Mạc Can
Chuyện
ông Kẹ là chuyện xưa rồi. Hồi má tôi còn bồng ẵm tôi trên tay, tôi đã nghe bà
nhắc tên ổng. Ông Kẹ nổi tiếng quá.
Tôi từng
bị một cú sốc vì chuyện ông Kẹ nầy.
Có người
nói trẻ con khóc nhiều nhất là thời gian chưa biết nói. Cũng có lý, vì chưa biết
nói cho nên thay lời muốn nói nó mới khóc.
Người lớn
không biết trẻ con khóc để muốn gì, cho nên ... cau có với nó, vì vậy nó khóc
tiếp. Nhiều khi các bậc cha mẹ cũng chưa hiểu rõ vì sao con nít khóc nhè, khóc
không dứt. Có đứa cứ khóc, khóc và khóc, khóc ...lòi rún! Khóc thiếu điều người
bồng ẵm nó muốn khùng luôn, mà vẫn khóc. Nghe người ta đồn, có người còn liệng
con xuống giếng vì dỗ hoài mà nó không nín. Cầu trời cho đừng có chuyện đau
thương kiểu nầy.
Không có
thuốc nào trị được "bệnh" khóc của con nít, nếu đó là bệnh. Ngoài những
bệnh khác như là ngứa lưng, sảy ...cắn, hay đau bụng. Người lớn ngứa thì có người
gãi ngứa, hay tự gãi, còn con nít ngứa thì nó ... khóc. Không gì khổ cho bằng ẵm
trên tay một đứa con nít khóc. Dỗ nó hoài, nó cứ khóc. Hát nó nghe, nhảy ... đầm
với nó, nó vẫn khóc.
Từ chuyện con nít
khóc, mới nẩy sinh ra vai trò kỳ cục là ông kẹ.
Vì tò mò, tôi có tìm
hỏi một bà mẹ đang có con nhỏ. Đặc biệt đã hỏi thăm để biết trước thằng con nít
nầy đúng là hay khóc. Khi "phỏng vấn" bà mẹ, chính tôi cũng phì cười:
- Dạ thưa bà, nghe
nói bà có đứa con hay khóc?
May cho tôi là bà bạn
vui tính:
- Nghe nói cái gì?
Thì y chang vậy. Mà sao ông biết?
- Dạ, có mấy bà trong
"đài phát thanh" kia giới thiệu.
- Vậy sao? Thì con
nít nào lại không khóc. Không hiểu sao ngủ thì thôi, thức thì khóc.
Tôi đi ngay vào
"vấn đề" chính:
- Dạ thưa bà, nếu như
thằng con của bà cứ khóc hoài mà dỗ nó không nín, bà phải làm sao?
- Làm sao là làm gì?
- Tức là sau khi ru
cháu ngủ mà cháu không ngủ.
- Ờ ...
- Rồi sau khi hát cho
cháu nghe mà cháu vẫn không nghe.
- Ờ ...
- Rồi đưa cục kẹo cho
cháu, cháu không thèm ăn.
Bà cũng "ờ"
rồi ngừng lại hỏi:
- Sao ông biết hay vậy
ta? Đưa nó kẹo hay bánh gì nó cũng liệng xuống đất. Tánh nó nóng hơi giống ...
thằng cha nó. Lúc quạu không kiêng nể ai, đụng cái gì phang cái đó, la hét om
sòm.
Tôi đế thêm:
- Đúng vậy đó.
- Tôi hiểu ý ông rồi.
Nghĩa là làm cái gì nó cũng khóc, phải vậy không?
- Dạ phải. Khi đó bà
làm gì?
- Nó là con nít mà
ông. Nó khóc hoài thì tôi có chiêu.
- Sao ạ?
- Tôi nói: Ông Kẹ
kìa!
- Nhiều bà khác cũng
nói vậy. Theo bà thì cái ông Kẹ nầy ở đâu ra?
Bà cười:
- Tôi cũng không biết.
Nghe người ta nói.
- Ai nói vậy thưa bà?
- Bà nội tôi nói, má
tôi cũng nói. Mấy bà bạn tui cũng nói. Nói tự nhiên vậy thôi.
Tôi nói:
- Để dọa con nít.
Bà gật đầu:
- Đúng vậy. Con nít
khóc mà dỗ hoài không nín, các bà hay nói "Ông Kẹ kìa, nín không? Không
nín ông Kẹ bắt bỏ vô cái bị nha , nín đi". Cũng có đứa khóc thêm mà cũng
có đứa nín khóc.
Tôi với bà mẹ cùng cười.
Như phần trên có nói, nhiều chuyện nhỏ coi như dễ nhưng gặp lúc muốn biết thì
khó. Bây giờ phải hỏi ai và tìm ở đâu cho biết xuất xứ của ông kẹ? Ông ta là
ai, từ nơi nào tới, trong sách vở hay là chuyện đời xưa?
- Chi cho mắc công? Hỏi
cũng ít người biết. Thiệt mà.
Thời buổi hiện đại cũng
tiện. Bà mẹ nói nhanh cùng lúc mở máy vi tính
và tra tìm trên mạng. Tìm một lúc vẫn không có hoặc là chưa có xuất xứ
nào khác về ông Kẹ. Mà chỉ có mấy giòng giới thiệu ông Kẹ trong cuốn tiểu thuyết
... Harry Potter như sau:
Ông kẹ (Boggatre) là
sinh vật có khả năng biến đổi hình dạng. Biến thành thứ gì mà nạn nhân của nó sợ
nhất. Bởi nó thường xuyên thay đổi hình dáng nên rất ít người biết hình dáng thật
sự của nó như thế nào. Ông Kẹ có thể là ... con nhện khổng lồ hay là ai đó chẳng
hạn trước mắt mình.
- Nhưng đó là ông Kẹ
Tây.
- Tây u gì không biết,
miễn là ông Kẹ được rồi.
- Nhưng mà có hiệu quả
không?
- Thường thường là
có. Như ngày hôm qua thằng con tôi khóc hoài. Lúc đó em gái của tôi với chồng
nó qua thăm. Tôi chỉ chồng của em gái tôi, nói: "Ông Kẹ kìa!". Nó
nhìn một hồi, rồi nín khóc. Nó sợ ông Kẹ bắt bỏ vô bao.
- Về tâm lý thì không
nên hù dọa con nít như vậy.
- Biết rồi, nhưng làm
sao cho nó nín khóc bây giờ?
Đúng vào lúc bà bạn
nói tới hai chữ "bây giờ" thì hình như đó là "giờ linh", đứa
con của bà ngủ trong phòng bỗng khóc ré lên như cái đồng hồ báo thức. Bà phải
chạy vào hát dỗ cho nó ngủ lại. Bà hát như là ... hét, tôi ngồi bên ngoài chỉ
nghe thôi cũng phát điên. Bà hát rống lên mà cái thằng con nít quỷ nầy cứ khóc
và khóc, còn tôi thì khổ ơi là khổ, hết ngồi rồi đứng, nghe tiếng bà mẹ hát -
hét từ điệu ru con cho tới nhạc ... rock. Thậm chí bà còn ... khiêu vũ với cháu
nhỏ từ phòng ngủ ra tới phòng khách mà nó vẫn khóc. Bà bèn quay mặt cháu nhỏ
cho nó nhìn về phía tôi rồi nói lớn:
- Ông Kẹ kìa!
Bất ngờ quá. Tôi là
ông Kẹ? Bà mẹ tiếp tục nói kah1 lớn:
- Ông Kẹ kia kìa! Thấy
ghê chưa? Nhìn đi! Khóc ông bắt bỏ vô bị bây giờ! Nín, nín, nín!
Cháu nhỏ nhìn tôi. Lạ
thật, nó bớt khóc chút đỉnh, sau đó nó thút thít rồi từ từ ... nín. Mọi sự tốt
đẹp. Bà mẹ cũng nhìn tôi với đôi mắt có thiện cảm. Lần này thì bà cảm ơn:
- Cảm ơn ông nha, ông
Mạc Can. Nhờ cái vía của ông mà nó nín khóc, chớ thường ngày dỗ nó muốn khùng
luôn mà nó cứ khóc hoài.
Ngay lúc này thì chồng
của bà bạn đi làm về. Ông nầy là người viết kịch bản hài, quảng cáo kiêm đạo diễn
kịc da2itrong chương trình thứ bẩy hàng tuần của một đài phát thanh. Ông chào
tôi:
- Chào ông John Mác
Ken. Ông khỏe?
- Dạ khỏe ra, cảm ơn
ông.
Lúc đó thằng con của
ông đang cười rất tươi, còn vợ ông thì khoe:
- Hồi nãy thằng Cu Tí
khóc quá mạng, em phải hù nó ...
Ông chồng vừa nựng
con vừa hỏi vợ:
- Hù sao?
Bà vợ chỉ cho đứa con
thấy tôi còn ngồi trên ghế. Bà nói minh họa "vở kịch" phát thanh do
bà sáng tác hồi nãy:
- Ông Kẹ kìa! Ông bắt
bỏ vô bị bi giờ.
Cháu nhỏ nhìn
tôi rồi bỗng nhiên, tình thế đảo ngược lại, khóc ré lên, khóc quá trời khóc.
Làm cha mẹ mà thấy con mình như vậy ai mà không nóng ruột? Hết ba rồi tới má nó
xúm lại dỗ nó rùm trời mà nó vẫn không chịu nín. Cuối cùng thì ông chồng chịu
không thấu, nổi khùng (vợ ông nói đúng, ông nội nầy mau nổi khùng thiệt), quạu
quọ nhìn tôi. Nói làm sao cho được, chính tôi là nguyên nhân làm cho cái thằng
nhỏ cóc cắn nầy ré khóc. Ông kịch tác gia hét lớn:
- Ông làm ơn đi chỗ
khác chơi dùm một chút. Người đâu mà cái mặt thấy ghê làm con người ta khóc ngất
đây nè.
Con nít chưa biết
nói, khó biết nó muốn gì. Cũng như đi ra nước ngoài mà không biết tiếng Anh, dù
mình là người lớn đi nữa cũng vậy, mấy người lớn ngoại quốc khác ít ai biết
mình muốn gì, muốn ăn bánh mì hay là uống sữa. Cũng một ông Kẹ là tôi mà lúc
nãy nhìn thì cháu nhỏ nín khóc, còn bây giờ lại khóc như mưa như gió. Khổ cho
cái thân ông Kẹ. Mới vùa được cảm ơn, được khen, liền bị đuổi ra khỏi cửa. Cho
nên bây giờ hễ thấy đứa con nít khóc là tôi trốn trước để khỏi bị đổ thừa, cho
chắc ăn.
Qúy vị thấy chưa? Làm
ông Kẹ cũng có khi vui có lúc tủi thân chớ bộ. Và không phải chỉ là chuyện ông
Kẹ thôi đâu, người thường nhiều khi cũng bị các ca sốc nầy. Khi nào sếp giận lại
thấy mình lảng vảng trước mặt, ổng giũa cho thì ráng mà chịu.
1 nhận xét:
Những bài văn của ông mạc hay và có ý nghĩa thật đó :)
Đăng nhận xét