Đào Thị Thanh Tuyền
(ảnh minh họa) |
Cách đây khoảng độ 15 năm. Hồi em gái tôi chưa ra riêng còn ở
chung với mẹ. Vợ chồng em tôi “cắc củm” dành dụm sắm được một cái máy vi
tính. Khi ấy máy vi tính là cả một gia tài. Em tôi đem về. Mẹ tôi chỉ biết
đứng xa xa mà nhìn. Rồi khi em đi làm, mẹ lại cặm cụi lau bụi từ con chuột,
bàn phím, màn hình đến chiếc bàn, cái ghế … Mẹ nói: “Mắc tiền quá, giữ gìn cho
con có cái mà làm việc”.
Tối tối, nhìn hai vợ chồng em thay phiên nhau cái máy vi
tính, mẹ cứ nghĩ, giá mà mình có tiền mua cho chúng cái nữa khỏi giành nhau!
(chắc chắn mẹ không thể thực hiện được điều ước này rồi!)
Mấy năm sau khá hơn, em sắm thêm được một máy vi tính. Cái
máy cũ sau đó bị chê vì “yếu”. Thấy mẹ ở nhà cứ làm làm công việc lau chùi (cả
hai máy). Tụi tôi nói:
- Để con bày cho má sử dụng máy vi tính, ở nhà chơi điện tử
hay đánh bài, đánh cờ với máy cũng vui!
Mẹ tôi giãy nãy:
- Í chết, máy mắc tiền thế mẹ làm sao dám đụng vào!
Rồi các cháu ngoại cũng lớn lên, chiếc máy cũ chỉ dành để
chơi điện tử hay tập đánh văn bản. Bà ngoại tiếc của, cũng không bao giờ dám động
đến (sợ hư, tốn tiền con sửa).
Em gái tôi ra riêng. Mẹ tôi ở một mình. Mẹ không chịu
đến ở nhà ai. Cũng thuận lợi là nhà tôi, nhà mẹ và nhà em gái gần nhau. Khoảng
cách đủ để bưng bát phở đi đến nơi vẫn còn nóng. Bạn bè, hàng xóm ái ngại cho mẹ
ở một mình đêm hôm. Mẹ chỉ nói: “Nhà đứa nào cũng lầu, mình già cả leo làm sao
được. Ở nhà trệt cho chắc ăn. Còn bàn thờ ổng nữa. Qua nhà tụi nó làm sao
leo lầu thắp nhang?”. Với lý do chắc nịch như thế, mẹ tôi cố thủ,
không ai lay chuyển được.
Giờ đây cuộc sống khá hơn, máy vi tính chẳng là tài sản
gì lớn lắm. Nhà tôi và em gái tôi tiện nghi mỗi người một máy, nối mạng, có cả
laptop. Bao nhiêu tin tức trên mạng nhanh chóng lấy xuống, lũ cháu ngoại tha hồ
kể cho bà nghe. Mẹ tôi lại tiếc:
- Phải hồi đó bà học vi tính, giờ đây biết xài rồi.
Chúng tôi cũng tiếc, giá mà bà ngoại biết sử dụng máy vi
tính mua cho bà một cái tha hồ mà đọc báo trên mạng.
Buổi tối, mẹ đi bộ một vòng qua nhà tôi rồi nhà em
gái. “Tụi nó mỗi đứa một máy làm việc tới khuya”. Thỉnh thoảng mẹ vẫn khoe với
mấy bà bạn già như vậy.
Mẹ bị bệnh, chị em chạy vội về nhà mẹ. Em tôi còn mang theo
cái laptop, trong đó có đủ thứ từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai, với
lý do hết sức hợp lý: Có máy vi tính mới vui. Buổi tối mấy chị em
xúm xít quanh mẹ. Em gái mở laptop coi hình. Những tấm hình từ thuở còn mấy
chị em “uổng trờ” cho đến tấm hình mới nhất đều được em lưu giữ trong
máy. Cả một thời tuổi nhỏ hiện về, tha hồ mà ôn cố. Bàn tay em bấm chuột chách
chách, lướt web rào rào, mở hết cửa sổ này đến cửa sổ kia. Em còn mở Y!
Messenger cho mẹ chat với dì ở bên Mỹ. Mẹ cười móm mém: “Chu cha, phải ba mày
còn sống, giờ ổng vui biết mấy. Mẹ thấy mình sung sướng hơn nhiều người là còn
hưởng được đời sống văn minh, thấy được thời toàn cầu hoá!”. Và mẹ lại tiếc:
“Phải chi hồi đó mẹ học vi tính thì giờ cũng biết kích chuột rồi !”.
Mẹ hết bệnh, buổi sáng lại nhập hội cùng mấy bà bạn già ra
công viên. Tôi đi bộ theo mẹ, nghe mẹ đang khoe những câu chuyện trên mạng
trong cái laptop chút xíu của con. Câu chuyện “ảo” của mẹ nghe có vẻ tự hào lắm
lắm ! Tôi lại nghe mẹ nói: Phải chi hồi đó tui chịu học vi tính, cái máy tụi nó
đi làm ở nhà để không đó chớ”. Tôi bước đi thấy lòng vui vui. Năm nay mẹ
đã 74 tuổi. Cảm thấy mình hạnh phúc quá chừng vì mẹ cũng được sống trong một
“thế giới phẳng” mà ở đó internet là công cụ để “nghĩ toàn cầu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét