Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

KHÓE NHÌN TRONG NHIẾP ẢNH

Sử dụng nhiều đường nét nằm ngang cho cho bức ảnh một cảm giác bình yên

Đứng trước một sự việc xảy ra, mỗi người sẽ nhìn qua lăng kính cảm quan của mình để có một thái độ, cũng như đứng trước một cảnh vật, người chụp ảnh sẽ có những nhận định khác nhauthùy theo KHÓE NHÌN của từng người, để rút cuộc, tạo ra những hình ảnh không giống nhau chút nào.
Khóe nhìn! Chúng ta thường nghe nói khóe nhìn sâu sắc, khóe nhìn tinh tế, khóe nhìn nông cạn . . . Vậy khóe nhìn là gì? Những yếu tố nào quyết định khóe nhìn?
Nói đến khóe nhìn ta nghĩ ngay đến con mắt, đôi nhãn cầu sáng, linh động mở ra trước cảnh vật mà cũng là cửa sổ cho mọi người nhìn vào tâm hồn. Tùy theo diễn biến của ngoại cảnh và tùy theo phản ứng nội tâm trước hoàn cảnh, chúng ta có cái nhìn bâng quơ, cái nhìn lơ đễnh, nhìn thao láo, nhìn chăm chú, nhìn nổ đom đóm mắt . . . thuộc về những cái nhìn thu nhận. Lại có những cái nhìn biểu cảm như nhìn yêu thương, nhìn đắm đuối, nhìn trừng trừng, nhìn hằn học, nhìn khinh bỉ, nhìn chán chường. Ngoài ra còn nhìn vào trong, nhìn tận đáy lòng, nhìn vào quá khứ, nhìn về tường lai và hiểu theo nghĩa bóng như nhìn xuốngđể chỉ ân huệ, đức độ cần có với người kém hơn mình hoặc nhìn lên để nói đến những mong ước cao vọng muốn vươn tới.
Đó là luận về cái nhìn. Khóe nhìn không bao gồm rộng rãi như thế. Nhưng tất nhiên cũng không chỉ nằm gọn trong cái nhìn thu nhận. Việc thu nhận ngoại cảnh mới chỉ là phần đầu, phần mở màn cho phản ứng có cơ hội xuất hiện. Thích thú hay không là tùy theo tâm hồn của ta nhận định. Lâu dần, sự nhận định trước ngoại cảnh cũ tái diễn hoặc gặm ngoại cảnh tương tự, trở thành nếp hằn rõ rệt tạo thành thói quen, thành phản xạ tự nhiên, chỉ thích cái này mà không thích cái kia, lúc ấy mới được gọi là KHÓE NHÌN RIÊNG.
Do đó, chúng ta có thể gọi khóe nhìn là một thói quen nhận định về những hình ảnh cảnh vật bên ngoài do con mắt nhìn thấy. Và hiểu theo thông thường, sự nhận định ấy hoàn toàn ở phía thích thú chấp nhận chứ không phải ở phía chối bỏ chán ghét.
Khóe nhìn thuộc về bản tính, thuộc về thói quen, do chủ quan nhận định? Dĩ nhiên là như vậy. Cho nên người ưa nhàn chỉ thích ngồi chỗ vắng vẻ tĩnh mịch, người trẻ tuổi hiếu động thích nhẩy múa hò hét, có đứng một mình cũng thích cựa quậy vung tay vung chân ...
Đối với người chụp ảnh, khóe nhìn nhiếp ảnh chỉ bắt đầu hình thành từ khi biết sử dụng chiếc máy ảnh vô tri vô giác, bắt nó ghi chép hình ảnh theo sở thích riêng của mình. Tất nhiên, những cái khóe nhìn cũ, khóe nhìn đời, vẫn còn ở trong người, nhưng nay lại được cộng thêm với khóe nhìn mới nữa, khóe nhìn chuyên môn nghệ thuật, gọi chung là KHÓE NHÌN NHIẾP ẢNH.
Về phần chuyên môn nhiếp ảnh, ta có thể kể lần lượt các khoé nhìn sau đây:
Đường nét thẳng đứng cho cảm giác ổn định
1 – KHOÉ NHÌN QUA ĐƯỜNG NÉT : Đường nét được nói đến trước tiên vì đường nét được xem như bộ xương sống thiết yếu cho việc xây dựng một tác phẩm. Trừ những lúc nhắm mắt ngủ say, hễ thức dậy là chúng ta bị đường nét vây quanh. Cột mắc màn dựng đứng như cây cau, cây dừa vươn lên cao. Từ chiếc bút chì trên bàn đến con đường xa lộ hun hút vạch giữa cánh đồng lúa thơm, đến đường chân trờichỗ nối tiếp của trời xanh với biển xanh đều là những đường thẳng nằm hiền từ. Đường cong của cây cầu tre nối 2 bờ rạch, đường cong của ngọn đồi nối tiếp những ngọn đồi uyển chuyển linh động ...
Đường nét uốn lượn cuả một con sông, những dãy núi, những răng cây hay đơn giản chỉ là những hàng rào … sẽ dẫn con mắt cuả người xem ảnh đến trọng tâm chủ đề cuả bức ảnh.
Những cây chổi cắm dựng đứng trên bờ biển Copacabana beach , Rio de Janeiro, Brazil, để chống nạn tham nhũng. Đường nét đứng thẳng cuả những cây chổi nói lên một quyết tâm chắc chắn và mạnh mẽ. Ảnh cuả Felipe Dana/Associated Press
Đường nét ở ngoại cảnh luôn quấn quýt lấy nhau, lẫn lộn vào nhau muôn hình vạn trạng. Chúng ta chỉ nhìn thấy rõ rệt khi chúng ta ý thức được tầm quan trọng của nó và BIẾT TÁCH chùng ra. Bằng MỜ NÉT, bằng GÓC CẠNH, phô đẹp che xấu, bằng ÁNH SÁNG THUẬN LỢI, bằng vào GẦN, vào GẦN HƠN nữa .... Vâng, bằng một cách, có khi bằng tất cả các cách vừa nêu cốt sao cho đường nét ta thích tách rời ra khỏi các đường nét khác, trở nên rõ ràng, nổi bật và phù hợp với nội dung cần diễn tả, ví dụ: đường ngang nằm diễn tả sự êm đềm nghỉ ngơi, đường dựng đứng, cứng cỏi vương cao, đường cánh cung, sự nhịp nhàng uyển chuyển, đường xoắn ốc, sự siết chặt, đường răng cưa, sự hối hả ghê rợn và đường rối rắm, sự hoang mang bất trắc, loạn xạ, đợi chờ...
2 – KHOÉ NHÌN QUA ÁNH SÁNG : Nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng. Chính ánh sáng mang nghệthuật vào nhiếp ảnh. Ánh sáng mặt trời chan hòa chiếu xuống cỏ cây mây nước, khắc nổi muôn loài bằng bóng đổ. Sáng trăng dịu hiền thơ mộng. Sáng điện tưng bừng duyên dáng. Sáng nến le lói nhưng ấm cúng ... Với người chụp ảnhphóng sự, còn có ánh sáng bình đèn (flash) chát chúa, nhưng loại sáng này ít được người chụp ảnh nghệ thuật sử dụng vì t1inh chất làm bẹt, làm phẳng chủ đề một cách quá nhân tạo của nó. Người chụp ảnh nghệ thuật chuộng ánh sáng chiếu chênh chếch, trái sáng, sáng lọt. Ánh sáng chênh chếch tạo khối lượng cho đàn trâu đen tách khỏi ruộng lúa xanh ngàn dặm. Trái sáng, ánh sáng nghịch, viền trắng những búp non nẩy ra từ thân cây, qua mùa đông thức giấc trở dậy đón mùa xuân . Sáng lọt phá màn đen âm u chiếu rọi vào hang cùng ngõ hẻm như một thăm hỏi đầy tin yêu.
Một chú bé đang tắm tại vòi nước công cộng ở Colombo, Sri Lanka, tác giả chụp ngược sáng làm nổi bật các giọt nước văng tung toé. Ảnh cổ động cho vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân để cải thiện tỷ lệ tử vong vì tiêu chảy cho trẻ em  trên thế giới cuả UNICEF. Tác giả Eranga Jayawardena
Sử dụng khép léo ánh sáng trái trong ảnh phong cảnh cũng cho những hiệu quả rất ấn tượng

Người chụp ảnh không cần phải cầu kỳ đi tìm cảnh vật cầu kỳ, nhưng phải biết nhẫn nại tìm ánh sáng lạ soi chiếu vào cảnh vật. Tia nắng qua khe lá vườn măng một buổi sáng mờ hơi sương, tỏa ra như hình nan quạt không lồ cho bác nông phu đang tận lực cuốc vườn. Ánh nến leo lét trong gian phòng trống trải có người thiếu phụ ôm con chờ chồng, không đủ soi sáng hết không gian nhưng thừ soi sáng hết thời gian ngóng đợi. Đối với một số người theo đuổi sáng tác mới lạ, ánh sáng cũng chính là đường nét, trở thành cứu cánh chứ không còn là phương tiện đơn thuần.
3 – KHOÉ NHÌN QUA NỘI DUNG : Người chụp ảnh nghệ thuật sâu sắc chưa hài lòng với những hời hợt bề ngoài, lúc nào củng muốn khám phá cái tiềm ẩn của nội dung. Chiếc máy ảnh vô tri vô giác trên tay và cảnh vật cứ vô tình bầy ra trước mắt sẽ được tận dụng để nói lên một cách khéo léo cái gì đáng nói, đôi khi rất mong manh tế nhị.
Những người biểu tình đang ngủ ở Zuccotti Park, N.Y. trong những ngày “chiếm phố Wall” cuối tháng 9. Tác giả Eduardo Munoz/Reuters đã đặt ống kính thật thấp, sát mặt đất, làm nổi bật những người biểu tình ở tiền cảnh đang say ngủ vì mệt mỏi. Không lên lớp luân lý khô khan dạy đời cũng không yếm thế, người chụp ảnh vẫn có quyền bày tỏ thái độ, bực bội trước bất công dơ dáy và ca tụng những cao cả hy sinh.
Một chiếc xe gắn máy bốc cháy trên đường phố trong khi một xe bọc thép cảnh sát đang từ từ tiến tới. Biểu tình đòi trả tự do cho giáo chủ cuả đảng Jamaat-e-Islami ở BangladeshMunir . Ảnh cuả Uz Zaman/AFP. Trước cùng một cảnh vật, mỗi người cầm máy sẽ nhìn theo khóe nhìn riêng của mình, nếu ảnh này được chụp toàn cảnh từ trên cao xuống cõ lẽ sẽ không diễn tả hết được tinh thần đối kháng rực cháy cuả những người biểu tình.

Từ gia đình nhỏ hẹp đến xã hội rộng lớn, người chụp ảnh không chắp cánh bay lên cao chụp xuống, nhưng cứ mở rộng giác quan và bình tĩnh nhận định sẽ phát hiện không biết bao nhiêu thuận cảnh và nghịch cảnh. Ích kỷ, tự ái, bon chen, bẩn thỉu trái ngược với vị tha, cao cả, hy sinh, nhẫn nại, cần cù, ở mỗi con người đã có mỗi cá tính nói chi đến xã hội gồm nhiều con người sinh hoạt, những cá tính đó va chạm vào nhau để trở thành một trường ca bất tận đôi khi hòa hợp du dương nhưng đôi khi lại trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Không lên lớp luân lý khô khan dạy đời cũng không yếm thế, người chụp ảnh vẫn có quyền bày tỏ thái độ, bực bội trước bất công dơ dáy và ca tụng những cao cả hy sinh. Phương chi nghệ thuật ghi chép đơn thuần cành ngày càng phải nhường bước cho nghệ thuật mới xứng đáng với thiên chức của nó.
Bibi Aisha - Môt nạn nhân bị Taliban xẻo mũi vì dám chạy trốn khỏi những áp bức bất công cuả nhà chồng - Nhiếp ảnh, nghệ thuật ghi chép đơn thuần càng ngày càng phải nhường bước cho nghệ thuật mới xứng đáng với thiên chức của nó (Ảnh cuả phóng viên Nam Phi Jodi Bieber - tạp chí Time)
Trước cùng một cảnh vật, mỗi người cầm máy sẽ nhìn theo khóe nhìn riêng của mình.
Chúng ta dễ bén nhạy với nhưng gì hạp với sở trường. Người thích đường nét sẽ nhìn ra đường nét, người thích ánh sáng sẽ nhìn ra ánh sáng, người tha thiết với nội dung sẽ nhìn thấy chiều sâu của mỗi cảnh vật. Cho nên, trước cùng một cảnh vật, ba người chụp ảnh sẽ cho ra ba tác phẩm khác nhau.
Người chụp ảnh muốn tiến bộ sẽ không bao giờ đổ thừa ngoại cảnh là "chẳng có gì đáng chụp" mà phải tự trách mình chưa có hoặc chưa mở rộng được khóe nhìn riêng của mình.
Nguyễn Cao Đàm (Nhiếp ành nghệ thuật bươc hai)
Các ảnh minh hoạ trong bài không phải cuả tác giả.

Không có nhận xét nào: