Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Q U Ê

QUANG  ĐẶNG

Vắng khách, đám phụ bán xách ghế ngồi hai hàng đối diện nhau dọc hành lang. Mấy chục cặp mắt tập trung vào một cô gái ăn mặc hơi thô kệch. Chúng chỉ chỏ, rồi cười hô hố: “chắc ở quê mới lên?” Đang há miệng hết cỡ, cả bọn bỗng im bặt khi An lên tiếng: “tụi con chê thiên hạ quê, vậy tụi con ở đâu ra?”. Vân Sađéc nhìn Thùy Phan Thiết, Dũng Quảng Nam liếc Ngân Cần Thơ, những cái tên gắn liền với một địa phương xa lơ chợt nhận ra: “ờ nhỉ, tại sao nói người khác quê, khi trong tên mỗi đứa đều có một miền quê”.
Chợ nằm giữa trung tâm thành phố, so về diện tích chưa chắc lớn hơn những ngôi chợ khác. Nhưng bề dày lịch sử và sự phong phú ngành hàng thì hơn hẳn. Chủ nhân các sạp có tính cách cha truyền, con nối. Có những sạp, chủ đã là thế hệ thứ ba, thứ tư. Tuy nhiên, lực lượng đông nhất, hùng hậu nhất lại là đám phụ bán. Nếu tính theo số lượng sạp, thì con số này phải ngót nghét cả ngàn. Đó mới chỉ tính mỗi sạp thuê hai người, vì có sạp người phụ bán tới bốn, năm. Chủ sạp phần lớn là dân Sài Gòn gốc. Nhưng đám phụ bán, đố đứa nào đưa ra được cái CMND ghi nguyên quán TP HCM. Đó là những người trẻ, tuổi từ 18 đến 25, quê quán trải dài từ Huế tới Cà Mau. Tuy khác nhau về vùng, miền, tiếng nói, nhưng kịch bản thâm nhập chợ dường như chỉ có một bàn tay đạo diễn. Thoạt tiên, đứa nào cũng giống nhau, cũng quê từ dáng điệu, quần áo, tóc tai và đặc biệt là giọng nói. Cái âm cứng của miền Trung hay tiếng đả đớt chính hiệu miền Tây là con dấu đóng “kịch” một tiếng rõ to trên lý lịch của chúng. Ấy vậy, chỉ cần khoảng sáu tháng hoặc chưa tới một năm, chúng hội nhập thật bất ngờ. Chẳng còn ai nhận ra con Gạo, thằng Rắt trước đây. Đứa sau học đứa trước. Chúng tân trang không chỉ hình thức bên ngoài, mà còn tự lên đời khi theo học những lớp sinh ngữ buổi tối. Và khoảng hai năm sau, chúng đã có thể nổ như bắp rang tiếng Anh-Pháp-Nhật-Hoa với khách nước ngoài.
Đôi khi An như quên hẳn chúng không phải là người Sài Gòn. Chỉ thỉnh thoảng đụng một sự cố nào đó, mới biết nó quê chính quy. Như hôm nghe tin lụt lớn miền Trung hay bức xúc vì đất lở nhấn chìm nhà cửa ở đồng bằng sông Cửu Long, thì bỗng chốc chúng lại trở thành những con Gạo, thằng Rắt mới ngày nào chân ướt, chân ráo đặt chân tới Sài Gòn. Và không hiểu sao khi nói về quê nhà, chúng lại nói rặt giọng địa phương. Cái lai tạp hàng ngày biến mất, An lại thấy chúng thật thà, chân chất đến thương. Nghe loa chợ kêu gọi tiểu thương đóng góp bão lụt, Rắt ” Quãng Ngãi City” thở dài sườn sượt:
- Lụt lớn như ri, chẻng biết ở nhòa, choa em lồm eng ra reng? <lụt lớn như vậy, chẳng biết ở nhà, cha em làm ăn ra sao?>
Hay con Gạo buồn rũ rượi:
- Chèn đéc ơi! Đất lở, thương Tía em quá chời!
Nước mắt lưng tròng. An có cảm giác đất đang lở dưới chân Gạo.
Tiếng nói và quê nhà tít tắp chỉ là hai trong một. Tách chúng ra, ta không phải là ta, mà chỉ là một dạng “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”. Về quê, bà con bảo An nói giọng Sài Gòn. Ở Sài Gòn, thiên hạ thắc mắc : “Cô hình như người miền Trung?”
 Dù biết sự thay đổi đó là điều rất tự nhiên, là lẽ thường tình của những người đã cư ngụ mấy mươi năm ở xứ này. Nhưng cái món “khoai chẳng ra khoai, ngô chẳng ra ngô” đôi khi làm An khó chịu. Vì thế, mỗi khi có dịp về quê, xả hết ga cái giọng quê rặt của mình, An lại thấy dễ chịu, nghe “đã” vô cùng.
Chúng ta có muôn vàn lý do để giải thích, vì sao ta có mặt nơi thành phố này. Mưu sinh, học hành, những ước mơ…Nhưng sao tim ta nhói đau khi đầu tháng chạp, thấy bác hàng xóm lịu bịu tỉa lá cho mai. Mẹ đã khuất từ lâu như hiện về : “Hôm nay tỉa lá cho mai được rồi, con!”. Rồi vườn nhà cải cúc rập rờn, có tiếng gà gáy sáng mồng một tết, mẹ vào giường đập từng đứa” Dậy! mặc đồ mới, mừng tuổi ông bà” Những người muôn năm cũ, sao luôn mới trong ta, và An chợt nhớ, đã nhiều năm viện đủ cớ để đường về quê xa lắc…
Cứ đến rằm tháng chạp. An lại rủ mấy nhỏ người làm ở lại Sài Gòn ăn tết.
- Không, con phải dìa!
- Dạ, con sẽ dzề.
Dù tự hào ta đây đã rất Sài Gòn, nhưng hình như trong sâu thẳm, cái tiếng Quê nó réo gọi mãnh liệt hơn.
An thích nhìn cảnh tụi nhỏ tíu tít chuẩn bị về quê. Phương tiện, tàu lửa- xe đò- ghế cứng- ghế mềm. Hành lý, bộ đồ cho em, chiếc áo kiểu rẻ tiền cho mẹ, quyển lịch mới cho cha. Nghe ở đâu có giảm giá, chúng xin phép chạy đi, thỉnh thoảng lại tha về một món. Cỡ 25 tháng chạp, cả bọn lục tục xin về. Chỉ cần An gật đầu, chúng trực chỉ ngay sân ga, bến xe liên tỉnh. Bỏ lại đằng sau không luyến tiếc cái chợ nhà giàu, dù loa chợ đang mở hết công suất bài “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”
An thèm được nhỏ lại, hồn nhiên như chúng. Khao khát ra quầy vé chen lấn và la to: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”*. Với An, quê nhà là những ngày giáp tết, có cô bé mắt to chạy lúp xúp theo mẹ  đi chợ tết. Nhìn hàng nào, chỗ nào cũng lóng lánh hạnh phúc. Tuổi thơ đã xa, ta cả đời loanh quanh, mệt mỏi, quê nhà ơi!.
Bọn trẻ đi rồi, An thấy buồn. Sài Gòn những ngày tết nhẹ hẫng, sạch và thoáng. Dường như nó lấy lại được phong độ, khi dòng người nhập cư lần lượt rủ nhau về quê ăn tết. Không còn cảnh người móc bọc, mang hai cái bao to đùng phía sau, nhếch nhác. Vắng hẳn trăm nghìn chiếc xe gắn máy bảng số tỉnh. Những chiếc xe không mang bảng số 50, đang tăng tốc về nơi xuất phát. Ở đó, có cái chốn quê, thật quê, có gia đình, chòm xóm, bờ tre đang chờ họ. Và Sài Gòn đẹp, Sài Gòn sang, không giữ được người tứ xứ ba ngày thiêng liêng này. Họ không cần biết đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ như thế nào, cũng cóc cần quan tâm muôn triệu ánh đèn lấp lánh từ đường Nguyễn Huệ, ra Đồng Khởi, Lê Lợi. Với họ, tết, về quê thôi.
Mồng một, mồng hai, mồng ba, người Sài Gòn thấy khoan khoái gì đâu. Tới nhà bạn “nhậu”, cười hỉ hả: “Ước gì, quanh năm được sống trong bầu không khí thoáng đãng này”. Nhưng khi mai bắt đầu rụng, giỏ hoa Sa Đéc từ từ gục cánh. Người Sài Gòn thứ thiệt bắt đầu ngán miếng thịt mỡ mua ngày 30 tết ở siêu thị, đá lăn lóc chai rượu Tây vào góc nhà. Họ bắt đầu nhớ trái bắp chị Hà Tây, thèm tô mì gõ em Quãng Ngãi, ngóng ra cửa trái dừa anh Bến Tre. Rồi ra mồng gặp lại, cuống quít chào: “ Ê! Dzề quê ăn tết, dzui không mậy?”. Người nhập cư lỏn lẻn cười, nhìn mặt là biết vui như tết.
Sáng mồng hai, cả nhà rủ nhau ra đường hoa Nguyễn Huệ chụp ảnh. Cả một khung cảnh làng quê được tái hiện trên toàn trục đường chính. Ai không thể về quê, nhìn những hình ảnh này lòng se sắt nhớ, trẻ con thành phố, chưa từng biết mặt mũi quê ra sao, sẽ tò mò tìm hiểu. An chỉ tiếc, giá như không gian tổ chức rộng lớn hơn, thì sự hòa quyện giữa cảnh vật và đất trời sẽ tự nhiên hơn, đem lại hiệu ứng cao biết dường nào. Đằng này, cầu khỉ, ao sen, nếp nhà tranh, ruộng lúa lại lọt thỏm giữa những khối nhà cao tầng. Tuồng như họ đang ép buộc cô gái quê ra chốn thị thành. Vội vã khoác lên người cô chiếc áo Burbery, ấn vào vai cái túi Gucci, đeo tay chiếc đồng hồ Cartier. Và cũng vì vội vã, quên cả xỏ đôi giày Nike, để lộ rõ đôi gót chân dính phèn.
Nhưng theo An, lạc lõng nhất là thằng bù nhìn bằng rơm. Địa bàn vùng vẫy của hắn chỉ là một vạt đất nhỏ, nhô lên vài cọng lúa, bị thiên hạ đạp qua, giẫm lại để chụp hình. Hắn đứng đó, dang hai tay như bất lực: “ Tôi, tôi không thuộc nơi này. Quê tôi xa là cánh đồng bát ngát, cò bay thẳng cánh. Chốn đó, tôi oai phong, lẫm liệt, dù nhiệm vụ chính chỉ là đe dọa ảo. Vậy mà, “ Kính thưa các loài chim” thấy tôi sợ phát khiếp. Còn ở đây, bọn nhóc thành phố vỗ vai tôi: “Where are you from?”.
Hồn quê đôi khi chẳng cần cụ thể, gượng ép. Lắm lúc chỉ là giấc mơ, là lời kể mơ hồ :
- Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường…Về những phiên chợ nổi trên sông…và những con thuyền tam bản bằng gỗ…<Raconte moi ta maison, ta rue…Les marches flottants et les sampans de bois…>. Phạm Quỳnh Anh , giấc mơ và âm nhạc đã làm nên hồn quê. Niềm ray rức mơ hồ về cội nguồn tuôn chảy, ta như thấy quê hương đang hiện hữu nơi một cô gái sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, rất tự nhiên, không khiên cưỡng. Và cách cô vuốt nhẹ câu cuối, suýt làm An bật khóc:
- Un jour, j’irai là bas, te dire bonjour, Vietnam…<Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam>.
Thế hệ thứ nhất không lạc quan bằng thế hệ thứ hai. Có lần, An nghe được mẩu đối thoại giữa Yến Cà Mau với một ông khách :
- Chú ở đâu vậy chú?
- không trả lời.
- Việt kiều hả chú?
Ông khách đáp gọn lỏn:
- Chùm gởi.
Quay sang An, Yến ngơ ngác như muốn hỏi tại sao ông khách trả lời như vậy. Thế hệ 9x mơ hồ về những điều đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng tia nhìn của An và ông khách chạm nhau, niềm cảm thông của 5x. Là dân quê, Yến thừa biết hoa chùm gởi, nhưng người chùm gởi thì chưa.  Bạn cũ lại gọi là “Cõi tạm”,  tất cả mọi thứ là của mình, nhưng chưa bao giờ thuộc về mình. Mùa này Michigan đẹp lắm, nhưng sao vẫn đau đáu về chốn cũ. Vẫn nhớ về một người đang hụp lặn giữa bụi bặm, xe cộ Sài Gòn, sợ người ấy quên mắt kính không nhìn thấy hố tử thần. Tan ca đêm, bấm mã số Việt Nam, ở nơi đầu nỗi nhớ, nghe tiếng ho, thương “Bạn đời xưa” đau thắt ruột. Bên này đang là 2 giờ sáng. Bạn cũ bật nhạc, không phải Phạm Quỳnh Anh mà là Lệ Thu:” Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca, cánh nhạn vào mây thiết tha, lưu luyến một trời xa”. Văn Cao- Marc Lavoine, một sự trùng hợp đến lạ kỳ.
Còn ta, có những chiều xuân lang thang xứ lạ, nghĩ đến Mẹ chảy nước mắt, thèm một đứa bạn thân bên cạnh, nhớ da diết một người hết còn cơ hội thụi vào hông một cái. Tất cả nỗi nhớ đó gom hết vào một chữ QUÊ. Dù là quê ”danh từ” hay quê” tính từ”, suốt đời vẫn nhớ nhớ, thương thương.
* Xin cho tôi một vé đi tuổi thơ – tên truyện của Nguyễn Nhật Ánh.

Không có nhận xét nào: