Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

SỐNG CHẬM !

Đào Thị Thanh Tuyền


1. Bạn email cho tôi, dặn dò: “Cố gắng sống chậm!”. Tôi không hiểu lắm ý nghĩa hai từ “sống chậm” này. Tôi đoán, có lẽ ý bạn nói chậm chậm lại một chút và tập hưởng thụ đi, đừng “hùng hục” nữa! Một ngày của tôi luôn bắt đầu từ 4h30 sáng và kết thúc vào 10h tối. Có người cho rằng vậy là tôi đã sống chậm (bởi đi ngủ quá sớm) nhưng cũng có người nói tôi không sống chậm bởi dậy quá sớm! Một ngày, tôi quyết sống chậm theo cách của mình và cố gắng tạo cho được thói quen đó. Buổi sáng tôi dành khoảng một giờ đi bộ ra biển. Thật ra, đó không phải là quyết tâm của tôi cho môn thể dục buổi sáng không tốn kém này mà bởi vì đó là mẹ tôi, năm nay 74 tuổi. Nhiều năm trước, mẹ tôi thường xuyên ốm đau, nhờ đi bộ buổi sáng sức khoẻ bà khá lên rất nhiều. Hiệu nghiệm nhất là chứng tiểu đường, từ kết quả xét nghiệm ba bốn cộng gì đó mà nhờ chế độ kiêng khem, cộng với đi bộ buổi sáng giờ đây kết quả hoàn toàn âm tính. Một sáng chủ nhật tôi đi bộ cùng bà ra biển. Nắm chặt tay tôi, mẹ nói: “Đi với con má cảm thấy vững vì nắm tay con, giống như có điểm tựa vậy, đi với mấy bà bạn gìa chẳng ai nắm tay ai, nhiều lúc liêu xiêu muốn té!”. Thế là từ đó, tôi bỏ hết công việc viết lách chút đỉnh buổi sáng để đi bộ với mẹ. Lâu dần thành thói quen. Biết tôi tham công tiếc việc, sợ tôi bỏ cuộc, ngày nào mẹ cũng động viên: “Con cũng có tuổi rồi, ráng đi chút buổi sáng Nhiều bữa má cũng mỏi lắm, nhưng phải cố”. Nghe mẹ, tôi ráng. Có lúc bận bịu hết sức mà cũng đành phải đóng nắp máy vi tính đứng lên khi nghe tiếng mẹ gọi dưới đường (mẹ đi từ nhà mẹ qua nhà tôi). Từ nhà tôi ra đến biển chưa đến 2 cây số. Đến nơi, tôi và mẹ ngồi lại trên ghế đá ngắm biển, nhìn những dáng người lướt qua như giòng chảy chậm trên nền tiết tấu khoan thai của thời gian. Phía trước mặt có một khối cầu lửa ngày nào cũng ngoi lên đúng thời điểm. Khi quả cầu cách mặt nước khoảng chừng hơn thước và bắt đầu chói mắt thì tôi và mẹ đứng lên đi về. Tôi bắt đầu một ngày mưu sinh, mẹ bắt đầu một ngày với tờ báo tôi mua cho bà cùng ly cà phê sữa. Ngày rồi ngày, dù cố sống chậm cách mấy tôi cũng cảm thấy thời gian sao đi nhanh quá. Mới thứ hai đầu tuần nắm tay mẹ băng qua quảng trường, ngồi ghế đá vậy mà lục tục đến thứ bảy hồi nào. Chưa kịp làm gì đã hết tuần. Một tuần trôi qua niềm vui, nỗi buồn, thất vọng, hy vọng... Nhanh như cái chớp mắt!
2. Chiều cuối tuần, tôi nhận điện thoại của một người bạn trẻ: “Chị rảnh không đi uống nước với em”. Dù bận công việc chuẩn bị cho ngày thứ hai tôi cũng cố sắp xếp: “Ừ, em đến trước đi rồi chị sẽ ra”. Tôi cũng muốn sống chậm một chút trong buổi chiều cuối tuần, khi mà nắng vàng vẫn còn rực rỡ lắm. Xong chầu cà phê tôi sẽ trở lại cơ quan tiếp tục công việc, chẳng việc gì phải vội. Người bạn trẻ của tôi năm nay 40 tuổi đang theo cao học kinh tế và muốn mượn tôi một số tài liệu cho luận án đang làm. Tôi nhìn cô thao thao kể chuyện mà thấy ngợp. “Hồi học đại học khổ cực quá, tốt nghiệp xong em đốt hết sách vở thề không bao giờ học nữa.Vậy mà mười năm sau em học thêm đại học kinh tế. Học xong, sinh con, tất bật quá em không nghĩ mình còn sức để học, vậy mà giờ đây em sắp xong cao học rồi. Em chưa biết mình còn tiếp tục nữa hay không”. Tôi hỏi một câu khá ngây ngô và khá… tính toán: “Em học vậy có…lên chức không?”. Người bạn trẻ cười ngất nhìn tôi như nhìn một nhân vật hiếm hoi còn lại của thời bao cấp: “Chị lạc lõng với thời buổi làm ăn kinh tế bây giờ quá. Em học cho em. Em kiếm ra tiền từ những kiến thức đó”. Tôi vẫn ngáo ộp: “Kiếm tiền bằng cách nào chỉ chị với!”. Người bạn trẻ cười to hơn: “Nhát như chị sao giàu được. Một tháng em không làm gì hết đã có mười triệu !” Tôi tròn mắt thán phục. Trong cái đầu óc “thẳng thớm” của tôi vẫn không tài nào hiểu được cách giải bài toán để ra đáp số mười triệu mà chẳng phải làm gì! Chúng tôi chia tay, nắng chiều vẫn còn đọng trên những tàng cây một màu vàng óng đến nôn nao. Tôi nhìn mãi người bạn trẻ và không hiểu cô đang sống chậm hay sống gấp!
3. Sáng nay trên con đường ra biển tôi thấy lác đác những chùm hoa phượng màu đỏ thấp thoáng trong tán lá xanh. Mẹ tôi nói: “Hè lại về rồi đó!”. Có mùa phượng nào cùng tiếng ve râm ran trở về trong ký ức của mẹ? Có con đường phượng đỏ nào lướt qua trong ký ức của tôi? Chợt hiểu, bản chất của cuộc sống là vận động không ngừng, chậm hay nhanh do mình cả. Hai bốn giờ của một ngày là hằng số không đổi, công việc làm và suy nghĩ là biến số. Thôi thì, cố gắng sống tốt. Nếu kết hợp được hai vế: sống chậm và sống tốt và bằng lòng với những gì mình có thì có lẽ cuộc sống sẽ rất dễ chịu!
Tháng 4/2007

Không có nhận xét nào: