Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Niềm tin tôn giáo : tốt hay xấu ?

BS Nguyễn Hoài Vân

Một băng skin head
Một điều dễ nhận thấy là người mang niềm tin tôn giáo thường là người tốt. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái trên tàu điện hay trên xe buýt, ban đêm, với một nhóm linh mục hay chủng sinh hơn là với một nhóm skin head. Riêng tôi chưa bao giờ nghe nói các mục sư hay tỳ kheo tổ chức thành băng đảng đi ăn cướp ! Giới tu sĩ và những người mang niềm tin tôn giáo cũng tham gia vào các công việc thiện nguyện nhiều hơn người thường. Tuy nhiên, trong một số điều kiện kinh tế, xã hội, niềm tin tôn giáo có thể trở thành nguyên nhân của bạo lực, chiến tranh, thảm sát. Mặt khác, sự phát triển của khoa học vật chất cũng có thể tạo nên một sự rạn nứt trong xã hội vì những mâu thuẫn với niềm tin tôn giáo. Khoa học vật chất đã trở thành tiêu chuẩn của « sự thật » trong các xã hội hiện đại và phần nào đóng vai trò của một Niềm Tin mới. Thêm vào đó, một số người, vì những lý do dễ thông cảm, có thể dựa vào quan điểm duy vật để tấn công vài tôn giáo một cách mãnh liệt, dễ gây phản ứng mãnh liệt ngược lại, với những hậu quả tai hại cho xã hội. Bài này đưa ra vài suy nghĩ để hạn chế phần nào những tai hại ấy.

Quan điểm rộng rãi


Chúng ta cần tìm ra và hướng đến những quan điểm có thể chấp nhận được bởi người duy vật, duy tâm, tin Thượng Đế hay không tin Thượng Đế ... Thí dụ quan điểm một cái "thức" gắn liền với mỗi trình độ của vật chất, từ các hạt nguyên thủy cho đến não bộ con người (quan điểm này có thể đem lại một lý giải cho vấn nạn EPR của vật lý lượng tử chẳng hạn), đưa đến ý tưởng một cái « thức » chung cho toàn bộ vật chất, hay quan điểm Thượng Đế của Whitehead (một nhà toán học – xem : định nghĩa « khoa học » của Thượng Đế, trong :
http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=388&kind=10 ), quan điểm Thượng Đế LÀ sự vật (Ấn Giáo, Spinoza ...), quan điểm « Thiên Chúa trong con người - con người là Thiên Chúa » (Ky Tô Giáo), quan điểm « chúng sinh là Phật - Phật là chúng sinh », v.v... Những quan điểm tương tự có thể vẽ lên một phạm trù trong đó người ta có thể « sinh hoạt » hài hòa với nhau dù mang những niềm tin khác biệt. Người Công Giáo và Phật Giáo sẽ dễ dàng nhận thấy những tương đồng cơ bản, bên cạnh vài khác biệt được giải thích bằng sự khác biệt khía cạnh nhận thức. Người duy vật cũng như người có niềm tin tôn giáo đều có thể chấp nhận được rằng con người là quý báu, vì mang bản tính Thiên Chúa, có Phật Tính, hay vì là trạng thái tiến hóa cao nhất của vật chất trong phạm vi hiện quan sát được, v.v... Cần biết là Stephen Hawking, nhà vật lý vũ trụ học được coi như duy vật và vô thần, cũng chính là một viện sĩ của Viện Hàn Lâm Khoa Học Vatican !

Thật ra, các nhà duy vật cực đoan nhất cũng phải công nhận là họ không biết có gì bên kia « bức tường Planck » (10-44 giây sau big bang). Mọi sự hiện hữu, kể cả thời gian, đều vô nghĩa trước thời điểm ấy. Điều này cho phép nhiều giả thuyết về sự chuyển biến có thể có, từ phi hữu sang hiện hữu, đàng sau bức tường này. Cần nhận định là trong giả thuyết vũ trụ tuần tự dãn nở rồi thu hẹp, big bang và big crunch không ngừng nối tiếp nhau, người ta chỉ không bàn đến sự chuyển biến từ phi hữu sang hiện hữu, nhưng không phủ nhận sự chuyển biến này ...


Cũng xin ghi nhận là khái niệm phi hữu tự nó phủ nhận chính nó. Thật vậy, chúng ta bắt buộc phải quan niệm những đặc tính nội tại của phi hữu đã cho phép nó biến thành hiện hữu vào một thời điểm nào đó. Khi quan niệm được cho phi hữu những đặc tính như thế, thì phi hữu không còn là phi hữu nữa. Nó trở thành một thực thể với những đặc tính rõ rệt, tức là một sự hiện hữu !




Clint Eastwood trong Gran Torino
Trong đời sống thường ngày

Trong đời sống thường ngày, thì Thượng Đế có thể được cảm nhận một cách rất đơn giản, thực tế. Khi chúng ta đứng trước một người khác, thì chúng ta liền cảm thấy có hai chọn lựa. Hoặc lập tức nhận ra mình có một trách nhiệm nào đó đối với người này, khiến chúng ta tử tế chào hỏi, nói năng thân thiện, lịch sự, tránh làm mích lòng, và nếu người ấy gặp phải vấn đề gì, thí dụ như ngất xỉu, lạc đường v.v… thì chúng ta có khuynh hướng muốn làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ người ta. Tổng hợp những thái độ ấy có thể được gọi là « Thiên Chúa » (theo Levinas – hay Clint Eastwood trong Gran Torino–xem:
http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=243&kind=2 ). Tổng hợp những chọn lựa ngược lại là Ác Quỷ. Có thể gán cho tổng hợp những chọn lựa « tốt » một nguồn gốc siêu nhiên, nhưng cũng có thể coi đó là hậu quả của tiến trình tiến hóa, tức do một nguyên nhân « vật chất ». Các cộng đồng người nguyên thủy không phát triển các thái độ « tốt », phần nhiều đã bị tiêu diệt, vì thiếu vắng sự hợp tác, gây nên quá nhiều bạo lực, tàn phá ... Những cộng đồng nguyên thủy có nhiều hy vọng tồn tại nhất là những cộng đồng mang trong tâm não nhiều « thảo trình hợp tác », tức nhiều ý niệm về sự thiện. Các ý niệm hướng thiện này được di truyền đến chúng ta, như những thảo trình được cài đặt sẵn trong não bộ của mỗi người (1). Dù giải thích cách nào đi chăng nữa, sự cảm nhận tự nhiên về sự « thiện » cũng cho thấy sự hiện hữu của tính hướng thiện nơi mọi con người, một điều mà người duy vật, duy tâm, vô thần hay hữu thần đều dễ dàng chấp nhận. Thật vậy, điều quan trọng là cảm nhận cái tính thiện ấy. Giải thích hay đặt cho nó một tên gọi là điều phụ thuộc.

« Quản lý » mâu thuẫn


Vấn đề trong căn bản là thiết kế một xã hội với một hệ thống giá trị mà mọi thành viên đều chấp nhận được, để có thể chung sống hòa bình với nhau. Khi ấy các tranh cãi thuộc lãnh vực siêu hình sẽ trở thành những tranh luận lý thú, như giữa nhà vật lý không gian Trịnh Xuân Thuận và Lạt Ma Mathieu Ricard
(xem: http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=499&kind=0).
Trong những thập niên gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh giữa vài tôn giáo, thí dụ như giữa Hồi Giáo và Ky Tô Giáo
(2) tại Ai Cập, Irak, Soudan, Đông Timor ... Ấn với Hồi Giáo tại Ấn Độ, hay mâu thuẫn Công Giáo - Phật Giáo trong trường hợp Việt Nam, cũng như giữa vô thần và tôn giáo trong nhiều xã hội hiện đại.

Thật ra một số bất hòa vừa kể có thể được coi như những cuộc tranh đấu giữa các cộng đồng nhiều hơn là tranh cãi trên lãnh vực thuần túy tâm linh. Các cuộc đấu tranh này bắt nguồn từ những mâu thuẫn chính trị, những di sản lịch sử, những điều kiện địa dư, những chênh lệch về kinh tế, những bất công hay đàn áp trong hiện tại hay trong quá khứ ... Khi ấy, giải pháp hợp lý là tạo điều kiện thăng tiến đồng đều cho mọi cộng đồng, nâng đỡ những cộng đồng yếu kém về kinh tế, đồng thời tạo môi trường đối thoại giữa các cộng đồng với nhau, để mọi người có thể ý thức nguyên do của các tranh cãi, và thông cảm được phần nào với thái độ bất hòa của đối tượng. Nếu không tránh nổi đấu tranh thì cần đề ra những phương thức đấu tranh ôn hòa nhất, để tránh gây rối loạn, giảm thiểu bạo lực.


Trách nhiệm của người trí thức trong lãnh vực này rất lớn. Mục tiêu trong dài hạn là biến những mâu thuẫn đối kháng thành mâu thuẫn hợp tác ... Nếu có thể được !


30 tháng 1 năm 2011


(1) « Thảo trình hợp tác » đã được nhận ra trong loài vật, có lẽ từ các « xã hội » ong, kiến. Thậm chí người ta đã nhận thấy những con ong biết hy sinh mạng sống cho cộng đồng.

(2) Ky Tô Giáo bao gồm Công Giáo La Mã, các giáo hội Tin Lành cũng như Anh Giáo, Chính Thống Giáo và các giáo hội Ky Tô Đông Phương (như đạo Copte, Maronite, Syriaque v.v...)

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Y ĐỨC LÀ GÌ ? Y ĐỨC LÀ CHẨN ĐOÁN ĐÚNG VÀ ĐIỀU TRỊ THẬT TỐT CHO BỆNH NHÂN!

Tạp bút : bebutchi

Thứ tư, ngày 07 tháng mười hai năm 2011

P.215 - Ngoại B - NDGĐ 
Chú ấy là bệnh nhân, chú ấy xuất hiện trong phòng bệnh vào ngày thứ 2 đầu tuần....chú ấy được chẩn đoán : theo dõi lymphoma, mọi xét nghiệm đều OK, chỉ có Công Thức Máu có chỉ số bạch cầu cao và phết máu ngoại biên thấy nhiều tế bào lympho dị dạng.
Ngày thứ 3 của bệnh, mỗi lần mình bước chân vào phòng là chú ấy gọi và than " đau bụng quá ", nhìn chú ấy vật vã trên cái ghế, không chịu nằm trên giường, ánh mắt của chú - ánh mắt của một người đang kêu gọi sự cầu cứu từ một ai đó [- bác sĩ ]. Mình chỉ biết đứng nhìn chú ấy và nói " lát nữa cô điều dưỡng sẽ chích giảm đau cho chú " rồi  lặng lẽ bước đi và vờ như không nghe thấy lời than thở đó [ mình thật sự chẳng biết làm gì cho bn bớt đau, cái đau của bệnh lý ác tính thật đáng sợ].
Ngày thứ 3 của bệnh, CTM về, BC không cao như ngày đầu....

Ngày thứ 4 của bệnh , sáng mình ngủ quên, nên vào trễ, vào đến nơi thấy phòng bệnh xôn xao, thấy bóng dáng cô V. đang tìm vein của chú ấy đặt đường truyền tĩnh mạch - mình thấy có điều gì đó không ổn [ thường chỉ có bệnh nặng cô V. mới trực tiếp làm ]...chú ấy với cái vẻ mặt nhiễm trùng, thở mệt mỏi trên giường, không còn than đau ,nhưng qua ánh mắt, mình nghĩ chú ấy chắc là đang đau lắm, đau đến mức không nói than thở được nữa .... 15p sau ,chú được đưa xuống hồi sức ngoại.....6h sau chú bị suy gan, suy thận....và ...

Ngày chú đi, kết quả giải phẫu bệnh còn chưa gởi về khoa....

Chị gọi mình và nói, chị em mình đã bỏ sót điều gì ở bệnh nhân ....

Mình cũng không rõ nữa, ....nhưng nếu phải lý giải, mình nghĩ chú ấy bị shock nhiễm trùng, và vì sao nhiễm trùng, nhiễm từ đâu ? chú ấy bị lymphoma thì hệ miễn dịch suy giảm, được đưa vào bệnh viện là môi trường có khá nhiều vi khuẩn [ vi khuẩn bv toàn là vk độc lực cao ].

Nếu dùng kháng sinh dự phòng ngay từ đầu cho chú ấy ...liệu chú ấy có thể không rơi vào tình trạng như trên...không biết nữa, vì lúc ấy không có lý do gì để dùng kháng sinh....bạch cầu tăng cao trong bệnh lý ác tính về máu có thể là yếu tố gây nhiễu cho việc đánh giá tình trạng nhiễm trùng của bn khi lâm sàng không gợi ý ....rồi trong số lượng bạch cầu tăng đó, có bao nhiêu con tb miễn dịch thực sự làm việc có hiệu quả....

Mình không biết, không rõ, và nếu sau này có gặp lại một bn như chú ấy, liệu mình có để bn ấy ra đi nhanh như chú?

Cái hôm chú xảy ra chuyện, chị trêu mình " em tự vấn lương tâm đi " lời nói đùa bỗng dưng thành thật...

Điều làm mình ân hận, nếu ngày đó di huyết học, mình học tốt hơn 1 chút ,có lẽ....
Điều làm mình ân hận, là mình  không an ủi, hay trấn an chú ấy được 1 câu, khi chú ấy than thở với mình.....mình chỉ biết im lặng một cách bất lực và lặng lẽ nhìn chú ấy bằng ánh mắt vô hồn ...chú ấy ra đi....ánh mắt đó ám ảnh mình mãi....có lẽ nào lời thầy Tín nói là đúng " các bạn sinh viên bây giờ, xa rời bệnh nhân quá ".... mình tự hỏi mình, mình có mắc căn bệnh vô cảm không ?

Nói ra không phải để ngụy biện, vì thời gian đó, mình lu bu nhiều chuyện, tâm lý mình không ổn, nên mình bàng quan, và làm tiếp công việc của mình với 2 từ trách nhiệm ....
  chú ấy làm mình chợt thức tỉnh, có lẽ khi chọn cái ngành này, mình phải biết sự hy sinh không chỉ là thời gian, tuổi trẻ, sức khỏe, trí tuệ ...mà còn là phải biết gạt bỏ, dồn mọi cảm xúc của mình qua một bên, hay tất cả việc gì của mình cũng sẽ phải đặt sau sức khỏe của bệnh nhân, phải làm sao đó, cách nào đó, để mình luôn ổn....để chăm sóc thật tốt cho bệnh nhân...người ta dù tin hay không tin, nhưng cũng đã trao cả sức khỏe và tính mạng vào đôi tay mình....mình dù có xảy ra bất cứ chuyện gì trong cuộc sống, cũng không được phép hay có quyền hay lý giải này nọ cho sự thờ ơ....mà mình bắt buộc phải làm tốt một việc  là tận tâm với bệnh nhân .... cái nghề này, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm mà còn cần lắm hai chữ NHẪN VÀ TÂM .
PS : nghĩa trang tâm hồn xuất hiện thêm 1 cái tên .

CUỘC SỐNG QUA ỐNG KÍNH : NGÕ TÔ TỊCH – Phố cổ Hà Nội

Trach Mai (face book)


Thời xưa tên đường này là "ngõ Tô Tịch" nối Hàng Quạt với Hàng Gai. Khi đó ngõ này nhỏ xíu chưa trải nhựa, chỉ có lơ thơ vài hiệu tiện đồ gỗ như chân đèn, chân nến và yo-yo (tôi nhớ vì trẻ con trong đó có tôi thường đến mua yo-yo ở đấy). Và điều này nói ra xấu hổ, cũng như mấy ngõ nhỏ của Hà Nội như Gia Ngư, hàng Mành thường còn dùng làm chỗ vệ sinh công công ! Những năm 80 thế kỷ trước Tô Tịch đột nhiên nổi tiếng vì một gánh bún mọc thường gọi là "bún mọc đồng cô" do một thanh niên có bộ tịch của một đệ tử của Cô Bơ hay Cô Bé gì đó đứng bán. Bún rất ngon chỉ bán từ 6h đến 8h giờ sáng rất đông người đi xe máy (lúc đó là sang) đến ăn. Ảnh của BS Thyanh cho thấy một bộ mặt rất khác của Ngõ Tô Tịch về cảnh cũng như người!

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

SỰ SỐNG LÀ THIÊNG LIÊNG

Tác giả: NGUYỄN TƯỜNG BÁCH *

Shisha Pangma

Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở,
mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở
(Khuyết danh)

Nepal chỉ là một nước nhỏ nằm giữa hai cường quốc khổng lồ và đông dân nhất thế giới, đó là Ấn Độ và Trung Quốc. Với một dân số khoảng 30 triệu người, Nepal đóng một vai trò rất phụ thuộc trong lịch sử phát triển của hai nền văn hóa tại hai nước lớn đó, vốn là hai nền văn hóa lâu đời nhất của loài người.
      Thực vậy, trong thời cổ đại, vì biên giới của Nepal cũng không hề được xác định rõ, miền đất này chịu ảnh hưởng rõ rệt của hai nước lớn nằm hai bên sườn Hy Mã Lạp Sơn, phía nam bên này là Ấn Độ, phía bắc bên kia là Tây Tạng.
Nghe qua, ta có thể tưởng Nepal là một nơi không có gì đáng chú ý. Thế nhưng, những ai đã đến thăm Nepal sẽ thấy đây là một miền đất vô cùng thú vị. Thực tế, Nepal chính là chiếc cầu bắc từ bình nguyên Ấn Độ đi cao nguyên Tây Tạng. Mà Ấn Độ và Tây Tạng đều là hai vùng có truyền thống sâu sắc của Phật giáo. Do đó, đến Nepal, nếu có chút tâm yên tĩnh, ta có thể cảm nhận nhiều điều vô cùng sâu lắng.
       Nepal không phải chỉ là một mảnh đất bằng phẳng nối liền hai nước mà là một chiếc cầu thang đi ngược từ dưới lên trên, từ bình nguyên Ấn Độ lên cao nguyên chừng 4.600m của Tây Tạng. Thủ đô Kathmandu của Nepal với độ cao 1.300m vốn chỉ là một thung lũng hiền hòa trong một quốc gia chứa khoảng tám đỉnh núi trên 8.000m và 240 đỉnh trên 6.000m. Do đó con đường đi từ Kathmandu, vượt biên giới tại núi Hy Mã, lên Tây Tạng là một con đường của núi non hùng vĩ, của thác nước trắng xóa và của băng vạn niên chói lọi. Đây hẳn là một trong những con đường đẹp nhất thế gian, đúng như các sách du lịch đều nhất trí thừa nhận. Con đường len lỏi giữa những thung lũng xanh rì mà hai bên là những ngọn núi nổi tiếng, một bên là ngọn Shisha Pangma với độ cao 8.014m, bên kia là những đỉnh bảy tám ngàn mét mà cách đó chừng 120km là ngọn Everest cao nhất thế giới. Trên độ cao chưa đến 3.000m, ta còn thấy rừng cây cổ thụ xanh mướt với những dòng thác như những dải lụa bạc thả vài trăm mét từ trên núi cao. Cao hơn nữa, rừng nhiệt đới biến mất, nhường chỗ cho thảo nguyên ngút ngàn với vô số bụi cây dại, thấp sát đất, nở đầy hoa. Thiên nhiên mở rộng vô biên, xa xa chỉ còn những đỉnh núi chói lọi tuyết trắng. Trên cao nguyên, bầu trời thường có một màu xanh thẫm như nhung. Lạ thay, bầu trời lại tối trong lúc mặt đất sáng lên một màu đồng của đá và ánh chiếu từ băng vạn niên nằm cao trên đỉnh.
          Đi qua những cảnh thiên nhiên kỳ diệu như thế, con người đô thị như chúng ta sẽ choáng ngợp, tâm sẽ chuyển động cực mạnh. Đến vùng đất vắng người này, con người sẽ chứng kiến sự kỳ diệu của sắc màu và cảnh quan lạ lùng của tạo hóa. Và chỉ cần một chút tâm nhạy cảm, con người sẽ đến với một nhận thức, một tri kiến khác lạ. Đó là thiên nhiên xem ra không phải chỉ có đất và đá, gió và tuyết, nước và lửa mà hình như là một sự xếp đặt có ý thức.
Từ sự nhận biết đó, trong cảnh hùng vĩ của núi sông, của băng tuyết, của mặt trời, của sự vận hành không ngừng trong thiên nhiên, người ta sớm cảm nhận thấy rằng thế giới này do một năng lượng nhất định tạo nên, dù không mấy ai biết năng lượng đó từ đâu đến. Một năng lượng vô tận nhưng vô hình đang vận hành, đó là điều mà con người khi đứng trên cao nguyên Tây Tạng, trên "mái nhà thế giới", sẽ cảm nhận một cách vô cùng rõ nét.
Kathmandu
         Đứng trước một cảnh quan vĩ đại như thế, con người vừa cảm thấy một lòng kính sợ trước chiều sâu thẳm và sinh động của vũ trụ, mặt khác vừa thấy chính mình cũng là một biểu hiện của sự sống, của năng lượng. Con người vừa thấy mình như là trung tâm, là tiêu điểm, là trục quy chiếu để ngắm nhìn thế giới, đồng thời lại thấy mình là một sự xuất hiện vô cùng nhỏ bé bên cạnh những dạng hình khổng lồ khác của năng lượng. Hai cảm nhận đó thường mâu thuẫn trong đời sống bình thường nhưng nơi đây lạ một điều là chúng không loại bỏ lẫn nhau nữa. Vì nơi đây dạng hình to nhỏ không còn đóng vai trò, dường như chỉ có một dòng năng lượng đang vận hành, nó "ứng" vào đâu thì nơi đó có sự hiện hữu.
Con người bình thường như chúng ta tuy cảm nhận được năng lượng này nhưng không giải thích được, lý trí không nắm bắt được nghịch lý của nó sinh ra. Năng lượng này hầu như vừa nằm bên trong, vừa bên ngoài; vừa tại nơi đây vừa cùng khắp; vừa tạo ra thân mình, vừa tạo ra cảnh vật bên ngoài; vừa vô hình vừa mang đủ thứ dạng hình. Tuy không định nghĩa và gọi tên được nó, nhưng điều chắc chắn là người ta thấy nó kỳ diệu. Chỉ cần nhìn sự cấu tạo và hoạt động của cơ thể chính mình, ta có thể thấy sự kỳ diệu đó. Nhìn vào sự vận hành của thiên thể trong vũ trụ hay trong những cấu trúc nhỏ nhất của vật chất, ta cũng thấy sự kỳ diệu đó.
Xưa nay rất nhiều người đã cảm thấy năng lượng đó. Họ cố tìm một danh tính cho nó. Có người gọi là "Tâm", là "Đạo", là "Tự Tính", là "Tính Không", là "Thượng Đế". Mỗi người cho nó một danh tính riêng mà nội dung và mức độ sâu xa hẳn cũng rất khác nhau. Nhiều người tìm cách "tiếp cận" hay "hòa nhập" với năng lượng đó và cũng vì sự khác biệt trên bước đường tầm cầu đó mà sinh ra rất nhiều môn phái.
Lại cũng có nhiều người từ chối những danh tính nói trên. Đối với một số người, những danh tính đó có tính chất mơ hồ, xa lìa khoa học, trực tiếp dẫn vào lĩnh vực tôn giáo thần bí. Thậm chí có một số người dị ứng hẳn với vài từ, thí dụ "Thượng Đế", cho rằng dùng từ này thì chấp nhận có một thể trạng nhất định đã sáng tạo nên thế giới và con người, điều mà khoa học ngày nay cũng như cả một số tôn giáo bác bỏ.
Hãy gác qua một bên những cuộc tranh luận vô tận xuất phát từ ngôn từ. Điều mà phần lớn chúng ta đều cảm thấy là có một năng lượng đang luân lưu vận hành. Hãy tạm gọi năng lượng đó là "Sự Sống" vì tất cả chúng ta đều thấy có "Sự Sống" trong thân mình. Trong thiên nhiên Sự Sống hẳn cũng hiện diện nên sinh vật và cây cối mới có thể tăng trưởng và sống còn. Trong vũ trụ hẳn cũng phải có một thứ năng lượng vĩ đại đang vận động. Liệu năng lượng đó cũng chính là Sự Sống trong thân chúng ta hay không thì đó là điều mà người bình thường như chúng ta không ai dám khẳng định.
Câu hỏi vừa nêu thực ra là một vấn đề trung tâm của ngành Bản thể học. Cuối cùng có lẽ người suy tư sẽ chạm trán với câu hỏi "Có nhiều Sự Sống hay chỉ một". "Một hay nhiều" là thắc mắc muôn thuở của người tầm cầu mà đầu óc lý luận không thể trả lời thỏa đáng.
Lục tìm lại trong quá khứ, chúng ta bắt gặp lời của một số thánh nhân về luận đề này: "Một nhưng nhiều". Muốn hiểu lời này ta có thể hình dung một thanh nam châm. Thanh nam châm có một tính chất, đó là hai cực từ tính của nó ở mỗi vết cắt. Thế nhưng khi ta cắt ở bất cứ điểm nào thì tại điểm đó đều sinh ra từ tính như vết cắt trước cả, chất lượng như nhau, không hơn không kém. Tương tự như thế, chỉ có một Sự Sống nhưng nó hiện hữu trong mỗi cá thể, kỳ diệu như nhau, "thánh không tăng, phàm không giảm". Loại tri kiến "một nhưng nhiều" là một loại nghịch lý đặc trưng mà ta sẽ gặp khi đi sâu vào lĩnh vực bí nhiệm của tâm linh. Trong lĩnh vực này con người có lẽ phải tạm quên khái niệm của không gian xa gần, to nhỏ thì mới có thể lĩnh hội được.
        Đối với nhận thức bình thường của chúng ta, Sự Sống xem ra là một cái gì riêng tư của mỗi người, nó là "của tôi và do tôi tạo ra". Nhận thức này là nguyên nhân tại sao con người thấy mình tách biệt với cái còn lại trên thế giới và nói cho cùng nó là nguồn gốc của mọi sự đau khổ của đời người. Nhận thức đó làm ta sẵn sàng làm điều ác với đồng loại và nó cũng là tác nhân sinh ra mọi nỗi đau khổ thất vọng và trầm cảm mà tại phương Đông cũng như Tây con người đều gặp phải.
Những ai có may mắn cảm nhận Sự Sống là "một nhưng nhiều" có lẽ sẽ đến với một nhận thức mới về con người và cả muôn thú hay thiên nhiên. Người đó tự thấy mình chỉ là một dạng xuất hiện của Sự Sống, cũng bình đẳng như Sự Sống xuất hiện nơi một người khác, một sinh vật khác và thậm chí nơi cả thực vật hay loài "vô sinh". Người đó sẽ thấy liên đới với mọi dạng của Sự Sống, thấy mình nằm trong mạng lưới vĩ đại của cái mà ta gọi là thế giới hiện tượng. Người đó đồng thời cũng thấy mình chứa đầy đủ tính chất và khả năng của Sự Sống nguyên thủy và có trách nhiệm với dạng hình của mình đang được ban phát, với xã hội của mình đang nằm xung quanh.
         Chúng ta có lẽ không ai hiểu thấu tất cả những điều nêu trên vì thực ra tri kiến đó quá sâu xa và siêu việt, vượt mọi tầm mức của con người bình thường. Nhưng những ai chỉ cần cảm nhận sơ lược điều này đã thấy mừng run về một điều mà các thánh nhân thời cổ đại đã nói tới. Sự Sống sẽ không những chỉ là "một nhưng nhiều" mà nó còn vô cùng thiêng liêng.
Đối với người đó thì gọi là Sự Sống là "Thượng Đế" hay bất cứ ngôn từ nào khác hay vắng bóng một danh tính đều được cả. Vì có lẽ người đó chỉ cần nhớ đến hơi thở hay tiếng đập của trái tim mình là đã "tiếp cận" với cái thiêng liêng. Đời sống đô thị và một xã hội đầy tranh chấp khó làm ta hiểu ngộ tính chất của Sự Sống. Cảnh quan thiên nhiên có khả năng đánh thức cảm nhận đó của chúng ta, nó đưa đường dẫn lối cho tri kiến lạ lùng và tuyệt diệu đó.
         Xuân sắp về, cỏ cây và thiên nhiên như sẵn sàng đón chào nhiều tâm hồn rộng mở. Con đường xuyên núi ở Nepal là một lựa chọn cho những ai đủ điều kiện, nhưng như đã nói, ở đâu cũng có Sự Sống, kể cả trong phố phường chật hẹp nhất.
*Chú thích: tác giả Nguyễn Tường Bách sinh năm 1948, sống và làm việc tại Đức (Bài đã được xuất bản.: 28/01/2012 06:00 GMT+7  trên  Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

NGƯỜI NGÀNH Y

by Anna Dao on Thursday, May 24, 2012 at 9:02pm ·(face book)

(Viết theo suy nghĩ của riêng tui, bà con có ghét ai đó cũng xin đừng ... ném đá :D.)
Những ngày này thấy báo chí trong nước, ngoài nước, các blog, kêu ca về ngành y quá. Nào là “thực trạng đau lòng của hệ thống bệnh viện tại VN, nào là bác sĩ quay phim sex rồi tố tụng nhau, nào là bác sĩ vô trách nhiệm gây chết sản phụ. Đó là đời thực. Còn những tác phẩm “văn hóa” như bộ phim “Chân trời trắng” đang chiếu đâu đó trên VTV thì bị dân ngành y  phê bình là quá đỗi “xúc phạm ngành y”.
Quả thật đôi lúc cứ nghĩ mà run, nếu một mai phải sa chân vào… bệnh viện, mà cuộc đời có ai không phải vào bệnh viện một đôi lần. Nếu chẳng may gặp phải những bác sĩ kém cả kiến thức và  y đức thì xem như tiêu tùng. Nhưng đọc những bài báo, những lời bình phẩm của các em bác sĩ tương lai trên facebook tôi lại thấy mừng. Mừng là vì sẽ có những thế hệ bác sĩ tương lai ra đời với đầy đủ tự tin, tự hào về ngành y và sống trọn với y đức của mình.
Nếu cuộc đời không dun rủi đi theo một con đường khác, chắc giờ đây tôi cũng là “người ngành y”. Không biết thật sự có bao nhiêu người theo ngành y vì hạnh nguyện cứu người, hay có một thời ngành y là ngành dễ kiếm tiền. Tôi theo ngành y vì nguyện vọng của cha mình. Khởi đầu sự học không lấy gì làm thích thú cho lắm, nhưng vài năm học và gắn bó với bệnh viện đã làm tôi yêu mến cái nghề không lấy gì nhàn nhã này. Đã mấy chục năm không cầm đến cái ống nghe hay một cái bơm tiêm nhưng thi thoảng trong giấc mơ tôi vẫn thấy mình ngủ gục trên chiếc ghế dài trong phòng trực và đầu gối lên chồng bệnh án. Mỗi lần nghe mùi cồn thoang thoảng đâu đó là giật mình gợi nhớ ký ức xưa, cái mùi thân quen mang lại cảm giác sạch sẽ mỗi khi dùng cục bông tẩm cồn để chà đôi bàn tay.
Để bắt đầu trở thành một người ngành y, một con người phải trải qua nhiều cảm xúc khác biệt trong đời mình. Cảm xúc đầu đời có thể là một sự ngại ngùng e thẹn, lần đầu tiên tiếp xúc với một mô hình con người trần trụi, từ đó góc nhìn về con người sẽ dần dần thay đổi, theo thời gian, theo kiến thức và sự ngại ngùng dần mất đi, chỉ còn lại là kiến thức, phải nạp vào, nạp vào, càng nhiều và mệt đuối. 
Thứ đến, có khi là một cảm giác buồn nôn, và nôn thật. Đó lần lần đầu tiên khi tiếp xúc với máu, với chất thải, với mùi của những vết thương đã nhiễm trùng. Ngày đầu thực hành bệnh viện của tôi là khoa ngoại chấn thương, nơi đó tôi đã nhìn thấy sự đau đớn của con người, đã nghe những tiếng rên khóc và không chịu được mùi tanh của vết thương tấy mủ. Bạn tôi nhiều đứa phải bỏ cơm trưa và có đứa tuyên bố bỏ học. Thế nhưng vài tuần sau là chúng tôi lại bắt đầu quen và thích nghi dần. Khi chúng tôi sang thực tập khoa sản thì có những đứa con trai tuyên bố sẽ không bao giờ lấy vợ, những đứa con gái thì nói chẳng bao giờ lấy chồng là bác sĩ sản khoa vì “mất cảm xúc quá”. Thế nhưng cảm giác háo hức, hồi hộp, nín thở (và đôi khi cùng rặn giúp cho những sản phụ) khi một đứa bé chào đời và oa lên tiếng khóc thì chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện khi mình chọn ngành y này. Có đứa sau ca trực dài nhiều tiếng đồng hồ đói lả đã vồ lấy ổ bánh mì ăn và nhìn lại thấy khủyu tay mình còn vương chút máu sau một ca đỡ đẻ.
Cảm xúc của người ngành y nhiều khi là cảm giác hoang mang và đau đớn. Đó là khi một bệnh nhân mình chăm sóc đã qua đời. Điều đó không phải chỉ là một lần. Có lần tôi chăm sóc nhiều ngày cho một chị bệnh nhân bị lao màng bụng, đêm đó bụng chị chướng lên, đau đớn, chị cầm tay tôi và kêu đau đớn. Thông tiểu, thụt tháo cũng chỉ giúp nhẹ nhàng chút ít, tôi chỉ biết xoa giúp bụng qua loa cho chị. Đêm ấy chị qua đời, sáng hôm sau nhìn cái giường chị trống rỗng mà tôi cứ ân hận điều gì đó dù không phải là lỗi của mình. Cảm giác ấy trở lại một lần nữa nhiều năm sau, khi đã giã từ ngành y nhưng tôi trở lại bệnh viện để chăm sóc cho người dượng bị xơ gan. Có một người cháu ngành y túc trực bên giường bệnh, tôi biết gia đình dì tôi cũng an tâm. Thế nhưng… Không cứu được bệnh nhân, luôn là nỗi ân hận của người ngành y!
Vậy tại sao, ngày nay người ta lại oán trách, chê bai, lên án những người ngành y là thiếu y đức?
Mới đây, một người bạn tôi dù đã gần 50 tuổi, nhưng vẫn còn đi học chuyên tu ngành điều dưỡng. Khi tôi hỏi so sánh thời đi học bây giờ với ngày xưa thì như thế nào, bạn tôi nói, ngày xưa đi học, các bác sĩ giảng dạy đã giảng hết tất cả những kiến thức mình có được cho y sinh, nhưng bây giờ thì không. Thậm chí, có người nói thẳng ra rằng: “thôi không nói nữa, nói hết hôm sau lấy gì mà nói”. Bạn tôi nói: “Ngày xưa vào thời bao cấp, mỗi lần có bóng dáng áo trắng đến là bệnh nhân rất mừng, nên ngày đó tụi mình được thăm khám, thực tập và giỏi tay nghề, còn bây giờ, khi thấy đeo cái bảng xanh thực tập trên áo là họ không cho rờ. Thậm chí muốn hỏi triệu chứng còn phải o bế mua quà cho bệnh nhân nữa”.
Cũng phải thôi, bây giờ những người có tiền vào bệnh viện luôn đòi hỏi một chế độ chăm sóc và bác sĩ tay nghề cao; họ không dám để cho các y sinh có cơ hội thực tập, thì làm sao bọn trẻ có điều kiện học hành chu đáo, và thế là một loạt “người ngành y” ra trường mà không có kiến thức hay tay nghề vững chắc gì cả. Tôi nhớ có lần đưa chị tôi đi mổ ở bệnh viện Từ Dũ, lần đó trong dây truyền dịch của chị tôi có nhiều bọt khí. Ngày còn đi học, những trường hợp như thế này chúng tôi phải tỉ mẩn búng cho từng bọt khí chạy lên phía trên cao. Nhưng hôm ấy tôi nói với một cô y tá, cô này lập tức mở khóa cho dịch truyền chảy nhanh hơn để bọt khí nhanh chóng vào trong mạch máu của chị tôi cho khuất mắt. Ngay lúc ấy tôi hét lên và cô ta phải dừng tay, chị tôi thì gần sốc, lạnh run và choáng. Tôi không hiểu tại sao một bệnh viện lớn như thế lại có cô y tá này học hành như thế nào mà có suy nghĩ và hành động như vậy. Từ khi nói chuyện với bạn tôi, thì tôi đã hiểu, cô y tá đó thiếu kiến thức và thiếu sự thực hành lỗi không hoàn toàn ở cô ấy, mà có thể còn là do sự thiếu hợp tác của bệnh nhân trong quá trình đi học.
Trên danh sách bạn bè facebook của tôi, có những em là sinh viên ngành y. Theo từng câu status, từng cái note của các em tôi bắt gặp lại mình ngày xưa. Nhiều lúc tôi cũng lo lắng khi thấy các em lo lắng khi bài vở quá tải, thi cử khó khăn, trách nhiệm đối với bệnh nhân. Nhưng thấy các em lo lắng mà tôi mừng, vì cái sự lo lắng hôm nay của các em là y đức của các em mai sau.
Nếu ai có oán trách người ngành y thì trước hết hãy hiểu rằng người ngành y không phải là những con người vô cảm, dửng dưng, mà họ là người phải chịu đựng nhiều cảm xúc trong đời hơn tất cả những người ngoài ngành. Hãy giúp cho họ sức mạnh để cảm xúc đó trở thành thiêng liêng như nghề nghiệp họ đã chọn, xin đừng chê bai và phán xét bằng đôi mắt của người ngoài ngành.  
xem thêm : Y đức là gì?
                      Làm một công dân toàn cầu
                      Giá trị cuả sự chia sẻ

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Ý chí tự do (Free will)

Phạm Doãn


Con người có quyền được lựa chọn và quyết định mọi suy nghĩ, mọi hành động, mọi kế hoạch cho mình hay không? Hay là do “Thượng đế” sắp đặt trước. Nói một cách triết học là “Con người có ý chí tự do hay không?” (Free will or not free will? Predetermined or not predetermined?)
Một việc xảy ra do ý trời (sự sắp đặt của vũ trụ) hay do ý người (sự tự do dùng ý chí của ta để sắp đặt sự việc). Ngôn ngữ Việt thường dùng chữ ”Thiên định” để ám chỉ một sự việc do trời, hay do qui luật vũ trụ, sắp đặt trước; và dùng chữ “Nhân định” để ám chỉ một sự việc do chính ý chí của ta sắp đặt và quyết định. Cụ Nguyễn Du có lúc thì nhấn mạnh yếu tố thiên định, đến yếu tố nghiệp, như:
” Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng nên trách trời gần trời xa
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
Nhưng lại có lúc cụ lại nói như một lời an ủi:
“Có trời mà cũng có ta”
Hoặc: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!”
Vậy thì thế nào? Vũ trụ lập trình mọi sự kiện, mọi biến cố (thiên định), hay con người ta tự quyết định lấy số mệnh của mình (nhân định), hay là… năm mươi-năm mươi?
Trong suốt chiều dài lịch sử đây là một câu hỏi đau đầu, một vấn đề rất gai góc liên hệ đến mọi tôn giáo, mọi triết học, mọi khía cạnh nhân văn, xã hội, luật pháp, đạo đức v.v…Có vô số những lời giải đáp, có vô số những câu trả lời, đưa đến vô số những quan điểm và nhận định hoàn toàn trái ngược nhau.
Trong đời sống hàng ngày có vẻ như ta rất tự do. Ta muốn đi, đứng, nằm, ngồi, hay làm bất cứ việc gì đó, tất cả là do quyết định của ta, tức là do ý chí (will, volonte’) của ta. Nhưng có đôi khi ta lại thấy dường như không phải vậy. Ngay cả đối với bản thân ta nhiều khi, rất nhiều khi, ta chẳng có quyết định gì được cả. Ta không muốn già, không muốn bệnh, nhưng cơ thể vẫn cứ già, cứ bệnh. Hoặc ta rất muốn có đủ trí thông minh để đối chọi với đời, hoặc ta rất muốn hoàn tất một dự định, hoặc ta rất muốn thành đạt; nhưng muốn là một chuyện, còn có thực hiện được không lại là một chuyện khác. Cầu thủ tiền đạo đến trước khung thành đối phương, rất muốn sút vào goal, tất cả cổ động viên hàng trăm ngàn người đều muốn như thế, nhưng muốn là một chuyên, banh có đi vào lưới hay không đó là chuyện khác. Rõ ràng: Man proposes but God disposes! Con người dự tính nhưng Thượng đế quyết định!
Từ hiểu biết về vấn đề vô thức, nghiệp, sự qui định sinh học của genes, khiến ta khó chứng minh được rằng con người ta có quyền tự do lựa chọn trong ý nghĩ và hành động của mình. Rồi trong thế kỉ này, thuyết Big Bang càng ngày càng được kiểm chứng. Nghĩa là sự thành lập vũ trụ tùy thuộc vào những hằng số lúc ban đầu, đưa đến một diễn tíến nhất định (determined process) để hình thành thế giới chúng ta. Chính đây là luận điểm mạnh mẽ nhất, chứng minh chúng ta đã bị lập trình từ trước. Lập trình từ cơ thể sinh học đến cơ chế tư duy, hành vi ứng xử v.v…
Về mặt Pháp luật, tất cả các bộ luật đều bắt con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình (trừ khi bác sĩ xác nhận bị bệnh tâm thần). Về mặt tôn giáo, nhiều tôn giáo lớn cho rằng con người ta có ý chí tự do (free will), có thể làm những gì mình muốn, có thể quyết định những lựa chọn của mình. Vì có ý chí tự do nên con người phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động của mình. Tín đồ Catholic phải chịu trách nhiệm về quyết định việc mình theo Chúa hay theo Satan, lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Ngay cả Phật giáo cũng có những luân điểm như vậy. Anh phải làm điều thiện và tránh điều ác. Những lời dạy như vậy phổ biến trên hầu hết các tôn giáo, các bộ luật, các nhà xã hội, các nhà đạo đức…
Về mặt thế gian, luật pháp phải đòi hỏi con người có ý chí tự do, đòi hỏi con người phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Đó là chuyện đương nhiên, nếu không thì còn gì luật pháp, còn gì an ninh trật tự. Về mặt đạo đức, nếu anh không chịu trách nhiệm về tội lỗi của anh thì xã hội sẽ ra sao?
Về mặt tôn giáo cũng vậy? Những tôn giáo lớn, thường cũng đều cho rằng con người phải chịu trách nhiệm với hành động của chính mình, điều này gián tiếp cho rằng con người có ý chí tự do. Từ quan điểm này, tín đồ thường nguyện làm điều thiện tránh điều ác, nguyện làm điều này, nguyện tránh điều kia. Nhưng “nguyện” là phải dùng tới ý chí, nếu ý chí của tôi được tư do thì tôi mới thực hiện lời nguyện được. Ngay ở đây, một câu hỏi phải được nêu lên: Liệu con người ta thực sự có ý chí tự do để quyết định mọi hành động của mình hay không?
Ta thấy rằng tính tất định của vũ trụ, luật nhân quả, nghiệp, vô thức, genes đã chi phối, qui định toàn bộ hiên hữu của con người. Nghĩa là những nhận thức này đưa tới những hệ luận mâu thuẫn với phần lớn các quan điểm về tự do ý chí đang phổ biến trong xã hội con người. Tự do ý chí của con người dường như là nhận thức phổ thông và phổ biến. Tự do ý chí dường như là một chấp nhận hiển nhiên, không cần chứng minh. Vì thế, bài viết chỉ đưa ra đây một vài ví dụ cho quan điểm “Con người không có tự do của ý chí”:
- Kinh cựu ước: Mỗi một sợi tóc rụng cũng là ý của chúa (tất cả mọi hiện tượng mọi sự kiện xảy ra là do ý chúa). Không hiểu sao Cựu ước nhận thức như vậy, mà đến Tân ước và nhà thờ hiên tại thì con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đáng lẽ ra “Ổng” làm “ổng” chịu chứ.
- Cả Do thái giáo lẫn Hồi giáo cũng rất lúng túng khi phải giải thích về ý chí tự do. Họ cố gắng giải thích sao cho có sự quân bình giữa quyền quyết định tối cao của thượng đế với cái ý chí tự do của mỗi con người, giống như giải pháp của cụ Nguyễn Du.
- Triết học tây phương cũng đau đầu về vấn đề này. Những khuôn mặt lẫy lừng như Kant, Nietzche, Schopenhauer, Hume, Spinoza và nhiều người nữa cũng đều cho là vũ trụ và con người đều bị qui định trước (predetermined) như vậy có gì còn được gọi là ý chí tự do? Triết gia Đức Schopenhauer viết: “Nếu một hòn đá đang bị ném bay trong không trung mà nó biết suy nghĩ thì nó cũng nghĩ là nó đang bay bằng ý chí tự do theo quĩ đạo mà nó muốn”. Hòn đá vô tri vô giác nếu có ý thức thì điều đầu tiên nó mơ ước là có được tư do trong hành động của mình, huống hồ là con người một sinh vật có ý thức! và luôn luôn tự hào về mình. Chính vì nỗi khao khát này mà rất nhiều người muốn chứng minh con người có ý chí tự do, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm với hành động của mình.
- Sáu phái Triết học Ấn độ hoặc công khai hoặc không công khai cũng đều phủ nhận cái cho là Ý chí tự do.
- Mục Kiền Liên, đệ tử Phật, người rất nhiều thần thông và pháp thuật cuối đời bị một đám đông người của giáo phái khỏa thân bao vây và đánh hội đồng tan xương nát thịt cho đến chết. Bạn bè nói chuyện với thần thức của Mục Kiền Liên:
- Sao ông lại để chịu chết như vậy, những thần thông đệ nhất của ông đâu? Sao không tàng hình, hoặc đằng vân bay đi, mà đứng đó đưa lưng chịu đòn?
- Các ông chưa hiểu nghiệp là gì! Lúc nghiệp đổ ào ào tới, thần thông cũng chẳng xoay chuyển nổi!
Về Ý chí thì mình muốn làm mọi cách để sống nhưng nghiệp thì bắt mình chết, ai cũng biết điều đó. Câu chuyện Mục Kiền Liên chỉ dù là huyền thoại, nhưng sự xuất hiên của câu chuyện đó trong lịch sử Phật giáo chứng minh rằng đã có ý nghĩ về sự bất lực của con người trước nghiệp, trước định mệnh.
Tính tất định của vũ trụ, luật nhân quả (law of cause and effect), nghiệp, genes, là những cái qui định hình dạng cơ thể, trí thông minh, cho cả đến toàn thể vân mệnh một cá nhân. Sự chứng minh và tranh luận về quan điểm này, sẽ vượt quá khuôn khổ bài viết. Nếu ai đã tìm hiểu căn kẽ, và đã tin ở sự qui định đó, thì quả thực khó thấy được cái phần tự do trong mọi tư duy và hành động của mình . Tôi cũng khao khát tự do như bạn, tôi cũng muốn chứng minh rằng, dù bị nghiệp quản thúc, genes qui định nhưng tôi vẫn có tự do ý chí để thực hiện những nguyện ước của tôi. Nhưng thực sự là không thể được, thực sự rất khó tìm được chứng minh cho cái tự do của tôi.
Có người nói tình trạng bị qui định (predetermined) và ý chí tự do (free will) là hai vấn đề khác nhau. Ta phải phân ra làm hai lãnh vực, lãnh vực vật chất thì bị qui định, còn lãnh vực tinh thần thì tư do. Tiếc rằng lý luận vừa nêu rất khó thuyết phục, bởi vì tách thế giới ra làm hai phạm trù độc lập không phù hợp với tính thống nhất hiển nhiên của vạn vật.
Có người nói Cơ học lượng tử (quantum physics) chứng minh rằng dù thế giới vật lý có bị qui định (predetermined) bởi những hăng số nào đi nữa thì vẫn có những sai lệch xác suất (probability) do tính bất định của hạt. Nghĩa là trong thế giới hạt (micro world) không có sự qui định tuyệt đối. Nghĩa là thế giới vĩ mô mà ta đang sống (macro world) cũng không hẳn bị qui định tuyệt đối. Tuy nhiên những chống chỏi như thế đều rất yếu về mặt lí luận. Ví dụ như nói cơ học lượng tử bế tắc trước sự bất định của hạt thì đó là tại vì cơ học lượng tử bế tắc chứ biết đâu một nền cơ học khác thì không bế tắc và lại tuyên bố không có cái gì là bất định. Theo tôi nhìn vấn đề từ quan điểm vật lý là rõ ràng nhất:
Nếu vũ trụ được hình thành theo một quy trình nhất định với những hằng số (constants) được tự nhiên lựa chọn trước, thì mọi hiện hữu, mọi sự kiện của thế giới, xảy ra sau đó, tất yếu cũng đều diễn ra theo một diễn trình không thể thay đổi. Từ vận động vĩ mô của vũ trụ đến từng hành động hay suy nghĩ của một cá thể cũng đã đều được lập trình. Thuyết này gọi là tất định luận (determinism). Theo tất định luận, trên thế giới này không có gì gọi là tự do ý chí hay ý chí tự do cả.
Nếu bạn kể rằng, ngày xưa, có lần bạn thất bại trong cuộc sống, nhưng nhờ ý chí mạnh mẽ mà bạn đã đứng dậy, vươn lên, vượt qua được nghịch cảnh để trở thành con người thành đạt hôm nay. Nếu bạn tin rằng diễn trình này chứng minh bạn đã có tự do ý chí, thì xin thưa: Toàn bộ diễn trình đó, sự thất bại ban đầu, nổ lực phấn đấu vượt khó sau đó và sự thành đạt hôm nay, tất cả đã được lập trình. Tất cả mọi hiện hữu, mọi diễn biến đều đã được định trước, kể cả sự xuất hiện ý chí mạnh mẽ của bạn lúc đó.
Thế sao thực tế là lúc nào tôi cũng cảm thấy dường như mình có tự dọ quyết định điều này điều nọ. Tình trạng “cảm thấy” này được giải thích như sau: ví dụ như có một con Robot được lập trình sao cho, trước một tình thế, nó phản ứng được với mười cách ứng xử khác nhau. Ta cho rằng con Robot này rất thông minh, nhưng ta biết nó không có ý chí tự do, vì tất cả mười cách phản ứng cùa nó đã được lập trình sẵn, nó không biết đến cách phản ứng thứ mười một và hơn nữa. Nhưng nếu một nhà lập trình siêu việt trong tương lai viết được một phần mềm, sao cho con Robot có thể có đến vô số những lựa chọn, thì chắc bạn không dám gọi nó là Robot nữa. Lúc ấy Robot sẽ thông minh không khác người sản xuất ra chúng. Và lúc ấy con Robot cũng không chịu nhận mình là Robot, chúng sẽ nói chúng có ý chí tự do, chúng sẽ tự quyết định sự tồn tại của chúng, chúng sẽ làm một cuộc nổi dậy chống lại con người. Phim khoa học giả tưởng (science fiction) mà bạn xem trên TV chắc chắn có một giá trị nhất định.
Trường hợp con người cũng vậy, do tương tác duyên khởi trùng điệp, con người có một số quá lớn những lựa chon trước một tình huống. Do đó ta luôn luôn có cảm giác như được tự do trong những lựa chọn hoặc quyết định của mình. Mà không biết rằng ngay từ lúc khai thiên lập địa, ở những phút đầu tiên của Big bang, toàn bộ hiện hữu và tiến trình vân động của vũ trụ đã bị qui định. Lúc nào protein được thành lập, lúc nào xuất hiên sinh vật đơn bào, lúc nào xuất hiên sinh vật đa bào, lúc nào có con người đầu tiên, sinh lý cơ thể con người vận hành thế nào, tư duy con người vận hành theo những phản xạ ra sao… Tất cả đều được định trước. Khi nào hình thành xã hội, cấu trúc xã hội ra sao, khi nào chiến tranh, khi nào hòa bình tất cả đều được lập trình trước. Nhưng con người, sinh vật sinh sau đẻ muộn trong suốt chiều thời gian thăm thẳm đó, luôn luôn tin mình độc lập với tự nhiên và quyết định hết mọi diễn tiến của lịch sử loài người. Trong cuộc đời riêng tư của mình, thì con người còn lại tin chắc hơn nữa về sự tự do của nó. Sở dĩ thế, vì thiên nhiên đã lập trình cho con người rất nhiều lựa chọn trong cách ứng xử của nó.
Tại sao đa số con người tin tưởng ở ý chí tự do, tin tưởng mình có khả năng lựa chọn, mà lại có thiểu số rất ít người lại đặt dấu hỏi nghi ngờ về cái tự do này. Đây là thiểu số bi quan (pessimistic)? Đúng, tất cả các triết gia đã tìm thấy sự bất lực của con người, tìm thấy sự không tự do trong ý chí con người, đều nhận rằng mình là kẻ bi quan. Nhưng sự thật rõ ràng, không phải cứ lạc quan là chân lý. Nếu nhanh nhạy, ta sẽ thấy ngay, chính các triết gia đó mới là những người khao khát tự do nhất. Họ là thiểu số muốn tìm đến cái tự do tuyệt đối, cái tự do tuyệt đối mà đám đông không dám nghĩ tới và thực sự cũng không có khả năng nghĩ tới. Rất tiếc là các triết gia Tây phương luôn đặt vấn đề mà lại thường bất lực khi tìm giải pháp cụ thể.
Vivekananda
Đạo học đông phương cũng đối mặt với vấn đề tự do ý chí, câu trả lời của đạo sư Vivekananda có thể là một trong những ví dụ cho minh triết của đông phương:
“Tự do ý chí” tự thân nó là một cụm từ mang những nghịch lý. Không thể có tự do ý chí. Vì ý chí là cái ta nhận thức được, mà cái ta nhận thức được, nghĩa là nó phải hiện hữu trong thế giới này. Bất cứ cái gì hiện hữu trong thế giới thì phải chịu chi phối của thời gian, không gian, luật nhân quả. Muốn tìm thấy tự do, phải vượt qua thế giới này.
“Therefore we see at once that there cannot be such thing as Free-Will; the very words are a contradiction, because will is what we know, and everything that we know is within our universe, and everything within our universe is moulded by conditions of time, space and causality…To acquire freedom we have to get beyond the limitation of this universe; it can not be found here.”
Thế giới chúng ta đang sống bị qui định bởi hai chiều thời gian và không gian. Tất cả hiện hữu, hay hiện tượng, đều xuất hiện và diễn tiến theo một quá trình nhất định, chi phối bởi luật nhân quả. Người ta gọi đây là “thế giới nhân quả”. Trong thế giới nhân quả không thể có tự do ý chí.
Vũ trụ quan Phật giáo quan niệm có hiện hữu của vô lượng thế giới. Kinh Hoa Nghiêm gọi là “thế giới Hoa Nghiêm”. Trong đó có những thế giới không nằm trong vũ trụ của Vật lý học hiện đại, những thế giới không xuất hiện theo diễn trình Big Bang, những thế giới mà lý trí con người không thể nhận thức được. Vũ trụ quan Phật giáo còn phân biệt trong Tam giới và ngoài Tam giới. Lý trí hữu hạn chắc chắn không hình dung được khái niệm “Tam giới” của Phật giáo. Lý trí hữu hạn chẳng thể biết giới hạn Tam giới là thế nào. Nhưng chúng ta có thể biết chắc một điều, thế giới nhân quả nằm trong tam giới. Cứu cánh tối hậu của đạo Phật là vượt qua Tam giới, để đạt đến Niết Bàn. Niết bàn nằm ngoài tam giới. Do đó chỉ khi nào mức tiến hóa tâm linh vượt qua tam giới, vượt qua nhân quả, ta mới tìm thấy tự do tuyệt đối.
Cuối cùng là một cách nhìn rõ ràng nhất, cho thấy bản chất không tự do của ý chí. Đó là nhận ra mối quan hệ giữa ý chí và bản ngã. Đối với Phật giáo, “ngã” không tồn tại một cách độc lập, ngã không có tự tính. Cho rằng có một “bản ngã” tức có một cái ta, đó là một ảo tưởng. Trong chân lý tuyệt đối, “ngã” không có thực. Tất cả chân lý về “ngã” làm cho con người trần thế chơi vơi. Tương tự như thế với “ý chí”, cái xuất phát từ “ngã”. Ý chí xuất phát từ bản ngã (cái tôi), cái không có tự tánh, nên ý chí do đó cũng là giả hợp. Ý chí cũng chỉ là ảo tưởng hệt như chủ nhân của nó tức là bản ngã. Điều này càng làm cho con người trần thế hoảng loạng hơn nữa. Cho nên cần phải hiểu rõ toàn bộ vấn đề bản ngã hay ý chí trong nhận thức minh triết nhất.
Bài viết này cố gắng đưa ra một số lý luận về “ảo tưởng của bản ngã” hay “ý chí không tự do” trong ánh sáng của nhiều nguồn minh triết, và nhất là của đạo Phật, chẳng qua là muốn tự định hướng trên con đường tu tập. Căn bản của Đạo Phật là sự thực hành. Câu trả lời cho vấn đề “ảo tưởng của bản ngã” hay “ý chí không tự do” không chủ yếu nằm trong sự tranh luận. Trong quá trình tu tập, thực hành và thành tựu, hành giả (practitioner) sẽ tự tìm ra lời giải đáp cho mình.