Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

STRESS TRONG XÃ HỘI HẬU HIỆN ĐẠI VÀ SIÊU HIỆN ĐẠI

TS. BS Lương Cần Liêm
Chủ tịch Hội Tâm thần, tâm lý Việt - Pháp - ĐH Paris 13


Đặt vấn đề.
Theo Daniel Bell (Mỹ), Alain Touraine (Pháp) và một số nhà nghiên cứu quốc tế về phát triển kinh tế xã hội tây phương thì trước 1850, chúng ta có một xã hội tiền hiện đại. Phần lớn kinh tế xuất phát từ ngành làm nông, cần rất nhiều nhân công, sống và sinh hoạt theo mùa. Từ 1870 đến 1960, giai đoạn công nghệ và công nghiệp là chính. Người làm công bán sức lao động - công nhân - làm theo lương, sống tập trung và từ từ vào đô thị. Công việc có nhiều hình thức lặp đi lặp lại, người lao động không cần có nhiều sáng kiến trong công việc của mình. Cơ sở vật chất cộng với sức lao động con người tạo ra của cải vật chất. Với những phát minh khoa học và kỷ thuật, xã hội được xem như hiện đại, có tổ chức, làm kế hoạch. Từ 1960 đến nay, sinh hoạt dịch vụ rất quan trọng trong kinh tế và sinh hoạt xã hội vào giai đoạn " hậu hiện đại ", tức là những khám phá chính và cơ bản về khoa học, xã hội kể cả cách sống đã có. Cái trục là khoa học thông tin, tức là nắm tin là nắm quyền.
Đương nhiên đây là kiểu dùng để " tả cảnh " phát triển kinh tế và xã hội phương Tây. Lịch sử cho thấy họ phát triển từng giai đoạn một đến thời bành trướng thị trường kinh tế và toàn cầu hóa vốn và nhân công. Tiền " mạnh khỏe " hơn sức lao động của người làm công. Nguyên tắc thị trường là tiêu thụ (vốn, sức khỏe, hàng hóa) theo nhu và cầu sức rồi sau đó, lấy lao động con người trả lãi vốn, sức khỏe và vật chất mà thấy mình giàu hơn. Điều này thành công đi đôi với toàn cầu hóa văn hóa và tâm lý con người. Khi phương Tây gặp phương Đông, thị tường văn hóa phải đi song hành với thị trường hàng hóa. Từ đó, những khác biệt văn hóa tạo xung đột tâm lý, các va chạm văn minh mà ngày nay nhiều người đánh giá là phương Đông chậm trễ, chưa phát triển. Đó là lẫn lộn văn minh với văn hóa, lẫn lộn trí tuệ với của cải.
Câu hỏi đặt ra là đầu thế kỷ 20 làm sao ta biết suy nghĩ " giống " Tây phương. Từ đó, các nước chủ trương nhẩy nhanh, nhẩy kịp thế giới, cần đốt giai đoạn. Giá phải trả là hy sinh con người " cổ điển ", không đánh giá truyền thống như một kho tàng đạo đức, khai thác thiên nhiên như vốn không trả. Nói cách khác đó là " chạy theo đường mòn, bắt kịp ngang hàng, vượt đến hàng đầu ".
Đầu thế kỷ 20, hàng loạt nhà triết học Nhật Bản sang Âu châu. " Trường Kyoto " dựng lên bởi ba vị chính là Nishida Kitaro (1870-1945), Tanabe Hajime (1885-1962), Nishitani Keiji (1900-1990). Họ đi xa, ra khỏi nước mà nhìn ngược về nước, lúc đó từ Tokyo đến Paris là 1 tháng rưởi, bây giờ là 11 tiếng. Nhờ vậy, họ nghiên cứu lại văn học truyền thống, có nhận xét về bản chất văn minh, giá trị tôn giáo là triết học và về tư tưởng hành chính. Tiến bộ là một khái niệm văn hóa về quan niệm cái sống, cái chết, cái tồn tại của con người và của xã hội. Về phía Trung Quốc, các vị như Chu An Lai, Đặng Tiểu Bình cũng một lúc học tập ở nước ngoài, tại Pháp. Gần đây hơn, trong vòng 15-20 năm khi quyết định đổi mới, Trung Quốc trước kia là lạc hậu, nay đang phát triển vươn lên hàng thứ ba ở đầu thế kỷ 21. Nói cách khác, điều kiện hiên đại hóa xã hội và đời sống con người không chỉ là " đốt " giai đoạn mà cơ bản là tư duy chuyển mình văn hóa ....Mà ta phải nhớ rằng tất cả những tư tưởng hệ chính trị hiện hữu trên thế giới đều xuất phát từ cách làm của văn hóa phương Tây. Tức là tư tưởng hệ dựa trên cách nhìn của tôn giáo của về con người - thế nào là Chúa với Tôi ? -. Sau là phát triển chủ nghĩa con người trong xã hội - thế nào là Công Dân và tổ chức Nhà Nước ? - mà tư tưởng kinh tế là cá nhân phục vụ nhu cầu riêng của mình - thế nào là lao động, sức khỏe và sung sướng ? -. Các vấn đề đạo đức đều được qui định bởi quan hệ với Chúa (tức Nhà Thờ Chúa và tổ chức Giáo hội), với Nhà Nước (tức với tổ chức hành chánh), với Lao Động (tức với tổ chức vốn).
Đề tài hôm nay là xem vài yếu tố tâm lý chuyển tiếp từ thời tiền hiện đại, đến những suy nghỉ về phương pháp luận (Méthodologie) của thời hiện đại và tại sao, qua thời hậu hiện đại. Ngày nay, chúng ta ở thềm của thời siêu hiện đại.
Khi chúng ta nhìn nhận các biến chuyển đó thì cách hiểu tâm lý xã hội con người sẽ rõ hơn. Hiên tượng " stress " không phải là giá phải chịu. Mục đích con người là có thể nào tìm ra cách làm giảm stress để đạt một đời sống " bình thường ", cho yếu tố văn hóa đi đôi với yếu tố vật chất. Tức là làm giảm căn thẳng trong cuộc sống.
Tâm lý Xã hội tiền hiện đại và hiện đại.
Nói chung, tâm lý tiền hiện đại dựa trên những giải thích và hiểu biết " thiên nhiên ", tự nhiên và truyền thống. Tôi không giới hạn nói đó là thời kỳ phong kiến. Khi dùng từ này, ta đã đánh giá một chế độ quản lý, không cho một cách nhìn toàn bộ. Tôi sẽ giải thích phần sau khi nói đến " óc khoa học " hiện đại là gì.
Hiểu và biết theo truyền thống, là suy luận theo cảm xúc. Nếu chỉ chủ trương dẹp và diệt chuyện xưa (như nhà cách mạng Proudhon - thế kỷ 19 - nói : Hãy quyết sạch quá khứ), thì con người không còn trí nhớ, sẽ lập lại những sai lầm các thế hệ đi trước. Trí tuệ con người phải đi qua một quá trình phân tích lịch sử một cách toàn bộ. Chủ quan và khách quan phải đi đôi.
Hành trình tâm lý hiện đại thì như thế nào ? Trước cái mới lạ, con người không hiểu và nhận diện cái dốt của mình : tự nhiên là cơn sợ => Tiếp đến là tìm tòi và trao đổi quan điểm (trao nhau và thay đổi, phong phú hơn cái " tiếp thu ") => Từ đó, ra giả thuyết để nắm tình hình và hành động => Liền đó là so sánh kết quả việc làm với thời cơ, điều kiện cụ thể, tính cách vật chất và thiết thực, dùng chính kiến bên ngoài đối chiếu với những giả thuyết đã đặt ra bên trong của tư tưởng mình => Kết luận là tiến tới được một bước. Đó là tiến bộ và có cái mới.
Tâm lý con người tiền hiện đại, là tự đặt câu hỏi và tự ra giải đáp, cơ sở trên những hiểu biết đã có của mình để mình yên tâm. Nói chung là lúc nào mình có cũng lý, không nhiều thì ít, không ít thì nhiều và khuynh hướng tâm lý là muốn đúng hơn là sai, thích nghe những gì muốn nghe. Tức là chủ quan mạnh hơn khách quan, con người mình là trung tâm và có tính bảo thủ. Tinh thần chịu đựng cao, sáng tạo thấp, tinh thần tự chủ lại dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Thích được vuốt ve và đánh bóng. Như thế, đến lúc nào đó con người sẽ tự hỏi : tôi là ai ? tự do của tôi là gì và với ai ? Đi vào giai đoạn hiện đại, là giai đoạn có thắc mắc, cần đặt vấn đề bằng những câu hỏi hơn là bằng những khẳng định... (Khi tôi khẳng định thì tôi là tôi). Đặt vấn đề bằng những câu (tự mình) hỏi là ngòi pháo của tín khoa học, tức là phải " tò mò ". Mà tinh thần này bắt buộc quan hệ người với người phải rỏ ràng hơn, bớt nghi vấn, bớt sợ sệt, có đồng cảm và đồng tình. Từ câu nói từ cảm xúc bên trong: " tôi không hiểu vì tôi dốt ", tôi chuyển đến câu nói cởi mở ra ngoài : " tôi không hiểu mà tôi muốn biết thêm ". Nếu nói về chế độ xã hội thì từ chế độ phong kiến tiền hiện đại, con người từ từ tổ chức chế độ hiện đại dân chủ và nhân dân. Cái cởi mở đó bắt buộc diễn ra trong trật tự pháp luật xã hội và môi trường sống.
Như vậy, đến giai đoạn hiện đại, trong "trí" sinh ra thêm phương pháp luận (méthodologie) để kiểm soát sự thật và cho phép làm thí nghiệm, rút kinh nghiệm và điều khiển tương lai bằng kế hoạch. Vấn đề khó và mới là như vậy. Mọi phương pháp có thể có nguyên tắc lý luận đúng - cái lô-gích - nhưng không sát với sự thật, hoặc ngược lại sự thật là thực tế nhưng phương pháp luận lại khác xa so với vấn đề thực tế đó. Chằng hạn về vấn đề nhận định vị thế cá nhân và con người. Nếu cá nhân là thành viên của một gia đình thì tôi có thể lập luận gia đình là một tổng hợp quyền lợi cá nhân. Nếu tôi lập luận gia đình như một tập thể thì qui luật sống tập thể khác với nhu cầu cá thể.
Nói tóm lại, trong thời tiền hiện đại, tâm lý móc nối khẳng định này sang khẳng định khác như một phương pháp. Mục đích là giải thoát tính sợ sệt trước cái mới, cái lạ và cái bất ngờ. Ai yêu tôi, ai tin tôi thì theo tôi, ai không đồng ý với tôi thì nên tránh xa hoặc tôi cho ra xa. Đến thời hiện đại, tâm lý có " đầu óc khoa học " dùng phương pháp khoa học để kiểm soát nội dung khoa học tìm ra các qui luật nội bộ của nó. Giai đoạn " thái độ và trí khoa học " biết đưa ra câu hỏi chính đáng và chính thống để kết nối những gì không hiểu, không biết, với những gì đã được thỏa thuận sau nhiều phương pháp tranh luận khác nhau. Lúc đó là dùng tính chất khoa học khách quan để nó lên trên những chủ quan cá nhân. Mục đích là thống nhất trình độ hiểu biết của tập thể, có hiểu biết cao và đồng ý với nhau, tức là đoàn kết xã hội trên một văn hóa cao, xóa nạn dốt. Lúc này, chúng ta có hai vế suy luận : thứ nhất là đôi cặp chủ quan/khách quan (tiếng pháp : le subjectif/l�objectif), thứ hai là đôi cặp lô-gích/đúng lý (tiếng pháp : la logique/le rationnel). Ví dụ : " lô-gích " hành chánh là xử tử hình khi phạm tội nhưng " lý đạo đức " là không giết người. Hay trái lại : " lý " của hành sự không cùng tầng với " lô-gích " đạo đức. Như thế là thời hiện đại phải tiếp tục " tự hiện đại " mình trên cơ sở đạo đức tập thể. Đó là tiến bộ.
Tâm lý Xã hội hậu hiện đại (post-moderne) và siêu hiện đại (hypermoderne).
Qua thời hiện đại, vấn đề tâm lý là thời gian và tương lai. Con người bắt đầu dùng " óc khoa học " bên cạnh " tín tôn giáo ", và mối liên hệ giữa " óc khoa học " và " tín tôn giáo " là tin tưởng nơi tương lai phát triển con người. Óc khoa học là con người giải quyết chuyện của con người, tức là sức lực của loài người. Tín tôn giáo là tin tưởng và tôn thờ bề trên - vì ở trên - sẽ có một " giáo " để giải quyết hay gợi ý những trả lời cho loài người, tức là sức mạnh và sức sáng tạo của Vô hình (Trời).
Khi bạn chỉ khẳng định việc này việc kia là " khoa học " mà không minh bạch phương pháp luận mà bạn dùng đến thì có nguy cơ dùng từ " khoa học " như một khẩu hiệu để thuyết phục mà không giải thích. Trong lúc đó, trình độ hiểu biết con người có giáo dục đã được nâng cao trong xã hội để biết phân biệt " lô-gích " (logique) với thiếu lý/vô lý (Tiếng pháp : irrationnel).
Hơn nữa, nếu bạn chỉ dùng một phương pháp luận duy nhất thì bạn chỉ suy nghỉ và cứ làm " theo một dụng cụ duy nhất ". Ví dụ thế nào là quan hệ giữa chủ nhân và công nhân trên những nhân tố không đối kháng ? Nếu ta nuôi tính bạo lực để biết ai trúng ai sai, ai thắng ai thua thì bạo lực sẽ đến trong những lúc bất ngờ. Trong khi đó, tinh thần bình thường là sống hòa bình, có hợp đồng thỏa thuận chính đáng, đôi bên tôn trọng nhau, không bịp bợm nhau, tức là có đạo đức. Cái khó khăn là đến một lúc nào đó, tiềm thức của bạn vẫn còn sợ sống trong bạo lực của cái khác biệt nên bạn muốn tìm cái tuyệt vời và muốn đạt cái nhất trí. YÙ muốn có nhất trí là một ý tưởng tương tự với tinh thần đi tìm " thiên đàng " hay " niết bàn " để mọi người suy nghỉ như nhau và đồng ý với nhau, sống với nhau...như thời anh em trong gia đình nguyên thủy. Nhưng trên thực tế, bạn còn vướng cái bẫy tiền hiện đại của thời " hiển nhiên " nguyên thủy mà việc công và việc riêng không phân biệt rỏ ràng. Nói cách khác, thời hiện đại là chấp nhận sự khác biệt người với người về năng lực, năng lượng và tiềm năng - như giữa nam nữ, điện âm điện dương, giống nước trên chạy xuống nước dưới... -, mà đó là động cơ tiến bộ trên nguyên tắc đạo đức xã hội con người bình đẳng trong kỷ luật chính thống.
Như thế " Óc khoa học " chuyển qua thời hậu hiện đại trên ba yêu cầu. 1) Phải ra giả thuyết để " rào " sự cố mà mình muốn phân tích và hiểu ; 2) Phải có nhiều phương pháp luận khác nhau để giả thuyết thành lý thuyết ; 3) Phải dùng bộ máy và kỹ thuật kiểm điểm, kiểm soát và thực hành các lý thuyết để xem sự thật là đúng không. Ví dụ : tôi thấy mặt trời lên phía Đông và xuống phía Tây. Phương pháp " xưa " là nói mặt trời quay chuyển xung quanh trái đất, và trái đất là là trung tâm. Phương pháp vật lý và toán học chứng minh là chính trái đất quay thật nhưng tôi không thấy được. Do đó, tôi phải có kỷ thuật để kiểm sự thật trái đất quay quanh mặt trời, hoặc mặt trời quay trên đầu ta. Sự thật của cảm giác là thấy mặt trời quay, sự thật của khoa học là trái đất quay.
Trong tâm lý hiểu biết sinh ra 2 vấn đề. 1) Không phải cái gì cũng là khoa học vì con người không phải là bộ máy. Tình yêu có khoa học không ? Những gì mà thuyết khoa học không giải thích được chính là thái độ của con người có óc khoa học. Tức là tính tiến bộ không có giới hạn. 2) Phương pháp phân tích dựa trên phương pháp mâu thuẩn đối kháng (hoặc không đối kháng mà tạo một căng thẳng đối kháng để giải quyết) sẽ không có tính cách toàn bộ. Các động vật ở môi trường thiên nhiên liên kết với nhau để sống hơn là đối nghịch hủy hoại. Các bộ phận cơ thể con người cùng " làm việc " chung với nhau để nuôi cuộc sống. Tức là quan hệ biện chứng là bình thường như âm với dương, còn mâu thuẩn đối kháng là lúc bất bình thường mà phải ngừa và giải quyết căng thẳng trước khi bùng nổ.
Lúc đầu như thế nào ? Nhà triết học, khoa học Pháp René Descartes (1596-1650) đề ra phương pháp phân tích theo lối " song song " (binaire) đối mặt với nhau, cho đó là yếu tố cần thiết để làm " loài " phép đối kháng của biện chứng. Như mưa và nắng, trắng với đen, trên và dưới, khôn và ngu, bạn và thù, thắng và thua, có và không có, cá thể và tập thể...Nhưng " Tâm-thịt " và " trí-óc " có nghịch nhau không ? Lối phân tích " song song " là con nuôi của tôn giáo thời đó chia cái tốt ra khỏi cái xấu - thiên đàn và địa ngực -, cái sở thích chọn lọc so với sự ham muốn đu đồi. Từ đó là thấy tính tốt, tính xấu con người. Tôi thích nắng ấm, màu trắng, ở trên, có trí khôn, có bạn, thắng cuộc, có đồ vật, cá nhân tôi....Tôi phải chịu đựng trời mưa, màu đen, ở dưới, không khôn dốt nát, có thù địch, thua cuộc, thiếu đồ vật, tập thể...Nói cách khác, sự ham muốn tạo ra bạo lực để đạt vật chất, tình thế, địa vị trong tương lai để thực hiện mô hình mình tưởng tượng...hơn là trước tiên nhìn nhận sự thật cuộc sống hiện tại theo một mô hình đạo đức.
Sau đó, một số nhà triết học phương Tây nghiên cứu các văn minh " thứ ba " ngoài địa bàn Địa trung hải/Âu châu của các ông Socrate, Platon và Aristote. Mầm mống là từ các vị Kant (1724-1804), Hegel (1770-1831), sau đó là Marx (1818-1883), Nietzsche (1844-1900), Freud (1856-1939). Gần đây nhất là Thomas Kuhn, Hanna Arendt ở Mỹ, Tại Pháp có Derrida, Foucault, Lyotard. Agamben ở YÙ, Sloterdijk ở Đức, Zizek ở Tiệp. Thêm vào 2 vấn đề đã nêu, còn nhận xét điểm thứ ba như sau. Cách nhìn biện chứng bằng mâu thuẩn là đặc điểm của văn hóa phương Tây và đạo Thiên Chúa. Về tâm lý là cảm xúc tội lỗi của con người trước tinh thần trách nhiệm. Nếu thế giới đa cực, đa văn hóa, có nhiều nguồn văn minh hiểu biết thì có lẽ nhân quan thế sự không thể nào chỉ có một cực phát triển. Tức là giữa cái đúng và cái sai, có cái mới - cái thứ ba - mà cũng không trúng, cũng không sai, tức là có cái gì tôi không biết mà người khác, văn minh khác và cách nhìn khác có thể biết hơn chính bản thân tôi. Chẳng hạn, ý niệm Âm Dương là biện chứng không đối kháng. Khổng học, Lão giáo, Đạo Phật không phải tôn giáo có Chúa, có Thần mà là triết lý cuộc sống không trường phái, không lý thuyết...
Như vậy, đặc điểm giai đoạn hậu hiện đại là con người có suy nghĩ và chấp nhận : 1) cái gì cũng có thể là trong hay ngoài một quan hệ " bộ ba " (một quan hệ tam giác biện chứng, không mâu thuẩn, không đối mặt) ; 2) cái gì cũng có thể tương đối trong thời gian và trong không gian, nhất là về con người. Cái tuyệt đối không phải là cái tuyệt vời và cũng không phải là cái nhất trí. Tức là quan điểm " bình quân, trung dung " là gì ?
Nhưng nếu cái gì cũng trong quan hệ " bộ ba ", nếu cả thời gian lẫn không gian đều là điểm tương đối thì cuộc sống không an toàn, sự tiến bộ sẽ không có hướng chính ; ai cũng có lý của mình và không có trật tự sống tập thể. Nếu chỉ như vậy thì sẽ quá nhiều " con người chủ nghĩa " và không có an ninh kinh tế phát triển xã hội rỏ ràng. Do đó, tâm lý xã hội thời siêu hiện đại chuyển sang chủ trương hàng hóa hóa mọi sự - nhất là con người - để làm chuẩn quản lý. Với nguyên tắc chi và tiêu, nhập và xuất thì cái gì cũng có thể thay đổi nhanh. Tức là làm sao thu gọn thời gian, không gian và giảm vai trò trung gian con người trong quan hệ " bộ ba ". Một cách trả lời là tăng tốc độ sống của xã hội, và con người ít nói thật với nhau, giới hạn việc " cho không ".Sau đó, là " hàng hóa hóa và cá nhân hóa " mọi sự trong xã hội để phục vụ kinh tế tiền tệ.
Con Người là hàng " mốd " (tiếng pháp : mode). Phản ứng là " stress ".
Stress, một thuật ngữ y học sang thành một thuật ngữ xã hội.
" Stress " từ tiếng Anh được bác sỹ Pháp Henri Laborit dùng trong những năm 1950 để diễn tả phản ứng của toàn bộ các bộ phận con người trước một biến đổi khẩn trương của cơ thể. Ví dụ trước một cơn lạnh quá mức hay tại một cuộc giải phẩu...Tình trạng stress có thể đưa đến " Sốc " (tiếng pháp : Choc) ví dụ như bất tỉnh, độ nhiệt cao, hoản hốt... Stress và Sốc là biện pháp trả lời và phòng thủ để bảo vệ con người (cơ thể và tâm trí) trước nguy cơ. Sau Stress và Sốc, con người phải trở về mức bình thường. 


Khi từ Stress này lan ra con người xã hội, ta dùng nó để nói đến những hành vi đối phó của con người trước một môi trường khẩn trương. Đó thể xuất phát từ một xã hội có tốc độ sống quá nhanh hoặc từ một văn hóa mất giá trị con người mà chỉ biết giá trị hàng hóa. Tình trạng này gây phản ứng sợ sệt. Trong bố cảnh Việt Nam đầu thế kỷ 21, có lẽ phải thêm yêu tố những cái mới " nhập " vào văn hóa hiện hữu đang biến chuyển.
Tôi đề nghị hai giả thuyết để hiểu gốc tâm lý của stress : 1) Trong sự hàng hóa hóa quan hệ xã hội, con người mất thăng bằng tâm lý và quan điểm bình quân giữa giá trị đạo đức và giá trị vật giá trong quan hệ người với người. Tức là Tiền và Tình người. 2) Không gian và thời gian của kịch bản " tiền và tình " làm xáo trộn truyền thống gia đình, nhất là trong chức năng giáo dục đạo đức tánh người công dân.
Khi kinh tế tiến quá nhanh trên diện sản xuất đồ đạc và của cải so với đà chuyển mình văn hóa của xã hội, con người lấy " Tiền " của làm kích thước đo lường Tài năng. Nhưng tài năng không phải là đạo đức sống. Khi tôi đối đầu bộ ba : Đạo đức, Tài năng với Tiền tài thì xã hội và đời sống tập thể sẽ luôn luôn phát triển trên tranh đua, so bì, nghi vấn và stress. Trong khi đó, con người cần tìm đến thăng bằng giữa giá trị đạo đức và giá trị thương mại : tức là phải trả lời câu hỏi, thế nào yêu nhau, đoàn kết với nhau, có đời sống an ninh, chia sẻ cho nhau. Nạp thu thuế có là đủ cho việc này không ?
Như vậy, Stress là phản ứng tâm lý con người chưa đạt bình quân giữa hai đầu cân : một bên là yếu tố đạo đức và bên kia là yêu tố tiền tài và vật chất. Tình hình nầy đưa đến chức năng tâm lý của tôn giáo. Vì ta thấy rõ con người cần có niềm tin nên tất cả các tôn giáo đều nói đến tình yêu nhân loại và đạo đức chia sẻ. Do đó, ở các văn hóa, vai trò của tôn giáo rất là quan trọng mà ta tránh đánh giá một cách máy móc là mê tín dị đoạn.
Hơn nữa, tôn giáo chiếm một địa phận đáng kể trong trí con người vì gia đình đã bị xã hội tiêu thụ giảm sức chế không còn là một nơi nương tựa cho con em thành viên. Chỉ trong vòng một thế hệ mà các chuẩn đạo lý giáo đục thay đổi, biến chế. Thật vậy, kinh tế thị trường chủ trương gia đình là một tập đoàn tiêu thụ và cá nhân là một đơn vị tiêu thụ, tức sống là mua sắm. Khi gia đình một con thì con một là của quí, là vua con nên cha mẹ chiều chuộng tất cả các ham muốn của đứa trẻ. Vấn đề chính của giáo dục là dạy đạo đức. Khi thị trường kích động trẻ con thì cha mẹ phải biết nói không, biết giải thích cái giới hạn. Nếu không, giáo dục gia đình chỉ phản xạ bằng hai chữ " Cấm " và " phải biết Sợ/phải làm cho Sợ ". Cấm và Sợ là khâu giử người trong một tư tưởng tiền hiện đại ; không thấy thế nào là khoa học mà chỉ thấy tương lai trong tôn giáo.
Trong một xã hội vật chất đi quá nhanh mà đạo đức kinh tế không rỏ ràng, giáo hội tôn giáo nào cũng thành hình như một đại gia đình không stress vì con người thấy có tin tưởng và có lý tưởng ; trong khi đó gia đình thành một tập đoàn chỉ biết sống với mục tiêu sung sướng mua sắm hoặc chịu bùi ngùi thèm thuồng vì không đạt việc như muốn.
Nói đến cùng chỉ còn tính đạo đức con người mới ngăn giảm stress xã hội được.
28/01/2011.

Không có nhận xét nào: