Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Ai bảo vệ động vật hoang dã ?


Lê Thiếu Nhơn
 
Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới - WWF vừa xếp Việt Nam có thành tích kém nhất trong 23 quốc gia châu Á và châu Phi trong việc bảo vệ các loài tê giác, hổ và voi. WWF cho biết, chính các trại nuôi hổ và sở thích dùng sừng tê giác chữa bách bệnh của người Việt Nam là nguyên nhân chính để cho ra kết quả đánh giá trên.
Xếp sau Việt Nam là Trung Quốc và Lào. Báo cáo của WWF cũng cho biết năm 2007 Việt Nam quyết định thí điểm hợp thức hóa các trại nuôi hổ đã làm suy yếu nỗ lực của quốc gia trong việc trấn áp nạn buôn lậu các sản phẩm hổ. Hiện tại, Việt Nam có 11 trại nuôi hổ có đăng ký.
Tuy chỉ là thông tin mang tính tham khảo, và cũng có nhiều điểm cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, nhưng những điều WWF cảnh báo rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Bởi lẽ, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ gây hại cho động vật hoang dã đã xảy ra khiến dư luận bức xúc và xót xa.
Chuyện đau lòng thứ nhất: Ngày 21/7/2012, một con cá tra dầu khổng lồ dài 2 mét, nặng 86kg do ngư dân An Giang đánh bắt trên sông Hậu được một Trưởng công xã mua lại và thả trong ao nhà. Cá tra dầu có tên trong sách đỏ của Việt Nam, được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Trước đó gần tuần lễ, đã có một con cá tra dầu nặng 72kg bị chết, nên con cá tra dầu được đưa về chăm sóc đặc biệt tại trại giống. Thế nhưng, đến chiều 24/7/2012, con cá tra dầu đã chết có thể do bị thương vì xây xát da trong quá trình vây bắt, vận chuyển.
Chuyện đau lòng thứ hai: Một con bò tót xuất hiện tại sân bay quốc tế Phú Bài sáng 24/7/2012 khiến hành khách và người dân xung quanh náo loạn. Sau khi tạm hoãn các chuyến bay, trưa 24/7, các chuyên gia đã tiến hành bắn thuốc mê suốt 4 giờ đồng hồ để khống chế bò tót. Cuối cùng, vừa đưa về Trại dưỡng voi xã Thủy Bằng ở thị xã Hương Thủy, con bò tót đã chết lúc 18h cùng ngày.
Như vậy, qua hai chuyện đau lòng trên, chúng ta không thể nào phủ nhận sự yếu kém của các biện pháp xử lý tình huống bất ngờ trong công tác bảo vệ động vật hoang dã. Không thể đổ lỗi cho cá nhân hay tổ chức nào, mà thực sự ý thức bảo vệ động vật hoang dã của toàn cộng đồng phải được nâng cao hơn. Bởi lẽ, không chỉ khi xảy ra sự cố đột ngột, mà tình trạng bắn giết động vật hoang dã vẫn xảy ra thường xuyên. Dù cả ba loài voọc chà vá chân đen, chân đỏ và chân xám chỉ còn chưa tới 1.000 cá thể mỗi loài trên cả nước, đều được xếp vào dạng nguy cấp, cần phải bảo tồn đặc biệt, vậy mà ngày 19/7/2011 tại vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận), một nhóm thợ săn đã bắn hạ 21 con voọc chà vá chân đen. Mới đây, quân nhân Nguyễn Văn Quang thuộc đoàn công binh 7 - Binh đoàn Tây Nguyên đã mua voọc để hành hạ, làm thịt rồi đưa hình lên mạng làm xã hội căm phẫn!
Động vật hoang dã tại Việt Nam đang báo động đỏ. Nếu chúng ta tiếp tục thờ ơ, thì ai bảo vệ tài sản thiên nhiên quý giá ấy cho hôm nay và mai sau?

2 nhận xét:

Unknown nói...

HIc! nhìn thương quá :(

Nặc danh nói...

Cảm ơn bài viết của bạn đã cho chúng tôi biết được về loại động vật hoang dã và áp dụng cho bộ tài liệu của 12bet đã có sẵn