Hết năn
nỉ, dỗ ngon dỗ ngọt đến hăm he, dọa nạt, cuối cùng má tôi cũng đạt được ước
nguyện: Dẫn tôi về quê ăn Tết, tiện thể ra mắt nhà sui gia tương lai. Đối với
má, cô con gái 28 tuổi là tôi chẳng khác nào hũ mắm treo trên giàn bếp.
Lấy chồng có gì vui!
Nghe
đâu ba má tôi đã chấm anh thạc sĩ nông nghiệp vừa đi học ở Hà Lan về. Nhà đó
với nhà tôi so ra thì rất môn đăng hộ đối vì các vị phụ huynh đều là cán bộ nhà
nước. “Ưng hay không thì cũng về thăm
chơi một lần cho biết, má đã hứa với người ta” – má tôi nhì nhằng mãi bên tai tôi câu nói
này.
Về thì về. Dù sao thì xứ ấy cũng là quê nội của tôi, lâu lắm rồi
tôi không về quê ăn Tết, năm nay thử thay đổi không khí xem sao.
Vậy là 28 Tết, tôi khăn gói theo ba má về quê. Nhà nội tôi ở Tây
Ninh, chỉ cách chưa tới 100 cây số mà mỗi năm tôi chỉ về có một, hai lần. Ba
tôi hay bảo, chị em tôi là đồ mất gốc, chẳng còn biết tổ tiên, dòng họ. Tôi
nghe xong nhăn răng cười rồi quên tuốt. Một phần vì công việc, một phần vì ở đó
buồn quá, tôi về bữa trước thì bữa sau đã muốn trở xuống Sài Gòn. Thế nhưng Tết
năm nay, nghe lời má, với lại thiệt lòng mà nói, tôi cũng muốn xem anh chàng
kia mặt tròn, mặt méo ra sao nên cụ bị quần áo, quyết chí ăn một cái Tết thật
dài ở quê với chú, bác, cô, dì…
Vừa về tới nhà nội, trong khi ba tôi và mấy bác, mấy chú nhâm
nhi tách trà bốc khói, chuyện trò rôm rả thì má tôi chẳng kịp thay quần áo đã
vội vàng xuống bếp phụ nấu nướng, dọn cơm. Nhờ có má mà chưa đầy một tiếng đồng
hồ sau, cơm canh đã tươm tất. Bác ba, bác tư, chú sáu, chú út và ba tôi tạm
dừng uống trà để chuyển câu chuyện sang mâm cơm. Chốc chốc lại có tiếng gọi lấy
thêm ớt, thêm nước mắm, nhúng thêm bánh tráng, tiếp thêm rau, lấy thêm cồn cho
vào bếp lẩu…
Má tôi và thiếm út lên xuống như con thoi, đến nỗi bưng chén lên
chưa kịp và cơm đã phải đặt xuống vì có tiếng gọi từ bàn mấy ông bảo lấy thêm
cái này, cái kia. Mà phải công nhận, má tôi với thím út nhanh thật. Vừa nghe
tiếng gọi, tôi chưa kịp buông đũa thì má tôi đã vô tới bếp, thoắt cái đã mang mọi
thứ trở ra.
Tôi nhìn má và thím út, chợt nghĩ, sao ba tôi và mấy bác, mấy
chú sướng vậy? Giữa ba và má tôi thì má là người có chức tước, địa vị xã hội
lớn hơn ba, tại sao về tới nhà thì ba ngồi rung đùi uống trà, nói dóc; còn má
phải vất vả chui vào bếp nấu nướng, phục vụ? Những thứ mà ba và mấy đấng mày
râu sai má tôi và thiếm út chạy tới, chạy lui để lấy, họ cũng tự lấy được mà,
tại sao lại ngồi một chỗ sai khiến mấy người phụ nữ trong khi má, thiếm út, tôi
và mấy đứa nhỏ cũng đang dùng bữa? Trời đánh còn tránh bữa ăn mà sao mấy người
đàn ông trong gia đình này chẳng kiêng dè một chút cho cánh phụ nữ được nhờ!
Qua ngày 29 rồi 30 Tết, bổn cũ vẫn soạn lại. Nghĩa là mấy người
đàn ông lại ồn ào trà rượu, nói chuyện từ Tây sang Tàu, từ Nam ra Bắc, từ trong
nhà ra ngoài ngõ… Trong khi mấy người phụ nữ, có cả tôi, phải chúi mũi vô bếp
lo nấu nướng, cúng kiếng, dọn dẹp và phục vụ…
Cho đến giao thừa, má tôi mới được ngả lưng. Tôi biết má rất mệt
nhưng không dám than thở, không dám nghỉ ngơi bởi trước nay má vẫn là niềm tự
hào của ba về cái khoản “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tôi nhìn má, thầm nghĩ,
nếu chỉ được một phần mười của má thì tôi cũng sẽ tự cho mình điểm tối đa trong
khung điểm của một người phụ nữ hiện đại.
Chưa hết, sáng mùng một, má và thím út đã phải dậy từ 5 giờ để
nấu nước pha trà, bày biện bánh mứt cúng kiến; sau đó lại tiếp tục nấu nướng,
bày mâm cỗ… Ba tôi và các bác, các chú vẫn ngồi ở nhà trên uống trà, tiếp
khách, thỉnh thoảng lại kêu châm thêm nước sôi, lấy thêm bánh mứt, lau chỗ nước
trà bị đổ ra bàn… Tôi bực mình quá nên mang giỏ bánh mứt để ngay cạnh bàn nước:
“Chừng nào hết thì ba lấy nha, má với con lu bu dưới bếp”. Thế nhưng chẳng ai
buồn thò tay sang lấy mà vẫn cứ điệp khúc: “Má con Thư đâu rồi…”.
“Sao kỳ vậy má? Con thấy mấy
chuyện đó ba và mấy bác, mấy chú tự làm được mà, sao cứ phải làm phiền người
khác như vậy?” – tôi
không nhịn được nên hỏi má. Má tôi cười: “Đàn ông mà…”. Đàn ông thì sao chứ?
Thời buổi nào rồi mà đàn ông vẫn coi vợ như một thứ công cụ để sai phái? Đàn
ông gì mà những chuyện nhỏ xíu như vậy cũng không tự mình làm lấy, phải trông
cậy người khác? Bình thường chỉ một mình ba tôi ở nhà thì không sao nhưng mấy
ngày Tết, nhìn cảnh tất cả đàn ông sức dài vai rộng trong nhà xúm lại ăn hiếp
chị em phụ nữ, tôi thấy thật chướng mắt!
Thế nên
tối mùng 2, tôi thu dọn quần áo, nói với má: “Sáng mai con về”. Má tôi chưng
hửng: “Sao lại về? Đã hẹn trưa mai qua nhà thằng Sang chơi, không có con, ba má
qua làm gì?”. “Vậy thì khỏi qua” – tôi trả lời cụt ngủn. Má tôi trố mắt: “Con sao vậy? Chuyện chồng con là đại sự chớ đâu phải giỡn chơi mà
nay vầy, mai khác?”. “Lấy chồng có gì vui đâu mà ba má ép con? Nói
thiệt, nhìn thấy ba với mấy bác, mấy chú hổm rày con ngán tới óc rồi. Tha cho
con đi, cho con được sống cuộc sống của con chớ không phải một cổ hai tròng, ở
công ty thì bị sếp đì, về nhà thì bị chồng đè đầu cưỡi cổ…”.
Lần này thì dẫu má tôi có năn nỉ ỉ ôi; có dọa nạt, giận hờn, tôi
cũng quyết chí ra đi. Sáng sớm mùng 3, tôi đón xe về Sài Gòn. Về đến nhà, tôi
quăng ba lô xuống đất, lăn ra võng ngủ một giấc tới xế chiều. Trời ơi, cái cảm
giác tự do nó hạnh phúc đến không thể nào diễn tả nỗi.
Từ nay đừng ai nhắc chuyện chồng con với tôi nữa. Chừng nào đàn
ông ở xứ Việt Nam này thôi ngồi uống rượu, rung đùi, quát tháo, sai phái phụ nữ
thì may ra tôi sẽ xem lại suy nghĩ của mình. Lấy chồng có gì vui mà sao các bậc
cha mẹ cứ ép uổng con cái mình chui đầu vô rọ như vậy hả trời?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét