Thy Anh & Sáo Sành
Thy Anh photo - những ngày tháng 3 - 2012 - Canon 350D |
Hà Nội
tháng ba.
Người ta
bảo tháng ba bà già chết rét vì cái lạnh như cắt da cắt thịt. Nhưng, với những
du khách ba lô như chúng tôi, được đi dưới cái lạnh 12 độ quanh hồ gươm, ngắm
nhìn những hàng cây cổ thụ soi bong quanh hồ, đi mỏi chân thì ngồi nghỉ, đói bụng thì
vào phố cổ ăn bát bún thang hay một bát phở Bắc chính gốc, thật không còn gì
thú bằng.
Có lang
thang như vậy mới cảm được cái hồn cuả Phố Cổ Hà Nội, như nhà văn Tô Hoài đã viết.
Hồ Gươm đượm một vẻ đẹp gọn xinh, không dáng
dấp mênh mang như hồ Tây. Tưởng như một lúc nào đấy, đương giữa người người nô
nức chen chân giữa nơi đô hộ, ở Hàng Giò, Hàng Khay ra, ở Hàng Đào, Hàng Trống
dốc xuống, hốt nhiên gập một ánh nước thoáng như cái chớp mắt của con mắt ai
xanh biếc. Hồ Gươm đấy.
. . .
Nhớ Hồ Gươm, bao giờ tôi cũng trở lại tuổi
thơ tò mò, ngây dại, say mê với những trò chơi đếm cây, đố lá mỗi cây mỗi quả,
xem các mùa đổi lá, đổi mùa ra hoa không khi nào biết chán.
Làn cây ven Hồ Gươm như làn mi, như ai dướn
đôi lông mày. Không thể nghĩ cái đầm nước tuyệt vời ấy lại vắng làn mi những
rèm cây. . .
Có một lúc thong thả, chợt ngẩng nhìn nhận ra
những cây cổ thụ hôm nay trên bờ Hồ Gươm đều đã chào đời từ thế kỷ trước, thế
thì không biết bao nhiêu ông lão đeo ống tranh Gíang Kiều quẩy giành cây giống
đem từ các cửa ô Chợ Dừa, ô Yên Hoa vào. Phong tục nước ta, tuổi già có thói
quen quý hóa thường trồng cây cho đời sau. Mỗi cây Hồ Gươm đều đến từ cổng đồng,
cổng làng, bờ ao, mỗi cây đem về một hình ảnh mọi miền quê.
. . .
Cây Hồ Gươm! Cây Hồ Gươm! Từ trong đảo Ngọc
giữa hồ, những cây đa, cây si, cây sanh, cây đề vá những cây gạo mà ở đầu đình
làng nào cũng xum xuê. Thần cây đa, ma cây gạo. Những gốc gạo hiền lành, xù xì
như đá tảng vì những nhát dao tước vỏ cây từ thuở trong phố còn những cột đèn dầu
thắp ở các ngã tư đường thập đạo, người ta lấy vỏ gạo về làm thuốc bóp chân
xái, tay gẫy - những bài thuốc ai cũng thuộc.
Những cây trong vườn đã thành đại thụ cũng thấy
ở đây. Bảy cây lộc vừng vun lên một khóm mà nõn lộc vừng để ăn kèm gỏi cá mè,
những cây sung cổ quái mội mùa xuân vẫn trổ lá, quả sung muối dưa, lá sung non
lót nem chạo trên Phùng uống với rượu gạp Mễ Trì của ba làng Mai.
Và những cây me, cây sấu vốn mọc trước ngõ,
canh nấu quả me chua, nước rau muống luộc giấm sấu, lại đem làm chắm sấu trẻ
con nào cũng mê.
Cả những cây thường chỉ thấy trong cánh đồng
xa cũng la liệt ven hồ. Ở những đồng xâu, đồng xa, buổi trưa ngày mùa không kịp
về, người cầy đánh trâu vác bừa, quảy mạ lên nghỉ trưa tránh nắng bên những mái
cầu mái quán dưới bóng cây chôi, cây nhội, xum xuê già như những chiếc quạt
thóc dựng đứng.
Ô hay, bắt chợt vào mùa thu, hoa vông - đỏ
như hoa vông, đông như miếng tiết, chỉ đến mùa hoa vông đỏ khé một góc hồ mới
chợt nhớ, chứ hàng ngày qua dưới gốc vông, không ai để ý tới loại cây cọc rào
quá quen mắt ấy.
Và cả những cây rừng, những cây rừng cũng tới,
rừng Mai Châu, rừng đảo Cát Bà, ông lão đã quảy về đây những cây kim giao - mà
tiếng đồn ngày xưa vua chúa cầm đũa chỉ cần cầm đũa gỗ quí này.
Chớ lẫn cây mõ láng giềng với bẩy cây lộc vừng.
Cây quả móc, vô vị như quả sổ cây ven suối bọn trẻ con chỉ nhặt để vừa đá bòng
vừa chơi ném nhau.
Hai tiếng "Hồ Liễu" xưa nay thân
thiết gắn bó với Hồ Gươm, Hồ Gươm hồ liễu. Nhưng đừng ai tưởng lúc sầm uất nhất
quanh Hồ Gươm chỉ toàn dương liễu. Xưa này chưa bao giờ có quang cảnh ấy. Lệ liễu
Hồ Gươm không yêu kiều vì dặm liễu, dặm dài. Mà từ thuở nào, liễu Hồ Gươm chỉ
lác đác. Những cây liễu đứng một mình buông tóc trong gió in bóng hồ điểm trang
bức tranh hồ cuối thu phẵng lặng, hoa lộc vừng đỏ hay rơi từng đám như mưa bụi
xuống mặt nước.
. . .
Nhưng tôi nhớ nhất và cho đến tận bây giờ vẫn
không hiểu sao bên Hồ Gươm ngày trước có một cây ô môi, giữa mùa hạ hoa ô môi nở
như hoa đào. Chẳng lẽ đã có một ông lão trượng vác ống tranh cô tiên Gíang Kiều
từ Gò Công hay Hà Tiên đem ra thăng long một cành ô môi chiết đem trồng xuống
ven hồ chỗ đất chỗ nước lịch sử này? Sao không thể thế nhỉ? Khi Hồ Gươm hôm nay
đương đơm xôi lên những chùm bằng lăng hoa tím rừng miền đông Nam Bộ, những lão
ông đeo ống tranh Gíang Kiều hay những chiến sĩ trong cuộc chiền tranh vừa qua,
những con người không bao giờ chết đã đem những giống cây khắp quê hương về trồng
ven hồ.
. . . .
Cuối thế kỷ trước, khi người Pháp mới chiếm
Hà Nội, các công sở mọc lên bên kia, lúc ấy chưa có đường vòng hồ, ngày ngày
công chức làm việc đi thuyền tam bản từ bên đầu Hàng Gai, Hàng Trống qua gò Rùa
sang bên này.
Lịch sử đau thương quãng ấy đã sang trang rồi,
nhưng còn dấu tích trong cây. Ấy là những cây gỗ tếch chỉ thấy ở rừng Thượng
Lào, những cây cọ dại Châu Phi, những cây hoa phượng vĩ quê tận Tân Ghinê ngoài
châu Đại Dương, người Pháp đã đem từ các thuộc địa tới.
ẩm thực . . . vỉa hè , ngon tuyệt trong những ngày tháng ba Hà Nội |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét