Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

VUI LẠ NGHE TIẾNG GỌI O, MỆ, ÔN, CỤ MI

Lương Thiên Lý

Những người phương xa trong nước có chung ngôn ngữ Việt những khi có dịp đến Huế sẽ rất ngạc nhiên lý thú khi nghe người Huế gọi nhau. Không kể thổ ngữ miệt quê như ớ Sịa, Eo Bầu, Dượng Nổ ... họ nói với nhau, đố ai ở xa mà biết họ nói gì. Tỉ như một bà tri hô: Cấy giôn nó đánh chắt ngoài cươi" nghĩa là "Vợ chồng nó đánh nhau ngoài sân" mà ngay tại nơi phố thị, cũng có nhiều danh xưng phổ biến, thông dụng trong sinh hoạt xã hội hàng ngày mọi lúc mọi nơi. Như gọi một người đàn bà nào, thay vì cô hay chị bà, thì gọi O. Gọi O còn trở thành những thương hiệu nổi tiếng, như O Giáp cháo lòng ngon dưới lầu chuông chợ Đông Ba, O Thiện bánh khoái gần cửa Thượng Tứ, O Ri trên thương hiệu tôm chua hay O Rớt bún bò nhảy vào Sài Gòn nơi đường Trần Quang Diệu. O còn gọi theo thứ bậc như O trưởng, O út. O cũng đi vào văn học chiến trường như nhà thơ Tố Hữu viết: "O du kích nhỏ giương cao súng..."
Nhưng lạ và lý thú hơn là gọi MỆ. Tất cả những người thuộc hoàng tộc, dù trai gái già trẻ lớn bé gì cũng gọi bằng Mệ. Mệ không phải để thay chữ bà mà Mệ đây là một hàm tước trọng vọng. Vui lạ thay, nếu một người đàn ông có vợ, thì họ gọi vợ là Mệ gái. Nói chung là gọi là người CÁC MỆ. Liên quan đến các Mệ có rất nhiều giai thoại chế giễu. Tỉ như nhà văn Nguyễn Tuân khi đến Huế, đã thuật lại một giai thoại Mệ như sau. Một Mệ trai đến một nhà thợ may, thấy chú thợ may lơ đễnh nên đánh cắp xấp vải nhét trong bụng áo. Khi ra về thì chú thợ may tri hô "Mệ làm ơn trả lại xấp vải cho con, xấp vải mệ giấu trong bụng áo của Mệ"  tức thì Mệ trai quay lại vỗ vỗ vào đầu chú thợ may cười nói giả lả "Ừ thằng ni giỏi lắm, Mệ làm thử coi mi có biết không ai ngờ, thôi Mệ trả cho mi đây". Giai thoại này, ý nhà văn Nguyễn Tuân muốn nói, lớp người CÁC MỆ Huế thường hay biến tự ti thành tự tôn.
Bên O MỆ là ÔN. Ôn là cách gọi tôn kính bậc bề trên. Đó không phải là để thay chữ ông, như ông bà ngoại thành Ôn mệ ngoại mà ôn đây là chỉ tước vị. Tỉ như nói đến vị trụ trì chùa PhướcDiên thì người Huế gọi là Ôn Phước Diên. Ôn tiên chỉ, Ôn hội trưởng, Ôn tri bộ. Cũng với Ôn là Ngài như ngài chánh án, ngài Bảo Đại.
Nhưng phương ngữ Huế còn một danh xưng ngôi thứ hai lạ đời, hàm ý thân mật như hai người bạn trai gặp nhau. Một người hỏi người kia "Cụ mi lâu ni đi mô mà tui không gặp?" Có nghĩa là anh bạn lâu nay đi đâu mà tôi không gặp. Nhưng còn lạ hơn, cụ để gọi người thuộc giới nghèo khổ như "cụ ăn mày" hay gọi một giới hành nghề chuyên biệt . Như gọi ông Ngáo là cụ Ngáo, vì cụ chuyên cầm đao xử tội nhân bị chém đầu. Tại Huế, thời vua quan phong kiến, trên đường cái quan, nay gọi quốc lộ 1A từ Cửa Hữu ra hướng An Hòa, có một Cổng chém để xử tội chém đầu. Vì cổng sơn vôi trắng nên gọi là cổng trắng, nơi cụ Ngáo hành nghề chém đầu. Nhà văn Nguyễn Tuân qua tác phẩm vang bóng một thời, tiết "Chém Treo Ngành" tức đao phủ giỏi chỉ cần đưa một nhát là đầu lìa khỏi cổ nhưng phải đạt tuyệt chiêu, là đầu phải còn dính miếng da cổ để đầu còn treo lơ lửng, gọi là chém treo ngành, có nhắc đến tên đao phủ Bát Lê - không biết Bát Lê đây mà tiếng bình dân gọi là cụ Ngáo? Vì khung cảnh cổng chém tả trong truyện cũng nằm dưới bờ thành no65icha3y vào cống Thủy Lợi. Để kết thúc, nhân nói chuyện cụ Ngáo chém đầu, đầu người Huế còn gọi là trốt, nên thành ngữ mới có cụm: "Ăn cúi trốt, đầy nốt kêu làng" - Ích kỷ chỉ biết lợi riêng mình, khi khó khăn lại kêu làng giúp đỡ.

Còn một cụ thời cuộc, vào những năm 1940 xuất hiện cụ Mới nói vè, mắt mù, tay cụ kẹp hai nang tre chạm vào nhau, tạo nên nhạc đệm rè rẹt. Vè của cụ Mới chỉ có một bài "Thất thủ kinh đô" rê đi khắp làng xóm. Thính giả bìnhdân mê theo vì cụ Mới có một giọng nói vè truyền cảm lạ. Chưa biết tác giả là ai, nhưng đó phải là một người yêu nước than khóc kinh đô Huế thất thủ vào tay thực dân Pháp. Hay biết đâu được, tác giả chính là cụ Ngáo?

Không có nhận xét nào: