Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI …

Benjamin Ngô



Trên Facebook, một nữ họa sĩ chia sẻ status "Vừa nhận email của một người Việt viết tràng giang đại hải bằng tiếng Anh. Rảnh rồi sinh nông nổi, mình bèn trả lời bằng một tràng tiếng ... Đức. Rõ là sính ngoại , người Việt với nhau cần chi phải mail tiếng Anh cho rầy rà. Mà ngôn ngữ tiếng Anh có giúp được bạn xưng anh em ngọt ngào như tiếng mẹ đẻ đâu?"
Tháng 10-2013 có một sự kiện khá thú vị, lần đầu tiên, 14 thầy cô giáo dạy tiếng Việt từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Hà Nội trao đổi về dạy và học tiếng mẹ đẻ. Họ là những người sinh ra và lớn lên hoặc chỉ sinh ra tại Việt Nam, chia sẻ "gặp ai tôi cũng nói tiếng Việt nhưng người ta nói lại với tôi bằng tiếng Anh hoặc chêm vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh lộn xộn trong một câu". Có thể kể một số câu tiếng Anh xen tiếng Việt phổ biến trong giới làm văn phòng: "Dạo này tớ mập quá nên phải diet sớm!", "Tại sếp push quá nên tôi phải delay chuyện đi chơi lại", "Tôi mail rồi mà chưa thấy họ confirm lại" ... Rõ ràng nhửng từ tiếng Anh này đã được xã hội hóa trong một bộ phận giới trẻ.
Tại các thành phố lớn, việc một số người trẻ xen kẽ tiếng Anh vào tiếng Việt có thể thông cảm được phần nào do quen miệng, môi trường giao tiếp thường xuyên với người nước ngoài trong công việc hoặc do đề cập  đến những vấn đề chuyên môn  mà ngôn từ tiếng Việt chưa thể diễn giải hết ý. Có thể tạm chấp nhận được một số từ tiếng Anh phổ biến như OK, sorry, thankyou ... vì nó đã thành từ phổ biến trên toàn thế giới nhưng nếu quá đà thành nửa câu tiếng Anh chen nửa câu tiếng Việt thì thật là nghịch lỗ nhĩ.
Thực tế, có những bạn trẻ mở miệng ra nói tiếng Anh xen tiếng Việt như một cách chứng tỏ sự thời thượng và sành điệu của bản thân. Đáng nói là tuy họ dùng tiếng Anh nhưng người nước ngoài lại cảm thấy rất khó hiểu vì cách phát âm và diễn đạt hoàn toàn theo kiểu tiếng Việt. Do vậy, phần lớn những người này chỉ mạnh miệng nói tiếng Anh với nhau, còn khi gặp người nước ngoài lại ấp úng không thành câu.
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ là đặc trưng sống còn của một dân tộc. Qua hàng mấy ngàn năm hình thành và phát triển, chúng ta có thể tự hào về sự phong phú và tinh tế của tiếng Việt. Do vậy, mỗi người trong chúng ta cần ý thức  về việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt và cùng nhau góp phần làm cho nó ngày càng phong phú hơn.
Tất nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, bên cạnh việc trau dồi tiếng mẹ đẻ, chúng ta cũng phải coi trọng việc học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh để có cơ hội giao lưu với người nước ngoài, tiếp cận các nền văn hóa khác.
Sẽ thật đáng buồn nếu một người Việt dù có giỏi ngoại ngữ đến đâu mà không biết thể hiện nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ. Càng đáng chê trách hơn những người có ít vốn liếng ngoại ngữ mà hễ nói một câu tiếng Việt  lại phải chêm vài từ tiếng Anh cho oai. Phải chăng đấy cũng chỉ là một kiểu trưởng giả học làm sang mà thôi
(Trích trong Thị Dân 3.0 tên bài do blog tự đặt)
Tôi yêu tiếng nước tôi - nhạc Phạm Duy