Hoàng Phố
Ngoại có ba người con và mẹ nó là chị cả. Từ khi cảm nhận được
mối quan hệ thiêng liêng của gia đình, ngoại là người yêu thương nó nhất. Mẹ nó
đi vào trại cải tạo từ khi nó còn rất bé, nên giữa nó và mẹ luôn có một khoảng
cách vô hình trong tình mẫu tử. Ngoại đối với nó là mẹ, là cha và là tất cả những
gì nó quý báu nhất trong đời. Những ngày ngoại bận bịu đi buôn bán xa, dì ba
thay thế ngoại chăm sóc cho nó và dì út. Dì đưa nó đến trường rồi đón về nhà, tối
đến dì cháu, chị em quây quần bên nhau trong những bữa cơm đạm bạc. Dì út lo lắng
cho nó như một đứa em gái nhưng không chìu chuộng nó như dì ba và dĩ nhiên,
không thể giống như sự cưng chìu của ngoại. Mẹ nó trở về sau 7 năm trong trại cải
tạo nên hội đủ điều kiện để định cư tại Hoa Kỳ qua chương trình nhân đạo. Vì vậy,
chỉ gần hai năm sau, nó từ giã ngoại và hai dì cùng mẹ đi xuất cảnh.
Nó còn nhớ buổi cơm chiều hôm ấy thật linh đình và thịnh soạn
với sự hiện diện của một số bạn thân của mẹ, cùng những người hàng xóm láng giềng
lâu năm của ngoại. Mọi người vui vẻ nói cười dòn như pháo, nó còn nhìn thấy sự
tự hào trong đôi mắt mẹ khi chia sẻ với mọi người về những nhọc nhằn mà mẹ đã
trải qua, để có được thành tựu của ngày hôm nay. Trong thời gian chờ đợi được cứu
xét và cấp visa, mẹ đã phải chạy đôn chạy đáo với một đống giấy tờ chuẩn
bị cho cuộc phỏng vấn, nên nó cũng hiểu được ít nhiều những khó khăn trong việc
nhập cảnh đến Hoa Kỳ. Những tư trang còn lại mẹ đều bán hết để hoàn tất hồ sơ,
chỉ giữ lại duy nhất chiếc nhẫn nhỏ trên tay mà nó đoán là nhẫn cưới. Đôi khi
nó thấy mẹ tháo ra, ngắm nghía một chút rồi lại đeo vào ngón tay áp út với nét
đăm chiêu trên khuôn mặt. Có lẽ mẹ đang hồi tưởng về những tháng ngày hạnh phúc
đã trôi qua. Mẹ chưa một lần nhắc đến ba với nó và nó cũng chẳng bao giờ dám hỏi
mẹ về ba. Đôi khi nó cảm nhận rằng trong cái thế giới tưởng như rất bình lặng
giữa những người đàn bà trong căn nhà này, dường như vẫn có những cơn sóng ngầm
chực chờ thức dậy.
Từ ngày mẹ về, nó không còn được nghe lời ru mỗi đêm của ngoại
nữa, nên một tuần lễ trước ngày đi, nó xin mẹ được ngủ chung với ngoại. Những
đêm đó nó đã có những giấc mơ rất đẹp qua lời kể chuyện trầm ấm, ngọt ngào của
ngoại, như ngoại vẫn thường kể chuyện cho nó nghe từ khi nó còn bé tí. Đêm cuối
nó cùng ngoại thao thức nhỏ to. Nó khóc và nói rằng nó không muốn xa ngoại. Ngoại
đã dỗ dành, an ủi và dặn dò nó đủ điều. Ngoại bảo nó… phải chăm học cho tương
lai vì đây là cơ hội hiếm hoi trong cuộc đời, đừng ham chơi với bạn và nhớ là
phải luôn làm vui lòng mẹ…, nhưng trong đầu óc non nớt của một đứa bé vừa tròn
mười tuổi, tương lai là một cái gì mơ hồ không cần thiết. Điều quan trọng nhất
là ngày mai nó sẽ xa ngoại và không biết bao giờ mới có cơ hội trở về.
Trưa ngày hôm sau, ngoại và hai dì tiễn mẹ và nó ra sân bay.
Ngoại nhìn nó thật lâu như muốn gom hình ảnh nó vào trong mắt, rồi ôm nó thật
chặt vào lòng sau khi đã dặn dò mẹ lần sau cuối. Dì ba im lặng xoa đầu nó, dì
út dặn nó nhớ ráng học chữ Việt Nam để viết thư cho các dì và ngoại. Mẹ bình thản
vẫy tay chào ngoại và mọi người rồi cùng nó bước hẳn vào bên trong. Phi cơ chuyển
mình rời phi đạo, nó mím chặt môi vì không dám khóc trước mặt mẹ, nhưng nó nghe
có vị mặn trên môi. Nó biết nó đã xa ngoại từ đây.
Gần một ngày trên phi cơ với hơn hai giờ đồng hồ đợi ở phi
trường Đài Loan để chuyển tiếp, mẹ và nó đến San Francisco vào một buổi chiều.
Bầu trời của những ngày cuối tháng năm vẫn còn đầy nắng. Người nó ngật ngầy như
say sóng, nó choáng ngợp và bỡ ngỡ trong cái khung cảnh mênh mông với những âm
thanh ồn ào ở nơi đây. Nét hân hoan hiện trên gương mặt mẹ khi nhận ra tấm bảng
có tên mình từ những người trong hội thiện nguyện đến đón nơi phòng đợi. Sau buổi…
họp mặt ngắn ngủi ở phi trường, họ đưa mẹ và nó về căn chung cư đã chuẩn bị sẵn
để nghỉ ngơi sau một chuyến đi xa. Lần đầu tiên bước vào căn nhà nhỏ trên tầng
hai được sửa soạn khá chu đáo, nhưng đối với nó thật mênh mông trong sự im lặng
gần như vô tận. Mẹ đưa nó vào phòng ngủ bên trong và nói… “Đây là phòng của
con, phòng bên kia là của mẹ. Cần gì thì nói cho mẹ biết...“ Đêm đầu tiên một
mình trong căn nhà lạ, nó không ngủ được. Nó nghe tiếng mẹ vẫn còn thức ở phòng
bên kia và muốn chạy sang, dù đã từ lâu nó đã ngũ một mình, nhưng lại không
dám. Cái gối ôm thơm phức mùi xà bông trên chiếc giường nệm êm ái nhưng lạnh ngắt,
càng làm cho nó nhớ quay quắt cái hơi ấm đầy thương yêu của ngoại đã từng ôm ấp,
chở che cho nó. Nước mắt vòng quanh, nó ước gì có được cây đũa thần đưa nó trở
về bên ngoại, như những bà tiên trong truyện cổ tích mà ngoại vẫn thường kể cho
nó nghe trong những giấc ngủ ngày xưa. Nó sẽ năn nỉ ngoại đừng để nó đi xa nữa.
Rồi những ngày tháng bỡ ngỡ ban đầu cũng trôi đi, nó quen dần
với cuộc sống mới, ngôn ngữ mới và… tất bật với một đống homework mỗi ngày. Mẹ
cũng quay cuồng trong xã hội mới với cái ăn cái mặc cho hai mẹ con. Buổi sáng mẹ
đưa nó ra buýt đầu ngõ rồi đi làm. Những tuần đầu tiên, mẹ cố gắng thu xếp trở
về nhà đón nó vào buổi trưa vào giờ tan học, nhưng sau đó nó tự đi về một mình
vì mẹ không có thời gian. Hai mẹ con vẫn là hai thế giới riêng tư. Mẹ bương chải
vừa đi học vừa đi làm nên giữa nó và mẹ chỉ có những cuộc đối thoại vội vàng, cần
thiết liên quan đến chuyện học hành của nó trong những buổi cơm chiều. Niềm vui
của nó là thư cho ngoại và các dì, nhưng nó không đủ chữ nghĩa để viết cho ngoại
những gì nó muốn. Thư đi chỉ có vỏn vẹn một vài chữ, xen lẫn với những hình vẽ
mà nó học được ở trường.
Mẹ miệt mài cho đến ngày tốt nghiệp, nhìn mẹ tươi tắn trong
chiếc áo đen, mũ đen và những sợi dây tua vàng đong đưa trên chiếc mũ trong
ngày lễ ra trường với bạn bè vây quanh, nó lại nhìn thấy ánh mắt tự hào của mẹ.
Có mảnh bằng trong tay, mẹ tìm được công việc mới tốt hơn nên đời sống cũng thoải
mái hơn. Mẹ hoà nhập nhanh vào xã hội Hoa Kỳ, tạo niềm vui cho riêng mình với
những buổi họp mặt, ăn uống, hội thảo với những người bạn của mẹ thuở còn trong
quân đội. Mẹ cũng tìm được cho mình bộ lễ phục ngày xưa, và luôn tham dự những
buổi diễn hành của cộng đồng người Việt trong thành phố.
Đời sống ổn định trên vùng đất hứa, mẹ làm thủ tục đưa ngoại
và dì ba rời Việt Nam sau khi dì út lấy chồng và được bảo lãnh sang nước Úc.
Không có niềm vui nào có thể diễn tả được khi biết nó sẽ gặp lại ngoại. Ngày
đón ngoại ở phi trường nó bật khóc vì ngoại đã thay đổi quá nhiều. Có lẽ những
nhọc nhằn đã làm ngoại già hơn với số tuổi của mình. Ngoại bảo nó cũng đã trưởng
thành làm người lớn rồi và nói đùa rằng, nó không còn là bé con ngày nào của
ngoại. Ngoại sang Hoa Kỳ khi nó chuẩn bị đi vào khoa chính của chương trình đại
học, nên mùa hè năm đó, nó chỉ quấn quít bên ngoại, nó đưa ngoại đi ngắm những
phong cảnh của thành phố trên những chuyến xe buýt, hai bà cháu cùng đi dạo
trong khu phố Việt Nam. Cuối hè, nó chuẩn bị hành trang trở về ký túc xá, nhưng
lần này không giống như mười năm về trước, ngoại tiễn nó đi trong nụ cười hãnh
diện và nó cũng không có nước mắt giã từ. Giáng sinh nó về thăm nhà và ngoại đã
nấu cho nó những món ăn nó thích. Nó cùng dì ba đưa ngoại mua sắm, ngoại thích
những chiếc khăn len quàng cổ để giữ ấm người trong mùa đông. Thế giới của những
người đàn bà hôm nay trong căn nhà này, chỉ có mẹ vẫn còn những khoảng cách mơ
hồ không nhận diện.
Vì bận bịu với công việc trong năm cuối của chương trình đại
học với những buổi đi thực tập, nên nó không về thăm ngoại thường xuyên. Ngày
nó tốt nghiệp, chỉ có mẹ và dì ba đến chung vui, cho đến sau này nó hiểu rằng
ngoại không ngồi được 5 giờ đồng hồ trên máy bay để tham dự ngày nó ra trường
vì đã yếu đi nhiều. Tuy vậy, ngoại vẫn tự chăm sóc cho mình và không muốn làm
phiền đến các con, vì ngoại biết, trên một đất nước văn minh nhất nhì trên thế
giới này, ai cũng quay cuồng với các thời khoá biểu của riêng mình. Sau những
ngày đi làm, cuối tuần mẹ cũng bận rộn với chương trình của những hội đoàn. Dì
út sau cuộc hôn nhân đầu không trọn vẹn, dì lập gia đình lần nữa với một người
hoa kiều và đưa hai con sang định cư ở Hoa Kỳ, nhưng lại sống ở một tiểu bang
khác, cách mẹ khoảng 5 giờ bay. Dì ba chọn một công việc làm xa ở một thành phố
khác vì không hợp tính với mẹ và phải mất gần hai giờ lái xe mới về thăm ngoại
được. Những ngày mùa đông khi khí hậu trở trời, chứng đau nhức hoành hành, ngoại
cong mình chịu đựng không một lời than. Ngoại dấu mình trong nhà không ra
ngoài nửa bước vì không muốn làm phiền mẹ. Lâu dần ngoại sợ luôn thế giới bên
ngoài căn phòng nhỏ của mình, sợ những chuyến đi về từ nhà đến văn phòng bác sĩ
và nhà thuốc.
Nó không cầm được nước mắt khi cầm lấy bàn tay gầy khẳng
khiu của ngoại. Lần duy nhất trong cuộc đời, nó bạo dạn trách mẹ đã không lo
cho ngoại. Mẹ nói… Nước Mỹ là thiên đường của biết bao nhiêu người trong đó có
cả nó và ngoại, mẹ đã làm đầy đủ bổn phận đưa ngoại sang đây để thụ hưởng những
tiện nghi vật chất trong đời sống văn minh ở xứ người, từ bỏ cuộc sống lam lũ
ngày nào, hít thở cái không khí trong thế giới tự do. Mẹ còn nói thêm... mẹ cần
phải lo cho cuộc sống riêng của mình và ngẩng cao đầu lên để cho chứng minh cho
ba nó biết rằng, mẹ không cần sự thương hại của ba nó… Mẹ còn nói nhiều nữa
nhưng nó không thể nhét thêm vào đầu óc mình những lời đắng cay của mẹ. Lần đầu
tiên sau bao nhiêu năm im lặng, mẹ nhắc đến ba. Bây giờ thì nó hiểu rằng, mẹ lo
lắng cho nó và ngoại vì bổn phận. Mẹ làm tròn chữ hiếu đưa ngoại sang đây, nấu
cho ngoại những bữa cơm, sắm cho ngoại những tấm áo, nhưng mẹ đã làm như một
cái máy. Mẹ lo cho nó vì trách nhiệm, mẹ biết ba hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ
và đã có cuộc hôn nhân khác, mẹ trút hết cơn giận cho nó vì nó là hình ảnh của
ba. Sự mãnh liệt trong tình yêu không được như ý đã biến mẹ thành con người
khác, và sự hiện hữu của nó đã vô tình làm cho nỗi uất hận sâu hơn. Mọi người đều
bảo nó đẹp vì nó giống ba, nhưng nó chưa một lần gặp mặt ba nó để biết rằng họ
nói đúng và hãnh diện với bạn bè rằng, nó cũng có một người cha.
Sau lần cãi với mẹ, ngoại càng im lặng và chấp nhận hơn. Ngoại
luôn khuyên nó không nên làm mẹ buồn vì cuộc đời mẹ đã có quá nhiều những thăng
trầm. Năm năm sau, mẹ đưa ngoại vào viện dưỡng lão vì có một lần ngoại quên tắt
bếp. Nếu không có người láng giềng đập cửa và dội nước, căn chung có lẽ đã
thành tro. Mẹ bảo ngoại bây giờ nhớ trước quên sau, và mẹ không thể ở nhà chăm
lo cho ngoại. Ngày lễ Motherday năm ấy nó về thăm ngoại, ngoại vui mừng thủ thỉ
với nó đủ điều. Lần chia tay này, ngoại đầy nước mắt. Nó ôm ngoại, dỗ dành, an ủi,
và hứa sẽ về thăm ngoại thường xuyên khi nào có dịp, như ngoại đã từng vỗ về,
an ủi dỗ dành nó trong lần đầu tiên nó rời khỏi Việt Nam.
Nỗi cô đơn trong viện dưỡng lão làm cho ngoại mỗi ngày một yếu
dần từ tinh thần đến thể chất. Năm đầu tiên, hầu như mỗi tuần, mẹ đều đặn vào
thăm ngoại một lần và mang một ít thức ăn Việt Nam để thay đổi khẩu vị. Những
chuyến viếng thăm thưa dần theo thời gian, đôi khi có cả hai tháng vì mẹ bận đi
làm việc xa, hoặc đi nghỉ mát ở một thành phố khác. Dì ba, dì út ở xa,
nên cũng chỉ thỉnh thoảng ghé vào. Tình thân nhạt dần, ngoại như một người vô
gia cư được cưu mang nhờ lòng nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ. Ngoại sống như một
chiếc bóng thầm lặng, ký ức nhạt phai, cho đến một ngày dì ba điện thoại cho nó
biết ngoại đã có triệu chứng mất dần trí nhớ. Không bao lâu sau đó, nó trở về
thăm ngoại, nhưng ngoại đã không nhận ra nó nữa rồi. Ánh mắt ngoại dửng dưng
nhìn vào khoảng không gian trước mắt nhưng không có mục tiêu. Thỉnh thoảng ngoại
gật đầu mỉm cười khi nhìn nó rồi nói những câu nói bâng quơ như thể ngoại đang ở
một không gian khác. Không có lời gì diễn tả được cơn đau trong lòng nó. Đêm đã
khuya rồi nó vẫn còn ngồi đó, thì thầm với ngoại những điều giữ kín trong lòng,
dù biết rằng ngoại không còn hiểu được những gì nó nói.
Ba tháng sau ngoại lặng lẽ ra đi một mình trong căn phòng nhỏ
bé, ồn ào của viện dưỡng lão. Nó trở về đưa tiễn ngoại lần sau cuối. Đám tang của
ngoại buồn tẻ, hiu quạnh như cuộc đời của ngoại, với hai vòng hoa, bốn vành
khăn trắng cùng một vài người bạn thân của mẹ. Ngày đưa ngoại đi, nhân viên làm
việc ở đây đặt ngoại trên chiếc xe đẩy đến trước căn phòng kín, cánh cửa sắt nặng
nề mở lên, họ bấm nút, chiếc xe từ từ lăn vào bên trong, và cánh cửa sắt dày lại
nặng nề đóng khép lại. Có tiếng chuông mõ và những lời kinh trầm buồn, nhẹ
nhàng vang lên, món quà cuối cùng cho một đời người đi về bên kia thế giới. Mẹ
nhìn mọi người, ánh mắt mẹ dừng lại trên khuôn mặt nó khá lâu, vẫn đôi mắt đó,
nhưng không còn những nét tự tin của ngày nào mà chỉ có dấu vết trầm tư đọng lại.
Mẹ lặng lẽ đưa tay trên cái nút đỏ bên cạnh cánh cửa, nó thấy bàn tay của mẹ ngập
ngừng khi nhấn vào cái nút đó. Âm thanh của tiếng lửa bật lên, thế là xong, vài
giờ nữa thôi, ngoại sẽ vĩnh viễn trở về với cát bụi. Nó mím chặt môi thì thầm… tạm
biệt ngoại, con nhớ ngoại nhiều... Nó không muốn khóc trước mặt mẹ và cũng
không đủ can đảm đứng nhìn căn phòng đó, nó quay lưng để mặc cho nước mắt tuôn
rơi. Nó đã mất ngoại thật rồi. Thế giới của những người đàn bà trong căn phòng
nhỏ chật chội của ngày hôm nay đã có một điều giống nhau - những nuối tiếc muộn
màng về một tình thân vừa vụt mất không thay thế được. Nó thấy hụt hẫng, chơi
vơi, nó hiểu rằng trên đoạn đường đời của nó từ nay, đã mất dấu chân của ngoại.
Ngoại ra đi mang theo những ước mơ bình dị nhất nhưng không
thực hiện được. Hơn mười năm ở California, năm năm ngoại sống một mình giữa những
người xa lạ. Lần nào về thăm ngoại, ngoại cũng kể cho nó nghe những giấc mơ của
ngoại. Những đêm dài không ngũ được, ngoại mơ về thiên đường của mình, nơi chôn
nhau, cắt rốn với những hàng cau cao thẳng tắp, giàn trầu xanh mướt và những
cánh đồng lúa thơm mùi mạ mới. Nơi có những tiếng gà gáy vào buổi sáng thay vào
cái đồng hồ báo thức đâu đó vang lên. Ngoại mơ về những con đường đất thân
thương đầy bùn trong những ngày mưa nhưng ngoại vẫn có thể tự do đi chợ, và uống
như ly nước mưa mát rượi vào những ngày hè thay vì những bình nước đá lạnh lẫn
lộn mùi chất tẩy. Ngoại còn nhớ nhiều thứ nữa nhưng cũng chỉ là những giấc mơ
dù rất nhỏ nhoi. Ngoại là tù nhân trong căn nhà của chính mình trên vùng đất hứa,
và Hoa Kỳ đối với ngoại vẫn muôn đời là vùng đất tạm dung.
Bây giờ thì ngoại đã có thể thong dong trở về thiên đường của
mình, và nơi này sẽ mãi mãi vĩnh cửu bình yên…
California, một ngày cuối hạ
nguồn : http://www.ninhhoatoday.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét