Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

LỢI ÍCH CỦA TỨ VÔ LƯỢNG TÂM TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


BS NGUYỄN QUÝ KHOÁNG

GUERNICA - Tranh của họa sĩ Picasso
 
I-ĐẠI CƯƠNG
         Những năm gần đây, khi nhìn cuộc sống xảy ra chung quanh mình, tôi thấy không khỏi ái ngại. Từ gia đình cho đến xã hội, từ quốc gia ra đến thế giới, đầy rẫy những điều đáng buồn:
-nào là những xung đột trong gia đình vì tranh chấp nhà đất,vì rượu chè-cờ bạc-ghen tuông…
-nào là những tội ác trong xã hội như giết người-cướp của trong khi thủ phạm chưa đến tuổi thành niên, nào là văng tục và bạo lực giữa học trò với nhau, nào là hành hạ hoặc lạm dụng tình dục trẻ em tệ hơn loài cầm thú, nào là mâu thuẫn giữa bệnh nhân và thầy thuốc, nào là việc rải đinh trên một số quốc lộ, nào là vứt chuột chết ra ngoài đường, nào là các tệ nạn xì ke-ma tuý, thuốc lắc, mại dâm như bắt cóc bỏ dĩa…
-nào là những khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới như  ngày 9 tháng 11 năm 2001 tại Nữu Ước, các khủng bố tự sát tại đảo Bali,Indonesia hoặc tại các nước Trung Đông v…v.
-nào là những ngòi nổ chiến tranh khu vực hoặc thế giới tại Trung Đông,Triều Tiên hay Biển Đông…
-nào là những thiên tai như động đất tại Trung quốc,Thổ Nhĩ Kỳ, sóng thần tại Thái lan, Indonesia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, núi lửa ở Philippines, lốc xoáy tại Hoa Kỳ, lụt lội tại Việt Nam, Thái lan…
-nào là bệnh SIDA, bệnh bò điên, bệnh heo lở mồm long móng, bệnh cúm gia cầm lan tràn khắp nơi…
-Gần đây nhất (16/12/2012) là vụ cưỡng bức tập thể và đánh đập một nữ sinh viên Ấn Độ trên xe buýt giữa thủ đô New Dehli khiến cô gái chết tại bệnh viện. Chúng ta khó có thể hình dung được con người còn tệ hơn con thú khi không làm chủ bản năng của mình. Cả thế giới căm phẫn, cả nước Ấn Độ thương xót cô gái và kêu gọi chính phủ Ấn phải trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội và có biện pháp tránh tội ác này lại xẩy ra.
 Tôi nhớ lại ví dụ Ngôi nhà lửa trong Kinh Pháp Hoa. Đúng là con người chúng ta sống trên trái đất này như sống trong một ngôi nhà đang cháy đến mức không chỗ nào có thể chắc chắn là bình yên vì lửa tham, lửa sân, lửa si. Vậy có cách nào để giảm thiểu các tai hoạ này không ? Thật tình không phải là dễ. Nhớ lời của Khuyết Danh: “Chúng ta không thể thay đổi hướng gió nhưng có thể điều khiển được cánh buồm” nên theo tôi, trước mắt, mỗi người chúng ta phải tự sửa mình cho tốt hơn trên cơ sở Tứ vô lượng tâm mà Đức Phật đã dạy.Vậy Tứ vô lượng Tâm là gì?
II-TỨ VÔ LƯỢNG TÂM LÀ GÌ?
        Người ta còn gọi là Bốn Tâm rộng lớn gồm có: TỪ, BI, HỶ, XẢ . Bốn Tâm này giúp con người trở nên hoàn thiện và có lối sống của bậc thánh. Nếu mỗi người đều gắng công trau dồi bốn Tâm  này , không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da, hay nam nữ v.v... quả địa cầu nầy sẽ trở thành một thiên đường trong đó tất cả chúng sanh chung sống điều hòa, an vui trong tình huynh đệ  và mỗi người sẽ là một công dân lý tưởng của một thế giới thanh bình an lạc.
      Bốn đức độ cao thượng ấy còn được gọi là vô lượng vì Từ, Bi, Hỷ, Xả rộng lớn bao la, không bờ bến, không biên cương, không bị hạn định. Bốn Tâm này bao trùm tất cả chúng sanh, người hay thú, không từ bỏ sanh linh nhỏ bé nào. Dầu theo tôn giáo nào hay hấp thụ văn hóa nào, mỗi người đều có thể trau dồi bốn đức độ nhẹ nhàng êm dịu ấy để trở nên một phước lành cho mình và cho kẻ khác.
     1-Tâm Từ (Mettà) lòng thành thật ước mong tất cả chúng sanh đều sống thật sự an lành hạnh phúc. Tâm Từ  không phải sự yêu thương thiên về nhục dục, cũng không phải lòng trìu mến, luyến ái một người nào bởi vì cả hai, tình dục và luyến ái đều là nguyên nhân chắc chắn sẽ phát sanh phiền muộn. Tình thương luyến ái luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, không sánh được với tâm Từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ bao la. Tâm Từ bao la rộng rãi, đồng đều, đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, những người không quen biết kể cả những người có ác ý với mình. Người thực hiện tâm Từ đến mức cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sanh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Người có tâm Từ luôn luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả, chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người và không bao giờ soi mói đến khuyết điểm của người khác.
 Sau đây là một vài chỉ dẫn thực tế để thực hành tâm Từ:Trước tiên hành giả phải gieo trồng tâm Từ cho chính mình: Muốn vậy, phải rải khắp châu thân và tâm những tư tưởng an vui hạnh phúc.
Hành giả tưởng niệm:"Tâm tôi rất yên tĩnh, thân tôi rất an vui. Tôi không bệnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận. Tôi thể hiện tâmTừ. Hào quang từ ái bao phủ chung quanh tôi dập tắt mọi tư tưởng ích kỷ, mọi xúc động thù nghịch. Tôi không còn cảm xúc trước cơn xung nộ xấu xa của kẻ khác. Tôi lấy tốt đáp xấu, lấy tâm Từ đáp lại lòng sân hận."
Hành giả rải tâm Từ đến thân bằng quyến thuộc rồi đến bạn bè và những người không quen biết.   Kế đó, hành giả rải tâm Từ đến cho những người có ác ý với mình ( nếu có) và cuối cùng đến những người coi mình là thù địch. Hành giả rải tâm Từ đến tất cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu da, hay nam nữ, không từ bỏ một loài cầm thú nhỏ nhen nào. Hành giả tự đồng hóa với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, thấy vạn vật với mình là một.
2-Tâm Bi (Karunà) động lực làm cho tâm người  rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Ðặc tánh của tâm Bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi cảnh khổ.
Chính  nhờ tâm Bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phục vụ. Người có tâm Bi không sống riêng cho mình mà cũng sống cho kẻ khác, luôn luôn tìm cơ hội để giúp đời nhưng không bao giờ cầu mong được đền ơn.Những kẻ nghèo nàn đói rách, những người túng thiếu cơ hàn, đau ốm, cô đơn, dốt nát, hư hèn, người có đời sống buông lung, là hạng người cần đến tâm Bi của những tấm lòng trắc ẩn cao thượng, không luận nam nữ, không phân biệt chủng tộc, giai cấp hoặc tôn giáo.
Người giàu tiền của có bổn phận giúp đỡ kẻ nghèo về vật chất. Cùng vậy, người giàu tinh thần đạo đức cũng có bổn phận giúp đỡ kẻ thiếu kém về tinh thần, mặc dầu người ấy có thể là một đại phú gia. Tâm Bi  bao trùm tất cả chúng sanh đau khổ, nhưng riêng đối với hạng người bị bệnh  tinh thần, suy kém đạo đức, ta nên đặc biệt thương xót và hết lòng dẫn dắt họ trở lại đường lành.   Đức Phật có nói:"Người  nào chăm sóc người bệnh là chăm sóc Như Lai" hay “Phục vụ chúng sinh là Cúng dường Chư Phật”.Cũng như tâm Từ , tâm Bi  vô lượng, vô biên, vô hạn định, phải được rải đến cho tất cả những chúng sanh đau khổ, bơ vơ, chí đến những loài cầm thú và những chúng sanh còn trong trứng.
3-TâmHỷ (Mudità)
 là sự vui thích với hạnh phúc của người khác, trước sự thành công của người khác. Tâm Hỷ có chiều hướng loại trừ lòng ganh tỵ vốn là kẻ thù trực tiếp của nó.
Nếu so sánh với tâm Từ và tâm Bi, tâm Hỷ lại càng khó thực hiện. Muốn phát triển tâm Hỷ phải có ý chí mạnh mẽ và phải tận lực cố gắng.
Tâm Hỷ  bao trùm tất cả chúng sanh giàu có và hữu phúc, là phẩm hạnh thành thật hoan hỷ , ngợi khen và chia vui với họ. Tâm Hỷ có chiều hướng loại trừ mọi hình thức bất mãn, ganh tỵ trước sự thành công của người khác.
 
4-Tâm Xả (Upekkhà)
thái độ vô tư, thản nhiên, an tĩnh. Tâm Xả lánh xa tham ái và bất mãn và là  đức tánh thứ tư trong bốn Tâm Vô Lượng, khó thực hành nhất  mà cũng cần thiết nhất trong bốn phẩm hạnh cao thượng nầy. Như trong trường hợp của ba phẩm hạnh kia, người thù trực tiếp của tâm Xả là luyến ái và kẻ thù gián tiếp là trạng thái lãnh đạm, thái độ lạnh lùng, quay lưng với thế sự.
Kinh Phật có dạy:
      “Không nên trả thù. Khi bị nguyền rủa, mắng chửi, phải biết câm như cái mõ bể. Ðược như vậy tức đã đứng trước ngưỡng cửa Niết Bàn, mặc dầu trong thực tế chưa đắc Quả Niết Bàn”.
      “Vững như voi không run sợ tiếng động, ta không nên để tâm bị rối loạn trước những lằn tên có tẩm thuốc độc của miệng lằn lưỡi mối. Như gió thổi ngang màn lưới mà không vướng mắc trong lưới, tuy sống giữa chợ mà không  say mê những lạc thú huyền ảo của thế gian vô thường  này. Như hoa sen không bị bùn dơ nước đục làm nhơ bẩn, vượt lên khỏi bao nhiêu quyến rũ của thế gian, ta phải sống trong sạch, luôn luôn tinh khiết, an lạc và thanh bình, không bị nhiễm ô." 

Để dễ hiểu, chúng ta có thể nói:
Tâm Từ bao trùm tất cả chúng sanh, đau khổ và an vui, 

Tâm Bi, với  những chúng sanh đau khổ, 

Tâm Hỷ, với những chúng sanh hạnh phúc,

Tâm Xả  phủ khắp những gì tốt đẹp và những gì xấu xa, những điều  thích thú và những điều nghịch lòng. 

III-LỢI ÍCH CỦA TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
      Con người là một chúng sanh huyền bí có nhiều tiềm năng phi thường. Có hai năng lực trái ngược luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm trong mỗi người. Một, hướng về trạng thái cao thượng trong sạch, đặc tánh của bậc Thánh Nhân và một, hướng về những điều tội lỗi nhơ bẩn của kẻ sát nhân tàn bạo. Cả hai tiềm lực nầy đều có thể phát sanh bất ngờ với một sức mạnh vô cùng hùng hậu. Xuất phát từ đâu? Nào ai biết. Chỉ biết rằng nó luôn luôn nằm bên trong ta, nhiều hay ít, mạnh hay yếu, tùy trường hợp.
Trong guồng máy phức tạp của con người, có cái Tâm vô cùng dũng mãnh. Tâm chứa đựng một kho tàng đức hạnh và một hầm tật xấu. Người biết vun bồi đức hạnh là một phước lành cho nhân loại. Kẻ bị tật xấu chi phối là một đại họa.
Những ai có chí hướng trở thành bậc vĩ nhân cao thượng và hữu ích, những ai muốn vượt lên trên đám đông quần chúng để phục vụ nhân loại bằng cách nêu gương lành trong sáng và ban bố những lời dạy hữu ích, những ai muốn tận dụng cơ hội quý báu được sanh làm người, đều cố sức  gột rửa các tật xấu còn lại và phát triển những đức hạnh đang ngủ ngầm trong tâm.
Khai thác hầm mỏ là một điều khó. Ðể tìm mỏ kim cương, mỏ dầu, hay một nhiên liệu quý báu khác, con người phải tốn hao biết bao tiền của và công lao, phải trải qua biết bao hiểm nguy gian khổ, đôi khi phải hy sinh cả mạng sống  để đào sâu trong lòng đất. Nhưng để khai thác kho tàng vô giá đang ngủ ngầm bên trong mình, chỉ cần kiên trì cố gắng và nhẫn nại gia công.
Thế thường, ta coi tật xấu của con người là thiên tánh ngẫu nhiên bộc phát. Âu cũng là một điều lạ! Cũng lạ thay, tuy rằng đối chiếu với mỗi tật xấu có một phẩm hạnh xác thực mà mọi người đều có thể thọ hưởng, ta lại không coi phẩm hạnh ấy là thông thường, phải có.
-Sân hận  là một tật xấu có sức tàn phá vô cùng khốc liệt. Ðối diện với lòng sân,Tâm Từ là một đức độ nhẹ nhàng êm dịu làm cho con người trở nên cao thượng, tuyệt luân.
-Hung bạo là một tật xấu khác đã gây nên biết bao tội ác và biết bao hành động bạo tàn trên thế gian. Tâm Bivị thuốc công hiệu để tiêu trừ bệnh hung bạo.
-Ganh tỵ  là chất độc cho cơ thể, vừa là động lực thúc đẩy con người vào những cuộc ganh đua nhơ bẩn và những hoàn cảnh tranh chấp hiểm nguy. Phương thuốc trị liệu nhiệm mầu và công hiệu nhất để trị bệnh ganh tỵ là Tâm Hỷ .
-Bám víu vào những gì ưa thích, và bất toại nguyện với những điều không vừa lòng làm cho tâm bất an. Do sự phát triển Tâm Xả  hai tệ đoan đối nghịch trên có thể sẽ bị tiêu diệt dần dần.
         Ở nước ta, sau thời kỳ mở cửa, đời sống kinh tế có khá hơn,vật chất đầy đủ hơn nhưng đạo đức suy đồi rõ rệt.Người ta xem trọng tiền bạc và chạy theo nó vì nghĩ rằng nó có thể đem lại hạnh phúc cho mình. Mà muốn kiếm tiền dễ dàng thì phải có chức, có quyền từ đó sinh ra bao nhiêu điều tiêu cực như chạy chọt, hối lộ, tham nhũng, đấu đá nhau…Tiền bạc nhiều thì sanh tật:nhậu nhẹt, hút sách, ăn chơi sa đoạ từ đó bao nhiêu tệ nạn trong xã hội phát sinh vì có cầu thì tất sẽ có cung. Con người đánh mất chính mình do đó sẽ mất danh dự, địa vị, hạnh phúc gia đình và còn mang thêm bệnh truyền nhiễm nữa. Nguồn gốc mọi sai lầm trên đây, Đức Phật đã dạy rất rõ trong Kinh: Đó là vì con người “chấp cái ta và cái của ta”:Ai đụng chạm đến cái Tôi thì tôi liền tự ái và nổi sân lên.Còn để vun bồi cho cái của tôi thì tôi nổi lòng tham lên và không chừa một thủ đoạn nào .Vậy chữ THAM-SÂN-SI phải được đổi lại là SI-SÂN-THAM vì  SI là đầu mối của SÂN và THAM.
         Nếu chịu khó suy nghĩ một chút thì người ta thấy đời là vô thường, đâu có gì bền vững. Ngay cả cái thân của mình, mình cũng không làm chủ được nó (vì nó chịu sự chi phối của định luật của thiên nhiên:Sinh,lão,bệnh,tử dù mình không muốn thế).Thân này còn không phải của mình thì những vật ngoài thân lại càng không phải của mình dù đó là vợ, con, nhà cửa, của cải…Thấu hiểu lẽ Vô thường, ta sẽ có một cái nhìn mới mẻ và đúng đắn hơn về cuộc đời :Đời người như giấc mộng, không có gì là bền vững, kể cả sức khoẻ, sắc đẹp, tiền tài, danh uy, người thân …Chính vì thế mà mình nên để Tâm buông xả,không chấp vào một điều gì, không dính mắc vào bất cứ cái gì (Được-mất, Khen-chê,Vinh -nhục,Vui-khổ). Tâm Xả ở đây xuất phát từ sự hiểu biết, niềm cảm thông, lòng bao dung. Xả là lòng an tịnh, quân bình, không phân biệt người với mình. Cái tôi càng nhỏ thì Tâm Xả càng trọn vẹn:
-Từ Tâm Xả này, ta sẽ có Tâm  Hỷ nghĩa là vui với cái vui của người may mắn,hạnh phúc hơn mình  thay vì có tâm ganh ghét một cách nhỏ nhen.
-Từ Tâm Xả này,ta sẽ có Tâm Bi nghĩa là thương những người nghèo đói, bị bệnh tật, gặp hoạn nạn, đau khổ về thể xác và tinh thần.
-Từ Tâm Xả này, ta sẽ có Tâm Từ nghĩa là thương yêu tất cả mọi người, mọi sinh vật một cách không phân biệt, thậm chí đến cả cỏ cây.
       Vậy để dễ thực hành “Bốn Tâm vô lượng”này, thay vì trước đây ta hay nói:TỪ-BI-HỶ-XẢ thì giờ đây, ta nên đọc thầm nhưng ngược lại :XẢ-HỶ-BI-TỪ.

IV-KẾT LUẬN Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, chúng ta khó có thể làm gì để xoay ngược tình thế.Tuy nhiên, nhớ lời Đức Phật dạy: “Tâm bình, thế giới bình” và lời người xưa đại ý nói rằng: “Trong bóng tối, thà thắp lên một đốm lửa còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”, tôi cố gắng tự sửa mình theo lời dạy của Đức Phật về Tứ vô lượng Tâm để làm một mồi lửa nhỏ cho các bạn cùng thắp sáng các ngọn lửa khác với ước mong thế giới chúng ta, nếu không thì cũng là thế giới của con cháu chúng ta, hưởng được thái bình thật sự.

Chú thích: Bài “Tứ vô lượng Tâm”được trích từ quyển “Đức Phật và Phật Pháp”(The Buddha and his teachings) do Ngài Narada Maha Thera, một vị Đại Đức người Tích Lan viết và tu chính năm 1980 và đã được Cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch ra tiếng Việt.Tôi đã dựa phần lớn vào các lời dạy của Đại Đức Narada để triển khai và ứng dụng trong thời đại của chúng ta. Kính xin tri ân Đại Đức Narada và Cư sĩ PK.Khánh.
xem thêm lợi ích của chữ nhẫn trong việc giảm stress

2 nhận xét:

chung ta la mot nói...

một bác sĩ có tâm từ mẫu
có gì hay tôi sẽ gửi cho bạn những gì hay và bạn cũng vậy nhé !

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

cảm ơn bạn chung ta la mot