Thanh Tuyền (nhituongsite.com)
1. Mỗi người có mỗi mùi tết khác nhau. Mùi ở đây không chỉ cảm
nhận lộ liễu qua khứu giác mà đó là mùi tổng hợp được từ tất cả các giác quan
nhìn, nghe, sự nếm trải, cảm nhận trong cuộc đời. Có người là mùi của nỗi buồn,
sự dằn vặt, nỗi cô đơn, có người là mùi của nôn nao, có người là mùi của hạnh
phúc, thậm chí có cả mùi của lòng thù hận tùy theo hoàn cảnh, sự việc, thời
gian… Mùi tết thức dậy, cồn cào trong mỗi con người, đôi khi chỉ là rổ kiệu, miếng
măng khô, lát mứt… Kỷ niệm tràn về, cảm xúc có khi không thắng lại được.
Ngày còn nhỏ, với tôi, mùi tết luôn là mùi gừng, mùi của ấm
áp và có cả điều bí mật của sự tĩnh lặng. Quãng giữa tháng chạp mẹ tôi bắt đầu
khệ nệ hết thau to đến thau nhỏ, hết xâm đến luộc rồi xả… và cuối cùng là công
đoạn sên nước đường; hết gừng rồi đến bí, khoai lang, cà chua... Tôi chẳng bao
giờ biết được những ngày của tháng cuối cùng trong năm đó, đêm đêm ngồi một
mình trăn trở những miếng mứt mẹ tôi đã nghĩ gì? Hết mứt rồi đến bánh. Đậu
xanh, bánh thuẫn, bánh in… Phải gửi gấm vào đó biết bao tình thương yêu mẹ tôi
mới có thể làm từng ấy công việc, trong yên lặng, chẳng phàn nàn điều gì. Hai
mươi tháng chạp mẹ tôi lại trút măng ra ngâm nước. Những miếng măng đầy đặn, đụt
ngắn, cỡ lóng tay và mặt lưng phải không được có mắt. Măng phải đạt yêu cầu sao
cho hầm đi hầm lại vẫn mềm, dòn, không rã. Mẹ tôi nói, hầm măng là cả một quá
trình đong đếm lòng kiên nhẫn và chịu khó. Luộc, xả, rồi luộc rồi xả… Trước khi
luộc phải rửa sạch từng miếng măng. Cái quy trình không có sách vở nào dạy cho
biết đến bao lâu thì được mà chỉ hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm. Có thể đó là
kinh nghiệm từ năm cũ hay từ nhiều năm trước, cũng không loại trừ kinh nghiệm từ
thời bà tôi để lại. Tôi cũng không thể nào biết được mẹ tôi đã nghĩ gì trong những
đêm khuya con cái đang học bài hay đã đi ngủ, chỉ mình bà ngồi yên lặng một
mình dưới ánh đèn nhỏ tược từng miếng măng.
Ba tôi vốn là một người thích đãi đằng. Với tạng người gầy,
tầm thước, ông không ăn được bao nhiêu nhưng cứ thích mẹ tôi làm nhiều thứ, phần
để ông ơn nghĩa, phần để ông mời mọc bạn bè. Và như thế, mẹ tôi còn làm nhiều
thứ như giò lụa, giò thủ, nem chua… Tùy theo yêu cầu đặt ra của ông chồng có
tính hào phóng.
Những thức ăn mùa tết thu hẹp dần mà có lẽ, do tuổi tác càng
nhiều khiến mẹ ngày càng nhác và sau này ba tôi cũng bớt dần các khoản đãi đằng
cho tới ngày ông qua đời thì mẹ tôi chấm dứt hẳn những soong to, nồi bé, chão mứt,
tràng bánh…
Thỉnh thoảng nhớ tết xưa, mẹ tôi hay chặc lưỡi, cả chục ký
đường, cả chục cân thịt, ngày đi chợ mấy bận vẫn không nhớ để mua cho hết các
thứ. Bây giờ mẹ có muốn cũng không làm nổi nữa, con ơi!
2. Mùi tết đối với tôi còn là mùi khói, mùi lá mục, mùi đất,
mùi sương sớm, mùi cao nguyên… Hơn hai mươi năm làm vợ, tôi chỉ làm dâu
có mấy ngày tết. Mà đâu có phải làm dâu?
Khi chúng tôi về đến nhà chồng luôn là ngày cuối cùng của
năm. Những cái bánh chưng đã ráo nước, những chùm nem, nồi măng, thịt kho… sắp
sẵn trên bàn hay trong bếp chờ tết. Chưa kịp dòm ngó cho quen bếp của mẹ chồng
có những gì thì sáng hôm sau đã là mùng một. Buổi sáng sớm khi chúng tôi còn nằm
trong chăn dày thì mẹ chồng đã trở dậy lục đục sau nhà. Luôn là mùi khói lẻn
vào tận mùng đánh thức tôi; nhưng, tôi thích nằm lơ mơ chút nữa, tận hưởng sự ấm
áp của chăn nệm, sự yên tĩnh của buổi sớm cao nguyên, tiếng gà lục cục, tiếng
soong, tiếng bát của mẹ chồng. Để rồi, khi tôi vào bếp luôn là câu nói của mẹ
chồng, có việc gì đâu mà chị dậy sớm?
Tôi thích ngồi trên cái đòn nhỏ cạnh bà và khều lửa trong
cái bếp kiềng ba chân để nghe tiếng nổ lách tách. Chúng tôi nói với nhau
những chuyện tưởng như không có năm dài xa cách, như mới vừa đây thôi cũng chuyện
làng xóm trên, xóm dưới, chuyện mấy đứa nhỏ học hành... Và, khi mấy anh em
trong nhà đủ mặt ở gian bếp thì mẹ chồng hay em dâu hay em chồng lại chuẩn bị
cho một ngày đầu năm với các thứ mà mẹ chồng tôi đã lo tươm tất đâu đó bắt đầu
từ giữa tháng chạp. Và, tôi cũng chẳng bao giờ biết được trong những ngày tháng
cuối cùng của năm đó, ngồi lau từng miếng lá chuối, thái từng miếng thịt, gói từng
cái bánh, cũng một mình, lặng lẽ, mẹ chồng tôi đã nghĩ gì!
Mẹ chồng tôi giờ cũng đã cao tuổi lắm rồi nhưng bà vẫn còn mạnh
khỏe để cho những đứa con trở về có một cái tết ấm áp, không những thế còn có
cái cho chúng mang đi. Năm rồi, tôi không về tết quê chồng. Nhìn những cái bánh
chưng của mẹ chồng gởi xuống tôi muốn rớt nước mắt. Còn đâu những cái bánh đầy
đặn, vuông vức, vạm vỡ, vững chãi ngày tôi mới về làm dâu? Những cái bánh bây
giờ nhỏ đến thương. Tôi hiểu, sức khỏe bà đã giảm sút đi nhiều lắm, gói mấy cái
bánh chưng cho con cái có mùi tết với người ta là cố gắng quá mức rồi. Những
đứa con của mẹ chồng tôi có người cũng đã gần sáu mươi. Liệu bà có trăm tuổi để
có thể gói mãi cho chúng tôi những cái bánh chưng đầy tình thương yêu đó? Chẳng
ai thoát khỏi quy luật của đời người!
3. Có một thời gian dài, mùi tết của anh tôi là mùi của những
phiên chợ hiu hắt chiều cuối năm. Công trình tận trong một vùng núi sâu. Muốn về
thành phố phải bắt mấy chặng xe. Anh tôi nói, thật khó tả cảm xúc chiều cuối
năm khi mình vẫn còn lang thang trên đường, nhìn mấy tay thương hồ ngồi uống rượu
hay đếm tiền, có người vẫn còn bao thứ chưa bán hết. Không biết họ vui hay buồn
hay lo lắng, chỉ thấy họ ngồi lặng lẽ và không hiểu họ nghĩ gì? Anh tôi có lần
nói thế!
Thời gian loay hoay nhanh đến thảng thốt. Những cái tết đi
qua. Chu kỳ thời tiết năm nào cũng như năm nào; nhưng có lẽ, lòng người cũng
thay đổi theo từng mùa tết tùy theo hoàn cảnh gia đình. Có gia đình náo nức chờ
con cái đi xa về thì cũng có gia đình ngậm ngùi tưởng nhớ lại mới năm ngoái đây
người thân vẫn còn….
Lặng lẽ làm công việc của người mẹ lo cho con cái có được
mùi tết ấm áp, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi và mẹ chồng tôi. Thời gian chẳng chừa một
ai. Tôi muốn nói lời cám ơn cuộc sống khi mình vẫn còn cảm nhận được mùi tết là
mùi của hạnh phúc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét