biên Niên triều Nguyễn cung cấp: “ Ông đã đào tạo nhiều học trò, nhưng không để lại tại đây một người thợ nào có đủ năng lực đúc khẩu đại bác trong bốn khẩu”. Chúng ta đã thấy rằng Clement de la Coix, con trai của người thợ đúc, vẫn tiếp tục kỷ luật cuả phụ thân ông, và rằng một trong những vạc đồng trong Đại Nội có khả năng là phải được dành công đúc cho ông. Nhưng, khởi đầu từ năm 1700 và trận bão táp giáng xuống đầu những người theo Thiên Chúa giáo tại Nam Hà vào năm đó, thì người ta không còn thấy dấu vết gì của Clement de la Croix, cũng không thấy dấu vết gì về xưởng đúc của ông nữa. Những người thợ đúc, mà phần nhiều đã trở thành người Thiên Chúa giáo, được cho là tôn giáo chính trong số họ, cũng phải chịu đựng một thời gian vắng bóng. Điều có khuynh hướng chứng chắc cho sự kiện này, chính là điều “ vào năm Kỷ Dậu, năm thứ tư triều chúa Ninh Vương, vào tháng tư ( 28 tháng 4- 28 tháng 5, 1729) lần đầu tiên người ta cho xây dựng một xưởng thợ đúc gọi là Chú Trương, và một đội để cung cấp than gỗ, tất cả có 195 người. mỗi năm, những người này được tha thuế nạp than củi và được miễn làm tạp dịch”.
Cửu đỉnh - thành nội Huế
Phương cách mà các nhà biên niên sử đã sử dụng” đối với lần đầu tiên” không thể làm cho ta lầm lẫn được. Chúng ta đã thấy rằng Sãi Vương đã từng tổ chức những đội thợ đúc. Ninh Vương chỉ cho tái tổ chức một cơ quan triệt hạ hoặc tái thiết những cái gì đã hư hỏng. Nhưng thành ngữ của các nhà biên niên sử đã gọi là “ chú trương” tức là một “ xưởng đúc”, thì một cách riêng biệt, nó rất gần với cái tên ấp Trường Đồng tức là “ xưởng đúc đồng” là nơi chúng ta hiện đang đứng nơi đây. Người ta không nói rõ xưởng đúc đó được thành lập ở đâu. Nhưng chúng ta không thế nghi ngờ rằng lò đúc này là xưởng ở ngay địa điểm mà Sãi Vương đã xây dựng xưởng đúc của ông, ở ngay địa điểm mà Jean de la Croix đã làm việc, nghĩa là ở chỗ mà chúng ta hiện đang đứng, hoặc cùng lắm thì cũng ở một nơi gần đó.

Tên ấp Trường Đồng tức là xưởng đúc đồng cũng có thể nhắc ta nhớ lại một cơ quan của triều Nguyễn trong tiến trình thế kỷ thứ XIX? Tôi không thể xác nhận được điều này, trong lúc này, một cách chính xác được. Nhưng tôi đã nghe nói, nhờ những người đã thu thập nhiều thông tin về quá khứ, do truyền khẩu kể lại, rằng Cửu vị thần công ở kinh thành cũng đã được đúc ở Phường Đúc là nơi chúng ta đang đứng, và ngay cả việc chúng ta vẫn còn thấy, đã có bốn mươi năm qua, những cái lỗ hoặc những cái khuôn mà ngày xưa chúng đã được rót đồng vào đó.

Tài liệu tham khảo
L.Cadìere. Phường Trường Súng, trích trong “Những người bạn Cố Đô Huế - B.A.V.H ( Bulletin des amis du vieux Huế)”, tập XII năm 1925. Nhà xuất bản Thuận Hoá Huế. 2002."

Không có nhận xét nào: