Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Sức mạnh to lớn của cái gọi là "Chúng Ta"

STÉPHANE HESSEL (S. H): Thế giới không biến chuyển một cách nhanh chóng như chúng ta hằng mong mỏi, thế nhưng thật ra thì nó cũng đang thay đổi. Thông điệp của Ngài là một thông điệp mang lại sự tin tưởng và lòng can đảm. Riêng tôi thì tôi cũng cố gắng nói lên điều đó mỗi khi tôi có dịp tiếp xúc với giới trẻ và bằng khả năng giới hạn của mình mà thôi. Tôi nói với họ rằng hoàn cảnh tuy chưa thật thuận lợi, thế nhưng không nên đánh mất lòng tin và sự nhiệt tâm của mình, và luôn phải tìm cách để chứng tỏ lòng can đảm ấy của mình. Mọi sự rồi sẽ dần dần thay đổi, hoặc cũng có thể sẽ xảy đến một cách bất thần. Điều quan trọng nhất là không nên hành động một mình mà phải luôn sát cánh với các người khác. Thế hệ trẻ thuộc vào đầu thế kỷ XXI này được thừa hưởng nhiều lợi điểm hơn so với chúng ta trước đây nhiều. Ngày còn trẻ may ra thì đôi khi chúng ta cũng có thể điện thoại cho nhau, thế nhưng nào có biết e-mail, iPad, v.v... là cái gì đâu ? Ngày nay, con tôi, cháu tôi và cả chắt của tôi nữa, đứa nào cũng sử dụng các thứ ấy. Một lời nói đúng hay một hình ảnh gây ra xúc động mạnh ngày nay có thể truyền đi khắp thế giới một cách nhanh chóng.

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA (Đức ĐLLM): Thật thế các kỹ thuật tân tiến ngày nay quả đúng là một lợi điểm thật to lớn.

S. H. : Cái xã hội tân tiến của chúng ta thật ra hết sức mong manh. Cứ tưởng chừng như nó đang sụp đổ đến nơi. Chính vì thế nên biết đâu sự biến đổi cũng có thể xảy ra nhanh chóng hơn so với các thế kỷ trước đây. Phải mất biết bao nhiêu thế kỷ tranh đấu để con người dám nói lên về nhân quyền? Bốn hay năm thế kỷ? Thưa Ngài Thánh Thiện, Ngài có một lợi điểm vô cùng lớn lao là được thừa hưởng những giá trị tinh thần lưu lại đã từ hàng nghìn năm, và sức mạnh của các giá trị ấy không có gì có thể lay chuyển được, bằng chứng là qua biết bao nhiêu thế kỷ thử thách thế nhưng cái tinh thần ấy vẫn vững mạnh và còn đó. Đối với chúng tôi thì nào chúng tôi có thừa hưởng được những thuận lợi như thế đâu. Chúng tôi chỉ biết trông cậy vào những gì xảy ra vào thế kỷ XVI, bởi vì vào thế kỷ này thì Âu Châu mới bắt đầu thay đổi, và chiều hướng đó ngày càng trở nên rõ rệt hơn nhờ vào các cuộc cách mạng Pháp, Hoa Kỳ và Nga Sô. Dù bằng cách nào đi nữa thì lịch sử của chúng tôi cũng chỉ được hình thành một cách tuần tự. Thế nhưng đối với Ngài thì tôi có cảm giác rằng Ngài đang bình chân trên một mảnh đất thật vững chắc, một nền tảng thật lâu đời đã từ nghìn năm lưu lại.

Đức ĐLLM : Truyền thống tín ngưỡng Do Thái và Ki-tô Giáo cũng rất lâu đời! Riêng cá nhân tôi thì tôi vẫn tin rằng các anh chị em thuộc Ki-tô Giáo đã mang lại thật nhiều lợi ích quý giá trong các lãnh vực giáo dục và sức khoẻ khắp nơi trên thế giới. Những gì Phật Giáo thực hiện được thì rất là ít. Đối với Hồi Giáo thì khá giới hạn và Ấn Giáo cũng thế. Gần đây tôi có tham dự lễ kỷ niệm ngày mất của mẹ Theresa tại Calcutta, tôi mượn dịp này để nêu lên là sở dĩ bà đã có được sức mạnh nội tâm và lòng quả cảm như thế ấy là nhờ vào tín ngưỡng Ki-tô Giáo và tình thương yêu của bà đối với Thượng Đế. Thật hết sức kỳ thú khi cảm thấy mình được đến gần với Trời, thế nhưng ngược lại thì điều đó cũng sẽ khiến cho chúng ta không quan tâm đúng mức đến việc phải cải biến chính tâm thức mình. Đối với Phật Giáo thì Đức Phật đã từng nói với tất cả các đệ tử như sau : "Không nên chỉ biết dựa vào sự sùng kính và đức tin để chấp nhận giáo huấn của Ta, mà chỉ nên chấp nhận nó khi nào đã nghiên cứu nó thật cẩn thận". Phép tu tập đó sẽ giúp chúng ta biết ý thức nhiều hơn đến trách nhiệm của chính mình: Thượng Đế của các tín ngưỡng Do Thái và Ki-tô Giáo thì nhận lãnh tất cả trách nhiệm về mình (về những gì do mình sáng tạo và những gì xảy ra), thế nhưng Đức Phật thì lại đặt trách nhiệm lên hai vai của các đồ đệ của Ngài!

S. H. : Xin cám ơn Ngài đã nhắc nhở cho chúng tôi biết là phải tập gánh vác trách nhiệm của con nguời.

Đức ĐLLM : Vâng đúng thế, chúng ta có thể đem ra áp dụng nguyên tắc tương liên nhằm phát động cái gọi là "Chúng Ta" thật to lớn đó, tức gồm toàn thể cả địa cầu này. Cái "Chúng Ta" ấy đáng giá hơn nhiều so với cả một tòa tháp "Chọc Trời". Thế nhưng hiện tại thì chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi tình trạng cách biệt giữa "chúng  ta" và "người khác". Cái biên giới chia cách đó bắt rễ quá sâu trong tâm thức chúng ta khiến cho chúng ta chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của riêng mình mỗi khi có tranh chấp, và đôi khi còn tệ hơn nữa tức là còn tìm cách khai thác hay hăm dọa cả những người láng giềng của mình nữa. Đấy là nguồn gốc sinh ra bạo-lực và chiến tranh. Dù sao đi nữa nếu biết ý thức được ý nghĩa của tình huynh đệ toàn cầu là gì thì con tim mình nhờ đó cũng sẽ mở rộng ra một cách tự nhiên hơn. Chúng ta cũng sẽ biết hành động sáng suốt và ngay thật hơn, để mang lại cho chúng ta sức mạnh nội tâm và sự tự tin, tự tin nơi mình và đối với người khác nữa, và đấy cũng là cách giúp mình phát lộ được tình nhân ái. Tôi thường nhớ lại khoảng thời gian sáu mươi năm sau này trong cuộc đời tôi, trong cái khoảng thời gian đó tôi đã từng trải qua không biết bao nhiêu sóng gió. Tôi đã từng phải chịu đựng nhiều thảm trạng cũng như các cảnh huống thật nặng nề, thế nhưng dù sao đi nữa thì tôi vẫn chưa được nếm mùi của những ngày tháng mà ông bạn của tôi đã bị giam cầm trong các trại tập trung...

S. H. : Cái thời gian đó cũng không đến nỗi quá dài trong trường hợp của tôi... Vì thật ra thì tôi cũng chỉ bị nhốt trong trại tập trung có mười tháng!

Đức ĐLLM : Tất cả các khó khăn đến nay vẫn còn nguyên vẹn, và cả sự sợ hãi nữa, thật là điều đáng buồn. Dù sao đi nữa thì trong những lúc ấy tôi vẫn cảm thấy tâm thức tôi luôn trong tình trạng an bình.

Nguồn : Đức Đạt-lai Lạt-ma và Stéphane Hessel - Vì sự tiến bộ tinh thần / Hãy cùng tuyên bố Hòa Bình ! Tác gỉa : Sylvie Crossman & Jean-Pierre Barou

Không có nhận xét nào: