Tony Nhân Nguyễn
Hôm trước, một đệ tử ghé thăm, đến tạm biệt anh Tony và
tạm biệt Sài Gòn, về Đắc Nông để làm việc. Nó vừa tốt nghiệp đại
học y khoa Tp HCM, và về quê chứ không bám trụ Sài Gòn như các bạn trong lớp. Nó
nói em thi vào đại học y khoa, thật ra là không đủ điểm nếu em không được ưu
tiên miền núi, nên em phải về anh à, chính cái chữ "miền núi" đó đã
giúp em có 1 cơ hội vào giảng đường. Rồi sau vài năm nữa, nếu muốn học tiếp
thì có thể em lên lại Sài gòn, thì cũng không muộn anh há. Mình nói ừa, thanh
niên còn trẻ, cứ trải nghiệm, ở trên đó, em còn có thể trực tiếp chẩn đoán mổ xẻ,
chẳng mấy chốc mà kinh nghiệm làm việc còn hơn các bạn ở đây, khi ra trường chỉ
dừng lại pha trà rót nước cho các cây đa cây đề. Sống trên đời biết ơn nghĩa
như em là tốt, lòng biết ơn là cái giúp con người khác các động vật khác, em
hãy kiêu hãnh để ngẩng đầu với chính em. Chia tay, mình tặng nó cuốn sách
You Can Win mà mình rất ưa thích, và dặn dò, dù gì đi nữa, phàm đã chọn
nghề y cao quý, thì đừng quên lời thề Hippocrates nghen em.
Sinh viên y khoa khi tốt nghiệp, đều phải tuyên thệ, còn gọi
là lời thề Hippocrates, ông tổ của ngành y phương Tây. Coi như lời hứa
danh dự của nghề. Mà tiếng Việt mình cũng hay, có 2 nghề mà người ta gọi là
bác, là bác sĩ và bác tài... đơn giản vì giống nhau ở chỗ, đều nắm
sinh mạng của người khác trong tay. Nên khi hành nghề phải tuyên thệ,
vì 1 phút chốc nào đó, chất con nổi dậy lấn át chất người, sẽ vì mình hay
vì tiền hay vì cái gì đó, mà đánh đổi mạng sống của người khác.
Nói đến nghề y mới nhớ, hồi còn ở quê, ở đầu thị trấn có một
bác sĩ, tên A. Lúc đó còn học tiểu học, có lần sáng ngủ dậy, mình bị
sốt cao rồi ói. Bà dì chạy ra vườn hái lá chùm ruột giã rồi đắp trên trán
cho mát, nhưng một hồi sau thì tình hình cũng không khả quan hơn, sốt còn cao
hơn nữa, mặt mũi xanh lè. Má mình phải nghỉ dạy, lật đật đạp xe đèo con chạy ra
thị trấn, ghé nhà bác sĩ A nhờ khám. Xuống xe, mình đi loạng choạng vào
sân nhà ổng và có ói 1 ít vào bồn hoa, thật ra cũng chỉ toàn nước thôi chứ có
ăn uống gì. Ổng đi ra, đứng trên thềm cao, mặt mũi khó chịu nói
sao chị lại để cháu ói vào bồn hoa, hai mẹ con đi đâu có việc
gì. Má có la mình, nói sao con lại ói vào đó, rồi đứng khép nép nhìn lên,
ánh mắt van lơn, nói bác sĩ ơi giúp giùm con chị, nó bịnh đột
ngột quá. Mà bữa nay nhà chị không có tiền, chị chưa tới kỳ lãnh
lương nên khi nào lãnh chị sẽ mang ra liền. Thấy ổng chần chừ nên má
mình cũng tỏ ra khá lanh lợi khi đề cập là có quen cô Hay, cô Thạnh,
cô X, cô Y.... tức các cô giáo cùng dạy trong trường Ninh Quang nhưng
ở thị trấn gần nhà ổng, để ổng yên tâm là không bị xù.
Nhưng ổng nhìn nhìn 2 mẹ con, nhìn chiếc xe đạp mini cà tàng rồi
phán, thôi chị đi chở cháu đi chỗ khác đi, tui đang bận. Mình vẫn ngồi dưới đất
và ói. Má mình năn nỉ nói bác sĩ coi cháu giùm một chút có sao không,
làm ơn làm phước giùm chị, chị mang ơn suốt đời. Ổng nhìn cái bồn hoa bị
ói và tức giận bỏ vào nhà, đóng cửa lại. Má đứng khóc như mưa
trước nhà làm mình khóc theo, con nít mà, thấy mẹ khóc là hay khóc theo. Rồi
sau đó hai mẹ con ra bệnh viện huyện, ở bên kia cầu Dinh, có ông y sĩ gì đó lấy
viên thuốc màu vàng đắng nghét cho mình uống hạ sốt, nằm nghỉ một
lúc thì về. Mình nhỏ xíu, đội cái mũ vải rộng thùng thình của
chị Hai, ngồi phía sau xe đạp như con cóc, vịn chặt cái yên xe
vì sợ té. Lúc đạp xe đi về ngang qua nhà ông, mình có ngoái
nhìn vào. Coi cái chỗ lúc nãy ói đã có ai dọn chưa, thấy
sợ hãi vì cái tội ói vào bồn hoa nhà bác sĩ...
Đối diện với nhà bác sĩ A là nhà thầy Thực, dạy Anh văn cho
mình năm lớp 6. Thầy dạy rất vui nhộn nên học trò theo đông. Giờ thầy đã về hưu
nên cùng với các thầy cô khác đứng ra thành lập quỹ học bổng khuyến học, cũng
được đông đảo những người ở địa phương hay gốc Ninh Hòa đang sinh sống ở phương
xa ủng hộ. Các thầy các cô lặn lội chạy xe đi khắp nơi từ trên xã miền núi
đến xã miền biển để tìm đối tượng cần trao. Anh Dương Tấn Nhựt, làm
việc ở viện sinh học Đà Lạt, một người anh rất thân với mình, nói em về
quê đi Tony à, ngày đầu tháng 9 năm nào cũng có lễ phát học bổng, và
bao giờ cũng trong nước mắt, vì có những hoàn cảnh mà mình ngồi tưởng
tượng cũng không hiểu tại sao có những con người cơ cực đến như
vậy. Chỉ dừng lại ở quy mô rất nhỏ, không ồn ào nhưng quỹ của các thầy
là 1 mảng màu đẹp mỗi khi nhớ về Ninh Hòa, nơi người ta biết chia sẻ động
viên nhau, nơi tình người vẫn còn chan chứa lắm....
Và trên khắp đất nước hình chữ S này, không khó để bắt
gặp hình ảnh những người mẹ gầy gò, quần đen và chiếc áo sơ mi đã sờn, đội nón
lá, gồng mình đạp xe chở những cậu bé, cô bé nhỏ xíu như cái kẹo ngồi đằng
sau ba-ga để đến trường với một niềm tin tươi sáng, rằng thế hệ người Việt tiếp
theo sẽ không khổ cực như cha mẹ chúng.
Hồi xưa mà có cái quỹ học bổng này thì thế nào Tony
cũng được vì ... "đẹp trai và học giỏi".
nguồn: www.ninhhoatoday.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét