Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Bánh bò quê

Sầm Thị Thúy Liễu – Vĩnh Long


Viết cho em trai

Hồi đó, nhà thì nghèo lại đông anh em thế mà hai chị em tôi lúc nào cũng thích giành nhau từ củ khoai đến những món đồ chơi chẳng đáng đồng tiền – điều đó nhiều lần đã khiến mẹ buồn lòng – nhưng chúng tôi nào biết.
Tôi được tám tuổi thằng em trai thì mới lên sáu thôi, nó cao và mập hơn nên tự quyền làm anh, nghỉ thật tức cười, đúng là đồ con nít.
Một lần, ngay lúc đang sửa nhà, thợ phụ thợ chính gần mười người ra vô trong nhà.  Vậy đó, mà hai chị em vô tư giành ăn …. một dĩa bánh bò của mẹ cho. Với những cái bánh bò nhỏ xíu làm từ bột gạo mà bà làm bánh đã khéo léo pha thêm màu lá dứa, màu lá cẩm cho xanh xanh đỏ đỏ để những đứa em nhỏ như tụi tui “mê tít..thò lò”. Ăn hết dĩa bánh cũng chưa đã thèm nói chi là phải chia hai, nghĩ vậy nên đứa nào cũng giành, nhất định là không cho đứa kia một cái nào. Giành giật, xô đẩy, rồi khóc um xùm.
 Mẹ bước tới hỏi, cứ nghĩ là hai đứa sẽ bị no đòn. Nhưng không, mẹ bước đi, hai chị em thở phào chuẩn bị giành hiệp hai thì thấy mẹ đem ra một túi tiền lẻ - tiền báo hôm qua bán được – ngồi đếm rồi tính tính gì đó. Hai chị em tôi khó hiểu nhìn theo. Mẹ bước ra cửa gọi bà bán bánh bò lại  mẹ nói với bà rằng “cho em thiếu lại một ít”, bà cười toe toét rồi bước đi bỏ lại một thau bánh bò chừng hai ba trăm cái. Ánh mắt hai chị em vẫn dõi theo những hành động khó hiểu của mẹ, chưa biết có nên reo lên vì mẹ mua bánh cho cả nhà và các cô chú thợ xây cùng ăn hay không – trong khi bữa nay chưa đi chợ kia mà.
Mẹ bưng một thau bánh đặt trước mặt hai chị em; “đây là phần của hai đứa, ăn cho hết, không được cho ai phụ, ăn không hết thì bị đòn, một cái bánh là một cây roi.” Mẹ còn dặn đi dặn lại những cô chú thợ xây nhà không được giúp đỡ.

 Thế là một thau bánh, nếu không đựng bánh thì tôi vào ngồi còn được, vậy thì làm sao ăn đây. Hai chị em tự động chuyển cảnh giành giật sang nhường nhịn, thay vì cứ ăn cho đã thèm đi rồi tới dâu thì tới, đánh mấy roi thì đánh. Hình như không đứa nào còn tâm trạng để mà ăn. Ngồi đếm từng cái bánh rồi tính ra từng cây roi. Hai chị em ngồi khóc thúc thít rồi năn nỉ nhau “thôi chị ăn đi, em không giành nữa”, “thôi em bự con ăn hết đi, chị ốm yếu bụng nhỏ ăn không nổi”. Cứ thể đến chiều đói bụng quá mà không cho ăn cơm nên phải ăn bánh, nhưng chừng năm hay sáu cái là cứ y như là cái bánh nuốt vô nó nằm ngang cổ họng. Lại năn nỉ, nhường nhịn rồi mếu máu trước bao nhiêu cặp mắt nhìn xong lắc đầu cứ y như là “chúng tôi đành bó tay”.
Đến lúc mà hai chị em đã bèo như …con mèo, và mâm bánh kia cũng khô queo theo hai đứa nhỏ. Câu chuyện cũng đến hồi kết thúc, mẹ bưng mâm bánh đi bỏ,  không nói lời nào, hình như mẹ khóc. Từ đó cảnh này không hề tái diễn dù chỉ một lần. Hai chị em hiểu nhường nhịn nhau có phải làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn không.

Chuyện cứ như hôm qua thế mà đã hơn hai mươi hai năm.
Chúng tôi lớn lên, trưởng thành rồi thành gia lập thất. Tôi đi làm xa nhà và cũng có những vướng mắc từ công việc, con cái. Còn thằng em nhỏ ngày nào trở thành người đàn ông cao ráo, dễ nhìn, em có vợ rồi vợ chồng lục đục đến nổi ly dị nên em đâm ra ù lì, chẳng còn sức sống. Lần này, mẹ lại lặng lẽ khóc vì đau và thương cho những nổi bất hạnh của từng đứa con.

Từ mâm bánh bò của hai mươi hai năm trước khiến tôi nghiệm ra một điều là: chưa chắc gì có được những thứ mình cố gắng níu kéo hay giành giật thì sẽ thấy vui vẻ và hạnh phúc. “ Thằng em trai của chị ơi! Cuộc sống là vậy, không ai không có điều bất hạnh nhưng làm sao để đứng lên mới là điều đáng quý nhất. Hôn nhân là chuyện của hai người chứ không của riêng em đâu, đừng giành giật níu kéo làm gì, vì chắc gì cuộc hôn nhân này trở lại thì em sẽ hạnh phúc”

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Những phụ nữ Dao Đỏ (sapa)

Dân tộc Dao gồm 4 nhóm chính: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Để phân biệt giữa các nhóm người Dao, người ta chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong trang phục người phụ nữ. Sở dĩ gọi là Dao đỏ vì trang phục của họ lấy màu đỏ là màu chủ đạo. Dao quần chẹt là dựa vào đặc thù quần của nữ giới được may bó sát vào đùi, bắp chân vấn xà cạp. Trang phục nữ Dao Quần Trắng có đặc điểm nổi bật là yếm rất to che kín cả ngực và bụng, tên gọi Dao Quần Trắng bắt nguồn từ phong tục trong lễ cưới phải mặc quần trắng. Người Dao Làn Tuyển mặc áo dài, đội mũ nhỏ như cái đấu gỗ.
Trong các nhóm Dao thì trang phục của người dao Đỏ thường được làm cầu kỳ và sử dụng nhiều màu sắc hơn cả.
(Ảnh chụp ở SAPA, máy ảnh canon 350D)

Mình Ơi… Mình À !


"Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai”.
Nhưng mình có tật nói dai,
Nên chi ta cứ cãi hoài không thôi.
Ta mình «hai đứa» một đôi,
Lâu lâu giận dỗi mỗi nơi một người.
Làm lành «hai đứa» lại cười,
Xáp vào lại hoá hai người một đôi.
Ngọt ngào cất tiếng : “Mình ơi !”,
Trên đời đẹp nhất là tôi với mình.
Đôi khi có chuyện bất bình,
Cãi nhau tôi lại với mình giận nhau.
Nhưng mà giận chẳng được lâu,
Giận nhau hôm trước hôm sau lại hoà.
Nhìn mình tôi bật cười xòa,
Nhìn tôi mình lại lăn sà vào tôi.
Chúng mình như đũa có đôi,
Có đôi để gọi : “Mình ơi… Mình à !”.
Bây giờ như cặp khỉ già,
Nhưng mà vẫn cứ : “Mình à… Mình ơi !”.
Khi nào thấy vắng bóng tôi,
Thì mình lại gọi : “Mình ơi… Mình à !”
Khi nào tôi thấy vắng bà,
Thì tôi lại gọi : “Mình à… Mình ơi !”
Gọi nhau cho trọn cuộc đời…

Tú Lắc

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Sức mạnh to lớn của cái gọi là "Chúng Ta"

STÉPHANE HESSEL (S. H): Thế giới không biến chuyển một cách nhanh chóng như chúng ta hằng mong mỏi, thế nhưng thật ra thì nó cũng đang thay đổi. Thông điệp của Ngài là một thông điệp mang lại sự tin tưởng và lòng can đảm. Riêng tôi thì tôi cũng cố gắng nói lên điều đó mỗi khi tôi có dịp tiếp xúc với giới trẻ và bằng khả năng giới hạn của mình mà thôi. Tôi nói với họ rằng hoàn cảnh tuy chưa thật thuận lợi, thế nhưng không nên đánh mất lòng tin và sự nhiệt tâm của mình, và luôn phải tìm cách để chứng tỏ lòng can đảm ấy của mình. Mọi sự rồi sẽ dần dần thay đổi, hoặc cũng có thể sẽ xảy đến một cách bất thần. Điều quan trọng nhất là không nên hành động một mình mà phải luôn sát cánh với các người khác. Thế hệ trẻ thuộc vào đầu thế kỷ XXI này được thừa hưởng nhiều lợi điểm hơn so với chúng ta trước đây nhiều. Ngày còn trẻ may ra thì đôi khi chúng ta cũng có thể điện thoại cho nhau, thế nhưng nào có biết e-mail, iPad, v.v... là cái gì đâu ? Ngày nay, con tôi, cháu tôi và cả chắt của tôi nữa, đứa nào cũng sử dụng các thứ ấy. Một lời nói đúng hay một hình ảnh gây ra xúc động mạnh ngày nay có thể truyền đi khắp thế giới một cách nhanh chóng.

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA (Đức ĐLLM): Thật thế các kỹ thuật tân tiến ngày nay quả đúng là một lợi điểm thật to lớn.

S. H. : Cái xã hội tân tiến của chúng ta thật ra hết sức mong manh. Cứ tưởng chừng như nó đang sụp đổ đến nơi. Chính vì thế nên biết đâu sự biến đổi cũng có thể xảy ra nhanh chóng hơn so với các thế kỷ trước đây. Phải mất biết bao nhiêu thế kỷ tranh đấu để con người dám nói lên về nhân quyền? Bốn hay năm thế kỷ? Thưa Ngài Thánh Thiện, Ngài có một lợi điểm vô cùng lớn lao là được thừa hưởng những giá trị tinh thần lưu lại đã từ hàng nghìn năm, và sức mạnh của các giá trị ấy không có gì có thể lay chuyển được, bằng chứng là qua biết bao nhiêu thế kỷ thử thách thế nhưng cái tinh thần ấy vẫn vững mạnh và còn đó. Đối với chúng tôi thì nào chúng tôi có thừa hưởng được những thuận lợi như thế đâu. Chúng tôi chỉ biết trông cậy vào những gì xảy ra vào thế kỷ XVI, bởi vì vào thế kỷ này thì Âu Châu mới bắt đầu thay đổi, và chiều hướng đó ngày càng trở nên rõ rệt hơn nhờ vào các cuộc cách mạng Pháp, Hoa Kỳ và Nga Sô. Dù bằng cách nào đi nữa thì lịch sử của chúng tôi cũng chỉ được hình thành một cách tuần tự. Thế nhưng đối với Ngài thì tôi có cảm giác rằng Ngài đang bình chân trên một mảnh đất thật vững chắc, một nền tảng thật lâu đời đã từ nghìn năm lưu lại.

Đức ĐLLM : Truyền thống tín ngưỡng Do Thái và Ki-tô Giáo cũng rất lâu đời! Riêng cá nhân tôi thì tôi vẫn tin rằng các anh chị em thuộc Ki-tô Giáo đã mang lại thật nhiều lợi ích quý giá trong các lãnh vực giáo dục và sức khoẻ khắp nơi trên thế giới. Những gì Phật Giáo thực hiện được thì rất là ít. Đối với Hồi Giáo thì khá giới hạn và Ấn Giáo cũng thế. Gần đây tôi có tham dự lễ kỷ niệm ngày mất của mẹ Theresa tại Calcutta, tôi mượn dịp này để nêu lên là sở dĩ bà đã có được sức mạnh nội tâm và lòng quả cảm như thế ấy là nhờ vào tín ngưỡng Ki-tô Giáo và tình thương yêu của bà đối với Thượng Đế. Thật hết sức kỳ thú khi cảm thấy mình được đến gần với Trời, thế nhưng ngược lại thì điều đó cũng sẽ khiến cho chúng ta không quan tâm đúng mức đến việc phải cải biến chính tâm thức mình. Đối với Phật Giáo thì Đức Phật đã từng nói với tất cả các đệ tử như sau : "Không nên chỉ biết dựa vào sự sùng kính và đức tin để chấp nhận giáo huấn của Ta, mà chỉ nên chấp nhận nó khi nào đã nghiên cứu nó thật cẩn thận". Phép tu tập đó sẽ giúp chúng ta biết ý thức nhiều hơn đến trách nhiệm của chính mình: Thượng Đế của các tín ngưỡng Do Thái và Ki-tô Giáo thì nhận lãnh tất cả trách nhiệm về mình (về những gì do mình sáng tạo và những gì xảy ra), thế nhưng Đức Phật thì lại đặt trách nhiệm lên hai vai của các đồ đệ của Ngài!

S. H. : Xin cám ơn Ngài đã nhắc nhở cho chúng tôi biết là phải tập gánh vác trách nhiệm của con nguời.

Đức ĐLLM : Vâng đúng thế, chúng ta có thể đem ra áp dụng nguyên tắc tương liên nhằm phát động cái gọi là "Chúng Ta" thật to lớn đó, tức gồm toàn thể cả địa cầu này. Cái "Chúng Ta" ấy đáng giá hơn nhiều so với cả một tòa tháp "Chọc Trời". Thế nhưng hiện tại thì chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi tình trạng cách biệt giữa "chúng  ta" và "người khác". Cái biên giới chia cách đó bắt rễ quá sâu trong tâm thức chúng ta khiến cho chúng ta chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của riêng mình mỗi khi có tranh chấp, và đôi khi còn tệ hơn nữa tức là còn tìm cách khai thác hay hăm dọa cả những người láng giềng của mình nữa. Đấy là nguồn gốc sinh ra bạo-lực và chiến tranh. Dù sao đi nữa nếu biết ý thức được ý nghĩa của tình huynh đệ toàn cầu là gì thì con tim mình nhờ đó cũng sẽ mở rộng ra một cách tự nhiên hơn. Chúng ta cũng sẽ biết hành động sáng suốt và ngay thật hơn, để mang lại cho chúng ta sức mạnh nội tâm và sự tự tin, tự tin nơi mình và đối với người khác nữa, và đấy cũng là cách giúp mình phát lộ được tình nhân ái. Tôi thường nhớ lại khoảng thời gian sáu mươi năm sau này trong cuộc đời tôi, trong cái khoảng thời gian đó tôi đã từng trải qua không biết bao nhiêu sóng gió. Tôi đã từng phải chịu đựng nhiều thảm trạng cũng như các cảnh huống thật nặng nề, thế nhưng dù sao đi nữa thì tôi vẫn chưa được nếm mùi của những ngày tháng mà ông bạn của tôi đã bị giam cầm trong các trại tập trung...

S. H. : Cái thời gian đó cũng không đến nỗi quá dài trong trường hợp của tôi... Vì thật ra thì tôi cũng chỉ bị nhốt trong trại tập trung có mười tháng!

Đức ĐLLM : Tất cả các khó khăn đến nay vẫn còn nguyên vẹn, và cả sự sợ hãi nữa, thật là điều đáng buồn. Dù sao đi nữa thì trong những lúc ấy tôi vẫn cảm thấy tâm thức tôi luôn trong tình trạng an bình.

Nguồn : Đức Đạt-lai Lạt-ma và Stéphane Hessel - Vì sự tiến bộ tinh thần / Hãy cùng tuyên bố Hòa Bình ! Tác gỉa : Sylvie Crossman & Jean-Pierre Barou

Sống trọn vẹn với từng phút giây hiện tại

Hoàng Độ - Đồ Mi thực hiện

Sam Hamill
 LTS: Sam Hamill là một nhà thơ đương đại Mỹ. Với tư cách là chủ bút kiêm sáng lập gia của Nhà Xuất bản Copper Canyon, nơi phát hiện ra những nhà thơ cự phách đương đại của Hoa Kỳ. Sự nghiệp của Sam Hamill đã có ảnh hưởng lớn đến nền thơ ca Mỹ. Ông đồng thời là một nhà phê bình, nhà biên tập và dịch giả trong suốt hơn 3 thật kỷ qua với những bản dịch chuẩn xác, có duyên, chuyên chở được hương vị Đông phương trong ngôn ngữ Tây phương. Ông đã từng dạy trong các nhà tu 14 năm và hoạt động giúp đỡ các phụ nữ và trẻ em bị đối xử tệ hại. Đặc biệt, ông là một Phật tử sống và hành trì theo tư tưởng Thiền trong hơn 40 năm qua. Ông đã dịch nhiều tác phẩm thơ Thiền Nhật Bản và Trung Quốc sang tiếng Anh, tiêu biểu có các tập Basho tinh yếu, Qua Hoàng Hà: 300 bài thơ Trung Quốc. Ông cũng là nhà thơ có sức viết dồi dào với hơn 14 tập thơ, trong đó phải kể đến Điểm đến số không và Biết ơn. Ông còn là một nhà thơ phản chiến, năm 2003, ông đã phát động phong trào thi sĩ chống chiến tranh tập hợp hơn 13.000 bài thơ của hơn 12.000 nhà thơ sáng tác chống lại chủ trương chiến tranh Iraq của Chính phủ Hoa Kỳ. Từ đó ông đã xuất bản tuyển tập thơ Thơ chống chiến tranh, tập thơ này đã trở thành best – seller ở Mỹ.
Ngày 18 – 1 vừa qua, qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Bá Chung, giảng viên Đại học Massachusetts Boston – Mỹ, Sam Hamill đã đến thăm tòa soạn Văn Hoá Phật Giáo nhân chuyến sang thăm Việt Nam của ông và phái đoàn nhà thơ Hoa Kỳ. Ông đã dành cho “Bên tách trà” một cuộc trao đổi nhỏ xung quanh những suy nghĩ của ông về Phật giáo.

VHPG: Thưa ông, được biết ông là một Phật tử. Ông có thể kể một chút về con đường đưa ông đến với đạo Phật?
Ông Sam Hamill: Từ khi còn nhỏ, tôi đã mơ ước trở thành một nhà thơ. Thời thanh niên, tôi rất thích trường phái thơ Beat, một trường phái thơ chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Đông. Trong nhóm thơ đó, có nhiều nhà thơ như Gary Snyder, Philip Whalen coi sự hành trì Phật giáo là rất quan trọng. Họ khuyên tôi nên xem sự hành trì là cốt yếu thay vì chỉ đọc sách. Và tôi quyết định gia nhập thủy quân lục chiến để có cơ hội đi ra nước ngoài. Tôi được gởi sang đóng quân ở Okinawa, Nhật Bản. Tôi là một người lính thủy quân lục chiến tồi bởi vì tôi thì đi kiếm tìm đạo Phật còn quan điểm huấn luyện cho một lính thủy quân lục chiến Mỹ lại ngược hẳn với quan điểm Phật giáo. Thời gian ở Nhật, tôi bắt đầu theo học và thực tập Thiền định. Tôi đã trở thành một Phật tử như thế.
VHPG: Vậy bây giờ ông có còn tiếp tục thực tập Thiền?
Ông Sam Hamill: Đương nhiên, tôi đã thực tập Thiền liên tục trong 40 năm qua.
VHPG: Là một Phật tử hành thiền lâu năm như vậy, khi làm thơ, ông có để cho tinh thần Phật giáo đi vào thơ mình không?
Ông Sam Hamill: Phật giáo đi vào tất cả những gì tôi làm bởi vì tôi là một Phật tử.
VHPG: Vậy nó đi vào một cách tự nhiên hay do chủ ý của ông?
Ông Sam Hamill: Đối với tôi. Phật giáo không phải là muối hay tiêu để ta có thể rắc lên thức ăn khi nào ta muốn. Với tôi, Phật giáo là tất cả những gì nằm trong tôi. Nếu có ai đó đọc thơ tôi và bảo rằng anh ta thích vì có đoạn này đoạn kia mang tinh thần Phật giáo thì với tôi, lời nhận xét ấy chẳng có ý nghĩa gì. Cách đọc ấy chứng tỏ rằng người đó đi tìm trong thơ tôi những gì có yếu tố Phật giáo. Với tôi không phải vậy, tôi nghĩ Phật giáo thấm vào tôi và tôi cố gắng sống với nó trong từng giây phút. Tôi hy vọng thơ tôi mang dấu ấn đó. Tôi cố gắng hành trì theo tinh thần Phật giáo.
VHPG: Ông đã từng học Thiền ở Nhật Bản, dịch nhiều sách và thơ Thiền Trung Hoa, ông có quan tâm đến Thiền Việt Nam, đặc biệt là thời Lý – Trần và có nhận xét gì về nó?
Ông Sam Hamill: Tôi đã dịch nhiều thơ Thiền Nhật Bản, Trung Qụốc và cũng đã đọc thơ Thiền Việt Nam. Thơ Thiền mỗi nước có một đặc điểm riêng cũng giống như tinh thần của Thiền mỗi nước vậy.
Khi còn trẻ, ở Nhật Bản, tôi đã thực hành nhiều công án theo truyền thống của Thiền Nhật Bản. Tôi rất ngạc nhiên khi đến Việt Nam, thấy các nhà sư Việt Nam ít sử dụng công án, có thể nói là hầu như không sử dụng.
Thực sự, tôi chỉ mới tới Việt Nam được một tuần lễ nên chỉ mới thưởng thức được chút xíu mùi thơm của Thiền Việt Nam chứ chưa thực sự được nếm vị Thiền Việt Nam. Khi còn thực tập Thiền ở Nhật, tôi biết rằng, Nhật Bản có rất nhiều trường phái Phật giáo, Thiền khác nhau, khu biệt và độc lập. Còn khi đến Việt Nam, tôi lại biết rằng ở Việt Nam có truyền thống Thiền – Tịnh song tu. Điều này không thể được chấp nhận ở Nhật Bản nhưng ở Việt Nam thì đã trở thành truyền thống. Tôi biết rằng trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản và Trung Hoa luôn có những tranh luận giữa việc thực hành công án và việc tọa thiền. Ở Việt Nam không có sự khác biệt này. Tôi rất thích sự cắt ngang tông phái, xóa nhòa sự khu biệt tông phái một cách hữu cơ như vậy của truyền thống Phật giáo Việt Nam. Tôi vốn không thích hệ thống truyền thừa và những khuôn khổ quá chặt chẽ. Chính vì lý do đó, dù là một Phật tử nhưng tôi không bao giờ có ý định gia nhập một thiền viện nào hết. Tôi sinh ra vốn không biết bố mẹ mình là ai, vì thế mà tôi tìm thấy bố mẹ, anh chị em ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ, tinh thần Phật giáo thực sự cũng như vậy.
VHPG: Liệu ông có nghĩ rằng kiếp trước mình thuộc về một nước Á Đông?
Ông Sam Hamill: Tôi không biết kiếp trước của mình như thế nào, cũng không biết kiếp sau ra sao. Tôi vốn không tin tưởng vào những gì mình không biết rõ. Tôi chỉ biết rằng tôi đang sống ở giây phút này và tôi muốn sống trọn vẹn với nó. Tôi nghĩ rằng, mình còn chịu ảnh hưởng quan điểm của Khổng giáo, chuyện hiện tại của thế giới này mình vẫn chưa hiểu hết, đừng quá lo lắng tới những chuyện của thế giới khác.
VHPG: Trong kinh Nhất Dạ Hiền Giả, Đức Phật có dạy: “Không truy tìm quá khứ/ Không ước vọng tương lai/ Quá đã qua rồi / Tương lai thì chưa đến/ Chỉ quán pháp hiện tại/ Hôm nay nhiệt tâm làm/ Ai biết chết ngày mai…”.Chúng tôi nghĩ rằng, ông là một người rất thấm Phật pháp…
Ông Sam Hamill: Lời khen này thật quá lớn với tôi. Thực ra, trong cuộc đời, tôi dành rất nhiều thời gian tìm hiểu quá khứ để hiểu hơn về hiện tại. Giá thiết thực của cuộc đời chính là giây phút hiện tại.
VHPG: Được biết, ông còn là một nhà thơ phản chiến, ông có suy nghĩ gì về chiến tranh?
Ông Sam Hamill: Trong chuyến thăm Việt Nam này, tôi đã có dịp thăm các nạn nhân chất độc da cam. Tôi rất xúc động.
Trong 3 thập kỷ qua, nước chúng tôi đã xuất khẩu những chất độc và bạo lực. Cái hay của Phật giáo là tinh thần từ bi, từ ái. Con người phải sống với hiện tại để từ bi, từ ái. Thật đáng tiếc là người dân Mỹ không biết được những gì mà nhà nước Mỹ đã gây ra cho người dân của nhiều nước khác trên thế giới.
VHPG: Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Ấn tượng của Việt Nam trong ông là gì?
Ông Sam Hamill: Phức tạp! (Cười).
Dòng xe cộ thì dường như điên loạn. Nhưng thức ăn lại tuyệt ngon. Người Việt Nam rất nồng hậu và thân thiện.
Một tuần ở Việt Nam, tôi chủ yếu gặp các nhà thơ và các nhà sư nên chưa thực sự biết được đời sống của người lao động bình thường Việt Nam như thế nào. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Phải rất cẩn thận với những cảm xúc đầu tiên”. Bồ Đề Đạt Ma mới trông có bộ dạng như một con sư tử nhưng trong trường hợp này ngài thực sự là một con sư tử.
VHPG: Cảm ơn ông. Chúc ông luôn an lạc trong từng phút giây của hiện tại.
(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 26)

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

VỚI MỘT TẤM LÒNG RỘNG MỞ

Yongey Mingyur Rinpoche & Eric Swanson

Trẻ em Afghanistan
Bởi vì tất cả chúng ta đều sống cùng một xã hội, một hành tinh duy nhất, cho nên chúng ta phải học cách cư xử với nhau.
Trong một thế giới không có từ tâm, cách duy nhất chúng ta có thể cư xử với nhau là qua sự áp đặt của các tác nhân bên ngoài, như cảnh sát, quân đội, luật pháp và vũ khí để hậu thuẫn cho luật pháp. Nhưng nếu chúng ta biết cách phát huy lòng tử tế và tình thương lẫn nhau - với một nhận thức tự nhiên rằng bất cứ điều gì chúng ta làm để có lợi cho mình cũng phải có lợi cho những người khác, và ngược lại - thì chúng ta chẳng cần gì đến luật pháp, quân đội, cảnh sát, súng ống, hoặc bom đạn. Nói cách khác, hình thức an ninh tốt nhất mà chúng ta có thể tạo ra là phát huy một tấm lòng rộng mở.
Tôi nghe một số người nói rằng nếu ai ai cũng tử tế và từ tâm thì cuộc đời này sẽ là một nơi chán ngắt. Con người sẽ chẳng khác gì những con cừu, chỉ ngồi không chẳng biết làm gì. Thật sai lầm, một cái tâm nhân từ là một cái tâm tinh cần. Cuộc đời không thiếu những điều rắc rối; hàng nghìn trẻ con chết mỗi ngày vì đói; người ta giao tranh nhau trong các cuộc chiến chẳng bao giờ được báo chí nói đến; các khí độc tích tụ trong không khí đang đe dọa cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng ta chẳng cần phải nhìn đâu xa mới thấy được sự đau khổ. Chúng ta có thể thấy cái khổ ngay quanh ta: nơi những đồng nghiệp đang trải qua nỗi đau ly dị; nơi người họ hàng đang phải đương đầu với những chứng bệnh thể chất và tinh thần; nơi người bạn vừa mất việc làm; nơi hàng trăm con vật phải chết mỗi ngày vì không được cần đến nữa hoặc bị bỏ rơi.
Nếu bạn thực sự muốn thấy thế nào là một tấm lòng từ bi, thì đây là một bài tập hết sức đơn giản không làm bạn mất hơn năm phút. Hãy ngồi xuống với một cây bút và tờ giấy rồi liệt kê ra mười điều rắc rối mà bạn muốn thấy được giải quyết. Dù là những vấn đề toàn cầu hay ở bên nhà bạn, điều đó không quan trọng. Bạn không cần tìm ra những giải pháp. Hãy chỉ lập bảng liệt kê thôi.
Hành động đơn giản viết ra một bản liệt kê như thế sẽ làm thay đổi thái độ của bạn một cách đáng kể. Nó sẽ đánh thức lòng trắc ẩn tự nhiên của chân tánh bạn.